Hôm nay,  

Ở Nhà Thuê

16/11/201700:00:00(Xem: 14088)
Tác giả: Minh Nguyệt Graves

Bài số 5270-19-31114-vb5111617

 
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX.  Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.

 
***

Ai mới qua Mỹ hẳn cũng phải ở nhà thuê, mau thì vài tháng, lâu thì vài năm. Rất hiếm người khi mới qua mà đã có nhà riêng thoải mái.

Chuyện về những người chủ nhà “quái đản, kỳ cục” tôi được nghe nhiều, nhưng bản thân mình trải nghiệm, thì chỉ có một. Hôm nay, xin kể lại đây.

Tôi và hai đứa con gái có ở nhà thuê khoảng 3 tháng. Theo tôi biết thì bên Mỹ, ở nhà thuê khá phổ biến. Bạn có thể thuê nguyên cả căn nhà, ký hợp đồng hàng năm hay lâu hơn tuỳ thoả thuận, hay thuê một phòng, và trả tiền từng tháng một. Nhà ở đây, thường có một phòng lớn, gọi là Master bedroom có diện tích lớn hơn, và có phòng tắm và nhà vệ sinh riêng, còn các phòng nhỏ thường dùng chung phòng tắm và nhà vệ sinh.

Ngôi nhà tôi thuê có 2 tầng, tầng lầu có 2 phòng ngủ nhỏ và một phòng lớn, phần dưới của ngôi nhà là garage, bếp, phòng khách.

Chủ nhà là 1 phụ nữ Việt nam, đồng hương Huế của tôi, đã lớn tuổi nhưng không có chồng hay con cái gì cả. Theo lời bà kể, thì bà qua Mỹ cùng với cha mẹ, anh chị em, 10 người cả thảy vào năm 1990. Bà chưa bao giờ nói cho tôi biết tuổi thật, nhưng qua lời người em sinh đôi thì tôi có thể đoán, bà sinh năm 1950. Họ sinh đôi, nhưng không giống nhau về cả khuôn mặt lẫn tính cách.

Tôi biết họ vì học cùng lớp làm Nails, thời gian đó, cả hai chị em mới bị thất nghiệp, nên được Chính phủ tài trợ tiền đi học nghề.

Khi tôi đến thuê nhà, thì trong nhà đã có một cô gái độc thân tên Nga, cha mẹ cô là người Hoa, nhưng cô sinh ra ở Việt Nam, sau đó mới qua Mỹ nên cô nói tiếng Việt rành rõi. Cô làm cho công ty bảo hiểm và mua bán nhà cửa. Ba mẹ con tôi thuê một phòng nhỏ, cô gái thuê phòng Master, và bà chủ ở phòng còn lại.

Được khoảng gần một tháng, một bữa chiều tôi đi làm về, định nấu ăn thì thấy cái bếp trống “tổn hổn”, (bốn lổ hỗng của 4 cái lò, chỗ để khí ga thoát ra.) Thông thường bếp bằng ga có 4 lò để nấu, và trên mỗi lò sẽ có một cái khung sắt để gác soong chảo lên trên, nhưng bây giờ không có một cái khung bằng sắt nào cả!

Tôi lấy làm lạ, đợi đến tối, bà chủ nhà về mới hỏi, “Cái bếp không có cái khung ở trên thì làm răng mà nấu? Tối ni mấy mẹ con phải ăn mì gói rồi.”

Thì bà nói, “Nấu ăn nhiều tốn ga, chị để cái bếp điện ở ngoài garage, nấu ở đó cũng được.”

Tôi nhìn bà mà ngao ngán, một cái bếp điện nhỏ xíu, nấu tới khi mô mới xong thức ăn? Ngoài garage tối tăm, vì bà chỉ để 1 ngọn đèn nhỏ nên ánh sáng mờ mờ, tôi mới nói, “Đèn đóm kiểu ni, không cách chi "chộ đường" mà nấu ăn được!"

Hôm sau, khi bà đi vắng, tôi bắt đầu tìm quanh các ngăn tủ ở trong bếp, thì thấy mấy cái khung sắt bếp!

À ha! Bà dấu ở đây, giờ kiếm ra thì tôi đem ra dùng!

Tôi cười khoái chí, “sung sướng vô ngần!!!” vì đã có cách trị được bệnh kiết của bà chủ nhà.

Thật ra, trong thoả thuận thuê nhà, mình được quyền nấu ăn, với lại tiền ga rẻ lắm, chỉ có điều bà này kiết quá mà thôi.

Được mấy bữa, vô tình có ngày bà chủ nhà đi làm về sớm, thấy tôi nấu ăn, mới la, “Chị nói nấu ngoài garage, răng em nấu trong ni?”

Tôi nói, “Nấu ngoài đó lâu lắm, nếu chị không chịu em sẽ dọn ra liền ngày mai, chị phải trả lại tiền thuê nhà cho em.”

Bà chủ nhà nghe tôi nói cứng nên nhịn, phải để cho tôi nấu ăn trong bếp.

Vì ở Mỹ, một tuần đi chợ một lần, nên nhà nào cũng phải có tủ đá, tủ lạnh và trong nhà chỉ có một tủ lạnh, nên bà quy định, chia ra ai được dùng ngăn nào để cất thức ăn riêng của mình. Một bữa nọ, tôi thức giấc nửa đêm, chợt nhớ mình quên lấy thịt ra để mai nấu bún, nên đi xuống bếp. Trước mắt tôi là bà chủ nhà, đứng quay lưng lại, đang múc ice cream từ hộp kem của bé Vy ra ăn ngon lành!!!

Tôi nói, “Chị muốn ăn thì múc ra chén, chơ ai lại lấy muỗng ăn ngay trong hộp kem rứa? Ai mà dám ăn lại nữa? Cho chị cả hộp kem luôn đó.”

Bà chủ nhà nói, “Ăn miếng coi ngon hay dở thôi, làm chi dữ rứa?"

Sau một tháng thì cô Nga dọn ra, vì cô nói nhà bây giờ hơi đông, cô không thích ở đây nữa.

Bà chủ nhà mới hỏi tôi, "Em Minh có muốn thuê phòng lớn để 3 mẹ con ở cho thoải mái hơn không? Phòng cũ 300, phòng lớn 400 (năm 2002). Tuy thêm 100 nữa, nhưng mọi thứ đều được dùng riêng.”

Tôi nghe có lý, nên đồng ý.

Ba mẹ con dọn qua phòng lớn, có restroom và phòng tắm riêng, có 2 cửa sổ lớn, trong phòng rộng rãi có chỗ đi lui đi tới. Ba mẹ con chỉ có cái tấm nệm ngủ để dưới sàn, chứ không có giường. Tủ bàn cũng chẳng có cái gì cả, hai đứa nhỏ ngồi học dưới sàn luôn. Tài sản chỉ có cái TV nhỏ tôi mua từ garage sale để coi cho đỡ buồn.

Được mấy hôm, có một chị người Việt nam, chị An mới ly dị chồng dọn tới thuê phòng.

Khoảng 1 tuần sau, bà chủ nhà hỏi “Em Minh à, có cái ông này muốn thuê phòng.”

Tôi nhìn bà, “Có liên quan chi tới em mô?”

“À, có chút xíu. Chị muốn hỏi em cái này.” Bà chủ nhà nói.

Tôi bắt đầu tò mò, “Mà nhà ni còn cái phòng mô nữa mà cho thuê, hay chị cho thuê cái phòng khách? Ừ, mà cả tháng có thấy chị có khách mô, huống chi cái phòng nớ cũng không có bàn ghế chi, giờ chị làm thành phòng ngủ nghe cũng có lý.”

Bà chủ lắc lắc đầu, “Không, không phải vậy, Chị định cho thuê phòng của chị, rồi chị vô ở phòng chung với em. Chị chỉ cần để một cái nệm nhỏ thôi, rồi chị giảm tiền thuê nhà cho em 100 đô.”

Tôi nhìn bà sững sờ, như thể “Trời đang nắng bỗng dưng mưa!” vậy,

-“Chị có bị chi không rứa? Em thuê phòng lớn để được thoải mái, chừ cho chị vô ở chung, vừa mất tự do, vừa để chị kiếm thêm tiền, ai đồn em ngu rứa? Chị cho thuê cái phòng của chị để kiếm 300, rồi quay qua ở chung với em tốn chỉ 100, lợi được 200. Mà người ta đi ở thuê để có khoảng không gian riêng tư, chơ điên chi cho người lạ vô ở chung phòng! Đầu chị có bị chi không rứa?”

Bà nguýt tôi một cái thiệt dài, “Thì đàn bà mình ở chung với nhau, có chi mà quan trọng?”

Tôi bắt đầu cáu,

-“Chị kiết vừa thôi. Nhà cho thuê để lấy tiền, mà bếp thì không muốn người ta nấu; nhà mùa hè mà vặn 85 độ, nóng chịu không nổi; máy lạnh thì làm cả cái hộp có khoá lại, vì sợ người ta điều chỉnh nhiệt độ! Mấy ngọn đèn ở giữa nhà thì tháo ra bớt kẻo sợ buổi tối thắp tốn điện. Nước thì nghe tiếng nước chảy hơi lâu, chị cũng hỏi, chừ tới bản thân mình mà cũng không có được cái chỗ để ngủ thì thử hỏi, trên đời ni có mấy người như chị?”

Đúng là trong đời tôi, chưa bao giờ gặp một người như cái bà chủ nhà này!

Không phải bả không có tiền để mua xe, mà là không muốn tốn tiền mua bảo hiểm xe và tiền xăng, bảo trì xe, nên bà không có xe, luôn luôn đi nhờ xe, của chị em trong gia đình, hay người quen, hàng xóm, nhưng không thấy đó là điều kỳ cục làm phiền người khác.

Vì lúc tôi dọn tới nhà này, năm học của 2 đứa con gái chỉ còn 2 tháng là kết thúc, nên tôi vẫn để cho tụi nó đi học ở trường cũ, không chuyển qua trường mới, sợ ảnh hưởng tới việc học của tụi nó, tội nghiệp. Chỗ ở mới bên Pflugerville, mà hai đứa nhỏ thì đang học trường ở Wellsbranch, không có xe Bus đưa đón. Sáng nào tôi cũng chở tụi nhỏ tới trường, chiều 3 giờ tới đón về.

Bà chủ nhà biết vậy, nên sáng nào cũng nhờ tôi chở dùm ra ngoài cây xăng gần xa lộ, (Freeway) rồi từ đó, bà mới đi nhờ xe của người làm cùng chỗ chở tới hãng.

Nói thì nghe đơn giản vậy, chứ thực tế phức tạp hơn nhiều. Nếu chỉ có 3 mẹ con, thì sau khi cho bọn nhỏ ăn sáng, thay áo quần, sách vở sẵn sàng là chạy ra xe lái tới trường. Đằng này, vì phải cho bà chủ nhà đi nhờ, mà nhiều lúc bả chậm lụt hay quên cái này, cái nọ, lộn lui lộn tới, bực cả mình. Nên được 3 bữa, tôi nói thẳng, “Chị giận thì chịu, chơ không chở chị đi nhờ được nữa. Mất thì giờ quá, mà cái chính là vì chị kiết, không chịu mua xe để đi chơ không phải vì nghèo. Em mới qua mấy tháng, một mình với hai đứa con dại, mượn tiền mua xe để đưa đón con, lo cho con, không muốn lo thêm cho ai khác. Chị qua Mỹ cả mười mấy năm rồi, đi làm không nuôi ai, có nhà cửa, chị muốn cực xác chị thì ráng mà chịu đi hấy!”


Bà chủ nhà giận hay không, tôi chẳng màng!

Ngoài chuyện chở dùm bà đi làm, mỗi cuối tuần, tôi đi chợ, bà cũng nhờ chở đi. Hay những ngày tôi nghỉ làm, đi đâu, bà cũng hỏi để xin đi nhờ!

Có bữa bà kể, “Chị mới qua nhà cho ông ngoại cắt tóc.”

Tôi ngạc nhiên, “Ông ngoại là thợ cắt tóc hả? Chị 60, thì ông chắc cũng khoảng 85, ông già rồi, sao chị không ra tiệm cho họ cắt, mà bắt Ông cắt chi, tội nghiệp rứa?”

Bà chủ nhà tỉnh bơ trả lời, “Ông cắt đỡ tốn tiền, dễ òm mà. Ông không phải thợ cắt tóc mô, hồi xưa ông đi lính, nên mới được đi qua Mỹ theo diện HO đó chơ.”

”Rứa chị làm tiền để làm chi, mà hở cái chi cũng sợ tốn hết rứa?” Tôi hỏi.

“Em nói rứa chơ, đồng tiền là huyết mạch, mình phải tính toán, khi hoạn nạn biết nhờ ai?” Bà khuyên.

Hồi mới quen tôi, ông chồng tôi bây giờ, hay tới nhà chơi buổi tối. Gặp ổng một lần, bà chủ nhà bảo tôi, “Ông Mỹ nớ già quá, thôi em để cho chị!”

Tôi cười, "Em thì không có vấn đề chi, nhưng mà biết ổng có thích chị không? Em nghe ổng muốn cưới vợ, chị có muốn lấy chồng không? Mẫu người chị muốn lấy ra răng?”

Bà nói, “Chị cần một người giúp chị cắt cỏ, tưới cây, sửa hàng rào, sửa điện, sửa nước, sửa cửa garage… Một mình coi ngó cái nhà cực quá.”

Tôi chanh chua, “Rứa thì chị thuê ông Mễ lo việc vườn tược, ông thợ điện, thợ nước, hư mô họ sửa nấy, rẻ hơn kiếm ông chồng đó chơ! Lỡ xui xẻo gặp cái ông mô ăn nhiều thì tốn tiền ga nấu bếp đó nha!!!”

Thời gian đó, ông chồng tương lai của tôi mới bị thất nghiệp, nên rảnh lắm, buổi chiều tối nào cũng lên chơi, có khi ăn tối, có khi không. Chúng tôi thích đi bộ quanh hàng xóm, có khi đi tới ngã ba gần xa lộ, rồi đi về, khoảng 1 tiếng đồng hồ.

Buổi tối hôm đó, khi rẽ về con đường nhỏ có nhà tôi đang ở thuê, thì thấy 2 xe cảnh sát, đèn hiệu nháy sáng, tôi mới đùa, “Có khi mô cảnh sát tới nhà tui ở không?”

Ông nói, “Không đâu, người ta chỉ tới khi có chuyện nghiêm trọng mà thôi.”

Ấy vậy mà, đúng là cảnh sát được gọi tới nhà tôi đấy các bạn ạ! Bất ngờ quá phải không?

Tôi và ông rảo bước nhanh về, thấy hai người cảnh sát, một nam một nữ, đang đứng trước nhà, nói chuyện với Sa, Vy và bà chủ nhà.

Ông hỏi họ, “Có chuyện gì vậy?”

Cô cảnh sát hỏi, “Có người ở nhà này bấm số 911, nhưng không nói gì, nên chúng tôi đến để kiểm tra. Hai cô bé này là con của ai?”

Tôi đáp, “Con của tôi.” Tôi quay qua hỏi Sa và Vy, “Tụi con gọi cảnh sát làm chi rứa?”

Cả Sa và Vy đồng thanh đáp, “Mô có kêu ai mô! Đang ngồi trên lầu, tự nhiên nghe tiếng đập cửa rầm rầm, bà chủ nhà chạy lên kêu hai đứa xuống, thấy 2 người cảnh sát, họ hỏi cha mẹ đâu rồi, thì Mẹ cũng vừa về tới đó chơ!”

Tôi quay qua bà chủ nhà, “Rứa thì ai gọi cảnh sát? Chị chơ còn ai vô đây nữa?”

Bà chủ nhà cười bẽn lẽn, “Chị bấm số cho ông bạn trai, mà bấm lộn số cảnh sát!!!”

Tôi kêu trời không thấu, cố gắng giải thích cho cô cảnh sát hiểu.

Cô cảnh sát nghiêm giọng, “Nhà này, có gọi cảnh sát 2 lần rồi, lần nào cũng nói là bấm nhầm số. Lần này là lần thứ ba, bà chủ nhà sẽ bị phạt. Bà có biết bao nhiêu người đang cần sự trợ giúp của cảnh sát không? Nếu bà không đồng ý với quyết định phạt thì sẽ gặp quan toà để giải thích.”

Vừa nói, cô ấy vừa viết giấy phạt, đưa cho bà chủ nhà ký vô.

Sau khi hai người cảnh sát đi khỏi, ông "người yêu" ra về, tôi mới hỏi bà chủ nhà, “Chị nói thiệt đi, không cách chi mà chị bấm nhầm số bạn trai của chị với số cảnh sát được! Số bình thường 10 số, số cảnh sát có 3 số hà, làm răng mà lộn!”

Bà chủ nhà vẫn khăng khăng, “Chị bấm lộn thiệt mà, chị sai thì chừ bị phạt, can chi tới em mô mà em la chị?”

Tôi nghẹn họng, không nói nên lời!!!

Một tháng sau thì chúng tôi quyết định lấy nhau, và tôi dọn ra khỏi ngôi nhà đó.

Thật ra, tôi không có ác cảm chi với bà chủ nhà cả, trái lại là đằng khác. Tôi thấy tội nghiệp cho bà, vì chân bà bị tật, lại lớn tuổi, và cái chính là tôi thích có người đồng hương nói chuyện cũng vui.

Bà kể với tôi là hồi còn ở Việt nam, bà đi dạy học sinh Tiểu học, rứa mà răng qua Mỹ mấy chục năm, bà lại không chịu học tiếng Anh. Lúc tôi gặp bà, (là tôi mới qua Mỹ có một năm,) vậy mà cái gì về giấy tờ, gọi điện thoại là bà cũng phải nhờ tôi giúp.

Sau khi tôi dọn ra khỏi một thời gian, thì một buổi tối nọ, chị An thuê chung nhà hồi xưa gọi phone cho tôi. Chị kể,

“Em Minh biết sao không, hôm bữa bà chủ nhà nhờ chị gọi phone cho ông Jack, em nhớ ông đó không? Cái ông làm ở thư viện mà em quen ấy.”

Tôi ậm ừ cho qua chuyện, vì không hiểu vì sao lại có dính cái ông bạn tôi vào đây.

-“Dạ nhớ. Có chuyện chi hở chị?” Tôi hỏi.

Chị ấy nói một tràng không nghỉ,

“Ngay hôm em dọn ra, thì bà chủ nhà nhờ chị gọi phone cho ông Jack. Ờ, mà làm sao bả có số phone của ông ha? Em cho bả hả?”

-“Dạ không, nhưng chắc là bả nhìn ở tờ giấy em ghi số phone để gần đó cho dễ nhìn.” (Hồi đó chưa dùng cell phone, chỉ dùng phone nhà thôi.) Tôi đáp, “Mà cũng đâu có gì quan trọng. Chắc là lại muốn nhờ ổng việc gì! Mà bả đâu có quen với ổng? Chuyện này hơi kỳ cục đó nghe.”

Chị tiếp, “Bởi vậy chị mới gọi cho em đây! Bả nhờ chị gọi cho ổng, lấy cớ rằng em muốn mời ổng tới nhà ăn tối."

Tôi đùa, “Vậy là chị thành con chim xanh, chim đỏ rồi đó nha! Không chừng làm ơn mắc oán đó.”

Chị cười, “Em sao cứ hay đùa, yên để chị kể tiếp cho nghe. Chị thấy bả tội nghiệp, nên cũng làm giúp. Ông Jack có hỏi chị “Vì sao Minh không gọi hay email cho tôi mà cô phải làm thay, nhưng chị giả lơ không trả lời!”

Càng nghe tôi càng tò mò,

-“Rồi sao nữa chị, nói nhanh lên, em sốt ruột rồi đây.”

Chị thong thả tiếp,

“Tối thứ Sáu đó, ông Jack tới nhà, có cả chị vì bà nhờ chị làm phiên dịch dùm. Mời ổng vô bàn ăn, thì ổng hỏi, “Cô Minh đâu?”

Lúc này thì chị phải nói thật với ổng, là bà chủ nhà muốn làm quen với ổng, nhưng ngại ổng từ chối vì đường đột quá, nên phải giả vờ lấy tên em để mời.

Ông Jack hỏi tiếp, “Thế cô Minh có biết hai cô làm việc này không?”

Chị đáp, “Không, nó đi lấy chồng rồi. Ông không biết à?”

Ông cười, “Tôi biết cô ấy lập gia đình, vì trước khi dọn nhà xuống dưới miền South, cô ấy có đến chào tạm biệt và báo cho tôi hay.”

Chị tiếp, "Rồi chị và ông ấy nói chuyện, ổng thiệt dễ thương, vui tính, dí dỏm, rất dễ gần, còn bà chủ nhà thì lâu lâu hỏi mấy câu ngắn gọn thôi, mà dường như ổng cũng không muốn nói chi nhiều với bả, nên chị không phải dịch lại."

-“Răng nữa? Sau đó, ông Jack với bà chủ nhà có thích nhau không? Có hẹn hò gì tiếp không?” Tôi hỏi.

Chị cười khúc khích, “Làm gì có chuyện đó, ổng nói là ổng thích chị mới lạ chớ, nên chị với ổng hẹn hò nhau. Ổng mến chị lắm, đòi cưới chị đó em. Nên giờ chị gọi phone để cám ơn em đó chơ. Ít bữa đám cưới chị mời em đi ăn nghe!!!”

-“Dạ, chắc chắn rồi, ông Jack cũng là bạn của em mà.” Tôi đáp.

“Vậy, bà chủ nhà có giận chị không? làm bả tốn tiền tốn công nấu bữa ăn tối mời ông Jack, đó là chưa kể mất công đi trộm số phone của ổng nữa chơ!”

Lúc này thì chị cười to tiếng, “Thôi em ơi, đừng có nói nữa, bả giận chị luôn rồi.” Bả nói vầy nè, “Nhà tui là nhà may mắn, ai không có chồng thì vô ở là có chồng! Ai không có việc, vô ở ít tháng là có việc ngon lành. Ai không có xe, ba bữa là cũng mua được xe sang! Mấy người lấy hết cái duyên của tui, chừ tui thành ra người "Vô Duyên”, tới chừ tui vẫn còn cô độc! Kiểu ni chắc tui đừng cho thuê phòng nữa quá!”

Bà chủ nhà nói đúng hay sai, tôi không biết, nhưng mong rằng, cho đến cuối đời, tôi không phải thuê nhà ở chung với ai nữa!

Minh Nguyệt Graves

 

Ý kiến bạn đọc
18/11/201713:41:03
Khách
kể chuyện mấy người việt hay "Nổ" đi
17/11/201703:07:13
Khách
Thích lối viết tự nhiên như nói chuyện của tác giả!
16/11/201721:38:14
Khách
Chuyện đời thường. Văn phong từ tốn nhưng lôi cuốn. Viết nữa đi chị!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,009,966
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến