Hôm nay,  

Oan Thị Mầu Hay Oan Thị Kính?

11/04/201600:00:00(Xem: 12714)

Tác Giả: Huyền Thoại Thịnh Hương
Bài số: 3795-17-30295vb2041116

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài viết mới của cô là chuyện một vụ án đang làm sôi nổi dư luận nước Mỹ.

* * *

Truyện xưa kể rằng Thị Kính là một thiếu nữ xinh đẹp và hiền lành. Đến tuổi cập kê, cô được gả cho một anh thư sinh con nhà giầu. Một đêm chồng ngồi học, cô may vá kế bên. Chồng mệt quá nên ngủ thiếp đi. Thấy cằm chồng có một sợi râu mọc ngược, sẵn có chiếc kéo trong tay, cô định cắt bỏ. Không ngờ chồng cô thức giấc lúc cô đang giơ chiếc kéo lên. Mắt nhắm mắt mở, anh ta la toáng lên là cô đang định đâm anh ta. Bỏ ngoài tai những lời kêu oan của Thị Kính, gia đình chồng đuổi cô về nhà bố mẹ cô.

Nhục nhã với xóm làng, cô xin vào chùa tu đề rửa sạch nợ trần và tìm kiếm sự thanh thản cho tâm hồn. Chùa này chỉ nhận nam giới, cho nên cô phải ăn mặc giả trai, khéo léo che dấu giới tính của mình. Sư cụ trụ trì không một chút nghi ngờ, và đặt cho “chàng” pháp danh Kính Tâm.

Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng muốn ngừng.

Trong làng đó có một cô gái con nhà giầu, tên Thị Mầu, thỉnh thoảng theo cha mẹ vào chùa lễ bái. Nhìn thấy Kính Tâm thị đem lòng si mê và rắp tâm quyến rũ. Nhưng Kính Tâm không hề đáp ứng làm thị giận vô cùng.

Vốn tánh lẳng lơ dâm đãng, Thị Mầu gian díu với một đầy tớ trong nhà. Ít lâu sau, thị có thai. Sợ tiếng xấu thông dâm với người ở, Thị khai thị mang thai với Kính Tâm, hy vọng Kính Tâm cùng đường, phải về với mình. Nhưng Kính Tâm mãnh liệt phản bác lời vu cáo độc địa của Thị Mầu. Dù sư cụ hết lòng thương Kính Tâm, nhưng vì danh dự của nhà chùa, ngài phải trục xuất “chàng", nhưng cho phép “chàng" dựng một túp lều ngoài khuôn viên chùa để tiếp tục tu hành.

Sau khi sanh con, Thị Mầu đem đứa bé để trước cổng chùa. Kính Tâm giầu lòng nhân aí nên đem đứa bé về nuôi. Ba năm sau, Kính Tâm bị bệnh nặng và qua đời. Lúc tắm rửa thi thể “chàng", nhà chùa mởi biết “chàng" là gái giả trai. Nỗi oan tình của Thị Kính lúc đó mới được hóa giải.

Vì câu chuyện này, mà dân gian có câu “Oan Như Thị Kính". Ngược lại, để mỉa mai những ai làm sai rõ ràng như năm cộng năm là mười mà vẫn cố cài chầy cãi cối, người ta dùng câu “ Oan Như Thị Mầu".

Và giờ đây, nước Mỹ đang xôn xao bàn tán để xác định xem anh chàng Steven Avery mang nỗi oan Thị Kính, hay oan Thị Mầu. Để tìm hiểu người đàn ông với hai vụ án đaị hình có nhiều tình tiết gay cấn và gút mắc, ta hãy trở lại từ đầu.

*

Steven Avery chào đời năm 1962 tại Manitowoc County, bang Wisconsin. Gia đình anh có một “automobile salvage yard” rất lớn, chứa được nhiều ngàn chiếc xe. Steven và các anh em trai thay phiên nhau cư ngụ nơi đây để coi sóc công việc bán mua của gia đình.

Theo âm lịch, Steven cầm tinh con cọp. Nhưng y chỉ là một loại cọp giấy, dựa vào những diễn biến trong cuộc đời y. Chỉ số IQ của Steven nằm ở con số 70, học hành rất chậm, không mấy thông minh. Trong những năm tuổi "teen”, y đã bị bắt và bị tù ba lần. Một lần vì ăn cắp trong một bar rượu, một lần bị kết tội hành hạ súc vật. Theo cảnh sát, hồi đó y tưới xăng vào con mèo của mình rồi ném nó vô thùng đốt rác. Lần thứ ba, y đi tù vì dí súng vào một cô hàng xóm, khiến cô phải nhảy khỏi xe, súyt bị xe cán. Steven nói anh ta chỉ hăm doạ cho cô ngưng phỉ báng và vu khống y với bạn bè. Chẳng may cho y, người phụ nữ naỳ lại là vợ một cảnh sát trong vùng!

Năm 1982, Steven lập gia đình với một bà mẹ độc thân, Lori Mathieson, và họ cùng nhau nuôi dưỡng bốn người con.

Một buổi chiều dẹp trời năm 1985, Penny Beerntsen cùng chồng con đi dạo ngoài bãi biển. Trước khi về nhà cô muốn đi jogging một lúc. Đang say sưa ngắm nhìn ráng chiều trong nhịp chân dồn dập cô bỗng giật mình suýt ngã vì một người nào đó bất chợt nhảy ra từ một buị cây ven đường. Chưa kịp hoàn hồn cô đã bị người này đấm vào mặt liên tiếp rồi lôi vào sâu trong cồn cát. Cô kêu cứu nhưng lúc đó không còn ai qua lại. Gã đàn ông cưỡng hiếp cô khi khi cô đã đuối sức, không còn khà năng chống cự. May sao, y không giết cô và để cô chaỵ thoát. Vợ chồng cô liền tức tốc đến đồn cảnh sát Manitowoc để báo cáo sự việc.

Cô tả hình dáng tên hiếp dâm. Đó là một thanh niên da trắng, tuổi từ hai mươi tới hai lăm, tóc quăn dài ngang vai, râu rậm. Sau khi có được tấm hoạ hình theo lời mô tả của Penny, cảnh sát chọn sáu tấm hình của sáu tên tội phạm đang cư trú tại địa phương có dung mạo tương tự. Penny không chần chừ, chỉ ngay vào tấm hình của Steven Avery. Thế là y bị bắt, ra tòa và bị kết án ba mươi hai năm tù.

MƯỜI TÁM NĂM TRÔI QUA… việc xét nghiệm DNA đã được phát huy và đem ra thi hành trong việc truy tìm thủ phạm. Nhờ vậy, vụ án của Steven Avery được đem ra xử lại với sự khởi xướng của cơ quan Wisconsin Innocence Project. Đây là một tổ chức thiện nguyện chuyên giải oan cho những người bị tòa kết án trong tình trạng có nhiều nghi vấn.

Người ta còn khám phá ra một chi tiết hết sức quan trọng, đó là việc cảnh sát Manitowoc đã không cho Penny Beerntsen xem tấm hình của Gregory Allen, một tên tội phạm từng bị kết án về tội tẩn công tình dục. Trong thời gian xử Steven Avery, Gregory Allen đang ở địa phương và nằm trong tầm radar của cảnh sát. Thế mà hình anh ta lại không được đưa vào danh sách những kẻ tình nghi trong vụ hiếp dâm Penny.

Kết quả, DNA đã giải oan cho Steven, vì việc xét nghiệm đã chứng minh tên hiếp dâm chính là Gregory Allen, lúc này đang nằm tù vì một vụ phạm pháp khác.

Được trả tự do sau mười tám năm ròng rà trong tù, Steven Avery bỗng trở thành nổi tiếng. Các tờ nhật báo, tuần báo và nhiều kênh truyền hình có tầm cỡ quốc gia đã lên tiếng chỉ trích viên chức ngành hành pháp quận hạt Manitowoc và nói về Avery như một anh hùng. Avery trở thành một huyền thoại, một “celebrity" sau khi đã đánh mất mười tám năm của tuổi thanh xuân.

Avery được một luật sư giúp kiện cảnh sát và công tố viên quận hạt Manitowoc, đòi bồi thường ba mươi sáu triệu. Hai triệu cho mỗi năm anh ta nằm trong tù. Moị người tin tưởng việc bồi thường xứng đáng cho Steven là chuyện đương nhiên, và mừng cho Steven “hết cơn bỉ cực tới hồi thái lai".

Nhưng đùng một cái, cuộc đời anh ta lại đi vào một khúc quanh nghiệt ngã! Chỉ hai năm sau ngày được phóng thích, một lần nữa anh lại bị lôi trở lại tòa án. Trong khi Steven và luật sư của mình đang đúc kết hồ sơ tố tụng chống lại cảnh sát và công tố viên quận hạt Manitowoc thì xaỷ ra vụ mất tích của Teresa Halbach.

Teresa Halbach là một nhiếp ảnh gia hai mươi lăm tuổi. Cô hẹn với Steven để ghé lại Avery's Auto Salvage and Towing để chụp hình một chiếc xe mà chị anh ta đang rao bán trên báo. Đó là hôm sau ngày Halloween năm 2005. Teresa đến với chiếc xe RAV4 mầu xanh, nhưng cô không bao giờ trở về.

Cảnh sát Manitowoc lại một lần nữa đến lùng sục nghĩa địa xe của giòng họ Avery, nơi có căn mobile trailer của Steven. Trong tám ngày liên tiếp họ chận nút tòan thể khu vực, không ai?được ra vào ngoại trừ các toán điều tra. Họ khám xét tỉ mỉ từng chiếc xe trong số hơn bốn ngàn chiếc, lật tung mọi ngõ ngách. Và người ta phát hiện ra chiếc RAV 4 của cô phía cuối khuôn viên, nằm sát bìa rừng. Chiếc xe được ai đó lấy cành cây phủ lên, nhưng không che kín hoàn toàn. Thế là người ta hô hoán lên, và mọi mũi dùi đều chĩa vào Steven Avery. Khám xét trong xe của Teresa, cảnh sát tìm thấy mấy vết máu và một chút DNA trên nắm tay cửa sau. Các xét nghiệm cho biết máu và DNA là của Steven.


Với những chứng cớ này, cảnh sát lập tức bắt giam anh ta. Vì Manitowoc County đang bị Steven thưa kiện đòi bồi thường nên Calumet County được chấp án để tránh mâu thuẫn quyền lợi. Tuy nhiên, Manitowoc County và sở cảnh sát vẫn hợp tác trong việc khám xét và thu thập chứng cớ.

Chứng cớ mà Manitowoc tìm thêm được sau sáu bảy lần khám xét nhà ở của Steven là chiếc chìa khóa xe của Teresa trong phòng ngủ của anh ta; thêm hai vỏ đạn trong nhà để xe. Những lần khám xét trước đây chẳng ai nhìn thấy những vật này. Nay chúng tự nhiên xuất hiện làm mọi người chưng hửng. Thì ra mấy toán cảnh sát trước đây làm ăn cẩu thả, tắc trách quá sức?

Ngoài Steven, cảnh sát cũng chiếu tướng mấy anh em và các cháu trai của anh ta vì mấy trự này cũng từng dính líu với pháp luật, từng bị thưa ra tòa về tội tấn công tình dục. Tuy nhiên lần này họ đều có bằng chứng ngoại phạm vào hôm Teresa Hallbach đến bãi xe của gia đình.

Thêm một khám phá nữa làm rúng động mọi người, từ chính quyền đến cộng đồng địa phương. Đó là việc nhóm điều tra phát giác mấy mẩu xương trong một thùng đốt rác trong bãi xe. Cảnh sát liền tìm kiếm qui mô hơn, và đào thêm được một ít xương nữa trong một hố đốt gần garage của Steven. Lần này Steven thật sự bị chìm xuồng, hết phương cứa chữa.

Nhưng vẫn chưa xong chuyện! Branden Dassey, đứa cháu trai mười sáu tuổi của Steven, đã khai với cảnh sát một câu chuyện kinh dị khi y bị đem về đồn để thẩm vấn. Y xác nhận chính y đã có mặt và tham dự vào việc hãm hiếp rồi sau đó giết chết Teresa bằng súng ngay trong phòng ngủ của Steven.

Vì cần tiền để chạy luật sư nên Steven đành thỏa thuận với Manitowoc County để nhận 400,000 dollars, một số tiền bồi hoàn không xứng đáng cho mười tám năm tù vì mối oan Thị Kính của mình trước đây. Anh mướn một luật sư đắt gía, Jerry Buting, vì không tin tưởng vào những luật sư miễn phí do toà chỉ định.

Hôm ra tòa, luật sư này đã tận tình bào chữa cho Steven, vì ông thấy có quá nhiều lỗ hổng trong việc điều tra của cả hai quận hạt Manitowoc và Calumet.

Đầu tiên, ông tấn công các nhà điều tra vì họ đã thẩm vấn Branden Dassey mà không có sự hiện diện của cha mẹ hay cố vấn pháp luật, trong khi hắn chỉ là một câụ học trò vị thành niên. Theo ông, cách thẩm vấn của cảnh sát có tính cách mớm lời, dẫn đến những câu trả lời mà họ muốn có. Branden cũng có một chỉ số IQ rất thấp, và rất khờ khạo trong lúc nói chuyện với các nhà điều tra. Bà mẹ của Branden cuối cùng mới có mặt trong cuộc hỏi cung. Bà ta là dân quê, chỉ số IQ cũng rấr khiêm nhượng. Sau khi được các thẩm vấn viên kể lại những lời tự thú của con trai, bà ta rối rít hỏi nó, “Thật vậy sao con? Có đúng như những gì con nói không, Branden?". Lúc đó đã quá mệt mỏi, y trả lởi: “ Thật sự thì không phải như vậy đâu má ơi. Chúng lọt vô đầu tôi bằng cách nào đó không biết”. Rồi y bảo cảnh sát y phải về kẻo trễ lớp.

Jerry cũng đả kích quận cảnh sát Manitowoc vì cho rằng họ đã dàn dựng để trả thù việc Steven thưa kiện đòi bồi thường. Theo ông, nếu thực sự Steven đã giết Teresa trong phòng ngủ theo lời khai của Branden, thì sao không có DNA và máu của cô trong đó? Một người bị hãm hiếp, bị giết chết trong một căn buồng nhỏ mà không để lại một chút dấu vết nào là một chuyện hoang tưởng. Về hai vỏ đạn tìm được trong garage, ông bảo đây là sự vu khống. Hai vỏ đạn đó nằm ở đâu trong năm, sáu lần lục xét trước đây? Tại sao lúc đó mấy chục con mắt đều không phát hiện ra chúng?

Ông cũng nghi ngờ những vết máu của Steven tìm thấy trong xe của Teresa. Ông sợ rằng có người đã lấy máu của anh ta và quệt vào đó, nên ông xin vào kho lưu giữ chứng cớ của quận hạt Manitowoc để kiểm tra lại ống máu của Steven trong vụ Penny Beerntsen. Và ông quá đỗi sửng sốt khi giây niêm phong hộp đựng ống máu đã bị xé rách, và nắp ống máu có một lỗ nhỏ như bị một mũi kim chích xuyên qua. Ông đem việc này ra chất vấn ngoài tòa. Một cô y tá xác nhận trên bục nhân chứng là chính cô ngày xưa đã đâm kim vào ống để lấy máu làm xét nghiệm. Ngoài ra, cơ quan FBI cũng cho biết họ đã làm thêm xét nghiệm, và kết quả cho thấy máu tìm thấy trên xe của Teresa không phải là máu lấy từ ống của vụ “ Oan Thị Kính" trước đây.

Ngày 18/3/2007, bồi thẩm đoàn của quận Calumet đã giáng xuống đầu Steven một đòn sấm sét, “ GUILTY". Lần này anh ta lãnh án chung thân.

Mười năm đằng đẳng nữa trôi qua...Sau nhiều lần kháng án, lưới trời đã hé mở cho Steven nhìn thấy một thoáng hy vọng. Cuối năm 2015, tổ chức Midwest Innocence Project quyết định cứu vớt cuộc đời đầy trắc ẩn và bi kịch của Steven vì họ thấy có nhiều chứng cớ mới thuận lợi cho anh ta.

Họ khám phá ra là trong bồi thẩm đoàn có một người là thân phụ của một cảnh sát viên quận Manitowoc; một người nữa có vợ là thư ký tại quận hạt này. Một ông bồi thẩm tiế lộ với một tờ báo là có tới bảy người trong số họ đã bỏ phiếu “VÔ TỘI" lúc ban đầu, nhưng như một phép lạ, họ đã thay đổi phiếu thành “CÓ TỘI" sau đó. Ông ta sợ rằng đã có một áp lực nào đó đối với các bồi thẩm.

Ngoài ra, ngày nay việc xét nghiệm pháp y đã có nhiều tiến bộ rất khả quan, trong khi những xét nghiệm đó không hiện hữu vào thời điểm xét xử Steven mười năm trước đây.

Tổ chức được sự hợp tác nhiệt liệt của một nữ luật sư danh tiếng ở Chicago, Kathleen Zellner, người đã từng thành công trong việc giải oan cho trên mười người bị kết án sai lầm.

Vụ án Steven Avery càng bùng nổ dữ dội khi Netflix nhúng tay vào với cuốn phim tài liệu mười tập mang tên "MAKING A MURDERER", với hai nhà làm phim Moira Demos và Laura Ricciarti. Họ đã bỏ ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu hàng ngàn tài liệu và ghi chú do cảnh sát cung cấp.

MAKING A MURDERER đã và đang làm sôi sục dư luận quần chúng nước Mỹ. Nhiều tờ báo giấy, báo điện tử và các đài truyền hình có tầm cỡ liền nhảy vào tham gia diễn đàn. Đài truyền hình NBC đã làm một chương trình phát hình dài hai tiếng, trình bày vụ án với những khía cạnh và tầm nhìn từ cả hai phe, công tố và bị cáo, tựa đề “STEVEN AVERY, Guilty or Innocent".

Cho đến bây giờ, tháng hai năm 2016, Steven vẫn còn đang trong tù, thắc thỏm chờ ngày trở lại tòa án một lần nữa để thay đổi số phận mình. Anh ta vẫn luôn khẳng định mình vô tội. Anh đã nằm tù tổng cộng 28 năm trong 53 năm có mặt trên trái đất. Anh đang cầu mong nữ thần Zellner vung cây gậy thần lên để trả lại anh sự tự do và ánh sáng mặt trời.

Nhiều người suy đoán, lẽ nào mười tám năm lao tù và số tiền bồi thường béo bở đáng lẽ sẽ có từ vụ án Oan Thị Kính lại không làm cho Steven sống lương thiện và giữ mình được hay sao? Có ai điên đến nỗi tung hê mọi thứ khi đã chạy gần đến mức?

Sau vụ án giết người hàng loạt của Jeffrey Dahmer và vụ O.J. Simpson trắng án giết vợ và tình địch, thì vụ án của Avery có lẽ sẽ gây nhiều tranh cãi, tốn nhiều giấy mực và nhiều thước phim nhựa nhất nước Mỹ.

Chúng ta hãy chờ xem vụ án THỊ KÍNH HAY THỊ MẦU của thế kỷ 21 mở đóng ra sao, với tài hùng biện của Kathleen Zellner và luật sư đoàn của bà.

Huyền Thoại Thịnh Hương

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,060,116
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là chuyện về cơn bão Irma tại vùng quê mới của tác giả Tampa, Florida.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận giải chung kết 2009. Là nhà giáo dạy Anh và Pháp ngữ tại các trường trung học ở Việt Nam trước 1975, ông vượt biển đến Mỹ năm 1984, đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, ông về hưu tại Riverside, Nam California và tiếp tục góp bài. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả nguyên là luật sư hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975. Ông hiện cùng gia đình đang sinh sống tạiHonolulu, Hawaii. Tác giả đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với các bài "Tôi Hiến Tủy," “Vợ Tôi Bị Ung Thư,” và “Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa.” Và đây là bài thứ tư của Lê Tấn Phước.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Sau đây là bài viết mới của bà.
Gia đình tác giả tại Houston là nạn nhân trực tiếp của bão Harvey. Nhà bị tốc mái. Mẹ Lúa vào bệnh viện bằng trực thăng tải thương. Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Sau đây, bài viết thứ hai, lần đầu ký đầy đủ tên họ Trần Như Nguyện.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, hiện đã hưu trí. Bài viết mới của Gió Đồng Nội về “vòng tay” của bão Irma cho thấy nhiều ghi nhận chu đáo hiếm có.
Tâc giả 45 tuổi, cùng gia đình đoăn tụ tại Mỹ từ 1991, 26 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 băi viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽvà đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến