Hôm nay,  

Sau Hơn 40 Năm

24/08/201500:00:00(Xem: 12082)

Tác giả: Sapy Nguyễn Văn Hưởng
Bài số 3606-17--30196vb8082315

Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Bài viết mới của tác giả, kể về một gặp gỡ bất ngờ trong họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm nay.

blank
Sapy Nguyễn Văn Hưởng và tác giả Ngô Đình Châu, giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2015.

* * *

1. Từ nhạc tình nhạc lính đến chuyện lính

Sau hơn 40 năm tàn cuộc chiến, dòng nhạc Miền Nam trước đây không những đang được trình diễn trong các chương trình văn nghệ, các buổi hội họp gia đình của người Việt tại hải ngoại, mà ngay cả trong nước, dòng nhạc này vẫn liên tục “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” và đi sâu vào lòng “Xã Hội Chủ Nghĩa - trong đó có cả những người tự xưng là “đỉnh cao trí tuệ loài người”.

Lời ca tiếng hát, kể cả những nhạc phẩm viết riêng cho người lính Việt Nam Cộng Hòa, vẫn vang vọng bên trong rạp hát, phòng trà giữa lòng thủ đô Hà Nội, hoặc trong những căn phòng xa hoa lộng lẫy của các đồng chí đảng viên Cộng sản cao cấp. Riêng với Sài Gòn, một thời từng là thủ đô của Miền Nam thì khỏi phải nói: Từ trong hẻm sâu ra tới ngoài phố lớn, tiếng nhạc xưa vẫn mặc sức tung hoành. Nói “túm” lại: nơi nào vướng mùi nước mắm, có hương vị phở, có bún bò Huế hoặc hủ tiếu Mỹ Tho,… chắc chắn đôi tai sẽ được thưởng thức thêm nhiều bản nhạc của một thời để thương để nhớ.

Riêng thành phần kiếm sống nhờ loại nhạc này ngày một đông thêm. Già, trẻ, xồn xồn đều có. Khá nhiều giọng hát còn rất trẻ chọn con đường chuyên hát những ca khúc “già nua”. Già đến nỗi ngay cả bậc cha mẹ của họ cũng chưa chào đời, khi các nhạc phẩm đó được phát đi phát lại trên làn sóng phát thanh của hai đài Sài Gòn và Quân Đội; đến chiều tối còn thêm đài truyền hình số 9 của Sài Gòn và các đài địa phương.

Riêng bản thân tôi, mỗi lần nghe người khác ngân nga hay tự mình hát thầm những ca khúc hồi xưa, thì lòng không còn bị cuốn hút bởi lời ca tiếng hát mà người nhạc sĩ sáng tác hay ca sĩ trình diễn gởi gắm vào đó nữa, mà nó đã được thay thế toàn bằng hình ảnh còn lưu trong ký ức của một thời đã qua.

Nghe lại “Những Đồi Hoa Sim” của Dũng Chinh, hình ảnh “tím chiều hoang biền biệt” hay “những chiều hành quân” không còn khiến lòng tôi bồi hồi thổn thức. Nó gợi cho tôi nhớ ngay tới quân trường Thủ Đức - một nơi chốn hoàn toàn không có đồi sim. Suốt 6 tháng trời sống với “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, không biết bao lần trong một ngày, giọng hát Phương Dung liên tục rót vào tai tôi từng lời của nhạc phẩm tình tứ lãng mạn này.

Rồi đến “Biển Mặn” của Trần Thiện Thanh. Tôi vẫn xem đây là bản nhạc y chang “cải lương”. Tôi xin mở một dấu ngoặc nơi đây để minh thị rằng: tuy là dân “Bắc kỳ ăn cá rô cây, ăn rau muống luộc…” trăm phần trăm, nhưng tôi rất thích nghe ca vọng cổ lẫn hát cải lương. Cho nên chữ “cải lương” tôi dùng ở đây không mang chút nhạo báng nào cả. Nhạc phẩm này, tôi chỉ chấm và có cảm tình với mỗi một đoạn: “Nên năm hai mốt tuổi, tôi đi vào quân đội mà lòng thì chưa hề yêu ai”. Bởi mấy lời này hầu như hoàn toàn đúng với cả chục tân “quan chuẩn úy” mới bổ nhiệm về Tiểu đoàn 21 Truyền Tin vào năm 69 và 70 của thế kỷ trước.

Riêng Trần văn Ngàn, Sĩ quan Điện ảnh và tôi, Sĩ quan An ninh Chiến tranh chính trị, thì chỉ đúng có mỗi vế đầu. Vì khi vào quân đội, tôi đã có người yêu và tôi cảm thấy người tôi yêu có lẽ cũng yêu tôi (lúc đó chưa chắc ăn lắm, giờ thì “made sure” rồi). Phần Ngàn, thảm thương lắm, bởi đã lỡ cưới người mình yêu, nên lâm cảnh “một kiểng hai quê”. Ngàn trú đóng tại Bạc Liêu còn vợ ở tận trên xứ nem Thủ Đức. Ngưu Lang - Chức Nữ đoàn tụ chính thức chỉ vỏn vẹn 14 ngày phép thường niên. Lâu lâu thêm ít ngày “nhảy dù” hay may mắn có chuyến công tác ngay tại thủ đô.

Đồng lương hàng tháng chỉ lo cho mỗi thân mình, vậy mà tôi luôn bị thiếu trước hụt sau. Còn Ngàn phải “cưa” đôi, nửa cho mình, nửa gởi nuôi vợ, thì làm sao xoay trở? Tôi cũng chỉ suy bụng ta ra bụng người, nên mới gán cho cuộc đời Ngàn hai chữ “thảm thương”. Chớ thật ra chưa một lần nghe Ngàn than thân trách phận.

Phần công việc làm, tôi và Ngàn tuy mỗi người mỗi phần hành riêng biệt, nhưng thường gắn kết với nhau. Bởi bất kỳ cuộc sinh hoạt đơn vị hay công tác xã hội nào với vợ con lính, với dân, Ngàn đều cắt cử nhân viên vác máy tới, để tôi có hình ảnh phô trương và trình lên thượng cấp.

Gần gũi nhau trong công việc, nơi căn phòng sĩ quan độc thân, giường hai đứa lại sát bên nhau, nên tôi biết chính xác: cuộc đời “nghệ thuật nhiếp ảnh” của Ngàn bị tới 2 lần “tổ trác” nặng nề. Đầu tiên là lần chụp ảnh trong chuyến Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xuống thăm các căn cứ hỏa lực của Sư đoàn 21 Bộ binh trong rừng U Minh.

Ảnh chụp vừa xong, thầy trò Ngàn tức tốc leo lên trực thăng quay về hậu cứ. Sau gần cả đêm thức trắng lo tráng rửa phim, để kịp có hình trình lên Chuẩn tướng Tư lệnh Nguyễn Vĩnh Nghi. Ảnh vừa giao xong, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thẩm - Tiểu đoàn trưởng Truyền tin liền bị ông Tư lệnh gọi lên văn phòng “giũa” cho một trận tơi bời, thê thảm. Khi về lại đơn vị, bao nhiêu “lời cay ý đắng” lại trút hết lên đầu Ngàn. May thay, lần “tổ trác” đó vẫn sửa chữa lại được bằng cách: Ngàn cam chịu “ngậm đắng nuốt cay” một mình, chớ chẳng dám “giận cá chém thớt” vì không muốn thuộc cấp mất tinh thần lúc ở trong phòng tối, chăm chú rửa lại tất cả những tấm ảnh chào Tổng thống Thiệu bằng tay trái.

Còn lần “tổ trác” thứ hai, hoàn toàn hết phương cứu chữa. Khốn thay, nạn nhân lại chính là tôi. Sự việc ấy xảy ra đúng vào ngày tôi “lên xe hoa”. Một “đám cưới nhà binh”, bởi đàng trai toàn lính là lính. Nhưng không giống như lời bản nhạc của Lê Dinh. Nghĩa là đàng trai không rước dâu bằng “chiếc xe tăng tàu bay”, mà chỉ có mỗi hai chiếc “Jeep lùn”, chở theo hơn chục đồng đội và chú rể, chạy thẳng từ Bạc Liêu xuống Cà Mau, “chứng giám” ngày tôi kết liễu” cuộc sống độc thân. Trước khi lên đàng, Ngàn sửa soạn thật chu đáo, kỹ lưỡng; tự mình vào phòng tối quấn tới 20 cuộn phim 36 bô. Với số lượng nhiều khủng khiếp như vậy, tôi nghĩ mình sẽ chẳng thiếu gì ảnh đẹp. Còn hơn thế nữa, chính Ngàn sẽ là người bấm máy trong ngày cưới.

Suốt từ lúc đàng trai bước xuống xe cho tới khi ngồi vào bàn trò chuyện cùng nhà gái trước bàn thờ gia tiên, tôi liếc thấy Ngàn bấm máy liên tục, không thiếu một khoảnh khắc nào. Đến khi chú rể cô dâu dâng rượu cho song thân, lạy trước bàn thờ cũng vậy. Mỗi lần đứng lên, quỳ xuống tai tôi đều nghe rõ mồn một tiếng máy reo vui. Rồi suốt trong buổi tiệc cưới, lúc nào chiếc máy ảnh cũng ở trên tay Ngàn, tôi phải nhắc tới ba bốn bận, Ngàn mới chịu ngồi xuống ăn uống qua loa.

Ngày hôm đó, đương nhiên mắt môi vợ chồng tôi lúc nào cũng như hoa nở. Quan viên hai họ cũng vui chẳng kém. Có lẽ trong đời họ lẫn đời tôi chưa khi nào được đứng ngồi trước ống kính nhiều đến như vậy.

Nhưng than ôi! Sau tuần trăng mật trở về đơn vị, vừa bước chân vào căn phòng sĩ quan độc thân, tôi chưa kịp hỏi gì về ảnh cưới, Ngàn đã vội đứng lên kéo ngăn tủ, lấy đưa cho tôi xấp ảnh mỏng dính, rầu rầu bảo:

- Tao xin lỗi mày, không hiểu vì tao sơ ý hay nhân viên tao cẩu thả, nên lúc tráng phim để ánh sáng lọt vô. Giờ chỉ còn có bấy nhiêu đó thôi!

Nhìn mấy tấm ảnh đẹp không chê vào đâu được, khiến tôi càng tiếc hùi hụi cho những tấm bị hư. Tôi muốn “xỉ vả” cho hả giận nhưng nghẹn lời, đành ghim “cái tội” của Ngàn vào sâu trong lòng. Sau này nghĩ lại tôi thấy: biết đâu chừng cái điều xui xẻo này đã góp phần làm cho cuộc đời tôi phong phú thêm lên.

Mãi cho tới khi sự kiện đau thương “911” xảy đến với nước Mỹ tạm lắng xuống trong lòng người dân cũng như riêng tôi, tôi mới “mò ra” cái nguyên do vì sao ảnh cưới của tôi bị hỏng gần hết. Bởi tôi làm chú rể đúng ngay bong ngày 9 tháng 11. “911” ở Việt Nam hay “911” ở Mỹ chắc xui xẻo giống y chang nhau. Vì vậy, tôi muốn nói lời “xóa tội” ngay cho Ngàn, nhưng vẫn không biết Ngàn ở phương nào.

Cách đây 4 năm, có dịp trở về Bạc Liêu thăm đồng đội cũ, tôi gặp cả Trung sĩ nhất Nguyễn Thông, người phụ tá cho Ngàn. Thông cũng chẳng biết chút tin tức nào về “ông thầy” cũ của mình, kể từ sau ngày đơn vị tan hàng. Thời gian cứ dần trôi, tin bạn vẫn biệt tăm, tôi đành tự an ủi: thôi cứ coi như tôi và Ngàn chỉ gắn bó với nhau tới chừng đó. Và niềm hy vọng được gặp lại Ngàn tiếp tục mờ dần theo năm tháng.

*

Năm nào cũng vậy, dù bận hay không, vợ chồng tôi cũng đều lên Little Saigon dự buổi họp mặt và lễ trao giải thưởng “Việt Báo Viết Về Nước Mỹ”. Thời gian trôi thật nhanh, mới đó mà đã hơn 15 mùa phát giải. Con số 15 cũng chính là số năm tôi tập tành viết lách. Tôi không cần phải nhớ làm chi con số này cho nặng đầu. Bởi bao nhiêu năm Viết Về Nước Mỹ góp mặt với đời, cũng chính là bấy nhiêu năm tôi biết trải lòng mình bằng chữ viết. Chẳng ai có thể viết hoài viết mãi được, cho nên tôi thường cầu xin ơn trên ban cho giải thưởng này vượt qua mọi thử thách, khó khăn để luôn sống mãi.

Năm nay tôi cố tình đến với giải thưởng bằng một cung cách hoàn toàn khác những lần trước. Tôi không ghé mắt vào bất cứ bài viết nào trúng giải rồi tự chấm, mà chỉ in các bài ấy ra cho nhà tôi đọc. Tôi cũng quên bẵng đi việc mình có thể được mời lên trao giải. Nên hơi ngạc nhiên lúc anh bạn Phạm Hoàng Chương (“Hoa hậu” năm thứ 9 - 2009) vỗ nhè nhẹ trên vai tôi bảo chuẩn bị lên sân khấu.

Đến bên hông khán đài, tôi chỉ kịp nhận tặng phẩm từ ban tổ chức trao cho, rồi bước ra trước mặt quan khách. Vì thế tôi chẳng rõ người nhận giải tôi trao là ai? Viết bài gì? Nội dung ra sao? Mãi đến khi xướng ngôn viên Trần Tường Huy giới thiệu đôi dòng về người vừa nhận giải từ tay tôi, tôi mới biết anh từng là một người lính, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng với tôi. Tôi dự tính: sẽ hỏi xin anh địa chỉ để liên lạc làm quen sau khi lễ trao giải bế mạc.

Vì vậy, vừa bước xuống khán đài, tôi vội hỏi ngay:

- Trước kia anh ở đơn vị nào?

- Đại đội Trinh sát Trung đoàn 14, Sư đoàn 9 Bộ binh.

Nhìn bộ mặt điển trai, hiền khô, mà lại là lính “thứ dữ”, tôi chỉ gián tiếp khen ngợi:

- Tôi rất phục Đại tá Hồ Ngọc Cẩn. Hồi năm 72 tôi may mắn gặp vị anh hùng này vài lần, khi ông điều động Trung đoàn 16 thuộc Sư đoàn 9 Bộ binh của anh lên giải tỏa An Lộc.

Người nhận giải (xin tạm gọi như vậy vì lúc đó tôi quên bẵng tên anh) hỏi lại tôi:

- Chắc anh cũng là lính?

- Vâng, tôi ở Sư đoàn 21.

- Đơn vị nào?

- Truyền tin.

- Anh có biết Trung úy Trần Văn Ngàn không?

Ba tiếng Trần Văn Ngàn xuyên thủng vào tai, khiến tôi giật bắn cả người, ấp a ấp úng đáp:

- Biết chứ, biết chứ… Ngàn là Sĩ quan Điện ảnh của đơn vị tôi. Anh có quen Ngàn hả?

- Vâng tôi với anh Ngàn ở tù chung một chỗ…

Tôi liền cướp lời:

- Ngàn hiện ở đâu?

- Vẫn còn ở Việt Nam.

Trò chuyện đến đây, tôi sợ: nếu cứ tiếp tục lời qua tiếng lại ngay tại đây lúc này, chắc chắn sẽ bị ngài “chánh chủ khảo” Nguyễn Xuân Nghĩa “xì nẹt” (xin lỗi lại dùng sai chữ, phải gọi “trưởng ban tuyển chọn” mới đúng) nên tôi vội kéo người nhận giải tới phía trước cửa nhà hàng.

Ra đến nơi, tôi vồn vã hỏi tiếp:

- Ngàn bị tù bao lâu vậy anh?

- Hơn 6 năm.

- Như vậy là dư điều kiện xin đi theo chương trình HO rồi, sao Ngàn lại không đi?

- Chuyện này dài dòng lắm, tôi sẽ kể cho anh nghe sau.

Tới khi trao đổi số điện thoại và email với người nhận giải xong, tôi mới bình tâm trở lại, bắt đầu hỏi thêm mấy điều mà đáng lý ra cần phải hỏi trước tiên:

- Xin lỗi anh tên gì?

- Dạ, Ngô Đình Châu.

- Anh Châu hiện ở đâu?

- Dạ, ở Tampa bang Florida. Còn anh tên gì?

- Tôi tên Nguyễn Văn Hưởng, bút danh có thêm chữ Sapy ở phía trước.

- Sapy có nghĩa gì vậy anh?

- Ba chữ “apy” là viết tắt của chữ “Anrê Phú Yên”, tên vị tử đạo đầu tiên của Việt Nam, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo Đệ II tuyên phong Á thánh vào ngày 5-3-2000. Nhắc tới vị Tử Đạo tiên khởi mất từ năm 1643 này, ít người biết lắm. Nhưng linh mục Alexandre Rhode tức cha Đắc Lộ, người góp công lớn nhất trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, thì người Việt nào cũng từng nghe tên. Cha Đắc Lộ chính là thầy của Anrê Phú Yên, Người bị hành quyết ngay trước mặt cha Đắc Lộ khi chưa tròn 20 tuổi. Sau cái chết đó, cha Đắc Lộ đã nói với thân xác học trò mình: “trước kia ta là thầy của con, từ nay về sau con chính là thầy của ta”. Còn chữ S đặt trước tên vị Thánh bổn mạng của tôi mang ý nghĩa hình thể nước Việt Nam. Ngoài ra còn thêm vài ý nghĩa riêng tư khác nữa.

Nói sơ qua bút danh mình xong, tôi chân thành mời Châu xuống San Diego, cho tôi có dịp giới thiệu về thành phố xinh đẹp này. Tiếc là việc đó chưa thành, vì Châu không có nhiều thời gian lưu lại Nam Cali.

2. Thư gửi tác giả Ngô Đình Châu

Tạm biệt Châu trở lại chỗ ngồi thật đúng lúc, trên tay ca sĩ Khánh Ly vẫn còn cầm micro, tức là giây phút quan trọng nhất chưa thực sự bắt đầu. Tôi không thích nghe hát trong buổi lễ trao giải thưởng trang trọng như vầy. Riêng hôm nay lại khác, việc hát hò đã giúp tôi nói xong câu chuyện tối quan trọng với người bạn mới, mà vẫn không bỏ sót một tiết mục nào.

Tôi chấm đây là một buổi phát giải tổ chức chu đáo và ý nghĩa nhất từ trước tới giờ. Tôi rất thích màn song tấu của cặp tiền bối Nguyễn Xuân Nghĩa và Trần Dạ Từ. Tuy diễn hài trên sân khấu lần đầu, nhưng cả hai đều tỏa sáng. Vì vậy, tôi mới vâng theo “thông điệp” nhị vị chuyển tải, cố gắng diễn đạt sao cho bài viết vui vui để bớt khô khan. Tôi cũng vỗ tay thật lớn sau mỗi đoạn phim ngắn lược thuật sơ qua tiểu sử và đọc lên mấy đoạn súc tích của mỗi bài viết. Hay lắm! Tuyệt vời lắm!

Nhân đây tôi cũng xin đóng góp một ý nho nhỏ với ban tổ chức. Nếu đã tạm coi “màn” công bố 3 giải thưởng quan trọng nhất: Giải Vinh Danh Tác Giả, Vinh Danh Tác Phẩm và Giải Chung Kết giống như một cuộc thi hoa hậu thì hãy cố làm sao cho những giây phút sau cùng này vừa long trọng vừa hồi hộp thêm lên. Tôi đề nghị mời cả 3 vị trúng giải lên đứng trên sân khấu cùng một lượt, kế tiếp sẽ chiếu 3 đoạn phim ngắn. Phim vừa dứt, xướng ngôn viên liền long trọng xướng danh Á hậu 2 rồi mời bước lên phía trước nhận giải thưởng. Tới phiên Á hậu 1 cũng làm y chang như vậy. Người còn lại đương nhiên ai cũng biết, đó chính là tân Hoa hậu.

*

Chula Vista ngày 17 tháng 8 năm 2015

Anh Ngô Đình Châu thân mến!

Lúc vợ chồng tôi rời bàn tiệc cũng đã gần mười giờ tối. Tôi nghĩ với đoạn đường dài tròn 100 dặm, lái vào ban đêm xe cộ vắng vẻ, chắc chúng tôi về đến nhà trước nửa đêm. Ngờ đâu lại chỉ được chạy với tốc độ “rùa bò” cả tiếng đồng hồ, suốt trên khúc đường công chánh đang sửa chữa. Vậy mà chẳng ai cảm thấy bực bội hay sốt ruột, bởi cả hai vợ chồng được dịp cùng ôn lại biết bao kỷ niệm với Trần Văn Ngàn, người bạn thuở khoác áo lính của tôi, cũng là bạn cùng ăn cơm tù với anh suốt 6 năm dài. Sáng hôm sau còn may mắn được nghe anh kể về cuộc đời Ngàn từ sau biến cố 30-4.

Tôi không thể tưởng tượng nổi, một người chỉ chuyên cầm máy ảnh, cặm cụi trong phòng tối, vậy mà phải “đền tội” những hơn 6 năm, trong các trại lao tù “cải tạo” suốt từ miền đồng bằng lên tận vùng rừng núi cao nguyên. Tới khi được thả ra, Ngàn lại lầm tin theo một tà đạo, đến nỗi bỏ lỡ cả cơ hội sang Mỹ để gầy dựng lại cuộc sống mới. Mấy chuyện đáng buồn liên tiếp xảy đến này khiến gia đình Ngàn tan nát. Vợ bỏ chồng, con cái phải sống vất vưởng. May mà Ngàn hiện vẫn còn khỏe mạnh, lúc tuổi đời sắp bước qua cái mốc “thất thập cổ lai hy”.

Trò chuyện qua điện thoại cùng anh Châu vừa dứt, tôi lục tìm đọc ngay mấy bài anh viết. Qua đó, tôi nhận ra ở anh và tôi có vài điểm trùng hợp khá hy hữu. Hy hữu như việc ơn trên sắp xếp cho chúng ta gặp nhau trong buổi lễ và buổi tiệc trao giải thưởng diễn ra tối hôm qua.

Điều trùng hợp trước tiên là: chỉ với vài bài viết đầu tay thôi, chữ nghĩa của chúng ta đều được đăng lên mặt báo, được in vào sách và còn may mắn nhận được phần thưởng. Tôi biết và anh cũng dư hiểu, văn vẻ của tôi với anh chưa trau truốt bóng bẩy, mà chỉ chứa đựng toàn chất thật.

Anh Châu thân mến!

Xin phép anh để được sao chép một đoạn anh viết trong bài “Một Chặng Đường”. Tôi cũng xin mạn phép vừa “bình loạn” vừa “lên lớp”, hầu giúp anh hồi tưởng lại những ngày còn lê la, dầm mưa dãi nắng dưới mái trường “cải tạo”. Anh đã viết nguyên văn như thế này: “Ở Cali, nghề Nail cạnh tranh khốc liệt, cửa tiệm nhan nhản khắp mọi nơi, hễ có khu plaza là có tiệm nail nằm trong đó. Người Việt chúng ta có một điều rất dở, làm cùng nghề họ chỉ giỏi lườm nguýt, mà chớ hề biết liên kết lại với nhau, cứ phá giá để kéo khách về tiệm của mình. Đó là một trong những lý do khiến cho người Mỹ và các sắc dân khác bỏ nghề nail, để mặc cho người Việt thống lĩnh thị trường, và tha hồ chém giết tranh giành nhau. Dần dần giá cả làm nail ở Cali rẻ mạt, chỉ còn bằng nửa giá ở các Tiểu bang khác”.

Xin phép nói vui, “Châu ơi ta bảo Châu này”: Tuy không là đồng nghiệp với nhau, nhưng tôi cũng biết có nhiều người suy nghĩ giống anh lắm. Điều này nếu anh nhờ cậy Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa giúp “giải ảo” thì mới chính xác. Riêng tôi chỉ lén ông chuyên gia kinh tế kiêm bình luận gia này, thì thầm vào tai anh một góc nhìn khác, về việc người Việt Nam phá giá, khiến cho giá cả làm nail rẻ mạt. Theo tôi “rẻ” thì có rẻ, nhưng “mạt” chắc chắn là không.

Tôi còn nghĩ, việc phá giá này mang lại ích lợi ở điểm: giúp cho số lượng khách hàng đến tiệm nail tăng lên gấp bội. Thử hỏi, cứ khư khư giữ cái giá “cao ngất Trường Sơn” mãi, thì có bao nhiêu người đủ khả năng đưa nail cho người ta giũa. Hiện giờ, giá cả hạ tới tận đáy, nên bất kỳ ai có nhu cầu làm đẹp cho đôi “bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa” hay đôi bàn chân, thì cũng không ngại tốn kém, cứ việc hiên ngang bước vào tiệm. Chính vì vậy hạng “trâu chậm”, định cư tại Mỹ sau gần 20 năm bị “phỏng…” xin lỗi bị “giải phóng” như anh không phải “uống nước đục”. Mà chỉ cần học ít tháng, “chớp” được tấm bằng làm nail là có thể kiếm bạc ngàn, bạc chục ngàn hàng tháng dễ như chơi. Những khách hàng hạng sang chịu chi tiền, mỗi ngày một nhiều hơn. Nếu tìm được người thợ giỏi chăm sóc đôi bàn tay hoặc đôi bàn chân cho mình, tôi nghĩ chẳng mấy người khách lắm tiền nhiều của lại cò kè bớt một thêm hai.

Anh Châu thân mến!

Như đã kể với anh, vì tôi làm biếng hoặc cũng có thể số tôi sung sướng nhờ cái tên “Hưởng” bố mẹ đặt cho, nên tôi nghỉ hưu từ khi mới 54 tuổi. Bạn bè vẫn thường hay hỏi: với quá nhiều thời gian dư thừa, tôi làm gì cho hết? Tôi vẫn vui đùa đáp lại: Xin ai có dư thời gian cứ gởi hết cho tôi, bởi tôi chưa khi nào cảm thấy mình rảnh rỗi đến nỗi dư thừa thời gian.

Sở dĩ tôi được như vậy chính nhờ vào sự đam mê viết lách đã hình thành trong tôi ngay từ bài đầu tiên tôi viết gởi đến Việt Báo. Và cũng kể từ đó tôi thường hay suy tư rồi viết ra những gì mình nghĩ. Nhớ tới đồng đội, tôi kể cho mọi người nghe chuyện lính tráng thời xưa. Nghĩ về quê hương đất nước tôi viết nỗi trăn trở những ngày sống lưu vong,…

Từ lúc tập viết đến giờ, tôi dệt mộng mơ thật đơn sơ: Nếu tôi viết không thành văn cho nhiều người cùng đọc, ít ra cũng để người trong gia tộc tôi biết những gì từng xảy ra có chút liên quan tới mình.

Khi bước vào tuổi biết yêu, tôi vẫn thường hay thắc mắc: hồi xưa ông bà cha mẹ mình quen biết, yêu thương nhau ra làm sao? Mình ra đời trong hoàn cảnh nào?... Mấy câu hỏi theo kiểu tò mò tọc mạch này, con cháu đời sau của anh, của tôi thế nào cũng hỏi các bậc sinh thành ra chúng. Cho nên, đọc xong hai bài “39 Năm Nhìn Lại” và “Một Chặng Đường” anh viết, trong tôi bỗng nảy ra một câu chuyện đại khái như vầy:

Trong căn phòng ấm cúng, một thiếu nữ tuổi chừng đôi mươi, nước da trắng ngần, gương mặt phảng phất nét Á Đông. Cô ngước mặt nhìn bà mẹ tóc đã hoa râm, đang chăm chú lật từng trang sách nhẩm đọc rồi khẽ hỏi:

- Mẹ đọc loại chữ gì mà lạ quá vậy hả mẹ?

- Ồ, chữ Việt Nam đó con.

Cô gái hỏi tiếp:

- Mẹ sinh ra ở Việt Nam phải không mẹ?

Bà mẹ gật đầu.

- Mẹ sang Mỹ từ hồi nào vậy mẹ?

- Mẹ không nhớ rõ lắm. Nhưng trong những quyển sách “Viết Về Nước Mỹ” nằm trên kệ kia, có nhiều bài ông ngoại con viết lắm. Để mẹ lấy một quyển xuống, vừa đọc vừa dịch lại cho con nghe thì mới chính xác được. Vì lúc rời quê hương mẹ chỉ mới lên 9 tuổi thôi.

- Như vậy thì hay lắm. Với lại con cũng muốn nghe chuyện của ông bà ngoại con nữa.

Thế rồi hành trình của một gia đình gồm 3 người đến đất Mỹ theo chương trình HO, ngỡ ngàng, ngờ nghệch, lôi thôi lếch thếch ra sao đều được người mẹ dịch tường tận từng câu từng chữ do chính cha mình viết cho con gái nghe. Qua đó cô bé mới biết cội nguồn mình. Biết ông ngoại mình hồi trước từng là một chiến binh “nhát hít”, nhận lệnh đem quân tiến chiếm mục tiêu sợ muốn "té đái trong quần", run lập cà lập cập, cứ thế vừa chạy vừa bắn vừa la, cuối cùng cũng thanh toán được mục tiêu. Sau cái trận đầu đời đó, lại tiếp tục vào sinh ra tử, rồi lâm cảnh tù đày sau ngày nước mất, nhà tan,…

Việc đọc kỹ từng trang sách này, khiến cho quá khứ của người mẹ như rực sáng lên giữa màn đêm đang bao phủ bên ngoài, làm cho căn phòng càng ấm áp thêm. Nhờ những bài viết của người cha, của ông ngoại để lại, giúp cho cả mẹ lẫn con thấu hiểu vì sao mình có mặt trên đất nước hùng mạnh, trù phú, xinh đẹp này.

Anh Châu thân mến!

Ngay trong buổi tối ngày hôm qua, tôi và anh còn nhận ra thêm một khía cạnh nữa, tuy rất riêng tư nhưng cả hai ta đều đồng thuận: Tờ Việt Báo cùng Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ đã giúp tôi biết được phần nào về Trần Văn Ngàn, người mà tôi tưởng chẳng bao giờ còn có dịp gặp lại trong kiếp này. Tôi vẫn đang chờ đợi và hy vọng anh sẽ giúp tôi sớm tìm ra địa chỉ hay số điện thoại của Ngàn. Để ít ra Ngàn còn có người hàn huyên tâm sự hay thăm viếng lúc tuổi về chiều.

Kính chào anh

Sapy Nguyễn Văn Hưởng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,020,185
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến