Hôm nay,  

Lá Thư Gởi Mẹ - Mười Hai Năm Sau

11/05/201300:00:00(Xem: 575613)
Tác giả là một thuyền nhân, vượt biên tháng 12 năm 1983; đến Mỹ tháng 1 năm 1985, là một Design Engineer, hiện định cư và làm việc tại San Jose. Năm 2000, ông Đức làm thủ tục xin cho Mẹ sang Mỹ theo diện du lịch. Tuần báo Việt Mercury tại San Jose thời ấy có cử phóng viên phỏng vấn và viết bài về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con. Mười hai năm sau, kỹ sư Trần Đình Đức kể lại câu chuyện về Mẹ, nhân ngày Mothers Day 2013.

Hình ảnh kèm theo:
image001
Hình chụp ở phi trường San Francisco ngày 23 tháng 4 năm 2000.
image003
Lễ chúc thọ tại nhà hàng ABC, Milpitas 14 tháng 5 năm 2000.
image005
Hình đám cưới 15 tháng 7 năm 2000.
Mặc dầu đã về VN thăm gia đình hai lần sau mười lăm năm xa cách, nhưng kể từ năm 2000 khi việc đi du lịch từ Việt Nam qua Mỹ được chấp thuận thì tôi mơ ước Mẹ tôi qua Mỹ du lịch. Tôi mong bà thấy được đời sống ở Mỹ trước khi quyết định ở gần với con cái và hưởng được nhiều tiện ích của xã hội Mỹ.

Tôi dò hỏi vài cơ sở dịch vụ bảo lãnh và hai văn phòng di trú, tất cả đòi giá từ tám trăm đến một ngàn năm trăm đô la. May mắn làm sao, tôi đã ghé thêm một nơi không có vẻ gì liên quan tới du lịch là AA Tax Service ở đường Santa Clara. Họ chỉ lấy có bốn mươi đô la tiền giấy tờ bao gồm luôn thị thực chữ ký. Tôi chỉ cần điền đơn bảo lãnh kèm theo giấy chứng nhận của hãng đang làm việc và số tiền hiện có trong nhà băng rồi gởi hết giấy tờ cho Mẹ tôi ở Việt Nam. Bà đã đem giấy tờ đến toà lãnh sự ở Sàigon nộp đơn xin du lịch. Sau đó Mẹ tôi đóng bốn mươi lăm đô la để được làm hẹn phỏng vấn. Sau khi đậu phỏng vấn Mẹ tôi đóng thêm sáu mươi đô la cho chiếu khán sáu tháng.

Mặc dầu bận rộn đi làm nhưng tôi vẫn hồi hộp mong đợi cho thủ tục trôi chẩy để gặp lại Mẹ trên đất Mỹ. Sau khi mua vé và có đủ ngày giờ máy bay sẽ đáp xuống phi trường, tôi báo cho Cậu và Dì cùng đón. Đi cùng tôi ngoài thân nhân còn có nhà báo Đức Hà của Việt Mercury đi theo để viết bài phỏng vấn về việc du lịch Hoa Kỳ của người Việt vì trong thời điểm năm 2000, Mẹ tôi là một trong những người đầu tiên được sang Mỹ du lịch.

Sau khi chuyện này được ghi lại trong bài phỏng vấn của anh Đức Hà đăng trên báo Việt Mercury ngày 12 tháng 5 năm 2000 thì nhiều người gọi lại tôi hỏi thăm thể thức bảo lãnh cho thân nhân đi du lịch Hoa Kỳ. Không biết anh Lộc Trần ở AA Tax Service có được thêm nhiều khách hàng không.

Khi Mẹ tôi đi ra, tôi không cầm được nước mắt chỉ sau hơn một năm mà Mẹ tôi tiều tụy đi rất nhiều. Tôi trao bó hoa và ôm hôn Mẹ tôi mà nước mắt lưng tròng. Sau đó, tôi đưa Mẹ về nhà hàn huyên tâm sự với người thân. Tối hôm ấy hai Mẹ con nói với nhau rất nhiều điều, tôi vui sướng khi được nằm bên Mẹ như thuở còn thơ.

Tôi bắt đầu hoạch định chương trình du lịch nước Mỹ lẫn Canada. Trước hết tôi phải dọ hỏi mua bảo hiểm du lịch cho Mẹ. Sau khi hỏi thăm vài chỗ tôi mua được bảo hiểm du lịch cho sáu tháng là gần một ngàn ba trăm đô la. Trong thời gian đó, nếu có đi bác sỹ thì phải trả tiền trước rồi gom tất cả biên nhận lại gởi cho họ một lần, sau đó họ sẽ trả lại tiền cho mình.

Đưa Mẹ tôi đi thăm thắng cảnh và bà con họ hàng xong tôi đặt phòng ở khách sạn Bellagio, Las Vegas cùng vé máy bay. Las Vegas cảnh trí như chốn thần tiên mà Mẹ tôi chưa từng thấy bao giờ. Mẹ nói cái gì cũng đẹp hơn ở Thái Lan và Singapore mà bà từng đi qua. Mẹ ngồi kéo máy một đồng cho hết hai trăm đồng tôi đưa cho Mẹ rồi cùng tôi đi coi show. Tuy rất thích khi được đi xem cảnh, nhưng điều tâm huyết của Mẹ tôi khi đi du lịch là ghé Canada để thăm người anh ruột hiện đang ở viện dưỡng lão thuộc thành phố Montreal. Khi gặp mặt Bác, Mẹ tôi ôm hôn Bác và khóc thật nhiều mặc dù Bác chẳng biết gì vì ông đang sống đời thực vật. Sau đó, Mẹ tôi cùng gia đình đi thăm bến tàu Quebec và nhà triển lãm Montreal Biodome rất lớn với vô số động vật trên bờ, dưới nước cũng như cây cảnh đặc sắc trong nhà lẫn ngoài trời.

Kế tiếp tôi chọn ngày làm lễ mừng thọ cho Mẹ tôi tại nhà hàng ABC ở Milpitas. Tôi nhờ anh bạn vẽ và in thiệp mời. Vì không biết gì về nữ trang tôi nhờ bà chị họ đi cùng với tôi và Mẹ đi chọn một vòng bằng vàng nạm hột xoàn để làm quà tặng cho Mẹ.

Tối hôm trước ngày lễ chúc thọ tôi thức cho đến khuya để viết lá thư gởi Mẹ. Vừa viết vừa lau mắt mà nước mắt vẫn cứ trào ra lã chã trên trang giấy. Thư viết bằng bàn phím PC không có dấu Việt ngữ, biết là mẹ không thể đọc nổi trang chữ không bỏ dấu nên tôi chưa chưa có dịp đưa lá thư cho mẹ.

Lần này Mẹ đến Mỹ làm tôi hồi tưởng đến lần Mẹ lặn lội đi thăm tôi ở trong rừng Đồng Phú, nơi tôi bị giam về tội vượt biên năm 1979. Mẹ tôi đi xe ôm qua những con đường mòn ngoằn ngoèo vào thăm nuôi tôi trong trại tù. Vì đường rừng trơn trợt nên xe Honda bị té, Mẹ tôi gãy tay phải bó bột cả tháng trời. Cuối cùng cánh tay cũng lành nhưng cổ tay của bà bị lệch không ngay lại được.

Vất vả, đau đớn Mẹ tôi vẫn không sờn lòng, bà tiếp tục đi tìm đầu mối vượt biên cho tôi. Tới lần thứ chín tôi mới thoát sau hai lần ở tù. Mẹ tôi đã hao mòn thể xác sau bao lần gánh vác bao bị đi thăm nuôi thằng con lận đận. Những lần vượt biên của tôi làm cho Mẹ lo lắng, mất ăn mất ngủ. Vậy mà tôi chưa hề thấy mẹ tôi than thở một tiếng nào mà chỉ mong cho con mình có được một tương lai tươi sáng. Đúng là tình Mẹ bao la như biển Thái Bình. Mỗi lần nghe Phi Nhung ca bản Ơn Nghĩa Sinh Thành là tôi không cầm được nước mắt. Từ nhỏ tôi đã thấy mẹ tôi không bao giờ nghĩ đến mua sắm thứ gì riêng cho mình mà chỉ biết lo cho gia đình đầy đủ. Do đó lúc nào tôi cũng nghĩ đến cách nào để có thể đền bù lại phần nào sự hy sinh của Mẹ tôi.

Ngày tôi mong đợi cũng đã đến. Tất cả bà con và bạn bè kể cả hai vợ chồng ông xếp của tôi cũng như anh Đức Hà đều có mặt. Các Cậu và Dì cùng nhau tặng tấm kim khánh bằng vàng cho Mẹ. Tôi rất xúc động khi đeo chiếc vòng cho Mẹ tôi. Cậu tôi là Bác Sỹ Đinh Xuân Dũng, cựu Dân Biểu tỉnh Bình Thuận đã tặng cho Mẹ bài thơ 'Chị Tôi' làm Mẹ tôi rất cảm động.

Chị tôi thôn nữ Quảng Bình
Huyện là Quảng Trạch, Thọ Linh thôn nhà
Xóm Chùa nỗi bật nhà cao
Cau buồng thẳng lối, mía lau đầy hàng

Chị tôi con Bác Nghè Hai
Ngày gieo ruộng mạ, tối mài bột khoai
Trong ngoài quán xuyến hai vai

Gia đình sung mãn trổ tài đảm đang

Mùa Thu Tháng Tám năm xưa
Chiến tranh lan đến xóm Chùa ấm êm
Chị tôi khăn gói trong đêm
Theo đường xe lửa thẵng lên Sài Thành

Nhờ tài tháo vác kinh doanh
Chị tôi xuất nhập, tung hoành một phương
Tính tình đôn hậu người thương
Hết tư sản đánh vẫn vương nếp nhà

Hai con vượt biển an toàn
Khổ công mài sắt ắt thành công thôi
Ca Li đất hứa cưu nôi
Ngày nay đón Mẹ bõ công sinh thành

Hôm sau một người học trò rất quý tôi đã gọi lại xin lỗi vì đi lạc nên không dự được lễ chúc thọ Mẹ tôi mặc dù đã ăn mặc đẹp đẽ rồi cùng vợ và con nhỏ lái xe gần hai tiếng đường xa. Họ đi lạc ở khu ngay bên cạnh nhưng vì không đem theo thiệp mời nên không tìm đến được.

Điều tâm niệm thứ hai trong chuyến đi của Mẹ là chuyện cưới vợ cho tôi.

Mẹ tôi đem hình và địa chỉ của một cô gái ở Việt Nam mà Mẹ khen là vừa xinh vừa giỏi làm ăn. Tôi kể với Mẹ là tôi đang quen một cô ở Mỹ nhưng chỉ mới nói chuyện qua điện thoại. Mẹ tôi dục phải bay xuống gặp cô ấy ở Nam Cali, nếu hợp thì tiến tới vì Mẹ tôi sốt ruột chuyện tôi lấy vợ đã bao năm trời. Nghe lời Mẹ tôi bay xuống gặp cô bạn để tìm hiểu nhiều hơn. Lúc trở về Mẹ tôi hỏi ngay xem “kết quả” ra sao. Tôi thấy vợ tương lai của tôi hiền, tánh tình lại tốt nên tôi hỏi nàng “Anh ước có được em làm vợ anh, em có bằng lòng không? Sẵn Mẹ anh có mặt ở đây, anh mong Mẹ được chứng kiến được đám cưới của chúng mình.” Có lẽ vì thương tôi quá thật tình, nên sau khi tôi năn nỉ, thuyết phục lần thứ hai, vợ tôi đã gật đầu.

Ngày cưới chúng tôi có cả gia đình nhà vợ từ Nam Cali lên dự cũng như tất cả bà con họ hàng, cùng bạn bè tôi ở Mỹ. Anh bạn văn nghệ của tôi là Bác Sỹ Đặng Phương Trạch đã tặng bài thơ mừng ngày thành hôn có ghép tên chúng tôi như sau:

Duyên phận đẹp đôi nhờ phước Đức
Tình yêu vừa gặp chẳng phân Vân
Từ nay chung hướng, đời chung mộng,
Hạnh phúc trăm năm vẫn tuyệt trần...

Chỉ có hai vợ chồng tôi sắp đặt mọi thứ, tuy không được hoàn hảo nhưng Mẹ tôi rất vui và hài lòng. Cuối cùng bà cũng đã được dự đám cưới của thằng con út.

Chuyến du lịch sang Mỹ của Mẹ tôi đã đem lại cho tôi những hạnh phúc không bao giờ quên được. Từ lúc đặt chân qua Mỹ, tôi ao ước được cùng Mẹ đi chùa trong ngày lễ Vu Lan. Ngày Vu Lan năm 2000, tôi đã được toại nguyện khi cùng Mẹ và vợ đi chùa Đức Viên để cầu an cho Mẹ. Lòng tôi dạt dào hạnh phúc vì có Mẹ trong ngày mà tôi đã ao ước từ lâu. Cài lên áo chiếc bông hồng đỏ, tôi nghĩ đến bài hát “Bông Hồng Cài Áo” mà lòng rộn ràng khó tả. Hai vợ chồng tôi đã vui vầy với Mẹ trong suốt ngày báo hiếu, và đã cùng hưởng niềm hạnh phúc vô bờ của một ngày lễ Vu Lan đầy ắp tình yêu thương của Mẹ.

Ở bên Mẹ, tôi như được sống lại thời thơ ấu. Những kỷ niệm xa xưa bỗng tràn về ngập trong lòng. Tôi nhớ lại trước ngày tựu trường lớp Ba tiểu học, tôi dặn Mẹ mua cho tôi giày mới. Tối hôm đó tôi ngồi đợi Mẹ trước cửa nhà mà lòng nôn nóng không biết Mẹ có về kịp để mua giày trước khi trời tối không? Khi Mẹ về tới nhà thì trời đã sập tối mà giày thì chưa có, Mẹ đã quên mất vì bận lo buôn bán cả ngày. Tôi hờn dỗi nói rằng tôi sẽ không đi học ngày mai nếu không có giày mới. Nghe vậy Mẹ tôi không kịp nghỉ ngơi, chạy đi gõ cửa gần chục tiệm giày ở đường Lê Thánh Tôn, năn nỉ người ta mở cửa để Mẹ lựa giày cho tôi. Tôi rất vui khi Mẹ đem về đôi sandal mà tôi ưng ý. Nhớ lại chuyện xưa, tôi ngậm ngùi vì lòng thương con vô bờ bến của Mẹ và càng quý báu những phút bên Mẹ.

Cuộc hội ngộ nào rồi cũng trôi qua. Hai vợ chồng tôi bịn rịn chia tay với Mẹ ở phi trường. Mẹ tôi chắc là rất mãn nguyện với chuyến đi thăm nước Mỹ vì đã thực hiện được cả hai mục đích. Tôi luôn cầu mong Mẹ sẽ trở lại và sống với vợ chồng tôi suốt quãng đời còn lại.

Tuy vậy, Mẹ tôi đã không qua sống với chúng tôi.

Hôm nay, tôi lấy ra bức thư đã viết hơn mười hai năm trước mà chưa trao cho Mẹ. Đọc lá thư mà nước mắt tôi chảy ròng ròng.

Kính gởi Mẹ hiền dấu yêu,

Bao nhiêu đêm thao thức nghĩ đến ngày được ôm hôn Mẹ trong vòng tay làm lòng con rộn ràng không bút nào tả nổi. Sau bao đêm trằn trọc trong giấc ngủ chập chờn, nay đã đến ngày tái ngộ. Trên đường đi đón Mẹ mà lòng con thắc mắc không biết giờ Mẹ ra sao? Có gầy đi vì những âu lo, chờ mong như con không? Hay sự thương nhớ có làm héo mòn thêm tấm thân đã gầy theo năm tháng của tuổi xế chiều cô đơn? Con hồi hộp quá, trái tim con muốn vỡ tung ra.

Mẹ ơi, Mẹ có biết con thương nhớ Mẹ lắm không? Mẹ là người mà con hằng kính yêu nhất trần đời, không có gì đánh đổi với Mẹ được. Mẹ là tất cả của đời con, đã cho con những gì ngọt ngào nhất. Chúng con được như ngày hôm nay là do công lao của Mẹ đã khó nhọc, vất vả đầu tắt mặt tối để nuôi nấng chúng con. Vậy mà con còn bao lần làm khổ Mẹ vì không nghe lời Mẹ dạy. Hai hàng nước mắt của con cứ tuôn rơi khi nghĩ đến Mẹ phải lặn lội từ Việt Nam qua đây để thăm chúng con. Mẹ ơi, bao ơn sâu nghĩa nặng làm sao chúng con đền trả.

Nay con được gặp Mẹ rồi! Con nhớ mãi hình ảnh Mẹ run run đẩy chiếc xe hành lý với tất cả mệt nhọc của cuộc hành trình vượt đại dương. Giờ đang được ở bên Mẹ, con muốn không bao giờ xa rời nữa, con mong được ở gần Mẹ mãi mãi để được nuông chiều như lúc còn thơ.

Con muốn được chăm sóc lo lắng cho Mẹ như Mẹ đã từng lo cho con. Con sẽ không làm cho Mẹ buồn rầu lo lắng nữa. Mắt Mẹ đã mờ nhiều rồi. Nhiều khi con tưởng như Mẹ không còn nước mắt nữa vì nước mắt Mẹ đã đọng hết lại thành cườm.

Mẹ ơi, hôm nay con muốn tạ ơn Mẹ, người đã cho con sự sống, cho con biết thế nào là tình mẫu tử, và dạy dỗ cho con tới ngày khôn lớn. Sức sống, niềm tin, và tất cả những gì con có hôm nay đều là từ tay Mẹ. Xin Mẹ hãy nhận nơi đây lòng kính trọng và biết ơn sâu xa của một người con của Mẹ.

Một năm không chỉ có một ngày của Mẹ mà mỗi ngày đều là ngày của Mẹ trong lòng con. Xin Mẹ hãy đón nhận những đoá hoa hồng con dâng Mẹ để tạ ơn sinh thành và nuôi dưỡng, dù con biết rằng chẳng có gì sánh được công ơn Mẹ.

Trần Đình Đức

San Jose, Ngày 13 tháng 5 năm 2000

Tôi mong rằng Mẹ tôi đâu đó ở cõi vĩnh hằng đọc được lá thư này, lá thư của thằng con trai út mới bỏ dấu Việt ngữ sau mười hai năm.

Trần Đình Đức

Ý kiến bạn đọc
14/12/202403:06:50
Khách
Xin mời Quý vị xem cuốn phim theo cái link sau đây: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=pfbid02nZVB3RKfci9Sb5h1ueFBMkYWQPWPimSFd91cWszABG5tJ9UR5HfcPfVWKfFqdTFcl&id=100012613657744&mibextid=pjQu9i
07/08/201314:08:58
Khách
Cám ơn Cô Hồng Hạnh đã có lời khen tặng. Phận làm con phải có hiếu với đấng sinh thành ra mình thì mới phải đạo làm người.
11/05/201316:27:46
Khách
Tác giả là một người con thật có hiếu,hiếm thấy tình cảm sâu sắc của con trai đối với mẹ dạt dào đến như vậy.Cám ơn tác già có một bài ý nghiã nhân ngày Lễ Mẹ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,060,116
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Bút hiệu của tác giả là tên thật. Bà cho biết sinh ra và lớn lên ở thành phố Sài Gòn, ra trường Gia Long năm 1973. Vượt biển cuối năm 1982 đến Pulau Bibong và định cư đầu năm 1983, hiện đã nghỉ hưu và hiện sinh sống ở Menifee, Nam California.
Tháng Năm tại Âu Mỹ là mùa hoa poppi (anh túc). Ngày thứ Hai của tuần lễ cuối tháng Năm -28-5-2018- là lễ Chiến Sỹ Trận Vong. Và Memorial Day còn được gọi là Poppy Day. Tác giả Sáu Steve Brown, một cựu binh Mỹ thời chiến tranh VN, người viết văn tiếng Việt từng nhận giải văn hóa Trùng Quang trước đây đã có bài về hoa poppy trong bài thơ “In Flanders Fields”. Nhân Memorial sắp tới, xin mời đọc thêm một bài viết khác về hoa poppy bởi Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Tác giả 58 tuổi, hiện sống tại Việt Nam. Bài về Tết Mậu Thân của bà là lời kể theo ký ức của cô bé 8 tuổi, dùng nhiều tiếng địa phương. Bạn đọc thấy từ ngữ lạ, xin xem phần ghi chú bổ túc.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, là bài mới viết về đứa con phải rời mẹ từ lúc sơ sinh năm 1975, hơn 40 năm sau khi đã thành người Mỹ ở New York vẫn khắc khoải về người mẹ bất hạnh.
Tác giả sinh trưởng ở Bến Tre, du học Mỹ năm 1973, trở thành một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, hiện đã về hưu và an cư tại Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, đã nhận giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông nhân Ngày Lễ Mẹ kể về người Mẹ thân yêu ở quê hương.
Hôm nay, Chủ Nhật 13, Mother’s Day 2018, xin mời đọc bài viết đặc biệt dành cho Ngày Lễ Mẹ. Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Chủ Nhật 13 tháng Năm là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc bài viết của Nguyễn Diệu Anh Trinh. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng bố và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ bằng cách viết lời giới thiệu và chuyển ngữ từ nguyên tác Anh ngữ bài của một người trẻ thuộc thế hệ thứ hai của người Việt tại Mỹ, Quinton Đặng, và ghi lại lời của người me, Bà Tôn Nữ Ngọc Quỳnh, nói với con trai.
Nhạc sĩ Cung Tiến