Hôm nay,  

Chuyện Của Việt

20/01/201100:00:00(Xem: 158790)
Chuyện Của Việt

Tác giả: Anthony Hung Cao
Bài số 3098-28398 vb4011911
(trích Việt Báo Tết Tân Mão, 2011)

Một ngày cuối Tháng 9-1988, có chàng học trò 19 tuổi, cùng gia đình gốc quân y VNCH định cư tại vùng Little Saigon theo diện bảo lãnh đoàn tụ. Chỉ sau 7 năm vừa làm vừa học, anh học trò nghèo tốt nghiệp bác sĩ nha khoa. Đó là trường hợp bác sĩ Anthony Hưng Cao, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007, ông đã nhận giải danh dự năm 2008. Hai năm sau, thêm giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc. Bài của Anthony Hưng Cao cho báo xuân năm nay viết về lớp người trẻ.

*

Hơn một thế hệ người Việt đã trưởng thành trên đất Mỹ. Sau lớp cha anh là thế hệ của chúng tôi, tạm gọi là thế hệ "ba rọi" hay một rưỡi, và rồi thế hệ thứ hai, thứ ba đang bước tới. Tôi vẫn ước mong là có dịp tìm hiểu và viết về những suy nghĩ và tâm tư của thế hệ trẻ lớn lên trên nước Mỹ. Tôi muốn biết các em nghĩ gì về nước Mỹ, nơi các em trải qua phần lớn cuộc đời của mình ở đây, và về đất nước Việt Nam, nơi các em có rất ít những liên hệ hay hiểu biết . Ước mong của tôi cuối cùng cũng đã đến khi tôi tìm được một "nhân vật" thích hợp với ước muốn của mình. 
Xin bắt đầu câu chuyện người tuổi trẻ tên Việt và sơ lược về chuyến đi công tác thiện nguyện của em ở Việt Nam vừa qua.
*
Khi mới đến Mỹ, Việt mới vừa tròn tám tuổi. Lứa tuổi thật hồn nhiên mà nhiều người cho là vẫn còn "con nít". Mà đúng là con nít thật vì Việt chẳng còn giữ được bao nhiêu ký ức của những ngày ở Việt nam. Có chăng là Việt chỉ nhớ mang máng đến ngôi trường cấp I mà hàng ngày mẹ của em chở đến học trước khi ghé đến sở làm. Rồi căn nhà nhỏ được ba của em xây trên một mảnh đất phía sau trong khu vườn nhà ông bà Nội ở Bình Dương. Việt nhớ khu vườn trồng rất nhiều cây điều để lấy hạt và những nọc tiêu mọc xanh mướt, um tùm với những chùm trái be bé xanh xanh đong đưa trong gió. Thỉnh thoảng Việt đùa nghịch hái trái tiêu xanh, rồi quên rửa tay nên mắt bị cay xè khi vô tình quệt tay vào mắt. Chị của Việt lớn hơn Việt năm tuổi, nhưng hai chị em rất khăng khít, gắn bó, và thương yêu nhau.
Khi mới đến Mỹ, Việt theo học lớp Ba ở trường Hill Elementary School. Thời gian đầu, Việt thường chỉ chơi với những bạn học nói tiếng Việt vì vốn liếng tiếng Anh của em còn rất yếu. Tuy nhiên chỉ mấy năm sau, Việt đã theo kịp với các bạn và trở thành một trong những học sinh giỏi trong lớp. Ngoài các Giải thưởng của Hội Học Sinh Xuất Sắc Lambda Chi Alpha, và UCLA Scholarship Recognition, trong các năm học ở trường, Việt còn được ghi tên vào Dean's Honors List trong nhiều khoá học và nhận được học bổng từ Kathryn & Arthur Newfield, A. Barry Cappello, Reverend James A. Davidson, v.v. Thời gian thấm thoát trôi qua thật mau, giờ đây, Việt đã là một sinh viên trẻ 19 tuổi đang theo học năm thứ ba của trường đại học nổi tiếng UCLA với ước mơ trở thành một bác sĩ chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo. Mặc dầu lớn lên và theo học ở trường Mỹ từ lúc còn bé, nhưng tiếng Việt của Việt rất khá. Việt cũng từng đoạt nhiều thành tích cá nhân và đồng đội từ Giải thưởng Khuyến Học tiếng Việt cho các môn thi vào năm 2007 và 2008. Khi được hỏi lý do nào em vẫn có thể viết và nói tiếng Việt một cách trôi chảy như vậy, Việt mỉm cười tâm sự:
"Từ lúc nhỏ cho mãi đến năm học lớp 11, cháu vẫn thích coi nhiều bộ phim chưởng dịch sang tiếng Việt mà cháu thích nhất là bộ phim Tây Du Ký."
Việt cho tôi biết thêm là em cũng được ba mẹ cho theo học tiếng Việt vào những ngày Chủ nhật cuối tuần. Ngoài học tiếng Việt, em còn tham gia rất tích cực trong các sinh hoạt hướng đạo ở các chùa Việt Nam trong vùng như chùa Quan Âm, chùa Dược Sư, v.v. Trong các dịp lễ lớn hay Tết âm lịch, Việt thường tích cực tham gia trình diễn các tiết mục văn nghệ được tổ chức tại các chùa trong vùng. Việt cho biết, ngoài học tiếng Việt từ các thầy cô dạy Việt ngữ, em cũng được học nhiều điều bổ ích về Phật pháp từ các anh chị Huynh Trưởng. Em còn học hỏi thêm từ ông bà ngoại về những câu dao, tục ngữ. Việt cười hồn nhiên kể rằng trong một cuộc thi đố vui, khi ban giám khảo ra câu đố "Các em cho biết ngoài con trâu ra, còn con gì có sừng""
Việt tinh nghịch trả lời:
"Thưa cô con người." Khi cô giáo hỏi tại sao em trả lời như vậy, Việt mỉm cười đáp:
"Thưa cô, tại em đọc truyện thấy tác giả viết có ông nào đó đã bị bà vợ cho mọc... sừng."
Tre già măng mọc, rồi chính Việt cũng trở thành một Huynh Trưởng sau khi em tốt nghiệp trung học và đậu thủ khoa trong kỳ thi để trở thành một Huynh Trưởng trong Trại Huấn Luyện Lộc Uyễn cho Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Sau khi nhận được học bổng của trường UCLA trong ngành Sinh-Hoá-Học (Biology-Chemistry Major) để chuẩn bị vào trường Y khoa sau này, mặc dù chương trình học rất bận rộn, Việt vẫn ghé đến chùa Dược Sư để tiếp tục sinh hoạt trong vai trò của một Huynh Trưởng với ước mong mang những kiến thức của mình về Phật pháp và tiếng Việt. Trong suốt quãng đời niên thiếu cho đến lúc trưởng thành, Việt đã chứng kiến sự hy sinh làm việc vất vả của ba mẹ ngay từ khi đặt chân lên đất Mỹ vì lo cho tương lai của hai chị em Việt, nên em càng tự nhủ với lòng phải cố hết sức học thật giỏi để không phụ lòng ba mẹ. Việt đã từng thấy không ít các bạn bè gốc Việt gia nhập với các bạn xấu, xao lãng việc học hành. Việt cho biết trong công tác hướng đạo vào cuối tuần, em thường khuyên bảo các em nhỏ phải vâng lời cha mẹ và cố gắng học hành cho nên người.

Gia nhập tổ chức thiện nguyện M.E.M.O.
Bước sang năm thứ Ba ở UCLA, Việt bắt đầu gia nhập vào sinh hoạt chung trong một tổ chức y tế thiện nguyện có tên M.E.M.O., viết tắt từ tên Medical, Educational Missions and Outreach. Theo như Việt cho biết, tổ chức này đã được thành lập bốn năm trước từ trường đại học UCI và năm nay là năm đầu tiên sinh viên từ đại học UCLA bắt đầu gia nhập vào sinh hoạt chung trong tổ chức này. Bác sĩ Duy Nguyễn, một bác sĩ chuyên khoa về tim mạch, là người sáng lập ra tổ chức trên với mục đích thực hiện những chuyến đi thiện nguyện về Việt Nam giúp đỡ trẻ em nghèo và chữa trị cho những bệnh nhân nghèo khó không đủ tiền để trị bệnh. Để có thêm ngân quỹ, ngoài giờ học, các em sinh viên tổ chức gây quỹ như rửa xe hay đi phân phát những mẫu quảng cáo cho các cơ sở thương mại, v.v, và đặc biệt là tổ chức một buổi ăn tối để gây quỹ. Tất cả số tiền có được chỉ dùng để trang trải một phần nào chi phí cho chuyến đi, vì phần lớn tiền vé máy bay và tiền ăn ở, các em trong nhóm phải tự bỏ tiền túi ra. Khi được hỏi vì sao tham gia sinh hoạt với M.E.M.O., Việt cười hồn nhiên:
"Cháu là người Việt, giống như cái tên của cháu vậy, nên cháu mong muốn có dịp trở về Việt Nam giúp đỡ những người nghèo bên đó. Cháu biết tổ chức này sẽ có chuyến đi về Việt Nam nên cháu hy vọng sẽ sắp xếp được thời gian để cùng đi chung với nhóm."
Giữa tháng Chín, trời Cali đã sang Thu với những chiếc lá vàng bắt đầu xuất hiện trên những tàng cây trồng khắp nơi trong khuôn viên của trường đại học. Khi khoá học vừa chấm dứt là cả nhóm chuẩn bị hành lý để lên đường. Việt đã quen với những chuyến đi xa hay những lần về nhà nghỉ cuối tuần, nên chuyện sắp xếp hành lý không có gì làm cho em phải bận tâm. Ngoài một số quần áo và đồ dùng cá nhân, gia tài của một sinh viên nghèo như Việt là 300 đô la cất kỹ trong túi mà Việt định bụng chỉ khi nào cần lắm, em mới dùng đến. Chuyến đi lần này sẽ có 15 sinh viên từ trường UCLA và khoảng 25 sinh viên từ trường UCI cùng với bốn vị bác sĩ có mặt trong đoàn. Ngoài các sinh viên Việt Nam, Việt cho biết còn có các sinh viên người Nhật, Hoa, và Ấn Độ cũng tham dự trong chuyến đi.
Đã hết mùa hè, nhưng khi phi cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, không khí nóng ẩm của miền khí hậu nhiệt đới làm cả nhóm sinh viên trẻ ai nấy cũng đều nhuễ nhoại mồ hôi dù trời đã về chiều. Sau khi lấy hành lý, Việt cùng các bạn sinh viên khác lục tục kéo lên hai chiếc xe buýt đã chờ sẳn để đưa cả nhóm về khách sạn nghỉ trước khi bắt tay vào những chương trình bận rộn cho 12 ngày sắp tới. Ngồi trong xe buýt trên đường về khách sạn, những thành viên của nhóm lần đầu tiên đến Việt Nam đều trố mắt ngạc nhiên nhìn qua khung cửa cảnh xe cộ chạy đan qua đan lại trên đường phố dường như bất chấp luật lệ giao thông và những tiếng còi xe inh ỏi vang lên khắp mọi nơi. Phải mất đến hơn một tiếng đồng hồ, xe bus mới đến được khách sạn. Chương trình ngày hôm sau của nhóm sẽ là đến viếng thăm trường Thiên Bình, một trung tâm dạy trẻ mồ côi ở tỉnh Đồng Nai.

Thiên Bình, ngày 11 tháng 9:

Ngay ngày đầu tiên của chuyến đi, Việt đã có dịp tận mắt chứng kiến một trung tâm trẻ mồ côi. Việt hơi thoáng chút ngỡ ngàng trước khung cảnh trường dạy các cháu mồ côi ở đây. Với một diện tích chật hẹp, nhưng nhà trường phải cưu mang đến hơn 200 cháu từ 12 tuổi trở xuống. Có một số cháu tuy không bị mất mẹ hoặc cha, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc vì bị một chứng bệnh dị tật bẩm sinh nào đó, nên các cháu bị gia đình bỏ rơi và được đưa vào đây. Việt và các anh chị trong đoàn thăm hỏi các thầy cô trong trường, phát bánh kẹo, đồ chơi và một số tiền nhỏ cho các cháu. Lúc đầu, các bạn trẻ sinh viên trong nhóm còn hơi rụt rè trước những ánh mắt nhìn khá bỡ ngỡ, xa lạ, nhưng với những kinh nghiệm sinh hoạt của những năm làm Huynh Trưởng, Việt đã mau chóng giúp các bạn trong nhóm và các cháu mồ côi xóa bỏ lằn ranh đó bằng cách bày trò chơi và đá banh với các cháu. Dưới bóng mát của hai hàng tre trồng dọc theo sân trường, những tiếng cười đùa hồn nhiên của các cháu khi rượt chạy theo quả bóng tròn làm Việt và các bạn cảm thấy được ấm lòng khi thấy mình đem lại chút nguồn vui nho nhỏ đến cho các cháu. Nhìn những cánh tay gầy gò đưa lên vẫy chào và những ánh mắt quyến luyến như không muốn chia tay của các cháu khi chiếc xe buýt lăn bánh trở về Sài Gòn làm cho cả nhóm ai cũng cảm thấy thật bồi hồi cảm động. Việt tự hỏi không biết trong những ngày tháng sắp tới, ai sẽ là người tiếp tục mang lại những nụ cười hồn nhiên tưởng chừng đã bị đánh mất sau bao nhiêu năm tháng sống khép kín trong mặc cảm bị xã hội và gia đình ruồng bỏ. Hơn bao giờ hết, Việt cảm nhận hết được niềm hạnh phúc được sống trong tình thương yêu của mẹ cha từ bấy lâu nay.

Chùa Diệu Giác, ngày 12 tháng 9
Ngày kế tiếp, nhóm của Việt ghé đến một trung tâm dạy các cháu mồ côi khác là chùa Diệu Giác ở quận Hai, Sài gòn. Nơi đây, cũng có hơn 200 các cháu mồ côi được Sư trụ trì của chùa đứng ra nuôi nấng dạy dỗ các cháu. Việt và các bạn trong nhóm tiếp tục phân phát bánh kẹo, đồ chơi, một số tiền nhỏ và bày trò cho các cháu cùng chơi chung. Trong số các cháu, có bé Sơn rất mến Việt và luôn quấn quýt bên em. Trong lúc chơi đùa, bé Sơn được Việt cõng trên lưng. Cháu thì thầm bên tai Việt hôm nay là ngày vui nhất của cháu vì từ trước đến nay, chưa có ai chơi đùa thân tình với cháu như vậy và đây là lần đầu tiên trong đời, cháu được có người cõng trên lưng.
"Chú Việt ơi," bé Sơn nói, "có mấy lần cháu thấy có những đứa nhỏ cỡ tụi cháu, được ba mẹ tụi nó cõng lên lưng đi chơi, cháu thèm được như vậy lắm. Chú ở đây chơi lâu lâu với tụi cháu nhe chú Việt""
Việt không biết trả lời ra sao vì sợ cháu sẽ buồn khi biết rằng chỉ còn không bao lâu nữa, Việt và các bạn phải từ giã các cháu để tiếp tục cuộc hành trình. Việt mong sao cho ngày hôm nay trôi qua thật chậm để em có nhiều thời gian hơn để chơi đùa nhằm mang lại chút niềm vui đến với các cháu. Nụ cười của bé Sơn trong bức ảnh chụp khi được Việt đang cõng cháu trên lưng sẽ là một kỷ niệm khó nguôi ngoai trong lòng của Việt.
Khi có dịp chơi đùa và chuyện trò với với các cháu, Việt mới biết nhiều em không được đến trường đều đặn vì không có đủ phương tiện, tập sách cũng như một số chi phí cho việc học hành. "Cũng cùng là một kiếp người, nhưng so với các em bé bên Mỹ, các cháu ở đây bất hạnh quá." Việt thầm nghĩ. Các cháu thiếu thốn từ tình thương của gia đình đến sự chăm sóc về giáo dục và sức khoẻ của xã hội. Việt lấy máy chụp hình mang theo để chụp lại những tấm ảnh mà em dự định sẽ cho các em ở những lớp hướng đạo xem khi trở lại Mỹ để các em biết quý trọng hơn những gì mình đang may mắn có khi được sống trên nước Mỹ thanh bình và thịnh vượng.

Đại học Y Dược Sài Gòn, 13 đến 16 tháng 9
Ba vị bác sĩ chính của tổ chức M.E. M.O. là Bác sĩ Duy, Bác sĩ Long và Bác sĩ John đều là những bác sĩ chuyên về ngành giải phẫu và tim mạch. Trong những ngày tiếp theo ở Sài Gòn, nhóm các bạn sinh viên của Việt được theo các bác sĩ đến bệnh viện của Đại học Y Dược. Nơi đây, các em được chia ra thành từng nhóm nhỏ để đi theo quan sát, học hỏi cách chẩn bệnh cũng như có dịp được tận mắt quan sát các ca mổ của các vị bác sĩ từ trường đại học và các bác sĩ trong đoàn.
Ngày đầu tiên, một số sinh viên trong nhóm của Việt được chọn để có dịp tiếp xúc với một vài bệnh nhân đến đây để chuẩn bị cho những ca giải phẫu tim. Bệnh nhân đầu tiên là một cô bé còn rất trẻ từ thành phố Nha Trang. Gia đình em đã phải theo xe đi đến hơn 12 tiếng đồng hồ để đến được đây. Cháu bé này thật tội nghiệp vì vừa bị câm điếc bẩm sinh và lại còn bị mù một mắt. Người mẹ gầy ốm với dáng vẻ mệt mõi và đôi mắt thâm quần vì thiếu ngủ đang luôn tay quạt cho cháu. Người cha cũng ốm yếu với làn da đen sạm in đậm vết tích của những ngày lao động khổ cực để bươn chãi mưu sinh cho gia đình. Khi thấy Việt bước đến gần để thăm hỏi, người mẹ cung kính đứng dậy cất tiếng nói trong làn nước mắt:
"Nhờ cậu nói lại với các bác sĩ là gia đình tôi mang ơn rất nhiều. Cháu nó bị nhiều bệnh tật nhưng gia đình tôi không nỡ bỏ rơi cháu. Nếu có phải làm bất cứ điều gì để cứu cháu, vợ chồng tôi cũng sẽ cố hết sức để làm. Nếu không có phái đoàn y tế từ bên Mỹ về, chúng tôi cũng không biết phải làm sao nữa."
Việt cảm động nắm lấy bàn tay của bà và cố tìm lời an ủi:
"Bác đừng lo. Cháu biết các bác sĩ trong đoàn giỏi lắm. Họ sẽ hết lòng chữa trị cho con của bác."
Một bé khác, mới có 8 tuổi bị tật bẩm sinh với một lỗ hở trong tim. Khi biết Việt từ Mỹ về và biết nói tiếng Việt, cháu hồn nhiên kể với Việt là cháu rất thích được chơi đá banh với các bạn trong lớp, nhưng mỗi lần chơi được một chút là cháu thường bị ngất xĩu. Vì hoàn cảnh gia đình rất nghèo, phải chạy lo miếng ăn từng bữa, nên cháu biết cha mẹ dù thương con đến mấy nhưng có lẽ cũng sẽ không bao giờ có đủ tiền để chạy chữa cho cháu. Có lần cả nhà cố dành dụm nuôi một con heo định sẽ bán khi heo lớn để kiếm tiền chữa bệnh cho cháu, nhưng vì không có đủ thức ăn để nuôi nên con heo bị thiếu ăn và chết trước khi kịp bán.
Khi hay tin cháu được đưa đến bệnh viện khi có phái đoàn các bác sĩ từ bên Mỹ về chữa trị, các thầy cô giáo và bạn bè trong lớp đã quyên góp cho gia đình cháu được một số tiền nho nhỏ để giúp cho bố mẹ cháu có thêm chi phí sinh hoạt trong những ngày ở lại thăm nuôi cháu trong bệnh viện. Nhìn dáng vẻ ốm yếu xanh xao của các cháu bé sắp sửa được may mắn chữa trị, Việt thật cảm động và chợt cảm thấy một niềm vui và hạnh phúc dâng tràn khi em biết được công lao của những ngày khổ cực gây quỹ của nhóm giờ đây sẽ được đền bù. Những số tiền thu góp được sẽ giúp mang lại cuộc sống của những em bé bất hạnh ở đây. Thật không có món quà nào có ý nghĩa và quý giá hơn. Cũng trong ngày đầu tiên, ba vị bác sĩ trong đoàn là Bác sĩ John, Bác sĩ Duy Nguyễn và Bác sĩ Quang Võ có dịp xem qua các trang thiết bị của phòng mổ và bệnh lý của các bệnh nhân trước khi bắt tay vào những ca mỗ tim trong những ngày kế tiếp.
Ngày thứ hai ở bệnh viện, Việt được dịp gặp gỡ và nghe tâm sự của một số bác sĩ và y tá trong khoa Tai Mũi Họng. Hầu hết mọi người đều mong ước bệnh viện có thêm nhiều trang thiết bị y khoa tân tiến hơn cũng như có được sự tăng cường của nhiều bác sĩ và y tá hơn. Trước khi lên đường sang Việt Nam, Việt rất ngạc nhiên khi thấy các bác sĩ và các anh chị em làm việc lâu trong tổ chức M.E.M.O. rất vui mừng khi gom góp được nhiều dụng cụ y khoa cũ với tổng giá trị trên $200,000. Đến khi về Việt Nam, được tận mắt chứng kiến những dụng cụ y khoa ở đây với nhiều dụng cụ sau khi mỗ được khử trùng để sử dụng lại nhiều lần thay vì vất đi như ở Mỹ, Việt mới hiểu rõ tại sao các bác sĩ và các anh chị trong nhóm tổ chức tỏ ra quý trọng những dụng cụ y khoa được tặng để mang theo đến như vậy. Những dụng cụ y khoa này, tuy một số đã sắp hết hạn, nhưng vẫn còn tốt hơn so với nhiều dụng cụ đã lỗi thời hoặc bị sử dụng nhiều lần ở Việt Nam. Một điều khác lạ nữa đập vào mắt Việt là khung cảnh lạ lẫm khi em thấy các thân nhân của người bệnh tá túc ngay trong hành lang của bệnh viện trong khi ở lại săn sóc bệnh nhân. Các phòng trong bệnh viện ở đây rất chật chội với nhiều bệnh nhân nằm chung một phòng và đã thế lại không có máy điều hoà nhiệt độ ở trong phòng.
"Thật là bao nhiêu điều bất hạnh cho những bệnh nhân lỡ bị đau ốm phải vào đây, chưa kể đến nhiều bệnh nhân bị từ khước vì không có tiền chữa trị." Việt đau xót nghĩ thầm.
Có sáu phòng mỗ (Operating Room) trong khu giải phẫu của bệnh viện. Các bác sĩ của trường đại học phải thay nhau làm việc rất vất vả với số đông bệnh nhân cần đến đôi bàn tay của họ. Việt thấy có một số bác sĩ từ các nước lân cận như Mã Lai và Singapore đến để quan sát và thực tập với đội ngũ bác sĩ Việt Nam của trường. Điều làm Việt ngạc nhiên là các bác sĩ Việt Nam ở đây nói tiếng Anh rất giỏi và rất tận tình chỉ dẫn cho mọi người, ngay cả các em sinh viên đi trong phái đoàn của Việt phần lớn chưa phải là sinh viên y khoa thực thụ.
Trong ngày cuối cùng ở bệnh viện, Việt may mắn được chọn trong số 4 sinh viên theo quan sát ca mỗ tim của bác sĩ Quang Võ. Việt thầm thán phục đôi bàn tay khéo léo của vị bác sĩ và mừng cho cháu bé mới gặp vài hôm trước đã được vị cứu tinh mang lại cho cuộc sống mới vì nếu không có những cuộc giải phẫu miễn phí như vầy, có lẽ cuộc sống của các cháu chỉ có thể đếm được từng ngày.
Với chương trình "Heart Program" của tổ chức M.E.M.O., các bác sĩ của nhóm đã mổ thành công bốn ca giải phẫu cho các bệnh nhân có bệnh bẩm sinh về tim trong chuyến đi lần này.
Anthony Hưng Cao

Ý kiến bạn đọc
21/01/201103:34:48
Khách
Sao không ai đọc bài của dentist hết vậy?
Tôi chỉ có Việt Báo là niềm vui nên đọc hết tất cả. Đọc rồi mà còn muốn cảm ơn tác giả đã viết bài cho mình đọc nữa chứ.
Thôi khỏi khen nha. Đánh 6 sao vừa ý không? !!!!!
22/01/201123:19:04
Khách
Cám ơn các bác sĩ và tình nguyện viên trong MEMO đã nghĩ đến đồng bào Việt nam bệnh hoạn ở quê nhà.
Cám ơn em Việt, dù lớn lên ở Mỹ nhưng có tấm lòng thật Việt nam.
Cám ơn tác giả Anthony Hưng Cao đã viết về đề tài này để các bậc phụ huynh biết về MEMO để khuyến khích con em mình tham gia.
Vài hàng xin được chia xẻ.
22/01/201105:04:00
Khách
Tôi rất thích những bài như thế này và âất ngưỡng mộ những người có tấm lòng nhất là các em ở thế hệ sau. Cám ơn tác giả về những bài viết cuả ông
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,205,974
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông về quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ hai của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây là bài viết thứ tư của bà, về thảm họa Alzheimer’s đang gia tăng khắp thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung . Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu, nơi ông đang làm việc.
Lời giới thiệu: Tôi là một nữ cư dân của California. Mi Thu là tên viết văn của tôi, hàng mi mùa Thu. Thật ra, tên nàylà âm của chữ MeToo, tên của phong trào nạn nhân lên tiếng tố cáo những người đã xâm phạm tình dục. Câu chuyện sau đây là có thật nhưng các tên đã được thay đổi vì hiện giờ tôi không thấy cần phải tiết lộ danh tánh những người trong chuyện. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2017. Bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà. Bài viết đầu tiên kể chuyện từ miền Đông về Little Saigon dự họp mặt liên trường tỉnh Tây Ninh. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến