Hôm nay,  

Gốc Phi Châu

24/10/200900:00:00(Xem: 351523)

Gốc Phi Châu

Tác giả: Nguyễn Trung Tây
Bài số 2765-1628836- vb7102409

Tác  giả tự sơ lược về mình "Sinh tại Saigon, trưởng thành tại Sài Gòn và San Jose, CA. Hiện đang làm việc tại Melbourne, Úc Châu." Muốn biết thêm về tác giả, mời vào Webpage: www.nguyentrungtay.com.   
Thông tấn xã công giáo  VietCatholic cho biết "Linh mục nhà văn Nguyễn Trung Tây thuộc dòng Truyền Giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago.” Hiện làm Giáo sư Kinh Thánh tại Đại Học Thần Học Yarra Theological Union, Melbourne, Úc Châu."
Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của nhà văn linh mục Nguyễn Trung Tây là “Mẹ, Mẹ Tôi” đã phổ biến từ tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, kể chuyện “ông thầy” và ghetto tại Chicago, thành phố quê hương của Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ Michelle Obama.

***

Quan bác biết không" Hôm đó bạn em chở đi ăn trưa. Chuyện là như thế này. Từ khi em đi làm ở bên Úc, ba năm rồi bạn bè không gặp mặt, giờ hội ngộ tương phùng cho nên cả hai dẫn nhau tới Lion Plaza của Thung lũng Hoa Vàng. Trên đường King Road, ngay khu nhà có lợi tức thấp, bạn em chỉ,
  - Nhìn kìa, cứ như khỉ, vừa đi vừa múa vừa làm hề.
Em nhìn theo, vừa kịp nhận ra thanh niên Mỹ, ngôn ngữ bình dân gọi Mỹ đen, đang ôm trên vai máy cassett âm thanh vặn lớn, người nhún nhảy theo điệu nhạc disco. Em cự nự,
  - Sao lại nói người ta như thế"
Cái này là em nói thật tình, xin quan bác đừng giận. Lời nói về Mỹ đen với nội dung tương tự không phải là hiếm hoi trên môi một số người Mỹ vàng đâu nhé. Có lần em tới nhà một người quen ở Portland, Oregon chơi. Trời mùa hè, nắng đẹp rực rỡ, người quen chỉ ra bãi cỏ xanh ngăn ngắt,
  - Nhìn thằng Mỹ đen đang phơi nắng ngoài công viên kìa. Đen thùi lùi như cục than hầm thế kia mà cũng bày đặt đòi đi phơi...
Có người còn cắc cớ hỏi,
- Biết Mỹ đen phơi nắng như thế nào không"
- Không biết hả" Thì cũng nằm xuống, nhưng ngửa hai lòng bàn tay đưa lên trời...
Nghe lạnh cả người, rợn tóc gáy, ốc ác nổi cùng mình. Em nhớ có lần quan bác càm ràm,
- Khu nhà đó toàn là Mỹ trắng, sức mấy mà họ chịu cho mình lọt chân vô. Có trả bạc triệu người ta cũng chẳng bán... Tụi Mỹ trắng là tổ sư kỳ thị.
- Thôi đi! Em lạy quan bác, mình cũng có thua kém chi đâu. Chắc quan bác còn nhớ cái thời mà Huyền Trân Công chúa lên xe hoa về nhà chồng ở Chiêm Thành chứ gì. Trời ơi, nhà trai đằng nào cũng là vua chúa một nền văn minh huy hoàng với Tháp Chàm Tháp Bà hôm nay còn đứng đó vươn cao ngất trời. Thế mà người Việt nhà Trần thản nhiên truyền miệng câu ca dao,
Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng mán thằng mường nó leo.
Em quen bà chị ở Cleveland, Ohio, ghé vào nhà chơi, thấy người con tuổi mười tám ngồi trong phòng khách coi bóng rổ với mấy người bạn Mỹ gốc Phi Châu. Thấy mẹ và em bước vào, cậu con trai khéo lắm, vội vàng đứng dậy chào mẹ chào chú. Bạn Mỹ gốc Phi Châu cũng nhanh nhẹn đứng dậy chào theo. Em phá phách nghịch ngợm, lắc lắc người,
- What s up, dudes"
Cả chị, con, và mấy người bạn bật cười vang bởi em nói tiếng Anh giọng Mỹ đen. Chị bạn nhận xét,
- Chị thấy chú làm việc ở Nam Chicago, Indianapolis với Mỹ đen lâu rồi, cho nên thấy chú tỉnh bơ. Chứ mấy người bạn chị ghé vào nhà, nhiều người họ dội luôn...
Em cũng hiểu lắm, bởi bà dì ở Memphis, Tennessee đã từng tâm sự,
 - ...Thì tối hôm đó, dì từ tiệm Target đi bộ về nhà, thì nhà cũng chỉ cách tiệm khoảng mấy quãng đường mà thôi. Con cái chiều hôm đó lại bận không đi đón được. Dì là liều thử một bữa. Ai ngờ, mới đi được một quãng là đã nhìn thấy từ trong hẻm mấy ông Mỹ đen phóng ra. Dì quẳng hết, vừa chạy vừa hét... Từ hôm đó gặp Mỹ đen là người cứ run lên, mặt mày xanh lét...
Em cũng thông cảm cho dì em lắm, bởi đã một thời sống tại Hyde Park, Chicago, cạnh ngay Nam Chicago, ghetto của người Mỹ gốc Phi Châu. Một người bạn học trên đường về nhà đêm hôm đó cũng đã từng bị hàng xóm gốc Phi Châu đuổi chạy bán mạng. Bạn em cũng vứt tất cả cặp sách viết mực, bỏ của chạy lấy người. Nhưng chạy không lại, cho nên bị trấn lột, mất hết tiền bạc. Hyde Park, khu vực nhà giầu với University of Chicago đoạt mười mấy giải Nobel, sinh viên triệu phú mới có cơ hội đặt chân lên khuôn viên sân trường. Thế mà oái ăm thay, lái thêm mấy khu phố nữa thôi là bên ni bên nớ. Bên ni Hyde Park nhà giàu gốc Âu Châu xe Mercedez bóng loáng, nhà cửa gạch đỏ tiền triệu. Bên nớ Nam Chicago nhà nghèo gốc Phi Châu, xe hơi màu sơn sét rỉ, nhà cửa lụp xụp, người không cùng màu da có mạng bước vào không có mạng đi ra. Giết người cướp của nửa đêm về sáng, bấm số gọi 911, cảnh sát Chicago cũng ngần ngại một bước chân.
Cũng chính nơi đây, Nam Chicago, hồi đó cuối tuần ngày thứ Sáu, em dạy Computer 101 cho học sinh tiểu học gốc Phi Châu lớp Năm hai năm liên tục.
- Cái này gọi là Con Chuột.
Thầy giơ cao Motherboard chỉ vào khối vuông vuông có nhiều chân,
- Còn đây là CPU.
Em cặp mắt ngây thơ mở lớn, hai hàng răng trắng đều tăm tắp, giơ cao tay,
- Con Chuột thì em biết, nhưng CPU là cái gì vậy hả thầy"
Thầy nghĩ tới trục lộ đèn xanh đèn đỏ Nam Chicago vào ngày cúp điện, cảnh sát gốc Phi Châu đứng giữa ngã tư hướng dẫn lưu thông. Tay trái chỉ bên trái, hàng xe cộ dài ngoằng uể oải lăn tới; tay phải phất phất, dòng xe tay phải lăn bánh tròn đều.
Em, lớp Năm nghe thầy giảng về nhiệm vụ của con chip CPU, mắt bồ câu mở to đen lay láy, thản nhiên lạc đề,
- Mai mốt em sẽ đi học làm cảnh sát.
Thầy nhìn em, học sinh Mỹ gốc Phi Châu, tuổi mới mười một...
- Ừ, em hãy ước mơ thật lớn, ước mơ thật nhiều, mơ như nhà lãnh tụ Martin Luther King đã từng mơ,
“I have a dream that one day on the red hills of Georgia the sons of former slaves and the sons of former slave owners will be able to sit down together at a table of brotherhood.
I have a dream that my four children will one day live in a nation where they will not be judged by the color of their skin but by the content of their character.”
“Tôi có một giấc mơ về một ngày trên những ngọn đồi đỏ mầu của tiểu bang Georgia, con những người một thời nô lệ và những người một thời chủ nhân có thể ngồi xuống bên nhau trong tình huynh đệ.
Tôi có một giấc mơ về một ngày bốn người con của tôi sẽ sống ở một quốc gia mà con tôi sẽ không bị đối xử bởi màu da nhưng bởi cung cách hành xử của riêng mình.”
Mơ đi em, mơ rất nhiều, mơ thật lớn, để mai này cuộc đời trải thảm dẫn em bước vào tòa nhà Quốc Hội, Bạch Cung rộng rãi thênh thang.
Ba giờ chiều, kẻng vang, tan trường. Bố mẹ bận rộn làm thêm giờ phụ trội, gọi điện thoại thông báo chưa đón được con. Nữ tu Hiệu Phó bèn gửi học sinh cả năm lớp đếm từ Một tới Năm xuống phòng Computer Lab giờ này trở thành Afterschool để thầy dạy tiếp. Lớp Một, Lớp Hai, thầy cho các em chơi game điện tử Bambi chạy chơi trên đồng cỏ đi kiếm bạn Sóc Nâu. Lớp Ba cho tới Lớp Năm, thầy dạy đánh máy chữ bằng chương trình điện toán. Key này chữ A, em đánh đúng chữ, đồng tiền vàng hiện ra sáng lấp lánh. Đánh sai chữ, em bị trừ điểm số tiền trong ngân hàng. Cứ thế, thầy ngồi đó dạy học sinh gốc Phi Châu bài thực tập đánh máy chữ,
- Đó, đó, vừa mới nói xong lại đã quên rồi. Ngón trỏ tay trái để lên chữ F. Còn ngón trỏ tay phải để lên chữ J...
Chiều thứ Sáu hôm đó, bà mẹ độc thân không hiểu lý do tại sao, tỉnh bơ quên đi là mình có một người con. Sáu giờ chiều rồi, học sinh Afterschool đã về hết. Em con gái lớp Hai bím tóc với hai cái nơ vàng xinh ơi là xinh, thoạt tiên còn mải mê chơi game, không để ý chi. Đến chừng nhìn quanh, không còn thấy bạn học đâu hết, ngoại trừ Sơ Hiệu Phó gốc Âu Châu và ông thầy gốc Á Châu, em ngơ ngác, mặt đỏ bừng bừng rồi chuyển sang tim tím, đôi môi thoạt tiên bậm lại cố gắng giữ, nhưng rồi cũng bật tung bởi những hàng nước mắt trên đôi mắt tô nâu hột nhãn. Em khóc nấc lên, tỉnh bơ, ngon lành. Sơ Hiệu Phó chạy lại dỗ em. Tôi gọi điện thoại cầm tay tìm người thất lạc.
- Mommy, where are you now"
Đấy, quan bác thấy đấy, em hồi đó thứ Sáu cuối tuần là bận tíu tít, cứ như người có con mọn. Thông thường về được tới ký túc xá cũng đã bẩy tám giờ tối. Nhà cơm rộng rãi thênh thang, em ngồi ăn trễ bóng đổ một mình, cơm nguội ngắt, thêm vài miếng khoai tây ỉu xìu, nhưng vẫn thấy vui rộn ràng trong lòng. Quan bác hỏi em được trả bao nhiêu một giờ đó hả. Quan bác ơi, nada... Không một đồng xu dính túi. Em không nói giỡn chơi với quan bác đâu, bởi đây là công tác thiện nguyện trường đại học Chicago đòi hỏi sinh viên tụi em phải tham gia. Có tín chỉ đàng hoàng chứ đâu phải chuyện chơi, mà tới bốn tín chỉ lận đó. Nhiều bạn sinh viên chung trường chọn xuống khu đèn đỏ dưới phố Chicago. Quan bác biết khu đèn đỏ mà, cái khu mà có nhiều cô nhiều cậu ăn sương đấy, vâng, vâng, đúng rồi, cái khu đó đó. Họ chọn xuống dưới khu đèn đỏ đứng phát bao cao su phòng chống bệnh tật. Em, em chịu thôi. Cho nên cuối tuần thứ Sáu, em đón xe bus đi vào ghetto Nam Chicago, hướng dẫn Computer cho lớp Năm trường St. Elizabeth.
Năm sau, em thiên di về phiá đông nam, lái xe ba tiếng từ Phố Gió Chicago tiểu bang Illinois sang thẳng tới thủ phủ Indianapolis tiểu bang Indiana tham dự chương trình Internship. Lần này cũng dạy học, từ Mẫu Giáo cho tới lớp Tám tại trường St. Rita, tọa lạc trên đường Dr. Andrew Brown.
Giống như St. Elizabeth, St. Rita cũng lạc loài nằm trong khu ghetto. Nhưng khác với trường Tiểu Học Elementary St. Elizabeth của Nam Chicago, St. Rita của Indianapolis là trường Middleschool, học sinh 98 phần trăm gốc Phi Châu, nước da bóng lộn vóc người lực lưỡng. 2 phần trăm còn lại trộn lẫn. Hoặc mẹ gốc Phi Châu gặp gỡ gốc Âu Châu. Con sinh ra nước da khác mẹ, tóc nâu nâu vàng, nhưng quăn tít từng lọn.
Mới tới, lạ nước lạ văn hóa Indianapolis, thầy không biết ai vào với ai. Chưa an cư thì khó mà lạc nghiệp lắm. Nhưng thầy đúng là cầm tinh kiếp con trâu, mà lại là con trâu sinh ban ngày, số vất vả, cho nên mới tới được mấy ngày đã phải đứng lớp.
Tuần đầu dậy học, ác mộng chập chờn hằng đêm. Lớp Bẩy Lớp Tám, học sinh có những em con trai cao xấp xỉ bằng thầy, có em trội vượt hơn cả một cái đầu. Tuần đầu thầy nói gì trong lớp, kệ thầy. Thầy đứng cầm phấn giảng, học sinh Lớp Bẩy Lớp Tám coi thầy như pha. Có em ngồi gục đầu xuống bàn, ngủ tỉnh bơ. Có em lấy giấy gấp phi cơ phóng bay vòng vòng trong lớp nhìn không đẹp không ăn tiền. Em con trai lấy máy điện tử chơi game, bắn súng đoàng đoàng chíu chíu. Em con gái tóc kết từng lọn, quay lại cự nự tên đang chơi bắn súng,
- Vặn nhỏ lại. Ồn ào quá!
Cự xong, em lại tỉnh bơ soi mặt trong gương, tô son đánh phấn, cười rúc rích với mấy người bạn. Hứng chí, em chu miệng lại, thổi sáo huýt còi vui như đang thảnh thơi dạo chơi hội chợ.
Trên bảng, ông thầy gốc Á Châu, mặt xanh lét, run cầm cập, thôi chết rồi, giờ làm sao. Tới giờ tan học, cả lớp lục tục đứng dậy, bỏ đi hết để lại thầy vốn đã nhỏ người, giờ lại càng nhỏ bé giữa phòng học Lớp Bẩy Lớp Tám, rộng thênh thang đầy những xác phi cơ nằm chết gục la liệt trên sàn nhà.
Tối hôm đó, thầy giáo mất ngủ, thần hồn nhát thần tính, thầy hoảng hốt cứ như người bị ma đuổi.
Ngày hôm sau, vẫn vậy.
Ngày tiếp theo, vẫn thế.
Ơi, cuộc đời! Sao nhiều thử thách gian nan! Xin Bụt hiện ra gọi chim trời bay xuống nhặt đậu xanh đậu đỏ cho đời con bớt vất vả.
Tuần đầu tiên sống ở phố Indianapolis, cuộc đời buồn thiu tương tự như trời mùa đông tuyết đổ trắng xóa phố phường.
Tuần sau, thầy nằm vắt tay trên trán nghĩ ra một kế sách chiến lược tên gọi "Quá tam ba bận". Trong lớp, thầy đang giảng bài, chưa được phép thầy giáo mà em mở miệng, có hành động mất trật tự, thầy dừng lại, vừa viết nắn nót vừa đọc rõ ràng tên em để em biết chính em là người được khắc ghi tên trên bảng,
- David Hamilton, lần đầu tiên.
Em không chịu cải tà quy chánh, tiếp tục chơi game bắn súng đoàng đoàng chíu chíu, thầy viết số 2 ngay bên cạnh tên em, miệng lại đọc rõ từng âm,
- David Hamilton, lần thứ hai.
Em không chịu hạ Đồ Long Đao, muốn thử công lực của thầy, tiếp tục phá rối mất trị an, thầy không viết số 3 nữa, nhưng đưa tay ra lịch sự mời,
- David Hamilton, thôi, em không phải học nữa, đứng ngoài cửa lớp đi em.


Quan bác ngạc nhiên hả" Quan bác thắc mắc, đơn giản thế thôi mà trật tự được vãn hồi"
Vâng, quả là như thế. Không phải là các em ngán gì ông thầy giáo gốc Á Châu này đâu. Mà chuyện là như thế này. Trai cũng như gái, bị đứng ngoài cửa lớp, em sợ thầy Giám Thị thường xuyên đi tuần chung quanh hành lang sân trường. Thấy em lớ ngớ đứng đó, thầy Giám Thị thân mến dẫn em từng bước từng bước thầm xuống văn phòng làm việc. Nặng hơn nữa, Giám Thị gửi em tới thẳng văn phòng Hiệu Trưởng. Hiệu Trưởng gọi về nhà bố mẹ. Thế là tàn đời...
Vâng, đơn giản có thế thôi.
Nhưng học sinh Lớp Mẫu Giáo, Lớp Một, Lớp Hai và Lớp Ba thì em lại có kế sách chiến lược kiểu khác. Ở trên thầy giáo đang say sưa giảng bài, ở dưới tự nhiên có tiếng cự nự cãi cọ chí chóe,
- Buông tay ra...
- Hah"
Thầy chộ mắt ốc lườm xóm nhà lá. Trật tự vãn hồi ngay. Nhưng mặt trận miền tây chỉ yên lặng được vài phút thôi, sau đó cổ thành Quảng Trị lại rộn ràng tiếng đại pháo,
- Thầy! Con Teresa giật tóc em,
- Thầy! Tại nó giật cây viết của em trước.
Nam Bắc không chịu hòa giải, tiếp tục leo thang cường độ chiến tranh. Thầy giáo quyết định can thiệp.
- Thôi nhé, đủ rồi.
Thế là hai phe lâm chiến đều phải chép phạt, mỗi em 100 câu chẵn chòi, "I will behave well in my class". Chưa hết, thầy còn "đề nghị" em mang giấy phạt về nhà xin chữ ký cha mẹ. Ngày hôm sau em phải mang giấy phạt lên trình thầy với đầy đủ chữ ký. Cho nên Teresa tóc vàng hoe hoe con lai hai dòng máu vừa khóc thút thít vừa nguệch ngoạc viết những hàng chữ phạt đầu tiên trên tờ giấy trắng tinh. Nhìn nước mắt hạt ngắn hạt dài đầm đìa châu sa của em, thầy muốn tha lắm, nhưng không dám...
Kế sách "Quá tam ba bận" và "Chép phạt chữ ký" hiệu nghiệm cấp kỳ. Trật tự vãn hồi trên toàn thể lãnh thổ của tám lớp trong vòng vỏn vẹn một tuần lễ. Lớp học yên lặng đến độ ruồi bay ngang qua cũng nghe tiếng đập cánh rộn ràng. Trật tự vãn hồi, trong giờ Đạo Đức Lớp Tám thầy có dịp nói về những giấc mơ.
- Mai này lớn lên em thích làm gì.
Con gái nhiều em có cùng một chia sẻ,
- Em thích làm ca sĩ như Whitney Houston.
Con trai thì Michael Jordan ngôi sao bóng rổ là một thần tượng lớn.
Thầy làm bộ ngạc nhiên,
- Sao em không mơ làm bác sĩ học ở Stanford, hoặc luật sư tốt nghiệp ở Harvard...
Thầy cẩn thận buông lời,
  Hoặc mơ làm tổng thống nước Mỹ...
Lớp học tự nhiên yên lặng cây kim rớt xuống cũng nhận ra tiếng rơi. Bao nhiêu con mắt nâu nâu đồng loạt trợn tròn nhìn lên như đang thắc mắc chắc hôm nay thầy giáo nổi cơn mát. Một cánh tay giơ cao. Em con trai nói ngay,
- Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra...
- Tại sao lại không" Trên đời này có chuyện gì mà không xảy ra được...
Em, bình thường rất lễ phép, lần đầu tiên lên tiếng cắt ngang lời thầy,
- Bởi vì em là người da đen...
Khí lạnh chạy dọc theo sống lưng khiến thầy nuốt nước miếng không biết nói gì. Mùi hôi tanh tưởi của thây ma quá khứ tiếp tục đi theo vào tới hiện tại. Thầy giáo ú ớ như người bị điểm trúng huyệt.
Cũng lại một lần, em con gái Lớp Bẩy hôm đó không tô son vẽ mặt nhìn lén bóng mình trong gương nữa. Tóc em vẫn kết từng lọn, nhưng mặt hôm nay xanh mét, ánh mắt lờ đờ thiếu ngủ. Giờ học, em gục đầu xuống mặt bàn. Vừa sợ em trúng gió, vừa nghi ngờ có thể em đang bày trò mới, từ trên bảng đen thầy bước xuống,
- Em...sao vậy"
Em vẫn không trả lời, mắt nhắm lờ đờ. Thầy làm mặt nghiêm,
- Em không ngồi dậy, thầy mời em đứng ngoài cửa lớp, khỏi phải học.
Em không mở mắt, nhưng giọng nhỏ xíu xiu như người bị trúng gió độc,
-Thầy ơi, em đói...
Em thều thào,
- Từ tối hôm qua cho tới bây giờ...
Nghe lạ tai chưa! Ở cái nước Mỹ này, trở thành triệu phú thì khó, chớ chết vì đói lại càng khó hơn. Nhà ai cũng vậy, lúc nào trong tủ lạnh chẳng có vài trái trứng. Đói bụng, luộc trứng, bóc vỏ chấm muối tiêu, ăn ngon lành. Nước nóng còn lại, đổ vào tô mì ăn liền. Ngon bá cháy. Mỹ mà, người ta chết vì bội thực, chớ có ai chết vì đói bao giờ. Thế đấy, sự thực là như thế, mà sự đời lại càng thực tế hơn, bởi thầy nhớ tới người đàn bà hút thuốc lá vàng khè đầu ngón tay nhiều lần tới đón con trễ. Nhân viên Sở Xã Hội của trường cho thầy biết, người đàn bà này thường xuyên lấy foodstamp của con gái đánh đổi cho những gói thuốc lá và thuốc lắc. Thầy giáo rùng mình!
Thầy gửi em xuống văn phòng Xã Hội, để người ta gửi em tới Cafeteria của trường ăn tối và ăn sáng cấp kỳ...
Dòng đời tiếp tục trôi tới, em học sinh lớp Một, giơ tay xin phép đi toilet. Thầy gật đầu, miệng nói,
- Yup, yup!
Em sửa lưng thầy tại chỗ,
- Mẹ em dạy, nói "Yup, yup" không có lịch sự, phải nói "Yes ".
Tới phiên thầy gãi gãi đầu như tóc có nguyên một ổ chí. Hôm nay học đường đụng gia đình một cái cốp. Thầy cố gắng nhớ lại không biết sáng nay mình có lỡ ăn mắm ăn muối mặn chát đầu lưỡi hay không"
Cũng vẫn là em, học sinh lớp Một sửa lưng thầy, mẹ em gọi tới đòi nói chuyện với ông thầy da vàng gốc Á Châu,
- Con tôi bài thi vừa rồi điểm F. Tôi không đồng ý.
Thầy giáo từ tốn,
- Bà có thể nói cho tôi biết bà không đồng ý ở điểm nào"
- Trước ngày thi, tôi đã hướng dẫn con tôi học bài cẩn thận đàng hoàng.
Người phụ nữ lên giọng nhè nhẹ,
- Tôi đi làm từ sáng sớm. Một mẹ một con. Tối, tôi ngủ sớm. Nhưng tối hôm đó, tôi vẫn phải thức thật khuya để dạy con tôi học bài. Tôi là tôi mệt lắm, nhưng điểm thi của con tôi vẫn là quan trọng nhất. Vậy mà thầy cho con tôi điểm F.
Thầy hít sâu vào, cố gắng giữ thân nhiệt trong người không giảm không tăng,
- Vâng, tôi hiểu lắm. Nhưng những câu hỏi thi thực ra cũng chỉ là năm trong mười câu hỏi mà tôi đã ghi ra trên giấy với những câu trả lời. Trước ngày thi, tôi đã ôn luyện lại cho các em đủ mười câu hỏi. Rồi bà nói bà cũng dậy em học tối hôm trước ngày thi...
- Đúng, thầy nói đúng, tôi đã dạy con tôi mười câu hỏi rất kỹ càng.
Thầy, ngón tay chỉ vào bài thi của em, buông lời kết luận,
- Cám ơn bà đã phụ tôi dạy em. Nhưng rất tiếc tôi không có chọn lựa nào khác. Bởi bà nhìn kỹ bài thi của em đi. Em chọn những câu trả lời a, b, c khoanh, sai hết.
 Người phụ nữ đứng dậy,
- Thầy đừng có chỉ ngón tay vào mặt tôi như thế. Tôi sẽ không cho phép bất cứ ai làm như vậy đối với tôi đâu. Tôi sẽ lên trình bày vấn đề với bà Hiệu Trường. Tôi hứa tôi sẽ không bỏ qua chuyện này đâu...
Thầy giáo giận lắm, nhưng vẫn phải công bằng với các em học sinh khác, và với chính mình, thầy chỉ ra cửa phòng,
- Vâng, chào bà.
Chiều hôm đó, thầy giáo ngồi ăn tối, mà thở dài sườn sượt, mặt buồn thiu. Thầy chán quá, chán thật tình. Thầy nghĩ hay thôi, về nhà lấy vợ, thế là xong. Đêm tới, thầy nằm trên giường, bên khung cửa, tuyết Indianapolis buông rơi trắng xóa, mà lòng buồn tê tái. Bụt ơi, Bụt đâu rồi"
Trưa hôm sau, bà Hiệu Trưởng gốc Phi Châu nhỏ nhẹ nói với thầy,
- Thôi, thầy cho em thi lại đi.
Vâng, nếu boss đã nói như vậy, thì thôi, phận dưới, thầy lãnh ý người trên, thầy để em thi lại, cũng vẫn đề thi đó. Lần này có mẹ em ngồi trong phòng thi. Kết quả: Em không chọn sai câu nào, A+.
Có lần tin tức địa phương báo chí cũng như radio, TV ồn ào chạy những hàng tít lớn về vụ án thầy giáo lớp Mười Hai tiểu bang Indiana bị nữ học sinh tố cáo sách nhiễu tình dục. Thầy chợt nhớ tới những lần bạn bè sinh viên cùng trường Chicago ngồi đấu láo nửa đùa nửa thật, nhớ đấy nhé, ngày hôm nay, đang ngồi trong phòng nói chuyện tào lao khú đế với nhau mà thấy có bóng dáng con nít chập chững bước vào, là phải nhớ dẫn nhau ùa chạy ra ngay. Cẩn tắc vô ưu là thế. Ông bà mình dậy là chớ có sai.
Tin tức địa phương khiến thầy nhớ lại học sinh lớp Mẫu Giáo, lớp Một, lớp Hai, nhỏ xíu, ngây thơ như thiên thần. Thấy bóng thầy giáo trong giờ chơi, các em đua nhau chạy tới ôm chầm, có em còn đòi "hug". Thấy người lại nhớ tới ta, nhớ tới hiện thực và nền văn hóa riêng biệt Afro-America, thầy hỏi ý xếp. Bà Hiệu Trưởng dặn dò,
- Khi các em trong cộng đồng Afro-America, nhất là các em lớp nhỏ giơ tay đòi ôm đòi "hug," cứ để các em tự nhiên. Nhưng thầy và cô giáo chúng ta không bao giờ chủ động chuyện này.
Cứ thế, đời sống dạy học tại trường Middleschool St. Rita chậm chạp trôi qua. Trời nắng, thầy đi bộ tới trường. Trời mưa, thầy cắp ô tới lớp. Trời đông, thầy mặc thêm áo len. Trời hè, thầy mặc áo sơmi tay ngắn. Trời bốn mùa đủ bốn mùa, thầy tiếp tục bị phụ huynh gọi điện thoại cự nự. Tiếp tục bị học sinh Lớp Bẩy và Lớp Tám hằng ngày vươn cao từng phân áp đảo ngay trong lớp. Tiếp tục bị thầy cô đồng nghiệp càm ràm bởi đã tới giờ Đạo Đức, nhưng bóng thầy vẫn còn biền biệt nơi đường chân trời xa xa.
Cuối tuần linh mục gốc Phi Châu, Superintendent của St. Rita dẫn thầy xuống phố Indianapolis ăn Gumbo, đặc sản người Mỹ gốc Phi Châu nấu như cháo lòng đồ biển thập cẩm của người Mỹ gốc Việt. Superintendent trợn mắt ngạc nhiên nhìn thầy ăn ngon lành, vét cạn đáy tô Gumbo. Đến phiên thầy, thầy mua tiết canh dê khu chợ Việt mang tặng xếp lớn. Xếp thắc mắc hỏi, thầy nói Vietnamese Pizza. Xếp ngồi ăn hết một đĩa tiết canh lớn nhậu với rượu đỏ Shiraz, có bánh tráng nướng dòn hẳn hoi. Thầy ngồi cầm canh đếm nhịp nhậu với xếp cho vui.
Làm việc ở cộng đồng Afro-America gần nửa năm, thầy bắt chước thanh niên gốc Phi Châu xỏ lỗ tai trái. Nhìn lỗ tai trái, superintendent khen,
- You are really inculterated hah / Thầy hội nhập văn hóa khá lắm.
Nhưng bên ni là phước, bên nớ chưa chắc. Thầy đeo bông tai hội nhập văn hóa ở Indianapolis, tin đâu sét đánh ngang tai, báo tới trường Chicago. Bởi thế có một thời, thầy vất vả lao đao với Chicago bởi đeo bông tai trái.
Chiều hôm đó, chỉ còn hơn một tuần nữa thôi là tan trường, bà Hiệu Trưởng báo có phụ huynh muốn gặp. Thầy nhíu mày, không biết chuyện chi nữa đây. Thầy bước vào văn phòng sửa soạn tinh thần cho một trận chiến mới.
Người phụ nữ đứng dậy, tự giới thiệu,
- Chào thầy, tôi là mẹ của em Thomas Smith.
Thầy nhớ tới em, học sinh lớp Tám. Em có em trai học lớp Bẩy. Em ít nói, siêng học, điểm thi lúc nào cũng cao nhất lớp. Cũng em, người phản đối thầy về giấc mơ tổng thống Hoa Kỳ. Nhìn người mẹ, thầy lịch sự căn bản gật đầu,
- Chào bà, tôi có thể giúp bà được điều chi không"
Người đàn bà mắt tự nhiên long lanh,
- Thầy không biết đâu, thầy đã thay đổi đời con tôi rất nhiều. Ngày nào trong lúc ăn cơm hai anh em nó cũng tỉ tê kể chuyện về thầy. Tuần trước cháu nói với tôi cháu xin rửa tội. Cháu năn nỉ tôi gặp thầy, xin thầy làm bố đỡ đầu cho em.
Thầy ngồi đó yên lặng, mà lòng nghe xôn xao xôn xao. Ơi em, người Mỹ gốc Phi Châu. Cám ơn em, bởi sáng Chúa Nhật hôm đó, trong ngôi thánh đường St. Rita đông nghẹt tín đồ, thầy trở thành bố một người con gốc Phi Châu. Bố đứng đó cầm nến cháy sáng nhìn con rửa tội, bố và con đứng cao ngang nhau.
Hè tới, Indianapolis tan trường, thầy quay về lại Chicago, mặc áo đội mũ ra trường, rồi đi làm xa xôi ngàn muôn dặm đường, lần này Melbourne, Miệt Dưới.
Ngày 8 tháng Mười Hai năm 2008, thầy về Mỹ nghỉ hè. Thầy cũng quay lại St. Rita. Hôm đó Chúa Nhật, thầy tham dự thánh lễ. Nghe tin thầy giáo viếng thăm ghetto, học sinh Lớp Bẩy Lớp Tám rủ nhau tới thánh đường St. Rita, ngồi quây quần bên thầy. Con thầy cũng ngồi đó, nụ cười ấm áp vang vang. Em ghé vào tai thầy nói nho nhỏ,
- Bố ơi, con đang chuẩn bị thi vào Stanford.
Ngày 20 tháng Một năm 2009, thầy có mặt ở Chicago để chứng kiến giây phút lịch sử, Thượng Nghị sĩ Barack Obama tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 44 của Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ. Giấc mơ người Mỹ gốc Phi Châu trở thành tổng thống lớn quá, lớn đến nỗi vào ngày 28 tháng 8 năm 1963, khi Dr. Martin Luther King đọc diễn văn lịch sử "I Have A Dream" tại thủ đô Washington, giấc mơ tổng thống không xuất hiện trong bài diễn văn. Thế đấy, mới chỉ từ năm 1963 đến năm 2009, gần 46 năm sau, người Mỹ và vợ cùng hai cô con gái, tất cả cùng gốc Phi Châu, hiên ngang đặt chân lên thảm đỏ tòa nhà Bạch Ốc lừng danh thế giới.
Theo dõi buổi lễ nhậm chức, thầy nghĩ tới em, người Mỹ gốc Phi Châu, bao nhiêu học sinh thầy có cơ hội gặp gỡ và hướng dẫn tại St. Elizabeth và St. Rita. Thầy nghĩ tới godson của mình.
Em ơi, tại sao không mơ, mơ cao, mơ nhiều, và mơ thật lớn" Bởi vì giấc mơ nào rồi cũng sẽ trở thành hiện thực. Điều quan trọng nhất là mình có dám mơ hay không.
Nguyễn Trung Tây

Ý kiến bạn đọc
14/01/202005:43:08
Khách
Làm sao để thế giới này chỉ có toàn những người "fair" và nhân bản như thầy? Nghe người Việt mình giở giọng kỳ thị lạnh xương sống luôn. Có lẽ họ có cái nhu cầu cần put down người khác để chứng tỏ mình better, dòng giống mình better mà không nghĩ là chính thái độ thiếu văn hóa đó đã đi ngược lại điều họ muốn chứng tỏ. Nếu ta tiếp tục chà đạp họ như vậy làm sao họ ngóc đầu lên nỗi? Xã hội trở thành lạc hậu và nhiễu nhương từ đó có biết không? Ai là những người đã gián tiếp tạo ra những ghettos nầy?
Tôi đi đám cưới con gái của người bạn có cô phụ dâu xinh đẹp, lễ phép người gốc Phi Châu. Trong khi tôi và vài người thấy ấm lòng trước cái tình bạn hợp chủng dễ thương đó thì có một bà sang trọng, có học (nhưng thiếu văn hóa?) phán một câu xanh dờn"Bộ hết bạn rồi sao mà có một phụ dâu người da đen!".
Không lời nói nào có thể độc ác và vô lối hơn thế, lại nhắm đến một người đáng tuổi con cháu mình! Nghe họ phán những lời độc địa về người Mễ về vị tổng thống đã màu và gia đình ông nghe mà ớn lạnh! Chẳng hiểu những người này họ nghĩ gì khi ráng tìm mua nhà ở những khu người Mỹ trắng rồi lại cảm thấy bị kỳ thị? Họ khinh bỉ người khác vì màu da nên dễ có mặc cảm về màu da không trắng của mình!
Hy vọng the next Viet generation would be better, culturally, cho một xã hội tử tế hơn nữa.
07/09/201706:43:01
Khách
Bài viết đầy lòng nhân ái. Cảm động quá!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,023,776
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến