Hôm nay,  

Nơi Có Những Nụ Cười Di Lặc

06/09/201200:00:00(Xem: 225472)
viet-ve-nuoc-my_190x135Trước 30/4/1975, Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh từng viết nhiều truyện ngắn trên bán nguyệt san Tuổi Hoa, và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoa - hiện có trên trang mạng: http://tuoihoa.hatnang.com/http://www.camlinguyenthimythanh.comSau ngày 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose, California từ năm 2003; và năm 2009 Cam Li bắt đầu góp cho Việt Báo nhiều bài viết giá trị và nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Xuất Sắc, Viết Về Nước Mỹ 2010. Sau đây là bài viết mới nhất của Cam Li.

1
Ông mở cửa xe, ngạc nhiên một tích-tắc, hỏi con trai:

- Mạ đâu?

Người con trai tròn mắt, chưa biết trả lời sao. Ông ôm lấy đầu, nói nhẹ như gió:

- Ồ, ba xin lỗi. Con… chạy đi!

Xe chạy. Người con trai nín lặng. Ông cũng lặng im. Ông đã tuân theo quán tính lâu nay: mỗi khi lên xe là nhìn thấy bà ngồi sau tay lái. Ông bị một chứng bệnh hiếm gặp về mắt, không chữa được, nên ông đã không lái xe từ nhiều năm rồi. Và bà, hiển nhiên là bà trở thành tài xế cho ông. Mà không chỉ riêng chuyện lái xe, nhất nhất việc gì trong nhà, bà cũng là vị phụ tá đắc lực của ông. Mãi rồi như một lẽ đương nhiên, ông và bà bình yên với những điều ấy.

Và bỗng nhiên ông ao ước rằng ông đang được con trai chở đến phi trường để đón bà, như những lần bà có việc phải đi thăm bạn thân ở xa. Nhiều lần như vậy rồi, ông không đi cùng với bà được, bởi ông nhận làm thông dịch viên tại nhà, tuy có vẻ tự do hơn người đến sở nhưng thời gian hầu như không là của mình, vì ông luôn phải túc trực ở chiếc máy điện thoại từ sáng đến tối. Bà đã về hưu trước ông. Còn ông, ông hứa sẽ về hưu để cùng bà đi đây đi đó. Ông tự cho mình là người “tham việc tiếc công”. Nhưng cũng đã có ngày ông xin về hưu. Ông thôi không làm tại nhà nữa. Ông đã được hoàn toàn tự do…

Ông ra khỏi cơn mê. Phải rồi, từ lúc lên xe đến giờ, ông là người chìm trong giấc mê. Ông mở to mắt như để nhắc mình đối diện với thực tại. Con cháu đã đến đông đủ. Dường như ông là đối tượng được chú ý nhiều nhất. Mọi người nhường bước cho ông. Ông bước tới trước bà. Trong khung ảnh, bà nhìn ông và cười thật dịu dàng. Nụ cười đã bao năm ông không xa rời. Lúc nào cũng vậy.

Nhưng xung quanh ông, không có một ai cười.

Những thủ tục cho một đám tang tiến hành như bao nhiêu đám tang. Ông tiếp khách đến viếng. Ông sắp xếp anh chị em con cháu dâu rể đường hoàng cho một lễ cầu siêu. Ông cũng lẩm nhẩm đọc những câu kinh quen thuộc. Có một lúc ông nhìn lên ảnh của bà. Bà vẫn còn đó, gần gũi và dịu dàng. Chỉ có một điều khác: đó là từ nay bà không thuộc về không gian cũ của bà nữa – căn nhà, mảnh vườn, chiếc xe bà chở ông hàng ngày… Bà cũng không thuộc về ông. Bà thuộc về chiếc quan tài đã đóng kín. Bà đã hiến tặng những gì bà có thể hiến tặng để cuộc sống của nhiều người còn được có cơ hội tiếp nối. Chỉ riêng bộ não của bà là không tuân theo ý bà. Nó đã chết như lời tuyên bố của bác sĩ sau khi mổ não cho bà. Bà bị “stroke” quá nặng. Bà đã ra đi không chút chần chừ.

Và bà cũng sẽ không thuộc về một cái gì nữa. Trong nhà vĩnh biệt, khi dứt hồi kinh, khi ông “giao” bà cho người phụ trách tang lễ, khi ông nhìn chiếc quan tài được đưa vào một khung cửa vuông vức, rồi cánh cửa đóng lại, khi ông nhìn cái nút màu đỏ bên cạnh chữ “Hot”, khi ông rời khỏi khu nhà đó, ông biết rằng từ nay bà sẽ không thuộc về ai, sẽ không thuộc về một cái gì.

2
Vườn cuối mùa xuân. Không, hôm nay đã là ngày đầu mùa hạ. Ngày dài nhất trong năm. Nhưng bóng dáng mùa xuân vẫn còn thấp thoáng trong vườn. Hương mùa xuân vẫn thơm ngát. Những luống hoa ông bà cùng chăm sóc vẫn thắm tươi và ngào ngạt. Hương hoa dễ chịu vô cùng. Những lúc ông làm việc trong nhà, bà ra tưới cây, chăm sóc cho hoa. Ông thường nói với bà rằng ông thích làm vườn hơn là đi du lịch. Bà cũng cùng ý muốn đó, nên bà hứa sẽ làm mọi thứ để mảnh vườn thêm sống động.

Từ một mảnh đất khô khan khi gia đình mới dọn đến, ông bà dần dần vun bón nhiều loại hoa cỏ. Sườn dốc cao đất trơn trợt khó đi đã được biến thành những bậc thang tăm tắp, láng xi-măng. Ông bà muốn có một cái gì thật đặc biệt để trang trí. Bà xem đâu đó trong một “catalogue” sưu tập một bộ tượng Phật Di Lặc, và ông đã nhờ người thiết kế cho một “vườn Di Lặc”. Ai đến cũng trầm trồ khen sáng kiến này. Người khó tính nhất cũng phải nhoẻn một nụ cười vui vẻ. Bởi rải rác trong vườn, trên sườn dốc, những bức tượng Di Lặc nho nhỏ đầy nét hoan hỉ, pha chút khôi hài. Tượng Di Lặc tự mình bịt mắt, tượng Di Lặc bịt tai, tượng Di Lặc bịt miệng, tượng Di Lặc xòe tay…

Bà nói với ông:

- Đúng ra đừng có tượng Di Lặc che miệng.

Ông thú vị nói:

- Ừ! Miệng mà che lại thì làm sao cười, hoặc cười ai thấy? Di Lặc là phải cười. Không cười thì không gọi là Di Lặc.

Bà bâng khuâng nói nhỏ:

- Mình đã có những lúc không thể cười, anh hỉ!

- Ừ! Có những lúc mình không có nụ cười.

Và ông bà cùng lặng im để nghe tiếng chim hót tỉ tê trong vườn. Vâng, đã có những lúc không thể cười. Đó là quãng đời mà bà đi nuôi ông trong tù. Đó là quãng đời ông da diết nhớ nhà, thương vợ nhớ con. Ông vẫn thường ôm cây đàn tự chế của anh em bạn tù và hát như gửi theo mây gió về cho người vợ ở nhà nghe. Những lá thư ông viết cho bà thấm đẫm mùi vị của sự đày ải. Bà cũng vậy, kể cho ông những câu chuyện không thể cười được vì cuộc sống quá cơ cực.

Vườn cuối mùa xuân. Ông vẫn muốn nói rằng mùa xuân còn mãi. Khu vườn Di Lặc tươi vui của chúng ta đây mà! Đâu đâu cũng thấy gương mặt Di Lặc rạng ngời, dù che tai, bịt mắt. Bỗng chốc thấy như mơ màng bóng hình của bà đi thoáng qua. Trên tay bà là đôi đèn nến nhỏ. Bà múa một điệu múa quen thuộc. Múa đèn. Tiếng nhã nhạc vang vọng từ trên dốc. Ông đi lần lên đó. Cô nữ sinh xứ Huế, đằm thắm, e ấp, nhìn ông và nhoẻn miệng cười. Ông với tay lấy cây đàn nguyệt. Một điệu nhạc vang lên. Bà lung linh như ánh nến…

Ông quỵ xuống. Từ trong đôi mắt ông, những giọt lệ nóng như giọt nến tuôn trào. Những giọt lệ này ông đã cầm giữ suốt mấy ngày qua, kể cả lúc tiễn bà vào khung cửa vuông vức trong nhà vĩnh biệt. Mà bây giờ thì ông không thể ngăn mình được. Ông khóc như trẻ thơ. Làm sao anh có thể sống nổi trong những ngày tháng thiếu em trước mắt đây? Làm sao, hở em????

3
Ông như lịm đi suốt mấy ngày liền. Ông cũng ăn, cũng thở, nhưng ông giống như là một ai khác. Rồi bỗng như một quán tính, ông ngồi vào máy. Hộp thư của ông tràn ngập những bức thư phân ưu. Có người chia sẻ với ông những bài thơ, những bài nhạc, những câu chuyện đời. Ông đọc rồi ông hồi âm, cho họ yên tâm rằng ông có nhận được thư. Nhưng hồ như những điều chia sẻ ấy, dù chân thành, vẫn như gió thoảng trên mặt hồ. Sâu tận đáy tim ông, có một nỗi đau đớn khó chạm vào được. Nó nhức buốt, nó thổn thức, nó kêu rêu…

Trong nỗi đau ấy, bỗng ông gặp bức thư của một người bạn ở xa, tận New Jersey. Người ấy không viết gì cho ông, mà gửi ông một cái “link”. Thường thì ông rất không thích mở những cái “link”, vì đa số là những chuyện không ăn nhập gì đến mình. Vậy mà với người bạn này, một người bạn mà ông tưởng đã quên, ông lại mở “link” ra.

Ông lặng người. Một đoạn phim rất ngắn. Sao người bạn lại còn giữ được hình ảnh này?

Một cảnh trên sân khấu của buổi hội ngộ cựu học sinh xứ Huế. Ông ngồi với cây đàn nguyệt. Một chị chơi đàn tranh. Một cô hát, và cả ban nhạc phụ họa theo. Bà kia kìa! Người yêu dấu của ông kia kìa! Bà không phải là người hát chính, nhưng bà gõ nhịp và hát theo rất linh hoạt. Mắt ông mờ đi. Ông thấy bà như thấy lại niềm ước mơ của hai người đã từng vun đắp: làm sống lại ca Huế trên quê hương thứ hai này.

Đã vài lần ông bà thử tổ chức những buổi hát nhạc Huế, mời bạn bè đến cùng chia sẻ. Nhưng cũng là bao phen thất vọng. Sự đáp ứng chưa tới được phân nửa. Hình như trên mảnh đất này, những bài ca Huế xưa không còn thích hợp? Một vài bạn trẻ được ông chỉ dẫn, cộng với sự ham thích và trân trọng, đã thể hiện được những điệu ca. Còn đa số thì không thấm nổi cái thần của ca Huế. Vài người còn thành thật nói với ông rằng họ thấy ca Huế là nhạc dành cho cung đình, dành cho vua chúa, cái thời đã qua lâu rồi, không gần được với họ. Ông chịu thua. Ông biết nói sao đây?

- Anh suy nghĩ chi rứa?

Bà đã đến bên ông. Bà là đây sao? Ông không muốn nhớ rằng bà đã tan thành tro bụi. Ông sửa lại mắt kính, lắc đầu:

- Không, có suy nghĩ chi mô! À, mà có. Anh đang nghĩ đến một buổi ca nhạc Huế.

- Lại nữa à?

- Phải. Anh và em đã ôm ấp ước mơ này mà! Mình chẳng phải là nghệ sĩ chính hiệu chi cả, nhưng mình muốn đem cái hồn ca Huế vào tâm tình người Việt xa xứ. Mình muốn để lại cho con cháu, để lại cho các bạn trẻ hơn mình, một cái gì.

Bà chớp mắt, mơ màng:

- Không những ca, mà còn múa nữa. Em sẽ dạy cho các bạn múa hoa đăng, múa chén, múa quạt… Nhưng không phải múa cho cung đình vua chúa.

- Em nghĩ sao?

- Sẽ múa hát cho người già em bé cô đơn. Sẽ múa hát cho người cày cấy. Sẽ múa hát cho người đi đánh giặc. Sẽ múa hát cho những kẻ xa nhà…

Ông bàng hoàng. Thường ngày bà nói năng giản dị, sao bây giờ bà nói như một kẻ viết văn thơ? Ôi, người yêu dấu của ông! Ông muốn đến nắm lấy tay bà. Nhưng bà đã đi nhanh thoăn thoắt ra vườn. Ông ra theo. Bà đi lên dốc có những bậc tam cấp. Bà ngồi xuống bên từng bức tượng Di Lặc. Tượng vui vẻ với nét của trẻ thơ. Bà bắt chước tượng, che mắt, bịt tai, che miệng, xòe bàn tay… Ôi! Ông đã hiểu.

4
Mấy thầy trò đã chơi xong bài Cổ Bản. Cô học trò mắt đỏ hoe. Cô không nghĩ rằng thầy mình có thể ngồi dậy sau những ngày chết lịm trong đau thương. Thầy lại còn chơi đàn nguyệt cho mình hát nữa. Thầy tự tay rót mấy chén trà cho các bạn. Và thầy ngồi giữa đám học trò yêu văn nghệ. Các bạn không dám nói một lời, sợ động đến nỗi nhức nhối mà thầy đang gánh vác một mình.

Nhưng thầy đã nói trước:

- Bài Cổ Bản hay lắm! Các điệu nhạc khác cũng hay lắm! Nhưng từ nay thầy sẽ viết lời khác để các bạn tập. Chúng ta vẫn trân trọng những bài hát xưa như thế này, xem như di sản quý báu của dân tộc. Nhưng để âm nhạc hay bất cứ một hình thức nghệ thuật nào gần gũi với lòng người, nó cần được phát triển với dòng sống. Ngày nay chúng ta không thể hát mãi lời ca về “khách phong lưu” được nữa. Chúng ta không thể múa như chỉ múa cho vua chúa xem, hay biểu diễn cho những người ngồi trên chiếu hoa, trong khung cảnh mờ ảo lâng lâng được nữa. Mà sẽ múa hát cho người già em bé cô đơn. Sẽ múa hát cho người cày cấy. Sẽ múa hát cho người đi đánh giặc. Sẽ múa hát cho những kẻ xa nhà…

Những người trẻ nín thinh nhìn ông. Như là một ai khác vậy! Ồ, nhưng rồi họ vỗ tay thật lớn. Họ đã nhìn ra ông không phải đang dùng những chuyện ca múa để tự làm nguôi ngoai chính mình. Mà như ông đang được là người khám phá.

Ông cũng tự thấy mình đang được là người khám phá. Những lời ông vừa nói chẳng là của ông. Mà là tâm ý của bà. Bà giản dị, hiền lành như xưa nay đã từng, vậy mà cái tâm ý của bà ông mới khám phá đây thôi.

Thầy trò như không còn khoảng cách. Họ xúm vào bàn bạc với nhau về những buổi giới thiệu ca Huế. Sẽ có cái cũ, và cả cái mới. Cái mới sẽ là nhạc vào đời.

Khi chỉ còn lại một mình, ông ngồi dạo một khúc nguyệt cầm. Vườn Di Lặc thoang thoảng hương thơm của một loài hoa mới. Ông thấy bà lại thấp thoáng sau những nhánh cây. Người con gái Huế năm xưa, tóc dài áo trắng… Người mẹ của một đàn con. Người thiếu phụ lặn lội ngàn trùng lên thăm chồng, nén nước mắt không cho mình khóc, rồi lại băng ngàn trở về, bán buôn tần tảo nuôi con. Trong những năm tháng đó, chắc cũng không bao giờ có được một nụ cười tươi.

Bây giờ, bà đang cầm sanh gõ nhịp. Ông lại đàn. Những bức tượng Di Lặc hoan hỉ cười vui. Ông mường tượng có những bé nhi đồng đeo theo Di Lặc, phá cái bụng to của Ngài, phá cái túi lớn Ngài đeo. Mà Ngài vẫn cứ cười. Đôi mắt biết nói của bà bảo ông hãy thanh thản với nụ cười Di Lặc ấy. Ông ngầm nói bằng mắt với bà rằng ông sẽ tươi vui nếu “biết” có bà bên cạnh. Không gian mờ ảo. Bà có có không không.

Bà quảy cái túi lớn lên vai, bước đi nhẹ nhàng.

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ý kiến bạn đọc
25/11/201609:59:03
Khách
chưa hề được nghe ca Huế, mà như thấp thoáng tiếng vỗ của sông Hương , vọng của núi Ngự, gió mang mác của Thiên mụ trong bài. Cảm ơn chị Cam Li
08/09/201221:14:36
Khách
Đôi trái tim với 1 tình yêu thắm thiết suốt đời...đáng quí làm sao.
07/09/201216:39:59
Khách
Tôi mong ước những Nụ Cười Di Lặc sẽ cho chúng ta niềm an ủi. Cám ơn tác giả Cam Li NTMT
06/09/201221:09:20
Khách
Rất trân quý, xin cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,030,563
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến