Hôm nay,  

Tết Ở Nơi Này

28/02/201500:00:00(Xem: 9816)
Người viết: Song Lam
Bài số 3472-16-29872vb7022815

Với 12 bài viết trong năm, cho thấy một sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersy, một vùng rất ít cư dân Việt. Bài mới nhất của tác giả là chuyện Tết Ất Mùi nơi vùng tuyết giá.

* * *

blank
Ngày Tết của bé Việt trong cảnh tuyết ở Cherry Hill.

Từ rất lâu, nơi này không có Tết. Do vậy, Tết Ất Mùi 2015 đã tuột trôi đi trong sự hờ hững của mọi người. Không hiểu tại sao, lúc nào tôi cũng tiếc nuối, mơ màng đến nhiều kỷ niệm và hương vị ngày Xuân.

Tối 18 tháng 2 năm 2015. "Mười giờ đêm miền Đông Bắc Hoa Kỳ là mười giờ sáng ngày mồng Một Tết. Những nụ mai đã nở đủ ở ngoài sân và trong nhà, mọi người đã ăn mặc chỉnh tề quây quần cho buổi cúng ông bà đầu năm. Những đồng tiền mừng tuổi Má tôi đã chuẩn bị sẳn trong phong bao lì xì cho các con, các cháu. Trên bàn thờ đèn nến lung linh, hoa tươi rực rỡ…"

Tôi tưởng tượng cảnh ngày Xuân thơ ấu đẹp đẽ đó để tự an ủi mình. Bên ngoài gió thốc hù hụ, nghiêng ngã hàng cây trơ xương. Tivi nói tuyết sẽ trở lại đêm nay từ 3-5 inches. Mười giờ đêm. Tôi nằm nghe chút buồn vì nghĩ đến Má tôi đã không còn hai mùa tết rồi. Chừng nào… đến lượt tôi đây? Những ngày Tết ở đây năm nào cũng rơi tõm vào mùa Đông với tuyết thật dày và thật lạnh. Sức gió lên tới 40, 50 miles/ giờ và nhiệt độ hôm nay chỉ còn 1 độ F. Nhưng ở đây vẫn còn may mắn hơn thành phố Boston (Massachusetts). Từ hơn ba tuần nay, Boston đã hứng trọn bốn lần tuyết đậm, tổng cộng 6, 7 feet, có nơi tuyết làm sập luôn mái nhà. Boston strong, giống như Boston đã từng đứng vững sau cuộc khủng bố Marathon tháng 4/2013.

Hồi sáng trong tiệm Wegman mấy người Tàu léo nhéo chúc Tết với nhau "cung hỉ phạt xòi" (Chúc mừng năm mới), tôi không muốn nghe. Cũng giống như người bạn trẻ Khôi An, tôi không thích người ta gọi Tết truyền thống của mình là Chinese New Year. Tôi không là người Tàu, nên tôi thích gọi là Lunar New Year, hoặc là Tết, ăn Tết.

Nghe nói ở China Town Philadelphia có múa lân, múa rồng, có đốt pháo… Ở mấy tiệm thực phẩm Á Đông của người Tàu Việt có pháo nổ mừng Xuân. Ào ào, lẹt đẹt một chút rồi tan hàng. Cũng bi nhiêu đó thôi, cũ nhèm. Cũng giống như tôi ở đây gần 25 năm cô đơn, lặng lẽ.

Tưởng là đã quên sao lòng còn nhớ mãi? Bà bạn già ở San Jose gọi chúc Tết hôm qua, bả than mệt ngất ngư vì phải nấu đồ chay cúng Giao thừa, cúng mồng Một cho con cháu tề tựu về cúng vái, ăn uống. Lắm lúc tôi không còn biết mình là ai, hai mươi mấy năm ở cái xứ này không tìm được một người bạn nào, chỉ có mấy đứa co-workers lải nhải mỗi ngày cho qua năm qua tháng. Cười thật tươi với khách hàng, nhưng khi về đến nhà nhìn bàn thờ Má nghe đau xót lòng con! Năm nào cũng viết thư Xuân chúc Tết Má, năm nay vừa đặt bút xuống là nước mắt dầm dề:

Thương con lưu lạc phương trời
Má gần trăm tuổi vẫn ngồi chờ trông

Vừa viết vừa khóc. Mấy đứa Mỹ hỏi dồn dập: "What's happen?". Tôi lau nước mắt không nói gì, chỉ sợ chúng cười vì gần 70 tuổi là tôi đang thương nhớ mẹ mình tuổi quá 90. Văn hóa của tụi nó khác mình… Có thể, tôi buồn vì ngày Tết, ngày Xuân, chỉ có mình tôi trơ trọi ở nơi này!

Mấy năm đầu qua Mỹ, khi các con còn nhỏ, tôi còn háu hức bày việc ăn Tết: mua sắm bánh mứt rượu trà, tự làm vài thứ bánh ở nhà, kho mồi thịt kho tàu… Bông hoa, bánh trái, mứt miết đầy bàn. Cũng chen chân mua quít, mua bưởi, chọn trái tươi rói còn nguyên lá cành xanh ngát tình xuân. Hăm hở lắm, nôn nao lắm. Ở đây không có hoa mai, hoa đào, thôi mua đở bông cúc vàng, bông cúc đỏ vậy…

Rồi 10 năm, 15 năm, 20 năm, Tết qua, Tết lại chán phèo. Các con xa mình, dần dần xa mình vì công việc. Chỉ còn lại hai con khỉ già thì ăn Tết với ai đây? Trên Tivi, phóng sự người Việt ăn Tết vui vầy khắp nơi làm mình thêm ganh tị, thêm buồn. Áo dài ở đâu mà nhiều quá, đẹp quá vậy? Già trẻ lớn bé, đàn ông đàn bà ai cũng áo dài, khăn vành. Trời ơi, sao họ vui tươi dữ vậy?

Tôi mang tình ý này nói với bà bạn già ở San Jose. Tưởng bả an ủi mình, ai ngờ bị mắng xối xả:

- Ai biểu bà ở hoài trên đó? Gian khổ cả đời, chưa đủ sao? Dưới này bạn bè có, anh em có, con cháu có, sao không đi?

Bà này kỳ ghê ta ơi. Chưa kịp nói câu nào, bả lại tiếp:

- Tui biểu bà lo "rì-thai" cho rồi. Bỏ hết, buông hết đi. Cứ lo kiếm tiền rồi lúc "ra đi" có đem theo được đồng nào không?

- Lỡ năm nay rồi. Năm tới về Cali ăn Tết ví bà, được chưa?

- Năm nay không đi, đợi chờ chi năm tới, biết còn "thở" không mà hứa với hẹn?

Bà quỉ này sát phạt dữ ta. Chưa hết. Bên kia đầu dây, giọng bả sang sảng:

- Còn vụ này nữa. Tui nghe bà mon men làm nhà văn nhà báo gì đó. Tuổi này rồi còn ham danh hám lợi, ngựa quen đường cũ…

Bạn bè từ nửa thế kỷ nay hiểu nhau, thương nhau đứt ruột mới "chủi mắng" thậm tệ như vậy. Bà già này dùng chữ trật lất, cái gì mà "mon men", cái gì mà "ngựa quen đường cũ"? làm như tui là "cô gái thập thành" lúc về già hương phai phấn nhạt rồi lại muốn quay về đường xưa lối cũ.

Tôi thấy bả chửi mình cũng đúng thôi. Nhà văn, nhà báo hả? Làm gì có chuyện đó. Tôi sợ mấy cái nghề bắt đầu bằng chữ "nhà" này lắm rồi. Nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo (có những cái nhà "rùng rợn" hơn nhưng không dám kể ra đây vì năm mới sợ "rông" cả năm) Tôi chỉ mang trong đời cái "nhà" sau cùng là nhà giáo mà lận đận suốt "một đời hương phấn" đây nè. Nhà báo, nhà văn chỉ là nỗi mơ ước cả đời không đạt, mà nói cho cùng, mấy cái nhà này cũng khổ sở thấy bà.

Mấy cái "nhà" bên trên hình như không chỉ là cái nghề mà còn là cái "nghiệp". Tôi nặng nghiệp kiếp này nên đã buông bỏ hơn 20 năm nay, bây giờ tìm đường trở lại.

Nhưng viết cái gì? Cho ai? Với ai? Tôi hoàn toàn mù tịt về cái "điểm nhắm" (target) này.

Viết là nói với chính mình. Từ trong sâu thẳm của tiềm thức, sự lắng đọng của trí não kèm theo sự xúc cảm của trái tim, tâm sự được phơi bày. Vì thế, được độc giả ghé mắt là người viết vui lắm rồi, cám ơn lắm lắm rồi, bất kể khen chê. Viết để giảm stress, để trí não vận động, khỏi quên đời. Viết là lối đi thoát hiểm, ra exit gần nhất!

Bấy giờ là tuần lễ cuối tháng Hai 2015. Tháng Ba sắp về. Mọi người nói với tôi ráng chờ vài tuần lễ nữa cho mùa Xuân mới. Phải, "Tháng Ba trời đất vào Xuân" bài viết đầu tiên cho loạt bài "Viết Về Nước Mỹ" từ năm 2013, tôi đã sơ lượt về cuộc đời mình. Sẽ còn những dự định ở phía trước cho những toan tính muộn màng…

Hồi chiều, trong lúc ngồi chờ ở phòng nha sĩ, tôi có chút vui khi bắt gặp những bức danh họa trịnh trọng treo hai bên tường. Ngoài những tấm của Giovanni Bellini, Leonardo Da Vinci, bức tranh Red Boats của Claude Monet (1875) làm tôi tưởng nhầm là 1975. Con số này không mang một ý nghĩa nào với mọi người, nhưng với người Việt Nam là con số của một thời kỳ đen tối, đớn đau của lịch sử nước nhà.

Bên ngoài tuyết rơi thật nhiều. Những bông tuyết dày đan kín bầu trời. Kiểu này tuyết rơi tới sáng không thể nào 5 inches được có thể lên tới cả chục inches. Trời đã lạnh thêm lạnh. Lòng đã buồn thêm buồn. Sáng mai phải dậy sớm cả tiếng để cào tuyết và sẽ lầm lũi đi tới sở làm trong cái giá lạnh cùng cực của mùa Đông. Tối mai, Tivi nói độ thấp sẽ là âm 4 độ F. Rồi sẽ cười thật tươi với mọi người, với khách hàng. Con người thật của mình sẽ cất lại, ở nhà.

Tự nhiên đoạn thơ của Nhã Ca từ lâu bật dậy trong tôi:

Đời sống, ôi buồn như cỏ khô
Và anh, em cũng biết mong chờ
Em về, tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ.

Lâu quá rồi, tôi nhớ không chính xác lời thơ, nhưng rất thích, quá thích, vì nó là tâm sự tôi lúc này, ngay bây giờ. Câu ba tuyệt chiêu! Nhưng "tay nhỏ" làm sao "che trời rét" dưới 4 độ F được? "Tay nhỏ" đưa lên cài nút áo coast còn không được nữa là…

Tôi lắng nghe. Chung quanh tôi vắng lặng. Ông xả đang làu bàu bảo ngủ sớm đi, sáng còn dậy sớm cào tuyết, đi làm. Ông lão này chẳng có chút "lãng mạn" nào hết, quanh năm ngày tháng quanh tôi, bên cạnh tôi, chỉ toàn là chuyện "lãng xẹt". Rồi sẽ giống như tác giả Philato "70, chán mớ đời".

Mới đó, ông già đã ngủ khò, ngáy o-o. Tôi trở ra phòng ngoài, ngồi một mình nhìn ra sân đầy tuyết phủ. Nhìn bàn thờ nhỏ, Má tôi đang cười, tôi thấy lòng nao nao. Ăn Tết nơi này, tôi chỉ kịp mua bó hoa Godetia và chai rượu đỏ. Đứa cháu gái ở Garden Grove, Cali gởi cho dì cặp bánh chưng Minh Phụng, tôi đặt lên bàn thờ Má tôi. Bình hoa, chai rượu và ngọn nến lung linh… Tôi thấy lòng ấm lại đôi chút. Tôi mở chai rượu, rót ra ba ly để tưởng niệm Ba Má và người anh trai từ lâu xa chúng tôi…

Ngoài kia tuyết vẫn rơi.

Tôi vẫn ngồi đây với kỷ niệm ngày Xuân khi còn nhỏ ở với Ba Má, khi ra trường dạy học bên đám học trò vui tươi, thời gian vàng son rực rỡ của đời mình, giống như Khôi An đã nói: "Nhiều kỷ niệm và hình ảnh cứ đứng nguyên như lúc tôi mới bắt đầu thu góp những ý niệm về cuộc đời, về người lớn ở chung quanh. Những nhà thơ, nhà văn. Những nhạc sĩ, ca sĩ. Những thầy, cô giáo. Những danh tướng một thời." Đoạn văn này, Khôi An đã làm tôi xúc động không ít. Không ngờ tác giả này trẻ tuổi lại có được những suy niệm đúng đắn, dễ thương đến như thế! Tôi tự hỏi mình, tôi có là "danh tướng một thời" không? Và câu thơ cổ lại lóe sáng:

"Mỹ nhân tự cổ như danh tướng"

Tôi không dám nghĩ tiếp câu sau, dù thế nào chăng nữa, hôm nay là ngày đầu năm, phải kiêng khem chút đỉnh…

Trời bây giờ trời đã sang Xuân.
Anh nhìn em, tình yêu thật gần…

Lời ca ngày Xuân còn đọng trong tiềm thức, sao hiện giờ chỉ thấy lạnh buốt cả về thể chất lẫn tinh thần? Tình yêu nào tôi có được đêm nay?

Tuổi già như giọt sương khuya. Tôi hiểu rõ điều này. Thiệp Tết đã gởi đi từ tuần trước sao lòng mình cứ vơ vẩn chút tình riêng?

"Có những niềm riêng, làm sao nói hết?" (Lê Tín Hương)

Ngọn nến vẫn lung linh. Hoa vẫn rực rỡ sắc màu. Giao thừa ở Mỹ này sắp đến. 12 giờ đêm, giờ Đông Bắc.

Chào đón mùa Xuân Ất Mùi 2015 bằng tấm lòng rộng mở của mình. Dù cô đơn. Dù lạnh giá. Tôi nói với lòng mình, như thế.

Giao thừa đến rồi, trong lòng tôi, dù chỉ một mình. Không biết vì giá lạnh của đất trời hay vì muốn có được chút ấm áp đầu năm, tôi uống luôn, một lần, ba ly "xây chừng" rượu đỏ.

Ngày Tết Ất Mùi đêm Giao thừa.

Song Lam

Ý kiến bạn đọc
28/02/201515:05:51
Khách
"Viết là nói với chính mình. Từ trong sâu thẳm của tiềm thức, sự lắng đọng của trí não kèm theo sự xúc cảm của trái tim, tâm sự được phơi bày. Vì thế, được độc giả ghé mắt là người viết vui lắm rồi, cám ơn lắm lắm rồi, bất kể khen chê. Viết để giảm stress, để trí não vận động, khỏi quên đời. Viết là lối đi thoát hiểm, ra exit gần nhất!"
Cảm ơn tác giả đã "nói" lên những lời thật rất thật nầy.
TNBX
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,381,342
Vân Hải Nguyễn Xuân Hùng là Cựu Sĩ Quan Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị (Khoá 16 Thủ Đức)
Tên thật: Trịnh Thị Đông. Sanh quán: Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 2, môn Anh Văn. Hiện cư ngụ tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ.
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, từng quản nhiệm Hội Thánh Maryland, miền Đông, rồi Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, ông nhận thêm giải Việt Bút 2009 và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2010. Ngoài Việt Báo Online, nhiều thơ và truyện của ông hiện có trên tạp chí văn chương trên mạng internet, như da mầu, tiền vệ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia.
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Viết Về Nước Mỹ, ngày 18 -12-2012 phổ biến bài viết trực tiếp bằng tiếng Việt đầu tiên của ông, kể chuyện tình 40 năm trước giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt. Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", Sáu Steve Brown đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông bà nay có 7 người con, hiện ở Ohio. Sau đây, thêm một bài mới của ông Sáu.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 12 trong năm.
Tác giả Tâm Chánh là người con gái của Trung Tá Từ Tôn Khán, Tỉnh Đoàn Trưởng Tỉnh Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Huế, thời 1968. Ông bị Việt Cộng bắt và sát hại trong Tết Mậu Thân tại Huế. Hiện nay Tâm Chánh là Vice President of the Real Estate Entitlement Development Incorporation tại Southern California.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 2018 tại Hoa Kỳ. Mời đọc bài viết về thân phụ của một nhà giáo. Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt Bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến