Hôm nay,  

Ông Cháu Tựa Má Đầu

22/03/201200:00:00(Xem: 265555)
Tác giả tên thật là Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. 1, hiện làm việc tại học khu Ocean View. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, bài nào cũng cho thấy tấm lòng, tình đồng đội và sự lạc quan, yêu đời. Sau đây là bài viết mới nhất.

Có bao giờ quý vị được ai khen chưa? Nếu có thì cảm giác vị ngọt của lời khen đó như thế nào? Riêng tôi, đã tới tuổi thất-thập rồi mà mới được khen một câu “giỏi quá” đã khiến tôi sung sướng và hạnh phúc như chưa bao giờ được hạnh phúc đến như thế. Người khen không phải bố tôi, bố tôi qua đời lúc tôi mới 6 tuổi, mà các ông bố thì ít khi khen con bằng lời, dẫu con có ngoan có giỏi thì các ông cũng chỉ gật đầu. Vả lại, con trai vào độ tuổi nghịch phá chỉ thua có quỷ ma thì thường được bố “thương cho roi cho vọt”. Người khen không phải mẹ tôi, mặc dù các bà mẹ Việt Nam suốt đời thương yêu con hơn cả bản thân mình, nhưng vì tôi là nguyên nhân khiến mẹ tôi lo âu sầu khổ, mất ăn mất ngủ, lúc nào người cũng cầu xin Thượng Đế cho con được bình an nơi lửa đạn, và cuối cùng vì thương nhớ con mà mẹ ra đi, nhưng con còn phải “lao động là vinh quang” nên không thể về để được vuốt mắt mẹ lần cuối.

Người khen cũng không phải mẹ của con tôi, người mà tôi thương yêu. Từ thuở ban đầu, nàng không thèm nhìn mà chỉ nguýt, không cười mà chỉ thấy cái môi dưới dễ thương thừa ra khi biết có người đang theo đuôi và theo đuổi. Cho tới khi đầu gối tay ấp thì lại hay mắng mỏ “anh khỉ gió này”! Ngày nay về già trên đất Mỹ thì “chung lưng đấu cật”, hai cái lưng đâu vào nhau với lý do mùi thuốc lá hôi quá, ngáy to quá làm phiền người bên cạnh đang cần sự yên lặng để coi phim Đại Hàn! Hay nhỉ, ngày xưa vẫn những tật ấy, mồ hôi ấy thì sao không thấy chê? Có lẽ khi còn trẻ dễ ngủ, mỗi khi nằm gần nhau thì cùng lăn ra ngủ nên không ai làm phiền ai chăng?

Còn các con ư? Quý vị có thấy các con khen bố mẹ bao giờ chưa? Hiếm hoi lắm thì phải, nếu có thì lại vào lúc vừa khóc vừa khen. Anh chị nào văn hay chữ tốt thì viết bài đăng báo kể lể ơn nghĩa sinh thành! Muộn rồi, phụ mẫu chẳng còn nghe và cũng không đọc được nữa.

Trong gia đình đã vậy, ngoài học đường, ngay từ lúc còn học trường tiểu học Kiến An, thầy Nguyễn Hữu Lãng, thầy hiệu trưởng Nhữ Đình Chu thường nhéo tai hay gõ thước kẻ vào bàn tay vì tội tôi vẩy mực tím lên lưng áo mấy cô bé Diễm, Hoa ngồi bàn phía trước. Lên trung học Petrus Ký, vì “quê hương tôi cái mùng mà kêu cái màn, bên bờ mương bờ ao tôi trồng rau. . ” nên tôi đọc “manh” là bàn tay, thế là thầy Phạm Văn Ba bảo tôi dốt Pháp Văn, phải đọc là “me” mới đúng, sợ quá tôi trốn học.

Học đường là thế, chiến trường còn tệ hơn, dẫu có huy chương sao đỏ, sao bạc, sao vàng, dương liễu thì cũng không đủ điểm để bù cho những những ngày bị trọng cấm. Mà nào tôi có biếng nhác hay hèn nhát gì cho cam, bị phạt chỉ vì những lỗi ấm ớ, để râu và chào thượng cấp không đúng cách!

Nay được khen, mà lời khen phát ra từ miệng tuổi thơ vào ngày sinh nhật thứ hai của cháu khiến tôi hạnh phúc ngất ngây. Cháu mới bập-bẹ tiếng Việt, giọng ngọng-nghịu, nhưng quá hay, hay tới độ không có bất cứ bút mực nào, nhà ngôn ngữ học nào viết được cho đúng âm tiếng cháu nói. Trái bóng có chữ “Happy Birthday” tuột khỏi tay cháu, bay lên trần nhà, sợi dây lơ lửng trên đầu, cháu cầm tay ông lắc-lắc, mếu-máo nói:

- “Ôôn chầm, ôôn chầm”.

Tôi hiểu ý cháu nói “ôôn chầm” tức muốn ông lấy lại trái bóng cho cháu. Sợi dây cao quá tầm tay, ông nhìn quanh tìm thứ gì cao-cao để đứng lên, cháu hiểu ý bèn đem hộp giấy đựng gift để dưới chân ông rồi ra hiệu cho ông đứng lên. Cháu thông minh nhưng thơ ngây và dễ thương làm sao! Ông mà đứng lên thì còn gì con búp bê xinh đẹp trong đó nữa! Ông với không tới, nhún gót lên không tới, cháu ngước cổ nhìn ông, nhìn trái bóng với ánh mắt chờ đợi lo âu. Không thể chần chừ được nữa, ông nhẩy cao lên chụp sợi dây, lần đầu hụt, lần thứ hai hụt, lần thứ ba tay chưa chạm tới dây, ông dừng lại thở.

Cháu lại lắc tay ông như truyền sức mạnh tuổi thơ cho người già, tôi vừa thở vừa nhìn cháu rồi ngước nhìn sợi dây, ước lượng khoảng cách, hít một hơi dài, dồn tất cả sức mạnh của tuổi 70 xuống đôi bàn chân, từ-từ nhún xuống rồi bung lên, tay vừa nắm được sợi dây kéo trái bóng bay có chữ “Happy Birthday” xuống thì tôi nghe tiếng cháu nói “giỏi quá”! Tôi vội ngồi xuống, trao trái bóng cho cháu, vòng hai tay ôm chặt cháu vào lòng, nước mắt ứa ra vì hạnh phúc. Ông cháu cùng đứng dậy dắt nhau đi cột trái bóng vào tay con búp bê cho khỏi bay. Tôi đi cà nhắc, chắc tại nhẩy cao nên đầu gối bị đau, gót chân bị thốn, nhưng nhìn cháu cười khiến ông quên hết ưu phiền và cái đau biến mất.

Hai con tôi lập gia đình đã mấy năm rồi mà tôi chưa được là ông, tôi không để ý chuyện gia đình riêng của chúng, tôi cũng không hiểu được “đêm về nghe con (nít) khóc vui triền miên” là như thế nào! Đời tôi chỉ được dăm ba ngày phép vợ sanh rồi lại tiếp tục hành quân, chưa được nghe con bập bẹ, chưa biết con bú sữa gì, nước cơm pha đường hay bột Bích Chi, sữa Guigoz hay Babylac v. v. . cho đến khi bố con được đoàn tụ thì con đã lớn, đã biết lý luận phải trái, đôi khi còn giận hờn, lờ đi lời bố khuyên nên tôi thờ ơ với tuổi ấu thơ.

Tôi đến thăm anh chị Dương-Chi, phòng khách nhà anh như một “chiến trường”, salon, bàn ghế, tv, dàn nhạc đều được 6 cháu ngoại trai săn sóc tận tình. Anh cười hãnh diện giải thích “để kệ cho các cháu vui”. Anh là dân chơi hoa, Mai, Lan, Cúc, Trúc đều đủ cả, anh quý Lan như chính bản thân mình, nay thì những chậu bông, chậu kiểng được các cháu biến thành những “cánh hoa trong thời loạn ly”! Ông đi mua hoa giả, hoa nylon về cho các cháu dày vò. Tôi chưa có cháu thì làm sao hiểu được tình thương này. Những ngày đi du lịch Hawaii, anh không để ý đến cảnh đẹp, không màng đến màn múa bụng của các thiếu nữ hải đảo mà lúc nào cũng gọi điện thoại về nói chuyện với các cháu. Mới sáng sớm, chưa kịp uống café, tôi đã nghe:

- Hôm nay con có đi học không? Con ăn gì? Nhớ ông ngoại không v. v. .

Điệp khúc này lập đi lập lại nhiều lần, nhiều ngày cho tới khi lên máy bay về lại CA. Từ đó nếu tôi có rủ anh đi du lịch thì anh bảo không nơi nào trên thế giới đẹp như ngắm tuổi thơ vui chơi. Tôi chưa có cháu thì làm sao hiểu được tình thương của ông Dương Chi dành cho cháu.

Gặp anh Hồng-Miên, câu đầu tiên tôi nghe là anh “than phiền” về mấy cháu nội ngoại:

- Mệt quá, cả ngày luẩn quẩn với chúng nó, chả làm ăn gì được, thậm chí khi đi ngủ, thằng cháu nội cũng bắt ông ngồi xoa đít cho nó ngủ. Ông nội ơi “xoa đíttttttttttttttt”.

Anh kéo dài hơi chữ “đít” với niềm hãnh diện như muốn đem hạnh phúc và tình thương ông cháu chia cho những người xung quanh. Ông thông minh nên ông cũng muốn cho thiên hạ biết là cháu của ông cũng thông minh, cháu ông đã sớm biết theo gương làm nũng của bà nội. . . Tôi chưa có cháu nên không thể hiểu được những tình thương bao la này.

Anh Trương-Khu. . đang sinh hoạt nhiệt tình với bạn bè hội hè đình đám thì bỗng dưng biến mất, tìm hiểu nguyên nhân thì mới biết anh vừa lên ngôi ông nội. Anh biệt phái bà nội sang tận tiểu bang xa xôi để săn sóc cháu, hy sinh ở lại một mình với cơm hàng cháo chợ, cuối tuần bay sang để bế cháu. Tôi chưa có cháu nên nghĩ rằng chàng Trương-Khu này nhớ vợ, mượn cớ bế cháu nhưng thực ra là muốn bế … bà. Chưa có cháu nên tôi đoán chỉ đúng một nửa.

Anh chị Ngh-Phan từ San Jose du ngoạn phương Nam, nghe tín hiệu trong xeo-phôn là biết cháu gọi, mặc dù đang lái xe và biết sẽ bị phạt nếu vừa lái vừa nói phôn, nhưng anh không ngại police, không sợ bị phạt mà thương nhớ cháu nên vội vàng a-lô:

- “Con hả? Ừ, khi nào về ông sẽ mua cho, chè 3 màu hả? Chè bắp nước dừa nữa hả? Được rồi, được rồi, ông mua tại tiệm xyz mà con thích v. v. . ”

Bạn bè gặp nhau, nói chuyện kinh tế chính trị thì họ cãi như mổ bò nhưng khi nói về các cháu thì họ tâm đầu ý hợp 100%, những khuôn mặt da nhăn nheo nhưng rạng rỡ, hàm răng giả nhưng giọng cười sảng khoái, thỉnh thoảng gỡ kính lão ra lau những giọt nước mắt hạnh phúc. Với các anh Chi, Mi, Khu, NghPhan. . tôi chỉ biết họ thương cháu đến thế thôi, nhưng trong gia đình, tôi mới nhìn rõ tình thương của ông anh tôi dành cho các cháu như thế nào.

Anh tôi có những thú tiêu khiển mà tôi cho là quá lố, say mê nghe radio BBC, RFI, VOA, đọc báo và từ khi chập chững biết internet thì dường như anh quên mọi người xung quanh. Chưa hết, kể từ khi hý hoáy viết vài câu chuyện về kỷ niệm đơn vị cũ, chiến trường xưa, được bạn bè chọc quê “khen hay”, thế là anh miệt mài ngồi bên computer, cứ tưởng mình là nhà văn thật. Một hôm, tôi thấy anh mua một chồng nhật báo Việt Báo, cho vào bao thư, đem ra bưu điện gửi lung tung, tôi hỏi anh xin được job giao báo đấy à thì anh không thèm trả lời mà mở trang báo, chỉ vào bài của anh viết đã được đăng. Tôi thầm nghĩ “thôi chết, anh tôi bị mộng du rồi!”. Nhưng kể từ khi có cháu thì anh buông tất cả, không thèm nghe radio nữa, hỏi tại sao, anh bảo “chán phè, nghe cháu bập bẹ thú vị hơn”. Đôi khi nhân lúc cháu ngủ, anh cũng ngồi vào bàn gõ gõ, nhưng chợt nghe tiếng “ọ-ẹ” là anh buông tất cả, vội chạy lại bên cháu rồi độc thoại:


- Cháu đái hả? Ừ đái thật rồi nè, mà còn ị nữa chứ, để ông thay tã cho nhá. . ”.

Tôi thật sự không hiểu điều gì khiến anh tôi đã bỏ tất cả những thú tiêu khiển riêng tư kể từ khi con đem cháu đến nhờ ông bà săn sóc dùm. Không chỉ bỏ mộng làm người “ziết văn” mà anh còn thay bà làm tất cả mọi việc nội trợ như đi chợ, nấu cơm, quét nhà, rửa chén v. v. . để bà dành trọn thời gian săn sóc cháu

Còn rất nhiều những ông nội ngoại thay đổi tính nết và cách sống kể từ khi có cháu khiến tôi hay buông lời bóng gió chê bai. Nhưng “đoạn đường ai có qua cầu mới hay”, nay tôi lên ông rồi mới hiểu thế nào là tình thương ông cháu, mới rút ra được bài học chung là chớ vội trách người khác khi mình chưa gặp hoàn cảnh tương tự. Tôi xin rút lại lời phê bình các anh Chi, Mi, Khu, Phan vì tôi đang là ông nội ngoại, vì tôi đang hạnh phúc với tất cả những vất vả mà các anh đã trải qua, tôi đang làm theo tất cả những gì các anh đã làm mà trước đây tôi không tin. Xin mượn câu thánh kinh “phúc cho những ai không thấy mà tin”, để mong các anh nào chưa lên ngôi ông thì chớ vội bảo tôi quá lời.

Ngày ngày tôi đi làm, cuối tuần là hẹn hò bạn bè café thuốc lá rồi họp hành, “coong”, “kính tứ cố” hoặc tứ sắc, mặc cho bà nhà tôi vò võ một mình thâu đêm suốt sáng. Kể từ khi có cháu, tôi đã giảm hẳn sinh hoạt bạn bè, hội hè đình đám, nếu ai chê rằng tôi thuyên chuyển về binh chủng “thợ lặn” thì tôi chỉ nhếch mép cười mà không giải thích, thầm nghĩ “các anh đang đi đôi giầy chật mà tôi đã từng mang”, còn sinh hoạt riêng tư thì hình như tôi thay đổi hẳn.

Việc đầu tiên là cái râu, nickname của tôi là C-râu, ngày xưa bị phạt cũng vì bộ râu này làm ngứa mắt xếp nhưng vẫn để, bị người yêu đá nhiều cũng tại râu này làm ngứa má hồng, nhưng vẫn cứ nuôi, huống chi nay sống trên đất tự do thì cứ tự do, cứ việc cắt tỉa, sợi nâu sợi bạc thì đã có thuốc bôi đen, bà-bà cũng chẳng bị phiền hà gì nữa thì tại sao không để. Rồi có một hôm ông hun cháu, cháu khóc ré lên, giật mình tôi mới biết mình vừa lấy bàn chải sắt chà lên trán cháu, bởi vì tuổi thơ không biết lấy tay đẩy ông ra như ngày xưa bà cháu vẫn làm. Có người hận tình xuống tóc đi tu, tôi thương cháu quyết định xuống râu. Cạo râu đi trông cái mặt có vẻ ngô-ngố, nhưng chẳng hề chi miễn sao tôi hun mà cháu không khóc là được rồi. Kể từ đó, sáng, chiều, tối, tôi siêng cạo râu, mỗi lần muốn hun cháu, việc đầu tiên là đưa tay lên sờ-sờ cằm xem có “xì-mút” không đã.

Việc kế tiếp là bỏ hút thuốc, thói quen nửa thế kỷ rồi dễ gì chừa, vợ con từng nhiều lần khuyên bỏ, nhưng tôi lý luận theo lối cù nhầy rằng là lính đánh giặc mà nói “bỏ hút” tức là tử trận đấy, ngoài nghĩa trang có mộ bia nào ghi chết vì hút thuốc lá đâu.

Thế là “vũ như cẩn”, vẫn ngày một gói, sợ hôi trong nhà thì ra ngoài vườn, dẫu đêm khuya mưa gió thì núp dưới mái hiên mà hút, mặc cho ướt áo, miễn sao khói vào cảm thấy ấm bụng là được rồi. Nhưng kể từ khi có cháu, tôi đem nguyên một cây 3 số 555 tặng thùng rác thay vì bán lại hay cho người khác. Bỏ hút rồi tôi mới cảm nhận được mùi hôi của khói thuốc, bà các cháu chịu đựng bấy lâu quả là đáng phục, vì tình mà chịu đựng, nhưng tuổi thơ như bông hoa vừa chớm nở sao nỡ phun khói vào, tuổi thiên thần chớ nên gieo rắc mầm bệnh nan y cho các cháu. Thói quen đã quá nửa đời người rồi, bỏ đi chẳng dễ dàng gì, nhưng tôi quyết từ giã người tình khói sương, tôi bỏ hút chẳng phải vì tôi mà vì tuổi thơ của con cháu. Trước đây tôi cho các anh C, M, K, N và anh tôi chiều cháu, thương cháu như vậy là quá lố, nhưng nay tôi có cháu rồi mới hiểu tình thương ông cháu là nhiều lắm, ít có bút giấy viết nào tả cho xiết.

Một bản nhạc, một vở kịch dù hay thế nào chăng nữa mà nghe, mà xem lần thứ hai đã quá đủ, nhưng khi tuổi thơ bập-bẹ bi-bô thì nghe hoài, nghe mãi không chán, ngắm tuổi thơ chập chững tập đi mà sao thấy tuyệt diệu đến thế! Những bước nhẩy, điệu múa của tài tử giai nhân đều vô nghĩa trước những bước đi ngả nghiêng siêu vẹo của tuổi thơ. Hạnh phúc nhất là cả gia đình gồm ông bà cha mẹ anh chị em ngồi quây quần bên nhau, mắt dán vào cháu bé mới chập chững biết đi mà không quan tâm gì tới chương trình ca nhạc nhảy múa của các danh ca. Khi cháu sắp ngã là mọi người tranh nhau đỡ, cháu bi-bô câu gì không rõ thì ai cũng cười rồi mỗi người diễn dịch câu cháu bập bẹ theo ý mình. Cảnh hạnh phúc ấy kéo dài nhiều giờ cho tới khi cháu bé ngáp ngủ. Quả thật tôi không đủ chữ để diễn tả cái đáng yêu dễ thương của tuổi thơ và tình thương của ông bà với cháu, đó là liều thuốc xóa bỏ giận hờn giữa những người lớn để đến gần nhau hơn.

Tôi nhớ mãi kỷ niệm thời ấu thơ khi tôi nghịch phá thì bị bố đét đít, ông nội tôi thương cháu nên nổi nóng mắng bố tôi: “mày đánh con mày thì tao đánh con tao”. Nay thấy con ép cháu ăn khiến cháu khóc, tôi vội chạy đến bế cháu lên xoa lưng “ù-ơ” cho cháu nín, thế là con cằn nhằn bố: “ông làm cháu hư”. Ngày xưa có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, ngày nay ông cũng thế, nói “hư” là không đúng, nhưng đôi khi sự chiều chuộng của ông không phù hợp với lối nuôi dưỡng tuổi thơ hiện tại khiến con phiền bố. Nhưng kệ, cháu ông sẽ không bao giờ “hư” mà sẽ ngoan, sẽ giỏi hơn ông, tuổi trẻ sẽ chỉ hư khi thiếu tình thương.

Các ông thương cháu là thế, vui theo tiếng cười của cháu, âu lo (nội ngoại nhìn nhau hai cháu cười, ông vui hạnh phúc thế thì thôi) theo tiếng khóc của cháu và khi cháu táo bón thì ông cũng nhăn nhó theo, nhưng khi cháu “đi tướt” thì ai là người sắn tay áo dọn dẹp đây? Đó là bà, đây mới là điều tôi muốn nói đến trong bài viết này, về tình thương vô biên của mẹ nuôi con bà săn sóc cháu, dẫu các ông thương cháu bao nhiêu cũng không thể so sánh được với tình thương của các bà dành cho cháu, các cụ xưa có câu “cháu hư tại bà” đã xác định điều này. Cháu mạnh khỏe nô đùa cười vui thì ông vui theo, nhưng khi cháu nhè hu-hu đòi bế, cháu pi-pi hay pu-pu thì ông lách sang một bên để đùn việc cho bà v. v. . Đây là điều tôi muốn nói với các con tôi cũng như những bạn trẻ khác đã có gia đình, có con và nhờ mẹ coi chừng con, nhờ bà săn sóc cháu.

Ngày nay sống trên đất Mỹ việc nuôi dưỡng trẻ thơ thật đầy đủ và an toàn về mọi phương diện so với tuổi thơ ở trong nước, so với tuổi thơ của các anh chị mà chúng tôi nuôi dưỡng khi xưa ở Việt Nam. Chính những tiêu chuẩn cao như thế nên ngày nay trẻ thơ mạnh khỏe và rất sớm thông minh, thông minh tới độ ông bà ngạc nhiên khi các cháu biểu lộ cử chỉ và tiếng nói. Nhưng cũng chính vì những tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh, dinh dưỡng cao nên các anh chị rất vất vả. Vất vả và tốn kém như thế nào thì ai cũng biết rồi, nhưng nếu anh chị nào còn cha mẹ tiếp tay, còn ông bà nội ngoại săn sóc cháu, một gia đình ba thế hệ là một điều hạnh phúc và an tâm hơn. Nhưng đôi khi do không theo kịp cách nuôi dưỡng mới mà bà săn sóc cháu không đúng phương pháp mới thì các cô cậu lại quên câu: “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ” mà cằn nhằn mẹ. Tôi xin nêu một thí dụ cụ thể.

Em rể tôi ở lì trong tù CS, vợ hắn, tức em gái tôi, trôi nổi đem con thơ đi tìm tự do và vật lộn với đời để nuôi con khôn lớn, các con đã có gia đình và nghề nghiệp vững chắc nhưng cô ấy vẫn đi làm dù đã bước vào ngưỡng cửa 60 và thường than thân rằng “không có cháu bế bồng”. Khi con báo tin vui là cô ấy xin hưu non để chuẩn bị làm bà và sẵn sàng săn sóc cháu.

Có nhìn tận mắt mới thấy tình thương bao la của bà dành cho cháu, vì cô ấy ở sát vách với tôi trong một chung cư, cô ấy dành hết thời gian cho cháu từ lúc sơ sinh tới chập chững rồi chạy nhẩy để con an tâm đi làm, không gì an tâm cho các cô bằng có mẹ già chăm sóc cháu. Không thể nào biết hết được tên những công việc bà lo cho cháu. Một chuyện rất nhỏ trong vô vàn “lặt vặt” ấy là “bón” cháo, đút cơm cho cháu.

Mỗi buổi sáng một già một trẻ thơ cùng “chập chững” dắt nhau di vòng-vòng khắp khu chung cư, tay bà cầm chén cháo, còn cháu thì tung tăng, cả giờ đồng hồ cháu mới nuốt được vài thìa cháo. Rồi một buổi sáng cháu bước nhanh, bà sợ cháu té nên lật đật chạy theo và rồi bà vấp ngã, cháu đứng lại ngó, khen bà giỏi. Đau quá, bà xuýt-xoa nhưng thấy cháu cười, bà mếu máo cười theo. Khốn thay, con gái biết chuyện lại có “lời khuyên”:

- “Mẹ chỉ hấp tấp, nếu lỡ con Gié-nơ-phơ nó té thì sao?”.

Được con gái “an ủi” như thế, cô buồn buồn sang tâm sự với anh trai, anh cô khen:

- “Xưa cô là mẹ, rồi nay là bà, đẻ con, nuôi cháu là như thế, các bà Mẹ VN đều như vậy cả, còn có bao nhiêu người con như con gái của cô thì tôi không biết, hy vọng rằng chẳng có bao nhiêu để tình mẹ con bà cháu vui tươi thêm mãi”.

Tình thương các bà dành cho cháu là vô kể, còn các ông thương cháu chỉ là gia vị cho cuộc sống gia đình thêm vui mà thôi.

Philato

Ý kiến bạn đọc
28/03/201220:18:34
Khách
Rất hay, cám ơn tác giả, chúc sức khỏe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,990,975
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến