Hôm nay,  

Du Học Miễn Phí

14/12/200900:00:00(Xem: 191971)

Du Học Miễn Phí

Tác giả: Nguyễn Thi
Bài số 2810-1628880- vb2121409

Tác giả là cư dân Bắc California, đã nhận giải đặc biệt viết về nước Mỹ 2008 với nhiều bài viết giá trị về nhà trường và gia đình. Bà hiện là một Facilitator -giúp  hướng dẫn những buổi học thảo nói về hệ thống học đường tại California. Bài mới của bà là một tự truyện thời mới đến Hoa Kỳ để trả lời câu hỏi làm sao hội nhập vào đời sống Mỹ.

***

Mấy ngày hôm nay thời tiết bỗng thay đổi bất thường.  Bầu trời vùng Bắc California biến thành một mầu xám xịt, bao trùm gió buốt mùa đông đi kèm theo vài cơn mưa tuyết làm lũ trẻ con ngạc nhiên, hý hửng ra sân chơi trò ném tuyết và làm người tuyết. 
Nhìn xe cộ chạy chậm chạp dưới đường phố qua khung cửa, Kim nhớ lại lời các bạn đồng nghiệp cứ đốc thúc Kim phải viết đề tài làm sao hội nhập vào đời sống khi mới đến Hoa Kỳ để đại diện nhóm phát biểu trong ngày Lễ Giáng Sinh sắp đến.  Bắt đầu từ đâu bây giờ" Thôi thì cứ trả lời theo thứ tự "thời gian, không gian, cái gì, ai đó, và làm sao" như lời thầy cô đã dạy trong trường vậy!
Gia đình Kim cuối cùng rồi cũng được ra khỏi trại tỵ nạn Camp Pendleton, sau hai tháng dài chờ người bảo trợ.  Số là gia đình Kim có tới 6 người gồm ba má và 4 đứa con nít.  Quả là một gánh nặng cho những ai muốn bảo trợ.  Ba Kim nói khi đi phỏng vấn có nhiều ông chủ biết ba có tay nghề sửa tivi và radio nên họ muốn đưa ba ra khỏi trại, nhưng lúc nghe nói đến bầu thê tử dài lê thê thì ai cũng lắc đầu từ chối. 
Ngày ngày thấy ba vẫn lên lều trưởng trại giúp việc mà chưa động đậy việc định cư, anh lính Mỹ thủy quân lục chiến làm việc cùng lều hỏi ba có muốn anh ấy nhờ nhà thờ của anh bảo trợ hay không"  Ba hỏi nhà thờ ở đâu thì anh ấy nói ở Montana.  Ba liền về bàn với gia đình:
- Tính ra thì gia đình mình rời Việt Nam từ cuối tháng 4/75.  Lênh đênh trên biển cả tuần mới tới Phi luật tân.  Rồi ở đảo Guam hơn hai tháng mới đến Camp Pendleton, California.  Bây giờ ở đây cũng gần hai tháng mà chưa ai bảo trợ ra khỏi trại.  Kim có biết gì về tiểu bang Montana không"
-  Con chỉ nhớ hồi đó học "English for Today" thầy giáo có nói Montana là xứ của thổ dân mọi da đỏ.
Ba biết là hỏi má cũng bằng thừa vì má chả biết gì về nước Mỹ cả nên ba quyết định.
-  Ba nghĩ là chúng ta đành phải nhờ nhà thờ bảo trợ vậy vì ba nghe nói tháng 9 là học sinh bắt đầu tựu trường.  Hơn nữa nếu anh lính Mỹ da trắng cao ráo và gia đình anh sống ở Montana được thì mình cũng ở được!
Thế là hôm sau ba gặp anh lính thủy quân lục chiến và nhờ anh làm thủ tục nhờ nhà thờ anh bảo trợ.  Gần cuối tháng 8, 1975, gia đình Kim đáp chuyến bay đến tiểu bang Montana.  Vừa đặt chân xuống phi trường, gia đình Kim được các hội viên nhà thờ đón tiếp một cách nồng nhiệt.  Mỗi người được trao cho một chiếc áo khoác vừa dầy lại vừa dài đến chân.  Tất cả 6 thành viên trong gia đình Kim rối rít cám ơn họ và mặc vào ngay không e ngại gì cả. 
Một bà hội viên tên Ann, đại diện cho nhóm, nói gia đình sẽ tách ra đi hai chiếc xe vì không đủ chỗ ngồi.  Bà khuyên mọi người nên đeo găng tay và đội nón đan len vì ngoài trời tuyết đang rơi.  Ba Kim dặn Kim đi chung xe với ba má còn mấy đứa em thì đi xe khác. 
Ngoại trừ ba đã từng đi du học Mỹ khi còn trong lính nên đã quen với khí hậu lạnh và tuyết, còn cả gia đình Kim ai cũng co rúm người khi mở cửa phi trường bước ra ngoài đường.  Hàm răng ai nấy không ai bảo ai mà cứ lập cập đánh trống liên hồi.  Miệng mọi người phì phà làn khói trắng như người lâu ngày mới được hút thuốc lại nên hút lấy hút để cho đã.  Đó là chưa kể những hạt tuyết trắng ngây thơ trong các tác phẩm văn học bây giờ đang bay vù vù chích vào làn da non dại của dân tỵ nạn như những chú ong quyết chí sống còn để bảo vệ tổ ong của chúng.
Gia đình Kim cứ cúi gầm mặt xuống đi cho đỡ lạnh, mặc cho hội viên nhà thờ đẩy vào xe nào cũng được miễn sao tránh cái lạnh thấu xương này.  Vào xe hoàn hồn lại, Kim thấy sao chung quanh xe toàn một mầu trắng xóa.  Ba Kim hỏi người tài xế Mike, chồng bà Ann:
- Anh có muốn tôi xuống xe cạo tuyết để anh lái xe dễ nhìn thấy đường không"
- Không cần.  Anh đừng lo.  Tôi lái xe đã mấy chục năm kinh nghiệm.  Tuyết rơi hôm nay đâu có nhằm nhò gì!
Ba nhìn cửa kiếng trước mặt ông Mike mà mặt tái xanh, vì chỉ thỉnh thoảng ông mới dùng bàn tay đeo găng quệt quệt vài cái để nhìn phía trước trong khi chân vẫn nhấn xe chạy nhanh trên đường băng tuyết.  Ba bảo má và Kim:
- Thôi thế này thì mình chỉ có nước cầu nguyện cho xe không đụng ai và không ai đụng mình.  Rõ khổ! Vượt nguyên cái biển Thái Bình rồi ở trại tỵ nạn cực khổ suốt mấy tháng trời thì không sao.  Giờ đây cả gia đình phải phó mặc sinh mạng cho người không quen biết.
Ba mươi phút dài đăng đẳng trôi qua.  Ông Mike đậu xe trước một căn nhà trắng và bảo mọi người tới nơi rồi.  Kim nghĩ trong đầu ông Mỹ này giỏi thật, suốt đường phố nhà cửa cây cối đều phủ một mầu trắng bạc mà ông ấy lái xe về đúng nhà hay thật.
Sau khi vào nhà ông bà Mike uống nước giải khát và ăn vài miếng bánh ngọt, những hội viên khác của nhà thờ kiếu từ ra về trước khi dặn dò gia đình Kim nhớ dậy sớm ngày mai để làm thủ tục xin căn cước và ghi danh cho trẻ con đi học.
Loay hoay thế mà gia đình Kim đã tốn cả tuần để làm những thủ tục định cư cần thiết.  Sau hai ngày tạm trú tại nhà ông bà Mike, họ đã giúp gia đình dọn vào một căn nhà nhỏ gần trường học để dễ đi lại.  Trong suốt một tuần lễ các hội viên nhà thờ thay phiên nhau đưa đón mọi người đi làm thẻ căn cước, thẻ an sinh xã hội, khám sức khỏe, xin nhập học, đi nhà thờ, đi chợ mua thức ăn, quần áo, và vật dụng cá nhân.
Có lẽ với chị em Kim thì việc đi học trường Mỹ là một biến cố lớn lao trong đời.  May sao khi rời Việt Nam ba Kim đã bảo mọi người nhớ đem theo sổ học bạ nên việc nhập học không mấy khó khăn.  Bà hiệu trưởng trường tiểu học nhìn theo sổ điểm và cho vào học lớp kế tiếp của trường Việt.  Ngoài ra bà cũng sắp xếp một giáo viên chuyên dạy Anh ngữ cho các em của Kim mau hội nhập hơn, vì cả ba đứa chưa học một câu Anh văn nào bên Việt Nam.
Đến phiên Kim ghi danh nhập học trường trung học gần nhà thì chỉ có mình ba đi theo.  Kim đưa sổ học bạ cho bà giám thị coi và phiên dịch những môn đã học ở Việt Nam.  Nhận thấy điểm học vấn tương đối cao và tiếng Anh không đến nỗi tệ, bà giám thị xếp cho Kim học lớp toán đại số 3, sinh vật học, lịch sử Hoa Kỳ/, Pháp văn, lớp đánh máy, và Humanities.  Đang thắc mắc không biết sao nhà trường lại không cho học Anh văn thì bà giám thị bảo:
-  Tôi thấy điểm Anh văn của Kim khá cao nên tôi nghĩ Kim có đủ sức học môn Humanities này.
Thật sự Kim không biết Humanities là môn gì.  Kim tự phân tích "Human" là người, "ities" nghĩa là thuộc về danh từ, vậy nếu ghép lại chắc đây là môn khoa học cách trí.  Gì chứ học về thân thể người ta thì chỉ học thuộc lòng tên đi đôi với hình vẽ là xong nên Kim gật đầu đồng ý học lớp đó.  Bà giám thị trao cho Kim tờ giấy ghi tên các lớp học và bảo khi vào lớp tuần sau thầy cô sẽ đưa sách. 


Tuần lễ sau bốn chị em Kim chính thức nhập học trường Mỹ.  Các em đi vào trường tiểu học còn Kim thì trung học đệ nhị cấp.  Khi Kim **vào phòng bà giám thị thì đã có sẵn một cô học sinh cũng tên Kim (chữ tắt của Kimberly).  Cô giới thiệu cô là người hướng dẫn đi một vòng trường cho biết lớp học ở đâu.  Kim gật đầu chào Kim kia dáng người dong dỏng cao hơn một cái đầu.  Đầu óc Kim lúc đó cứ như người máy, ai bảo đâu làm đó.  Kimberly nhìn giấy ghi danh lớp học và bảo vẫn còn sớm nên sẽ chỉ chỗ ăn trưa.  Nói rồi cô dẫn Kim đi vào phòng ăn cafeteria gần đó.  Tại đây đã có một số học sinh đang ăn sáng, một số còn đang chọn lựa các món ăn bỏ vào khay và cuối hàng là trả tiền cho người thâu ngân tùy theo món ăn đã chọn trong khay.
Kế đó Kimberly chỉ phòng chơi thể thao, phòng thí nghiệm, thư viện, rạp hát ở cùng lầu một với phòng ăn và văn phòng hiệu trưởng.  Bất thình lình chuông reng, Kimberly nắm tay Kim bảo đi nhanh lên để vào lớp và kéo Kim lên lầu hai rồi chỉ phòng đầu cầu thang:
- Lớp của bạn đó, vào đi.  Hồi nữa tôi sẽ trở lại.
Nguyên tuần đầu đi học nếu không nhờ Kimberly chắc chắn Kim đã bị giấy mời lên văn phòng nhiều lần trong ngày vì tội cúp cua (không có mặt tại lớp trong vòng 5 phút sau khi chuông reng).  Số là trường trung học này mặc dầu chỉ là một "building" hai tầng nhưng vì xây theo hình vuông với những cánh cửa lớp học giống nhau như đúc cả ở bên trái lẫn bên phải, nên rất dễ bị lạc nếu không để ý số phòng và để ý bốn cầu thang lên lầu hai ở hướng nào, đông, tây, nam, hay bắc.  Hơn nữa sau mỗi tiết học, thầy cô cứ ngồi tại lớp của mình, còn học sinh có 5 phút để chạy tới lớp học kế tiếp. 
Lần đầu khi chuông reng, Kim tưởng giờ ra chơi nên cứ ngồi trong lớp vì có ai là bạn đâu mà ra chơi.  Nào ngờ khi chuông reng lần nữa thì thấy sao học sinh trong lớp không giống như khi nẫy, nhất là ba cô nữ sinh ngồi bàn đầu giờ đã thay thế bằng ba anh nam sinh cao lớn.  Đang thắc mắc không biết hỏi ai thì cửa lớp mở và Kimberly bước vào xin phép thầy giáo dẫn Kim ra ngoài.  Cô nói lớp kế của Kim là phòng ở hướng Nam chứ không phải phòng này.
Rút kinh nghiệm từ đó trở đi Kim học thuộc lòng bản đồ các lớp học và để ý mọi ngõ ngách của trường phòng khi đi lạc còn biết tìm về chốn cũ, cần thiết nhất là biết hộc tủ "locker" đựng sách của mình ở đâu tại lầu một.  Ngoài ra Kim cũng đem theo bửu bối là cuốn tự điển Anh-Việt của trại tỵ nạn phát cho mỗi gia đình.  
Có học ở Mỹ mới thấy học sinh ở đây sướng thật!  Dựa theo tài liệu trên các trang mạng, Kim được biết Hoa Kỳ có đạo luật "Cưỡng bách giáo dục" đầu tiên vào năm 1852 tại tiểu bang Massachusetts và tới năm 1918 thì đạo luật này được thi hành trên toàn nước Mỹ.  Điều này có nghĩa là trẻ em từ 5 tuổi đến 16 hoặc 18 tuổi (số tuổi tùy theo luật tiểu bang) bắt buộc phải được đi học từ tiểu học đến trung học.  Nếu học sinh hoặc phụ huynh / người giám hộ không tuân theo luật định và không có lý do chính đáng thì cả hai có thể bị phạt tiền hoặc vào tù. 
Tại Hoa Kỳ khi học trường công từ mẫu giáo đến lớp 12, học sinh không cần thi tuyển.  Không phải trả học phí hoặc tiền sách giáo khoa trừ khi làm mất sách thì phải trả tiền, và nếu học sinh của gia đình lợi tức thấp thì bữa điểm tâm và bữa ăn trưa sẽ được miễn phí hoặc giảm giá tiền.  Bài giảng có sẵn trong sách không cần phải chép lại.  Những từ ngữ khó được in đậm và giải thích kèm theo hình ảnh trong bài và cuối sách.  Những môn khoa học như vật lý, hóa học, sinh vật học... đều có giờ vào phòng thí nghiệm để khảo sát lại những gì đã học trong phần lý thuyết ở cả bậc trung học lẫn tiểu học. 
Trở lại lớp Humanities, khi vào lớp rồi Kim mới biết đó không phải là môn cách trí như đã tưởng, mà có thể nói nó tương đương như môn triết học của Việt Nam.  Mỗi khi thầy giảng bài Kim thấy Anh văn của mình càng lúc càng yếu đi.  Khi thầy nói tên ông nhà văn này hoặc bà thi sĩ nọ thì các học sinh trong lớp giơ tay lên trả lời trôi chảy trong khi Kim thì cứ như vịt nghe sấm.  Lớp này không có sách nên Kim cố gắng viết tất cả lời giảng của thầy vào cuốn vở để về nhà tra tự điển cho dễ. 
Một hôm cô bạn tóc vàng kế bên mượn vở để chép lại lời thầy giảng.  Kim hớn hở đưa vở cho bạn mượn.  Chưa đầy năm giây cô bé đã trả lại cuốn vở và nói không hiểu gì cả.  Kim mở vở ra coi lại và cảm thấy khuôn mặt mình nóng bừng.  Thảo nào nó đọc không được!  Mặc dù chữ viết không đến nỗi gà bới, nhưng ngôn ngữ Kim chú thích trong vở gồm Anh, Pháp, Việt và đôi khi có cả tốc ký tiếng Việt.  Thầy Nesbit của lớp này nổi tiếng là thầy dạy hay nhưng cũng là thầy nói nhanh nhất của trường.  Để theo học lớp này các học sinh phải tự nghĩ cách ghi chép lời thầy giảng.  Do đó khi thầy giảng Kim cố gắng vừa phiên dịch vừa ghi xuống những gì nghe được càng nhanh càng tốt. 
Khi Kim than phiền lớp khó với Kimberly thì cô nàng bảo:
-  Tôi phụ làm việc trong văn phòng có nghe bà giám thị nói điểm Anh văn của bạn cao như cô du học sinh Việt Nam năm ngoái, nên trường chỉ còn có lớp Anh văn này là hợp với bạn thôi.
Dù ngoài miệng trả lời: "Vậy hả"" nhưng Kim thầm nghĩ "Người ta là du học sinh có nghĩa là đã đánh bại cả ngàn học sinh mới được qua Mỹ học.  Còn gia đình Kim qua đây tỵ nạn chứ có phải được đi du học chính thức đâu!  Thôi đã phóng lao thì phải theo lao vậy!"
Ba đứa em Kim đi học có vẻ thích thú lắm vì môn toán, thể thao, thủ công, và vẽ đều làm giỏi cả chỉ trừ Anh văn thì lao đao như người say sóng ngoài biển cả.  Ba Kim giao việc dạy học các em cho Kim lo vì qua đến tuần thứ hai, ba đã xin được một việc làm 5 ngày một tuần, chuyên tháo ráp và sửa radio cho xe hơi.
Sau khi công việc làm và việc học các con tương đối yên ổn, ba Kim bàn với mẹ cả hai đi học lớp Anh văn tối.  Mẹ Kim đồng ý ngay vì suốt ngày ở nhà chỉ nấu nướng bữa sáng và bữa chiều hoài cũng chán.  Hơn nữa hồi còn nhỏ mẹ học chương trình Pháp văn nên mỗi khi tiếp chuyện với người bản xứ mẹ chỉ biết cười duyên chứ thật ra mẹ nghe được mà chả hiểu câu nào cả.
Rồi ngày tháng trôi qua, ban ngày chị em Kim đi học đủ các môn học đến chiều về làm bài cho tới tối khuya.  Ba Mẹ thì khi cơm chiều vừa xong, hội viên nhà thờ tới nhà chở đến trường tráng niên học lớp Anh văn đàm thoại và văn phạm chung với những người tỵ nạn khác.  Nhờ những lớp Anh văn miễn phí này mà sau một năm chăm chỉ học tập, mẹ của Kim đã có đủ vốn liếng sinh ngữ để xin làm chân phụ bếp trong cafeteria trường trung học, vừa có cơ hội thực tập Anh ngữ, vừa có thêm tiền thu nhập hàng tháng để phụ với đồng lương ít ỏi của ba lúc đó chỉ được lãnh $2,25 một giờ.
Giờ đây Kim ngồi nghĩ lại số phận đã đưa đẩy vận mệnh đất nước đổi thay vào tháng Tư oan nghiệt năm 1975, một đìều mà không một người dân miền Nam nào mong muốn.  Bao nhiêu gia đình phải chịu cảnh ly tán để chỉ đi tìm hai chữ tự do cho dù phải hy sinh mạng sống, bù lại gia đình Kim và khá đông những gia đình người Việt khác may mắn được đi tỵ nạn và con cái của họ được "du học" vĩnh viễn tại hải ngoại.  Người Việt đã trở thành "Bách Việt" khắp nơi trên thế giới.  Có lẽ đây là ý Trời!
Nguyễn Thi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,984,785
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.
Nhạc sĩ Cung Tiến