Hôm nay,  

Quán Rượu Nửa Đêm

17/05/201300:00:00(Xem: 170910)

Bài số 3897-13-29297vb6051713

Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010. Ông là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Bài viết mới của nhà văn linh mục là một truyện ngắn dành cho dịp lễ Mẹ. Bài 2 kỳ, tiếp theo và hết.

Kính tặng những bà mẹ Việt Nam,
một đời khổ vì chồng, cực vì con…

***

Mẹ tôi nói dượng Ba và bố tôi học chung từ tiểu học cho tới khi thi Tú Tài. Sau khi đậu Tú Tài II, dượng ghi danh học Dược, rồi bỏ trường thuốc, gia nhập trường Sỹ Quan Đà Lạt. Bố tôi rớt Tú Tài I, phải đi lính. Trước năm 75, bố là lính của dượng. Dượng qua đây vài năm, đi học lại, ra trường, làm Kỹ sư trưởng trong hãng điện tử nơi bố tôi chỉ là một nhân viên Assembly. Có một lần, trước khi tôi qua Mỹ, theo lời Dì Hoa kể lại ông nhờ người em cột chèo cất nhắc đưa vào khu Kỹ sư làm Technician, nhưng dượng Ba yên lặng không nói gì. Từ đó ông tuyệt giao với dượng Ba. Từ khi tới Mỹ chưa bao giờ tôi thấy bố tôi bước chân qua nhà Dì Hoa. Ông ghét con của dì tôi, đặc biệt là hai đứa con trai. Ông nói, “Tụi nó nhìn mặt đàng điếm giống y như bố của tụi nó”.
Chiều hôm sau không thấy tôi, mấy đứa em gọi điện thoại sang. Tôi nói, “Bố tao cấm, không cho qua đó”. Tôi không để ý là ông ấy đang đứng ngay bên cạnh. Nghe nói vậy, ông giật điện thoại, tát tôi mấy cái, “Thằng lẻo mép”. Đau quá, tôi nổi giận, chụp điện thoại, tính gọi cảnh sát. Ông tóm lấy tôi, trói ghì lại. Treo tôi lên sà ngang của nhà xe, ông dùng gậy đập tôi liên tục. Mãi đến khi mẹ tôi quỳ xuống lạy sống, ông mới quẳng gậy, lái xe bỏ đi mất.
Người bartender trợn tròn mắt kinh ngạc,
— Lạy Chúa tôi, sao bố mày ác vậy?
Mặt thằng Đình lạnh băng như một tảng đá,
— Tôi không khóc trong khi đang bị treo lơ lửng giữa trời. Tôi cắn răng không cho những tiếng rên bật ra trong khi những thanh củi liên tiếp đập lên người. Tôi không nói chi khi mẹ tôi gỡ dây mang tôi xuống, cởi trói cho tôi. Nhưng tôi ốm liệt giường bởi trận đòn đó. Tôi xua tay mẹ tôi ra khi bà mang chai dầu nóng lại xoa bóp những vết bầm tím sưng đỏ trên thân thể. Tôi hất đổ tung tóe xuống sàn nhà tô cháo nóng bà mang tới. Tôi quẳng bỏ những viên thuốc bà để trên đầu giường ra ngoài khung cửa sổ. Trong suốt hai ngày liền, tôi la hét ú ớ với những cơn ác mộng. Mẹ tôi chạy sang nhà Dì Hoa cầu cứu. Sáng hôm sau khi thấy bố tôi đang ngồi cặm cụi hàn chì những cái board điện tử trong hãng, dượng Ba lái xe về thẳng nhà bố tôi. Dượng Ba lấy dầu nóng xoa bóp những vết bầm tím trên người tôi. Đỡ đầu tôi dậy, dượng lấy cháo, đút cho tôi từng thìa. Lấy thuốc khuấy tan trong ly nước, dượng nói, “Con uống thuốc đi”. Đợi tôi chìm sâu vào giấc ngủ, dượng quay ra đóng cửa phòng, rồi lái xe về thẳng lại hãng. Sau khi gặp dượng Ba, tôi bắt đầu ăn cháo và uống thuốc...
Người bartender hỏi,
— Hồi đó mày bao nhiêu tuổi?
Thằng Đình cắn môi suy nghĩ,
— Khoảng…khoảng mười bốn. Bị cấm đoán, tôi không còn có dịp trốn nhà, chạy qua dì Hoa chơi nữa. Từ đó tôi gia nhập băng đảng trong trường. Thoạt tiên tôi chỉ đi theo. Một thời gian sau, tôi bắt đầu hút xách, đánh nhau... Mỗi lần bước chân về tới nhà, gặp tôi, ông ấy mở miệng chửi. Tôi bỏ về phòng đóng cửa lại. Nhưng, gặp những lúc ông ta buồn, ngồi uống rượu một mình, xỉn, ông không bỏ qua…
— Mày đi đâu vậy?
— Con về phòng…học bài.
— Cái thứ đầu đường xó chợ du côn du đãng như mày thì làm được gì. Rồi cũng lại đi ăn mày mà thôi. Ngồi xuống đây.
Ông Sơn vẫn nói, và thằng Đình vẫn bỏ đi. Ông Sơn cao giọng,
— Mày có nghe tao nói gì không?
— Con phải về phòng học bài. Ngày mai con có bài thi.
— Không có thi cử gì hết. Tao là bố mày. Tao nói sao mày phải làm như vậy. Mày không nhớ gì sao? Bởi không có tao cho nên hồi xưa hai mẹ con mày mới đi ăn mày!
Thằng Đình dừng bước. Nó ngẩng mặt nhìn lên trần nhà. Yên lặng, từ từ quay đầu lại, nó nói từng chữ,
— Con nhớ chứ. Con biết con là con của một người ăn mày. Nhưng riêng bố, bố có biết gì không? Con thà là đi ăn mày. Con không có bố. Chưa bao giờ tôi có bố!
Thằng Đình quay bước, mở cửa đi thẳng ra khỏi nhà.
Người bartender hỏi:
— Mày bỏ nhà đi luôn hả?
— Không. Tôi bỏ qua nhà dượng Ba. Một lúc sau, mẹ tôi len lén đi sang nhà người em. Mẹ thấy tôi đang ngồi chơi cờ tướng với thằng con lớn của dượng Ba. Nhìn tôi, mẹ cười, nụ cười bao dung. Mẹ tôi ngồi nói chuyện với dì Hoa và dượng Ba một hồi. Lúc thấy bà đứng lên đi về, tôi suy nghĩ, và tôi quyết định bỏ ngang bàn cờ tướng. Tôi cũng đứng lên, đi theo mẹ. Cả hai mẹ con cùng đi về.
— Tao không dám nói chắc, nhưng…nhưng nếu trước đó mày không tìm lại được mẹ, mày đã bỏ nhà đi luôn hay không?
Thằng Đình lại xoa xoa vầng trán, rồi nhìn ra khung cửa sổ quán bar,
— Cũng có thể lắm. Nhưng tôi biết tôi vẫn còn Sơ Anna. Bây giờ lớn rồi, đối với tôi, lời dặn của Sơ là một sứ mạng. Tôi phải đi học, phải ra trường, phải kiếm được nhiều tiền, gửi về Viện Cô Nhi. Có những lúc buồn, nằm trong phòng một mình, tôi hay thấy lại hình dáng của Sơ Anna. Tôi thấy Sơ kiên nhẫn dạy cho tôi những bài toán cộng trừ. Tôi thấy Sơ yên lặng ngồi bên đầu giường nhìn tôi nằm khóc vào đêm Giao Thừa. Tôi thấy Sơ lắc đầu nhè nhẹ không đồng ý khi tôi đánh lộn trong nhà cơm của Viện Cô Nhi, và Sơ nghiêm khắc nói, “Con không được làm như vậy”. Nhớ tới Sơ Anna, sau khi tốt nghiệp Trung học, tôi thôi không liên lạc với nhóm bạn cũ. Nhớ tới Sơ Anna, tôi ghi danh học đại học, vừa học vừa đi làm trong trường.
Trong những năm vừa qua, tôi sống nội trú, không một lần bước chân về nhà. Riêng mẹ, tôi gặp thường xuyên vào những ngày cuối tuần. Mẹ tôi mang thức ăn Việt Nam đến cho tôi...
Mấy đứa bạn hay rủ tôi về nhà của tụi nó mùa Noel. Nhưng tôi từ chối. Noel, tôi thích nằm trong phòng một mình, nghe nhạc. Tôi thích bài The Little Drummer Boy. Thằng nhỏ trong bản thánh ca nghèo quá. Nó không có gì khác hơn ngoại trừ cái trống trên đôi bàn tay. Nhưng nó vẫn hạnh phúc hơn tôi, bởi ít ra nó còn có cái trống. Tôi, tôi cảm thấy đôi tay mình trống trơn. Lật tới lật lui hai bàn tay, tôi chỉ thấy tôi với một đời sống trống trải buồn tênh. Liếc mắt nhìn lại một khoảng thời gian đã trôi qua, tôi chỉ thấy đêm đen bóng tối. Sau lễ Nửa Đêm, tôi đi về phòng, mở nhạc Giáng Sinh nghe, rồi chìm vào giấc ngủ. Có lần, vào một buổi tối trước ngày Giáng Sinh, tuyết rơi trắng xóa ngoài đường. Buồn quá, tôi lội tuyết đi lang thang một mình. Gió ngoài đường lạnh buốt đến nỗi sờ không thấy tai. Bất ngờ tôi thấy quán rượu của ông...
Người bartender nhíu mày, dáng điệu suy nghĩ. Chống tay lên cằm, ông ngập ngừng,
— Chắc…chắc tại mày buồn khi thấy gia đình người ta…xum họp quây quần với nhau chứ gì?
Thằng Đình liếc nhìn ông không nói gì. Ông Ricô lại hỏi,
— Sao không về nhà dượng Ba của mày?
Đình hít một hơi dài, rồi thở ra,
— Hồi xưa tôi tưởng đó là căn nhà của mình. Bây giờ lớn rồi, tôi không còn cảm giác đó nữa. Dì Hoa không phải là mẹ tôi. Dượng Ba thương tôi, tôi thương dượng Ba, nhưng người đó không phải là bố tôi.
Thằng Đình đổi lại tư thế. Nó đưa hay tay ra đằng sau, xoa nắn hai bờ vai một hồi,
— Vào năm thứ ba của đại học, tôi ghi danh học một lớp Triết. Vị giáo sư đứng lớp là một Linh mục người Việt Nam…
Trên bục giảng, sau khi viết lên bảng đen chữ Genesis 2—3, Cha Tiến quay xuống, tiếp tục nói,
— Một trong những ý chính mà câu chuyện trong Chương thứ 2 của Sách Sáng Thế Ký muốn trình bày, đó là, con người được sinh ra đời với hạnh phúc, trong hạnh phúc. Vườn Địa Đàng được tạo dựng trước khi con người mở mắt chào đời. Nhưng rất tiếc, theo như Chương thứ 3 của Sáng Thế Ký, hai người đầu tiên đã đi ngược lại với thiên nhiên, và họ phá vỡ thiên nhiên của căn Vườn của thế giới. Thiên nhiên nguyên thủy bị tiêu diệt, thiên nhiên mới bắt đầu hình thành. Từ đó bóng tối của bất hạnh lan tràn trên quả địa cầu. Khổng Tử của Đông Phương cũng có một cái nhìn tương tự như người Do Thái về hạnh phúc. Ông nói, “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, từ nguyên thủy, con người đã mang bản chất tốt lành, bởi vậy, mầm hạnh phúc ngập tràn trong lòng người. Đức Phật thì khác, theo như Ngài, tâm muốn sẽ không mang lại cho chúng ta điều gì khác hơn ngoại trừ niềm bất hạnh...
Thằng Đình giơ tay, ngắt ngang lời vị giáo sư,
— Cha nghĩ sao nếu có những người mới mở mắt chào đời, họ đã sống, họ đã thở ra hít vào hai buồng phổi bầu không khí của bất hạnh. Có những người họ chẳng muốn gì, nhưng bất hạnh luôn luôn gõ cánh cửa tâm hồn của họ. Trong cả hai trường hợp, con nghĩ họ là khổ, họ là bất hạnh. Hay nói ngược lại, họ là hiện thân của khổ, của bất hạnh.
Sau giờ Triết của ngày hôm đó, tôi vô văn phòng gặp Cha Tiến nhiều hơn. Tôi hỏi ông rất nhiều về tương quan giữa con người và bất hạnh. Một khoảng thời gian trôi qua, khi biết ông nhiều hơn, tôi kể cho ông nghe câu chuyện của một người có bố có mẹ, nhưng trở thành mồ côi. Sau cùng nó gặp lại mẹ, nhưng vẫn cảm thấy lạc loài không có bố. Tôi nói cho ông biết có những tối trong khi đang ngồi học bài, tự nhiên nó nổi giận với mình, nổi giận với cuộc đời. Nó muốn nổi lửa đốt cháy căn phòng và đốt cháy nó! Mùa xuân có đôi chim Cardinal làm tổ ngay cửa phòng. Chim mẹ ấp, trứng nở với chỉ một chú chim con. Chiều chiều bên khung cửa, nó thấy con chim bố đỏ rực đứng trên cành cây âu yếm nhìn con chim mẹ mỏ đỏ tha mồi về ríu rít nuôi con. Có một buổi chiều, nổi giận, nó mở cửa số vươn mình ra ngoài khung cửa bắt chim con. Nó muốn bóp nát chú chim non đang kêu chim chíp dẫy dụa trong lòng bàn tay. Vào những lúc nổi giận, nó lại thấy Sơ Anna áo dòng trắng toát. Sơ nheo mắt nhìn nó. Sơ cười bao dung, thông cảm, và Sơ lắc đầu. Sơ nói, “Con không được làm như vậy”. Nó mở cửa phòng, bỏ đi ra ngoài, hoặc lần bước tới quán bar, ngồi uống rượu. Tôi hỏi Cha Tiến, tại sao tôi đã sinh ra và lớn lên trong bất hạnh?
— Rồi ông ấy nói sao?
Ngồi thẳng lưng lên, hai tay chống cằm, Cha Tiến nhìn thẳng vào mắt thằng Đình,
— Cha không biết. Cha không có câu trả lời. Mừng cho con cuối cùng đã gặp lại mẹ. Buồn cho con vì vẫn không có bố. Giận bố con vì ông ta không tế nhị với con. Nhưng Đình à, cuộc đời là một tổng hợp của buồn và vui, khóc và cười. Nếu người ta chỉ chú trọng vào buồn và khóc quá nhiều, cuộc đời của người đó biến thành bất hạnh, tràn đầy bất hạnh. Nếu người ta chú tâm vào những khía cạnh vui và cười, cuộc đời của người đó sẽ vơi bớt đi những khổ đau. Con sinh ra trong bất hạnh, lớn lên trong bất hạnh. Nhưng con ít khi để ý đến một điều, đó là, cuộc đời bất hạnh của con cũng có rất nhiều giây phút con được sống trong hạnh phúc, sống với hạnh phúc. Bà ngoại là một hạnh phúc của con; dượng Ba là một hạnh phúc của con; Sơ Anna là một thiên thần mang đến cho con biết bao là hạnh phúc; mẹ con một thời tưới nước vun trồng cây bất hạnh trong con, nhưng người đó đã nhổ cây đi, trồng lại trong con cây hạnh phúc mới.


Đứng dậy, ông tiến sát tới cửa sổ của văn phòng, nhìn ra bên ngoài. Trời mùa xuân tháng tư với cỏ cây xanh mướt như đang hớn hở lũ lượt rủ nhau đứng dậy vươn cao. Quay mặt lại, ông nhìn thằng Đình,
— Nếu con nhắm mắt lại, đời con tràn đầy bóng tối, con hóa thành bóng tối, con là hiện thân của bóng tối. Nhưng nếu con mở mắt ra, đời con tràn đầy ánh sáng, con hóa thành ánh sáng, con là hiện thân của ánh sáng, con thành ánh sáng cho nhiều người. Nhắm mắt lại, con chỉ thấy con và niềm bất hạnh, con hóa thành bất hạnh, con là hiện thân của bất hạnh, và con tạo ra bất hạnh cho những người sống chung quanh. Mở mắt ra, con sẽ nhận thấy không phải chỉ có một mình con khổ; mẹ con khổ; bố con, người con không nhận là bố cũng khổ; bà ngoại con vào giây phút gặp mẹ con sống cuộc đời hành khất cũng khổ; dượng Ba con cũng khổ bởi ông ấy cũng là một thằng bé mồ côi; bao nhiêu em bé trong Viện Cô Nhi Tình Thương của Sơ Anna cũng khổ; cả lục địa Phi Châu người ta đang khổ. Bao nhiêu là người trên thế giới đang sống và hít thở sự khổ.
Đình à, chỉ nhờ vào một hành động nhắm hoặc mở, đời của một người sẽ đổi thay.
oOo
Nhận ra hình dáng của thằng Đình qua những cánh cửa sổ bằng kiếng của quán bar, ông Ricô bước hẳn ra khỏi quầy rượu. Người bartender mở cánh cửa quán rồi giang rộng hai tay ôm chầm lấy thằng Đình,
— Thằng nào đây? Lạy Chúa tôi, tao tưởng không bao giờ gặp lại mày nữa.
Khoác vai thằng Đình, ông dẫn nó tới quầy rượu.
— Lại đây, lại đây. Tao tặng mày một ly rượu. Ồ không, mày muốn bao nhiêu ly tao cho mày uống bấy nhiêu.
Ấn nó ngồi xuống ghế, người pha rượu nói huyên thuyên không cho thằng Đình có dịp mở miệng,
— Brandy Manhattan hay Absolut Vodka? Mày thấy không, tao vẫn nhớ gu rượu của mày. Nhìn cái ghế của mày đi, đó, nó vẫn còn nằm y nguyên chỗ cũ. Từ hồi mày biến mất khỏi thành phố, đôi khi nhìn thấy cái ghế, tao lại nghĩ tới mày, tao thắc mắc không biết thằng này đang đầu đường xó chợ ở nơi nào.
Thằng Đình cảm động trước sự ân cần của người bạn cũ. Ngồi xuống, nó cố gắng bắt kịp câu chuyện với ông Ricô,
— Xin lỗi, thành thật xin lỗi…
Chưa nói xong nó đã bị người pha rượu chặn ngang,
— Tao gọi mày hai ba lần, nhưng tổng đài nói số điện thoại đã bị cắt. Muốn kiếm mày ở nhà, tao cũng không biết địa chỉ. Thời gian đầu tiên, nhớ mày quá sức, tao buồn gần chết. Có hai ba lần tao ghé đại vào khu phố Việt Nam lêu bêu đi tới đi lui kiếm mày. Cuối cùng tao chịu thua.
Khi ông Ricô đã chịu dừng lại, thằng Đình nheo mắt, tay vuốt nhè nhẹ đầu mũi chăm chú nhìn người bartender,
— Cám ơn, cám ơn. Tôi nghĩ ông lại…lại nói quá rồi. Không có tôi, ông vẫn sống vui, sống khỏe. Xin lỗi nhé, tôi thấy ông có gầy mòn hư hao một chút nào đâu.
Người bartender bỏ ngang công việc nhìn xuống bụng. Xoa nắn cái bụng tròn căng, ông lắc đầu,
— Nữa, mày vẫn chưa bỏ được cái tật ăn nói chua cay.
Đi lại quầy rượu, ông đẩy về phía thằng Đình ly Brandy Manhattan, tay còn lại nâng cao ly beer,
— Uống mừng ngày gặp lại mày, người bạn nhỏ.
— Mừng ngày gặp lại ông, ông bạn già.
Người bartender và thằng Đình cùng đưa ly beer và ly rượu lên miệng uống một hơi. Đặt ly beer còn vương lại một chút bọt dưới đáy xuống mặt bàn, ông Ricô nhìn ly thủy tinh còn sót lại những cục đá và trái cherry đỏ của thằng Đình,
— Chà, lâu quá rồi mới uống được một ly beer ngon như ngày hôm nay. Ê, nói tao nghe mày đi đâu mà biệt tăm biệt tích hơn ba năm rồi?
Thằng Đình ngồi thẳng lưng lên, ngón tay trỏ lắc qua lắc lại,
— Hêy, không có bị gậy đi ăn mày như ông tưởng đâu. Tôi từ bên Ghana mới về.
Mắt ông Ricô trợn tròn,
— Ghana ? Ghana nào? Ghana là thành phố nào vậy?
Thằng Đình chống tay lên má trái, nghiêng người qua một bên, miệng cười, đầu lắc qua lắc lại,
— Ông về học lại Địa Lý đi. Ghana không phải là thành phố. Ghana là một quốc gia nằm ở Tây Bắc của Phi Châu.
Không phiền hà với kiểu nói châm biếm quen thuộc của thằng Đình, ông Ricô hỏi tới, giọng đượm vẻ hiếu kỳ,
— Mày làm gì bên đó?
Thằng Đình đưa hai ngón tay trỏ lên ngang với tai, vẫy vẫy,
— Tôi đi làm cho “hãng” Peace Corps.
Người bartender vỗ tay lên trán, cười,
— À! Tao hiểu rồi. Hèn chi.
— Mikô…
Ông Ricô ngắt lời,
— Ai vậy?
Thằng Đình khựng lại,
— Cô người Nhật…có ghé vào đây mấy lần. Ông quên rồi sao?
Ông Ricô nhíu mày suy nghĩ,
— Mikô người Nhật? Ai là người Nhật. À, thôi, tao nhớ ra rồi. Con nhỏ vô quán rượu mà lại uống Coke…
— Chứ chẳng lẽ uống beer…
Thằng Đình hất mặt lên cắt ngang lời nói của người pha rượu. Ông Ricô vẫy tay,
— Thôi, thôi, được rồi. Mày tiếp tục đi.
Thằng Đình dáng vẻ hài lòng, tiếp tục câu chuyện,
— Mikô thích đi du lịch. Cô ta rủ tôi tham gia Peace Corps. Ban đầu tôi cũng hơi ngần ngại... Nhưng sau một tháng ra trường, chưa có công ăn việc làm, tôi quyết định đi theo Mikô sang Ghana. Sau một tháng huấn luyện về Peace Corps, về văn hóa và ngôn ngữ của người Ghana, tụi tôi bắt đầu làm việc.
— Mày làm gì bên đó?
— Mikô làm Y tá. Cô ta tốt nghiệp Y Tá mà. Tôi dạy tiếng Anh và làm trong viện Cô Nhi. Hồi tôi mới tới, Viện Cô Nhi chưa ra đời. Tôi liên lạc với chính quyền địa phương xin được một số vật liệu. Nhờ trợ giúp của dân làng, tụi tôi xây được Viện Cô Nhi Tình Thương II đủ chỗ cho 50 em, cùng hai lớp học, Lớp Mẫu Giáo và Lớp Một. Tôi làm phụ tá cho ông Hiệu Trưởng là người địa phương…
Vừa lắng tai nghe chuyện Ghana , người bartender vừa để ý nhìn khuôn mặt của thằng Đình. Trong ánh đèn mờ mờ của quán rượu, ông thấy thằng Đình gầy hơn xưa. Ông nghĩ, “Chắc nó đen đi nhiều. Cái nắng nung da đốt thịt của Phi Châu có chừa ai đâu. Mấy con mụ khách nạ dòng hồi xưa mà gặp lại thằng này với nước da sạm nắng của dân miền Nam Địa Trung Hải, chắc lại dám về nhà bán hết tàn sản mà dâng cho nó”. Ông thấy thằng Đình đã mất bớt đi nét tinh nghịch trên khuôn mặt, thay thế vào đó là những vẻ trầm tư. “Đương nhiên năm nay nó bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Để coi… 18 tuổi nó ra trường. Thằng này học sáu năm đại học. Hôm đó mình có tham dự Lễ Ra Trường của nó mà… Ba năm đi làm bên Ghana. Chúa ơi, thằng nhãi ranh này đã 27 tuổi rồi”. Riêng cặp mắt của nó, ông thấy đã bớt đi những phiền muộn. Tóc nó vẫn cắt ngắn nhưng không còn bôi keo chải dựng lên như trước. “Chắc tại bên đó không có bán keo bôi tóc”, ông Ricô cười thầm với câu nhận xét của mình về mái tóc không keo của thằng Đình.
— Hêy nhỏ, quên, ông bạn nhỏ. Tha cho tao cái tật quen gọi mày là thằng nhỏ. Mày lớn rồi. Mày về đây bao lâu?
Thằng Đình vuốt tóc nhè nhẹ, rồi đưa hay tay thẳng lên trời bẻ lại lưng,
— Mikô và tôi về nhà nghỉ hè ba tuần. Tụi tôi đã quyết định rồi. Hai đứa sẽ quay về lại Ghana tiếp tục làm việc bên đó. Mikô về Nhật thăm nhà. Tôi về lại Hoa Kỳ thăm mẹ…
Thằng Đình dừng lại giữa chừng, không nói nữa. Tay trái của nó vẫn để yên trên mặt quầy rượu, nhưng bàn tay phải bắt đầu xoay nhè nhẹ ly rượu. Tế nhị, người bartender không nói gì. Thằng Đình trầm ngâm nhìn ly rượu đang xoay tròn chầm chậm từng vòng quay. Nó nuốt nước miếng, cục cần cổ chạy lên chạy xuống. Cuối cùng chống tay phải lên má trái, nó lại nuốt nước miếng, nhưng thôi, không xoay tròn ly rượu.
— Xin lỗi... Tôi…tôi vẫn không có bố...
Nó nói, không nhìn ai. Một thoáng do dự, một phút im lìm, rồi nó ngồi thẳng người nhìn ngay mặt ông Ricô,
— Ông bạn, có thể ông nghĩ tôi là một thằng bất hiếu. Thành thật xin lỗi! Nhưng ông biết, trong lãnh vực tình cảm, không ai ép được ai. Đồng ý không?
Thằng Đình giơ cao tay,
— Khi sinh ra một đứa con, người đàn bà trở thành mẹ, người đàn ông trở thành bố. Nhưng nếu hai người không nuôi dạy đứa bé, họ mất đi quyền làm mẹ làm cha. Mẹ cho tôi tiếng khóc chào đời. Mẹ nuôi tôi hai năm trời, và mẹ bỏ tôi cho những người đàn bà không sinh ra tôi nuôi lớn trở thành thằng bé mười hai tuổi. Khi bắt đầu nhận ra được sự hiện diện của mình trong cuộc đời, tôi chỉ thấy mẹ tôi là bà ngoại, mẹ tôi là dì Hoa, mẹ tôi là Sơ Anna. Tạ ơn Trời, cuối cùng tôi tìm lại được tình mẫu tử. Tôi không còn mồ côi mẹ nữa. Nhưng bố tôi, ông cất bước bỏ tôi ra đi ngay cả trước khi tôi chào đời. Có thể ông ta đổ lỗi là tại hoàn cảnh. Thì cũng được đi. Nhưng tới ngày gặp lại tôi, ông đòi quyền làm bố. Chuyện đó không xảy ra được. Tôi không cảm thấy người đàn ông đón tôi ở phi trường là bố. Suốt năm năm trời sống trong căn nhà của ông ta, người đó cũng không làm được điều gì khác hơn để bắt đầu cho một liên hệ tình cảm chưa bao giờ có mặt trên cuộc đời.
Thằng Đình mím môi, cương quyết,
— Tuổi thơ của tôi đã trôi qua. Tôi không sống lại được một lần nữa thời gian thơ ấu. Tôi biết có một khoảng thời gian tôi và bóng tối là một; nhưng tôi không muốn tiếp tục ngồi trong bóng tối than khóc nữa. Tôi muốn sống với ánh sáng. Và tôi đi làm cho “hãng” Peace Corps.
Chấm dứt hàng chữ cuối cùng, nhắc đến hai chữ Peace Corps, thằng Đình nhè nhẹ bỏ hai tay lên bàn. Ánh mắt dịu lại, nó vừa cười vừa xoa xoa mái tóc,
— Ông biết gì không? Trước khi sang Ghana, tôi viết thư cho Sơ Anna. Bên Ghana tôi cũng gọi điện thoại về Việt Nam nói chuyện với Sơ. Tôi nói, “Sơ ơi, con không có nhiều tiền gửi về cho Sơ nuôi các em”. Sơ cười, “Lo gì con. Có nhiều người trên thế giới gửi tiền về cho Sơ rồi”. Sơ Anna cũng nói bây giờ Sơ hết bán bánh cuốn rồi. Tôi hỏi tại sao? Sơ nói là tại vì không có ai đứng phụ bán nữa, Sơ phải dẹp gian hàng bánh cuốn buổi sáng. Ông biết tại sao Sơ nói vậy không? Hồi xưa, sáng sáng tôi phụ Sơ bày hàng bán bánh cuốn. Sơ ngồi bán, tôi chạy bàn, rửa chén đĩa. Sơ nói bây giờ Viện Cô Nhi Tình Thương nuôi được hơn 100 em. Hồi xưa, ông biết không, Mẹ Bề Trên với Sơ chỉ nuôi được khoảng 25 em.
Ông Ricô nheo mắt,
— Con Maria cứ hay hỏi tao về anh Đình?
Thằng Đình giọng hiếu kỳ,
— Giờ nó làm gì?
Ông Ricô ưỡn ngực ra, điệu bộ hãnh diện,
— Đại học năm thứ hai. Mày biết không, nó cũng học Tâm Lý.
Thằng Đình cười,
— Nó có ở nhà chiều mai không?
Người pha rượu ngập ngừng,
— Chắc có, mùa này…tao thấy…hình như nó chỉ có lớp sáng.
Thằng Đình vươn người tới, ngực dựa sát quầy rượu,
— Chiều mai tôi ghé nhà chơi được không? Ông nấu món Spaghetti truyền thống của Ý đi.
Gãi gãi đầu mũi, nó tiếp tục,
— Tiện thể tôi sẽ báo cho nó biết, nếu vẫn coi tôi là anh, nó hãy chuẩn bị mua quà cho thằng cháu của nó đi.
Người bartender mở căng đôi mắt kinh ngạc. Bây giờ ông mới nhận ra cái nhẫn vàng đeo trên ngón tay trái áp út của thằng Đình. Hai tay ôm chặt lấy má, miệng tròn há hốc, ông kêu lên,
— Lạy Chúa tôi! Mày lập gia đình lúc nào?
Thằng Đình ngửa người ra sau, hai tay khoanh lại, lưng dựa vào ghế,
— Hơn một năm rồi. Tụi tôi làm đám cưới bên Ghana, trong Nguyện Đường Thánh Phaolô của Viện Cô Nhi Tình Thương II. Xin lỗi nhé, bữa đó không mời ông. Xa quá, làm sao ông có đủ tiền mua vé đi Ghana tham dự lễ cưới.
Người bartender lắc đầu cười dòn tan, tiếng cười reo vui lồng lộng quán rượu nửa đêm!
Nguyễn Trung Tây

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,009,966
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến