Hôm nay,  

Đêm Xuân Ly Hương

09/02/201400:00:00(Xem: 18242)
Tác giả: Lê Như Đức
Bài số 4136-14-29546vb8020914


Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Giáp Ngọ 2014.

Tác giả: Lê Như Đức, sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Learjet, Wichita. Học vấn: cao học. Gia đình: vợ và ba con - hai gái, một trai.

* * *

Hồi còn bé, cứ mỗi lần xuân về là những niềm vui đến không đứt trong tôi. Tôi là con út nên được hưởng tiền lì xì nhiều nhất trong nhà. Được chọn ăn mặc bảnh bao nhất để đi xông đất những nhà trong họ. Được tha hồ đốt pháo, mua bánh kẹo, đồ chơi và tuyệt nhất là được chơi bầu cua cá cọp cả ba ngày Tết.

Đêm ba mươi Tết, mợ tôi luộc hai con gà trống thiến để cậu tôi cúng giao thừa. Một con để ngoài sân cúng trời đất và một con để trên ban thờ gia tiên. Năm nào con gà cũng béo bự, vàng khươm, cổ uốn cong, đầu ngước lên và nằm ngay ngắn trong cái đĩa bầu dục to. Tim, gan và mề được xếp cuối đĩa, bên dưới phao câu con gà. Mợ tôi dùng vài que tăm cắm vào cổ và thân gà để giữ cho đầu của nó nằm ngay vị trí như khi còn sống. Đầu gà ngẩng cao, đít gà hơi cong, lại chổng nhẹ lên. Tuy chết tươi, con gà trông vẫn hấp dẫn, lại…hơ hớ xuân tình.

Cúng vừa tàn hương xong, nhà tôi lại có thêm một cái lệ xơi gà đầu năm rất thú vị. Mợ tôi bầy nguyên con gà ngay giữa nhà rồi cha con chúng tôi quây quần chung quanh xé chấm muối tiêu ăn cùng với xôi đậu xanh. Cậu tôi nói thịt gà nhiều sớ sợi rất dễ rắt vào kẽ răng nên phải ăn với muối chứ không nên ăn với nước mắm. Có thêm tí lá chanh thái chỉ lại thêm tuyệt.

Con gà được nấu theo kiểu nấu ngâm của người Bắc nên thịt chỉ vừa chín tới rất thơm, ngọt lại không mềm nhũn. Nấu gà kiểu nấu ngâm là nấu nước cho thật sôi, thêm tí mắm muối cùng nguyên con gà vào nồi, rồi đậy nắp lại và tắt lửa đi. Khi ăn thì vớt gà ra trước khi hâm sơ lại nước canh gà. Con gà được ngâm chín bằng độ nóng của nước sôi. Nước nóng từ từ len lỏi vào trong từng sớ thịt nên trong ngoài con gà chín đều. Luộc bằng lửa to thì khi thịt trong mới chín tới thì thịt ngoài đã mềm nhũn. Nước sôi sùng sục, động mạnh làm đục nước canh và thâm đen con gà.

Thường thường dọn gà và xôi ra bàn xong là gia đình chú út tôi qua xông đất. Thế là cả hai nhà ngồi xuống thưởng thức món gà xé phay chấm muối tiêu. Có năm gia đình chú kế tôi cũng qua xông đất. Ba nhà, với hơn ba chục con cháu, cùng ngồi trong phòng khách nhà tôi để thưởng thức xôi gà. Căn nhà cậu tôi mua khá lớn do chính phủ bảo hộ xây cho gia đình một ông quan Tây ở trước đó.

Bố tôi là con cả, chỉ có hai em trai và một em gái. Cô tôi, chồng mất sớm nên không có con. Cô nhận ba người con nuôi, một gái hai trai. Cậu tôi cũng có hai người con nuôi, một trai, một gái. Có lẽ vì mặc cảm không phải ruột thịt hay vì sợ tới xông nhà sui, nên gia đình cô và những người con nuôi chỉ tới nhà tôi chiều tối mồng một Tết. Có khi đợi qua tới mồng hai.

Sau khi xé gà, ăn thử một miếng, năm nào cậu tôi cũng khen mợ tôi chọn gà và luộc gà như mọi năm:

- Con gà mợ chọn năm nay béo ngậy, thịt thơm, da vàng khươm. Mợ nấu lại vừa chín tới. Không quá lửa, không để quá lâu. Ngon lắm. Mời chú, mời thím. Chúng con ngồi xuống. Các cháu ngồi vào.

Không có năm nào mà cậu tôi thêm một lời, mời mợ tôi và không có năm nào mà mợ tôi ngồi ăn cùng với chúng tôi. Mợ tôi chỉ phụ chị giúp việc trong nhà bầy xôi gà rồi ra ngồi một góc coi mọi người quây quần bên mâm xôi gà và nghe cậu tôi bình phẩm. Hình như mợ tôi đã no sau lời khen của cậu tôi.

Xơi gà xong, là đến mục lì xì thật hấp dẫn. Mục này do mợ và các thím tôi chuyên đảm nhiệm. Cậu và chú tôi chẳng bao giờ lì xì các con, các cháu. Nhiều khi cậu lại mượn tiền lì xì của tôi để đánh tam cúc. Đánh ăn thì cậu tôi cho tôi hết. Thua thì nói bảo mợ mày trả cho cậu rồi bước vào phòng ngủ tỉnh queo.

Lúc nào tôi cũng được mợ tôi ưu đãi lì xì tôi nhiều hơn mọi người trong nhà vì qua giêng mợ tôi lại tịch thu tất cả tiền Tết với lý do rất chính đáng: mợ giữ để dành cưới vợ cho con sau này. Mợ tôi lúc nào cũng tính xa lắm. Cậu con trai út của tôi khôn hơn tôi nhiều. Khi tôi giở cái chiêu thu tiền lì xì để dành lấy vợ cho nó. Nó liền bê con heo đất ra và nhất định:

- Bố cứ bỏ tiền của con vào đây để dành.

Nó tính còn xa hơn mợ tôi năm xưa rất nhiều. Khi thấy con heo đất gần đầy. Nó xin má nó ít tiền và nói chị nó chở nó đi Walmart tậu con thứ hai. Lúc nào nó cũng giấu hai con heo đất hai nơi để đề phòng…cha nó.

Thời buổi này trộm cắp như rươi. Lúc nào nó cũng nghĩ…thế đấy.

Khi canh bạc tam cúc được dựng lên cho cậu và chú thím tôi tham dự là lúc các canh bạc xì dzách, binh xập xám, bầu cua cá cọp cũng được anh em chúng tôi nhanh chóng thành lập. Canh bạc tam cúc nhiều lắm là tàn sau một canh giờ. Những sòng bạc của anh em chúng tôi kéo dài có khi thâu đêm, kéo dài đến ba ngày Tết.

Lúc cậu tôi vào buồng đi ngủ là lúc mợ tôi bắt tôi lên giường. Năm nào tôi cũng xin nán lại đánh thêm vài ván bầu cua. Mợ tôi đều từ chối với lý do là sáng hôm sau tôi phải thức dậy sớm để đi lễ chùa và đi xông nhà trong họ.

Nghĩ đến đi chùa thì chả có gì hấp dẫn mấy vì mấy sư chỉ lì xì vài trái quýt hay cành mai. May lắm được tượng Phật mạ vàng đeo cổ trừ tà. Đi xông nhà trong họ với mợ thì tôi chịu nhất vì chỉ tốn một buổi sáng lạng qua lạng lại thăm viếng họ hàng vài vòng là tiền đầy túi.

Có năm cậu tôi đổi ý, tự đi chùa với mợ tôi trước khi cúng giao thừa vì cậu coi tử vi thấy năm đó hợp với tuổi mình nên quyết định tự xông nhà lấy. Tôi thấy tốt và nhàn hẳn ra vì khỏi phải tốn ít nhất hai tiếng đồng hồ ngồi tụng kinh ngày đầu năm mà còn được chơi thêm ba chục ván bầu cua cá cọp vừa hẫp dẫn, vừa hồi hộp.

Sáng sớm mồng một tết, tôi lo dậy thật sớm, diện áo quần bảnh bao rồi vào buồng coi mợ tôi sửa soạn đi xông đất họ hàng. Mợ tôi thường mặc chiếc áo dài mầu xám xậm, quấn tóc bằng mảnh vải đen và đeo chuỗi ngọc xanh. Tôi thì diện trắng từ áo tới giầy, tóc xịt keo láng coóng. Có năm còn máng thêm cái con khô mực cũng trắng tinh trước ngực. Mợ thường dắt tay tôi đi bên phải, tay trái mợ quàng cái túi xách đen chứa nhiều bao tiền lì xì đỏ chói đi xông đất.

Trên đường đi xác pháo đỏ vung vãi mọi nơi. Các sòng bài mọc ra như nấm hai bên đường mời gọi. Có sòng đánh tài xỉu cho người lớn, có sòng bầu cua cá cọp cho con nít. Đánh tổ tôm cũng có. Đánh mạt chược cũng có. Cờ tướng, cờ cá ngựa cũng không thiếu. Ai ai cũng quần áo bảnh bao, túi trên túi dưới phồng to, cười nói liên tục.

Tôi tới nhà nào trong họ xông đất cũng được tiếp đón nồng hậu. Nhà nhà sơn phết mới tưng. Người người vui vẻ chúc tụng. Bánh mứt thơm ngon bầy sẵn. Nhạc xuân vang dội khắp nơi. Có nhà còn bầy sẵn đồ ăn thức uống đợi chúng tôi tới xông đất. Cậu tôi có vai vế khá lớn trong họ nên tôi cũng hưởng lộc nhờ. Cậu tôi không đi, chỉ ở nhà tiếp khách. Phần lớn là họ hàng và vài vị sư tới xông nhà đầu năm.

Họ hàng của tôi chuyên làm nghề nuôi tằm, dệt tơ thuộc làng Nha Xá, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, Bắc Việt. Ông tổ lập nên làng chính là thủy tướng Trần Khánh Dư, thuộc tướng của danh tướng bách thắng Trần Hưng Đạo năm xưa. Trần Khánh Dư được thừa hưởng tước hầu từ người cha là thượng tướng Nhân Huệ Hầu Trần Phó Duyệt từ nhỏ. Ông nổi tiếng về tài cầm quân và đã góp công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Không chỉ giỏi võ, Trần Khánh Dư còn có kiêm tài văn. Ông là người viết lời tựa cho cuốn Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Sau này khi được vua Trần Thánh Tông thương yêu nhận làm con nuôi, ông được phong tước Vương.

Năm 1323, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư xin về trí sĩ, tại vùng ấp ông được phong, thuộc xã Dương Hòa, lộ Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Nơi đây, ông khai hoang lập nên nhiều làng, xã. Làng Nha Xá là một trong những làng do ông thành lập khi về hưu khoảng bẩy trăm năm trước.

Ba trăm năm sau, ông tổ họ Lê nhà tôi mang con cháu vào làng Nha xá định cư, lập nghiệp. Trong làng, khi đó họ Phạm lớn và đông nhất. Thấy thiếu y sĩ chữa bệnh, ông tổ họ Lê đời thứ ba qua Trung quốc học nghề thuốc và về chữa bệnh cho dân làng. Tiếng nói của người họ Lê từ từ có trọng lượng. Từ đó con cháu hai họ Lê và Phạm thường lấy nhau và thống trị làng cho tới lúc Việt minh về làng chiếm đóng.

Sợ bị đấu tố, phần lớn người trong làng di cư vào Nam năm 54 và ở chung quanh khu hãng Đồng, nằm trên đường Chi Lăng, ấp Đông Ba, thuộc tỉnh Gia Định. Năm xưa khu này chuyên luyện nồi, xoong chảo bằng đồng nên có tên hãng Đồng.

Khi họ hàng tôi tới ở, hãng làm đồng bị dẹp, thay vào đó nhà nào cũng làm dệt và nhuộm vải. Hai họ Lê, Phạm hợp nhau lập nên hợp tác xã Nha Xá, là hợp tác xã dệt đầu tiên có giấy phép nhập cảng tơ sợi trực tiếp từ Nhật vào những năm của đầu thập niên sáu mươi.

Sở dĩ hợp tác xã Nha Xá có được môn bài nhập cảng tơ rất sớm là vì ông phụ tá bộ trưởng kinh tế, ông lục Hinh, bạn cậu tôi cấp cho. Chú tôi lại làm trong tòa tỉnh trưởng tỉnh Gia Định do đó mà ba ngày Tết họ hàng tôi tha hồ mở sòng, đánh bạc khắp xóm hãng Đồng mà không sợ công an, cảnh sát tới làm phiền.

Ngoài họ hàng và mấy vị sư trong miền Vĩnh Nghiêm, chùa Viên Giác tới nhà tôi ngày đầu xuân, cậu tôi chỉ có mỗi một người bạn thân là ông lục Hinh tới thăm. Ai ai cũng muốn có được cái chức của ông lục Hinh để hốt bạc. Ông chỉ cần đặt bút ký cấp môn bài xuất nhập cảng cho các hãng xưởng thì ông muốn gì được đó. Ông lục lại làm ngược lại. Hãng nào lén tới đút lót thì suốt đời sẽ lãnh án miễn cấp. Ông không chịu ăn hối lộ, nhắm mắt ký bừa để thâu tiền nên nghèo suốt đời. Ông được các bạn cùng sở tặng cái danh hiệu: người không muốn giầu. Cũng vì cái tính liêm khiết này mà ông gặp nhiều rắc rối vì nhiều băng đảng tham nhũng trong sở muốn trừ ông đi. Cậu tôi nhiều lần phải đứng ra, dùng thế lực của mình để cứu ông từ những ngày ông còn làm việc cho Pháp trên đất Bắc. Từ đó hai người trở thành bạn thâm giao.

Cũng may là ông lục Hinh về hưu trước khi Việt cộng vô Sàigòn khá lâu nên ông không bị đi cải tạo vì tội chống…tham nhũng. Cho dù không bị đi cải tạo, mạng ông cũng tiêu vì băng đảng tham nhũng của Việt cộng ra tay. Việt cộng chuyên chửi chế độ Việt Nam Cộng Hòa tham nhũng nhưng Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa của chúng còn tham nhũng gấp trăm lần.

Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore có lần tuyên bố: tham nhũng Việt Nam đã quá phạm trù đạo đức. Có nghĩa là người Việt trong nước hiện nay nói chuyện tham nhũng không còn biết mắc cở, cứ coi như chuyện bình thường như chuyện đi coi xi nê vậy.

Ông thủ tướng Việt cộng Nguyễn tấn Dũng mười hai tuổi đã bỏ học đi du kích miệt Cà Mau vậy mà giờ khai có cử nhân luật, từng nắm chức trưởng ban kinh tế trung ương, thống đốc ngân hàng rồi thủ tướng. Tôi không biết ông có biết làm toán chia hai số không? Nhưng điều tôi biết chắc chắn là năm xưa ở Cà Mau mười hai tuổi ông chỉ học tới lớp năm là may lắm rồi. Trình độ lớp năm, bỏ học chục năm, mất hết căn bản học lực rồi đùng một phát: một ngày tối trời ông có cử nhân Luật.


Hèn chi ông làm trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng thì tham nhũng lên. Làm thống đốc ngân hàng thì kinh tế xuống. Làm thủ tướng thì luôn báo cáo láo, dùng toàn những anh dốt đặc cán mai.

Việt cộng thiếu thần kinh ngượng, đã không biết mắc cở là gì lại còn tổ sư khai man, báo cáo láo cho nhau.

Ông lục thường mang theo cô con gái út, chỉ thua tôi một tuổi, tới chúc Tết nhà tôi. Cô ta có cái răng khểnh trông thật dễ thương. Không biết tôi có lầm lẫn một lần kể chuyện cái răng khểnh này cho vợ tôi không mà vợ tôi luôn chê răng khểnh suốt một cuộc tình.

Có một cô ca sĩ nổi tiếng trong nước có hai cái răng khểnh rất có duyên, chuyên hát nhạc Trịnh. Một lần coi cô trình diễn, tôi vô tình khen ráo riết cái miệng trông xinh tệ. Kể từ đó bao nhiêu CD, DVD nhạc của cô biến mất trong nhà tôi.

Phát âm theo miệt Trung kỳ, quê vợ tôi thì “chuyện răng chưa hết”:

Buồn đời, cô qua Pháp nhổ bén đi hai cái răng khễnh. Vợ tôi gửi cho tôi ngay cái hình mới nhất của cô. Hàm răng trắng đều như…giả. Coi hình xong tôi thấy ngày hôm đó chỉ có vài người vui và cũng có bốn chục triệu người buồn. Một ngày buồn tê tái nhất của đời tôi:

Người đi một nửa hàm tôi buốt,
Một nửa hàm kia muốn rụng rời!

Khi hợp tác xã Nha Xá được thành lập, cậu tôi có chân trong ban quản trị nên mọi việc đều rõ ràng, suông sẻ. Các xã viên luôn được chia tơ sợi đồng đều, làm ăn phát đạt. Làm chỉ vài năm, cậu thôi vì tính ít muốn giao thiệp lại dân chủ, không muốn một mình một chợ làm chủ tịch muôn năm. Cậu tôi thích để dành giờ đọc sách thuốc và hưởng nhàn.

Nghỉ chỉ được hai năm là mấy thợ quậy bắt đầu xuất hiện phá hợp tác xã. Trong đám đó có nhiều người trong họ vai trên cậu tôi nên cậu phải nín nhịn. Khi tơ bên Nhật về, họ thấy giá tơ lên liền chơi cái tình lờ, không giao cho xã viên. Họ chia nhau cuỗm hết để mang ra bán riêng kiếm lời. Nếu giá tơ xuống, họ đè cổ xã viên bắt mua hết gánh nợ. Bàn thờ tổ làng họ cũng không tha. Họ thiên lên đền thờ ngài Trần Hưng Đạo với lý do là ngài Trần Khánh Dư là bộ thuộc thì phải đi theo Đức Thánh Trần. Thật ra họ muốn lấy phòng thờ để sửa thành phòng ngủ tiếp…bạn gái.

Tôi còn nhớ mãi một buổi trưa hè, cậu tôi lên họp ban quản trị và mắng cho mọi người một trận dữ dội rồi tuyên bố giải tán hợp tác xã. Các xã viên và mợ tôi khuyên cậu đứng ra tổ chức lại. Một con sâu làm rầu nồi canh. Hợp tác xã Nha Xá lúc đó có cả chục con sâu đục phá thì làm sao xây dựng lại được. Nhất là nhiều con sâu mang vai vế trong họ cao hơn cậu tôi.

Những ngày Tết năm sau hãng Đồng không còn nhộn nhịp nữa. Các xã viên phải mua tơ đắt giá trên thị trường rồi dệt, lấy công làm lời nên tiền bạc không rủng rỉnh như xưa. Những sòng bạc nhỏ và thưa dần. Pháo trên đường cũng ít đỏ đi và buồn nhất là tiền lì xì của tôi cũng vơi nhiều.

Rồi cuộc chiến lan rộng. Tháng nào tôi cũng nghe vài nhà trong xóm có người chết trận. Ngay cả tuần giáp Tết, trong họ cũng có nhà có đám ma. Cứ mỗi Tết đến, tôi lại nhớ đến Tết xưa lại càng thấy buồn. Buồn đến độ mợ và tôi bỏ cả tục đi xông đất nhà trong họ ngày đầu năm. Buồn đến độ nhiều nhà trong xóm không đốt pháo. Buồn đến độ nhà nào nhà nấy đều đóng cửa đón Tết riêng rẽ, mình ơn.

Chỉ có cậu và tôi ăn gà đêm ba mươi.

Tháng ba năm 1975 anh tôi tử trận ở Long Khánh. Việt cộng vô Sàigòn tháng tư rồi đổi tiền tháng chín để bần cùng hóa nhân dân Việt Nam. Tết năm 1976 là cái Tết buồm thảm nhất của toàn dân miền Nam.

Lần đầu tiên trong cuộc đời nhà tôi không ăn gà với xôi đậu xanh đêm giao thừa. Mợ tôi kiếm được ít đậu xanh để nấu chè vì nếp cũng không có để mà nấu xôi. Chị tôi lén mua được hai trái trứng gà, luộc bồi dưỡng thêm cho cậu và tôi. Điện thì lúc có, lúc không. Cả hãng Đồng buồn và tối như đêm ba mươi.

Say men chiến thắng, tổng bí thư Lê Duẩn càng xiết cổ dân Việt những năm sau đó bằng nhiều nghị quyết cấm đoán tự do buôn bán và đổi tiền để mơ tưởng xây đựng thiên đàng cộng sản. Hơn chục năm sau, tổng bí thư Nguyễn văn Linh mới ngộ ra nên cho “đổi mới” kinh tế.

Việt cộng rất lưu manh, láu cá trong ngôn từ. Nghe hai chữ “đổi mới” ai cũng nghĩ chúng thông thái nên phát minh ra được nhiều điều hay để kinh bang tế thế, xây dựng đất nước. Thật ra thì một tên vô học bỗng nhiên nổi hứng cấm không cho buôn bán hay mang hàng hóa ra, vô thành thị lẫn nông thôn. Tên kia sau đó thấy không ổn nên cho buôn bán lại như cũ rồi tuyên bố rùm beng lên “đổi mới” hoàn toàn.

Nghe thật lố bịch vì việc tự do mậu dịch nhân loại đã làm cả ngàn năm trước. Ngay trong thời thực dân Pháp cũng cho buôn bán tự do. Phát xít Nhật cũng rứa. Việc cũ rích, chả có gì là mới cả. Chỉ có mấy tên ngu ngơ hay vỗ ngực tự xưng đi giải phóng người và tự phong đỉnh cao trí tuệ mới chuyên làm chuyện ngược đời rồi tự vỗ mông khen đổi mới.

Đúng ra là phải nói “trở về” mới có lý.

Ngay như khi dùng hai chữ “giải phóng” cũng là lưu manh rặt vì nó còn có hàm ý chúng là những người tiến bộ, khôn ngoan, hiểu biết để đi khai hóa người. Thật ra ai ai cũng biết đoàn quân giải phóng toàn những anh ngu ngơ thất học vào miền Nam nói dóc miền Bắc cái gì cũng có đầy đường. Ngay cả cà-rem ăn không hết phải phơi khô để dành ăn dần. Việt cộng mắc bệnh chủ quan khá nặng. Chúng tưởng cứ phơi khô được xác Hồ chí Minh là có thể phơi khô được mọi thứ.

Câu chuyện cái cầu thang máy ở thương xá Rex là một bằng chứng rõ ràng và mỉa mai nhất cho những người mệnh danh đi giải phóng người. Một toán bộ đội vào tiếp quản thương xá. Chúng đứng trước cái cầu thang máy ngắm nhìn vì không biết nó là cái máy gì mà có cái phòng trống trơn với cái cửa mở ra, đóng vào tự động.

Một bà già bước vào thang máy. Cửa tự động đóng vô, ba phút sau cửa mở và một thiếu nữ trẻ bước ra. Một tên ngẩn ngơ la to:

- Ối giời ơi, các đồng chí ơi! Mỹ Thiệu để “nại” cái máy cải tạo. Nó cải tạo đứa già thành cái trẻ.

Đứng điều nghiên cái máy “cải tạo người” một lúc, chúng lại thấy một thanh niên bước vô thang máy rồi năm phút sau cửa mở, một ông già chậm chạp đi ra. Tên bộ đội này nhìn tên kia hét to hơn:

- Giời ơi nà giời! Sao nại thế này. Phải cải tạo thành thằng cu chứ?

*

Năm 1979 tôi vượt biên qua Mã Lai, rồi định cư tại thành phố Houston, bang Texas. Khi đó cộng đồng Việt Houston chưa lớn mạnh nên chưa có dịch vụ cung cấp gà tươi như bây giờ. Gà Mỹ đông lạnh cả năm nên không thể luộc ăn được. Cho dù không đông lạnh, cái cách nuôi gà nhốt trong một diện tích thật nhỏ để con gà không thể đi lại nhiều làm thịt gà mềm nhũn, không mùi vị, ăn nhạt như miếng bánh dầy.

Tôi có dịp tới thăm trại gà của bố người bạn làm cùng sở. Nhìn con gà thấy tội nghiệp. Nó bị nhốt trong một cái chuồng nhỏ tới độ khó có thể xoay mình được. Phải nói là cái hộp nhỏ mới đúng. Người nuôi chỉ muốn nó ăn no, nằm im và mập ra chứ không được đi tới đi lui hay đứng lên ngồi xuống để thịt săn sẽ nhẹ cân. Con gà càng mập nặng bao nhiêu thì người nuôi càng lời bấy nhiêu. Thịt mềm, thịt dai, thịt ngon, thịt có nhiều chất hóa học không cần biết. Chỉ biết trọng lượng mà thôi. Ông chù trại còn tỉnh bơ giải thích:

- Vì không được tập thể dục nên con gà nào cũng bị…đau tim từ nhỏ. Mà dù có đau tim cũng phải mập đủ cân mới được lên tăng xông chết.

Không có thịt gà tươi nuôi kiểu Việt Nam, anh chị em tôi cúng giao thừa bằng bánh chưng, trà mứt và một mâm trái cây. Ở bên kia bờ đại dương, cậu tôi cũng không có gà ăn đêm giao thừa vì đồng chí tổng bí thư Lê Duẩn chưa lên tăng xông.

Mười năm sau, mợ và bà chị cả tôi tới Mỹ thì Houston đã có mấy trại gà do người Việt đảm trách. Các trại rành thị hiếu của dân Việt nên gây được giống gà thịt dai, ăn không nhũn gọi là gà đi bộ. Con gà đi bộ được nuôi trong các chuồn lớn có chỗ đi bộ nên thịt săn, da mỏng, ít mỡ lại không bị đau tim. Sau này các trại gà còn pha chế thực phẩm gia súc nên thịt gà thơm trắng, da vàng khươm không thua gì bên nhà năm xưa.

Dân Việt tỵ nạn xơi gà đi bộ. Dân Mỹ ăn gà đau tim. Một con gà đi bộ giá bằng ba con gà đau tim. Dân tỵ nạn chơi sang thật. Người Mỹ không bao giờ chịu mua con gà giá mười hai đô la mà chỉ nặng hai cân Anh.

Đêm giao thừa tôi lại được thưởng thức món gà chấm muối tiêu ăn cùng xôi đậu xanh năm xưa. Chỉ thiếu vắng cậu tôi. Thiếu cả lời khen mợ tôi chọn gà và luộc gà như mọi năm. Người đã mất một tháng trước khi có giấy tờ bảo lãnh qua Mỹ gặp con cháu.

Lâu lâu tôi lại nhắc, đòi mợ tôi tiền lì xì Tết mợ tôi tịch thâu để dành cưới vợ. Mợ tôi cười trả lời:

- Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc. Bên Mỹ này bên vợ anh phải trả hết tiền đám cưới. Anh khỏi phải lo.

Vợ tôi là dân Bình Định chính gốc con nai vàng ngơ ngác. Con cháu của Quang Trung hoàng đế nên võ công và nội công cao thâm không lường.

Ai vô Bình Định mà coi,
Con gái Bình Định múa roi đi quyền.

Bố bảo tôi củng chả dám đánh cái chiêu của anh cao bồi Texas bắt vợ trả tiền đám cưới. Mà có ai lại ỏn ẻn hỏi người yêu rằng em buộc đai đỏ hay mang hồng đai trước khi lên xe bông? Tôi cũng chả dại gì do đó mà bao năm nay cứ phải thượng đài xuất chiêu đấu kiếm với nàng. Đàn bà là chúa ăn gian. Tôi luôn thua. Bị hạ đo ván nằm thẳng cẵng, xụi lơ. Mém chết bao lần.

Sau khi lập gia đình, vợ tôi cũng tiếp tục tục lệ luộc ngâm gà và nấu xôi đậu xanh cúng đêm giao thừa như mợ tôi thường làm năm xưa. Nhà tôi không có lập ban thờ gia tiên vì tôi là con út nên chúng tôi chỉ cúng tạ ơn trời đất trước cửa chính.

Ông hàng xóm Mỹ thấy tôi quỳ cúng lễ trang trọng trước sân nên chạy qua hỏi. Tôi nói tôi muốn tạ ơn trời đất nơi đây đã ban cho gia đình chúng tôi có được mọi thứ mong muốn. Ông về nói chuyện với vợ rồi rất thành thật gọi qua xin tôi cho ông khấn chung thì trời Mỹ, thánh thần Hoa kỳ mới hiểu được tấm lòng của chúng tôi. Ông biết tôi khấn bằng tiếng mẹ đẻ nên muốn thông dịch cho God ông hay.

Có năm ấm áp, tôi rủ nhà tôi đi chùa lễ Phật trước khi cúng giao thừa rồi về tự xông nhà lấy. Năm nào quá lạnh thì vợ chồng tôi gọi xin nghỉ làm để đi chùa sáng sớm hôm sau. Tôi không rành tử vi để coi có nên đi chùa rồi về tự xông nhà như cậu tôi hay không. Chỉ làm tùy theo thời tiết thay đổi mỗi năm. Mà có đi hay không thì năm nào tôi cũng tự xông nhà lấy vì người thân ở quá xa. Chả có ai chịu lái xe mấy chục dặm tới xông nhà.

Thời buổi internet này, chúng ta xông nhà bằng…email.

Hai mươi năm qua tôi xơi xôi gà đêm giao thừa một mình. Vợ tôi cũng từ chối ăn khuya đúng hai mươi lần. Các con tôi thì mười giờ đêm đã lên giường ôm gối trùm chăn.

Dù không ăn, vợ tôi vẫn ngồi một góc bàn coi tôi xé gà ăn xôi như mợ tôi năm xưa. Ăn xong tôi thường xoa bụng chọc ghẹo vợ:

- Bụng no rồi. Giờ thì đến mục “tống cựu nghinh Xuân” đi chứ hả?

Vợ tôi đỏ mặt trả lời trước khi bước vào buồng đi ngủ:

- Có cựa đâu mà đòi nghinh với Xuân.

Tôi hét to:

Giời ơi nà giời! Sao nại “cấm cựa đêm Xuân” hả mình?

Lê Như Đức

Ý kiến bạn đọc
06/03/201422:42:42
Khách
Truyện viết thật hay và mĩa mai tụi ngu dốt csvn thật là đúng... Tên y tá vào rừng năm 12 tuổi tự dưng nay lại có cử nhân luật là sao? Dốt thường hay tự nâng cao mình lên là vậy đó. Phải không tác giả.. Cám ơn tác giả đã chia sẽ bài viết...
09/02/201408:00:00
Khách
LOL, Thank You !
08/02/201408:00:00
Khách
Tui khoái phần viết về hai chữ "đổi mới " của tác giả .
09/02/201408:00:00
Khách
Bài viết hay và vui lắm!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,029,724
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến