Hôm nay,  

Thấp Thoáng Áo Về

02/09/201100:00:00(Xem: 250650)
Thấp Thoáng Áo Về

Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số: 3344-12-2854vb6090211

Trước 1975, tác giả từng viết nhiều truyện ngắn trên bán nguyệt san Tuổi Hoa, và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoạ (hiện có trên trang mạng Tủ Sách Tuổi Hoa: http//tuoihoạhatnang.com) Sau 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose từ 2003, sáu năm sau cô góp cho "Viết Về Nước Mỹ" nhiều bài viết giá trị và đã nhận giải vinh danh "Tác Phẩm Xuất Sắc, Viết Về Nước Mỹ 2010.”

***

Trước cổng trường đông đúc, nhộn nhịp. Bà đón cháu.
Thật ra bà chỉ việc lên một chiếc xích lô nhờ đạp tới trường, và bà đứng chờ trước cổng, bên vệ đường, như bao nhiêu phụ huynh khác. Bà không lái xe như ở “bên kia”.
Từng đợt, từng đợt học sinh đi ra. Các bạn dắt xe đạp, hoặc xe gắn máy. Ra đến cổng rồi các bạn mới leo lên xe. Bà có một chút hài lòng. Chỉ có một điều rất khác so với ngày xưa. Ngày xưa chỉ có nữ sinh. Bây giờ có cả nam và nữ.
Ngày xưa… Ồ! Bà như thấy trước mắt, cảnh các nữ sinh mỗi sáng lũ lượt nối đuôi nhau vào trường. Cái cổng trường và ngôi trường cổ kính, đã có từ một thế kỷ trước, hàng ngày chứng kiến một quang cảnh không đổi. Có vẻ như không đổi mà thôi! Thật sự ra, cô giáo ngày ấy, vẫn biết rằng trong cái “có vẻ” đó, nhiều cuộc đời đã tiếp diễn, nhiều tâm tư đã biến động, không phải chỉ ở ngoài kia, mà chính trong ngôi trường bình yên này.
Cô giáo dạy môn Anh văn của các lớp đệ nhị cấp, cũng đảm nhận làm giáo sư hướng dẫn cho lớp Mười A9, buổi sáng. Lớp Mười A9, một lớp không có gì đáng nói, vì cũng là một lớp khá ngoan. Học trò học rất đều. Không có em nào dưới trung bình. Các thầy cô rất yên tâm về lớp này. Trường công, cần có những lớp đều như vậy. Được rèn luyện rất cẩn thận, cộng thêm sự học hành tự giác, tinh thần ganh đua và chí phấn đấu, thế là học sinh cứ tiến đều, và sẽ có kết quả tốt trong những kỳ thi lấy bằng Tú Tài.
Cô giáo năm ấy ngoài bốn mươi. Cô vui tính, hay kể chuyện hài hước, nhưng lại có một đặc điểm chưa hề thấy ở một vị giáo sư nào. Đó là cô rất khắt khe với các nữ sinh để tóc dài. Giờ học của cô, các nữ sinh đều phải cột tóc gọn gàng, không ai được xõa tóc. Ngay cả những bạn tóc mới chấm tới vai cũng phải cột lên thành một cái đuôi gà cụt ngủn. Làm trái ý cô ư" Ra khỏi lớp! Giờ Anh văn của cô, ai ai cũng chuẩn bị một cái kẹp tóc hoặc một sợi dây. Cô vào lớp, việc đầu tiên là cô đặt lên bàn một mớ dây thun. Bạn nào quên đem kẹp, cứ tự động bước tới bàn của cô, lấy một sợi dây thun mà cột tóc lại. Chỉ có các bạn cắt tóc “demi-garçon”, nghĩa là tóc tém như con trai, hoặc tóc “bum-bê” thật ngắn mới khỏi phải cột tóc. Trời nóng cũng thế, trời lạnh cũng như thế. Không ai dám cãi lại. Không ai dám thắc mắc.
Thế rồi, đến một hôm, cô trố mắt khi nhìn thấy một cô học trò cột tóc theo kiểu rất lạ. Cô bé chỉ cột dây thun một nửa mái tóc, và vẫn để lớp tóc bên trong chảy lòa xòa trên vai. Cô từ trên bục bước xuống, đứng trước mặt cô học trò. Đây là trò Hương, người nữ sinh giỏi Anh văn nhất lớp. Cô không nói. Hương ngước nhìn lên, thấy ánh mắt của cô, Hương cũng im lặng. Hai thầy trò nhìn nhau. Cả lớp nín thở.
Mấy giây sau, cô ra lệnh:
- Em đứng dậy!
Hương đứng lên, thẳng người, trông rất ngoan như bao lần. Cô giáo nghe hai má mình hơi nóng lên với cảm giác bị học trò cãi lời. Cô hỏi:
- Hôm nay em biết em đã phạm lỗi gì không"
Hương lắc đầu, giọng chắc nịch:
- Thưa cô, không ạ!
Cô nghe mặt ran rát một cảm giác bị xúc phạm. Cô xẵng giọng:
- Em thật không biết"
- Thưa cô, không ạ!
Cô cố dằn, lần đầu tiên cô thấy mình có hơi nhượng bộ đối với học sinh. Cô gắng nói một cách bình tĩnh:
- Từ đầu năm đến giờ, tất cả học sinh khi vào giờ học Anh văn, đều nghe lời tôi, cột tóc gọn gàng. Chưa một ai làm trái lại. Hôm nay em đã làm trái đi. Tại sao"
Hương thong thả đáp:
- Thưa cô, em không thấy mình làm trái điều gì. Em có nghe lời cô. Em có cột tóc ạ!
- Em không làm đúng.
- Thưa cô, cô có nói chúng em cột tóc cho gọn, thì em đã cột tóc cho gọn ạ!
- Không phải!
- Thưa cô, xin cô chỉ cho em… làm sao cho phải ạ!
Cô nói lớn, mặt đỏ bừng:
- Tôi bảo các em cột tóc hoàn toàn, không có một sợi nào được bay lòa xòa. Em nhìn em kìa, cột mà như không cột.
- Vậy thưa cô, em xin làm lại ạ!
Hương thong thả tháo sợi thun buộc tóc ra. Cô giáo và cả lớp chờ đợi. Hương đặt sợi dây thun lên bàn, và lắc đầu nhẹ một cái. Mái tóc đen mượt của cô bé đổ tràn đầy hai vai, như một dòng suối. Cô bé đứng thẳng như người lính đứng đợi lệnh cấp trên. Cô giáo trố mắt. Cả lớp như nghẹt thở.
Lại một khoảng im lặng khó chịu tỏa ra. Mấy giây sau, vẫn là cô giáo lên tiếng trước:
- Em làm vậy là có ý gì" Em không muốn nghe lời tôi hả"
- Thưa cô, em không có ý chống đối cô. Nhưng… thưa cô, em cảm thấy… cô rất vô lý khi bắt buộc chúng em cột tóc. Nếu là trong phòng thí nghiệm thì không nói gì, nhưng giờ này là giờ Anh văn. Trong khi ở các giờ học khác, chúng em không bị các giáo sư gò bó, mà giờ của cô thì chúng em lại phải… làm cho ra vẻ lam lũ. Chúng em thật sự không hiểu ạ! Hôm nay, nếu cô phạt em, em cũng đành chịu. Nhưng em phải nói giùm các bạn em, giùm cả lớp này và giùm cả các lớp khác, vì… họ không dám nói ạ!
Các nữ sinh len lén nhìn nhau, ánh mắt thay cho lời nói chuyện. Họ vừa hả dạ, vừa lo lắng cho Hương. Cô giáo nói giọng run run:
- Giỏi lắm! Em giỏi lắm! Tôi sẽ giao em cho phòng giám thị giải quyết.
Rồi cô mở sách ra, lặng lẽ bước lên bục gỗ.
Sau hôm đó, cô học trò bị một điểm xấu về hạnh kiểm.
Nhưng cô giáo thì cũng từ hôm đó, khi vào lớp không còn đặt một nắm dây thun lên bàn nữa.
*
Ngày xưa… Vâng, cô giáo còn nhớ lắm!
Cô bé học trò lớp Mười A9 tên Hương, khi xõa mái tóc chảy đầy vai, làm cho cô giáo có một thoáng sững sờ!
Sao cô lại không sững sờ cho được, vì hình ảnh đó giống hệt như cô mà! Tấm áo dài trắng tinh, mái tóc đen nhánh dài đến gần thắt lưng, công phu của nhiều tháng nuôi dưỡng, nâng niu. Cô chỉ xõa tóc ra khi mặc áo dài đi học, còn khi ở nhà, giữ em, làm việc trong bếp, ngoài vườn, cô cột hoặc bới cao lên cho gọn. Nhiều cậu nhóc hàng xóm cứ nhìn theo cô, ngẩn ngơ. Và rồi trong đám “nhóc” ấy, một cậu đã rơi vào đôi mắt của cô, đã trao cho cô những tờ giấy màu xanh trên đó có những dòng thơ dịu dàng. Cậu nhóc đã hẹn được cô đi chơi. Cô gan lắm! Cô đã đi chơi với cậu nhóc. Cũng là quanh quẩn nơi những hàng quà vặt trước trường, rồi lại về nhà, giữ em, làm việc nhà, học bài. Rồi một buổi kia, cô trốn học để đi xem xi-nê với cậu.
Dì của cô – vâng, cô học trò ấy không còn cha mẹ, ở với người dì họ, làm việc nhà cho dì ấy và nhận cơm ăn áo mặc – biết được chuyện, đã túm lấy mái tóc của cô mà cắt lấy cắt để, cho đến khi tả tơi ra hết rồi dì mới hả giận. Và thế là cô học trò xinh đẹp phải trùm khăn đi học, chờ cho đến khi đầu tóc mọc thêm cho dễ nhìn mới dám để lộ ra. Cái mặc cảm bị hành tội ám ảnh cô học trò cho đến rất nhiều năm sau, khi cô đã xong bậc trung học, lên học Đại học Sư phạm, tốt nghiệp ra trường và trở thành cô giáo dạy Anh văn.
Cô giáo trở thành một hình mẫu tiêu biểu đáng kính trong nhà trường. Nhiều năm qua, cô hồ như quên mất kỷ niệm chua cay mà mình đã gánh chịu. Cô có gia đình, có con cái. Cô lập ra một cái nếp áp dụng với nữ sinh học môn Anh văn của cô: cột tóc lên cho gọn gàng, dù lớp học Anh văn thì không bao giờ giống như phòng thí nghiệm. Cái nếp ấy, năm này qua năm khác, áp dụng mãi rồi thành quen thuộc không ai dám phản đối. Và cũng không hại gì cho nên nhà trường không can thiệp vào.
Nhưng cô bé Hương đã dám phá vỡ cái bức tường đó, dù biết sẽ nhận lãnh một điều không hay cho mình. Như một tiếng chuông vang lên phá vỡ sự im lặng đáng ghét, Hương đã làm cho cô giáo mất mấy đêm không ngủ. Lúc nào cô cũng thấy cô bé học trò thật đẹp, thật thánh thiện trong nếp áo dài, mái tóc xõa trên bờ vai. Cô bật khóc trong đêm. Trời ơi! Là tôi đấy mà!

*
Biến cố 30 tháng Tư 1975 xảy ra. Có nhiều thay đổi trong hệ thống quản trị nhà trường. Cô giáo vẫn được lưu dụng để dạy môn Anh văn. Nhưng cô bé học trò tên Hương không còn tiếp tục đến trường nữa. Cô bé đã đi đâu mất.
*
- Bà ơi! Cháu đây! Bà đi với ai"
- Bà đi một mình, đi xích lô, cháu ạ! Bà cháu mình sẽ đón tắc-xi về nhé!
- Vâng. Bà đợi cháu một chút, cháu dặn bạn cháu cái này.
Cháu của bà chạy tung tăng chân sáo, gọi bạn ơi ới. Bạn là một cậu con trai cùng trang lứa, lái chiếc xe gắn máy, đang chống chân chờ đợi. Cháu của bà dặn dò một lát, rồi đi về phía bà. Trong khi đó, một cô học trò khác, đến bên cậu học trò kia, leo lên yên sau của chiếc xe gắn máy. Cô bé dang hai chân ngồi thật vững vàng và thoải mái, vạt áo dài được túm lại cột thành một búi trước bụng. Cô bé ngoái lại vẫy tay chào. Cháu của bà vẫy tay theo.
Bà hơi khựng lại một chút. Ngày xưa… Ồ, lại ngày xưa! Bà khi còn là cô học trò trung học, lần đầu tiên mặc áo dài, lúng ta lúng túng, không biết vén thế nào cho gọn. Khi đi xe đạp, cô học trò lót vạt áo dài lên yên, vuốt thật thẳng rồi ngồi đè lên. Hoặc cẩn thận hơn nữa, thì ràng chiếc cặp nơi yên sau bằng một sợi dây thun thật lớn, có hai móc hai đầu, rồi sau đó nhét kỹ hai góc của vạt sau áo dài vào dưới dây thun. Gió có mạnh mấy cũng không thể làm vạt áo bung ra được. Lại còn những khi ngồi ở yên sau cho bạn chở, thì mấy cô nữ sinh bao giờ cũng ngồi khép nép, hai chân để về một bên, vạt áo vén thật gọn gàng thẳng thớm vì sợ nhăn. Vậy mà cũng có một kỷ niệm đau khổ xảy ra cho cô: một hôm cô ngồi sau xe cho cô bạn chở, hai đứa lo nói chuyện cười vui không để ý, cô đã làm vạt áo sau rơi xuống, quấn vào bánh xe, bị rách toạc đứt lìa. Cô run rẩy bước về nhà và nhận lãnh một trận đòn vì tội lơ đễnh.

Tà áo dài nữ sinh, đề tài muôn thuở cho các văn thi nhân, nhạc sĩ, họa sĩ, có đâu ngờ cũng mang lại nhiều đau khổ cho các nữ sinh. Thời của cô, áo dài lúc nào cũng phải thẳng thớm, kín đáo. Đã vậy mà trò nào vô tình hay cố ý “quên” mặc áo thun lá bên trong thì sẽ bị đuổi về, không cho học ngày hôm đó. Con nhà nghèo đến đâu cũng phải ủi áo dài đi học, không để bị nhăn nheo hay gấp nếp. Trời nắng hay mưa, bão hay lụt, cũng không được mặc thứ gì khác. Học trò xứ cao nguyên thì đỡ khổ hơn, phần trên đã luôn có áo len che, các bạn chỉ lo ủi cho thẳng hai vạt áo. Học trò miền thôn quê càng đáng nể hơn nhiều, khi mỗi ngày xắn quần áo lội bì bõm qua bao nhiêu đoạn nước non sình lầy, hoặc lên ghe xuống đò, khi lên tới đường cái rửa chân và thả lai áo quần xuống, áo quần vẫn trắng nguyên, và như vậy là có thể đi đến trường.
Sau năm 1975, trường của cô không bắt buộc nữ sinh mặc áo dài. Trường có thêm nam sinh. Nam nữ đề huề. Học sinh đi học mặc quần tây xanh, áo sơ-mi trắng. Nét e dè khép nép ở nữ sinh dần dần mất đi. Cô cũng không còn nhớ đã có một thời cô bắt các học trò của mình cột tóc cho gọn. Như cô đã quên quá khứ buồn của mình vậy!
Cháu của bà mang đến cho bà một bịch chè. Ồ, con bé nhanh chân thật, vừa mới chạy đi dặn dò bạn, đã tạt ngang gánh hàng rong mua chè bịch rồi! Bà bật cười, nói:
- Bà không ăn đâu!
- Bà ăn đi, ngon lắm! Không ai nhìn đâu! Ngày nào cháu cũng ăn như vậy.
Bà liếc qua “xóm hàng rong” thấy nào là chè, nào là bánh, rồi thì trái cây - cóc ổi xoài, rồi nước mía, chuối xào dừa, xắp-xắp khô bò … Bà lắc đầu. Đứa cháu gái ăn chè bịch một cách ngon lành, không cần chén muỗng, chỉ việc cắn một góc nhỏ ở cuối bịch và kê miệng hút, thế là xong. Bà cảm thấy vui lây với nó. Cháu cũng mặc áo dài như bà ngày xưa - vâng, theo bà biết thì đến một lúc, các trường cũng trở lại cho nữ sinh mặc áo dài trắng – nhưng cách thức của các cháu có nhiều khác biệt. Các cháu nhanh nhẹn hơn, mạnh bạo hơn, không khép nép rụt rè. Các cháu sẵn sàng xắn tay áo lên cao, hoặc cột nùi vạt áo dài trước bụng khi ngồi ở yên sau xe gắn máy. Bà cười dễ dãi, tự nhủ “mỗi thời mỗi khác”.
Một cô bé chạy đến, đưa cho cháu bà một quyển vở.
- Trả lại vở cho bạn nè! Mình đã chép bài xong. Cám ơn nhé!
- Không có chi. Nè, giới thiệu với bạn, đây là bà của mình. Bà ơi, đây là bạn Hoa học cùng lớp với cháu.
- Cháu chào bà ạ!
- Nhưng không phải bà nội hay bà ngoại đâu! Bà là “bà trẻ” ấy!
Cô bạn tròn mắt chưa hiểu. Bà giải thích:
- Chào cháu, “bà trẻ” có nghĩa là bà cô hoặc bà dì. Bà là “bà dì họ” của bạn đây.
- Dạ cháu hiểu rồi ạ!
Cháu của bà giải thích thêm:
- Bà và gia đình của bà ở bên Mỹ hết cả. Bà năm nay mới về chơi, thăm gia đình của mình. Bà với bà ngoại mình là “chị em bạn dì họ”, nghe rắc rối không" Nhưng họ thân lắm, vì bà chỉ có người thân là phía bà ngoại mình thôi. Bà về chơi, rồi bà lại đi qua bên ấy.
Cô bạn nhỏ gật gù:
- Vậy cháu chúc bà có những ngày ở chơi vui vẻ. Cháu chào bà ạ!
Bà chào lại. Cô nhỏ chớp nhanh đôi mắt tròn, và quay lưng đi. Cô lắc nhẹ mái tóc. Một dòng suối đổ tràn vai. Cô đi thật nhanh và lẫn vào dòng người áo trắng. Bà chợt nghe trái tim mình thắt lại một cái đau nhói. Hình ảnh quen thuộc quá!
Cô cháu nói khẽ:
- Con nhỏ Hoa này… coi vậy mà tội nghiệp lắm bà ạ!
- Cháu nói sao"
- Dạ, để hôm nào cháu kể bà nghe…
*
Trước cổng trường vẫn đông đúc, nhộn nhịp. Có vẻ như không đổi. Thật sự ra, cô giáo ngày ấy, vẫn biết rằng trong cái “có vẻ” đó, nhiều cuộc đời đã tiếp diễn, nhiều tâm tư đã biến động, không phải chỉ ở ngoài kia, mà chính trong ngôi trường bình yên này.
Thầy trò họ gặp lại nhau. Cô giáo dạy môn Anh văn và cô học trò xinh đẹp tên Hương của lớp Mười A9. Hình như những nét tươi đẹp và tinh anh của mình đều truyền hết cho đứa con gái, Hương hiện ra trước mắt cô giáo, là một phụ nữ trung niên với nét khắc khổ trên gương mặt.
Họ cùng nhau đến kéo ghế ngồi bên một chiếc xe nước mía. Khuôn viên nhà trường trong kia không còn thuộc về họ.
- Hương à, sau ngày ấy, em đã đi đâu"
- Thưa cô, em đi kinh tế mới, cùng với ba má và các anh chị em của em. Một nhà sáu miệng ăn, vất vả lắm thưa cô. Nhưng không thể ở lại thành phố vì áp lực nặng nề quá! Tụi em ra sức tập tành trồng trọt, chăn nuôi. Sức vóc học trò yếu ớt, không cày cấy nổi trên sỏi đá. Cho đến một ngày…. Ba của em cuốc trúng mìn và chết trên rẫy. Cả nhà đành trở về thành phố, bươn chải làm đủ mọi nghề để sống tạm. Chỉ có hai năm mà nhà em đã trắng tay, gia sản tiêu tan hết. Em cũng bỏ học luôn.
- Cùng thời gian đó, cô và chồng con của cô cũng trốn đi.
- Cô đã qua Mỹ"
- Phải. Cô và chồng cô làm mọi nghề để nuôi con. Bây giờ cuộc sống đã tạm yên. Em hãy nói tiếp cho cô nghe, sau khi về lại thành phố, em sống ra sao"
- Em cùng mẹ và các anh chị em lây lất qua ngày, rồi cũng xong. Em lập gia đình trễ nhất trong các anh chị em. Con của em là bé Hoa đó thưa cô.
- Cô đã biết, cháu giống mẹ như đúc. Cô đã giật mình khi nhìn thấy cháu. Đúng là hình ảnh của em ngày xưa, không khác một ly.
- Thưa cô, em xin lỗi cô!
- Xin lỗi chuyện gì"
- Chuyện ngày xưa… Em đã cãi lời cô, không chịu cột tóc.
- Cô quên rồi! Nếu cô không quên, cô sẽ còn đau khổ với cái kỷ niệm đau đớn của cô. Em đừng hỏi cô đó là kỷ niệm gì. Để cho nó chìm luôn đi em nhé! Cái hình ảnh em xõa tóc dài, mặc áo dài trắng, thương lắm, chính là hình ảnh của cô, và bây giờ đã là hình ảnh của các cháu.
- Vâng! Nhìn bên ngoài là như vậy, nhưng cô ơi!....
- Sao" Em muốn nói gì"
- Cô ơi! Nếu cuộc đời bình lặng như chúng ta muốn thì chắc sẽ không là cuộc đời. Em tưởng những gì mà thế hệ trước gánh vác thì sẽ không xảy ra cho đời sau. Em tưởng thế hệ con của mình sẽ được may mắn hơn. Nhưng sự thật thì còn tệ hơn nữa…
- Em muốn nói gì"
- Chỉ mới gần đây thôi, một ngày kia em không thấy con của em về nhà. Cháu theo bạn bè trốn đi chơi, nghe lời dụ dỗ và sa vào một cái bẫy buôn người. Chúa ơi! Khi em đến khách sạn thì vừa kịp thấy bọn đó tổ chức cho các gã ngoại quốc chọn lựa các cháu như chọn nô lệ. Em như nổi điên, em phá phách tan nát cái động đó, cùng những bà mẹ khác cứu các con về. Cô ơi, cháu cũng còn chút may mắn hơn những bạn trẻ khác trôi giạt qua xứ người không biết đâu mà tìm. Cô thấy đó, cháu có vẻ ngoan ngoãn thuần hậu, nhưng không thể ngờ, đàng sau lớp áo trắng kia là một kỷ niệm đau đớn. Từ đó em mang tâm bệnh trầm cảm. Em rất buồn, thưa cô!..
*
Cô giáo ngày xưa trở lại Mỹ. “Bà trẻ” chỉ chơi với cháu được mấy tuần. Ngoài một vài giúp đỡ vật chất nhỏ nhoi, bà cũng không làm được gì hơn.
Đối với gia đình Hương cũng vậy. Bà cảm thấy nặng lòng quá! Khi máy bay rời phi đạo và cất cánh bay lên không, bà bật khóc. Bà bỏ lại những con đường đầy cỏ xanh, những khu xóm nhà cửa chen nhau chi chít, những tòa nhà cao nghễu nghện đứng bên cạnh khu ổ chuột, trông như những anh “đại bàng” hách dịch trước đám dân đen. Rồi thì dòng sông, đồng lúa, rặng núi, khu rừng… tất cả chìm vào màn mây và màn nước trong mắt bà trắng xóa.
Bà ngủ vùi mấy ngày. Trông có vẻ như người bị mệt mỏi vì sái múi giờ. Thật sự bà muốn quên. Bà cũng có cảm giác bị trầm uất như lúc xưa bị người dì họ ra tay xởn tóc. Có một cảm giác mất mát đeo nặng trong trí bà. Nhiều đêm ngủ chập chờn, bà thấy vô số những tà áo dài trắng vờn bay trước mặt, vỡ ra thành những giọng cười hồn nhiên, rồi lại quấn quít quanh người bà, khóc lóc tỉ tê như trong một đám tang làm cho bà ngạt thở.
Khi đã yên tĩnh lại một chút, bà quyết định làm một cái gì. Bà nghĩ từ nay bà sẽ viết sách, bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, về những cuộc đời trầm luân của những người phụ nữ bất hạnh. Bà bắt tay vào việc ngay. Con cháu thấy bà hồi phục, ai cũng nhẹ nhõm.
Riêng có đứa cháu ngoại trai của bà, một hôm đã làm cho bà ngạc nhiên khi trao cho bà một bản vẽ và nói:
- Con tặng cho ngoại đó!
- Cái gì đây, thằng cháu cưng"
- Ngoại coi sẽ rõ. Ngoại có ưng ý không" Ngoại dùng nó để làm bìa cho cuốn sách đầu tay của ngoại nhé!
- Được! Nếu “thiết kế sư” vẽ đúng ý ngoại thì ngoại sẽ dùng…
Bà mở tròn đôi mắt. Trên bản vẽ là một tà áo dài mềm mại. Người con gái trong hình tươi tắn, cười hồn nhiên, mái tóc buông dài trên vai. Bà nghẹn ngào không nói được. Cháu của bà, cậu thanh niên sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, nói hớn hở:
- Ngoại à, con đã nghiên cứu rất lâu về chiếc áo dài Việt Nam. Con thấy có nhiều biến cải rất lạ mắt và đầy thú vị. Nhưng cuối cùng, con chỉ chọn kiểu áo này, chiếc áo dài nguyên thủy không kiểu cọ gì cả. Đó là kiểu áo dài của các nữ sinh. Theo con, đó là kiểu áo dài hoàn hảo nhất.
Bà ôm siết đứa cháu trai vào lòng:
- Cám ơn con. Ngoại ưng ý lắm!
- Ngoại có thấy cô gái này giống ngoại ngày xưa không"
- Có! Có! Giống ngoại lắm! Mà… cũng giống rất nhiều người, con ạ!

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ý kiến bạn đọc
07/09/201114:10:13
Khách
quá hay
03/09/201102:37:35
Khách
ba`i viê't râ't dê? thuo+ng , ca?m o+n Cam Li, Hy vo.ng đuo+.c đo.c thêm ba`i mo+'i
23/09/201108:56:04
Khách
Thật cảm động. Cám ơn tác giả nhiều lắm. Hình ảnh ngày xưa thật đẹp !!!
02/09/201121:41:02
Khách
Xin cảm ơn tác giả Cam-Li ! 1 câu chuyện có ~ đoạn đẹp như mơ, tôi thích nhất là đoạn tả về những mái tóc, về tà áo dài & .... cảm động quá với ~ đêm ngủ chập chờn của nhân vật chính ! Khi một ai đó có ~ hành động lạ lùng, có lẽ tốt hơn hết là ta nên tìm cách tìm hiểu để có sự cảm thông ... Và mong là nỗi đau của mình, ít làm ảnh hưởng tới người khác hơn ! Lại thêm 1 niềm nhớ về ~ đau thương của ~ người con gái tội nghiệp ở quê nhà. Xin cảm ơn tác giả về ~ bài học này !
02/09/201116:18:50
Khách
Cám ơn tác giả Cam Li.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,012,124
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến