Hôm nay,  

Viết về Nước Mỹ và Đám Nhóc Của Tôi

15/08/201200:00:00(Xem: 196351)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả chỉ mới đến Mỹ từ 2008, hiện là cư dân vùng Little Saigon, đã liên tục góp bài cho giải thưởng Việt Báo và đã hai lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2009 và 2011. Bài mới nhất của tác giả kể về buổi họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12.

Chiều hôm qua, Chủ Nhật ngày 12 tháng 8, năm 2012, tôi và ông xã tôi lại diện áo quần tươm tất để đi dự Lễ Phát Giải Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo tổ chức. Trên đường đi, tôi đố ông xã:

-Đố anh,đây là lần thứ mấy mình đi dự buổi họp mặt trao giải Viết Về Nước Mỹ?

Ông xã dài giọng:

- Ai nhớ nổi.

Tôi bật cười:

- “Ai” là ai vậy ta? Thôi để em trả lời luôn: Lần thứ ba rồi đó.

- Ủa! Tới ba lần lận hả?

- Ba lần mà nhằm nhò gì! Đúng ra là lần thứ tư đó chứ!

- Vậy à?

- Đúng vậy. Hồi năm kia, thấy tấm thiệp mời của Việt Báo màu đo đỏ xinh xinh, mấy đứa cháu nhỏ nhà mình săm soi rồi… cất kỹ vào hộp giấy vẽ của tụi nó luôn. Đến khi người ở Việt Báo gọi lại để xác định việc đặt chỗ thì tụi mình đang chơi ở Utah. Tiếc dễ sợ luôn!

Xe đang trên Brookhurst. Vừa tới đường Bolsa, tôi vội nhắc:

- Anh ơi, nhớ không được quẹo phải khi đèn đỏ nha! Bữa nay mà ăn cái ticket nầy thì è ra mà nộp phạt đó! Giá tiền phạt tăng thấy ớn luôn.

Ông xã dừng xe. Tôi đố tiếp:

- Đố anh, em được nhận giải mấy lần rồi?

Ổng càm ràm:

- Người ta đang chuẩn bị quẹo phải khi đèn xanh mà bày đặt đố với điếc, ai mà nhớ nỗi!

- “Người ta” là ai vậy ta? Chà, người nước ngoài mà học mấy cái đại từ phiếm chỉ trong tiếng Việt mình chắc khùng luôn! Họ sẽ rối tung rối mù vì không hiểu nỗi cái loại đại từ dùng cho được cả ba ngôi! Phải công nhận là tiếng Việt mình phong phú thiệt!

- Cần gì người nước ngoài! Ngay cả bọn nhỏ nhà mình còn ú ớ. Mặc dù kỷ luật thép gia tộc mình là phải nói tiếng Việt khi ở nhà. Thôi, lo mà tìm địa chỉ kẻo chạy quá rồi mất công quẹo lại.

Tôi đang cầm tấm thiệp mời trên tay:

- 9743. A, đây rồi!

Ôi thôi! Parking kín mít! Chúng tôi vào ra lui tới vài lần rồi đành chịu thua, đành trở ra đường Bolsa kiếm parking khác. Chúng tôi quẹo vào một khu business cạnh đó nhưng cũng đành chịu thua vì cái dzụ giới hạn hai tiếng đồng hồ. lại quành ra vì không muốn ngồi đằng kia dự lễ mà lo cho cái xe đằng nầy có thể bị kéo đi.

Tôi reo lên:

- A, em nhớ rồi. Cái parking góc Bolsa- Busha thì tha hồ đậu!

- OK

Thế là vợ chồng bốn lúa chúng tôi (hai lúa cộng hai lúa thành bốn lúa) thả bộ trở lại Royal Banquet.

- Anh vẫn chưa trả lời câu đố của em?

- Đố gì?

- Em được nhận giải thưởng nầy mấy lần?

- Um… Hình như hai lần.

Tôi vỗ tay:

- Giỏi! Anh được mười điểm.

Ông xã chọc:

- Sống ở Mỹ được bốn năm rồi mà còn xài thang điểm mười!

Tôi nguýt dài, lên giọng đanh đá chơi:

- Vậy mới hay! Người Việt mình xa xứ gần bốn mươi năm vẫn nói

tiếng Việt, vẫn viết tiếng Việt, không những người lớn mà còn trẻ em. Anh thấy đó, bên cạnh giải thưởng Viết Về Nước Mỹ hàng năm, vẫn có giải thưởng Bé Viết Văn Việt!

- Bà xã tui so sánh lãng xẹt à nghen!

- Hihi, nói cho vui vậy mà.

- Hihi, anh cũng nói cho vui vậy mà. Anh vẫn dùng thang điểm mười trong trường Việt Ngữ.

- Em cũng vậy. Kìa! Anh ơi, vẫn còn nhiều người tìm chỗ đâụ xe.

May quá, mình đã tính kịp, không thôi bị trễ kỳ chết.

Ông xã tiếp tục câu chuyện:

- Có điều, anh thấy cộng đồng người Việt mình hay thiệt. Nếu không có những người tâm huyết lo gìn giữ, bảo vệ, phát huy tiếng Việt thì tiếng Việt sẽ đi về đâu hả em?

- Em cũng nghĩ vậy. Nếu tất cả người Việt hải ngoại đều chỉ lo cơm áo gạo tiền, tiếng Việt mình sẽ đi về đâu?

- Nghe nói, thậm chí có một số người Việt còn “tự hào” khoe con cháu họ chỉ nói tiếng My, không biết nói tiếng Việt! Đây mới là vấn đề đau lòng cho người Việt mình!

Bốn lúa chúng tôi đã vào tới quầy tiếp tân. Ông xã mua cuốn sách Viết về Nước Mỹ 2012 được bày trên bàn. Như lời dặn trong email của Việt Báo đã gửi cho tôi, tôi nói với các cô:

- Bàn số 5, Tịnh Tâm ạ!

May quá, chúng tôi vừa kịp chương trình. Bàn số 5 ngay trước sân khấu, thích thật! Những khuôn mặt nổi tiếng, quen thuộc ngay bên cạnh bàn chúng tôi. Nhà thơ Trần Dạ Từ, nhà văn Nhã Ca, ca sĩ Khánh Ly…

Và thế là, mắt nhìn lên sân khấu nhưng tim tôi chìm trong hoài niệm.

Đó là những trang thơ chép bằng mực tím trên trang giấy pơ-luya màu xanh màu hồng mỏng manh như cánh bướm:

“Thủa làm thơ yêu em
Trời mưa chưa ướt áo
Hoa cúc vàng chân thềm
Gió mây lưng bờ dậu

Chiều sương dầy bốn phía
Lòng anh mấy ngã ba
Tiếng đời đi rất nhẹ
Nhịp sầu lên thiết tha .”

Đó là những đêm vùi đầu với “Mưa trên cây sầu đông”, “ Cổng trường vôi tím”…
Đó là một giọng ca vẫn quấn quýt tôi từ thời trung học và cho đến bây giờ.
Tôi nghĩ, không cần phải nói ra, ai cũng biết các tác giả và ca sĩ nầy là ai.

Sau phần mở đầu với việc giới thiệu, chào mừng, Đạt Nguyễn chơi guitar bài God Blesses America và vừa đàn vừa hát bài Mây Vô Xứ. Tiếng đàn thật điêu luyện. Ai nấy im lặng lắng nghe.

Giải thưởng Bé Việt Văn Việt được một cô bé một cậu bé giới thiệu bằng tiếng Việt rất hay. Tôi đã đọc bài của các bé trúng giải trên Việt Báo online nên càng thú vị khi đối diện với các bé.

Ông xã:

- Tại sao mình không bảo mấy nhỏ trong nhà mình tập viết văn Việt hả em?

- À há. Em sẽ nhắc ba mẹ chúng về việc nầy.

Tiết mục múa “Cái Trống Cơm” của các em càng làm không khí buổi họp mt sinh động.

Rồi nhà thơ Du Tử Lê lên nói cảm tưởng về Giải Thưởng.Lòng tôi chùng xuống khi nhớ đoạn thơ trong bài “Khi Người Về”.

“Khi người về tôi không nhìn không trông
Lòng tôi sông nước đủ trăm dòng
Quanh co một nỗi buồn vô hạn
Qua suốt một đời vẫn nhớ nhung.”

Các tác giả nhận giải đặc biệt lần lượt lên sân khấu. Vài người vắng mặt, được người thân nhận thay.

Tôi chợt nhớ cách đây ba năm, tức là năm 2009, tôi là một trong những người được giải đặc biệt với bài “Tôi đi học”. Lễ trao giải được tổ chức tại tòa soạn Việt Báo. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy những người mà tôi đã từng hâm mộ. Tối đó, tôi email khoe với các bạn bên Việt Nam: “ T ơi, K ơi, N ơi… ơi ơi… Bữa nay mình được gặp nhà thơ Trần Dạ Từ nè, nhà văn Nhã Ca nè, được nghe ca sĩ Khánh Ly hát nè… Ngon chưa?”

Cũng xin kể lại, giữa tháng 8, năm 2008, tôi và ông xã được bước vào nước Mỹ do ba tôi bảo lãnh. Khi vừa ổn định giấc ngủ và nơi ở, tôi liền đi lùng những tờ báo Việt Ngữ ở đây. May là hồi còn ở Việt Nam, thỉnh thoảng tôi vào được Việt Báo online, có đọc vài bài Viết Về Nước Mỹ, (thường là không vào được, và hiện nay thì hoàn toàn không) nên tôi chụp ngay Việt Báo mà ngấu mà nghiến. Tôi nhận thấy mình có thể tham gia mục nầy. Tuy nhiên“ Viết về Nước Mỹ” “với nhiều chi tiết càng thực càng tốt”. mà mình thì cả hai chân còn ướt mem trên đất Mỹ, dễ gì có đề tài.

Bỗng đêm nọ, thằng em trai gọi điện:

- Chị ơi, có chuyện nầy hay lắm nè. Chị viết đi.

- Chuyện gì? Ở đâu?

- Chuyện bà bán rau ở chợ Việt Nam.

- Nhưng chị có biết gì về bà ấy đâu mà viết.

- Thôi được, chiều mai đi làm về, em ghé chở chị tới đó. Rồi em sẽ kể về bà cụ cho chị nghe. OK?

Tôi mừng húm:

- OK. Cám ơn em.

Thế là ngày 4, tháng 12 năm 2008, tôi mở Việt báo online, thấy đăng bài: “Chiếc nón lá trên tấm lưng còng”. Mừng ơi là mừng. Tôi gọi phone cho tất cả mọi thành viên trong gia đình khoe. Tôi gửi đường link cho mọi người đọc. Giờ đây, ngồi nhớ lại, tôi xin thú tội trước bình minh rằng, trong “Chiếc nón lá trên tấm lưng còng”, tôi đã ba xạo rằng tôi lái xe đi làm. Mèng ơi, ngày đó, ngồi trên xe, mà chỉ dám ngồi đằng sau, là tôi phải nhắm mắt và tim muốn rụng ra ngoài vì tốc độ, nhất là những khi lên xuống freeway. Hihi. Cho nên lúc viết, tôi phải theo hỏi con gái: “ Khi muốn lái chậm thì đi cách sao hả con?” “ Ủa, má có laí xe đâu mà hỏi.” “ Con nhỏ nầy! Cứ trả lời má.” “ Um… thì má… giảm tốc độ.” “ Đừng chọc má nữa. Nói thiệt nè, má đang viết tới chỗ cần lái xe chậm lại để suy nghĩ.” “Đó, má phaỉ nói rõ để con hiểu ý chứ. Nè, má chọn lane phải”. Hihi, giờ biết lái xe rồi, tôi đọc lại thấy mắc cười quá trời. Còn những chi tiết trong bài là thực, nhưng của thằng em! Mà thôi, nói cho… có chuyện để nói, có ai bắt nhân vật xưng tôi trong một tác phẩm văn học phải chính là bản thân tác giả đâu, đúng không ạ?

Rồi đang lên tinh thần, chín ngày sau đó, ngày 13, tháng 12 năm 2008, “Tôi đi học” được trình làng trên Viết Về Nước Mỹ. Trong bài nầy thì toàn chi tiết thực của tác giả. Và cũng chính bài nầy tôi được nhận giải.

Lễ phát thưởng VVNM tiếp tục với giọng hát của Phạm Đăng Khoa. Tôi lắng nghe Khoa hát bài “ Em Đi Với Con Thơ”, thỉnh thoảng len lén liếc nhìn tác giả của bài hát đang đứng tựa cây cột, ngay chỗ bàn số 5. Rồi tôi quay nhìn khắp phòng, khán thính giả im phăng phắc. Riêng bài “ Người đi qua đời tôi, tôi đã thuộc lòng từ thuở học trò:

“Người đi qua đời tôi
Hồn lưng mùa rét mướt
Đường bay đầy lá mùa
Vàng xưa đầy dấu chân
Lòng vắng như ngày tháng
Đen tối vùng lãng quên.”

Ông xã bỗng khèo chân tôi:

- Ê, bà xã làm sao vậy?

Tôi vội cúi đầu, giấu giọt nước mắt vừa lăn ra, rơi xuống vạt áo bởi thấy Chú Từ (tôi gọi theo cách của Quyentran. Trước đây tôi thường gửi bài qua địa chỉ email: quyentran. Và được Quyentran trả lời “đã chuyển bài cho chú Từ), vừa ghé qua bàn số 5, đang ngồi đối diện với chúng tôi.

Giờ đến phần phát thưởng bảy giải danh dự.

Ông xã khèo tay tôi:

- Hình như năm ngoái em được giải nầy phải không?

- Đúng rồi.

- Anh nhớ năm ngoái phát giải ở Garden Grove Community Center, thuộc Garden Grove, phải không?

- Đúng rồi. Công nhận ông xã có trí nhớ tuyệt vời.

Ừ, năm ngoái tôi đã được giải danh dự với truyện ngắn “Thương yêu còn mãi”. Đó là thời gian tôi làm trong cửa hàng chuyển tiền về Việt Nam ở gần đây. Còn nhớ, trước khi có danh sách trúng giải, một cô bạn ở Việt Nam gọi qua: “Ê, tao mới đọc được Thương yêu còn mãi của mầy nhờ đứa cháu ở bển copy qua word, gửi kèm theo email về. Tao nghĩ bài nầy mầy sẽ đoạt giải đó.” Cô bạn nầy là giáo viên Lý trường chuyên Lê Hồng Phong Sài Gòn, mà tiên tri về văn chương coi bộ cũng có lý.

Tôi nhớ, phần thưởng ngoài tấm bảng đồng nặng trịch được khắc tên tác giả và tác phẩm của Việt Báo, còn có 4 tấm giấy khen rất đẹp với chữ ký của Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, của Dân Biểu Loretta Sanchez thành viên của quốc hội, của Hội đồng thành phố Wesminster với chữ ký của bà thị trưởng thành phố Westminster, Margie Rice, Phó Thị Trưởng Tạ Đức Trí, các Nghị Viên Frank Fry, Andy Quách và Tyler Diệp, và của Giám sát viên Janet Nguyễn. Chưa hết, với số tiền được thưởng, mấy thằng em quỷ quái của tôi xúm lại khiêng tôi đi nhà hàng và chúng kêu tôm hùm tới tấp.

Văn nghê xen kẽ là bài hát “Tình hoài hương” do ca sĩ Bích Liên hát. Trái tim người Việt tha hương khe khẽ lạc nhịp, hồn quê phảng phất quanh đây.

MC Thụy Trinh và Nguyễn Ngọc Bảo vội đưa mọi người trở về thực tại. Thực tại rất thú vị bởi ca sĩ Khánh Ly đang bước ra với dáng vóc trẻ trung và nụ cười tươi rói. Đó là hai nhạc phẩm của chú Từ : Gội đầu Gội đầu và Cơn mưa vàng.

Giọng ca Khánh Ly vẫn như ngày nảo ngày nao, giọng hát đặc biệt, không hề lẫn với bất cứ một ca sĩ nào, không cần lời giới thiệu cũng biết Khánh Ly đang hát. Ừ, mình cần gội đầu thường xuyên, gột rửa thường xuyên. Làm sao tránh khỏi bụi bặm đời thường bám vào cái đầu trần tục của mình? Cái đầu chua lè thì ý nghĩ cũng sẽ chua lè, mà ý nghĩ chua lè có thể sẽ dẫn tới hành động như thế nào?

Phần chính của chương trình tiếp tục. Chủ khảo Nguyễn Xuân Nghĩa giới thiệu các tác giả nhận Giải Việt Bút, Giải Vinh Danh Tác Phẩm, Vinh Danh Tác Giả.

Đến đây thì tôi đã đoán được tác giả sẽ nhận giải lớn nhất của Viết Về Nước Mỹ: Lê Thị. Về việc nầy tôi muốn khoe chút xíu. Là tôi đã đoán trúng khi đọc thông báo danh sách các tác giả đoạt giải năm nay. Tất cả những bài của Lê Thị tôi đều đọc say sưa. Ngòi bút anh chàng rất tài hoa, và sức viết thật đáng kinh ngạc!

Nhà hàng bắt đầu dọn thức ăn. Chú Từ, lúc nãy có ghé ngồi bàn chúng tôi một lát, giờ bỏ đi đâu đó.

MC mời các cô mặc áo dài hồng lên sân khấu cùng mọi người hò lơ hó lơ. Vui hết biết luôn. Tôi hò to quá, ông xã lại khèo tay tôi.

Ăn được vài món thì các thành viên trong bàn số 5 bận việc chaỵ tới chạy lui, thế là chỉ còn vợ chồng bốn lúa chúng tôi ngồi ăn. Ngại ơi là ngại!

Phần tôi, rất thèm tới chào hỏi và xin chụp hình với các vị trưởng thượng nhưng lại mắc cỡ. Mấy lần nhón chân rồi lại ngồi im, không đủ dũng khí, đành thôi.

Ông xã khèo chân tôi:

- Về đi em. Ngồi ăn một mình buồn quá!

- Ý. Đâu được. Mình còn mấy tờ vé số.

- Hay mình tặng ai đó. Về đi em.

- Anh có làm sao không?

- Đâu có sao. Chỉ là ngồi chình ình trước sân khấu có mỗi tụi mình,

kỳ quá!

Đó! Thấy chưa? chúng tôi vốn là bốn lúa mà.

- OK. Về thì về.

Tôi bước ra mà lòng hãy còn quyến luyến bởi thấy mấy món quà trúng số để chỗ sân khấu bự ơi là bự.

Con đường về nhà mát rượi, chả bù với hồi chiều nóng như thiêu như đốt.

- Mình ở đây được bốn năm rồi đó anh.

- Ừ, biết rồi. Mà sao tự nhiên em nhắc cái dzụ nầy?

Tôi cười:

- Đố anh đó!

Ông xã thở dài ngao ngán:

- Cái gì cũng đố. Mệt quá bà xã à.

- Cho anh ba ngày để suy nghĩ câu trả lời hén.

- Được thôi. Nhưng nói trúng thì ai đó thưởng cho ai đây cái gì?

- Hihi. Bí mật!

Ông xã ơi! Đâu phải tự nhiên bà xã của ông bỗng nhắc đến khoảng thời gian sống trên đất Mỹ.

Câu trả lời đây nè: Bốn năm qua cuộc sống tôi đã gắn bó khá nhiều với Việt Báo. Niềm vui nỗi buồn của tôi đã trang trải trên Việt Báo, mà cụ thể là Viết Về Nước Mỹ. Biết bao nhiêu cái bào thai đã, đang, và sẽ hình thành trong tôi, nếu không sinh chúng ra được, chắc tôi chết mất. Nhưng sinh chúng ra rồi cho chúng sống ở đâu? Nơi nào thích hợp, đáng tin cậy cho bọn nhóc của tôi ?

Hihi… Ông xã tôi mà trả lời đúng câu đố, tôi sẽ thưởng to cho ổng.

Tịnh Tâm
California, 13, tháng Tám, 2012

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,012,124
Nhạc sĩ Cung Tiến