Hôm nay,  

Chị Tôi

06/05/201400:00:00(Xem: 16059)

Tác gia: Anthony Hưng Cao
Bài số 4204-14-29614vb3050614

Sau “Ngọn Lửa Vẫn Cháy”, bài tiếp theo của Anthony Hưng Cao kể về một người chị. Tác giả hiện là một bác sĩ nha khoa tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc Viết Về Nước Mỹ 2010.

* * *

Điện thoại chợt reo vang. Bên kia đầu dây là giọng của anh Hai tôi, đứt quãng, nghẹn ngào dù có lẽ anh đang cố gắng giữ bình tỉnh:

- Hôm nay em có đi làm không? Bác sĩ cho biết chị Hai chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa thôi...Anh không biết phải làm gì bây giờ...

Mặc dầu biết trước giây phút đau lòng này rồi cũng xảy ra, nhưng tôi cũng không khỏi bàng hoàng.

- Chị ở phòng số mấy vậy anh? Em sẽ chạy vào liền bây giờ.

Con đường từ chỗ làm đến bệnh viện vẫn còn đầy những chiếc lá cây rơi từ những cơn gió Santa Ana thổi đến từ mấy hôm trước đây. Vợ chồng chúng tôi bước vội vào cửa chính của bệnh viện Fountain Valley. Theo lời chỉ dẫn của nhân viên an ninh của bệnh viện, chúng tôi rảo bước đi thật nhanh về phía khu ICU vì linh tính cho tôi biết chị sẽ ra đi bất cứ lúc nào.

Khi bước vào khu ICU, người đầu tiên chúng tôi gặp là anh. Anh lắc đầu buồn bã lập lại câu nói khi anh khi gọi điện thoại báo tin cho tôi biết:

- Bác sĩ cho biết chắc chỉ còn vài tiếng nữa thôi...

Chị đang nằm đó, đôi mắt lim dim, đôi môi hấp háy và hơi thở rất yếu. Nước da trên gương mặt chị đã bị thâm đen vì phản ứng của thuốc hoá trị cho cơn bệnh ung thư ruột đã kéo dài gần 2 năm qua. Tiếng khóc của hai cháu ngồi quanh giường mẹ trước lúc chia tay làm cho chúng tôi thêm ngậm ngùi. Tôi đến bên giờng chị, gọi nhỏ:

- Chị Hai ơi, em đến thăm chị nè...

Đứa con trai út của chị nói với tôi trong nước mắt:

- Chú ơi, mẹ bị "unconscious" rồi. Mẹ không nghe thấy chú đâu...

Hai năm trôi qua từ khi bác sĩ phát hiện ra chứng bệnh ung thư quái ác đã bước vào giai đoạn cuối, chị đã cố gắng chống chọi với bệnh tật, trải qua nhiều cuộc giải phẫu, chịu đựng biết bao nhiêu đau đớn vật vã sau mỗi lần thuốc hoá trị đưa vào người. Mái tóc của chị cũng đã rụng hết và nước da ngày càng cháy đen. Anh Hai tôi cho biết vào những ngày cuối, chị không ăn gì được và chỉ uống chút ít nước mà thôi. Tôi biết chị đã cố gắng chống chọi với cơn bệnh nhưng cuối cùng, giờ đây cơn ung thư quái ác đã chiến thắng. Chúng tôi bước ra khỏi phòng để hai cháu có những giờ phút cuối bên mẹ của các cháu. Sau khi hỏi thăm anh Hai của tôi được vài câu, đứa con trai út của chị chạy ra khỏi phòng và cất giọng nghẹn ngào:

- Mẹ mất rồi...

Tiếng khóc nức nở của hai cháu làm mọi người trong khu ICU cũng mủi lòng theo. Thật tội nghiệp cho hai cháu vừa mới bước qua tuổi 20, đã phải mồ côi mẹ. Ngày lễ Mẹ sắp tới mà các cháu sẽ không còn có mẹ của mình trên đời để chia sẻ những buồn vui. Chị ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, nên có lẽ chị không nỡ bỏ lại các con và anh Hai tôi, nên đôi mắt của chị vẫn còn lưu luyến chưa muốn nhắm hẳn lại. Anh tôi cất giọng nghẹn ngào:

- Con vuốt mắt cho mẹ ngủ đi con...

Cháu rụt rè đưa tay vuốt nhẹ lên đôi mắt của mẹ và lúc đó mắt của chị mới khép lại. Cuộc đời của chị kể từ giây phút này đây cũng khép lại với nhiều nỗi thăng trầm, buồn nhiều hơn vui. Những kỷ niệm về chị cứ lần lượt hiện về trong ký ức của tôi...

Tôi không nhớ rõ vào năm nào, nhưng tôi biết lúc đó tôi còn đang là học sinh cấp hai. Anh Hai tôi cách tôi tám tuổi, trong một gia đình 6 anh em. Nhà tôi ở trên đầu con dốc của con đường quốc lộ số 13, là nơi mà nhiều chiếc xe gỗ thường dừng lại trước trạm kiểm lâm để chờ kiểm tra, trước khi được phép chở gỗ về các nơi chế biến. Có lẽ phần lớn các xe chở gỗ này, mà người dân địa phương chúng tôi còn gọi là "xe be", không có giấy tờ hợp lệ, nên có khi cả đoàn xe bị bắt phải dừng lại đến cả mấy ngày. Đầu con dốc của quốc lộ số 13 này, cũng là nơi mà những chiếc xe chở khách đi các vùng xa như Bình Long, Dầu Tiếng, Bến Cát, v.v. cũng thường đổ lại để rước thêm khách đi lậu, tránh trạm kiểm lâm. Vì là địa điểm dừng chân của hai dòng xe ngược chiều với các xe chở gỗ từ rừng về và các xe chở khách đến các vùng xa, nên chẳng bao lâu sau, do nhu cầu ăn uống của các tài xế và khách đón xe, một dãy hàng quán mọc ra phía bên kia đường đối diện với ngôi nhà của ba má tôi. Những hàng quán được dựng lên rất sơ sài, tạm bợ với những mái nhà lợp bằng tranh và vách là những tấm bồ vây lại. Ngay đối diện với nhà tôi là quán chè với chị chủ quán có nụ cười rất tươi.

Cũng như bao nhiêu thanh niên khác sống dưới chế độ cộng sản, anh trai của tôi cũng có cùng một nỗi lo âu là nếu không thi đậu vào đại học, thì họ sẽ phải bị bắt đi "nghĩa vụ". Đây là một danh từ hoa mỹ của việc cưỡng bức lùa các thanh niên vào quân ngũ dưới chế độ cộng sản. Đã có không biết bao nhiêu thanh niên với tuổi đời còn rất trẻ, ở cuối thập niên 70 đã bỏ xác trên chiến trường trong cuộc chiến xâm chiếm nước láng giềng Cam Bốt do cộng sản Việt Nam khởi xướng.

Với lứa tuổi thanh niên mới lớn, không biết từ lúc nào anh trai của tôi đã bị cô nàng bán chè với nụ cười thật tươi làm say mê trái tim anh. Thế là mỗi khi đi học về, ngoài những lúc phụ giúp công việc với ba của tôi, anh thường lẻn ra quán chè để mong tìm cách chiếm được trái tim của chị bán hàng chè. Tôi được nghe kể là chị xuất thân từ một gia đình với bố mẹ ly dị khi chị còn nhỏ. Chị sống với bà ngoại mà chị xem như mẹ ruột của mình. Từ bé, chị phải bương chải để tìm kế sinh nhai. Vì hoàn cảnh gia đình túng thiếu, chị phải bỏ học sớm. Dù là con gái, nhưng chị cũng đã cố gắng dựng lên quán bán chè với hy vọng có tiền để giúp cho bà ngoại và nuôi đứa em trai tiếp tục ăn học. Một thân một mình giữa chốn chợ đời và là cô gái có nhan sắc, chị là mục tiêu cho bao nhiêu gã con trai theo đuổi, tán tỉnh. Tôi nghe nói trong số đó, có những gã rất giàu có vì làm nghề kiểm lâm, chuyên môn ăn hối lộ những chủ xe để cấp giấy phép cho xe gỗ được qua trạm kiểm lâm. Thời đó, chúng thường chạy những chiếc xe "cúp" láng cóng và đeo vàng vòng, đồng hồ mạ vàng để "khoe của" và phô trương quyền lực. Không biết số mệnh đưa đẩy thế nào nhưng anh Hai của tôi, một anh học trò nghèo, lại đánh bại tất cả đám thanh niên nhà giàu và có thế lực này để chiếm được tình cảm của chị. Không biết có phải tại "tiếng đàn Trương Chi" của anh hay không, nhưng thỉnh thoảng những đêm trăng, tôi thấy anh lấy ghế ra ngồi trước sân nhà và cố ý đàn thật to trong đêm tỉnh mịch, khi mà những tiếng động cơ ầm ỷ của những chiếc xe vận tải vào ban ngày đã tạm lắng yên. Có lẽ tiếng đàn với những bản tình ca của anh đã làm xiêu lòng chị hay vì vẻ đẹp trai thư sinh của anh, tôi cũng không biết chắc nữa và cũng chưa bao giờ hỏi anh nguyên do vì mặc dầu trong gia đình chỉ có 2 anh em trai, nhưng vì anh cách tôi đến tám tuổi, nên chúng tôi ít có dịp gần gũi chuyện trò nhiều với nhau.

Ba má tôi rất lo lắng cho việc học hành của anh vì biết tương lai sẽ rất đen tối nếu anh không vào được đại học. Ba má tôi đã cố gắng cấm cản việc kết thân giữa hai anh chị, nhưng dường như khi con tim đã lên tiếng nói thì khó có động cơ nào có thể cưỡng lại được. Với tiêu chuẩn xếp đối tượng vào đại học rất khó khăn trong thời gian đó, anh tôi không vào được đại học. Ba má tôi lúc đó phải cố gắng lo cho anh được vào trường cơ khí như một cách để tránh cho anh không bị bắt đi “nghĩa vụ.” Trong khoảng thời gian học xa nhà, xa người yêu nhưng mỗi cuối tuần về nhà là anh chị lại có dịp hàn huyên tâm sự cho vơi đi bao niềm nhớ. Bọn chị em chúng tôi thường rình xem mỗi lúc anh lẻn nhà sang quán chè của chị. Cuộc tình dù không được sự chấp nhận của ba má tôi nhưng mối tình của anh chị vẫn theo thời gian càng thêm nồng thắm.

Ra trường xong, anh đi làm cho một công trường xa nhà. Trong thời gian này, các xe gỗ cũng đã ít về hơn lúc trước vì những khu rừng đã bị đốn trụi, khai thác gần hết. Thêm vào đó, sau khi trạm kiểm lâm bị dẹp bỏ, những chuyến xe khách cũng thường chạy thẳng chứ không còn dừng lại để đón khách đi lậu như trước đây, nên các hàng quán đối diện với nhà tôi đều bị ế ẩm và nhiều người phải đóng cửa quán.

Tôi còn nhớ những mái tranh xiêu vẹo lâu ngày không được tu sửa, bị bỏ hoang trông thật thảm hại mỗi khi có những cơn gió từ cánh đồng lúa xa xa phía dưới con dốc thổi tới. Những tấm vách cũng bắt đầu bị rách nát và tàn tạ. Quán chè của chị ngày nào còn đông khách ra vào, nhưng thời gian này cũng chịu cảnh ế ẩm, lỗ lã. Chị phải đóng cửa quán và dời lên chỗ của anh làm việc để mở quán bán cơm cho các công nhân làm việc trong công trường. Nếu như có hình ảnh một túp lều tranh, hai trái tim vàng, thì anh hai của tôi và chị đúng là hiện thân hình ảnh này vào lúc đó.

Khi đứa con đầu lòng ra đời, để cho đứa cháu và anh chị có nơi chốn trú thân tốt hơn và không phải sống nơi chốn rừng sâu nước độc trên công trường, ba má tôi khuyên anh chị nên bỏ công việc và dọn về ở chung. Một túp lều tranh khác được anh chị dựng tạm trên mảnh đất trống phía sau nhà của ba má tôi để trú ngụ. Chị tiếp tục công việc buôn bán, nhưng lần này, chị mở quán bán cơm thay vì bán chè như trước. Hàng ngày, từ 4-5 giờ sáng, chị đã phải thức dậy để đạp chiếc xe đạp cọc cạch đi chợ mua đồ về chuẩn bị thức ăn để bán. Ngôi chợ cách xa nhà đến hơn ba cây số, nên khi trở về nhà, trông chị thật mệt mỏi và người ướt đẫm mồ hôi. Không kịp nghỉ ngơi, chị đã phải bắt tay vào chuẩn bị công việc nấu nướng. Lúc nào tôi cũng thấy chị bận rộn luôn tay với những nồi nấu thức ăn, rửa chén bát, dọn dẹp và trên trán của chị lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi.

Sau khi xong trung học, đến lượt tôi cũng chịu chung số phận như anh tôi là không được vào đại học vì lúc đó, gia đình tôi đang có giấy tờ bảo lãnh của người chú ở Mỹ để chờ được đi theo diện đoàn tụ. Tôi còn nhớ năm học thứ nhất ở trường Sư Phạm, mà tôi may mắn được vào "trú thân" để tránh cảnh bị bắt đi nghĩa vụ, những buổi trưa, tôi phải mang cơm theo để ăn vì chúng tôi học cả hai buổi sáng và chiều trong trường. Buổi sáng, trước khi đến trường, tôi thường ra quán của chị để lấy cơm mang theo ăn. Mặc dầu bận rộn chuẩn bị thức ăn, nhưng lúc nào chị cũng ngừng tay và nén cơm thật đầy trong chiếc lon "ghi gô" cho tôi và không quên bỏ thêm khi thì cây lạp xưởng, khi thì miếng thịt nướng, v.v....Tôi còn nhớ những lời thỉnh thoảng chị dặn dò:

- Em ráng ăn nhiều để có sức học nhe. Chị thì xem như không có cơ hội để học hành như tụi em, nên ráng học để lo cho tương lai sau này.

Tôi mang theo lon "ghi gô" cơm của chị mà trong lòng thật thương mến người chị dâu đã chăm sóc cho đứa em chồng như là em ruột của mình. Nhờ những lon "ghi gô" cơm thật đầy của chị mà tôi mới có sức để đạp xe trên con đường gần một tiếng đồng hồ từ nhà đến trường và buổi chiều phải đạp xe trở lại trong cái nắng chang chang của xứ nhiệt đới. Nhờ vào quán cơm của chị mà tôi được xem như ăn "sang" hơn so với những đứa bạn học cùng trường phải ăn mì gói triền miên hoặc ăn cơm với món trứng chiên ngày này qua ngày khác.

Tôi đâu biết rằng trong khi đó, dù mở quán bán cơm, nhưng chị ăn uống rất kham khổ, chỉ ăn những đồ dư còn lại sau khi không còn bán được cho khách. Tuy nhiên, ít lâu sau, quán bán cơm càng ngày càng vắng khách vì có thêm vài quán khác cũng mọc ra và người dân vào thời đó cũng không có tiền để đi ăn tiệm, nên phần lớn quán cơm chỉ bán cho khách vãng lai hoặc những các chủ xe quen thỉnh thoảng ghé lại ăn. Chị phải bán đi những món nữ trang dành dụm được trước đây để có vốn xoay sở qua ngày. Anh tôi thì bị thất nghiệp từ khi rời công trường, không giúp được gì. Công việc lo liệu cho cuộc sống vất vả kể như một mình chị gánh vác. Cuộc đời của chị cũng giống như hoàn cảnh đau thương của nhiều người dân Việt Nam trong những năm tháng đó.

Vào cuối năm 1988, chúng tôi may mắn được giấy tờ đi định cư ở Mỹ. Riêng vợ chồng anh chị, vì anh tôi lập gia đình và có con sau khi giấy tờ bảo lãnh đã làm xong, nên anh chị không được đi định cư theo tiêu chuẩn đoàn tụ gia đình lúc đó. Chúng tôi phải bịn rịn chia tay với anh chị và không biết đến ngày nào mới có thể gặp lại nhau. Khi chiếc xe van nhỏ chở gia đình chúng tôi rời khỏi mái nhà nơi tôi đã trải qua suốt quãng đời niên thiếu, tôi cố quay đầu nhìn lại quán bán cơm xập xệ, nghèo nàn của chị, nơi đã từng cho tôi những bữa cơm trưa để tôi có đủ sức theo học trong những ngày đến trường sư phạm. Bất chợt tôi quay nhìn bên kia con đường quốc lộ số 13. Giờ đây bên vệ đường chỉ còn sót lại vài cái nền nhà mà trước đây có quán chè của chị, nơi hàng đêm, có tiếng đàn của anh tôi vọng sang, như muốn vỗ về an ủi người con gái với tuổi đời còn quá trẻ đã phải lao vào cuộc đời vất vả bương chải tìm kế sinh nhai.

Sau những năm tháng đầu định cư ở Mỹ, cũng như bao gia đình Việt Nam khác đến Mỹ với hai bàn tay trắng, ba má tôi phải đi làm những công việc assembly với đồng lương tối thiểu, chị em tôi phải vừa đi học, vừa đi làm... Tuy khó khăn vất vả nhưng tất cả luôn nhớ các anh chị đang còn chờ đợi bên quê nhà. Sau khi trở thành công dân Hoa Kỳ, ba má tôi lập tức lo thủ tục bảo lãnh gia đình hai anh chị sang đoàn tụ. Vài năm sau đó, gia đình của chúng tôi mới có dịp đoàn tụ sau bao nhiêu năm trời xa cách.

Đến Mỹ chưa được bao lâu, với đức tính cần cù và quen chịu khó từ những năm tháng ở Việt Nam, chị dâu của tôi đã mau chóng học để lấy bằng lái xe và sau đó là thi đậu để lấy bằng làm móng tay. Sau khi có bằng xong, là chị bắt tay vào đi làm ngay. Chị làm hai ba nơi vì chị cho biết tình trạng cạnh tranh của các tiệm nail ở Cali khá nhiều, nên các tiệm thay nhau giảm giá, dẫn đến tình trạng phá giá nên các chủ tiệm không có đủ khách để thuê người làm mỗi ngày. Những người làm nail cũng phải nhờ vào số khách hàng quen thuộc của mình và làm vài chỗ mới mong có đủ khách cho thu nhập để trả những hóa đơn hàng tháng.

Những tưởng những ngày tháng vất vả ở Việt Nam đã trôi qua khi bước chân đến vùng đất hứa, nhưng tôi thấy chị vẫn làm việc quá vất vả, ăn uống qua loa và hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi. Những ngày cuối tuần, tôi cũng ít khi gặp chị vì đó là những ngày chị bận rộn làm cho khách. Trong một lần gặp gỡ hiếm hoi, nhìn thấy chị hốc hác và mệt mõi, với đôi mắt thâm quần, tôi ái ngại hỏi chị:

- Sao chị không làm bớt lại để có thời gian nghỉ ngơi?

Chị cười hiền lành trả lời:

- Chị quen rồi em. Ở Việt Nam, chị còn cực khổ gấp trăm lần, nên qua Mỹ, làm việc như vậy mà kiếm được tiền, chị phải cố gắng. Nhất là làm nghề của chị chỉ được một thời gian thôi. Sau này già thêm, chân tay không còn khéo như trước, thì không ai còn mướn mình nữa, nên phải cố làm để dành tiền cho sau này.

Nghe chị nói vậy, tôi thật bồi hồi thương cảm với những khó nhọc mà chị phải gánh vác cho gia đình. Ngoài giờ đi làm, chị còn phải lo chuẩn bị thức ăn cho các cháu và cho anh để mang theo đến chỗ làm.

Lần đầu tiên khi tôi được anh Hai gọi điên thoại cho biết chị phải vào cấp cứu cách đây hai năm và bác sĩ cho biết chị đang bị ung thư ruột ở vào thời điểm cuối, tôi thật bàng hoàng. Tôi cảm thấy cuộc đời thật bất công cho một người luôn chịu khó, lúc nào cũng đầy nghị lực và không quản ngại gian khổ như chị lại bị tạo hóa đầy đọa thêm chứng bệnh tai ác này. Có lẽ đó cũng là hậu quả của những năm tháng làm việc vất vả, ăn uống thất thường, qua loa vì lo toan cho gia đình và công việc của chị. Thêm điều khốn khổ là thời gian đó, chị không có bảo hiểm, nên phải vất vả lắm, chị mới xin được bảo hiểm Medi-Cal của chính phủ để chữa bệnh. Anh tôi cho biết chị đã phải chịu đựng bao nhiêu cơn hành hạ mỗi lần làm hoá trị đưa thuốc vào người. Các bộ phận trong cơ thể lần lượt bị hư hại nên chị phải trải qua những cuộc giải phẫu để cắt bỏ. Những ngày cuối đời, anh cho tôi biết chị ước mơ có dịp về thăm lại quê hương vì từ ngày chị đến Mỹ cho đến nay, đã mười mấy năm trôi qua, nhưng chị chưa bao giờ có dịp về thăm lại đứa em trai cũng như những người thân còn lại ở quê nhà. Anh cho biết sẽ gửi tro cốt của chị về Việt Nam để cuối cùng, ước nguyện của chị có thể thực hiện được phần nào.

Chị ơi, cuối cùng thì chị mới được có giây phút nghỉ ngơi sau hơn 50 năm với bao nhiêu vất vả, lo âu. Xin nguyện cầu cho hương hồn chị được thảnh thơi khi trở về quê cũ, nơi có quán chè đơn sơ qua bao mùa mưa nắng, từng vương vấn tiếng đàn của anh hai trong những đêm trăng với những bản tình ca. Nơi có quán cơm đã cho tôi những buổi ăn trưa ngày nào khi đạp chiếc xe cũ kỹ với chiếc lon "ghi gô" cơm của chị đến trường. Nơi có những tháng ngày vất vả lo toan. Chúc chị ngủ yên giấc ngủ ngàn thu...

Vĩnh biệt chị.

Anthony Hưng Cao

Ý kiến bạn đọc
30/06/201418:51:02
Khách
Xúc động quá !
Thanks for Sharing-NV CMH

lethuyvinh
14/05/201418:03:01
Khách
Xin cám ơn chú Sáu Steve Brown đã gửi lời chia buồn.

Anthony Cao Minh Hưng
14/05/201400:57:19
Khách
Xin cho chú chia buồn với cháu Hưng và gia đình. Bài viết cháu rất cảm động.
10/05/201407:12:56
Khách
Xin cám ơn chị Phương Hoa, chị Mai Phạm, anh Trần Quốc Sỹ, chị Tuyết Phan, chị Quỳnh Giao, chị Khôi An và chị Lâm Dung đã đọc bài viết và gửi lời chia buồn đến cho gia đình.

Kính chúc quý anh chị một ngày lễ của Mẹ thật an vui và đầm ấm.

Thân quý,
Anthony Cao Minh Hưng
09/05/201402:14:13
Khách
Bài viết thật cảm động, làm người đọc không cầm được nước mắt. Chị đúng là hình ảnh tiêu biểu của người đàn bà Việt Nam. Một đời hy sinh cho chồng cho con. Tiếc là số phận nghiệt ngã đã mang chị ra đi quá sớm. Xin cầu nguyện cho chị được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Xin chia buồn cùng tác giả CMH.
08/05/201419:53:51
Khách
Xin chia buồn cùng CMH và gia đình trước sự mất mát của một người chị vô cùng đáng quí và đáng kính.

Cô gái Việt Nam ơi
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi
(thơ Hồ Dzếnh)
08/05/201414:57:48
Khách
Cám ơn Hưng đã chia sẻ một chuyện tình cảm chân thật của gia đình, rất xúc động.
Kính phục lòng ưu ái của Chị Hai, một người con gái, người chị, người vợ, người mẹ, suốt cuộc đời tận tụy để lo cho gia đình.
Thành thật chia buồn, nỗi mất mát đau thương khó có thể vơi với năm tháng.
Cầu xin hương linh Chị Hai sớm được thanh thản nơi cõi Phúc.
QuỳnhGiao
08/05/201410:36:16
Khách
TP xin chia buồn với CMH và gia đình về sự ra đi của người chị ....
Cuộc đời như những giòng sông dài vô tận....
Mà đời người sao qúa ngắn ngủi ...
Xin được thắp một nén nhang lòng cho người chị qúa của CMH nhé ...
Than mên
TP
08/05/201405:37:23
Khách
Bài viết thật xuất sắc, dạt dào tình cảm.
Thành thật chia buồn cùng CMH và tang quyến.
Anh Sỹ
07/05/201417:32:24
Khách
Bài của tác giả viết về người chị dâu nhưng tình cảm như đối với 1 người chị ruột làm tôi rất cảm động, khóc rất nhiều vì nhớ đến người chị yêu quý của mình cũng mắc căn bệnh ung thư ruột và ra đi cách đây 3 năm. Chị đã hy sinh và lo lắng cho gia đình quên cả bản thân mình.Dưới đây là bài thơ cô em út khóc chị ngày tiễn đưa lần cuối. Xin gửi đến quý độc giả và cầu xin hương linh chị được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.
Xin cảm ơn tác giả.
MaiPham

CHỊ ƠI
Tháng Tư, ngày ấy, Bảy mươi lăm
trôi theo vận nước, đến nơi này
hoảng loạn nhà tan sầu xa xứ
lẻ loi thân gái kiếp lưu đầy
Bao nhiêu thương nhớ Mẹ, cùng em
Hằng đêm khấn nguyện Bố và Hào
ôi ngày đoàn tụ xa xăm quá!
nước mắt tràn mi , lệ ướt nhoà

Xứ người lận đận Chị lo toan
chẳng quản công lao lẫn bạc tiền
giúp đỡ gia đình cơn nguy khốn
Chị chẳng bao giờ, tiếng thở than

Thập niên Tám mươi các em sang
lo lắng lại càng thêm chất chồng
Chị vừa làm Cha , vừa làm Mẹ
nhìn lại xuân thì thoáng xuân qua
Đến năm Chín mươi đón Mẹ sang
gắng kiếm cho ra một mái nhà
tuy là nho nhỏ nhưng ấm cúng
có tiếng đoàn viên trẻ với già

Trách nhiệm vẫn còn trĩu đôi vai
việc nhà, việc sở, việc em cháu
lo xa lo ngắn riêng mình Chị
xếp tình mình lại gánh tình nhà
Mới hai năm trước, thật bàng hoàng
ngặt nghèo cơn bệnh quá hiểm nguy
đau đớn đến ba lằn dao mổ
đau đớn Chemo suốt năm trường

Băm sáu năm qua, trên xứ người
Chị tôi vừa dứt bỏ tơ vương
tháng Tư lại đến thêm lần nữa
giã từ dương thế chốn hồng trần
Chị Hiển ơi! Chị Hiển ơi!
Chị đi để lại bao kỷ niệm
Thổn thức các em buồn khôn xiết
Mắt già rưng lệ khóc măng non

Tuệ Hỷ, Chị ơi !
Ngủ yên giấc ngủ ngàn thu nhé
Đi về cõi Phật , hưởng an vui
Đi về cõi Phật , hưởng an vui
......Ngàn Thu Vĩnh biệt
Ngày 27/04/2011
Phạm Ngọc Quỳnh Trang
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,197,600
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới, tác giả viết cho mùa Giáng Sinh.
Tác giả lần đầu dự VVNM từ tháng 11 và đây là bài viết thứ hai của bà. Sinh năm 1955, qua Mỹ năm 1985, tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý, người của sông Hương núi Ngự. Hiên nay còn làm việc và đang cư ngụ tại thành phố Hayward thuộc miền Bắc Cali. Xin lưu ý: Bút hiệu Minh Thúy có thể lầm với tác giả đã dự VVNM từ 2005: Minh Thùy (dấu huyền). Mong tác giả tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho tháng 12.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của tác giả viết về mùa giáng sinh.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Bài viết mới của bà được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ hai của bà
Nhạc sĩ Cung Tiến