Hôm nay,  

Người Lính Già, Mũ Lính, và Đồng Xu

25/06/201700:00:00(Xem: 12104)

Tác giả: Y Châu
Bài số 5153-18-30753-vb8062517

Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.

* * *

1. Ngày 19-6, đội mũ lính

Đầu tháng Sáu, sau khi đi tiểu bang Texas về, sư huynh Dang H. kể cho tôi nghe nhiều chuyện, về xứ sở của những chàng "cowboys" miền viễn Tây, rút súng nhanh như gió mà mọi người phải nể phục... Chuyện cộng đồng người Việt Nam, nhất là anh có gặp L.T. mặc quân phục, đội mũ lưỡi trai phía trước có in hàng chữ màu vàng HCQNVNCH; cả hai kề vai ghi lại vài tấm hình, trông tươi tắn trẻ trung so với cái tuổi "thất thập cổ lai hy" của anh. Anh hỏi tôi vào những ngày lễ lớn sắp tới có muốn đi tham dự thì cùng đi với anh...

Cuối xuân vào hạ, ngày thì nóng nhưng về đêm còn cái se lạnh của mùa xuân, mọi người đều bận rộn. Học sinh sinh viên ra trường với ba tháng hè thư giãn, sẵn sàng cho năm tới với nhiều mộng ước bay cao... Đứa con về Miami nghỉ hè, chúng tôi có thêm nhiều việc phải làm. Tôi chỉ được nghỉ ngày thứ hai, lại có mấy cái hẹn: đi bác sĩ khám mắt cho đứa con, lên sở xã hội bổ túc hồ sơ,...

Sáng sớm thứ hai, chuẩn bị đi, nhìn lướt qua tờ lịch: Ngày 19 tháng 6, ngày Quân Lực. Tôi vội vàng vào trong tủ kính, lấy ra cái mũ lưỡi trai màu xanh đậm phía trước có in hai hàng chữ HCQNVNCH và hàng chữ Anh Ngữ, do một người bạn đã tặng, tôi trân quí giữ gìn, chỉ có những ngày đặc biệt tôi mới lấy ra, nên nó vẫn còn mới tinh.

Đứng trước gương với cái mũ lưỡi trai trên đầu, tôi chỉnh sửa nhiều lần cho nó ngay ngắn... Lòng bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm vui buồn,... mới đây mà đã hơn 40 năm.

Tôi đội luôn cái mũ lính trên đầu, ra xe lái đi Lauderdale theo I.95 North. Lái đường quen mà như kẻ mất hồn, dù có GPS chỉ đường, nhưng mấy lần xuống "exit" đều bị lạc; cuối cùng cũng đến được khu "Food Town", nơi đây có nhiều cửa hàng của người Việt Nam. Tôi ghé vào nhà hàng 545, rồi Phở 79 nhưng đầy người đang xếp hàng chờ theo thứ tự.

Tôi lách người vào chợ Food Town mua tạm lon cà phê Mr Brown, cho nhanh. Người phụ nữ tính tiền nhìn cái mũ lưỡi trai, gật gù, nói thích lắm, tự động giảm 10% trên giá bán cho tôi. Tôi cầm lon cà phê bước nhanh ra ngoài rồi bật lon cà phê, uống vài ngụm cho tỉnh táo lại.

Từ Food Town, tôi phải vượt qua một dải cỏ xanh ngăn cánh, để vào cửa hàng của chú Thân, Phước Huệ. Chắc có lẽ tôi đến sớm nên cửa hàng vắng khách. Tôi bước vào cửa không thấy chú Thân, chỉ thấy một người gốc Latino phụ giúp chào hỏi:

- Chào ông, ông cần gì? Trong khi đôi mắt thì chăm chú nhìn vào cái mũ lưỡi trai trên đầu tôi, rồi thân thiện làm quen. Cậu ta nói là có thân nhân là cựu quân nhân, từng tham chiến ở Việt Nam. Mấy năm trước có đi du lịch Việt Nam và cậu ta rất thích.

Vừa lúc đó thì Tân bước ra, mừng rỡ chào hỏi, cho tôi biết là vợ của Thân đi về Việt Nam cả tháng nay mới qua; làm cho Thân lo lắng quá! Tôi hỏi:

- Lo gì? Thân chỉ cười trừ, đưa hàm răng trắng tinh.

Thân là con lai, tướng tá không đẹp như những người con lai khác, nhưng tánh tình rất tốt. Thân thường xuyên đến chùa Phước Huệ giúp đỡ nhiều người nên có biệt danh là Thân, Phước Huệ. Gần đây ông Sứ giữ chùa chết, không thân nhân, nhờ Thân vận động mọi người giúp; Cũng chính Thân giúp thân nhân của ông Sứ qua Florida, đưa hài cốt của ông Sứ về Việt Nam. Chuyến về Việt Nam của vợ Thân có xuống Bến Tre, viếng thăm gia đình ông Sứ.

Sau khi rời khu chợ Food Town, tôi đưa đứa con đi khám mắt. Bác sĩ nhỏ thuốc cho tròng mắt nở lớn ra, rồi xét nghiệm. Bác sĩ nói:

- Độ có lên, cần thay kiếng và "contact lenses". Và khuyên là phải bảo vệ mắt: đừng xử dụng mắt nhiều giờ liên tục, cẩn thận với màn hình Iphone, TV,...

Tôi đến Sở Xã Hội lúc 2:00 chiều, trong "parking" vắng vẻ, chúng tôi bước vào cổng qua kiểm soát an ninh. Những người nầy cao to, mặc đồng phục màu đen, mang súng ngắn rất oai vệ. Rà soát tôi từ chân lên đầu, họ đưa tay chào tôi, tôi chào lại, rồi hỏi thăm sức khoẻ nữa,...

Chúng tôi ngồi phòng chờ đợi không lâu, thì được gọi vào. Do tôi chuận bị sẵn sàng mọi thứ: thẻ SS, Driver License, bằng quốc tịch,... nên cô "worker" làm rất nhanh. Khi ra về, cô nhìn cái mũ lưỡi trai nói:

- Cái mũ quá đẹp.

Đầu tháng 6 đến cuối tháng 11 hàng năm, chánh quyền tiểu bang Florida đều báo động cho người dân là mùa mưa bão lại về, để người dân chuẩn bị. Sở khí tượng thủy văn cũng vừa thông báo: Cơn bão nhiệt đới Cindy (Tropical Storm) đang hình thành trong vùng vịnh Mexico, nó có thể trở thành Hurrican. Mong rằng nó chỉ là cơn bão nhiệt đới, với vận tốc gió dưới 45MPH, để cho người dân đở khổ, trong đó có những người lính già Việt Nam.

Bất cứ cuộc chiến nào, người thua cuộc luôn luôn là người lính. Họ hy sinh tuổi thanh xuân, đối diện với bom đạn, chết chóc,... chắc chắn những hình ảnh đó theo đuổi họ suốt đời. Đa số họ khó khăn hoà nhập vào cuộc sống bình thường, khó tìm được việc làm, dễ trở thành kẻ vô gia cư, một số còn bị trầm uất... Ở Mỹ có nhiều hội cựu chiến binh cho từng cuộc chiến tranh, để giúp đở họ, để họ giúp đở lẫn nhau. Người Việt Nam cũng có hội CQNVNCH, hội Thương Phế Binh VNCH,... ngoài việc tương trợ lẫn nhau, còn để những thế hệ trẻ Việt Nam đừng quên!

2. Đồng xu, đồng tiền cái

Chuyện xảy ra trong khu thương mại sang trọng, tôi từng chứng kiến, một người đàn bà đi chiếc xe đắt tiền, dừng bước lại trân trọng nhặt một "cent" (xu = $.01), của ai đó đánh rơi. Khi được hỏi, bà ta giải thích là đó là đồng "cent" may mắn, khởi đầu cho những may mắn tiếp theo... Người ta có thể tạo dựng cơ nghiệp từ đôi bàn tay trắng, hay từ một đồng xu.


Hãy xem giá trị của đồng xu. Người công nhân, thợ thầy thì giá trị của một xu, là một xu thôi, đó là tiền công mà người chủ trả lương cho họ; chắc chắn là không mua được món hàng gì cả. Nhiều người sau khi đi mua hàng hóa được thối lại những xu lẻ, bỏ tứ tung.

Trái lại những nhà sản xuất kinh doanh, khi định giá thành phẩm để đưa ra thị trường, họ so hơn tính thiệt từng đồng xu, không xu nào là không có giá trị. "Tích tiểu thành đa", trên tượng Thần Tài có câu: "Nhất bổn vạn lợi" (Một vốn vạn lời).

Đồng xu, là đồng tiền cái
Ngân hàng không ở, sao lại nằm đầy?
Theo ta, góp nhặt cho đầy
Đồng xu, may mắn dựng xây cơ đồ.

Nhớ chuyện ngày xưa, khi đến Mỹ, được đưa đi chợ mua đồ dùng; trên món hàng đều có ghi giá bán, nào là: $.99, $9.99, $99.99,... Tôi thầm nghĩ, người Mỹ cũng mê chín nút, số hên hơn cả Việt Nam. Thật ra họ không ghi con số tròn: $1.00, $10.00, $100.00,... vì họ rất có kinh nghiệm, chỉ sai biệt một "cent" thôi, làm cho người mua cảm thấy món hàng rẻ hơn, bán hàng nhanh hơn, lời nhiều hơn.

Alisabel S. là cô giáo dạy ở trường Elementry C.G. (Trường Tiểu học C.G.), nơi con tôi đi học, cô luôn nói rằng, cô đến Mỹ tỵ nạn chánh trị, từ năm 1959. Mỗi bốn năm có kỳ bầu cử "lớn" (theo cô thì bầu cử giữa nhiệm kỳ là bầu cử nhỏ), thì cô tranh luận rất hăng say. Trông cô rất xề xòa, không ăn diện chảy chuốt như những người phu nữ khác, chạy chiếc xe cà tịch cà tang, sản xuất từ thế kỷ trước.

Trong một lần trò chuyện, cô kể cho tôi nghe kinh nghiệm về cuộc sống ở Mỹ:

Về chánh trị thì tự do tranh luận, nhưng kinh tế, việc làm rất quan trọng không phải là thứ yếu. Do đó tuỳ vào hoàn cảnh của mỗi người, với khả năng của cô chỉ có một cách duy nhất là tiết kiệm. Hiện cô có một căn nhà đang ở và một căn đang cho mướn.

Một hôm gặp lại, thấy mặt cô buồn so. Cô kể là đứa con trai duy nhất của cô (cùng trang lứa với con tôi) đang học ở Boston cả năm nay không thèm nói chuyện với cô, khi thì nó bận học bài, khi thì đi làm thêm quá mệt mỏi! Nhưng cô biết là nó đang giận.

Số là hè rồi nó dẫn đứa bạn gái về Miami chơi. Tất cả đi chợ Wal-Mark, kế bên là Ross, Tjmaxx,... theo thói quen cô đến khu "clearent" lựa hàng, rồi bỗng nhiên con cô nó giận dữ bỏ đi:

- Mẹ rất "old style", làm con mất mặt quá!

Tôi xen vào:

- Chắc nó chê cô, chỉ mua hàng giảm giá, kiểu cũ lỗi thời; làm cho người mặc vào cũng thành "old style" chăng?

Rồi cô trầm ngâm:

- Tôi nhớ ra rồi, lúc còn nhỏ, tôi có dẫn đứa con đi mua đồ "garage sale", tự dưng nó chạy tìm chỗ núp, tôi tưởng nó chơi "trò trốn tìm". Nào ngờ nó trốn thiệt, vì thấy bạn nó từ trong nhà đó bước ra.

Kể từ năm 1776 đến nay, nước Mỹ có lúc suy trầm rồi vươn lên mạnh mẽ... Gần đây khi mà "dot.com" bùng nổ, mạng lưới xã hội phủ trùm mọi nơi, chỉ cần "touch" hay bấm nhẹ con "mouse" là có tất cả, thật là kỳ diệu. Bên cạnh những thành công của những nhà tỷ phú Bill Gates (Microsolf), Jim Steves (Apple), Mark Zuckerberg (Facebook),... không ít những người thất bại. Trong số nầy có những người trẻ tuổi, như những cánh chim non luôn luôn ước ao tung cánh bay vào bầu trời cao rộng; nhưng chưa đủ sức chúng tạm thời tìm về nơi tổ ấm cũ, nhà của cha mẹ, chờ đợi ngọn "Đông phong". Ước mong họ đừng nhụt chí, giữ vững bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ thời đại "dot.com".

Trở lại chuyện đứa con của cô Alisabel S., sau khi tốt nghiệp có việc làm, rồi mua nhà. Sống tự lập, tự do, không chịu về Miami để thừa kế gia sản, di sản của cha mẹ đã mang theo từ năm 1959, để thực hiện "Armerican Dream". Thế giới nầy là của tuổi trẻ, không phải chỉ lẩn quẩn ở Miami, Santa Ana,...

Người đàn bà chạy chiếc xe sang trọng đắt tiền, trận trọng những đồn xu may mắn, chắc chắn cũng vẫn là người thành công giàu có.

Nhớ lại ngày xưa, lúc tôi còn học ở trường Nam Tiểu Học, ngày hai buổi sáng chiều, má tôi cho mỗi ngày cho một đồng ăn quà bánh (thời đó một gói xôi là năm cắc, một ly nước đá bào "sy-rô" cũng năm cắc, có in hình bán thân của TT Ngô Đình Diệm). Nhưng tôi luôn muốn có tiền để ăn thêm.

Tôi đi bộ đến trường cùng với người bạn học tên là Hoàng Bảnh, chúng tôi thường la cà ở tiệm cà rem Thanh Châu và chành mua đồ phế thải của chú Chệt Xén. Một hôm vào ngày nghỉ, Hoàng Bảnh kêu tôi nói nhỏ:

- Chú Chệt Xén kêu tụi mình đi lượm đồ phế liệu ở mấy cái miễu, hay đi xin ở nhà người ta không còn xài, rồi đem đến bán lấy tiền, dễ dàng kiếm tiền để ăn quà vặt.

Mấy lần đầu theo Hoàng Bảnh, lượm không được gì cả, tôi đòi nghỉ. Hoàng Bảnh nó đến tiệm An Lạc Viên mua cái bánh bao thơm phức cho tôi ăn và ỷ ôi: Đừng bỏ nó đi một mình, buồn lắm. Nó đúng là thằng bạn "bảnh" thiệt. Khi tôi đi tù thời cộng sản được thả về rất tả tơi, nó "bảnh" như thời đá dế, cùng đi lượm đồ phế liệu, giúp đỡ tôi rất nhiều, cám ơn bạn nha!

Nhớ lại sân trước, sân sau nhà chú Chệt Xẻn ở quê xưa, chất đầy đồ phế liệu, trong góc là những kiện đồ phế liệu chờ chở đi. Chú chạy chiếc xe Vespa mới tinh (thời đó nhà giàu mới có xe), chú nhiều tiền, nhưng khi mua đồ phế liệu chú rạch ròi từng cắc, từng xu. Còn tụi nhỏ chúng tôi được tiền thì mua quà bánh hết; chắc là do thói quen từ nhỏ nên sau nầy khôn lớn, làm ra đồng nào cũng xài hết. Mọi người đều có nhiều "thẻ" mượn nợ, thôi thì những đồng xu lẻ để cho nhà "banks" lo dùm.

Đồng xu nhỏ, có giá trị gì?
Muốn đi hay ở, giữ làm chi
Có nhà "banks", sẵn sàng cho mượn
Sáng cày, chiều cấy chớ sầu bi.

Y Châu

Ý kiến bạn đọc
27/06/201704:54:36
Khách
Tôi thích đọc bài này. Điều tôi thích nhất là câu khen của ai nhìn thấy cái mũ lưỡi trai "rất đẹp". Hoàn toàn đồng ý vì ba tôi mất, khi ấy tôi còn nhỏ lắm, mẹ đặt chiếc mũ của ba lên bàn thờ. Tôi luôn ngắm nghía nó với sự thích thú, vì nó quá đẹp, vừa toát vẻ oai phong, vừa hào hoa, lịch lãm, nghệ thuật. Khó diễn tả hết lời vẻ đẹp cái mũ ấy lắm...khi sau này phải nhìn những chiếc nón cối của "bên thắng cuộc." Ngoài ra, đây đúng là văn phong của những người trưởng thành và được hưởng nền giáo dục của VNCH, cho nên không dùng sai chữ. Thí dụ, xin trích một câu, "Ở Mỹ có nhiều hội cựu chiến binh cho từng cuộc chiến tranh, để giúp đở họ, để họ giúp đở lẫn nhau." Trong khi bây giờ, không nói là giúp đỡ, mà nói "hỗ trợ". "Hỗ" là tương tác hai chiều, nên không thể nói "tôi cho tiền kẻ cơ nhỡ để hỗ trợ họ." Rồi đến triết lý về tiết kiệm và đồng xu, hay quá. Tôi cũng vậy, khi gặp đồng xu dưới đất thường bỏ qua, nhưng ông xã tôi vui như bắt được quà thời thơ dại, kêu tôi giật ngược, "Honey, pick up this penny!" Và tôi buộc phải cúi xuống, lượm nó, cho dù nó ướt dính đầy bùn đất, hay rỉ sét nằm đó chờ ai ngó xuống. Riết rồi cũng trở thành thói quen và niềm vui nho nhỏ với niềm tin là sẽ gặp may mắn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,990,975
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến