Hôm nay,  

Đi Về Cali

09/09/201300:00:00(Xem: 138114)
Tác giả định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, cư dân Berryhill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ. Giải thưởng VVNM 2013, cô có 5 bài tham dư và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả (hình bên) với hai bài viết tiêu biểu: “Thiên Thần Đen” và “Cũng Một Đời Người”, kể về những di dân tị nạn tại Mỹ làm việc tới mức quên mình để gửi tiền tiếp viện cho người thân còn ở quê nhà. Bài viết mới là chuyện tác giả bay từ Tennessee về Cali dự họp mặt Việt Báo.

* * * * *

2_mimosa_resized
Từ trái, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Quyến, Trương Ngọc Bảo Xuân, Phan, Bồ Tùng Ma, Kiều Chinh, Trần Dạ Từ, Mimosa Phương Vinh, Hoà Bình, Nhã Ca, Thụy Trinh, Nguyễn Hoàng Dũng.

Tôi mất ngủ nhiều trong chuyến đi về California vừa rồi. Bản tính tôi ưa lo xa, lo gần và lo đủ thứ, mặc dầu tôi được bạn bè hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều. Sau vài ngày ngủ cho lại sức tôi nghĩ mình nên viết một chút gì đó và thật sự là không biết bắt đầu từ chỗ nào.

Thôi thì bắt đầu từ AA (American Airlines). Con gái tôi đã book vé cho tôi từ hai tháng trước, sau khi đã thảo luận lung tung là ai đi với tôi hay tôi đi với ai…Cuối cùng thì tôi lại một mình lên đường như tôi đã từng trong những ngày qua. Một thoáng cô đơn, nhưng mà thôi có sao đâu, một mình vẫn có cái thú của nó. AA gọi lúc 10 giờ đêm để xin đổi chuyến bay trễ hơn 3 tiếng cho sáng hôm sau. Mặc dầu đổi chuyến bay không có gì rắc rối lắm, nhưng thật tình tôi không ưa lối làm việc của hãng này. Họ làm cho mình không yên tâm chút nào và sự thật đã được chứng minh trong chuyến trở về. Tôi xách hành lý ra phi trường lúc 12 giờ trưa và phải về nhà người bạn lại vì tên mình không có trong danh sách chuyến bay. Ngày hôm sau tôi phải ra phi trường lúc 4 giờ sáng với tâm trạng vô cùng mệt mỏi vì cả đêm không ngủ. Sau một hồi nhíu mày, nhăn mặt cô nhân viên mới đưa cho tôi thẻ Boarding Pass.

Tôi từ California qua Dallas -Texas rồi mới về phi trường Memphis. Trên máy bay, cô chiêu đãi viên hàng không cho hay tôi sẽ vào C34 ở phi trường Dallas để tiếp tục chuyến bay nhưng khi tôi vào C34 thì họ bảo tôi phải vào C30, và cuối cùng tôi phải vào C39 mới đúng chuyến bay về nhà.

Tôi hứa với lòng sẽ không bao giờ “làm ăn” với AA nữa cho đỡ đau tim. Cũng may cho tôi là chuyến đi về Cali lần này của tôi, niềm vui nhiều hơn nỗi buồn, tôi xin được tâm sự vài điều trong bài viết này.

Một tác giả nào đã nói, đại khái là hãy nhìn vào một chiếc vỏ ốc nhỏ trên bãi biển. Chiếc vỏ ốc đơn sơ là thế, tầm thường là thế mà nó đã mang trong lòng cả một đại dương. Và đại dương trong tôi là nỗi kinh hoàng của một kiếp người trôi nổi theo cuộc đời tang thương dâu bể.

Người tôi gặp đầu tiên là Phương Anh, khi tôi vừa đáp xuống phi trường Ontario sau 24 năm xa cách. Chúng tôi không nhận ra nhau và khi nhận ra nhau thì chỉ còn là nước mắt. Chúng tôi đã từng là hai kẻ bụi đời lê la trong những cửa hàng, những khu chợ trời ở Sàigon để tìm kế sinh nhai. Phương Anh, con nhà giàu, chồng chết trong một chuyến vượt biên. Cô ở lại với ba đứa con dại. Tôi, vợ một người tù cải tạo mang thân phận hẩm hiu sau gần mười năm làm thân chinh phụ. Chúng tôi gần nhau vì có một chút rễ má thân thuộc và nhất là vì hai đứa chúng tôi nghèo. Khi mình nghèo thì mọi người đều sợ mình như sợ bệnh dịch, có thể tôi đã cay đắng quá lời nhưng nếu ai đã từng nghèo thì sẽ hiểu tôi nhất.

Với Phương Anh, tôi nhớ nhất những buổi sáng rất sớm khi Sàigon còn đang yên ngủ, cô đưa tôi ra cửa đón chiếc xích lô chở hàng đi xa cảng miền Đông để đáp chuyến xe trở về Dalat. Tôi thường khóc một mình trong những chuyến xích lô này và đồng thời cảm thấy hạnh phúc khi được về nhà với hai đứa con mà tôi yêu thương nhất trong cuộc đời mình. Tôi và Phương Anh thường hay mơ ước về một ngày mai tươi sáng còn quá xa xôi ở một nơi nào đó. Mơ ước, hy vọng để mà sống để quên đi cái thực tế khổ sở đang vây quanh mình.

-Không ngờ chúng ta gặp nhau ở nước Mỹ!

Chào nhau như thế rồi nước mắt tuôn trào. Chỉ cần như thế thôi chúng tôi như đã nói cho nhau nghe trăm vạn lời tâm sự, thở than về một thời khốn khổ, đày đọa xưa. Những chủ thuyết, những lý luận hoang tưởng, những thiên đường không có thực bỗng vỡ òa thành môt tràng cười trong ý nghĩ tôi và tôi chợt muốn nói rằng:

- Chúng tôi đang là những người may mắn và chúng tôi đã gặp nhau ở đây!

Chồng Phương Anh lớn hơn cô hơn 20 tuổi, nhờ người đàn ông đó cô đã đem tất cả con cái qua Mỹ và có công ăn việc làm đàng hoàng. Phương Anh lúc nào cũng nhanh nhẹn, giỏi giắn và ăn nói lễ phép, lịch sự. Cô được lòng những người con riêng của chồng vì bản tính đôn hậu, chung thủy. Theo tôi Phương Anh là một trường hợp rất hiếm hoi để xua tan những thành kiến về chồng già, vợ trẻ hay “Anh đã lầm đưa em sang đây”.

Tôi thật sự mừng vì bạn tôi đã có một mái gia đình hạnh phúc!

Tôi gặp lại Anh chị Kim -Thủy, cặp vợ chồng mà tôi đã từng làm cô dâu phụ cách đây hơn 40 năm. Gặp anh chị tôi nhớ thời thơ mộng xưa, khi tôi là một thiếu nữ yêu đời của thành phố quê hương Dalat. Con cái anh chị đã công thành, danh toại và trong suốt thời gian ở California tôi đã cư ngụ ở nhà anh chị. Anh chị dành cho tôi một căn phòng xinh xắn và đối đãi tôi như một người em ruột thịt, lo cho tôi ăn uống và đưa đi chơi các nơi. Anh chị thu xếp cho tôi từng chút một khi tôi đến dự giải thưởng Việt Báo và anh Kim đã chụp cho tôi rất nhiều ảnh trong buổi tối đặc biệt này. Tấm chân tình của anh Kim, chị Thủy làm tôi rất cảm động.

Anh chị kể cho tôi nghe về nỗi kinh hoàng trong những chuyến vượt biên tìm tự do và những cam go khi phải vật lộn với đời sống ở Mỹ trong thời gian đầu tiên. Ai cũng thế cả và cuối cùng chúng tôi là những kẻ đã chọn cho mình một con đường đúng mà đi.

Tha hương ngộ cố tri. Anh chị Kim đã giúp tôi hiểu thế nào là niềm vui, hạnh phúc và tấm lòng của những người cùng quê hội ngộ nhau trên đất khách.

Đáp xe đi Santa Barbara thăm ông Giáo Sư dạp Pháp văn năm tôi học lớp Đệ Ngũ. Thầy tôi, một thanh niên đẹp trai ngày nào nay đã trở thành một lão trượng tóc bạc như cước. Thầy trò gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Gần nửa thế kỷ trôi qua tôi như sống lại thời kỳ trẻ dại khi nghe thầy nói về hiện tình đất nước, nỗi thao thức về quê hương dân tộc của thầy làm lòng tôi chùng xuống trong một cảm giác ngậm ngùi khó tả. Tôi biết tôi vẫn là một người dân Việt Nam và đau đớn vì cảnh nước mắt nhà tan. Thầy tôi không nói gì về một ngày trở lại quê nhà. Khi từ giã thầy cô lòng tôi quặn đau khi tự hỏi: Biết có khi nào gặp lại.

Tôi đáp xe đò Hoàng đi San José, rồi ghé San Bruno thăm Mai Hoa, người bạn thân hồi còn trẻ. Cũng gần 25 năm mới gặp nhau, kỷ niệm giữa tôi và Hoa làm sao kể cho hết. Những buổi chiều nắng vàng óng trong phố thị Dalat, khu Hòa Bình với bao tài tử giai nhân, Thủy Tạ ngồi nhấm nháp ly trà chanh. Những hẹn hò, phá phách thời con gái, những đêm Giáng Sinh lạnh buốt và những khu rừng thông chúng tôi từng đi dạo với nhau. Những giấc mộng tương lai chúng tôi cùng dệt. Những ngày về học ở Sàigòn tưng bừng náo nhiệt. Chúng tôi đã có một thời thiếu nữ thật tuyệt đẹp với vô vàn mơ ước. Rồi hai đứa lấy chồng, xa nhau mỗi người mỗi ngả, rồi gặp lại nhau tan tác, xơ xác sau năm 75. Dù sao Mai Hoa vẫn có cuộc đời hạnh phúc bên chồng con, chỉ có tôi người luôn luôn được cuộc đời trao tặng cho nhiều thử thách đau buồn. Và tôi đã chấp nhận niềm cô đơn như một ân sủng của cuộc sống vì chính từ đó tôi có thể nhận dạng đời sống một cách khác lạ và đôi khi thú vị. Điều đó chỉ những tâm hồn cô độc mới cảm nhận được.

Tôi nằm trò chuyện với Mai Hoa một đêm rồi sáng sớm hôm sau trỗi dậy sớm để đi bộ dạo quanh San Bruno với bạn nửa giờ trước khi trở về Nam California. Đi bên Mai Hoa trong buổi sớm mai mát lạnh, tôi có cảm tưởng như đang đi ở phố thị Dalat hồi mấy chục năm trước. Tôi vẫn còn bản tánh ngang ngạnh thời trẻ dại, hễ thích là đi. Về đến nhà Anh chị Kim tôi mới thấm mệt vì hai ngày đường đi xe đò Hoàng và hai đêm mất ngủ. Dù sao tôi cũng vô cùng hạnh phúc đã gặp được bạn mình!

Tôi gặp Thiên Lý, người bạn nhỏ có thời cùng đi thêu với tôi hồi sau năm 75. Cái thuở mà vợ con những người tù cải tạo chẳng biết làm gì để sống, đành phải vào những hợp tác xã thêu đan ở Dalat để được yên thân với mấy bà tổ trưởng phụ nữ mang những đôi mắt cú vọ luôn luôn và sẳn sàng thuyết giảng về lao động là vinh quang, khoai lang là thuốc bổ. Chúng tôi đã thật sự bị bóc lột với tiền công mười ký gạo một tháng và tiền lương đủ mua một ký thịt. Vậy mà chúng tôi cũng đã sống sót cho đến ngày gặp nhau trong quán Hỷ ở California để cùng ăn với nhau tô bún cá và nhắc chuyện ngày xưa ăn cơm độn bo bo, khoai mì Ấn Độ!

Đi với tôi có Hoài An, Bảo Ngọc là những nữ sinh trường nữ Trung Học Bùi thị Xuân cách đây gần 40 mươi năm.

Người ta bảo đồ cổ chỉ để chưng bày và lâu lâu được lấy ra để lau bụi. Đồ cổ thường rất đắt, được nâng niu, nhìn ngắm chứ không được dùng. Đồ cổ một lúc nào đó đã được ví von là cố nhân. Gặp cố nhân rồi, chào hỏi nhau rồi, bồi hồi xao xuyến rồi thì nên đặt cố nhân và vị trí đồ cổ trang hoàng như cũ. Tôi đã gặp cố nhân khi khăn áo vào Moonlight Restaurant để dự lễ phát giải thưởng Việt Báo. Tôi cũng gặp lại một nhân vật từng là người hàng xóm bất đắc dĩ của mình trong Khung Cửa Sổ (Một truyện ngắn của tôi đã đăng trên Việt Báo online). Tôi nhận ra ông hàng xóm ngay, mặc dầu thời gian đã biến một gã thanh niên ngày xưa trở thành một người đàn ông đứng tuổi. Vẫn nụ cười ngày xưa, vẫn sự nhanh nhẹn, liến thoắng của một người lính. Gặp nhau độ mươi phút, Huy từ giã với lý do có người bạn chờ ngoài xe dù tôi có mời anh ở lại dự buổi phát thưởng Việt Báo.

Như thế cũng quá đủ cho tôi rồi. Xin cảm ơn, người láng giềng của Nha Trang thời chúng ta còn trẻ trung với trăm ngàn mơ ước. Dòng sông Hà Ra với con nước mùa trăng hẳn vẫn còn nơi đó. Ngọn núi Hòn Chồng tuyệt đẹp với những cụm mây trời lơ lửng. Còn khung cửa sổ ngày xưa, còn tôi với tuổi đôi tám ưa thả hồn trong mộng. Chúng ta đã ra đi như con nước của những dòng sông xuôi ra biển, có bao giờ chúng ta còn tìm được con nước của ngày hôm qua!

Lòng tôi bâng khuâng với dòng sông Hà Ra ngày cũ. Gặp nhau, tôi như sống lại với tuổi trẻ kiếm tìm trong vô vọng, với niềm cô đơn dật dờ, nhớ dòng sông của Hermann Hesse. Tôi cười thương tôi ngày đó và cuối cùng là:

-Rồi giòng sông mệt mỏi nào cũng trôi ra biển! (Krishnamurti)

Ngoài ra tôi còn gặp Tuyết, Đảnh là những người bạn ngày tôi học ở trường áo tím Việt Anh. Đó là màu áo tím tôi mặc khi đi dự buổi phát giải Việt Báo. Còn màu áo len huyết dụ của nam sinh thì đã thật xa vời trong gần nửa thế kỷ qua.

Tôi có cảm giác lạ lùng khi đi giữa phố xá Cali, tôi như đang đi giữa Nha Trang hay Saigon. Xung quanh tôi toàn là người Việt Nam, xung quanh tôi là những khu phố Việt, những cửa tiệm mang những tên thân thuộc, dễ thương mà lâu lắm rồi tôi không còn nhìn thấy. Mấy chục năm rồi, qua lại trong một thành phố hiếm hoi đồng bào, đôi lúc tôi phải tưởng tượng một con đường, một gốc phố nào đó như là một nơi ở thành phố quê hương mà tôi đã từng đi qua. Tôi hay lầm lộn con đường Summer - Memphis với lối xây cất nhà cửa lộn xộn ở đây là đường Phan Đình Phùng - Dalat. Tôi nhìn những ngôi nhà xinh xắn với vườn hoa xung quanh ở trên đất Mỹ là những villa ở đường Trần Hưng Đạo của thành phố quê hương.

Tôi, trong đêm phát giải thưởng Việt Báo sức khỏe không được tốt lắm, nhưng nhớ lời anh Kim khuyên tôi rán cười hoài. Bị mất ngủ nhiều đêm, xúc động vì gặp bạn bè cũ, xúc động vì được diện kiến với những văn nghệ sĩ nổi tiếng đại diện cho nền Văn Hóa của miền Nam Việt xưa. Hồi hộp vì giải thưởng mà mình sẽ nhận được.

Người đầu tiên tôi gặp là Trần Dạ Từ, tác giả bài thơ “Khi Nàng Tới” mà tôi đã thuộc làu năm mười sáu tuổi. Tôi thương nhất những câu:

Môi cười vết máu chưa se,
Cành hoa gạo cũ nằm nghe nắng hiền
Anh nằm nghe bước em lên
Ngoài song lá động, trên thềm áo bay!


Ôi, cái buổi chiều như mang toàn một màu đỏ lạ lùng, nóng nực: từ lối son tươi, nắng chiều đỏ một vườn không, vết máu chưa se cho đến cành hoa gạo cũ (Hoa gạo cũng màu đỏ). Chỉ có hai câu cuối cùng làm ta có cảm giác mát mẻ: Một chút gió và tà áo bay của một người tình.


Sau mấy chục năm từ buổi đọc thơ, khi gặp, tôi thấy Trần Dạ Từ nói cười giản dị, tóc loà xoà hớt sao để vậy, không cầu kỳ kiểu cọ, điều này làm tôi càng kính mến anh hơn. Hiền thê của anh, chị Nhã Ca, một cây viết tôi đã say mê từ hồi còn rất trẻ. Chị dung dị, bình thản bên ngoài nhưng sôi nổi trong văn chương, phải chăng đó là đặc tính của người phụ nữ Huế. Tôi cũng có một chút Quảng Trị trong dòng máu. Được hội kiến nhà văn Nhã Ca và nhận được giải Vinh Danh Tác Giả từ chị là một điều hạnh phúc vô cùng trong cuộc đời tôi, dù tôi đã đến với Việt Báo rất muộn màng. Nhưng muộn còn hơn là không bao giờ, tôi tự an ủi vậy.

Nổi bật trong buổi họp mặt của Việt Báo là những phụ nữ mặc áo dài xanh lá cây, ai nấy đều vui vẻ, duyên dáng khi lo giúp công việc tiếp tân. Trong số này, tôi đã có dịp gặp gỡ Hòa Bình và Nguyễn Trần Phương Dung, một người là CEO Việt Báo, một người là tác giả Viết Về Nước Mỹ đã nhận giải Chung Kết 2011, cả hai đều có nụ cười thật tươi, nhanh nhẹn, tháo vát, dễ mến. Ước gì lần sau gặp mặt, chúng ta sẽ có nhiều thì giờ hơn để hàn huyên tâm sự. Tôi cũng nhận ra chị Trương Ngọc Bảo Xuân với giọng miền Nam ngọt lịm khi chị dự đấu giá chiếc áo của Calvin Trần. Và Hằng Nguyễn nữa, Hằng luôn luôn nhanh nhẹn trả lời điện thoại của những độc giả Việt Báo lộn xộn như tôi. Rất tiếc cũng không có thời giờ trò chuyện như lòng tôi vẫn hứa trước khi đi California. Tôi rất yêu giọng miền Nam pha chút Bắc của cô. Tôi cũng có thời lấy chồng và làm dâu người Bắc.

Tôi đã đượcdiện kiến tài tử Kiều Chinh của phim “Người Tình Không Chân Dung” hồi mấy chục năm trước. Trong tôi còn cái dư ảnh của một buổi tối chen chúc nhau ở rạp Văn Hoa để mua vé xem phim này. Tôi còn nhớ mình mang kính đen vì thuở ấy Saigon đang có dịch đau mắt. Cô Kiều Chinh vẫn với dáng dấp đẹp của một tài tử nổi tiếng của miền Nam ngày nào.

Tôi cũng đã có dịp gặp gỡ Linda Phương Hoa, một người bạn văn rất dễ gần và vui tính, dù thời gian gặp gỡ rất ngắn nhưng đã lưu lại trong tôi nhiều tình cảm gắn bó. Và Phan, với lối viết là lạ, nửa vời và nhiều ẩn dụ, đôi khi khôi hài pha chút cay đắng nhè nhẹ. Tôi nghĩ có rất nhiều độc giả đã yêu văn phong của Phan cũng như tôi đã thích những câu chuyện nho nhỏ của anh.

Tôi trông thấy Khôi An xinh đẹp trong chiếc áo dài màu cam, định bắt chuyện với cô nhiều lần nhưng chưa có dịp. Thôi xin hẹn sang năm sẽ có dịp hàn huyên tâm sự và còn rất nhiều bạn văn nữa mà vì trong tâm trạng hồi hộp, xúc động tôi không thể tiếp xúc như lòng tôi vẫn muốn như Cao Đắc Vinh, Vĩnh Chánh, Giang Thiên Tường, Donna Nguyễn …

Khi lên khán đài nhận giải Vinh Danh tác phẩm do chị Nhã Ca trao là lúc tôi thấy mình lao đao muốn khụyu chân xuống, mặc dầu vẫn rán đứng vững với nụ cười trên môi.

Từ khi biết mình vào chung kết với hai bài viết “Thiên Thần Đen” và “Cũng Một Đời Người” tôi đã chuẩn bị vài câu khi được mời phát biểu cảm tưởng. Trước khi loan báo kết quả ba giải chính Viết Về Nước Mỹ 2013, có phần trình chiếu ba đoạn phim ngắn giới thiệu các bài viết chính, trong số này có bài viết “Thiên Thần Đen” của tôi.

Vốn xuất thân trong một gia đình thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nên tình cảm tôi đối với người lính bao giờ cũng tràn đầy thương yêu và kính mến. Vì vậy, tôi quả thật đã vô tình với Thiên Thần Đen tội nghiệp của mình nên nghẹn ngào không thốt được nên lời khi M.C. Nguyễn Hoàng Dũng yêu cầu phát biểu cảm tưởng. Tôi không chuẩn bị gì cho tác phẩm bé nhỏ này, dù có một thời nào đó câu chuyện người họa sĩ chưa từng biết vẽ đến từ Phi Châu đã gợi trong tôi nhiều xót thương, xúc động.

Để chuộc lỗi tôi xin ghi lại ý kiến muốn phát biểu trong bài viết này:

Trước hết tôi xin cảm ơn tất cả Quý Vị, các bạn đã tham dự đông đủ trong đêm phát giải thưởng của Việt Báo ngày 11 tháng 8 năm 2013 vừa qua tại nhà hàng Moonlight.

Tôi cũng xin nhân dịp này xin cảm ơn toà soạn Việt Báo, ông Trần Dạ Từ, bà Nhã Ca, ông Phan Tấn Hải cùng tất cả anh chị em trong ban tổ chức cũng như ban điều hành của Việt Báo đã cho tôi cơ hội để trang trải những tâm sự, kỷ niệm và ước mơ của mình. Xin cảm ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa, các anh chị em trong ban tuyển chọn đã cho tôi cái vinh hạnh được nhận giải thưởng cao trong đêm công bố kết quả.

Xin cảm ơn tất cả quý độc giả thân kính của Việt Báo đã đọc truyện của Mimosa Phương Vinh. Xin cảm ơn bạn bè, thân hữu Dalat đã hỗ trợ cho chuyến đi về California của tôi từ tinh thần đến vật chất.

Xin thân kính chào những bạn văn đến từ mọi nơi trên đất Mỹ mà tôi không thể nào nhớ hết tên gọi.

Xin đặc biệt cảm ơn Kepi, người thanh niên đến từ Phi Châu mà đời sống khó khăn, cơ cực và sự hy sinh lớn lao cho gia đình đã tạo cho tôi những cảm xúc và cảm hứng để viết lên Thiên Thần Đen. Tác phẩm nhỏ đã đoạt được giải thưởng lớn của Việt Báo.

Ở một nơi nào đó trên đất Mỹ, tôi mong rằng Kepi đã mua được một chiếc xe để lái, để còn đi làm giúp gia đình, bởi những lối đi xuyên đã không thật sự là lối đi hữu hiệu trong thời đại văn minh cơ giới này. Và nhất là Kepi sẽ tìm thấy hạnh phúc xứng đáng với những gì anh đã cho đi.

Tôi cũng nghĩ rằng không phải chỉ có Thiên Thần Đen mà còn có những đồng bào thiên thần của tôi, bước chân tìm tự do tỏa rộng khắp mọi nơi trên quả địa cầu. Họ mang theo tấm lòng yêu quê cha đất tổ, lòng nhẫn nại cần cù, sự chăm chỉ và hi sinh cho gia đình, cha mẹ, anh chị em và dòng họ. Đôi lúc sự hy sinh cao quý đó không ai biết đến hoặc đã ít nhiều bị lợi dụng nhưng tôi vẫn tin rằng cuối cùng rồi cái thiện bao giờ cũng thắng. Người ta đã nói sự cho đi nào cũng không bao giờ gọi là phí phạm mà chỉ những kẻ nhận mà không biết cách dùng mới gọi là phí phạm mà thôi!

Và rồi, có một điều lạ lùng xảy ra là sau đêm nhận giải thưởng, tôi nằm mơ và thấy cha tôi. Tôi không hiểu sao tôi lại thấy người, ông qua đời khi tôi đến Mỹ được năm năm và sự xúc động đã dẫn tôi vào phòng cứu cấp sau đó. Cha tôi là một người đàn ông tốt trong gia đình và hết mực yêu thương, lo lắng cho con cái. Tuy nhiên ông không bao giờ chấp nhận sự đam mê văn chương của tôi. Ông hay phàn nàn về tôi bằng câu:

- Suốt ngày cứ tích với truyện!

Trong tủ sách gia đình tôi chỉ toàn là những quyển sách toán khô khan mà anh em chúng tôi phải thi nhau học mỗi đêm. Cha tôi chỉ thích cho con cái học toán và học tiếng Pháp. Chúng tôi thường lén mượn truyện bạn bè về đọc và tiểu thuyết đầu tiên trong cuộc đời tôi là “Một tâm hồn trong sương lạnh” của Dương Hà khi tôi lên tám, mà con bạn tên Chiêu đã lén lấy của mẹ nó cho tôi mượn. Tôi ra một góc cư xá say mê đọc và bị thím Đức hàng xóm bắt gặp, thím hăm he sẽ mách cha tôi nên tôi phải khóc lóc xin thím bỏ qua cho. Trong tủ sách gia đình thỉnh thoảng có những quyển Công Dân Giáo Dục với những mẫu chuyện ngắn hay những quyển Quốc Văn thì tôi đọc đi đọc lại đến quăn góc, long gáy.

Ngoài ra, thật là may mắn vì cha tôi có một vài quyển Truyện Cổ Phật Giáo mà tôi có quyền đọc mà không bị ai làm khó dễ. Vậy là tôi thuộc làu làu từ Xâu Chuổi Ngọc Nước, Thiện Hữu Ác Hữu, Viên Ngọc Như Ý, Giấc Mơ Hoa...Khi lớn lên, dĩ nhiên tôi có quyền đọc nhiều những quyển sách mà tôi thích nhưng cha tôi vẫn không bao giờ chấp nhận việc tôi làm thơ hay viết văn.

Có một điều buồn cười là mặc dầu bị nhồi nhét bằng những con số toán học từ thuở lên năm, lớn lên tôi vẫn là đứa dốt toán. Bị hạn chế về sách báo mà tôi lại khá văn chương. Tôi còn có hân hạnh là học trò của những nhà văn như Phạm Công Thiện, thầy Đào Quang Huy, nhà văn Nguyễn Tường Thiết, thầy Lê Vân Giáp và tôi từng là học trò giỏi của cố Giáo Sư Tạ Ký trong thời gian ông phục vụ ở trường Võ Bị Quốc Gia Dalat.

Kỷ niệm tôi còn nhớ đời là khi cha đưa tôi vào làm cùng công sở với ông năm tôi hai mươi hai tuổi. Trong sở ra một Đặc San và tôi viết một truyện ngắn lấy tên là Cho Một Cơn Điên. Khi Đặc San được phát hành khắp nơi, nhiều người gọi về hỏi tác giả là ai thì tôi nói đó là một người bạn. Tôi xấu hổ vì Cho Một cơn Điên của mình và nhất là sợ cha tôi biết được. Với ông những người Văn Sĩ đều sống không thiết thực, bấp bên và nghèo nàn… Những năm sau 75, tôi không nghe ông nói nhiều về những điều đó nữa, cha tôi hay suy tư, thả hồn đi đâu đó. Tôi nghĩ lúc ấy biết đâu ông cũng cần viết ra nhiều điều lắm, nếu ông có thể. Tôi luôn thương yêu, kính trọng cha tôi nhưng tôi đã làm cho ông không hài lòng lắm vì cuộc đời của tôi. Khi tôi lên máy bay đi Mỹ, tôi không bao giờ nghĩ đó là lần cuối cùng còn trông thấy cha, nhưng có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời tôi đã đem đến cho cha mình một sự hài lòng.

Và nước Mỹ đó, với bàn tay mở rộng, hào hiệp đón hàng triệu người yêu tự do, mơ no ấm từ khắp nơi trên quả địa cầu. Dù không phải là thiên đàng thì đây cũng là vùng đất của niềm hy vọng và sung túc. Dù khen, dù chê ngày ngày, tháng tháng, năm năm vẫn có những người tìm mọi các để được sống trên đất Mỹ. Cũng có những người đã bỏ đi sau một thời gian trú ngụ, nhưng khi bỏ đi họ không quên mang theo những lợi lộc họ góp nhặt được nơi đây hay họ vẫn còn tiếp tục nhận những quyền lợi của một người công dân Hoa Kỳ.

Đời sống là một sự tranh đấu không ngừng, có khi sôi nổi cũng có khi trầm lặng như con nước của một giòng sông. Là con người ai cũng có lúc phẩn nộ, ai oán hay hạnh phúc, vui tươi. Giữa mùa đông lạnh giá bao giờ tôi cũng nghĩ là mình yêu mùa hè nắng ấm hơn. Tuy nhiên, giữa những ngày nóng bức trên chin mươi độ ở vùng tôi sống bây giờ, tôi luôn ước ao cái giá buốt của bầu trời tuyết phủ, tôi nghĩ rằng tôi yêu mùa đông hơn! Nhưng nói gì thì nói: đất lành chim đậu vẫn có những giá trị thiết thực của nó.

Trong một cuộc phỏng vấn của một đài truyền hình ngưòi ta hỏi tôi: chị nghĩ thế nào về đất Mỹ. Tôi nói đất Mỹ không phải là một thiên đàng như tôi vẫn nghĩ từ trước, nhưng đất Mỹ đã cho chúng ta nhiều cơ hội và mỗi người phải cố gắng, nỗ lực để thích nghi với đời sống ở đây. Và tôi đã cảm thấy hạnh phúc khi được sống trên đất Mỹ.

Tôi đã về và nhìn thấy California với đời sống nói chung là phồn thịnh, thành đạt và ấm no của đồng bào tôi. Tôi muốn mình có những ý nghĩ công bằng với nước Mỹ. Mọi người có quyền chạy qua hay chạy lại, mọi người có quyền chạy lại mà chẳng thèm chạy qua. Mọi người có quyền quên đi thuở còn một lòng sanh tử hay khóc lóc để xin đi tị nạn ở Mỹ nhưng chắc chắn không ai có thể bỏ quên những lợi tức, bổng lộc mà mình còn được hưởng từ nước Mỹ. Bạn có thể nói đó là quyền lợi do sức lao động của bạn mà có. Điều đó hợp lý, nhưng nếu bạn nghĩ thêm một chút nữa. Có nhiều anh em, đồng bào mình đã nhận được gì từ chính quê hương của chúng ta, cái quê hương hình cong chữ S khốn khổ đó! Dù họ cũng từng đổ mồ hôi, sôi nước mắt từng ngày, từng đêm.

Tôi và bạn yêu quê hương mình, đó là một điều hợp lý. Nhưng tình thương không có nghĩa là chỉ chọn lựa một (Tôi không nói đến tình yêu lứa đôi ở đây), chúng ta vẫn có thể yêu thêm nước Mỹ, nơi đã cưu mamg, nuôi dưỡng những thế hệ Việt Nam lưu vong. Xin hãy công bằng với nước Mỹ như công bằng với quê Cha và quê Mẹ hay công bằng với bên Ngoại và bên Nội của mỗi chúng ta.

Sau hết, tôi xin cảm ơn Viết về nước Mỹ cho tôi cơ hội để nói lên một phần nào những điều tôi muốn nói. Đã đem tôi đến một cách gần gũi với những đồng bào tôi và nhất là đã dẫn tôi vào một khu vườn với muôn ngàn sắc hoa, cây cảnh của thế giới văn chương mà niềm đam mê đã thắp sáng lên những hạnh phúc tuyệt vời, những cảm thông bất tận. Cũng từ đó là cánh cổng mở rộng ra với muôn ngàn cuộc đời vui buồn, hạnh phúc hay bất hạnh. Những thế hệ trẻ già, những loài hoa dại chưa bao giờ được đặt tên cho đến những tàng cây cổ thụ mà bao mùa nắng mưa nào ai nhớ xuể!

Có thể còn rất nhiều điều nữa mà tôi không thể nói ra hết trong bài viết này. Tôi luôn tin rằng bạn và tôi vẫn có nhiều điều cần phải nói hay phải viết khi chúng ta vẫn còn thở và còn thấy mặt trời lên trong mỗi buổi sáng thức dậy. Có tiếng chim líu lo đâu đó hay những âm thanh quen thuộc để bắt đầu cho một ngày với nhiều nỗi vui buồn trong mỗi chúng ta./

Mimosa Phương Vinh

Ý kiến bạn đọc
19/04/201503:54:05
Khách
Ba\i hay; co' nhu*~ng pha^n ti'ch ro~ ra\ng, tuye^.t. Ca'm o*n chi. Vinh!
14/10/201307:00:00
Khách
Thưa đọc giả Daonguyen,
Đúng là thầy Lê Vân Giáp, thầy dạy Việt Văn ở trường Việt Anh- Dalat năm 64 trong thời gian phục vụ ở trường Vỏ Bị Dalat.
Kính,
Mimosa Phương vinh
11/10/201307:00:00
Khách
Thưa chị Mimosa Phương Vinh,
Chị nhắc đến thầy Lê Vân Giáp dạy học ở Dalat làm tôi nhớ đến thầy Giáp có thời là Chủ Bút của tờ Đa Hiệu của trường Vỏ Bị Quốc Gia Dalat. Xin hỏi chị có phải thầy Lê Vân Giáp đó không ạ!
Kính,
Dao nguyen
19/09/201307:00:00
Khách
Cam on Mimosa Phuong Vinh, bai that sau sac vay rat hay !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,992,345
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến