Hôm nay,  

Huynh, Đọc Kinh Với Đệ

04/12/201500:00:00(Xem: 15243)

Tác giả: Vĩnh Chánh
Bài số 3690-17--30190vb6120415

Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Ông là một y sĩ thuộc hội Ái Hữu Y Khoa Huế Hải Ngoại. Tốt nghiệp Y Khoa Huế năm 1973, thời chiến tranh, ông là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù cấp tiểu đoàn và gắn bó với đơn vị chiến đấu cho tới giờ phút cuối tại vành đai Sàigon ngày 30 tháng Tư. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

* * *

Khi tôi quẹo xe vào sân Dưỡng Trí Viện El Dorado, một chị có diện mạo người Việt vừa bước ra khỏi xe mình. Thấy dáng quen quen, tôi cho xe chạy đến gần, xuống cửa kiếng và lên tiếng “Phải Kim Oanh không?” Một ánh mắt sáng lên với nụ cười mừng rỡ. Quả đúng là Kim Oanh, vợ của Hoàng Văn Tân, người bạn tù cải tạo thân thiết năm xưa của tôi.

Tôi gặp chị lần thứ nhất vào khoảng tháng 3, năm 1976, khi chị dắt theo vợ tôi cùng lén lút tìm gặp 2 ông chồng đang đi lao động ở rừng cao su tại Xuân Lộc. Sau 39 năm, đây là lần thứ hai chúng tôi gặp lại. Ngồi chờ trong phòng khách trong khi nhân viên làm vệ sinh cho Tân, Kim Oanh và vợ tôi tiếp tục hàn huyên. Riêng tôi, ngồi lùi vào chiếc ghế trong góc phòng, trầm ngâm bởi quá khứ chao đảo của 40 năm trước.

*

blank
Chiều Thứ Hai, 23 tháng 6, 1975, sau giây phút bịn rịn giã từ người vợ mới cưới, tôi mang balô bước vào trường Petrus Ký, trình diện đi học tập 10 ngày. Vào đêm, hàng trăm cựu sĩ quan VNCH bị lùa nhét đầy cứng trong những chiếc motolova bít bùng chở đến một căn cứ quân đội cũ mà mãi sau này chúng tôi mới biết thuộc về Sư Đoàn 18 Bộ Binh tại Xuân Lộc.

Chúng tôi bị sắp chia thành tổ và đội. Tổ 10 người của tôi mang số 30 A do anh DS. Nguyễn Địch Ứng làm tổ trưởng, tổ 30 B do anh DS. Nguyễn Đức Năng làm tổ trưởng, tổ 30 C do anh BS. Khai (cùng khoá trưng tập 16 Y Nha Dược với tôi) làm tổ trưởng, còn DS. Phạm Văn Minh làm đội trưởng đội 30. Đội được chỉ định ở trong 2 căn nhà mái tôn nhỏ nằm dài với nhau, nối thông bởi một cửa lớn. Chổ nằm cá nhân chỉ vừa bằng bề ngang thân hình con người, và đầu sát vào tường. Bên phải tôi là anh Hồ Xuân Tịnh, một Tr. Úy Trợ Y Biệt Động Quân, là bạn đồng môn tôi đã từng quen biết trước và cũng là người thân quen tôi gặp ngay ở trường Petrus Ký; bên trái là anh Trung Úy Không Quân Hoàng Văn Tân.

Trại tù ấy có hàng chục dãy nhà tôn như vậy, vừa lớn vừa nhỏ, bao bọc bên ngoài bởi mấy lớp hàng rào kẻm gai và chòi canh. Đó là trại tù cải tạo L19T9. Những chử và số thoạt nghe thật xa lạ, vô cảm, nhưng rồi chúng tôi phải tập ghi nhớ quen dần. Đó cũng là nơi chúng tôi phải chịu bao khổ nhục cay đắng, đày đọa. Trong hoàn cảnh ấy, ba đứa Tịnh, Tân và tôi trở nên những bạn tù thân thiết theo với thời gian giam cầm. Tâm tình, chia xẻ, nâng đỡ tinh thần, đùa giởn, dặn dò nhắc nhở, che chở cho nhau…Tân và tôi đều đạo công giáo. Tịnh không phải công giáo dù vợ cũng công giáo gốc.

Là con trai thứ của một gia đình công giáo di cư vào Nam năm 1954, thủa thiếu niên, Tân ở Rạch Giá. Bước vào những năm cuối của trung học, gia đình anh dời lên Saigon, mở tiệm chuyên bán thuốc Lào ngay chợ Ông Tạ. Sau 2 năm Đai Hoc Khoa Học SG, anh gia nhập Không Quân và được gởi đi Mỹ 6 tháng học về tiếp liệu.

Tân lấy vợ đầu năm 1969, đã có 3 con trước khi đi tù. Dáng người hơi mập, có lẻ do thiếu hoạt động và xanh xao vì bệnh suyễn kinh niên, Tân ít nói, lắng nghe nhiều hơn trả lời, phong cách chậm rãi, hiền lành, chân chất. Con người Tân thoát ra một vẻ thành thật, không hút thuốc, không chưởi thề, biết nhường nhịn, và đặc biệt rất ngoan đạo.

Vì hơn Tân một tuổi nên tôi được Tân kêu bằng huynh thay vì tên và xưng đệ với tôi. Bất cứ nơi đâu, khi riêng 2 đứa hay trong đám đông, chúng tôi tự động gọi nhau huynh huynh, đệ đệ. Theo tinh thần “huynh đệ chi binh” dù trước đây không hề quen biết nhau, không cùng một binh chủng, một đơn vị. Giờ đây, sát bên nhau trong nhà tù, kẻ trước người sau trong hàng điểm danh hay lao động, nằm cạnh nhau hằng đêm, 3 chúng tôi, Tịnh,Tân và tôi như thể tay chân của nhau, tai mắt cho nhau, nuôi sống nhau bằng hy vọng và kinh cầu. Tịnh và Tân thường nâng đở tôi trong những khi tôi suy sụp, chán chường tuyệt vọng.

Qua bao nhiêu đêm, không những Tân đã lén lút giúp Tịnh và tôi ôn lại những đoạn kinh thánh quan trọng, bắt chúng tôi lập lại kinh cầu, mà còn luôn nhắc nhở 2 đứa tôi đọc kinh hằng đêm trước khi ngủ. Đêm nào cũng như đêm nấy, không sót một đêm, vài phút sau khi đèn phòng tắt, Tân nghiêng người rót nhẹ vào tai tôi “Huynh, đọc kinh với đệ. Huynh, đọc kinh với đệ”. Khi được Tân nhắc nhở, tôi lấy chân mình đá nhẹ mấy cái vào chân Tịnh, rồi cùng nhau lâm râm đọc kinh. Nhu cầu đời sống tâm linh khiến chúng tôi gắn bó thân thiết. Có những lúc tôi làm biếng vì quá mệt mỏi, tôi giả lờ hoặc cố tình không nghe. Tân lấy cùi tay thúc nhẹ vào hông tôi liên tục cho đến khi tôi phải chịu thua, đành cùng nhau đọc kinh cầu nguyện.

Tân thường lần nguyên chuỗi tràng hạt mổi đêm, rồi lẩm bẩm cầu nguyện thêm cả năm mười phút. Riêng tôi, tôi đọc một kinh Lạy Cha- Cứu Chúng Con Cho Khỏi Mọi Sự Dữ- ba kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh, như Măng tôi thường làm trong những lúc đau buồn thối chí sau khi Ba tôi mất. Đôi lúc siêng năng hơn, tôi cùng lần tràng hạt chung với Tân, và thỉnh thoảng ba chúng tôi hát nhỏ với nhau bài thánh ca Sao Biển mà Tân thuộc nằm lòng hơn hết “…Sống chết con trông chờ, bao nhiêu sức hộ phù, lòng Mẹ sẵn sàng mà đoái đến con, giúp con đưa con về tới bến…”

Thường buổi sáng chúng tôi chỉ kịp đọc thầm 1 kinh Lạy Cha sau khi thức dậy. Mổi lần đọc kinh và cầu nguyện, tôi tìm thấy an ủi và lạc quan, lòng thư thả phó mặc; tinh thần vững mạnh hơn để chịu đựng thử thách; thể xác nhẹ hẳn vì có được niềm tin sẽ đến ngày tìm thấy ánh sáng cuối đường, dẫn đưa tôi vượt thoát bao thử thách, bao vấn nạn, để cuối cùng cho tôi nguyên vẹn sum họp với gia đình. Tịnh và Tân cũng vững niềm tin như vậy.

“Cuộc đời con trong tay Người / Hồng ân Người ban cho con / Lạy Cha trên trời, ánh sáng cao cả / Người mãi mãi soi sáng đời con”

Qua kinh nghiệm của một người di cư, Tân luôn nhắc nhở tôi cần phải tuyệt đối thận trọng khi làm tờ khai sơ yếu lý lịch, càng đơn giản, càng ít chi tiết bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Và nhất là phải nhớ những điều mình đã khai, đã viết lên trang giấy, vì bút sa gà chết. Tân cũng thường xuyên căn dặn tôi phải dè dặt với mọi người, tránh to tiếng, tránh gây gổ và nên hạn chế làm thân hay chuyện trò với các người bạn tù khác, nhất với những người mình không quen biết bao nhiêu hay những người ở trong các đơn vị trọng yếu như quân báo, thám báo, phượng hoàng, an ninh, cảnh sát, chiến tranh chính trị, xây dựng nông thôn…để tránh bọn antennes theo dõi.

blank
Nhưng dù có cẩn thận bao nhiêu, dù chỉ đọc kinh trong miệng, lâm râm cầu nguyện, âm thầm làm dấu trước và sau mổi khi đọc kinh, rồi cũng có ai đó báo cáo lên trên. Tên quản giáo Đường đã đôi lần tập họp đội 30, cảnh cáo chuyện đọc kinh và cầu nguyện của các tù cải tạo, cho chuyện đọc kinh cầu nguyện là một hành động “chống đối cách mạng”. Dù không nói rỏ tên, nhưng chúng tôi nghiệm được không ai ngoài ba đứa chúng tôi.

Ngoài bản chất hiền lành và ngoan đạo, xoa mạc chược giỏi trong giờ nghỉ, Tân còn rất khéo tay. Không những Tân làm tặng tôi một ống điếu hút thuốc Lào bằng nhôm có khắc hình cô gái xỏa tóc, mà Tân đã làm cho chính mình và giúp tôi cùng bao bạn tù khác hoàn tất những sản phẩm thực tế giúp cho sinh hoạt người tù tốt đẹp như mũ rộng vành che nắng khi lao đông, túi xách tay lớn, balô từ vải dày của rèm các xe GMC phế thải; dép râu từ lốp xe quân sự; rồi đờn tây ban cầm với thùng bằng gỗ lấy từ gổ ép của vách các nhà kho được tháo gở với giây đờn từ các dây điện thoại quân đội; hay những kỷ vật cho thân nhân như trâm cài tóc, lược, vòng đeo tay, nhẩn…làm bằng nhôm lấy từ thân xe M113 bỏ phế. Vì Tân có tay nghề cao thành thạo như thợ chuyên nghiệp, tôi có nhờ Tân khắc tên vợ mình trên chiếc lược tôi tự làm lấy để tặng nàng trong lần thăm nuôi đầu tiên, cùng với cái đờn guitar cho em trai nàng.

Ngoài những giúp đỡ thiết thực, những nâng đỡ tinh thần kể trên, Tân còn “bắn” được tin nhắn vợ mình liên lạc với vợ tôi qua những lần lao động ngoài trại, để hai bà cùng rủ nhau đi thăm lén hai ông chồng. Tưởng như không thể nào thực hiện được, vậy mà trong một lần dắt nhau đến Xuân Lộc, hai bà đang đứng bên đường phố bỗng nhìn thấy được hai ông chồng trong đoàn tù đi lao động ngoài trại. Hai bà vội thuê xe honda ôm chạy theo đoàn tù và cuối cùng tìm được cả hai ông chồng trong rừng cao su. Thế là mổi cặp chúng tôi có được 2 tiếng đồng hồ tâm sự khi nghỉ trưa, giữa rừng vắng, trên trời là mây xám, dưới đất là chiếc poncho trải ra trong phần cỏ cao ngập tận ngực.

Cặp này cách cặp nọ không quá 20 thước, tuy nghe được tiếng thì thầm yêu đương, nhưng chẳng thể nhìn thấy nhau. Đây là một kỷ niệm khó quên mà mổi khi nhắc lại, cả Tân và tôi đều hãnh diện đã may mắn có được chút thì giờ quý báu với vợ mình trong thời điểm cấm đoán vô cùng khó khăn. Trên đường về trại từ rừng cao su, với chỉ tiêu 3 thân cây cao su dài và nặng trịch đem về trại, dù phải vác và di chuyễn theo kiểu nhảy cóc, hai đứa tôi cứ phơi phới, bước chân nhẹ hẩn vì hạnh phúc bất ngời chợt đến, như một ân sũng trời ban.

Sau đợt thăm nuôi đầu tiên, Tân có tặng riêng cho tôi một bịch thuốc Lào do gia đình làm. Không ngờ ngon đến vậy! Không như thuốc Lào do trại thỉnh thoảng phát cho lũ tù, hút vào gắt khô cả cổ họng và cay xè, khiến người hút ho sặc sụa, đằng này chỉ cần hít một bi rất nhỏ thuốc Lào thơm dịu của nhà Tân cũng đủ làm tôi phê thật êm ái, mắt sụp xuống không cưởng được, tay chân quờ quạng, thân thể nhẹ buông thả, giúp tôi quên hẳn sự đời trong 5-10 phút. Có lần tôi xém chúi đầu vào lò lửa lớn nấu nước sôi buổi sáng cho đội. Phần lớn thuốc Lào còn lại, Tân để dành dùng trao đổi với thuốc Tây khi cần, nhất là cho bệnh suyễn của mình.


Quá nhiều lần tôi chứng kiến Tân lên cơn suyễn trong tuyệt vọng. Thật xấu hổ và đau đớn khi chẳng thể giúp được bạn mình vì không có thuốc men trong tay. Tôi xót xa nghe hơi thở Tân khò khè nặng nề với những tiếng rít nghẹt thở, người ngồi dựa vào tường, mắt mở lớn, miệng hả to hớp không khí, cách mủi phập phòng, bẹ sường dãn nở tối đa nhưng chẳng giúp gì nhiều, thân thể ướt sũng mồ hôi dù giữa đêm mưa lạnh. Chính vì những cơn suyễn nặng không có thuốc nên Tân tin vào những bày vẻ từ các bạn tù khác, như nuốt ngược con thằn lằn còn sống, ăn túi mật của con cắt kè, uống lá cây này rể cây nọ… bệnh chẳng hề thuyên giảm và càng ngày càng trầm trọng với những cơn suyễn dồn dập kéo dài.

Với sức khỏe kém dần, Tân thường xuyên được miễn lao động. Đau yếu lại chẳng biết ngày về, Tân càng hướng tâm linh vào cầu nguyện, và cầu nguyện nhiều hơn. Theo Tân, tôi cũng đâm ra cầu nguyện siêng năng, bất chợt trong những khi rảnh rổi, đêm hay ngày, với lời nhắc nhở “Huynh, đọc kinh với đệ”.

Gần một năm tù và trước đợt thăm nuôi đầu tiên, bạn Hồ Xuân Tịnh được thả về. Sau Tết 1977, danh sách chuyển trại được đọc trong đêm, tôi rời trại 2 giờ sau đó. Đêm mưa ấy, Tân đang trong cơn suyễn nặng, ngồi yên trên giường thở nặng nề. Phút cuối khi chia tay, tôi đến gần Tân nắm tay bạn chào tạm biệt. Tân làm dấu cho tôi đến sát mặt mình, hổn hển thì thào “Huynh đi bình an, nhớ đọc kinh cầu nguyện. Nhớ cầu nguyện cho đệ”.

Tôi hoàn toàn mất liên lạc với Tân từ đó. Không biết Tân còn sống sót hay đã chết một nơi u tối nào đó trong lao tù CS. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ niềm hy vọng bạn mình đến được bến bờ tự do.

Khi biết tin Tân định cư ở Oklahoma City, năm 2007, trong hân hoan và xúc động, tôi điện thoại ngay cho Tân. Sau khi nhắc lại tên mình, xưng huynh với Tân, kèm theo vài kỷ niệm khó quên giữa hai đứa trong tù, rồi lập lại câu “Huynh, đọc kinh với đệ”, tôi hơi khựng lại, có cảm giác Tân không nhận ra được huynh của Tân ngày xưa. Có một cái gì bất ổn! Tân đã thay đổi?

Không nồng nhiệt như tôi ước mong qua cách trả lời ngắn, bâng quơ, không đầu không đuôi và không mạch lạc. Thất vọng trong lòng, tôi thôi không nghĩ đến chuyện nối lại liên lạc với Tân dù tôi có cho Tân số điện thoại nhà mình, và bỏ hẳn luôn cả ý định lái xe đến thăm người bạn tù xưa cũ.

Tháng 9, 2015, anh bạn Không Quân Tôn Thất Bảo bất ngờ cho biết vợ chồng Tân hiện đang sống ở San Diego. Anh đồng thời cho biết các bạn cùng khóa 5/69 du học ở Mỹ thường xuyên chuyện trò, thăm viếng Tân và nâng đở tinh thần Kim Oanh, nhất từ khi vợ chồng Tân về ở San Diego, thể hiện tinh thần “Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè” của đại gia đình Không Quân. Sau khi liên lạc với Kim Oanh, vợ chồng chúng tôi quyết định đi thăm vợ chồng Tân ngay sáng hôm sau.

Được biết sau đêm tôi rời trại Xuân Lộc đến Trảng Táo, Tân vẫn tiếp tục ở lại trại L19T9 tại Xuân Lộc gần 2 năm, sức khỏe suy giảm với những cơn ho ra máu do suyễn nặng, dù được tiếp tế thuốc men thường xuyên. Không còn con đường nào khác, Kim Oanh đánh liều, táo bạo tìm cách cho chồng trốn trại vào một buổi sáng cuối năm 1979, căn dặn Tân chui rào kẽm gai ngay dưới chân của vọng gác, rồi tự mình dắt chiếc xe đạp do vợ để sẵn ở bên ngoài, giả như người dân địa phương đi rẫy về. Theo lời Kim Oanh “y như có phép lạ của Chúa, người lính gát không hề thấy Tân bước ra khỏi rào, tiến đến chiếc xe đạp và từ từ dắt xe xa dần trại tù”.

Về Saigon, Tân trốn núp trong nhà bà ngoại vợ một thời gian. Sau đó với giấy tờ giả, vợ chồng Tân tạm thời đến sinh sống ở vùng kinh tế mới gần Long Thành, trên đường đi Vũng Tàu, tìm đường vượt biên. Sau cả chục lần thất bại, mất không biết bao nhiêu tiền của và trải qua bao hiểm nguy, cuối cùng Tân thành công vượt biên một mình và đến đảo Pulau Bidong năm 1980, định cư ở Whichita vào cuối năm 1980. Tân làm việc cho hảng Cessna. Kế đó, Kim Oanh và 3 đứa con lần lượt vượt thoát từng người một, để cuối cùng cả gia đình đồng đoàn tụ tại Whichita vào năm 1988.

Khi cơ sở Cessna đóng cửa, Tân mang toàn bộ gia đình sang Oklahoma City sinh sống. Tại đây, Tân hết hẳn bệnh suyễn vì hạp với khí hậu khô và làm việc với AT & T trên mười năm. Sau khi bị sa thải năm 2001,Tân bắt đầu có triệu chứng lãng trí, yếu thần kinh, cơ thể bại xuội từ từ. Đi đủ mọi trung tâm y tế chuyên khoa, qua đủ mọi thử nghiệm, bác sĩ cho biết hệ thống tuần hoàn trong nảo Tân quá kém, đưa đến tế bào nảo yếu rồi chết dần, không có thuốc gì hay thủ thuật gì cứu chửa được; chứng bệnh sẽ từ từ trở nặng theo thời gian.

Đã 16 năm kể từ lúc Tân bắt đầu có triệu chứng bệnh cho đến khi không tự săn sóc chính mình. Bốn năm gần đây, K. Oanh đã phải một mình săn sóc cho chồng 24 giờ mổi ngày, lo vệ sinh, tắm rửa, thay quần áo, cho ăn uống, xốc vát dìu đở chuyễn qua xe lăng… là những công việc nặng nhọc cần phải nhiều người cùng làm đối với một người bệnh tình trạng như Tân. Dù đã có tên trong danh sách chờ, cuối cùng trên 3 năm, Kim Oanh mới đem Tân từ Phoenix về để được nhập vào viện dưỡng lảo El Dorado tại San Diego. Tân đã nằm tại đây hơn 6 tháng.

*

blank
Đôi khi tôi băn khoăn tự hỏi mình có quá nông nổi, thiếu nhận xét, cạn suy nghĩ khi thầm thất vọng “đệ” của tôi không nhận ra “huynh” của mình trong lần điện thoại đầu tiên năm 2007. Nay biết rỏ khoảng thời gian đó Tân đã mang chứng bệnh nghiệt ngã này 7 năm thì làm sao Tân trả lời song suốt, cười giởn với tôi như một người bình thường? Và làm sao Tân có thể viết được số điện thoại của tôi khi tôi đọc cho Tân?!

Chính tôi là kẻ đã vô tình đến mức không có được sự tinh tế và nhạy cảm nghề nghiệp để nhận thấy sự bất thường trong cách trả lời của Tân. Một bất thường không phải vì muốn xa cách “huynh” của mình mà là do từ căn bệnh thần kinh đưa đến. Tôi tự hỏi có phải những chịu đựng tinh thần, những hành hạ thể xác, những cơn suyễn nặng trong chốn tù, những thất bại và nguy hiểm liên tục lúc vượt biên, cái chết của người anh đầu trên biển, và sự hãi hùng ghê sợ tuy sống sót nhưng phải chứng kiến cảnh bọn hải tặc hành hạ, hãm hiếp và tàn nhẫn giết chết các nạn nhận trên đảo Koh Kra khi chuyến tầu vượt biên của Tân bị chúng đánh chìm, đã ít nhiều góp phần đưa đến hội chứng hậu chấn thương tâm lý (Post Traumatic Stress Disorder) và làm hư hỏng, xóa mòn não bộ của Tân.

Đệ của tôi nằm đây, trên giường, bất động. Mắt mở nhẹ nhưng chẳng nhìn thấy. Khuôn mặt không méo mó, không biểu lộ buồn vui, đau đớn. Miệng ngậm nhẹ, chẳng cười mà cũng chẳng nói lời chi. Hai tay buông thả dọc theo thân hình, không co quắp. Hai chân xuôi thẳng, không gồng cứng. Cơ thể tuy hiện diện ở thế gian này nhưng hoàn toàn thụ động, một nét sống thực vật, sinh tồn qua những phản xạ sinh lý sơ đẳng. Tân ở ngay trước mặt tôi, nhưng sự tinh anh và thần trí đã thầm lặng dời về một nơi xa xôi nào đó.

Ngồi sát bên Tân, tôi ôm choàng và lập lại nhiều lần “Huynh đây, Huynh của Đệ đây, Tân ơi”. Trong một lần duy nhất ngay sau khi tôi ghé vào tai Tân nói nhỏ “Huynh, đọc kinh với Đệ”, mắt Tân bổng mở lớn cho tôi vừa kịp bắt gặp một ánh mắt chợt lóe sáng hơn, dù chỉ trong tích tắc rồi chìm lại trong bóng tối. Chỉ bấy nhiêu thôi, nhưng tôi biết ở một nơi sâu kín trong tim óc, Tân đã ghi nhận được tiếng gọi của huynh. Là tiếng gọi nhắn cho nhau, từng được lập đi lập lại qua bao đêm ngày trong lao tù

Để nâng đỡ tinh thần Kim Oanh, vợ chồng chúng tôi quyết định đem theo cô con gái đầu lòng, bị tàn tật sau một tai nạn bất ngờ, để như một chia xẻ và cảm thông sự khó nhọc và nổi đau khổ Kim Oanh đang gánh chịu. Điều này đã nhanh chóng giúp Kim Oanh và chúng tôi dễ cảm thấy gần gũi, thông cảm hoàn cảnh của nhau. Nếu thấy và hiểu được đời là bể khổ, mổi người ai cũng có một thánh giá để vác, không cái nào nhẹ hơn cái nào thì chúng ta dễ dàng chấp nhận những sự bất như ý trong cuộc sống. Vấn đề là ráng vác làm sao cho khéo léo. Nhẹ nhàng thì tốt hơn. Đỡ khổ hơn.

Tân ơi, đệ biết không? Vào năm 1980, một năm trước khi vượt biên, bạn Tịnh của chúng ta đã tìm thấy ánh sáng Thiên Chúa để trở thành một người công giáo ngoan đạo như đệ. Hiện nay gia đình Tịnh sinh sống ở Tustin, không xa với huynh bao nhiêu. Hẳn nhiên Tịnh đã phải tin vào Ơn Trên đã cứu mình khi không thể tự giải thích vì sao đã thoát được, không một thương tích trong người, trong đợt tấn công đẩm máu cuối cùng của CS vào trại biên phòng Ben Hét trong tháng 10, 1972 khi “ra đi 10 người, chết 5, bị thương 3, về nơi an toàn 2”; Tịnh cũng chẳng hiểu thấu đáo lý do mình được thả về khi ở tù chưa đến một năm. Nhưng điều chắc chắn Tịnh từng nói với huynh là niềm tin và hy vọng qua những cầu nguyện, đọc kinh với nhau trong trại tù đã giúp Tịnh tìm đến ánh sáng ơn cứu rổi.

Ngay chính huynh cũng đã cầu nguyện khi ở tù 11 tháng tại nhà tù Chí Hòa vì tội vượt biên, 1 kinh Lạy Cha, 3 kinh Kính Mừng và 1 kinh Sáng Danh. Y như chúng mình đã từng làm khi bên cạnh nhau trong tù cải tạo, dù không có đệ. Rồi khi chòng chành trên tàu vượt biên, hát thầm “Thân lạy Nữ Vương, Mẹ thấu tình con, sóng va tư bề, thuyền con sắp chìm, hầu theo nước xuôi dòng…” bài hát chúng mình từng hát chung với nhau.

Đệ thân mến, chiếc lược đệ từng giúp huynh hoàn tất trong mấy tháng tù cải tạo, được trân quý cất giữ trong một hộp đặc biệt, đặt ngay trên đầu giường ngủ của vợ chồng huynh từ bao năm qua. Thỉnh thoảng khi dùng chải tóc cho vợ, huynh bao giờ cũng nhớ đến đệ. Nhớ thật nhiều. Cùng với câu “Huynh, đọc kinh với Đệ”. Cầu mong đệ thanh thản. Cầu nguyện Kim Oanh giữ vững tinh thần, niềm tin và phó thác mọi sự trong tay Chúa.

Shelter me, O God, hide me
In the shadow of your wings

Bên bờ hồ Mission Viejo, CA. Tháng 11, 2015

Vĩnh Chánh

Ý kiến bạn đọc
02/10/201820:47:44
Khách
Cảm ơn tác giả đã có một bài viết rất hay và giá trị, xin ơn trên luôn chúc lành cho tất cả mọi người...
08/11/201600:37:52
Khách
Cậu Chánh ơi bài viết của Cậu thật tuyệt Chúc cậu mợ luôn vui mạnh
Thu Hà cháu ngoại của Bà CTTNTSung
10/01/201602:53:36
Khách
Vậy mà có nhiều nguời ngồi xe lăn, hay sông đời thục vật thích gỡ ống thở hay truyền serum ra để khỏi thở cho khỏe thân đó. Cái gì cũng đổ thừa chúa làm,chúa phạt, chúa thưởng,chúa thương, chúa gọi. Bao nhiêu triệu người không tin chúa, chả lẽ họ chết xuông địa ngục hết chắc? Giả thoát ở đâu khi mà tự mình cứ cột mình vô 1 cái ông chúa nào đó, bịa ông ta ra để bám vào,cầu xin lạy lục, để hù dọa thiên hạ...hay để mình bớt sợ vì có kẻ hứa "gọi về" bao bọc che chở. Hãy giữ tâm thanh thản, ung dung tự tại đi. Có sinh thì có diệt, đó là luật tự nhiên muôn đời của vũ trụ. Việc gì mà phải sợ?
14/12/201521:49:00
Khách
đã tới thời gian Thiên Chúa gọi đệ về rồi . Tâm Lê có biết tạ ơn Thiên Chúa vẫn còn cho thở không.
11/12/201505:05:48
Khách
Bạn Tâm Lê ơi, Chúa vẫn còn muốn thử thách bạn đấy thôi. Hãy tiếp tục nhần nại và cầu nguyện, Chúa sẽ động lòng đền công bạn thiệt xứng đáng. Chúa vốn nhân lành và công bình vô cùng.
Tôi rất mừng khi thấy trên đời này vần còn có nhiều người có lòng tin nơi Chúa. Các ông bạn Tân, Tịnh và Vĩnh Chánh quã làmột gương sáng cho chúng ta noi theo
11/12/201500:17:26
Khách
Cầu mong Anh Chi Tân Oanh luôn luôn đuơc an lành trong ơn Chúa. Cám ơn anh Chánh đã viết một câu chuyện thật cảm động về nhứng người bạn tốt và dễ thuơng đã cùng nhau chia xẽ ngọt bùi trong họan nạn.
06/12/201523:50:37
Khách
Một bài viết rất hay về đức tin. Tôi là người ngoại đạo nhưng vẫn có một tín ngưỡng để tôn thờ nên tôi rất đồng cảm với những gì tác giả đã viết trong bài này.
05/12/201519:09:27
Khách
Đọc kinh hoài mà sao đệ bị tê liệt khôgn thấy ai xuống cứu hết vậy?
04/12/201523:03:09
Khách
Kinh' chu' ,
Cam on chu' đa~ chia xe~ tam su......
Bai` chu' viet that hay
Nguyen xin hong an Thien Chua' ban tran` đay` đen' gia đinh` chu' & chu' Tân.
Chau' Kim Ho
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,012,124
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến