Hôm nay,  

Ai Rù Quến Ai?

26/07/201400:02:00(Xem: 24108)
Tác giả: Orchid Thanh Lê
Bài số 4286-14-29686vb7072614

Là phó giáo sư tại học viện ngôn ngữ thuộc Bộ Quôc Phòng Mỹ, Orchid Thanh Lê đã góp 4 bài viết về nước Mỹ, trong đó có “Đi Tìm Tên Một Người Vô Danh”; “Thầy Việt Trò Mỹ”, và có tên trong danh sách tác giả vào chung kết giải Việt Báo 2014. Bài viết mới thể hiện nỗi ưu tư của những người Việt định cư tại Mỹ lúc cao tuổi là đi làm đủ thời gian quy định để được hưởng hưu bổng. Chuyện kể cho thấy là thực tế đôi khi éo le...

* * *

- Are you Vietnamese?

Tôi đang chú mục gõ các số trên máy fax để gửi đi vài tài liệu thì bỗng nghe tiếng hỏi. Quay lại, tôi thấy một người đàn ông Á Đông cao niên cười hiền hoà, đứng bên chiếc thùng rác có bánh xe đẩy. Ông khoác chiếc áo xanh có cái tên “Phillip” thêu phía bên ngực phải, còn phía bên ngực trái thêu huy hiệu “Hope”, một tổ chức hỗ trợ và cung cấp việc làm cho những người thiểu năng.

Tuy ngờ ngợ chưa dám chắc mình đoán đúng, tôi vẫn nói tiếng Việt:

- Chào bác. Con mới chuyển sang toà nhà này làm việc.

- Chào cô. Tui tên Hưởng, người Mỹ đọc không được tên này nên tui đổi sang tên Mỹ là Phillip.

- Dạ, thì ra vậy.

- Tui làm ở đây gần chín năm. Làm lao công cô à.

- Dạ, thì con cũng đang lao công đây, thưa bác.

Vậy là tôi quen bác Hưởng. Bác được giao phụ trách dọn dẹp khu làm việc của tôi nên cứ hai lần một tuần bác đến gom rác và hút bụi. Bận việc cách mấy tôi cũng bước ra khỏi bàn làm việc để chuyện trò đôi điều thăm bác. Riết thành quen. Ngay cả khi tôi không có mặt tại văn phòng trong lúc bác đến dọn dẹp, đồng nghiệp tôi thường nhắn lại khi tôi trở về:

- Hôm nay Phil hỏi thăm cô đấy.

- Vậy à? Tôi quên nhắc cô chuyển dùm cái bịch vỏ lon tôi để sẵn cho ông.

- Sao không nói trước? Tôi đâu có biết.

- Không sao. Lần sau vậy.

Tôi biết bác tranh thủ lượm thêm vỏ chai, lon tại sở làm nên mỗi lần có dịp tiệc tùng trong Khoa, tôi lại để ý gom nhặt để phần cho bác. Lần đầu nhận bịch vỏ lon tôi trao, bác ngẩn người cảm động:

- Cô lượm lon giúp tui không sợ họ cười chê sao?

- Ủa, mình có làm gì quấy đâu bác?

- Cô giới thiệu với mọi người rằng tui là bạn cô, tui mắc cở và ngại cho cô quá.

- Úy trời, xin bác hiểu dùm là ở Mỹ con không thể giới thiệu bác là “bác” như trong tiếng Việt vì mình không là bà con của nhau. Bác không rầy con giới thiệu bác là “bạn” thì thôi chớ cớ gì mà ngại.

Cứ như vậy, câu chuyện vụn vặt giữa bác Hưởng và tôi mỗi lần gặp nhau đủ để góp lại cho tôi biết thêm về bác.

- Hồi đó bà xã tui mới 18 tuổi, có nhiều người đeo đuổi lắm cô ơi.

Bác Hưởng giọng đều đều, tâm sự cho tôi nghe.

- Bác gái chắc là đẹp lắm, bác hả?

- Bả biết mình trẻ, đẹp nên chảnh lắm, cô.

Mắt bác trở nên xa xăm:

- Bởi vì chảnh nên bả đâu có thèm để ý đến tui; thậm chí từ đằng xa thấy tui đứng chờ mà bả cũng hổng thèm hu?n bư?c, bỏ mặc tui đứng x? r?.

- Dạ chắc tại bác không chịu mở lời phải không?

- Mắc giống gì mà bả ngó đến tui, cô. Lúc đó tui mới là thằng thiếu úy quèn, trong khi mấy thằng bạn tui bên quân y, tương lai xán lạn, bả mới ưng chớ.

Một bữa khác tôi gặp bác đẩy thùng rác ngoài hành lang với nét mặt dàu dàu:

- Khỏe không, bác Hưởng?

- Từng tuổi này gần đất xa trời rồi mà vợ chồng già cứ cãi nhau hà rầm, cô ơi.

- Chuyện gì vậy bác?

- Bất nhơn lắm, tụi tui còn hai thằng con bên nhà. Thằng lớn mần chết bỏ để nuôi vợ con, gia đình nó đang chờ bảo lãnh sang với tụi tui. Thằng nhỏ đến tuổi lập gia đình mà cứ lo ăn chơi xả láng, nó cờ bạc nợ nần sao đó mà tụi xã hội đen đòi thanh toán. Nó gọi sang Mỹ xin tiền, bà xã tui nước mắt nước mũi chàm ngoàm, mỗi lần điện thoại reng hổng dám bắt, đẩy cho tui nói chuyện với thằng con trời đánh.

- Giờ bác tính sao?

- Tính gì hổng biết. Nợ với vợ chưa đủ hay sao mà còn khổ với con nữa chớ.

Cứ mỗi lần tâm sự thì bác lại kể thêm một chút về người bạn đời của mình:

- Cô biết không, bà xã tui hồi được sanh ra rất khó nuôi nên ba má ruột phải “bán” bả cho bà dì không có con nhưng giàu lắm.

- Thiệt hả bác? Vậy bác gái là con nhà giàu mà lại đẹp nữa.

- Chưa hết. Bả học Anh Văn ở Hội Việt-Mỹ đến lớp 16 lận cô.

- Chà, học giỏi nữa bác hén.

Bác Hưởng nói nghe chừng hậm hực:

- Nhưng mà tui mắc nợ bả. Sao hồi đó mấy thằng bạn học bên quân y không rước bả đi để tui bớt cực.

- Bác có nghĩ là bác gái thấy bác thương thiệt tình nên quyết định lấy bác đó chớ?

- Hổng dám đâu cô ơi. Con nhà giàu hồi đó có tài xế lái xe hơi chở đi thì hổng chịu, đòi học lái xe để tự do một mình, nào ngờ bị xe đụng cái rầm, què giò.

- Dữ vậy bác?

- Chớ sao, cô! Mấy thằng bạn tui xụi lơ, giả đò không quen biết bả. Bả tủi phận khóc quá trời quá đất. Bởi vậy thằng tui thấy tội nghiệp, nhảy vô lo cho bả rồi dính riết đến giờ.

Hình ảnh vợ bác Hưởng dần dần rõ nét trong tôi theo thời gian với những mẫu chuyện góp nhặt. Biết bác chưa đầy một năm mà sao tôi trông bác mỏi mệt nhanh, lưng khòm hơn, chỉ duy có nụ cười không thay đổi, lúc nào cũng mang nét thân thiện. Bẵng đi một thời gian không gặp bác, lòng tôi có ý trông. Tôi đoán rằng bác được điều đi làm việc ở khu khác. Một hôm, một cô lao công người Mễ bất chợt chặn tôi lại:

- Cô biết tin gì về Phil không?

- Không. Có chuyện gì xảy ra hả cô?

- Phil vừa mới xuất viện nhưng ông vẫn vui vẻ nhận điện thoại.

- Trời ơi! Cô cho tôi số điện thoại nhé!

Có được số điện thoại trong tay, tôi vội vã gọi ngay:

- Bác Hưởng ơi, con nè.

- Cô hả? Lóng rày mạnh giỏi không? Bác sĩ chẩn đoán tui bị ung thư máu, chắc chết sớm cô à.

Tôi bàng hoàng, lặng đi vài giây.

- Chiều nay đi làm về con ghé thăm hai bác nha.

Hỏi địa chỉ nhà bác Hưởng xong, tôi hối hả cúp máy vì không biết phải nói gì với người đang mang bệnh trọng. Nếu hùng hồn trấn an rằng bác sẽ khỏi bệnh thì quả là tôi đã nói dối. Mà nói để an ủi cho người nghe vơi bớt nỗi niềm thì tôi lại càng vụng về không biết nói gì.

Hai vợ chồng bác Hưởng ở trong khu nhà thuê được chính phủ trợ giá. Tôi không rành đường, lái xe lộn tới lộn lui, rốt cuộc phải gọi điện thoại cho bác chỉ dẫn. Xe tôi vừa trờ tới là thấy bác đứng quanh quẩn ngóng đợi. Tôi thảng thốt, cố kềm tiếng kêu ngạc nhiên. Trước mặt tôi là một ông lão tóc rụng gần hết, chỉ còn nụ cười là vẫn vậy, luôn giữ vẻ hiền hoà.

- Cô vô đây.

- Bác gái khỏe không, bác?

- Bả ra liền, cô.

Tôi không phải chờ đợi lâu, vợ bác Hưởng tay chống gậy, bước thấp bước cao ra gặp tôi. Đúng như bác Hưởng nói, bác gái vẫn còn giữ được đôi nét đẹp thời con gái dù lúc đó đã là bà lão thất thập cổ lai hy. Trong căn phòng khách nhỏ có treo một tấm ảnh phóng lớn. Tôi bước lại gần ngắm nhìn: hai ông bà thời trẻ đẹp đôi quá. Ông mặc quân phục oai phong choàng vai bà khép nép trong tà áo dài. Nhưng trông kìa, đằng sau hai ông bà dường như là cảnh trí của mùa thu nước ngoài.

Như đoán được điều thắc mắc của tôi, ông giải thích:

- Hồi đó tui được đi tu nghiệp bên Mỹ một năm, mấy tháng sau bả theo qua rồi tụi tui làm đám cưới luôn. Có cha Mỹ làm phép cưới đàng hoàng đó nghen.

- Chớ hổng phải anh rù quến em theo anh sang Mỹ đó sao? Bà nguýt ông, nói như dỗi hờn.

- Bà rù quến tui thì có, kỳ nài tui cố xin đi tu nghiệp đặng mới có thể làm đám cưới thì còn ức nỗi gì?

- Anh ngạo em hoài. Bà vừa nói vừa cười ngỏn ngoẻn.

Tôi bật cười, quay sang hỏi han sức khỏe của ông. Ông trù trừ không muốn nói:

- Còn một đợt hoá trị nữa rồi tui quay trở lại làm việc cô à.

- Bác không nói giỡn chớ?

Ông buồn so:

- Thiệt mà, cô! Tui sang Mỹ khi tuổi đã cao. Dù đã xin việc đi làm liền vẫn chưa hội đủ thời gian để nghỉ hưu nên phải ráng. Rủi có bề gì thì bà xã tui còn được nhận lương hưu của tui mà xài.

Tôi hiểu lòng ông, cố nén tiếng thở dài vụng về của mình.

Chính phủ Mỹ rặt ròi, nếu công dân làm việc đúng theo qui định thì được nhận hưu bổng, chỉ vậy thôi. Đa số người Việt đã qua tuổi trung niên khi sang Mỹ định cư như bác Hưởng thì thường cố gắng đi làm cho đủ thời gian hạn định để được nhận lương hưu và quyền lợi cho tuổi già. Trong khi đó một số người khác, bất kể quốc tịch nào, lại thích trụ lâu tại việc làm dù đã đến hoặc quá tuổi về hưu vì họ thực sự vẫn không mường tượng mình sẽ nghỉ hưu ra sao. Lại có người về hưu từ việc làm này thì nộp ngay một đơn sang một việc bán thời gian khác và xem việc làm ít giờ đó như một thú tiêu khiển.

Tôi chạnh nhớ đến các đồng nghiệp cứ xầm xì chuyện một ông sếp bên khoa tiếng Trung Đông dù 79 tuổi vẫn ngồi xe lăn đến sở, chưa chịu về hưu nhường cho lớp trẻ cơ hội làm việc. Ông sếp này khá bẳn tính, mỗi khi ai nhắc đến về hưu thì ông lại cáu gắt cho là kỳ thị tuổi tác.

Ngồi thêm một lúc, lấy cớ bác Hưởng còn mệt, tôi xin phép kiếu sớm. Ông đưa tôi ra tận chỗ đậu xe, lần khân:

- Bà xã tui hổng còn trẻ nữa mà cứ nhõng nhẽo hoài cô ơi.

- Vậy cho vui, bác!

- Tui nghĩ lung lắm, cô à. Sau này tui chết rồi không biết còn ai đến thăm bà vợ tui không. Bữa nay cô thấy bả tận mắt rồi đó, cái chân bả đi cà thọt từ tai nạn xe hơi thời con gái.

- Bác thiệt là người chung thủy.

- Tui kể cô nghe rồi, mấy thằng bạn quân y lúc đó sắp ra trường sức mấy mà chịu mang tiếng là bác sĩ có vợ thọt chân. Ngay chính gia đình tui cũng không ưng nữa kìa.

- Chà, bên bác cũng khó dữ!

- Hổng phải gì! Gia đình tui nghèo, hổng xứng bên bả. Tui lại là con lớn nhứt, có chín đứa em dưới tui nữa. Bả chân tay như vậy thì về nhà tui mần dâu sao nổi? Bởi vậy bả mới tìm chước hối tui xin đi tu nghiệp, rồi bả làm đơn theo qua sau đặng làm đám cưới, đặt gia đình tui trong sự đã rồi; Vậy mà bây giờ bả nói tui rù quến bả, tức không chớ!

- Đừng giận nữa bác, bác vô nghỉ khỏe rồi con gặp lại bác sau!

Vài tuần sau tôi gặp lại bác Hưởng đang hổn hển đẩy chiếc thùng rác xem chừng nặng hơn trọng lượng cơ thể ông. Tôi xách bịch nhựa đầy vỏ chai, lon đem ra trút vào cái túi ông treo cố hữu bên quai thùng.

- Sao cô không nói trước đặng tui vô văn phòng bưng ra cho?

- Con làm được mà. Hôm nay trông bác mạnh hơn đó nha. (Tôi tự rủa mình học ở đâu lối xã giao trơn tru với người bệnh như vậy.)

- Tui đếm từng ngày, sợ không kịp cô à!

- Ý, bác đừng nói vậy chớ. Bao nhiêu ngày nữa thì đủ nghỉ hưu, bác?

- Cũng bộn đa! Hăm mốt ngày nữa.

Giọng ông yếu ớt thấy rõ. Tôi thấy bất an nhưng không biết lựa lời gì an ủi. Lại đành phải nén tiếng thở dài.

- Cô nè, nghe đâu vào ngày làm việc cuối cùng của tui, tổ chức “Hope” có đặt ổ bánh “Về Hưu” và tấm thiệp đủ bự để mọi người đến ký tên đó cô.

- Vậy bữa đó con rủ mấy đồng nghiệp ghé chung vui với bác nghen.

- Cám ơn cô. Bà xã tui cũng đòi đi dự tiệc về hưu của tui. Tội nghiệp! Tính bả hay sợ ma, ngày sau tui đi rồi hổng biết bả xoay trở ra sao.

Điều lo lắng của bác Hưởng không phải là quá xa. Tôi nào ăn được miếng bánh, cũng chưa viết lời chúc trong tấm thiệp để mừng ông về hưu thì đã phải tiễn ông về với cát bụi. Ông trở bệnh nặng, ra đi sớm vài ngày trước khi được công nhận nghỉ hưu.

Bác Hưởng bỏ lại cõi đời người vợ mà ông hay cằn nhằn nhưng lo lắng hết mực cho bà. Rẻo sân nhỏ phía trước nơi ông bà ở còn ngổn ngang những vỏ chai lon chưa kịp đem bán. Bà thổn thức khóc đưa ông. Từ miền đất lạnh, ông hẳn thương cảm bà hơn là giận hờn. Từ nay không còn ai càm ràm ai đã rù quến ai.

Orchid Thanh Lê

Ý kiến bạn đọc
20/08/201417:56:11
Khách
Văn phong của Orchid Lê đích thực "rù quến" người đọc.
04/08/201416:28:50
Khách
Xin cám ơn tất cả quý độc giả đã khen ngợi bài viết và khích lệ tác giả.
Từ những chuyện tai nghe, mắt thấy, hoặc chính bản thân trải nghiệm, tôi ghi lại và gửi đến quí độc giả. Tôi vẫn đang tập viết đấy ạ.
Một lần nữa, cám ơn quý độc giả.
01/08/201406:20:40
Khách
....Rất vui được đọc thêm một bài viết mới của chị. Gia đình chúng tôi luôn dõi theo ngòi bút của chị. Bài viết này rất xúc động và rất giống với câu chuyện của một người bạn gia đình chúng tôi, người bạn ấy cũng mong ngóng tới ngày nghỉ hưu và đã ra đi đột ngột trước cái ngày mong đợi ấy...thật trớ trêu! Bài này chị viết với giọng văn miền nam rất hay, dùng những chữ rất ư là "miệt vườn miền Nam"....làm phong phú thêm sắc màu địa lý cho các bài viết của chị, rất ngưỡng một chị!
30/07/201421:16:32
Khách
Bravo, cô Thanh Lê.
Bài cô viết giọng miền Nam rặt. Tui dân miền Nam, lâu lắm đọc được một bài có những chữ "hưỡn", 'rù quến", "đặng"... khoái quá. Mấy chữ này không xài riết rồi quên...
30/07/201408:45:25
Khách
Lời văn nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, thấm đẫm tình người. Bài viết rất cảm động. Mong tác giả có nhiều bài viết hơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,186,430
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới của bà.
Chúc Mừng Năm Mới Kỷ Hợi 2019. Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Từ Thìn tới Hợi, vừa đúng 20 năm. Ngày đầu năm Hợi, xin mời đọc bài Tết của Lê Nguyễn Hằng. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Mừng Tết Kỷ Hợi đang tới, mời đọc chuyện tình tất niên của tuổi hạc.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của tác giả kể về khóa Thiền Vipassanna 10 ngày mà bà đã tham dự. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư ông viết: Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019, hiện đang phát hành khắp nơi.
Nhạc sĩ Cung Tiến