Hôm nay,  

Hai Người Bạn Homeless

06/12/201500:00:00(Xem: 16619)
Tác giả: Phương Lâm
Bài số 3692-17--30192vb8120615

Tác giả tên thật Phương Nguyễn thị, sinh năm 1955 tại Phủ Cam Huế, cựu học sinh trường Jeanne DArc. Cư dân thành Phố Shoreline, Tiểu bang WA. Làm việc tại công ty A&A Professional Cleaning Service. Đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà.

* * *

Sau 12 năm chờ đợi, chúng tôi đã lên đường sang Mỹ trong nỗi xót xa: hai đứa con đầu không có tên trong giấy gọi, lý do là quá tuổi quy định. Để sau này có thể bảo lãnh hai con lớn, vợ chồng tôi đành mang hai con nhỏ ra đi.

Hai mươi bảy năm xã hội chủ nghĩa, đầu tắt mặt tối, chạy chân không bén đất để đổi lấy bát cơm, chúng tôi đến đất Mỹ cũng giống như con ngỗng trời ngơ ngác, lo sợ. May mà rồi chỉ một thời gian sau là cũng tạm ổn định. Hai cháu nhỏ mau chóng được tới trường. Sau ba tháng đặt chân lên xứ Mỹ, thủ tục bảo lãnh cho hai cháu còn rớt lại cũng đã nạp đủ. Phần khó nhất còn lại là cả hai vợ chồng phải học tiếng Anh, lo thi quốc tịch, để có thể bổ túc hồ sơ bảo lãnh.

Sau khi lo xong bằng lái xe, vợ chồng tôi xin được việc làm. Chúng tôi xin được việc dọn dẹp vệ sinh tại công ty A&A Professional Cleaning Service. Cũng may công ty tôi làm có Mỹ có Việt, văn phòng toàn là người Việt, bước đầu về ngôn ngữ được coi là thuận lợi.

Sau một tuần học việc, công ty giao cho vợ chồng tôi dọn dẹp một nhà hàng của khách sạn Best Western, gồm một dàn bếp khá lớn, một quầy cà phê, một quầy rượu, một nhà hàng ăn khoảng mười lăm bộ bàn ghế. Công việc chính là làm sạch phần nền, thảm thì hút bụi, nền gạch thì quét, móp, bất cứ làm cách gì miễn là sạch, lâu mau tùy mình không giới hạn giờ giấc.

Làm việc bắt đầu từ 11 giờ đêm, nhà hàng đóng cửa, nhân viên phục vụ đã về, không có người nên vấn nạn tiếng Anh không còn lo lắng.

Hai mươi bảy năm trong nước như trâu cày ruộng cạn bây giờ tới Mỹ cầm chổi quét nhà cho sạch mà ăn thì quả thật là trò chơi, vợ chồng tôi túc tắc trong vòng bốn mươi lăm phút là xong.

Sau hai tháng làm việc không bị than phiền, công ty giao thêm một nhà hàng lớn, Mc.CorMick Habor Side cách khách sạn nầy năm phút xe chạy. Rồi tiếp tục giao thêm hai nơi nữa. Hàng đêm như ca sỹ chạy hát show, xong nơi nầy qua nơi khác, đánh nhanh rút lẹ để về nghỉ ngơi sớm.

Chổ thứ tư là nhà hàng Mic. Cormick Fish House ở góc đường số 4 và đường Columbia Seatlle cách nhà hàng Mic. Cormick lớn bảy phút xe chạy. Khi chúng tôi đến nhận nhà hàng ông Manager nơi đây dặn:

“Nhớ khóa cữa cẩn thận, khu nầy nhiều người Homeless, nguy hiểm nếu họ vào trong nhà hàng.”

Nhà hàng nầy thuộc dạng di tích của thành phố, theo lý lịch treo trên tường thì nhà hàng xây dựng năm 1930 nên phần thiết kế khác hơn bây giờ, mặt tiền có bốn cửa chính, mỗi cửa chính hai cánh cửa ngoài, hai cánh cửa trong ở giữa một khoảng trống như một cái phòng nhỏ. Hai cánh ngoài bằng gỗ dày không có khóa nhìn vào tưởng đó là cửa chính, nhưng thật ra đó là cữa chắn gió, cửa chính là hai cánh bên trong. Nhờ vậy, khoảng trống giữa hai cánh cữa thành chỗ trú của người Homeless. Tối nào cũng có khách trọ qua đêm, họ được ngủ yên trong đó không bị quấy rầy bởi các xe tuần tra Cảnh Sát.

Như vậy vợ chồng chúng tôi làm bốn nhà hàng trong một đêm, công việc trước mắt tạm ổn định, hồ sơ bảo lãnh đã nộp và cũng đã nhận được hồi báo, Điều lo lắng tiếp theo là làm sao học Anh văn để thi Quốc tịch bổ sung hồ sơ bảo lảnh. Tới trường học ESL thì không được vì đêm thức ngày phải ngủ.

Vẫn biết ngày tháng còn cả bốn năm lận, nhưng việc nầy quá khó khăn nên phải chuẩn bị, một trăm câu hỏi lịch sử, bốn mươi câu hỏi lý lịch, đối với người giỏi Anh văn thì không cần phải học, đọc qua nghe hiểu trả lời là xong, nhưng với vợ chồng chúng tôi, đây lại là một vấn đề ngoài sức mình. Vì tương lai hai đứa con chúng tôi phải cố gắng, nếu gánh nặng thì phụ gánh cho nhau, nhưng học thì không ai chia bớt cho ai.

Để có thể tự học, chúng tôi mua tài liệu kèm băng cát xét của Giáo sư Nguyễn Phú Lâm nghe trên xe, nghe tại nhà, nghe nơi làm việc.

Thời tiết Seattle mấy hôm nay rất lạnh, dự báo thời tiết cho biết bão tuyết sắp tới trong đêm nay, chúng tôi rất lo vì chiếc xe Honda đời 1984 quá cũ, đường về nhà phải chạy hai mươi phút, ông dzôn tài xế mới ra lò chưa có kinh nghiệm chạy tuyết. Nhìn qua cữa sổ, bên ngoài một màn trắng bao phủ cảnh quang, tuyết rơi quá nặng.

Nhà hàng Mic.Cormick Fish house, nơi chúng tôi đang làm việc, một đêm giá lạnh bỗng có tiếng gõ cửa. Nhìn ra cánh cửa mới gõ, mặt người Mỹ trắng dán sát ô kiếng, đưa điếu thuốc lên ra dấu xin lửa. Tôi nghỉ tay ra dấu cho ông dzôn lấy bao diêm hé cửa đưa cho ông ta.

Cái mền trùm kín cả người nhưng ông vẫn đứng run cằm cặp. Tôi đóng cửa, hạ âm thanh máy cát xét nói với ông xã:

- Lạnh kiểu nầy chắc ông ta chết cóng mất, hay là mình cho ông ta vào núp trong nầy một lúc, tội nghiệp quá. Thấy mặt ông ta có vẻ hiền, hơn nửa đã lớn tuổi, chắc không sao đâu.

Ông dzôn đồng ý liền:

- Được cho ông ta vào đi, kéo ghế cho ngồi gần cửa, nếu ông ta có quậy phá thì hai đứa xúm lại xô ông ra ngoài. Ốm yếu kiểu đó không cự lại mình đâu.


Tôi hé cửa ngoắt ông homless vào. Ông ta lộ vẻ ngạc nhiên lưỡng lự, tôi phải tận dụng hết khả năng dùng động từ “Tu Quơ“ để nói chuyện, nghĩa là nói tiếng Anh bằng hai tay. Ông run rẩy bước vào, tôi chỉ chiếc ghế ông xã đã đặt, nghĩ thầm trong bụng “bố ngồi yên đây nếu loạng quạng là chúng tớ xô bố ra ngay”. Vòng lại rót cho ông ly nước sôi bỏ thêm bao trà Lipton sẵn trong nhà hàng.

Đôi mắt hiền từ, tiếng Thank you nho nhỏ, tay run rẩy nắm chặt ly trà nóng, tay kia đưa lên quệt nước mắt, ông đang khóc. Thấy ông chảy nước mắt tự nhiên nước mắt tôi cũng trào ra. Tội nghiệp ông quá, cũng như cha chú mình sa cơ thất thế, đời ai muốn vậy.

Tôi an tâm tiếp tục làm việc, ông ngồi yên mắt nhắm, có lẽ ông ngủ. Nhìn ông, không thể đoán biết bao nhiêu tuổi, tóc lâu ngày không cắt râu không cạo. Râu tóc phủ che hai phần ba khuôn mặt.

Bỗng lại nghe tiếng gõ phía ngoài. Nhìn ra ô cửa kính một người đàn ông da đen mặt cũng dán sát kiếng, đứng nhìn người bạn ngồi bên trong. Có lẽ ông ta cũng muốn vào. Tôi ra dấu, ông ta gật đầu. Tôi bàn với ông xã, ông mở cửa cho ông ta vô luôn, xếp ghế cho ông ngồi bên người Mỹ trắng, cũng một ly nước như vậy. Cũng một tiếng Thank you trong cổ họng.

Nhà hàng nầy là trạm cuối trong đêm, dọn dẹp vài ba phút nưã là xong. Hằng đêm xong việc là chúng tôi rửa tay ngồi nghỉ, ông xã nhâm nhi ly trà Lipton nghe thêm một đoạn băng học thi quốc tịch rồi mới ra về. Đêm nay, tuyết xuống trắng trời, chiếc xe đậu bên đường gần phủ kín, nhìn hai người khách ngủ say trên ghế, không nỡ đánh thức họ dậy, tôi đề nghị:

- Mình ngồi nghe băng cho họ ngủ thêm 15 phút.

Sau đêm bão tuyết ấy, mấy đêm liền cái khoang cửa không người ở vì tuyết đóng băng dày, hành lang chỉ vét một đường rãnh đủ đi, cửa ra vào cũng vậy.

Tuần sau thời tiết trở lại bình thường, trong đêm khuya xe chúng tôi tới ngã tư đường Chery và số 6, hai người Homless ngồi bên nhau ở góc đường, thấy xe đến người da trắng đứng lên đưa tấm bảng các tông chữ viết to rõ ràng

VETERANS WAR IN VIET NAM

NEED HELP WITH EVRY THING. THANK YOU.

Tôi hỏi ông xã:

- Ông ta viết chi mà có chữ Việt nam.

Ông xả giải thích ông ta là cựu chiến binh đã tham chiến bên nước mình. Hai đứa dốc túi moi nắm tiền cắc lượm trong nhà hàng đưa cho ông ta, ra dấu hỏi ông ta nhớ mình không, ông ta gật đầu, ra dấu ông ta đi tới đó, ông gật đầu, ngã tư nầy tới nhà hàng tôi cách một lốc đường.

Làm gần xong nhìn qua cửa kính, lại thấy hai người trắng đen hôm trước dán mắt nhìn vào, tôi chỉ cho ông xả mở cửa cho họ, chỉ cho họ ngồi vào bàn chứ không ngồi chỗ củ nửa. Qua tấm bảng họ cầm, chúng tôi trân quý họ, một cựu chiến binh đã xả thân bảo vệ tự do cho quê hương niềm Nam mình, có phải đó là lý do mà hôm nay họ như thế nầy chăng?

Nghe ông xã tự giới thiệu là người Việt Nam, trước cũng là lính, ông ta rất vui bắt tay nắm chặt không thả, ông chỉ người đàn ông da màu kế bên nói:

- Ông này cũng vậy hai chúng tôi đã ở Pleiku.

Niềm vui dâng trào, niềm cãm thương khó tả, phút chốc như thân thiện lâu ngày. Hai ông bập bẹ tiếng Việt chúng tôi trọ trẹ một vài tiếng Anh kèm theo động từ “tu quơ”. Ra về hai vợ chồng đùa “mình nói tiếng Anh còn hơn tập thể dục, nói kiểu nầy riết khỏi phải kéo tạ tay”.

Vậy là từ đó, hằng đêm họ chờ chúng tôi trong khoang cửa. Anh đen tên John. Ông trắng tên Andrew. Đêm nào tôi cũng bới theo thức ăn Việt Nam cho họ. Cởi mở, thân thiện, hai người bạn homless còn phụ giúp chúng tôi làm việc, xong họ dạy chúng tôi đọc tiếng Anh. Mỗi thầy kèm một tro. Nhờ vậy mà bài thi Quốc tịch chúng tôi đã ngốn một cách ngon lành. Tôi thầm cám ơn các đấng bề trên vì tất cả đều nằm trong xếp đặt của các Ngài.

Mỗi kỳ lãnh lương, cách nầy hay cách khác, chúng tôi tìm phương kế tế nhị gởi cho hai anh một phân nửa số tiền công của nhà hàng nầy, vì họ cũng đã làm việc. Hai chúng tôi hai anh em ho, bốn người chia hai số tiền nhận nơi đây cho phải phép công bằng.

Còn hai tháng nữa là ngày thi Quốc tịch, đêm hôm đó chỉ một mình ông John Mỹ đen đến. Ông ta nói:

- Andrew vào bệnh viện hồi trưa, anh ấy té xuống trong hàng đợi nhận thức ăn.

Ông xã hỏi Bệnh Viện nào John trả lờ:

- Andrew gục xuống xe cấp cứu đến chở đi nên không rỏ bệnh viện nào, nhưng anh cố gắng tìm sẽ cho biết sau.

Rồi đêm hôm sau và những đêm kế tiếp, không thấy John trở lại. Chúng tôi vẫn bới theo thức ăn và vẫn đợi, một đêm hai đêm, một tháng hai tháng khuôn cửa kính không người nhìn vào. Xong việc, có hôm chúng tôi ngồi nán lại chờ cho đến khi trời sáng.

Chúng tôi cũng vẫn dõi mắt tìm kiếm họ trên các ngả tư, trên các khuôn mặt của những người cầm bảng đứng bên lề đường, nhưng mãi cho tới hôm nay vẫn không thấy tăm hơi. Không biết phải tìm họ ở đâu.

Cám ơn hai người bạn đã tháp cánh cho chúng tôi trên đường hội nhập, đạt ý nguyện trong kỳ thi nhập tịch, gia đình chúng tôi đã đoàn tụ.

Nhà hàng Mic.Cormick Fish House chúng tôi vẫn tiếp tục làm, hằng đêm cho tới bây giờ chúng tôi vẫn nhìn qua khung cửa kính thầm gởi tới hai anh lời cầu xin bình an và lời tạ ơn.

Phương Lâm

Ý kiến bạn đọc
24/12/201501:41:37
Khách
Đọc bao tin ở quê nhà sao ôi đau sót đọc nơi xứ người sao ấm tình người
20/12/201506:33:42
Khách
Chuyện thật cuộc đời. Cám ơn tác giả, một con người Việt Nam sống không mặc cảm, không tự tôn, chỉ bằng sự cần cù và tấm lòng nhân hậu.

Chúc chị và gia đình mọi sự anh lành nhân dịp Giáng Sinh 2015.
08/12/201502:01:48
Khách
Anh Chị được đấng thiêng liêng gửi hai người bạn đó đến giúp. Nếu Anh Chị không có đủ nhân từ mở lòng ra giúp họ thì đã không được hưởng phước đó. Xin đề nghị Anh Chị hỏi người chủ tiệm gắn một tấm bảng tìm họ trên cửa sổ mà họ nhìn vào lúc trước, vào ban đêm thôi và trong giờ Anh Chị làm việc cũng được. Hy vọng họ sẽ thấy mà tìm gặp Anh Chị.
Chúc Anh Chị mọi sự may mắn. Thành thực kính trọng và trân quý tấm lòng cao đẹp của Anh Chị.
Mong Anh Chị tiếp tục con đường mang vui vẻ hạnh phúc đến cho người khác để tiếp tục nhận được vui vẻ hanh phúc trả lại.
Đây là một vũ trụ tuyệt đối thăng bằng và trật tự. Bất cứ cái gì chúng ta làm đều làm lệch sự thăng bằng và trật tự đó nên vũ trụ sẽ tái cân bằng bằng cách trả lại những chuyện chúng ta làm. Cho nên muốn có hậu quả tốt thì hãy làm việc tốt.
Chúc Anh Chị và gia đình được mọi sự may mắn.
07/12/201519:42:59
Khách
ấm áp tình người quá.
07/12/201508:44:39
Khách
Chi Phuong oi,toi cung la nguoi Hue ,la cuu hs truong Lasan Pellerin,sau do la cuu sv truong DH Van Khoa va DH Su Pham truoc 1975.Sau 75 toi day hoc,nay da ve huu.Doc bai chi viet,toi vo cung xuc dong,the hien van hoa cao thuong va nhan van ma chung ta duoc VNCH giao duc ,khac xa van hoa cs tai VN.Mong chi vui,khoe va co nhieu bai viet hay.Cam on va tam biet chi.Hue.7.12.2015
06/12/201522:27:49
Khách
Ý chí thép, phương tiện đồng, tâm vàng! Trân quý.
06/12/201515:07:44
Khách
Một câu chuyện đầy tình người. Trong một lối hành Văn giản dị. Cám ơn tác gỉa, người cùng xóm Phủ Cam với tôi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,977,236
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến