Hôm nay,  

Phải Ôm Cho Sát Vào...

20/12/200900:00:00(Xem: 188987)

Phải Ôm Cho Sát Vào...

Tác giả: Phila To
Bài số 2816-1628886- vb8122009

Tác giả tên thật là Tô Văn Cấp, sinh năm 1941,  định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. 1, hiện làm việc tại học khu Ocean View. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, bài nào cũng cho thấy tấm lòng và sự lạc quan, yêu đời. Bài viết mới của ông là lời nhắc quan trọng cho quí vị lái xe quanh các khu mua sắm trong tuần lễ Giáng Sinh.

***

Chuông điện thoại reo, tôi nhìn vào thấy cái tên Sergio lạ hoắc, nghĩ bụng lại là quảng cáo nên không trả lời, toàn là mấy cái quảng cáo bán vật liệu "xây dựng" trang trí "nội thất". Nhà tôi thì đẹp sẵn rồi, cũ rồi, vả lại, tốt gỗ hơn tốt nước sơn nên không cần đến mấy thứ lính kỉnh hiệu Víc-to-ria Xi-kịt gì cả.
Nhưng chuông lại reo, vẫn cái tên Sergio này quấy rầy khiến tôi chia trí không làm gì được, hết còn chịu đựng nổi nữa, tôi nhắc điện thoại và quát vào mặt nó: "You’re wrong number" rồi toan gác máy thì loáng thoáng tiếng cô em gái:
- Anh hai, anh hai, em đây, em đây, sao anh không nghe máy.
À ra thế, cô em biết tôi có nhà nhưng ít khi nghe điện thoại khi thấy số ID lạ nên mới kiên nhẫn gọi lại. Chắc là có chuyện gì đây, tôi hơi bực mình, cao giong hỏi lại:
-  Chuyện gì thế, mà điện thoại của cô đâu sao không gọi, thấy tên lạ anh không bắt.
-  Anh ra đây giúp em ngay đi, em đụng đầu người ta rồi có người đụng đít em, em quýnh quá không biết điện thoại để đâu nữa nên mới nhờ người đụng em gọi cho anh ra đây...
-  Cô có sao không"
-  Người em không sao cả nhưng xe thì đầu đuôi bị móp, em cũng không biết giấy xe và bảo hiểm để ở đâu nữa, em run quá. Em đang ở trên đường Bolsa, trước cửa chợ ABC... anh đến ngay để giải quyết dùm em.
May mà nhà ở gần, chưa đầy năm phút là tôi đã đến chỗ xảy ra tai nạn, thấy cô em và mấy người nữa đang nhìn nhau, mặt mày bí-xị, cạnh đó là ba chiếc xe bị xây xát móp méo đầu đuôi, không có túi hơi nào bị bung ra, như vậy là không có gì trầm trọng, hy vọng không có ai phải đi "khám" bác sĩ chỉnh xương nắn gân. Chuyện lợi dụng đụng xe rôi đi "mát xa mát gần" tê-ra-bi kiếm tí tiền bảo hiểm chấn thương đã lỗi thời rồi. Tuy vậy mỗi lần đụng xe, dù cho chỉ cọ quẹt sơ sài cũng gây ra bực mình, nhiều phiền toái mà người khoái nhất vẫn là các văn phòng "sẵn sàng giúp đỡ đồng hương" để họ có đồng ra đồng vào, nhà cao cửa rộng. Tôi nói với cô em:
- Vụ đụng xe tay ba này phải trái ra sao để bảo hiểm họ giải quyết. Mua bảo hiểm ba năm hay chục năm chỉ để nhờ lúc này mà thôi, không có gì phải lo lắng run sợ. Vậy đầu đuôi ra sao"
- Em đi trên Bolsa, từ đường Beach hướng về Magnolia, em quẹo phải vào parking khu chợ ABC thì đầu xe em đụng vào đít xe anh này, tại vì anh ấy đậu nghinh ngang giữa lối ra lối vào làm em đụng phải đầu anh ấy, thế là thằng cha Sergio này từ phía sau nó húc vào đít em. Anh tìm dùm em xem giấy xe và giấy bảo hiểm em để ở đâu, trong bóp không có, trong hộc này mà tìm mãi cũng không thấy.
- Anh hiểu rồi, nếu như em và anh này, cả hai cùng chịu khó ôm sát vào một tí, ôm sát vào bên lề phải thì vui vẻ cả làng, đâu có xẩy ra chuyện rắc rối này, rồi quýnh cả lên, quên cả những gì gắn liền với bản thân cô!
Việc đầu tiên là phải giúp cô em xem giấy tờ xe cô ấy cất ở đâu để còn trao đổi tin tức với những chủ xe liên quan tới vụ cọ quẹt tay ba này. Trong hộc xe cô ấy để mọi thứ giấy tờ chung với nhau, một cuốn sách "tiểu sử" của xe Honda Accord 90 còn để trong bọc plastic, nghĩa là 20 năm rồi cuốn sách này vẫn còn "gin"! Quá nhiều những tờ biên lai sửa xe, biên lai mua đồ pạc, kể cả những giấy đã hết thời gian "ga-răng-ti" nằm chung với những biên lai của Sear, Nord Drom đề chờ tới phiên đi trả đồ. Cuối cùng thì tôi tìm ra "thủ phạm" núp trong một bao thư cùng với nhiều "đổng bọn" của những năm về trước. Khi lúng túng thì những thứ mang trong người 24/24, chẳng hạn như cái xeo phôn mà còn tìm không ra thì nói chi đến miếng giấy xe nhỏ xíu vừa bằng lòng bàn tay!
Trong khi chờ những giới chức có liên quan đến tai nạn lấy information, tôi nhắc cô em:
- Lấy ngay một bì thư màu vàng, bên ngoài đề chữ thật to "GIẤY XE & BẢO HIỂM", chỉ để trong đó giấy xe và bảo hiểm còn hiệu lực mà thôi, rồi để vào hộc xe, còn những giấy nào hết hạn rồi thì bỏ đi. Biên lai sửa xe, biên lai mua phụ tùng xe và "phụ tùng" của cô, kể cà cuốn sách tiểu sử xe thì để chúng vào sau cốp, nếu có chuyện cọ nhau thì chỉ việc mang bao thơ màu vàng ra là xong, không cần phải réo gọi tôi lôi thôi, nếu xảy ra chuyện ở xa thi gọi ai"
Đụng xe rất ư là phiền toái, dù phải dù trái đều thiệt hại cả hai bên nên chúng ta mới gọi đó là tai nạn, đã là tai nạn thì không một ai muốn chuyện đó xảy ra cho mình, cho nhũng người xung quanh, trừ những kẻ sống bằng nghề tạo ra tai nạn giả và những con "kên kên". Nhưng phần lớn tai nạn xảy ra lại do chính người cầm lái không tôn trọng luật lệ lưu thông và nhiều nguyên nhân khác nữa mà chỉ cần chú ý một chút, nhường nhịn nhau là có thể tránh được.
Trở về câu chuyện cọ-quẹt nhau trong các parking, tai nạn xảy ra như trường hợp của cô em tôi kể trên rất thường xảy ra ở những khu thương mại có những lối ra vào, dù có hay không có đường phân chia ranh giới và mũi tên, cụ thể như khu vực chợ ABC và Mỹ Thuận, Thuận Phát v.v.. Ai là người có trách nhiệm xịt sơn trắng để phân chia ranh giới kèm theo mũi tên thì xin nhường câu trả lời cho các chủ chợ, chủ parking, còn phần chúng ta, những người cầm lái thì xin nhường nhịn nhau một tí, chỉ một tí thôi là ta sẽ đem niềm vui đến cho mọi người.
Nếu như cô em tôi khi "vào" mà ôm sát lề mé tay phải thì đã không xảy ra rắc rối này. Ngược lại nếu anh Nguyễn chuẩn bị ra, anh nên dừng cái xe hâm-mơ sát vào bên tay phải, nhường phần lớn khoảng trống mé bên tay trái để cho những xe muốn enter thì được dễ dàng hơn. Nếu anh đừng "nghênh ngang dạng háng" giữa đường thì anh đâu có mất một buổi sáng đẹp trời, phải đứng chờ trao đồi thông tin, cho dù phần phải về anh. Hơn thế nữa, khi anh choán chỗ ra vào khiến những xe enter phải giảm hẳn tốc độ, có khi phải ngừng ngay trên đường, mà anh thì chưa ra được, thế là gây nên tình trạng dừng xe nối đuôi nhau trên đường trông không đẹp mắt tí nào.
Cũng xin nói thêm về cái vụ chuẩn bị exit khỏi các khu thương mại, ngoài việc lịch sự tối thiểu là ôm sát bên phải đề nhường đường vào cho người khác, khi exit quẹo phải ra đường, chúng ta bắt buộc PHẢI ôm sát lề PHẢI kẻo làm người đang phóng tới giật mình và mình thì mang họa vào thân. Đã nhiều lần tôi toát mồ hôi hột, vội bẻ lái sang trái khi có một xe từ trong lề phóng ào ra đường dù họ vẫn ở trong lane phải. Còn lấn đường sang lane khác ư" Tai nạn sẽ đến bất cứ lúc nào. Xin kể một kinh nghiệm bản thân cho quý vị nghe:
Từ trong parking khu chợ Mỹ Thuận, tôi quẹo phải ra đường Wesminster hướng về đường Magnolia nhưng không chịu ôm sát lề phải, khi nghe cái "binh" mới tá hỏa tam tinh, cái đầu xe mé trái ..tôi nát bét, còn thái dương bên tay phải của" xe đối phương" cũng nát bét, may mà cả hai tài xế còn chui ra khỏi xe. Gọi văn phòng "sẵn sàng giúp đỡ đồng hương dù có lỗi hay không có lỗi" như lời tuyên bố tuyên mẹ trên radio thì họ từ chối không "xen vào nội bộ". Cũng phải thôi, chả cần chuyên viên giao thông cũng biết lỗi về phần mình nên tôi bỏ tiền túi ra sửa xe của tôi, còn xe đối phương thì bảo hiểm của tôi lo và bảo hiểm tăng giá ngay lập tức và dĩ nhiên hồ sơ trên DMV của tôi có một vết đen lớn.
Tôi vốn là người lái xe rất... cẩn thận, mỗi năm chỉ có một ticket thôi, vậy mà không hiểu bữa đó ma đưa lối quỷ dẫn đường hay sao mà tôi exit ẩu tả vậy không biết! Thôi tôi nhớ ra rồi, bữa đó phía sau xe tôi có một xe khác get-line chờ, không hiểu tài xế ấy mót điều chi mà bóp hai ba lần "tin-tin". Liếc kính chiếu hậu tôi nhận ra một người đẹp đưa tay hất hất, ra hiệu cho tôi "tới đi anh, ra đi anh" thế là tôi đành phải chiều lòng cô ấy, tôi bèn nhả chân thắng, nhịp nhịp  nhấn chân ga, vọt ra và tai họa xẩy ra! Khi hoàn hồn nhìn cái xe méo, miệng méo xẹo còn người đẹp thì xéo mất rồi! Ngu ơi là ngu.


Rút kinh nghiệm bản thân, để khỏi mang họa chết người, tôi xin góp ý với các tài xế thế này: Khi chờ exit ra đường chính, thì cứ bình tĩnh, chờ cho đến khi nào cảm thấy thật an toàn thì mới sọoc-ti (sortie), không đi đâu mà vội, dẫu cho người đẹp phía sau có thúc có hối thì cũng coi như "ne..pas", gặp cha nào nóng tính bóp còi thì mình bóp lại, chớ có dại dột nhấn ga vọt ra mà ôm hận ngàn thu.
Cũng cần nói thêm là khi ra rồi, chúng ta nên tiếp tục đi trên lane tay mặt nếu muốn vừa lái xe vừa nói điện thoại, vừa lái xe vừa liếc mắt đưa tình, thò sang nắm tay người bạn khác phái vửa mới quen, vì lằn đường này ta có quyền chạy thong thả như "cưỡi ngựa xem hoa". Có một lần tôi chở cô bạn mới quen, vừa lái vừa liếc mắt đưa tình, tay lái tay sờ bàn tay móng đỏ, cứ tà tà như là đi bộ ở lane bên trái cùng, lane dành cho xe chạy nhanh, nhiều xe phía sau bóp còi tin-tin, có anh gốc "Xì" vượt qua, cắt mặt lại còn đưa ngón tay lên, tôi quay qua cô bạn nói rằng người ta khen em "nâm-bờ-oan". Sau này tôi mới biết thằng cha đưa ngon tay đó là nó chửi tôi "đồ con rùa". Vậy thì muốn vừa lái vừa ôm thì nên ôm sát vào lane bên phải. Thì giờ là tiền bạc, phải theo đuôi những con rùa bò trên lane trái thì có là thánh sống cũng phải bực mình. "Xin nhớ cho, xin nhớ cho .."
Quay trở lại khu parking, những ông bà tài xế chờ đợi phía sau để tới phiên mình ra thì chớ nên nóng vội, tỏ thái độ bực bội với tài xế đậu phía trước. Nên hiểu cho một điều là không ai muốn đậu xe một chỗ rồi mở máy cho nó nổ chơi, vừa hao xăng vùa nóng máy lại phí thì giờ. Cực chẳng đã, vì một lý do nào đó mà xe phía trước bắt buộc phải dừng lại, chưa đi được đó thôi, mình ngồi phía sau không thể thấy được thì đừng có bực tức, nói theo ngôn ngữ ngợm thì gọi là "bức-xúc", bức rồi xúc, rồi tin-tin, rồi bóp khiến xe phía trước bối rối, đôi khi vì "nể tình" mà phóng đại ra cho vừa lòng nhau ..như trường hợp của tôi đã nêu ở trên là từ chết tới bị thương, tới lúc đó chẳng ai thương mình cả.
Những cử chỉ tin-tin bóp còi ở Hoa Kỳ gọi là chửi nhau và năm khi mười họa mới có người tự nhiên bóp như người "Hà-Lội". Đừng mang cái văn minh XHCN của thành Hồ, của Hà Nội sang đây làm phiền nhau, ở bển ấy họ chửi nhau quen rồi, chửi nhau từ trong nhà ra ngoài phố, dưới chửi lên, trên chửi xuống, cả nước chửi nhau, cả nước giao thông hỗn loạn.
Lại một kinh nghiệm xương máu kể hầu quý vị để ước mong mọi người rút ra một bài học về chữ "NHẪN" rất đáng đồng tiền bát gạo. Hồi tôi mới qua Mỹ năm 2000, từ trong parking khu chợ Phát Tài, tôi lái xe ra đường Magnolia, thấy xe phía trước signal quẹo mặt về hướng đường Wesminster, chẳng có xe nào chạy trên đường mà họ đậu lại chắn lối ra, sẵn bản tính XHCN còn sót lại, tôi tin-tin rồi lách qua bên tay trái của xe phía trước để quẹo trái về hướng Bolsa và hậu quả là tôi đụng một ông đi xe đạp chạy trên lề đường từ hướng tay phải đi tới. Có nghĩa là người lái xe phía trước thấy có xe đạp đi tới nên họ stop, còn tôi ở phía sau, ở điểm mù, tôi mù không thấy nên lách bậy vượt bậy. Rất may chỉ có cái vành xe đạp phía trước bị cong, nạn nhân là đồng hương nên bác ấy thương tình mà bỏ qua, chỉ phải thường cái vành xe. Vài ngày sau, đọc báo thấy một xe gây ra tai nạn chết người mà tài xế vi phạm y như trường hợp của tôi đã vi phạm. Nghĩ lại thật hú hồn và tự nhủ không bao giờ nóng nảy vội vàng vượt lên khi xe phía trước stop..
Vẫn là đề tài "ôm cho sát" trong các parking. Những ngày cuối tuần, parking nào cũng bận rộn, nhiều xe chạy vòng vòng để kiếm chỗ đậu và dĩ nhiên khi thấy một xe đang chuẩn bị rời chỗ thì ai cũng mừng, stop lại, bật signal, chờ vào. Nhưng chúng ta quên là đã dừng xe nghênh ngang giữa đường khiến nhiều xe phía sau cũng phải stop lại gây nên cảnh chướng mắt. Thái độ lịch sự và dễ thương là chúng ta nên ôm sát về một bên rồi đứng chờ để nhường đường cho xe phía sau vượt qua, tránh cảnh bế tắc. Đừng ỷ y xe ta là xe "mẹc" xe "lù" (lexus) là có quyền chắn lối để người sau ngắm cái lô-gồ gắn ở đít ..xe.
Vẫn chuyện lưu thông lủng củng trong các parking ở các khu shopping của người Việt, thật là khó khăn khi bạn phải lui xe ra, ngó kiếng chiếu hậu, dòm trái, liếc phải, gài số R, nhấp thắng, từ từ nhấn ga cho cái đít ló ra. Nhưng trời ơi, lại phải thắng gấp vì có một xe vẫn lù lù tiến tới, tự nhiên như người "hà-lội". Không thiếu trường hợp người lui xe ngó trái thì phía phải có xe ập đến, thế là .. "binh", nhẹ thì trầy trụa son phấn (sơn), nặng thì móp méo. Ai phải ai trái chưa biết nhưng chắc chắn thiệt hại cho cả hai là mất một ngày cuối tuần đẹp trời.
Đã hơn một lần tui lui xe ra từ parking ở Wal-Mart, thấy một xe khác đang tiến tới, tôi vội đạp thắng thì người Mỹ trắng bên xe kia cũng đạp thắng, miệng mỉm cười đưa tay phất-phất ra hiệu với hàm ý: "bạn cứ tự nhiên lui xe ra đi". Xe đã chạy được một đoạn rồi mà tay tôi vẫn còn đưa cao vẫy vẫy thay cho những tiếng "thankiu, thankiu".Trời lúc đó thật đẹp và mát mẻ.
Kể từ hôm đó tôi bỏ hẳn thói sân si lấn tới không nhường ai, trái lại tôi đem cử chỉ đẹp của người bản xứ áp dụng ngay trong khu parking ABC và tôi đã nhận được nụ cười của một ông già móm mém, nụ cười đó dành cho tôi, vì tôi tạo ra nụ cười đó nên "bỗng dưng muốn khóc" vì hạnh phúc, một hạnh phúc có được mà không tốn một xu, chỉ 30 giây mà thôi. Nhưng cũng đôi lần bị "tẽn-tò", người đẹp "an-na-mít" lui ra và nhấn ga tỉnh bơ như người XHCN.
Một sự nhường tương tự trên đường cũng nên áp dụng cho đời thêm vui. Vì lý do nào đó bị kẹt xe mà chúng ta phải dừng lại trên đường và ngay lúc đó nếu ta thấy có xe đang từ trong các "đường hẻm" đi ra để chờ nhập vào dòng chính thì ta nên "vẫy tay chào nhau", nhường ưu tiên cho họ ra trước thì thế nào chúng ta cũng được thưởng một nụ cười., nụ cười bằng mười liều thuốc bổ. Nhưng cũng nên tránh trường hợp "nhất bên trọng nhất bên khinh", chỉ nhường đường cho người đẹp để được hưởng một nụ cười mà lơ đi những người đàn ông xấu trai.
Hiện nay trên làn sóng LSRadio đang phát ra lời kêu gọi mọi người hãy lái xe lịch sự, nhường nhịn nhau, điều đó chứng tỏ cái văn minh lịch sự khi lái xe đang bị "trời thu sạch"! Nhất là trong những ngày lễ sắp tới, hãy thay đổi thái độ sao cho không khí ở các parking vui vẻ hơn.
Vui lái an toàn có cả ngàn lẻ một lý do phải tuân theo, chỉ nội chuyện lưu thông trong các parking và "Phải ôm cho sát vào...lề phải" cũng đã nhiều rắc rối rồi, nhưng chỉ cần một chữ "NHƯỜNG" của các bác tài và người "lái tài xế" là có thể giải quyết tất cả trong vui vẻ.
Để kết thúc bài "phải ôm cho sát vào...", tôi xin kể một chuyện vui lái tài xế. Bà nhà tôi gốc Huế, bản tính riêng của bả ấy rất cẩn thận trong việc lái xe, còn tính tôi thì hay ẩu tả nên mỗi khi đi đâu là do bả chỉ đường dẫn lối, tôi lái xe, bà ấy lái tài xế, và dĩ nhiên là nhất nhất tôi phải tuân theo lệnh bà. Bà bảo sang lane là phải sang lane, bà bảo stop là phải stop, ngưng là ngừng, tiếp tục là đi tới v.v.. Một buổi đẹp trời, đang phoong-phoong trên đường Beach, gần tới đường Wesminster thì đèn đường đổi sang màu đỏ, tôi bắt đầu lơi chân ga rà chân thắng thì nghe lệnh bà:
_"Thặng, thặng, thặng"!
Thì tôi đang rà chân thắng đây mà, đang chuẩn bị stop đây, đâu có cần thiết phải nhắc tôi thắng lại, stop lại! Như vậy "thặng, thặng, thặng" có nghĩa là ý bà bảo tôi chạy thẳng, go ahead! Mới được cái ticket "no full stop", nay mà vượt đèn đỏ nữa là phiền với mấy ông police đang rình rập đâu đây lắm chứ chẳng chơi. Nhưng bà đã bảo thì phải nghe, "thà mất lòng police mà được lòng nàng" nên tôi nhấn ga vượt đèn đỏ an toàn, đang chờ lời khen của bả thì thấy phía sau, đèn xanh đỏ nhấp nháy, bà ấy đã không khen được một tiếng là tôi biết vâng lời mà lại còn cằn nhằn:
- "Đạ bạo thặng lại khộng thặng, mạ cự chạy thặng".
Không "lái tài xế" cũng là một yếu tố giúp cho "vui lái an toàn"
PHILA TO

Ý kiến bạn đọc
26/04/201823:56:53
Khách
cảm ơn chú đã viết bài này đễ tay lái dõm như cháu thêm một vài kinh nghiệm quý báu khi lái xe ....hihihi
15/06/201113:39:51
Khách
Cảm ơn tác giả, bài viết rất hay và thực tế, giúp ích cho mọi người. Đúng là văn hoá giao thông của người Việt phần đông còn kém, cộng với tật hay sân si gây gổ giành giựt nữa nên chuyện bé cứ bị xé ra to, gây thiệt hại cho bản thân và người khác. Chúng ta cần học cách bình tĩnh, nhường nhịn và ý thức như người phương Tây để nhận thêm nụ cười và tặng nụ cười cho người khác, cuộc sống sẽ trật tự và nhẹ nhàng hơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,025,019
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến