Hôm nay,  

Luane

19/01/201400:00:00(Xem: 17272)
Tác giả: Trương Ngọc Bảo Xuân
Bài số 4119-14-29519vb8011914


Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2001, và từ 8 năm qua, là thành viên Ban Tuyển Chọn giải thưởng Việt Báo. Sau đây là bài viết mới nhất của Trương Ngọc Bảo Xuân, kể về một cô bạn Mỹ làm nghề “mang bầu mướn, đẻ mướn”. Bái trích từ Báo xuân Việt Báo Tết Giáp Ngọ 2014, đang phát hành khắp nơi.


resized-image001
Trương Ngọc Bảo Xuân và Nhã Ca.

* * *

Kể từ khi Luane “biến mất”, mỗi lần gặp một thiếu phụ tóc vàng đang mang thai, tôi lại nhớ tới em.

Luane, người dễ nhớ cái tên càng khó quên.

Luane, đọc lên thì nghe giông giống như tên Loan.

Mới đây, tôi gặp lại nàng sau hơn hai mươi năm.Tôi nhìn được nàng nhờ mái tóc vàng và đôi mắt xanh biết cười.

Tôi quen nàng trong khoá học ở trường thẩm mỹ, niên khóa 1986-87. Lúc ấy, nàng chưa tới 18 tuổi. Một cô gái Mỹ chánh gốc tóc vàng mắt xanh.

Hồi mới nhập học, tóc nàng vàng, nhưng là một màu vàng èo uột, vàng mờ nhạt, vàng không tươi, nước da trắng ẻo bịnh hoạn nhưng đôi mắt lại rất xanh, biếc như màu nước biển.

Nói tóm lại, nàng tượng trưng cho sự nghèo nàn thiếu thốn. Vài tháng sau có sự thay đổi, dần dần nàng trở nên khỏe mạnh, màu tóc sáng ánh lên như râu trái bắp, đôi mắt trong veo luôn cười cười. Tôi hay chọc là nàng có đôi mắt xanh biết cười, rất đẹp, cho nên, đừng bao giờ buồn.

Một hôm trong lúc học bài hớt tóc kiểu mới nhứt, đang đứng bỗng nàng khuỵa gối, tay che miệng như muốn ói. Tôi đứng kế bên vội vàng bỏ kéo bỏ lược, đỡ nàng ngồi xuống. Nhỏ Thủy lên tiếng:

- Nó có bầu đó chị.

Ý trời! Có hồi nào? Ai mà biết ta. Tôi đứng kế bên nàng cả tháng mà không hay. Quả thật mình quá vô tâm.

Sau đó, hỏi han lần lần, tôi biết rõ hơn về người con gái ấy.

Luane là người con gái quê từ tiểu bang Ohio xa lắc. Sau khi hết trung học, nàng bỏ nhà ra đi theo bạn trai. Tới California, chàng phải làm những công việc tạp nhạp kiếm sống. Nàng có ước mơ học đại học nhưng túng thế nên ghi danh học nghề thẩm mỹ, thời gian học không dài, chỉ trên 10 tháng thôi, thi có bằng hành nghề rồi là kiếm tiền được và có thể vô đại học.

Tôi đã hỏi, vậy tại sao có bầu sớm quá vậy. Sanh con ra rồi có thể khó mà theo đuổi sự học hành. Cô mỉm cười, khẽ lắc đầu:

- Đâu phải con tôi.

Hết sức ngạc nhiên, tôi hỏi:

- Vậy chớ, mang trong bụng cô mà không phải con cô? Là sao?

Vẫn cười buồn, nàng nói:

- Là con tôi mang cho người khác. Tôi là người sanh mướn.

Trời đất ơi. Chuyện lạ. Mới nghe lần đầu. Thế rồi nàng kể tôi nghe. Có một dịch vụ ít người biết, là sanh con mướn. Những cặp vợ chồng hiếm muộn, hay bất cứ nguời nào muốn có con mà vì lẽ nầy hay lẽ nọ, không thể thụ thai, không muốn mang nặng đẻ đau, không muốn xin con nuôi… thì tới với dịch vụ nầy, mướn người sinh con cho mình. Có vài trường hợp, đứa con là do thụ thai từ tinh trùng và trứng của hai vợ chồng, hoặc thụ thai chỉ với tinh trùng của người chồng với chính nguời đàn bà mang thai dùm. Lần ấy, Luane đã mang cái bào thai của một cặp vợ chồng hiếm muộn, người vợ không thể thụ thai được, nên đã chọn Luane sanh con cho họ với giá mười lăm ngàn mỹ kim. Đúng ra giá tiền căn bản chỉ mười ngàn thôi nhưng vì cô là người chưa từng sinh con bao giờ và có mái tóc vàng đôi mắt xanh nguyên thủy, đồng màu mắt và tóc với cả hai vợ chồng ấy, có thân hình thon thon thanh mảnh nên được giá, thêm năm ngàn. Thời ấy, năm 1986, đồng đô la còn giá trị rất cao, mua một cái townhouse mới xây ngay tại Monterey Park hai tầng lầu ba phòng ngủ một phòng làm việc hai phòng tắm rưởi, gara chứa hai xe, chỉ có một trăm hai mươi lăm ngàn mà thôi.

Luane dự tính, vừa mang thai vừa đi học, không phải lo tiền nhà tiền ăn, được tiếp duỡng đầy đủ, sanh xong có số tiền lớn sẽ là nấc thang đầu giúp cô qua khỏi cơn túng quẩn. Cô còn dự tính, trong vòng mười năm tới, vừa đi học, vừa thỉnh thoảng cô sanh con dùm vài lần, cô sẽ có số tiền khá lớn đủ mua căn nhà, mà tuổi thì mới hăm bảy hăm tám thôi. Ngoài ra, sau khi sanh con xong, được những đứa con đúng ý mong đợi, có thể được sự tưởng thưởng của những “thân chủ” cha mẹ của những đứa con sinh từ bụng cô.

Tôi đã hỏi, vậy tại sao họ còn để cô đi học? Cô nói, theo hợp đồng thì cô có quyền đó, vả lại đi học cũng là một cách vận động tốt cho sức khỏe. Tôi hỏi, thế, bạn trai cô nghĩ thế nào? Luane nói cả hai cùng đồng ý làm chuyện nầy mà. Họ còn có thể có con cho chính mình xen kẻ với chuyện mang thai cho nguời khác.

Thời đó, chuyện mang thai mướn hầu như là rất bí mật, ta cũng chưa hiểu gì nhiều. Trong trường, mọi người dần dần xa lánh cô. Họ xì xào, cho cô là người không được bình thường, mang những tin tưởng méo mó. Thứ con gái hư thân mất nết. Bỏ nhà theo trai, còn đi làm cái việc vô nhân vô hậu, không có chút ý niệm về tinh thần đạo đức, giòng giống, sự liên hệ giữa vợ chồng và cha mẹ con cái, coi việc mang bầu sinh con như chuyện kinh doanh vô ý thức.

Thật sự mà nói, khi nghe chuyện của cô bé ấy, tôi đã đi từ ngạc nhiên nầy qua ngạc nhiên khác. Không thể tin được chuyện như vậy có thể xẩy ra ngoài đời. Điều đáng ngạc nhiên hơn hết, cô kể chuyện với thái độ bất cần dững dưng như đi chợ lựa cái quần mua cái áo. Có thể vì lý do ấy mà những bạn đồng môn đều ghét cô.

Theo ý nghĩ của tôi, tại sao không đi làm, chưa con cái vướng bận, cũng kiếm ra tiền vậy, đôi khi còn nhiều hơn phải làm việc lấy sức lực máu huyết của mình ra để nuôi dưỡng cái thai trong bụng, vả lại, đi làm việc có thể kiếm ra tiền nhiều hơn nữa. Sao lại dự tính bỏ ra cả mười năm trời sanh con dùm cho người ta?

Không thể hiểu được.

Về sau, tôi có xem một cuốn phim về trường hợp sanh con mướn nầy và những éo le đã xảy ra.

“Đôi vợ chồng nọ rất yêu thương nhau, sau một thời gian dài hiếm muộn, quen biết một cô gái, đã nhờ cô sinh con cho họ. Cái thai là do tinh trùng của người chồng cấy vào cô gái. Mới đầu họ mướn nhà cho cô ở, hằng ngày tới lui thăm viếng. Khi cô bị thai hành, tâm lý của người đàn bà đang mang thai đôi khi rối loạn, người vợ đã săn sóc tận tình. Thế nhưng, cô gái còn quá trẻ quá ham vui, thỉnh thoảng trốn đi chơi đêm. Sau một lần uống rượu say nhảy múa thác loạn, cô gọi điện thoại khóc lóc với hai vợ chồng, dọa phá thai hủy giao kèo nên sợ quá, họ phải soạn một phòng và đem cô về sống chung chăm sóc cho tới khi sinh con.

Nhưng sau khi vào sống chung trong cái dinh thự và trước sự giàu có ấy, cô nổi lòng tham. Cô nghĩ tại sao mình không có được những thứ mà người đàn bà hiếm muộn héo hắt ấy đang có? một người chồng tốt, khỏe mạnh đẹp trai và giàu. Tại sao mình không thể chiếm luôn cả tình yêu của người đàn ông mà mình đang mang đứa con của anh ta? cũng là con của cô. Thế là cô lấy cớ sợ bóng đêm, sợ lẻ loi, đòi vào ngủ chung trên giường của hai vợ chồng.

Cô muốn được sự ôm ấp vuốt ve chiều chuộng của người đàn ông. Nhìn cái thai trân quý đã căng tròn, vì cô dọa sẽ tự tử nếu họ không làm theo ý cô, họ không thể làm gì khác hơn, đành phải chìu lòng cô.

Rồi cô gây sự chia rẻ cho hai người, càng ngày càng lớn thêm vì gần như mỗi đêm cô đều đòi ngủ chung với người chồng, cho tới nổi người vợ không chịu đựng được nữa, phải dọn qua phòng khác.”

Về sau ra sao, chuyện phim tôi chỉ nhớ tới bấy nhiêu thôi.

Chuyện của Luane cũng vậy, vài tháng sau, cô tự dưng bỏ học và từ đó không ai biết tin tức gì của cô nữa, cho tới ngày hôm ấy, sau hơn hai chục năm tôi gặp lại cô, trong một khu mua sắm.

Hôm ấy sau khi đã cùng con gái đi khắp cả hai dãy lầu vô nhiều tiệm để coi quần áo giày dép thời trang, tìm mua cho con tôi một cái áo dự dạ tiệc. Với tánh khó khăn của nó, chọn được cái áo thì hai chân cũng rã rời. Chúng tôi ghé vào quán ăn tìm món nào đó tạm qua cơn đói mệt.

Thì tôi trông thấy cô.

Ngồi cách chúng tôi cái bàn, người thiếu phụ tóc vàng ấy khiến tôi mài mại nhớ, hình ảnh rất quen thuộc mà tôi nhớ đã gặp ở đâu rồi. Tuy thân hình có đẩy đà nhưng càng nhìn càng thấy giống. Giống như người con gái năm nào tôi mang nhiều thắc mắc. Tôi cố đợi cô ta quay lại để xem cô có đôi mắt màu xanh hay không, và rồi chúng tôi cũng mắt chạm mắt, và tôi nhìn ra cô.

Luane. Cô bé mang thai mướn.

Tôi đã quá sức mừng rỡ, đứng dậy, tới bàn cô ngồi, hỏi:

- Luane? Luane?

Cô cũng đứng dậy đưa bàn tay ra nắm lấy tay tôi, gục gặt, miệng tía lia:

- Xu-enn, phải là Xu-enn không? Là Xu-enn đây mà. Chà lâu quá, lâu lắm rồi. Sao chị còn nhớ tôi?

Những người Mỹ thường gọi tên tôi là “xu-enn” hoặc “xun”, từa tựa như chữ “soon”.

Tay bắt mặt mừng, hỏi han lung tung, như muốn rút ngắn lại khoảng thời gian xa cách quá xa.

Tôi bảo con tôi cứ tiếp tục đi loanh quanh trong Mall, để tôi ngồi lại với bạn tôi. Nó khoái quá xách túi đi liền vì sẽ được tự do mua sắm không bị tôi bàn ra tán vào cản trở!

Tôi và Luane kéo nhau ra ngồi trên một cái băng ghế dài, nhìn ông đi qua bà đi lại, kể chuyện đời của nhau.

Tôi hỏi cô về đời sống, về người bạn trai năm xưa, về tất cả mọi chuyện xung quanh cô. Luane đã cười rất buồn với đôi mắt xanh, nay đã có đuôi. Trong một thoáng hình ảnh của cô bé 17 tuổi hiển hiện lại rất nhanh, rồi tan biến đi. Cô đã có nếp nhăn vĩnh viễn ở đuôi mắt ấy, nét buồn xa xăm ở đôi mắt ấy, và màu xanh biếc khi xưa đã mờ đục nhiều. Cô kể tôi nghe quảng đời của cô.

Người bạn trai ấy, người yêu đầu đời mà cô đã bỏ cha mẹ già đi theo, đã bỏ cô sau khi sanh đứa con dùm cho người ta, bỏ đi cùng với số tiền “mang nặng đẻ đau” của cô. Tay trắng hoàn trắng tay, sau vài tháng khốn khó, cô lại phải mang bầu lần nữa cho một cặp vợ chồng khác.

Hình như cô không có khiếu làm việc hay đi học, mà chỉ có khiếu mang thai sinh con mà thôi. Trong vòng gần hai chục năm cô đã sinh ra năm đứa con.

Tôi hỏi vậy chớ cô có nghĩ tới, có tiếc rẻ những đứa bé mà cô đã sinh ra không? Cô cười, nói:

- Nếu tiếc rẻ thì làm sao tôi mang thai và sinh ra năm đứa được. Không, hoàn toàn không, vì tôi không bao giờ nhìn mặt chúng nó. Tôi không biết mặt chúng và dĩ nhiên tôi tin tưởng chúng có đời sống rất sung sướng với những gia đình ấy. Tôi đã tuân thủ và làm việc hoàn toàn theo hợp đồng.

Tôi hỏi cô bây giờ thì thế nào? chồng con gì chưa? Cô nói, chồng thì không mà con cũng không. Cô cũng có vài mối tình lẻ tẻ, lần sau cùng người ấy cũng muốn có với cô một đứa con nhưng chẳng hiểu sao cô không thể thụ thai được với người ấy, sau cùng anh ta cũng bỏ cô mà đi. Rồi cô cười xòa:

- Đời là thế. Tôi cũng chẳng quan tâm. Hiện nay tôi có việc làm ổn định rồi. Sau cùng tôi cũng đã lấy được bằng cấp cử nhân, hiện làm việc cho chính phủ, có quỷ hưu để duỡng già, đâu cần gì phải lo cho tương lai.

Cha mẹ cô cũng đã mất, để lại một nông trại xác xơ, cô đã bán rồi. Thế nhưng, nhìn lại quá khứ cô thấy vui, vui vì cô đã mang niềm vui đến cho ít nhứt là năm gia đình hiếm muộn. Giống như cô có một quyền lực, một hãnh diện, làm được việc mà người khác không thể làm được.

Tôi hỏi cô, thế, có bao giờ cô nghĩ đến, trường hợp sau nầy lớn lên, có thể nào một trong năm đứa con ấy gặp nhau, có thể yêu thương nhau, thành vợ thành chồng, như vậy có loạn luân hay không, khi chúng nó là anh em, cùng mẹ khác cha?

Cô nói, không đâu, vì cô chỉ cho mượn bụng mà thôi, còn năm đứa con ấy là do sự cấu tạo của tinh trùng và trứng của người vợ. Thay vì thụ thai trong ống nghiệm thì họ cho thụ thai trong bụng của tôi. Cô cảm thấy mình đã làm một việc rất có ý nghĩa. Giúp cho những cặp vợ chồng đã hết phương hy vọng, có được niềm vui. Giúp cho những đứa bé được chào đời, sống trong những gia đình đầm ấm hạnh phúc. Họ mong mỏi, họ quí con, chúng nó có tương lai sáng lạn. Quả nhiên là sáng hơn người mẹ giả nầy.

Nói xong cô lại cười cười.

Cô cười với ánh mắt sáng lên, một ánh sáng tôi nhớ lại, hơn hai mươi năm trước, có lần tôi đã nhìn thấy khi cô ngồi tâm sự với tôi trong trường thẩm mỹ năm xưa.

Lần ấy cô đã mơ màng vẽ ra một tương lai huy hoàng, với văn bằng đại học, cô sẽ làm nên chuyện lớn. Có thể cô sẽ thành một luật sư danh tiếng. Cô tiếp:

- Tôi nghĩ, có thể vì thế mà tôi không thể có con cho chính mình được. Vì, sau người tình đầu tiên, thời gian rất lâu sau, tôi đã yêu một người khác. Người ấy cũng muốn có con với tôi nhưng tôi không thể giữ được con của chính mình. Có thai rồi bị sẩy thai nên chúng tôi xa nhau. Nói rồi cô cười buồn:

- Có lẽ Thượng đế phạt tôi, không muốn cho tôi làm người mẹ thật. Có lẽ tôi bị lời nguyền.

Sau lần gặp gở ấy, chúng tôi thỉnh thoảng liên lạc với nhau bằng điện thư. Mới đây, cô khoe vừa gặp một người đàn ông thích hợp. Ông ấy là một luật sư, lớn hơn cô trên mười tuổi, vợ mất con cái trưởng thành nên chẳng có gì trở ngại phiền phức. Họ sẽ sống bên nhau, cô cũng thấy yên ổn. Không hẳn làm luật sư nhưng làm bà luật sư, cũng gần gần, ha ha ha.

Điều kỳ lạ là, gần đây cô thường hay nghĩ tới những đứa bé đã từng lớn lên trong bụng cô. Cô thường hay nghĩ tới chúng nó, không biết mặt mũi chúng như thế nào.

Cô ước gì, gặp tất cả năm đứa con giả ấy, một lần trong đời. Bởi vì trong giả có thật. Những bào thai ấy cũng đã nhờ sự dinh dưỡng của người mẹ mới có thể lớn lên.

Bởi vì, nếu không có máu huyết của người mẹ giả thì làm sao hình thành những đứa con thật?

Luane đã nói với tôi:

- Nhìn thấy khuôn mặt của đôi vợ chồng sáng lên khi con của họ được sinh ra, tôi biết tôi đã cho một người nào đó một món quà quý giá của cuộc đời. Các bà mẹ luôn luôn nói với tôi rằng tôi là thiên thần hộ mệnh của mình. Đặc biệt là lần sau cùng tôi đã mang thai cho một cặp đồng tính. Họ yêu nhau và họ đã có một đứa con, một gia đình hoàn hảo giữ vững hạnh phúc lâu dài.

Dưới ánh mắt của nhiều người, dưới những thành kiến của xã hội, cho rằng việc làm của cô là khó thể chấp nhận được, nhưng đối với cô, cô đã làm một việc mà cô không bao giờ hối tiếc.

*

Luane thân mến,

Tôi chân thành ước mong phần đời còn lại, hơn cả tiền bạc, cô sẽ có được một hạnh phúc cho riêng cô, một sự trả công thật xứng đáng, bởi vì cô đã đem lại biết bao niềm vui cho nhiều người khác.

Luane, Cô, là một người hết sức đặc biệt!

Trương Ngọc Bảo Xuân

Ý kiến bạn đọc
22/01/201408:00:00
Khách
Là mẹ nhưng không có quyền làm mẹ. Bài viết khá cảm động và phản ảnh phần nào một khía cạnh của cuộc sống hôm nay. Đó cũng là một nghề lương thiện mà xã hội đang cần!
19/01/201408:00:00
Khách
Bởi vậy người ta mới học được luật sư. Có hại ai đâu mà hối tiếc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,060,116
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến