Hôm nay,  

Cơn Cám Dỗ... Và Mẹ Gọi!

08/06/201300:00:00(Xem: 256776)
Tác giả: Lê Thị
Bài số 3917-13-29317vb7060813

Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, Lê Thị, -cư dân Chicago, 35 tuổi- gửi 7 bài và trở thành tác giả nhận giải Chung Kết 2012 với những tự sự khác thường về đề tài đồng tính. Sau đó mọi người mới biết Lê Thị là bút hiệu của Calvin Trần, nhà thiết kế thời trang gốc Việt nổi tiếng trong dòng chính.

Nhiều ngôi sao điện ảnh như Drew Barrymore, Brooke Shields, Gina Gershon, Cameron Diaz, Sandrah Oh và Piper Perabo đã từng diện các bộ quần áo của Calvin Tran. Tên tuổi Calvin thường được nhắc đến trên tờ The New York Times, Women's Wear Daily, Lucky Magazine, Chicago Social, The Men's Book, The San Francisco Chronicle, US Weekly và Cosmopolitan.

Tốt nghiệp "The Illinois Institute of Art", được chọn đại diện cho sinh viên tốt nghiệp thành công, Calvin Trần trở thành người mẫu trong các phim ảnh quảng bá cho trường đại học nghệ thuật này. Anh cũng là nhân vật đặc biệt nổi tiếng qua TV Show thời trang của đài Bravo, The Ultimate Collection điều hợp bởi nàng siêu mẫu Iman và nhà thiết kế thời trang danh tiếng Isaac Mizrahi.

Trong năm 2013, Lê Thị đã góp thêm 5 bài viết. Sau đây là bài mới nhất góp cho năm thứ XIV-XV.

le_thi-phuong_dung_2012-large-contentHọp mặt phát giải Việt Báo 2012, tác giả Lê Thị Calvin Trần khi nhận giải chung kết trao tặng bởi Nguyễn Trần Phương Dung, “hoa hậu Viết Về Nước Mỹ 2011.”

***

Bà Giang cầm bàn tay của tôi, xăm xoi giây lát, rồi bỗng nói bằng giọng quả quyết:

“Này, mày phải cẩn thận. Năm nay sẽ mất hết, mất người thân, mất tiền, mất sự nghiệp, không khéo mất mạng. Cần phước đức tích tụ từ nhiều đời mới may ra thoát khỏi phen này...”

Đó là lần thứ hai tôi gặp Bà Giang, khi đang ngồi ăn tối với John. Bữa ăn chung của cả nhóm bạn thân đang vui. Gray và Tim không hiểu tiếng Việt, thấy bà Giang cầm tay tôi xì xồ thì cười. Tôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều về lời cảnh cáo của bà. Tôi là người công giáo, không mê tín dị đoan. Bà Giang là người Campuchia gốc Việt, mẹ của John.

Chỉ vài tháng sau buổi cơm tối đó, bà luôn gọi điện thoại cho tôi lo lắng tìm John. Một hôm tôi đang ăn tối tại Blue Ribbin Sushi, thì điện thoại Bà Giang gọi.

- Hello chào bác, bác gọi cháu có chuyện gì?

- Cháu ơi, mày biết thằng John đâu không?

- Dạ chúng cháu mới đi chơi với nhau vài hôm trước, bác tìm nó chuyện gì thế?

- Tao gọi nó cả ngày không được. Tao nằm mơ thấy nó bị đụng xe chết giữa đường. Mày làm ơn giúp Bác gọi cảnh sát hộ, tao nói tiếng Anh không được.

- Chỉ là giấc mơ thôi, cháu mới gặp nó đây mà, làm sao chết được, chắc nó bận công chuyện đó bác ơi.

- Không, tao thấy nó chết rõ ràng. Mày gọi cảnh sát hộ, làm ơn...

Đang ăn cơm tối, và cũng đã ngà say tôi từ chối không được đành cầm phone gọi cảnh sát báo tin John mất tích và nhờ tìm hộ. Tôi hỏi họ xem có báo cáo tai nạn nào xảy ra hay không. Người cảnh sát sau khi kiểm tra tên họ và ngày sanh của John rồi, cho biết không có tên nào trùng cả. Tôi gọi điện thoại tìm John, hắn không bắt điện thoại. Không lâu sau, điện thoại của John gọi tới. Dù không tin lời bà Giang, tôi cũng thở phào nhẹ người:

- Ê, mày có sao không? Má mày đang quýnh quáng tìm mày. Bà ấy bảo mày bị đụng xe chết rồi.

Tiếng cười của John sang sảng bên đầu dây:

- Hahaha, tao đang tránh Má tao, mỗi lần gọi là bà nói cần tiền.

- Thôi mày làm gì thì làm, cũng gọi cho bà một tiếng đi, kẻo bà ấy lo lắng tội nghiệp.

- Ok, thanks, tao sẽ gọi ngay. Mày đang làm gì? Gặp nhau for a drink?

- Ok, tụi tao đang ở Soho. Gặp ở Industry nhé.

- Sure, see you.

Sau đó cứ cách vài ngày là bà Giảng lại gọi cho tôi tìm John. Cũng cùng một giấc mơ, cũng cái giọng hoảng sợ, lần nào bà cũng cuống cuồng năn nỉ tôi gọi cảnh sát.

Mới đầu tôi cũng thấy tội nghiệp, nhưng sau vài lần thì tôi cho rằng Bà là người thần kinh thiếu cân bằng. Khi điện thoại reo, thấy số của bà là tôi không nhấc máy.

Ba bốn tuần sau lần cuối nhìn thấy số điện thoại của bà Giang, trong lúc tôi đang nằm phơi nắng với Gray ở South Beach thì điện thoại của Xuân, một người bạn thân của John gọi tới, báo tin John đã chết. Xuân nói cảnh sát mới tìm thấy xác của nó, chết vì thuốc quá đô. Tôi hỏi Xuân ai báo cho Xuân biết, Xuân nói Má của John gọi, bà nhờ gọi 911 bảo cảnh sát đến nhà tìm John, khi cảnh sát vào nhà thì nó đã chết mấy ngày rồi. Tôi im lặng nghĩ đến bà Giang, nghe rõ mồn một giọng Bà nài nỉ nhờ tôi đi tìm John.

Chúng tôi bay về Philadelphia dự tang lễ của John cùng gia đình anh. Khi ở nhà quàn về, trong lúc các sư tăng đang cầu siêu cho John, bà Giang mang cái hình John để trên bàn thờ cạnh bố của bà, ông đã mất từ mấy năm nay. Khi mọi người đang ăn uống, nhang đèn trên bàn thờ tự nhiên bốc cháy, khói mù mịt cả nhà. Bà Giang lẹ làng chạy lại bàn thờ, một tay lấy hình và bình tro của John xuống, tay kia dập tắt ngọn lửa, miệng khấn lia lịa:

- Ba ơi, con xin lỗi ba, con xin lỗi ba. Ba đừng giận, con biết ba không ưa thằng John, để con mang nó đi chỗ khác.

Tuy không khí đang trang nghiêm, tôi và Gray và mấy người bạn không thể nào nín cười. Nhang đèn cháy là thường, chứ ông ngoại nào mà lại đi ghét cháu đến thế.

Tang lễ John mới đó mà đã gần một năm. Chưa đầy năm mà biết bao thay đổi.

Tim đã tự kết liễu đời mình. Gray thình lình quyết định không tiếp tục uống thuốc trị HIV và bây giờ đã tới hồi mê man chờ chết. Chỉ mình tôi còn sống trong đủ thứ khủng hoảng.

Sau nhiều tháng ngày lo lắng về căn bệnh của Gray, tôi chuẩn bị tinh thần đối đầu với cái chết của anh. Có thể là bất cứ lúc nào. Bác sĩ nói anh chỉ còn sống tối đa ba bốn tháng nữa, rồi sẽ bỏ lại mọi đau đớn, chịu đựng lại trong thế giới này. Anh sẽ về trong lòng đất mẹ, về chốn bình yên. Còn tôi, càng gần với sự ra đi của anh, lòng tôi càng bấn loạn.

Trong những ngày tháng cuối này, tôi đã quên chính mình, sống bám víu vào chút hơi thở còn lại của Gray, nâng niu những ngày cuối mong anh được nhẹ nhàng.

Sau khi bà mẹ của Gray dứt khoát đòi hỏi, tôi đành phải đưa Gray trở lại Kansas với mẹ anh. Thu xếp mọi việc tạm yên, tôi quyết định quay lại New York thay vì về California ăn Noel với gia đình như mọi năm.

Vậy là đúng vào đêm Noel, tôi mệt mỏi đáp chuyến bay từ Kansas về. Trời lạnh đến tê cứng, cái lạnh từ trong ra ngoài khiến mọi cảm xúc đóng băng.

Một mình về lại trong căn chung cư giữa thành phố New York nhộn nhịp này, bóng tối xâm nhập đè nặng nỗi trống vắng lạ thường. Cái cảm giác cô đơn thấm sâu vào từng tế bào, thịt da. Mở chai rượu vang, cũng chai bodueux vintage quen thuộc Gray và tôi từng uống trong căn phòng này, nhưng sao từng ngụm đều đắng ngắt, khó nuốt. Rót ruợu cho chính mình, tôi bỗng nhớ câu hát tôi thường cho là rấm rớ của Y Van “Buồn như ly rượu đầy”. Lần đầu tiên, lời hát “rấm rớ” bỗng thấm thía. Ly rượu đầy không còn chút hứng khởi nào, mà chỉ đổ thêm vị chát đắng vào tình cảnh tan nát.


Tôi có nhiều bạn bè, nhưng đêm Noel này chỉ mình tôi đơn độc, trực diện với nỗi chán ngán lạ lùng.

Tôi cầm điện thoại cố gọi cho bạn bè, nhưng chẳng ai nhấc điện thoại. Gọi về nhà, cũng không ai trả lời. Bếp núc lạnh ngắt, hàng chậu cây sát cửa sổ héo khô, cong quéo cành khắc khoải tìm mầm sống. Căn phòng lạnh tanh ảm đạm một bầu không khí chết. Tôi đi qua đi lại, như bị ai nhập, bước thẳng đến cửa sổ rồi đứng yên như trời trồng nhìn trân trân xuống mặt đường đen ngòm. Mở tung cửa sổ, hơi lạnh ùa vào đánh thức đầu óc. Tôi giật mình về lại ghế sô-fa, nốc thêm chai rượu, rồi cho đĩa nhạc vào máy. Giọng hát đầy ma lực của Khánh Ly cất lên như vô tình bắt mất hồn vía, tôi có cảm giác hồn mình bước ra khỏi thân xác, tiến vào một thế giới nơi mọi phiền lụy không tồn tại, thế giới nơi tôi sẽ gặp Gray, nơi cơn đau không còn hành hạ thân xác anh, nơi cục u tôi đang nuốt xuống nhức nhối trong lồng ngực không còn có thể hoành hành.

Đâu đó có tiếng chuông giáo đường đổ hồi, đem tôi trở về với thực tại của đêm giáng sinh đơn độc. Không biết làm gì, tôi xuống dưới nhà mở thùng thư đã nhiều ngày không ngó đến. May ra những cái thiệp Giáng Sinh từ người thân, bạn bè sẽ làm dịu nỗi cô đơn. Chồng thơ dày cộm, thiệp giáng sinh cũng nhiều, nhưng thơ đòi nợ thì nhiều hơn gấp bội. Tôi bỏ đám của nợ sang một bên đọc những tấm thiệp giáng sinh. Những câu thăm hỏi, chúc lành từ bạn bè, người thân cũng không đủ sức đem lại cho tôi một đêm noel bình an.

Chai rượu đã cạn, chồng thiệp giáng sinh cũng đã đọc hết. Bỗng thất lòi ra một phong thơ bắt mắt. Phong thơ của sở thuế IRS. Nguyên vẹn, chình ình, thách thức. Làm ăn nhiều năm, tôi biết khi thấy thơ IRS là có tin dữ tới. Tôi cố thu lấy can đảm mở phong thư ra coi, đọc xong, mắt bỗng như hoa lên, chẳng nhìn thấy gì ngoài những chiếc bóng lượn lờ trên bức tường xám xịt của tòa nhà trước mắt.

Lá thơ từ IRS báo tin tôi đang thiếu sở thuế gần 300 ngàn, nếu trong ba mươi ngày không giải quyết thì có thể vào tù.

Ném lá thơ sang một bên, tôi ngồi im bất động một lúc, rồi mở tivi lên. Đang đổi đài tới lui thì đùng một tiếng, cái plasma tivi mới bỗng dưng lóe sáng rồi tắt lịm. Tôi rút điện, cắm điện, làm đủ cách, không tài nào mở tivi được nữa, đành quay vào giường nằm co ro. Chui vào mền, mùi hơi quen thuộc của Gray vẫn còn ở đây. Kìa, tấm hình anh tươi cười nhìn tôi trên đầu giường. Tự dưng nước mắt tôi tuôn trào, cái cục u trong cổ họng lại lăn vào ngực nhức nhối. Những năm hạnh phúc bên nhau ngắn ngủi tôi chưa bao giờ nghĩ đến ngày hôm nay, cái ngày mà mọi thứ có ý nghĩa nhất trong cuộc sống biến mất.

Mất người thân. Mất tiền. Mất sự nghiệp. Mất mạng. Tiếng nói của Bà Giang mà tôi không hề nhớ lâu nay bỗng nghe rõ mồn một. Sau đó là tiếng nói của chính mình, rầm rì trong bóng tối. Chết là hết, phải, chết là hết. Tôi thấy người mình lạnh ngắt. Rồi một cơn sợ hãi lạ lùng bỗng chụp xuống. Cái cảm giác sợ hãi kỳ dị này một lần tôi đã trải qua, hồi nhỏ, khi có lần cảm thấy mình xuýt chết.

Hồi bé, chị Nga thường chở tôi đi chơi mỗi thứ Bảy sau khi hai chị em đi học đàn dương cầm. Một hôm chúng tôi đi qua một con đường trong xóm Thanh Tâm, hai chị em thấy một đám đông bu quanh một căn nhà bên đường. Mọi người chen chúc, bàn tán. Tôi và chị dĩ nhiên tò mò quẳng xe đạp chạy bổ vào xem chuyện gì. Đến gần mới biết bên trong nhà có một người đàn ông vừa tự tử. Trên cây vú sữa cao, một người đàn ông treo lủng lẳng cọng dây thừng ngang cổ, khuôn mặt gã vừa tím bầm, vừa trắng bệch.

Về nhà, sau buổi cơm trưa, mọi người đi ngủ hết, tôi một mình ngồi trên lầu hai. Cố nhắm mắt ngủ, nhưng hình ảnh người đàn ông lòng thòng rủ người trên cây vú sữa cứ hiện ra trong đầu. Tôi choàng dậy, đi tìm quanh nhà, tìm được một cọng dây thừng bằng nhựa, màu xanh cũ mèm mà mẹ thôi thường dùng để cột chở mấy cây nước đá. Tôi xăm xoe cọng dây thừng, rồi trời xui đất khiến, tôi tự động quấn cọng dây thừng vào cổ. Dường như có một siêu lực nào đó xiết dần xiết dần cọng dây vào cổ tôi. Tôi ú ớ, tay càng cố gỡ sợi dây thừng ra, nó càng siết chặt hơn. Mắt tôi hoa lên, đầu óc choáng váng, nghẹt thở.... Bỗng dưng tiếng Mẹ tôi vang lên phía ngoài: “Con ở đâu ra đây cho Bu nhờ chút việc, nhanh lên!”

Ngay lúc đó, sợi dây thừng quanh cổ tôi bỗng lỏng lại như cũ, và tôi dễ dàng gỡ nó ra vứt ngay xuống đất. Tôi co giò chạy một mạch xuống nhà.

Buổi trưa thời niên thiếu ấy, mới đó đã là mấy mươi năm. Bây giờ, đêm Noel, trong đầu bỗng liên tiếp vang lên, lập đi lập lại. Chết là hết. Chết là Hết. Chết. Hết... Bà mẹ người Cam Bốt của thằng John đã đúng khi báo trước cái chết của thằng con. Bà ta cũng đúng bảo tôi năm nay sẽ mất hết. Tôi vùng dậy, chạy ra phòng khách, mở hết mọi bóng điện trong nhà, ngồi vào ghế sô fa để thở cho bớt sợ. Nhưng tiếng nói trong đầu vẫn không chịu buông tha. Chết là hết. Hết đau. Hết buồn. Hết khổ. Hết nợ.

Như trong cơn mộng du, tôi bật dậy, lao ra phía cửa sổ. Cửa sổ mở sẵn. Tôi leo lên thành cửa, nhìn xuống nền xi măng đen xì phía dưới. Cái nền xi măng đang thì thầm, cám dỗ. Khí lạnh ập vào mặt. Chân trong chân ngoài, tôi đốt điếu thuốc rít một hơi dài. Trong làn khói, tôi thấy từng khoảng đời, từng khuôn mặt thân yêu, những ngày tháng bé thơ ở quê nhà, anh chị em, bạn bè, những chuỗi ngày hạnh phúc sống với Gray, và ánh mắt đau đớn hồi chiều khi tôi chia tay anh...

Tôi chống hai tay lấy tư thế. Điện thoại bỗng reo, rồi tôi nghe tiếng Mẹ la vang trong cái máy nhắn tin: “Con ơi, nhớ đi lễ. Đêm Giáng Sinh mà mày trốn lễ thì đừng nhìn mặt Bu...”

Mẹ. Mẹ đang gọi. Giống như buổi trưa nào khi sợi dây thừng đang quấn quanh cổ tôi, tiếng mẹ gọi vang vang làm cái đầu bừng tỉnh. Tôi lấy lại bình tĩnh, trèo vào phòng, mặc quần áo ấm rồi xuống đường, leo lên xe taxi.

Bà mẹ Cam Bốt của John đã gọi nhưng John không chịu nghe.

Trước khi tự kết liễu đời mình, Tim cũng đã gọi về nhà bố mẹ nhưng chỉ nghe thấy tiếng ông bố rồi tiếng cúp điện thoại.

Gray có nghe được tiếng mẹ gọi không? Không biết. Không thấy anh nói gì. Khi tôi gọi được Mẹ anh để báo tin cũng không nghe bà nói gì.

Còn tôi, tiếng mẹ gọi vẫn vang vang đâu đây như theo tôi lên xe taxi. Chuyến xe đưa tôi đến ngôi nhà thờ gần nhà.

Quỳ trong thánh đường, tôi cảm ơn bề trên đã một lần nữa cho tôi nghe thấy tiếng Mẹ gọi, cứu vớt linh hồn tôi, cầu cho mình đủ nghị lực, ý chí để tiếp tục đương đầu với cuộc sống.

Đêm Noel, cơn cám dỗ hay là sự phục sinh.

Lê Thị

Ý kiến bạn đọc
08/06/201319:09:36
Khách
Bài viết rất hay và có ý nghĩa. Giữa mẹ và con dường như lúc nào cũng có một "thần giao cách cảm" rất dịu kỳ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,993,714
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến