Hôm nay,  

Bố, Và Mẹ, Và Phở

25/10/201400:00:00(Xem: 15411)
Tác giả: Khôi An
Bài số 4369-14-29769vb7102514

Tác giả từng phải rời bố mẹ để vượt biển từ tuổi học trò, hiện là một kỹ sư điện tử, cư dân San Jose, đã nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013. và là một trong những tác giả đạt số lượng người đọc nhiều nhất trên Việt Báo online.

* * *

Tiệm phở Kim Long, 2 giờ chiều thứ Bảy, khá thoải mái. Không có khách đứng chờ đầy trước cửa, không có người ngồi san sát, ăn uống rộn ràng, và không có cái huyên náo chóng mặt của những giờ ăn trưa.

Vắt chanh vào tô phở đang bốc khói, tôi chợt nhớ là đã lâu lắm tôi mới trở lại đây.

Thời mới lớn ở Sài gòn, tôi được dạy rằng con gái không nên đi ăn tiệm một mình, và ý nghĩ đó đã theo tôi một thời gian dài. Sau ba mươi năm sống, làm việc ở Mỹ, và đi nhiều nơi trên thế giới, tôi đã học được sự dạn dĩ và tự tin của người Tây phương. Tôi nghiệm ra rằng, có những điều tôi coi là "chân lý" khi xưa thật ra chỉ là những ràng buộc hay quan niệm lỗi thời, nhất là những "luật lệ" dành cho phái nữ.

Cho nên, hôm nay khi đi ngang quán, nhớ ra rằng từ sáng tới giờ mình đã làm xong nhiều việc trừ việc tiếp năng lượng cho cơ thể, tôi chỉ ngần ngại vài phút, rồi ghé vào.

Nhưng, khi tô phở bưng ra, tôi bỗng thấy thiếu thốn quá. Bởi vì chỉ có mình tôi ngồi đây...

*

Bố tôi thích văn chương, và thích ăn phở. Tôi thừa hưởng của Bố cả hai điểm này. Tôi nghe nói có nhiều người ghiền phở, có thể ăn phở thay cơm cả tuần lễ. Bố và tôi thì không tới "đẳng cấp" đó, nhưng nếu phải ăn phở liên tiếp mấy ngày chắc tôi sẽ không thấy khổ sở, khó khăn gì lắm.

Mẹ tôi thì lại không thích phở. Thời tôi bắt đầu biết nghĩ, cũng là lúc cả nước chìm trong cơn họa đói kém, tôi thường tự hỏi có phải Mẹ tôi nói vậy để nhường miếng ăn cho chồng con không (thưở đó, hầu hết các bà mẹ Việt Nam đều chẳng thích ăn gì cả.) Chứ - theo tôi, ai mà không thích ăn phở!

Từ mấy chục năm trước, nhà văn Thạch Lam đã viết rằng thưởng thức phở ngon là "một nghệ thuật đáng kính". Nhưng, viết để ca tụng phở, để đưa phở lên ngôi thì chắc không ai vượt được nhà văn Vũ Bằng.

Đối với ông Vũ, tô phở vừa là một bức tranh lộng lẫy "Một nhúm bánh phở; một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau thơm xanh biêng biếc; mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ; mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu... ba bốn thứ màu sắc đó cho ta cái cảm giác được ngắm một bức họa lập thể..." Vừa là một kết hợp tuyệt diệu của hương và vị "Nước dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm... rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng ngọt cứ lừ đi, ngọt một cách hiền lành, êm dịu, ngọt một cách thành thực, thiên nhiên, không có chất gì là hóa học..." (*)

Khi đọc rằng mùi phở có "sức huyền bí quyến rũ", tôi hết sức đồng ý với ông Vũ. Nhưng khác với năm 1952 thời mà ông nói rằng người giàu hay nghèo đều có thể thưởng thức phở, trong những năm cuối thập niên bảy mươi và đầu tám mươi, phở đã trở thành món ăn rất xa xỉ và xa vời đối với rất nhiều người Việt.

Sau chiến tranh, chính quyền Hà Nội vơ vét tài nguyên cả nước để trả nợ cho các nước đàn anh, Việt Nam bị Hoa Kỳ cấm vận, và chính sách "hợp tác xã" ngu dốt, bất công làm cho nông dân không muốn sản xuất. Ba vấn đề dồn dập đã xô cả nước vào cảnh đói, nhất là ở những thành phố nơi thực phẩm không tới được như Sài gòn. Gia đình tôi còn thuộc một "giai cấp" được liệt kê rõ trong câu thành ngữ mới "Nhà văn, nhà báo, nhà giáo: nhà nghèo", cho nên thiếu thốn là chuyện đương nhiên.

Thời đó, Sài gòn xác xơ. Những con đường đông vui, nhộn nhịp ngày trước chỉ còn lại vài hàng quán lèo tèo, ngơ ngác. Nhưng ở đầu đường nhà tôi vẫn còn một xe phở, người trong xóm gọi là phở chú Lưu.

Xe phở trông đặc biệt quyến rũ vào buổi tối. Có lẽ, ngọn đèn néon treo lơ lửng trước quầy đem lại chút ấm áp cho góc phố buồn hiu. Có lẽ, ánh sáng của ngọn đèn và cái tối ở chung quanh càng làm cho chiếc tủ kính nhỏ thêm rực rỡ, nổi bật miếng thịt bò tái đỏ óng, và những cục bò viên nâu hồng, mũm mĩm.

Thời đó, ở nhà tôi chỉ có ai bị đau nặng mới được ăn phở. Những lúc đó tôi thường tình nguyện đi mua, để được ngắm chú Lưu làm phở. Chú lật tấm lá chuối xanh nõn che trên rổ bánh phở, hé ra những sợi phở to bản, trắng mươn mướt. Bốc một nhúm bánh bỏ vào cái rổ có cán dài. Múa tay nhúng rổ vào nồi nước đang sôi. Đảo qua, đảo lại, rồi nhấc lên, xóc xóc mấy cái. Đập đập vào thành nồi cho ráo rồi đổ bánh vào tô. Nhón hai lát thịt chín nâu nhạt xếp lên trên. Nhẹ tay nâng cục thịt tái ra khỏi tủ kính, lia dao thái vài miếng mỏng tanh bày bên cạnh. Rải lên mặt tô ít hành hoa xanh biếc. Lật nắp thùng nước lèo. Một làn khói bay lên, tỏa mùi hồi, quế, xương bò mùi hương phở - nồng ấm, quyến rũ. Một tay cầm tô, một tay cầm cái muôi lớn, khoát nhẹ cho những sao mỡ vàng óng chạy dạt ra. Múc một muôi nước, đảo tay đúng một vòng, nước chan vào tô vừa hết... Từng bước, chính xác, nhịp nhàng, Tác Phẩm Phở được hoàn thành bằng đôi tay dẻo như múa của chú Lưu trước sự say sưa theo dõi của tôi.

Bây giờ, đôi khi mấy đứa con tôi bỏ phí thức ăn, tôi vẫn nhắc "Hồi nhỏ, chỉ khi nào Mẹ hay các cô bị đau dữ lắm mới được ăn phở..." Mà, tội nghiệp, lúc mạnh khỏe thì thèm chứ lúc đau ốm, đắng miệng, ăn đâu thấy ngon. Húp vài muỗng, nhăn mặt, đẩy qua một bên. Tô phở được đậy lại, để dành cho người ốm, từ sáng tới chiều.

Niềm vui chính của tôi lúc đó là quanh quẩn trên căn gác nhỏ đầy sách của Bố, tha thẩn thăm viếng từ quyển này sang quyển khác. Có những đêm đã khuya, Bố lên gác gặp tôi vẫn đang ngồi ở đó. Bố rót cho tôi một ly trà làm bằng một công thức lá, hạt do ông tự nghiên cứu, ngâm nước sôi trong lon Guigoz. Ấp hai tay hai bên ly trà nóng, tôi ngồi xếp bằng bên cạnh Bố, thưởng thức cái ấm áp, gần gũi giữa hai Bố con trong đêm im vắng.

Tôi yêu cái hạnh phúc thinh lặng, nhẹ nhàng. Ở bên nhau, không nói hay làm điều gì quan trọng nhưng lòng rung lên một niềm trìu mến. Những khoảnh khắc như thế lưu lại trong tôi rất lâu, êm đềm và sâu lắng. Vì thế, tôi thích theo Bố đi dạo phố. Hai Bố con đi lòng vòng, có khi ghé vào tiệm sách, đứng đọc một lúc rồi về. Chỉ có thế, nhưng tôi thấy vui vẻ, bình an khi đi bên Bố trong đám đông người.

Hồi đó, trong cảnh đói khổ, chứng kiến biết bao nhiêu điều nát lòng ở chung quanh, tôi nghĩ rằng mình còn có cái lót dạ dày là may mắn rồi. "Miếng ăn là miếng tồi tàn", tôi hiểu và nhớ lời cha mẹ dạy. Tôi không than phiền khi đói và không tỏ ra thèm thuồng món gì. Ít ra, là tôi nghĩ như thế.


Nhưng, có lẽ vì Bố là Bố của tôi nên ông biết tôi rõ hơn.

Một buổi tối, Bố dắt tôi đi ra phố. Đến đầu đường, ông dừng lại, bảo tôi "Con ăn phở nhé." Tôi ngạc nhiên, tròn mắt nhìn Bố. Hôm đó tôi không bị đau, cũng không làm được điều gì đặc biệt. Phải mất cả mấy phút tôi mới hiểu là Bố muốn tôi được ăn phở, chỉ vậy thôi.

Bố gọi cho tôi một tô phở tái có cả bò viên, món mà tôi rất thích. Và ông ngồi bên cạnh, chờ tôi ăn. Được thuởng thức cả một tô phở dĩ nhiên là sung sướng, nhưng điều lạ là tới giờ tôi không còn nhớ hương vị tô phở đó mê ly cỡ nào. Tôi chỉ nhớ cảm giác thật hạnh phúc và đặc biệt, giống như tôi là vô cùng quan trọng đối với Bố, giống như tôi là con cưng nhất của Bố.

*

Bây giờ - mấy chục năm sau, tôi đã hiểu rằng ngày đó Bố không có đủ tiền để đãi cả sáu đứa con cùng một lúc. Tôi đoán rằng Bố đã lặng lẽ để dành tiền, đến khi vừa đủ, Bố dắt một đứa đi ăn. Có thể không phải đứa nào cũng ăn phở. Có lẽ Bố chọn cho mỗi đứa một món. Vì, Bố biết tính các con của Bố.

Khi Bố Mẹ tôi qua Mỹ đoàn tụ, tôi đã có thể mời Bố Mẹ đi ăn nhiều món ngon ở vùng Bắc Cali. Dần dần, tôi đã tin rằng Mẹ tôi thật sự không thích phở (bà chỉ thích ăn ngọt, thí dụ như các loại chè và đậu hũ nước đường có nhiều gừng.) Và Mẹ tôi cũng thật sự không thích đi ăn tiệm, cho nên chúng tôi chỉ đem các món đến nhà biếu Mẹ. Chỉ có Bố là thích đi ăn tiệm với chúng tôi. Và trong các tiệm phở, Bố thích nhất là phở Kim Long.

Cách đây khoảng sáu năm, Bố tôi bắt đầu bị lẫn. Dấu hiệu đầu tiên là Bố không phản đối gì khi tôi và cô em kế hè nhau dọn phòng Bố, vất hết báo cũ mà Bố sưu tập, chất đống dưới sàn. Hôm đó, tôi cũng hơi lấy làm lạ, nhưng chỉ nghĩ Bố không còn quan tâm tới sách báo nhiều nữa vì đã lớn tuổi rồi. (Sau đó, tôi mới học được rằng khi một người bỗng dưng đổi tính nết rõ rệt, từ nhiều cá tính sang quá dễ dàng hay ngược lại, thì rất có thể là óc có vấn đề.) Lúc đó, tôi không ngờ rằng khi tôi hí hửng "giải tỏa" đống báo cũ cũng là lúc sự minh mẫn của Bố đang bị tuổi già lấy đi. Giống như những tờ báo tôi đã vất ra khỏi nhà, sự minh mẫn đó không bao giờ trở lại.

Hình chụp quang tuyến cho thấy trong đầu Bố có nước, nhưng bác sĩ không thể xác nhận đó là nguyên nhân cho sự suy yếu của não bộ hay vì bệnh Alzheimer. Bệnh Alzheimer thì không chữa được, khoang não có nước thì có thể giải phẫu nhưng kết quả không chắc chắn. Hơn nữa, ở tuổi của Bố tôi, giải phẫu óc là một mạo hiểm quá lớn. Cho nên, chúng tôi chỉ biết theo dõi những thay đổi trong đầu óc Bố, đến từng bước, từ từ, lạnh lùng.

Thời gian đầu, Bố có một tính mới là rất thích đi xe hơi. Nhìn thấy xe hơi của bất cứ ai là ông muốn leo lên và khi lên rồi thì không chịu xuống. Vì thế, mỗi cuối tuần tôi đều lại chở Bố đi xe hơi cho thỏa thích. Tôi chở Bố đi chợ, đi công viên, và dĩ nhiên đi ăn phở.

Lúc đầu, hai Bố con mỗi người một tô. Dần dần, Bố ăn uống không được gọn gàng như trước cho nên tôi không ăn, chỉ ngồi canh Bố. Những lúc đó tôi thường nhớ lại tô phở duy nhất đi ăn riêng với Bố. Ngày xưa, Bố ngồi bên cạnh, vui vẻ chờ tôi ăn. Ngày nay, tôi cũng ngồi chờ Bố ăn nhưng trong lòng man mác nghẹn ngào. Tôi nghĩ đến chu kỳ của đời người. Bệnh tật làm cho người già trở thành trẻ thơ, nhưng chăm sóc người già khó hơn rất nhiều. Bởi vì, khi ở bên trẻ thơ, nhìn chúng lớn như một cây non tươi đẹp, lòng mình hăng hái với những dự tính tương lai. Ngược lại, sự lụi tàn của cha mẹ già luôn đem lại nhiều xót xa, tiếc nuối.

Tuy vậy, mỗi lần đi ăn với Bố, tôi đều tự nhắc rằng ngày hôm nay là một món quà của thời gian, và tôi nên trân trọng từng giây phút. Bởi vì, ở tình trạng của Bố, có thể tuần sau món quà đó không đến nữa.

Điều tôi nghĩ đã thành sự thật. Những buổi đi chơi đơn giản đó đã chấm dứt khoảng hơn sáu tháng nay. Tôi vẫn đến thăm Bố cuối tuần, nhưng gần đây Bố không còn thích đi đâu và ông không còn tự ăn được nữa.

Cho nên, đã lâu lắm, tôi mới trở lại tiệm Kim Long. Chỉ một mình.

*

Rồi ký ức tôi lại lang thang về với một bữa ăn mới gần đây...

Mùa lễ Giáng Sinh năm ngoái, tôi ghé phòng nội trú của con trai, giúp cháu dọn đồ về nhà giữa hai khóa học. Hai cậu bạn ở chung phòng đã lên máy bay từ sớm, để lại căn phòng như thành phố sau cơn bão. Bản năng Mẹ nổi lên, tôi nhất định dọn dẹp trước khi rời phòng.

Khi căn phòng trở nên sạch sẽ thì cũng đã tới giờ ăn chiều. "Hay là con dắt mẹ vô cafeteria - chỗ con thường ăn, để mẹ thử cho biết?" Vừa nói tôi vừa mỉm cười tựa như đang nói giỡn. Bởi vì, tôi muốn dọn đường cho con không thấy khó xử, nếu nó muốn từ chối. Tôi đọc rằng con nít bên Mỹ vừa mới lớn đã không muốn đi chung với cha mẹ, sợ bạn bè nghĩ là mình không "ngon lành", không "cool". Tôi nghe nói con trai càng không thích đi với mẹ, bởi vì, trong mắt bạn bè, hình ảnh đó rất "con nít", rất không "tạo ấn tượng", nói chung là rất "nhà quê".

Vì vậy, tôi cảm thấy vui và hơi ngạc nhiên khi con trai tôi gật đầu không chút ngần ngại.

Cafeteria lớn và đẹp với đủ loại thức ăn được sắp xếp rất mỹ thuật. Không khí nhộn nhịp của đám sinh viên vừa xong khóa học, thoải mái và háo hức làm cho tôi thấy thật rõ cái hạnh phúc ngời ngời của những người trẻ may mắn...

Có những điều đẹp đẽ và sâu sắc đến với chúng ta một cách tình cờ trong đời.

Khi dắt tôi đi ăn, chắc Bố không nghĩ điều gì xa xôi hơn là đãi đứa con gái nhỏ một "chầu phở". Nhưng, hành động đó không những trở thành một kỷ niệm sâu đậm mà còn cho tôi một bài học quý báu khi làm mẹ. Rằng, thỉnh thoảng chúng ta nên dành thì giờ đi chơi và trò chuyện với từng đứa con. Trong lúc đó, ta cho con tất cả sự quan tâm, chú ý, và ngược lại. Những khoảnh khắc đó sẽ trở nên những kỷ niệm rỡ ràng, sẽ đem lại một cảm xúc trìu mến, bình an, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, và sẽ tồn tại rất lâu.

Ngày hôm đó, ngồi đối diện với con ở cafeteria, tôi cảm được bài học đó thật là rõ nét. Và cũng trong lúc đó, những ký ức với Bố Mẹ bỗng dưng trở về, quấn quít với niềm vui xen lẫn chút tự hào về đứa con trai bé bỏng ngày nào nay đang trở thành người lớn. Người lớn đủ để sải những bước nhanh nhẹn và tự tin trong sân trường bên cạnh bà mẹ nhỏ bé, xuềnh xoàng trong bộ quần jean áo thun và mái tóc cột ngược lên.

Tôi biết bữa ăn với con trai sẽ được cộng thêm vào rương kỷ niệm của tôi, bên cạnh lần đi ăn phở với Bố.

Thời gian rất vô tình, cho nên điều duy nhất chúng ta có thể làm là chú ý, trân quý, và thưởng thức những cảnh đẹp, những hương thơm, những thương mến, và những nụ cười trên con đường đời mà ai cũng đi qua. Xin đừng hối hả.

Khôi An

(*) Trích từ “Miếng Ngon Hà Nội” của Vũ Bằng

Ý kiến bạn đọc
30/06/201516:44:48
Khách
Cháu Khôi An mến
Đọc bài này chú có cảm tưởng như dang đọc một bài thơ! Thật tuyệt vời! Cám on cháu.Mến
05/11/201421:07:53
Khách
Đọc cho vui
04/11/201408:08:22
Khách
Cám ơn chú Sáu đã xem và để lại lời (đối với các bạn, lúc nào chú cũng chu đáo như vậy cả)
Cám ơn bạn Nguyên Đạo về lời khen là bài viết độc đáo. Khi gởi bài, Khôi An chỉ muốn chia sẻ những điều mà Khôi An ngộ ra hơi trễ, khi cha mẹ đã già yếu. Khi được bạn khen như vậy là một món quà bất ngờ (bonus) :-)
31/10/201414:09:17
Khách
Chào cháu Khôi An,
Cảm ơn cháu viết thêm một bài đầy ý nghĩa. Có khI những hành động rất nhỏ có ý nghĩa sâu với người khác.

Sáu
30/10/201416:56:16
Khách
Bài viết của chị Khôi An quá tuyệt! Tôi cảm động và đã đọc một mạch cả bài, thiếu điều không thở, dù nửa chừng điện thoại có reo nhưng tôi không thèm bắt. Xin cám ơn tác giả.Tôi tâm đắc nhất là 4 chữ kết: Xin đừng hối hả! Tuyệt diệu.
Tôi thấy bài viết khác hẵn bài của của 2 tác giả Vũ Bằng và Nguyễn Ngọc Lễ: một đằng nói về tô phở và đằng kia về tình cảm đằng sau những bát phở! Độc đáo của bài này là chỗ đó.
Xin chờ những tác phẩm khác.
Nguyên Đạo (Đức Quốc)
28/10/201416:33:05
Khách
Khôi An cám ơn mọi người đã đọc bài. Và xin thêm lời để đặc biệt cám ơn:
Mai Truong đã để lại lời khích lệ.
Anh Lê Như Đức đã cho những dòng chia sẻ chân tình, đã cảm thấy cái buồn man mác cho những chuyện không thay đổi được ở đời, cho một lúc nào đó mình " biết đó là lần cuối".
Chú Bình Trần: Khôi An đã có đọc bài "Tô Phở Đầu Đời" của linh mục Nguyễn hữu Lễ. Bài viết rất hay nhưng nói nhiều về cảm xúc của cậu bé nhà quê lần đầu được ăn phở và ít chú trọng vào tả tô phở. Nói cách khác, linh mục Lễ ca tụng tô phở một cách gián tiếp và nhà văn Vũ Bằng tả phở một cách trực tiếp. Xin cám ơn chú đã xem bài viêt của Khôi An và còn bỏ thì giờ viê't lời góp ý.
27/10/201421:10:17
Khách
Khi tôi rời Sàigòn đi vượt biên, cậu tôi có linh cảm nên dậy tôi lời cuối: con là con út nên sẽ chịu nhiều đau khổ hơn các anh chị của con. Tôi không hiểu mấy lời người nói. Ba năm trước lúc ông anh cả tôi mất tôi mới biết tôi có mười anh, chị nên sẽ phải đeo khăn tang nhiều lần hơn. Trong cuộc đời của tôi, tôi chỉ thấy nước mắt của anh có ba lần. Lần cậu tôi mất, lần mợ tôi mất và lần cuối tôi về Houston thăm anh. Ôm anh vào lòng lau nước mắt của anh và của tôi lẫn lộn, chúng tôi không nói ra nhưng đều biết đó là lần cuối.
Đọc bài viết của Khôi An có cái buồn man mác tới như một dòng sông lờ lững trôi. Nhìn về sau, nhớ thương người đã ra đi. Hướng về trước, lo sợ cho người sẽ ra đi. Vẫn biết “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật mà chẳng ai có thể thoát được. Nhưng sao vẫn cứ buồn, vẫn cứ lo. Dòng sông vẫn từ từ trôi.
26/10/201419:00:41
Khách
Cam on chi ve bai viet that nhieu y nghia nay
25/10/201423:11:41
Khách
Chào Cô
Mời Cô tìm đọc đoạn tả về Phở của LInh Mục Lễ trong tác phẩm "Tôi Phải Sống" thì có lẽ Cô sẽ có ý kiến khác liền. Chúc Cô sức khỏe.Trân trọng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,989,674
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến