Hôm nay,  

Thằng Tý Con Là Con... Thằng Tý

18/11/201700:00:00(Xem: 14226)
Tác giả: Phan

Bài số 5272-19-31116-vb7111817

 
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài Phan mới viết là tùy bút về mùa Lễ Tạ Ơn đang tới.

 
***

1.
 

Tôi với anh Tỵ là bạn làm chung hãng từ những ngày mới qua Mỹ. Chúng tôi làm chung với nhau được bảy năm thì tôi xin nghỉ để đi làm hãng khác. Sau đó anh cũng đi hãng khác vì lương công nhân ở hãng xưởng thời ấy đã không còn lên nổi nữa vì đã lên tới hết mức của lương công nhân.

   Những năm tháng mà chúng tôi ăn trưa chung bàn, làm việc chung xưởng; cuối tuần tôi hay đến chơi, ăn uống ở nhà anh. Năm ấy thằng Tý mới đi lớp một. Nó là một đứa bé trai có nhiều nét con gái. Nó trắng trẻo, mắt mũi đều đẹp như con gái đến nỗi dì Út của nó tức thằng cháu trai không nhường cho dì…

   Thằng bé ngoan vì được giáo dục kỹ nên tôi cũng thường ẵm bồng, cho quà nó khi gặp gỡ cuối tuần.

   Rồi bẵng đi một thời gian ít gặp vì tôi với anh Tỵ đã làm khác hãng, khác giờ giấc. Chúng tôi chỉ gặp lại khi cùng đi đám cưới, đám tang ở địa phương hoặc thỉnh thoảng gọi điện thoại thăm hỏi nhau. Nếu tình cờ gặp nhau ở chợ búa thì đi ăn, uống cà phê với nhau; và nếu gặp nhau ở hàng quán thì cả hai bận việc gì cũng bỏ, để làm vài chai bia kể lể tâm tình…

Nhưng bất ngờ nhất là tôi gặp lại thằng Tý ở tiệm bán đồ một đồng của Mỹ. Nó nhìn ra tôi chứ tôi không nhìn ra thằng bé mới năm nào nay đã là một thanh niên. Nó chào hỏi tôi trước,

“Chú khoẻ không? Lâu quá không gặp, chắc là chú không nhìn ra con rồi! Con là thằng Tý, con của ba Tỵ nè!”

   “Ồ, Tý. Đúng là chú không nhìn ra con. Bây giờ con lớn quá rồi! Con đi học sao rồi, mà giờ làm ở đây?”

   “Dạ. Con đang học lớp 12. Ba con mua cho con xe, mẹ con mua cho con bảo hiểm. Con đi làm thêm ngày/ hai tiếng để kiếm tiền đổ xăng… Tại con muốn tập lái xe cho rành để sang năm con đi đại học thì con tự lái.”

“Ừ. Vậy cũng được. Nhưng có học bổng gì không?”

“Dạ. Con được học bổng toàn phần ở trường Austin rồi chú. Nên con mới tính tập lái xe cho rành để tự con lái đi học, lái về nhà…”

“Giỏi. Ráng lên nghe con.”

“Dạ chú.”

“Cho chú gởi lời thăm ba của mẹ con. Con về nói với ba con, hôm nào có dịp thì nhớ gọi chú đến nhà con chơi nha.”

“Dạ chú.”

   …

 
   Tôi chưa về đến nhà đã gọi anh Tỵ lúc lái xe. “Sao anh cho thằng Tý đi làm làm gì, chỉ đủ tiền đổ xăng thì sao không để cho nó ở nhà, lo học, sẽ có lợi hơn!”

“Biết vậy! Nhưng ý thức tự lập là điều đáng khuyến khích. Nó cũng trải qua mấy năm ương bướng trong nhà rồi. Nhưng qua tuổi đó thì chững chạc ra. Từ năm lớp 10 đã đi làm thiện nguyện nhiều. Lên lớp 11 thì mẹ chở đi làm thêm mỗi ngày hai tiếng để kiếm tiền đóng học phí học lái xe… ‘Tại sao chuyện con có thể tự lo mà ba mẹ cũng giành’. Nghe nó nói đã chưa? Mẹ nó xót ruột chứ tôi ủng hộ tính tự lập. Nó là con trai thì phải vậy thôi…”

   Nói vậy với nhau rồi quên đi vì tôi với anh cùng cày tối mặt để trả tiền nhà, tiền xe, con cái tới tuổi đi đại học. Những tháng nóng đổ lửa ở xứ này vừa dịu bớt thì mùa lễ đã về. Chúng tôi chỉ biết đi làm cho tới hết sức thì về ngủ để mai lại đi làm. Khi chợt nhớ tới nhau thì gọi điện thoại thăm hỏi nhau đôi lời là cùng. Nhưng ấm lòng vô cùng khi cúp điện thoại là mình may mắn có một người bạn có thể nói nhau nghe bất cứ chuyện gì!

Đến hôm trời lại trở lạnh nữa rồi. Anh gọi mời tôi đến nhà anh ăn tiệc lễ Tạ ơn với gia đình anh. Vì mấy tháng trước thằng Tý tốt nghiệp trung học, chuẩu bị đi đại học. Anh có mời tôi ăn tiệc nhưng tôi bận quá, chỉ gởi cho cháu chút quà.

Lễ Tạ ơn năm ấy tôi đến nhà anh Tỵ.

Vẫn căn nhà xưa đã cũ hơn xưa, anh chị già đi không nhiều vì đời sống của họ bình lặng lắm. Chỉ thằng Tý đã râu ria, trông ra dáng đàn ông. Thời gian tôi không lui tới nhà anh chị, không ngờ anh chị đã có thêm một cháu gái, em của thằng Tý đã mười tuổi, con bé xinh xắn, có vẻ mạnh dạn hơn cả thằng anh trai khi còn bé. Dì Út, người em gái của chị nhà khi xưa tôi thường gặp, người hay ganh tỵ với nhan sắc của thằng Tý, hồi đó cuối tuần thường về nhà anh chị Tỵ để ăn ké vì đang học đại học, thì nay đã có gia đình.

Thế là một bữa tiệc ấm cúng trong gia đình với người khách duy nhất là tôi, vừa thân với mọi người vì quen biết cũ, nhưng lại vừa xa vì cả chục năm mới gặp lại nhau.

Tiệc tàn. Bọn trẻ rút vô phòng chơi game. Còn lại vợ chồng anh Tỵ, vợ chồng cô em vợ của anh và tôi. Năm người ngồi trò chuyện như người nhà, bạn cũ gặp lại. Rồi thằng Tý với hai người bạn Mỹ của nó mới ra phòng khách xin phép cho chúng nó đi chơi một chút. Vì thế câu chuyện về hai người bạn Mỹ của thằng Tý mới được chị nhà kể ra.

Chị kể, “Hôm trước khi thằng Tý về nhà nghỉ lễ Tạ ơn. Nó gọi xin chị cho hai người bạn của nó được về nhà ăn lễ vì cả nhóm bạn ở chung ký túc xá đều tiệc tùng chia tay nhau để đứa nào về nhà đứa đó ăn lễ với gia đình. Nhưng hai đứa bạn này không có gia đình để về. Thằng Tý thấy tội nghiệp nên xin cho chúng về nhà này ăn lễ cùng gia đình…”

Trò chuyện thêm mới biết, người bạn trai Mỹ trắng của thằng Tý là một người đồng tính. Anh ta xuất thân từ Viện mồ côi. Học giỏi nên có học bổng toàn phần. Ngày anh bước chân ra khỏi Viện mồ côi cũng là ngày bước chân vào đại học. Anh hẹn với các Sơ đã nuôi dạy anh từ bé, “Con học xong bốn năm mới về thăm các Sơ, vì con không có tiền.” Thằng Tý thấy tội nghiệp nên xin cho nó về nhà nghỉ lễ, ăn tiệc… Hôm qua về tới nhà, thằng Tý nói nhà tao nè. Tụi bay vào đi. Con bạn gái không dám vào vì không tin là gia đình thằng Tý giàu quá vậy? Ở nhà xây bằng gạch! Còn thằng Mike thì ở Viện mồ côi nên chỉ cầm bằng hai tay, đưa miếng thịt bò bằng bàn tay lên miệng cắn. Thằng Tý phải dạy nó cầm dao, nĩa để cắt miếng thịt trên dĩa ăn. Ăn xong, nó biết dọn bàn. Rồi nó hỏi, có cần nó lau nhà không? Chị nhà trả lời: không cần. Thế là  nó xin chị cho nó ôm chị một cái vì lời cảm ơn không đủ cho lần đầu tiên trong đời nó được ăn một mình một miếng thịt bò to như vậy!


Chị chậm nước mắt vì không kềm nổi xúc động dù chuyện đã thuộc về hôm qua.

Hôm nay, chỉ kể lại thôi mà chị vẫn còn xúc động nhiều vì nhớ ra năm chị mười chín tuổi như nó bây giờ, chị cũng chưa từng được ăn qua một miếng thịt bò to như thế! Dù chị có cha mẹ, anh chị em, có gia đình, và cả họ hàng nội ngoại hai bên nữa. Nhưng tuổi nhỏ của chị rơi vào thời chiến tranh, tuổi trẻ của chị rơi vào thời nhà tan cửa nát; gia đình ly tan sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền nam.

Chị thấy thương thằng bé mồ côi, thật khó tin nổi một người Mỹ sinh ra trên nước Mỹ mà mười chín tuổi đầu mới được lần đầu tiên ăn miếng thịt bò to như bàn tay, không biết xài dao, nĩa ra làm sao? Chị nghĩ về mình, nếu vượt biên không thoát thì không chừng giờ này chị cũng chưa được ăn miếng thịt bò to như bàn tay dù con chị đã mười chín tuổi chứ không phải chị mười chín tuổi. Nếu anh Tỵ không vác thằng Tý như con mèo ướt trên vai, liều mạng vượt biên thì giờ đây chị đâu có đứa con trai ngoan hiền, nghị lực, giỏi giang mà lại biết thương bạn bè nghèo khổ mới càng đáng qúy vì đọc báo về giới trẻ trong nước bây giờ thấy sợ quá!

    Chị kể chuyện con bạn gái Mỹ trắng của thằng Tý. Nó phụ chị rửa chén dĩa sau bữa tối hôm qua. Một con bé hiền lành, học giỏi, nhưng nó như một khúc gỗ qúy mới đốn ở rừng về. Nó không biết gì hết ngoài việc học.

   Rửa chén dĩa xong, nó trò chuyện với chị đến rất khuya như một đứa trẻ gặp lại mẹ mình sau thời gian xa cách. Hoàn cảnh nó có cha mẹ, nhưng một hoàn cảnh gia đình còn tệ hơn là mồ côi như thằng Mike, thà đau lòng rạch ròi với thân phận mồ côi rồi từ đó nguôi ngoai còn hơn vết thương gia đình cứ từng ngày khôn lớn với nó. Nó có nhiều anh em nhưng hai người con riêng của ba không thích hai người con riêng của mẹ; nó là con chung của hai người nên bốn người anh em không thích nó. Chán nhất là khi nó bắt đầu hiểu biết thì cứ lâu lâu ba nó lại từ chối nó không phải con tôi mà là con của thằng nào… Mẹ nó đập phá tan cửa nát nhà, thì say xỉn tới mất việc làm, bị cảnh sát bắt vì uống rượu lái xe…

Con bé cũng ngày bước chân ra khỏi nhà để đi đại học là lần cuối cùng còn thấy mẹ mình. Cha thì kể như không vì ông ấy đã không về nhà nữa trước khi nó đi đại học.

Nó không dám xin chị đến lễ Tạ ơn năm sau lại cho nó được theo thằng Tý về nhà chị ăn lễ và nghỉ ngơi, vui chơi. Nó chỉ cảm ơn chị đã cho nó được sống trong thiên đàng một lần vào Lễ Tạ ơn trong đời nó là nhà chị.

Chúng tôi có năm người Việt nam, cùng ngồi chung bàn trà trong gian phòng khách của một căn nhà Mỹ trên nước Mỹ. Chúng tôi không hình dung nổi sự may mắn của mình là những người đã từng đói khổ từ một quê hương chiến tranh và hận thù. Nên lễ Tạ ơn năm đó rất có ý nghĩa với chúng tôi vì nơi ở, không khí gia đình của một gia đình tỵ nạn Việt nam được một cô bé người Mỹ bản xứ ví với thiên đàng mà cuộc đời mười chín tuổi của cô lần đầu được bước vào.

 
2.
 

Rồi thời gian với tuổi về chiều của tôi với anh Tỵ như bóng câu qua cửa. Đám trẻ thì học mờ mắt, trả nợ học ngập đầu. Tôi với anh thỉnh thoảng gặp nhau thì bù khú như mì ăn liền vì không ngờ mình đã già mau vậy ta! Nên hễ gặp là tranh thủ chén thù chén tạc…

Nhìn lại như hôm qua, thằng Tý đã lấy được bằng sáu năm ở Austin, rồi bằng tám năm.

Mùa lễ Tạ ơn năm ngoái. Anh chị Tỵ lại mời tôi đi ăn đám cưới thằng Tý. Nhìn nó tôi thấy được anh Tỵ của những năm chúng tôi mới qua Mỹ. Một thanh niên ở ngưỡng tuổi ba mươi, cao gầy, nhưng mạnh khoẻ, đẹp trai. Chỉ nhìn không ra con bé Mỹ quê mùa tới ngớ ngẩn vì thiếu giáo dục gia đình từ nhỏ thì nay đã ra dáng một nữ lưu trí thức với học vị tiến sĩ; một cô dâu xinh đẹp trong ngày cưới đã đành; nhưng còn hơn nữa kìa, “một đứa con dâu Mỹ hiếu thảo trong gia đình Việt” qua cái cách cô ấy để mắt tới cha mẹ chồng, quan tâm thực sự tới họ và cả gia đình bên chồng; cách ứng xử với người Việt của cô gái Mỹ thật dung hoà giữa hai dân tộc khi cô nói hai tiếng “Thank you” với bất kỳ ai là nói tiếp luôn hai tiếng “Cảm ơn”.

Quả thật giữa hai dân tộc Việt - Mỹ nên nói liền sau hai tiếng “Thank you là hai tiếng “Cảm ơn”. Chúng ta cảm ơn nhau nhiều hơn nữa mới phải từ sự thông cảm và cưu mang nhau sau một cuộc chiến vô tiền khoáng hậu mà người Mỹ, người Việt đã cùng đổ máu chung trong một chiến hào.

Chiến thắng cuối cùng đã thuộc về nhân bản. Chuyện màu cờ sắc áo nhất thời thôi…

Lễ Tạ ơn năm nay tôi lại có dịp đến nhà anh chị Tỵ ăn bữa tối trong sự ấm cúng của tình thân trong mảnh đời trôi dạt. Nhìn lại tuổi đời khi đến đây và thời gian sống nơi đây như hai mảng màu trừu tượng mà thế hệ sau là ánh sáng làm cho nó tươi vui hay bức tranh buồn bã?

Năm nay thằng Tý gọi điện thoại mời tôi, nó bảo chú tới nhà ba mẹ con ăn Lễ Tạ ơn với gia đình con nha chú. Chú nhớ đến nghe chú… vì chú lên chức ông rồi đó! Con sẽ cho chú ẵm thằng Tý con… Thằng Tý? Tý nào? Tôi chưa kịp hỏi thành tiếng thì đã nghe tiếng cười của thằng Tý. Thằng Tý Con là con của thằng Tý mà hồi nó còn nhỏ chú cũng ẵm nó hoài.

Sáng nay trời lạnh.

Ngày cuối tuần nên không phải đi làm. Tôi định gọi già Tỵ ra quán cà phê. Nhưng nghĩ lại để dành cho cuộc gặp tuần tới thêm đậm đà không khí hội ngộ.

Nghĩ thêm về Lễ Tạ ơn với đôi ba truyền thuyết còn lại trong sách sử cũng xuất phát từ lòng độ lượng trong mỗi người mà dân tộc nào cũng giàu lòng nhân ái như nhau. Càng đáng tin vào lòng nhân ái thuộc về nhân tính là khác biệc giữa con người với muôn loài. Những thể chế tuần hoàn sẽ hưng vượng rồi suy tàn, chỉ còn tồn tại trong vũ trụ bao la những tấm lòng tuy nhỏ bé nhưng đủ ấm để vượt qua mùa đông bằng sự thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ giữa con người với nhau.

Tạ ơn nhau mới là ý muốn của thượng đế. Ngài không cầu mọi người tạ ơn ngài mà quên nhau trong đời sống cộng sinh.

Thanksgiving 2017

Phan

 

Ý kiến bạn đọc
27/11/201705:02:58
Khách
Bài viết được sáng tác rất nhân bản và cảm động. Cảm ơn tác giả và cuộc đời khi chúng ta được sinh sống ở Hoa Kỳ, cái đất nước có câu nói đầu môi của mọi người là Thank you tức Cảm ơn. Happy Thankgivings. Mong bài viết sau.
23/11/201703:37:44
Khách
Điểm son của những bài viết của tác giả Phan luôn là một message về tình người, dù thấp thoáng trong mỗi câu chuyện là cái mặn chát của muối và đắng trong những mâu thuẫn tự bởi khác biệt văn hoá của Việt tị nạn trên xứ Cờ Hoa...
Rất thích bài viết mới của anh. Tuy chưa gặp mặt nhưng mượn nơi đây để nâng ly chúc sức khoẻ và mạnh mẽ sáng tác...nhé!
Happy Thanksgiving !!
21/11/201708:09:06
Khách
"Còn thằng Mike thì ở Viện mồ côi nên chỉ cầm bằng hai tay, đưa miếng thịt bò bằng bàn tay lên miệng cắn. Thằng Tý phải dạy nó cầm dao, nĩa để cắt miếng thịt trên dĩa ăn"
Chi tiết này hoàn toàn không hợp lý dù là ở viện mồ côi ở Mỹ.
Bài viết hỏng đi vì chi tiết này, thật đáng tiếc !
19/11/201715:29:15
Khách
Một câu chuyện hay vào dịp Lễ Tạ Ơn dưới ngòi bút đầy tình cảm của tác giả Phan .
19/11/201715:25:26
Khách
"Chị nghĩ về mình, nếu vượt biên không thoát thì ..."- Tác giả Phan.

Việt nam ngày nay dưới chế độ đảng Cộng sản "quang vinh" :

6/9/ 2014 - Phi Khanh/ Báo Người Việt : Bé Bảo Trâm, ở xã Trà Bui, Trà My, tỉnh Quảng Nam kể, “Nhà cháu chưa bao giờ có bánh Trung Thu”.
Có thể nói rằng phần đông trẻ em miền núi không có mùa Tết Trung Thu, tuổi thơ của chúng chỉ biết đến hái lượm phụ giúp gia đình và những chén cơm độn khoai sắn, những lớp học mà trường không ra trường, chuồng bò không ra chuồng bò… Một học sinh tên Phí, 10 tuổi : “Chỉ kiếm ăn mà còn phải vất vả như rứa thôi thì chuyện vui Trung Thu nghe xa quá xá là xa, tụi cháu chưa bao giờ biết bánh Trung Thu là cái chi cả".

8/9/ 2014 . Tác Giả: RFA : Theo một người mẹ tên Thu của bốn đứa trẻ ở Năm Căn, Cà Mau, trẻ em miệt Tây Nam Bộ ít có cơ hội cảm nhận mùa thu . Ngoại trừ một số trẻ em con nhà khá giả, cha mẹ có đủ tiền bạc thì chúng được hưởng Tết Trung Thu ấm áp, vui vẻ, còn những em bé nhà nghèo chiếm số đông không có Tết Trung Thu vì nhiều lý do khác nhau, nhưng lý do lớn nhất vẫn là bởi thiếu thốn mọi bề.
19/11/201702:15:30
Khách
Chịu nhất câu nầy nè Phan "Chiến thắng cuối cùng đã thuộc về nhân bản. Chuyện màu cờ sắc áo nhất thời thôi…"
18/11/201720:37:18
Khách
Cảm Ơn anh Phan
Một chuyen " ngắn " mà nói được đến ba thế hệ của người bạn minh .Noi được một tinh bạn lâu dài ,đẹp quá
18/11/201716:56:52
Khách
Bài viết hay quá!
Tình người vẫn là trên hết, phải không Phan?
Hằng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,259,102
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến