Hôm nay,  

Câu Chuyện Của Bà Lâm

23/07/201400:00:00(Xem: 14612)

Tác giả: Song Lam
Bài số 4283-14-29683vb4072314

Tác giả có tên trong Danh Sách Chung Kết Viết về nước Mỹ 2014. Song Lam góp 12 bài viết, trong số này có nhiều bài đặc biệt cho thấy sức viết mạnh mẽ của tác giả. Định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersy, bà vui vẻ tự sơ lược tiểu sử "22 năm dạy học trong nước, 22 năm làm culi job trên đất Mỹ".

Tặng chị Xuân
để nhớ anh Lâm

* * *

I.

Thằng nhỏ vừa buông tay bà Lâm vừa nói: "Bye ngoại" rồi chạy u vô sân trường. Chỉ nháy mắt nó hòa lẫn với đám học trò đang lao xao tíu tít, bà Lâm không còn nhận ra nó ở đâu. Bà đứng tần ngần một lúc như ngóng đợi ai. Bổng bà nhớ ra là hôm nay bà Tư không đưa thằng John đi học như mọi ngày vì bà ấy phải đi khám bệnh. Bà Lâm tự cười mình: Vậy mà quên mất tiêu, cứ đảo mắt coi bà Tư đứng đâu… Già rồi, lẩm cẩm thiệt!...

Bà lửng thửng ghé vô tiệm bánh mì baguette mua cái bánh sừng trâu và ly cà phê sữa ngồi nhâm nhi "cà phê một mình". Mọi ngày, sau khi đưa cháu vô trường, hai bà bạn già hay ra đây ăn sáng, tán chuyện vu vơ. Bà chọn cái bàn nhỏ trong góc nhìn ra ngoài. Vạt nắng đầu tiên của một ngày mới chiếu qua hàng hiên làm bà hơi chói mắt. Mấy ngày nay không hiểu sao đôi mắt của bà rất "dị ứng" với ánh mặt trời và đọc báo thấy lờ mờ, khó chịu, cứ chảy nước mắt sống hoài. Vài bữa biểu tụi nhỏ chở đi gặp bác sĩ xem sao!

Ngồi uống cà phê một mình trong ngày nắng đẹp của Cali mà bà cứ tưởng ở Sài Gòn hay ở cà phê Tùng Dalat dạo nào. Khi không qua đây ngồi chong ngóc buồn hiu, bỏ hết, bỏ hết bao người, bao việc ở Sài Gòn. Bà Lâm nhận ra hình như mình là một con người rất khác trước.

Bà đã ngoài 70, nói đúng hơn Tết tới đây là bà trọn 72 tuổi. Người xưa thường nói: "Thất thập cổ lai hy", vì thế, bà thấy cuộc sống hiện giờ của bà là "sống thêm" mà Chúa đã gìn giữ cho bà, cho gia đình bà. Trời ơi, mới đó mà đã hơn nửa thế kỷ rồi chứ ít ỏi gì đâu. Bà tưởng bà đang sống trong mơ vì cuộc đời bà thăng trầm nhiều nỗi!...

Xuất thân trong một gia đình trung lưu, cha là y tá trưởng làm việc ở bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn, mẹ là thương gia buôn bán, chị em bà có một đời sống sung túc, ăn trắng mặt trơn. Hồi còn ở bậc Trung học, bà ngồi chung lớp với nữ ca sĩ Hoàng Oanh ở trường nữ trung học Gia Long. Thời đó, hai trường nữ nổi tiếng là Gia Long và Trưng Vương; hai trường nam nổi tiếng là Petrus-ký, Chu Văn An.

Tưởng là cuộc đời của bà sẽ phẳng lặng như dòng sông hiền hòa êm đềm trôi xuôi, nhưng sự xuất hiện của một anh con trai trong lớp Anh văn học thêm buổi tối làm cho cuộc sống và tâm hồn của bà xáo trộn. Anh chàng này có nước da ngăm nhưng đôi mắt thật sáng, thật đẹp, đôi mắt màu hạt dẻ. Đặc biệt, anh chàng này ăn nói rất có duyên chiếm lĩnh được cảm tình của người đối diện dù chỉ gặp gỡ đôi lần. Anh ta học ban B (ban Toán Lý) nhưng tâm hồn đa cảm: làm thơ viết văn hay chẳng ai bằng; và dĩ nhiên anh viết thư tình hay hơn trong tiểu thuyết! Người đó là ông Lâm.

Khi kết hôn, người phụ nữ Mỹ đổi họ theo họ của chồng, còn người con gái Việt Nam lại được gọi theo tên của chồng, và tên tộc của mình nhiều khi bị quên lãng. Mọi người cứ gọi bà là bà Lâm riết rồi quen, họ quên cái tên con gái của bà là Xuân.

Xong trung học, bà Lâm theo học trường Chính trị kinh doanh Dalat, ông Lâm ghi danh trường Luật Khoa Đại Học Sài Gòn, với ước mộng ra luật sư sau này. Họ dự định ra trường sẽ kết hôn, gầy dựng tương lai. Năm đó là năm 1963. Cũng vào năm đó, Sài Gòn bắt đầu cuộc ngửa nghiên sóng gió về chính trị và quân sự. Sinh viên biểu tình khắp nơi, phong trào đấu tranh của Phật giáo bùng phát: Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu giữa giao lộ Lê Văn Duyệt-Phan Đình Phùng. Cuộc đảo chính ngày 1/11/63 của các tướng lãnh đương thời như Nguyễn Khánh, Trần Văn Đôn, Nguyễn Hữu Có, Mai Hữu Xuân… lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Cuộc đảo chánh với cái chết của hai ông Diệm-Nhu mở màn cho cuộc chiến tranh leo thang khốc liệt ở cả hai miền Nam-Bắc. Quân đội Mỹ bắt đầu xuất hiện tham chiến ở hải cảng Cam Ranh và Đà Nẵng. Lệnh tổng động viên được gấp rút ban hành.

Ông Lâm rời trường luật theo học khóa 20 sinh viên sĩ quan trừ bị Thủ Đức 1964-1965 và sau đó thụ huấn chuyên môn ngành pháo binh ở Đồng Đế Nha Trang.

Trong 6 năm cuộc đời chồng vợ từ 1969-1975 người lính trận có mấy khi được ở Sài Gòn? Ông Lâm cứ dong ruổi theo sư đoàn 18 pháo binh đi tác chiến khắp miền Đông Nam Bộ. Khi quân Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam, hai người có được Thủy 4 tuổi và Sơn mới vừa 7 tháng trong bụng mẹ. Miền Nam sụp đổ kéo theo cuộc sống của hàng triệu con người hoàn toàn rơi vào vực thẳm, trong đó dĩ nhiên gia đình người lính trẻ tên Lâm cũng không ngoại lệ!

Sài Gòn 75 như chìm trong biển lửa: cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, trẻ nhỏ không đủ sữa bú khóc ngất từng cơn. "Tháng Tư gẫy súng", tháng Sáu vô tù mà chế độ mới gọi văn vẻ là "học tập cải tạo".

Bà Lâm làm việc ở bộ xã hội (1970) và sau đó là nhân viên của Tòa Đô Chính Sài Gòn (1971-1975). "Bà là nhân viên công chức của chính quyền Thiệu, Cách nạng không bắt đi học tập đã là may mắn lắm rồi, còn than vãn kêu ca gì nữa". Tên công an phường mặt búng ra sữa đã nói với bà Lâm như thế khi bà nộp đơn xin mua sữa cho Sơn lúc đó chỉ mới 5 tháng tuổi. Bà đau đớn nhìn con và từ đó về sau không thèm xin xỏ gì ở phường khóm nữa.

Bà Lâm có một cá tính đặc biệt: ít nói và chịu đựng. Nỗi thống khổ của người vợ lính một mình âm thầm bươn bả kiếm sống nuôi con khi người chồng lâm vào cảnh "tù tội không ngày tháng" đó tưởng như không có bút mực nào tả xiết. Người vợ lính thời đó đã quên mất tuổi xuân của mình. Chưa ai nghe bà than vãn lời nào. Làn da trắng của bà bắt đầu rám nắng, đen sạm vì xuôi ngược ở chợ trời khắp Sài Gòn-Chợ Lớn. Chiếc nón vải đội đầu cũng là cái khăn khi bà lật bên trong để lau giọt mồ hôi nhọc nhằn. Cúi xuống và nhẫn nhục, nuốt nỗi bi hận vào tim. Một mình nách nuôi hai đứa con bữa no, bữa đói… và cũng như hàng triệu con người cùng cảnh ngộ, bà chắt chiu từng đồng bạc để nuôi con với hy vọng một ngày không xa được sum hợp với chồng. Cũng giống như người chinh phụ thời xưa, ngoài việc tần tảo nuôi con, bà còn phải: "Dạy con đèn sách, thiếp làm phụ thân." (CPN)

Rồi ông Lâm được may mắn sống sót trở về năm 1983. Tưởng là "châu về hiệp phố", gương vỡ lại lành, nhưng chúng ta không biết được những gì sẽ đến với chúng ta ngày mai như người Mỹ thường nói trên cửa miệng "Nobody know what happen tomorrow". Sau mấy lần vượt biên không thành, ông Lâm phải bán đi căn nhà đang ở để trả nợ và sự thống khổ lại thêm một lần nữa bủa vây mái gia đình nhỏ này: ông Lâm ra đi đột ngột vì tai nạn năm 1985 sau khi ở từ thêm hai năm vì tội vượt biên.

Tưởng như bà Lâm không còn đứng dậy nổi trong cuộc đời đầy sóng gió của bà. Cuộc sống vợ chồng trong 16 năm nhưng người lính trận mấy khi được ở nhà với vợ con, thêm gần chục năm tù tội trong rừng sâu, thử hỏi bà Lâm có bấy nhiêu ngày hạnh phúc? Bà phải sống gắng gượng thay chồng nuôi con như bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam tiết liệt thời xưa. Hai năm sau, 1987 bà gởi Sơn lúc đó mới 12 tuổi theo mấy cậu của nó vượt biên. Bà đứt ruột cho con đi xa trong khi sự may rủi chưa lường trước được. Bà đã làm "bài toán liều" như dân gian thường nói:

"Một liều ba bảy cũng liều
Cầm bằng như trẻ chơi diều đứt dây."

Cho con tìm đường vượt biển khi tuổi còn thơ, bà Lâm nghe ruột gan mình đứt đoạn. Sau ba tháng mòn mỏi ngóng trông, bà được tin Sơn và hai cậu của nó đã đến được Galang II. Ba cậu cháu phải lưu trú bất đắc dĩ ở nơi này hơn 4 năm chờ ngày thanh lọc. Cuối cùng, Sơn được định cư ở nước thứ ba, nước Úc. Thằng nhỏ muốn tự lập nên khai với phái đoàn xin theo diện minor được sự đỡ đầu của hội thánh Tin Lành bên Úc bảo lãnh. Bà nhớ như in năm đó là năm 1992.

Nỗi vui về Sơn không che lấp được nỗi lòng cô phụ. Mười năm chìm lắng trong nỗi đau buồn, bà tiếp nhận Chúa để tìm nơi nương tựa tinh thần từ năm 1995. Tính từ đó đến nay đã 20 năm bà thờ phượng Chúa, Đức Chúa Trời Ba Ngôi vì bà hiểu được lời Đức Chúa Giê-su phán: "Ta là đường đi, là lẽ thật và sự sống. Chẳng bởi ta thì không ai đến được cùng Cha". Bà đã tìm được nguồn vui sống trong công tác Hiệp thông, Mục vụ. Bà đã từng làm Chấp sự Hội Thánh Tin Lành ở Việt Nam nhiều năm.

- Bác Lâm sao ngồi thừ ra vậy? Cà phê nguội hết rồi kìa!

Giọng nói dịu dàng của cô chủ quán khiến bà Lâm giật mình, choàng tỉnh ra khỏi giấc mơ hồi tưởng của mình. Bà chống chế nói:

- Ờ bữa nay uống cà phê một mình… buồn quá. Lại thêm nhớ bà Tư bạn già…

Bà chợt nhớ ra bà cần ít rau củ để nấu ăn trưa nay. Từ giả cô chủ quán tốt bụng với nụ cười gượng gạo trên môi, bà Lâm bước ra cửa, thẩn thờ rẻ vào chợ Quang Minh.

II.

Mới đó mà bà Lâm định cư ở Orange County đã hơn 2 năm. Thời gian trôi thật nhanh. Đúng ra gia đình bà đã sang Mỹ từ hơn 20 năm trước khi chương trình H.O. được thực hiện ở Việt Nam từ năm 1990. Vì ông Lâm đột ngột ra đi, mấy mẹ con bà đành phải ở lại Việt Nam với bao nỗi nhục nhằn, cay đắng. Sơn định cư ở Úc từ 1992 và Thủy cũng theo chồng sang Mỹ từ 2004. Nhiều lần vợ chồng đứa con gái lớn muốn bà sang Mỹ theo diện bảo lãnh mẹ con, bà do dự vì nghĩ mình đã già, sang đây thêm bận lòng con trẻ. Nóng lòng vì mẹ mình phải một mình quạnh quẻ, già yếu bệnh tật không người chăm sóc sớm hôm, Thủy thúc hối, bảo lãnh bà sang đây đầu năm 2012, lúc đó bà đúng 70 tuổi.

Lần đầu tiên gặp người lạ trong nhà, thằng Tí cháu ngoại bà cứ hỏi mẹ: Ai vậy? Ai vậy? Mẹ nó phải nói nhiều lần với nó là Grandma, và chữ "bà ngoại" nó học lâu lắm mới thuộc. Bây giờ nó luôn miệng nói: "Bà ngoại, I love you và I love Bà Ngoại". Thằng nhỏ thiệt thông minh, mới vào lớp Một mà tiếng Anh nổ giòn như bắp rang. Cha mẹ đi làm từ sáng sớm, mỗi ngày bà dắt nó vô trường cách nhà 10 phút đi bộ và cùng học bài chung với nó.

- Bà ngoại à, không phải là "lít-tô Saigon" đâu, mà phải đọc là "Lí đô Saigon"… Bà ơi, không phải wa-tờ đâu, mà phải nói là "cua-đờ" (quarter) mới đúng.

Bà nghĩ bụng tiếng Mỹ kỳ cục quá đi, rõ ràng họ viết chữ Tờ mà phải đọc thành âm Đờ. Còn chữ Miami nữa chứ! Mờ i phía trước đọc là "Mai", còn Mờ i phía sau đọc là "Mi". Sao lạ vậy cà? Hồi nhỏ, bà cũng học Anh văn, Pháp Văn đó chứ, mà đâu có nói chuyện được với ai đâu, thêm cuộc đời sóng gió, đau khổ luân lạc làm bà quên hết trơn, chữ nghĩa trả lại cho thầy ráo trọi. Thằng nhỏ chưa đầy 7 tuổi mà biết bấm bóp computer, Ipad, Iphone. Đôi lần nó vẫy tay gọi bà:

- Bà ơi, bà lại đây Tí "dạy" cho bà nha! Thiệt là "hậu sinh khả úy" mà…

Ở Mỹ hơn 2 năm rồi mà đôi khi cứ tưởng còn ở Việt Nam vì chung quanh bà Lâm toàn là người Việt. Thỉnh thoảng ra biển dạo chơi, hoặc theo mấy đứa nhỏ đi Las Vegas, hay Los Angeles bà mới thấy bóng dáng người Mỹ. Little Saigon là trung tâm của người Việt tỵ nạn thật đúng vì cái thứ gì cũng có: từ mắm nêm, mắm ruốc cho tới hàng hóa cao cấp mắc tiền. Chợ búa, nhà sách, khách sạn, nhà hàng, phòng mạch bác sĩ… ôi thôi toàn là người Việt Nam… kiểu này chắc bà khỏi cần học tiếng Anh… Í mà hổng được, phải học chứ! Phải học lại tiếng Anh để còn thi Quốc Tịch Mỹ, để hưởng trợ cấp tiền già, đỡ đần phần nào cho con cái…

Nghĩ cho cùng, thiệt tội nghiệp cho nước Mỹ, người Mỹ. Chân ướt chân ráo qua đây, bà chưa mần mụng cho nước Mỹ ngày nào, lại còn được ngay cái thẻ xanh và cái thẻ Mê-đi-keo của tiểu bang, khám bệnh mua thuốc chẳng tốn xu nào.

Người Việt ở đây cũng khác với người Việt ở Saigon. Họ vui vẽ, tươi cười và rộng lòng giúp đỡ người mới đến. Hôm bà mới qua định cư, mọi người trong Hội Thánh Tin Lành đến thăm, cho quà cáp, sẵn sàng chở bà đi làm giấy tờ hoặc đi khám bệnh. Họ còn đem đến cho bà cả rổ ổi tươi xanh, cả bịch trái hồng dòn ngọt lịm. Điều này thật khác với trong nước: mọi người hầm hè nhau, ra đường ai cũng vác cái mặt nặng trịch, sẵn sàng gây gỗ, sẵn sàng dẫm đạp nhau mà sống; đó là chưa nói tới sẵn sàng trộm cướp, lường gạt, lương lẹo đủ thứ. Bà Lâm đang ở trong cái "Saigon nhỏ" nồng ấm tình người và bà muốn quên đi cái "Saigon lớn" thân yêu tình tự của bà ngày xưa, bây giờ đầy dẫy những bát nháo, lật lọng, hèn hạ, bất công…

Khi được Visa sang Mỹ, bà Lâm đã thu xếp kỹ càng cho việc ra đi của mình. Từ giã thành phố Saigon, nơi bà đã sinh ra và lớn lên với những thăng trầm sóng gió của lịch sử, của cuộc đời hẩm hiu của bà gần 70 năm, với những cơ cực lầm than từ sau 1975 đã làm cho bà chưa khô dòng lệ. Bà giã từ mọi người thân yêu, giã từ những con đường in dấu chân cơ cực của bà, nhất là giã từ người chồng tức tưởi mệnh vong. Bà sang Mỹ đoàn tụ với cháu con nhưng bỏ lại ông Lâm hiu quạnh một mình ở Tân Triều, một nơi nổi tiếng bưởi Biên Hòa, bà thấy lòng bứt rứt không yên.

Bà cùng một vài người trong gia đình chồng đến thăm ông, giã từ ông trước khi lên đường. Bà dừng thật lâu trước di ảnh người chồng vắn số. Ông Lâm ra đi khi tuổi còn rất trẻ. Đôi mắt của người lính vẫn rất tinh anh từng làm xao xuyến biết bao người và dáng vẻ trông thật oai hùng trong bộ quân phục còm thơm mùi thuốc súng. Ông mãi mãi trẻ với số tuổi 42 của mình.

Buổi chia tay thật ngậm ngùi, cảm động. Người bạn đồng đội tặng ông bài thơ nhỏ để trên mộ chí, bài thơ làm não lòng kẻ ở, người đi:Đốt nén nhang thơm tưởng niệm Người.

Tình anh hiển hiện khắp muôn nơi.
Đời cha dù mỏng như sương khói.
Phù trợ đời con thêm sáng tươi.

Bà Lâm nói thầm trong bụng như muốn nói với chồng: "Tôi thăm ông nha. Ngày mai là tôi sang Mỹ với con cháu. Ông ở lại…". Qua khung kính, hình như ông Lâm đang mĩm cười nhìn bà với nụ cười mãn nguyện vì cuối cùng vợ con cũng đến được miền đất hứa, dù quá đổi muộn màng. Có lẽ ông Lâm cũng đã theo chân các con, phù hộ cho chúng được nhiều may mắn để bù đáp những ngày tháng thiếu thốn, lầm than. Bây giờ Sơn đã có vợ con, có cơ sở kinh doanh ở bên Úc. Đời sống no đủ. Thủy cũng thế, nó cũng được êm ấm thất gia. Dù không có nhà cao cửa rộng, học vị cao sang như bao nhiêu người Việt Nam định cư đã lâu ở Mỹ, mẹ con bà cũng có được đời sống bình an trong Chúa Ki-tô. Bà thấy mình được nhiều ân phước lắm rồi.

Mấy tháng nay, bà Lâm cứ phải lui tới văn phòng bác sĩ nhãn khoa để mổ mắt bị cườm hột. Bác sĩ này là người Việt Nam lại tên là Lâm nữa chứ! Bà nhìn trên áo blouse trắng của ông bác sĩ có hàng chữ Dr. Lâm Huỳnh, MD. Ngộ he. Ở Mỹ, tên đi trước, họ đi sau. Nếu cha con Sơn ở Mỹ sẽ đổi thành Lâm Dương, Sơn Dương. Cha là dê rừng, con là dê núi. Ở Saigon trước 75 có nhà báo Dương Hùng Cường, ông này lại dùng bút danh Dê Hút Càn để viết báo... Đằng nào cũng là… dê!

Bà Lâm có sở thích đọc báo và đi biển. Mỗi ngày đưa thằng Tí đi học, bà thường ghé vô nhà sách Tự Lực ngồi một góc đọc sách cả buổi. Những ngày cuối tuần, bà theo bà Tư bạn già ra biển Huntington từ sáng sớm dạo chơi đến trưa. Nhưng từ lúc mổ mắt đến nay, bác sĩ khuyên bà nên nghỉ vài tuần để cho đôi mắt khỏi phải "làm việc" và tránh tia hồng ngoại tuyến của ánh nắng mặt trời.

Mấy hôm nay bà Lâm mang tâm trạng chờ mong gia đình thằng con trai bên Úc. Vợ chồng nó nói có thể hè này sẽ sang Cali thăm bà. Bà nhớ thằng cháu nội Hải Đăng giờ này chắc cũng 3,4 tuổi gì đó. Tội nghiệp hai đứa con của bà. Vì hoàn cảnh gieo neo nên lấy chồng lấy vợ chậm trễ. Nhưng thôi có còn hơn không.

III.

Bây giờ bà ngồi bó gối nhìn ra ngoài. Thằng Tí ngủ khò sau buổi học. Đường phố vắng hoe vì ngày thường mọi người đi làm hết rồi. Trời Cali ngập nắng. Ở đây không có nhiều cây xanh và nhà cao tầng như miền Bắc Mỹ mà năm ngoái bà được vợ chồng Thủy cho đi thăm Quốc Hội Hoa Kỳ và Nhà Trắng nơi Tổng Thống ở và làm việc. Nhưng bà nghĩ rằng Cali có một "tâm tình" lớn mà bà không tìm được ở Việt Nam: đó là tình người, lòng nhân ái.

Ở đây có vô số hội đoàn, và người đồng hương lúc nào cũng dang tay cứu giúp người cùng khổ, trong số đó có gia đình bà. Nghe nói chương trình "Cám ơn Anh" đền ơn đáp nghĩa người thương binh Việt Nam Cộng Hòa bị xã hội Việt Nam hiện nay ruồng rẫy, khinh bỉ. Bà biết được gần 200 ngàn thương binh được cứu giúp mỗi năm và số tiền quyên góp được từ đồng bào hải ngoại cho chương trình này hàng năm lên đến 7, 8 trăm ngàn đô-la. Bà thấy lòng ấm lại với nghĩa tình này.

Mãi suy nghĩ mông lung mà thằng Tí thức dậy đứng bên bà hồi nào bà không hay. Nó nhìn bà hỏi:

- Sao bà buồn vậy, Grandma? Vừa nói nó vừa vỗ vào lưng bà như an ủi: Thôi đừng khóc nha, chút nữa mẹ Tí về chở bà đi ăn kem nha.

Bà bật cười. Cái thằng, nó lặp lại y như lời bà dỗ nó khi nó giận lẫy, khóc lóc. Bà cốc nhẹ vào đầu nó và nói:

- Thằng chó này, lúc nào cũng ghẹo bà. Nó phản đối liền:

- No, no, không phải… Con không phải tuổi chó, con tuổi con chuột, nên mẹ gọi con là Tí đó. Con là chuột chun vô hủ nếp, bà nói vậy mà…

Bà Lâm cười thật tươi:

- Ừa, đúng rồi, con là chuột ở Mỹ, ở Cali thì đúng là chuột chun vô hủ nếp.

Song Lam

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,989,674
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến