Hôm nay,  

Tâm Hoa

10/09/200800:00:00(Xem: 151517)
Tác giả: Nguyễn Thị Yến

Bài số 2402-16208479-vb4100908

 Tác giả là một nhà giáo, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế  năm 1972, đã dạy học ở Đà Nẵng- Huế 18 năm. Đến Mỹ năm 1990, đi học và trở lại nghề dạy. Từng là hôi trưởng, điều hành Trung Tâm Việt Ngữ Lạc Hồng, Sacramento, từ 1995-1997. Hiện dạy tại 2 trường California State University, Sacramento - Cosumnes River College, và Sacramento,     California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là Levina, chuyện một thiếu nữ có mẹ Việt và bố là chiến binh Mỹ gốc Phi Châu bị giết tại Tân Sơn Nhất cuối tháng Tư 1975. Sau đây là bài viết thứ bà, một truyện ngắn.

***

Năm 1980, Huyên chuyển về trường Thống Nhất và trở nên thân với chị.

Đêm ấy trăng rằm, ánh trăng chảy lênh láng cả một sân đầy. Mấy nhánh ổi đong đưa theo gió phảng phất hương đêm quyện với mùi sầu đông theo về từ đầu ngõ. Chị kể chuyện đời chị.

Mười một năm chị vẫn còn giữ lá thư của anh ấy. Đám hỏi đã bốn năm, đám cưới đã chuẩn bị chu tất, thiệp cưới đã gởi đi từ hai tháng trước. Thế mà anh bỏ đi ngay vào đêm trước ngày cưới. Chị chết ngất giữa những bàn tiệc trống trơn lạnh lùng. Khi tỉnh lại, nhìn những dây tua xanh đỏ trang trí lửng lơ trong phòng khách, chị tê cóng, rã rời. Mấy bình hoa trên bàn mỗi bình mỗi kiểu, cách cắm từng nụ hoa từng nhánh lá công phu. Mà sao chị lại chọn những đoá hoa màu tím" Chị trút hết cả quay quắt đớn đau vào những cánh hoa lãng mạn ấy.

- Mình vẫn mơ ước có một đám cưới trong đời, Huyên à.

Giọng chị trầm buồn khắc khoải. Chị tiếp:

- Rồi sau đó có ra sao thì ra. Không hiểu sao trong gia đình mình rất hiếm có những lễ cưới. Các anh chị của mình đều là người học thức tử tế, vẫn sống độc thân. Thân phận con người có duyên nợ từ vô lượng kiếp.

Chị chép miệng, thở dài, rồi im lặng, trầm ngâm. Huyên ngồi yên, lắng nghe câu chuyện của chị. Rồi chị lấy trong túi áo khoác ra một xấp thư, giấy đã cũ.

- Thư này anh viết cho gia đình mình, anh xin lỗi đã không có đủ can đảm từ hôn sớm hơn.

- Anh có giải thích tại sao không"

- Trong thư không nói rõ. Người ta nói hình như...

Chị ngập ngừng. Huyên chăm chú nhìn vào đôi môi chị mấp máy một cách khó khăn, nôn nóng lắng nghe cho hết câu nói của chị. Chị nói tiếp:

- Lâu lâu anh có chở mình đi công chuyện, mình ngồi sau xe, khi vô tình chạm vào người anh, anh lại nhích tới trước.

Huyên tò mò, chuyển thế ngồi gần hơn, sát bên chị, hỏi:

- Chị nói sao"

Chị bối rối, nói lấp bấp từng chữ, ngắt quãng... Rồi như mở bật được cái ổ khoá đã rỉ sét, chị nói:

- Họ nói ... anh bị...

Chị ngượng. Huyên hít vào thật sâu hương đêm huyền hoặc, nhìn lung ra cửa. Ngoài kia, trăng đã lên cao, ánh trăng toả ngát giữa lòng sân. Cầm lá thư trong tay như cầm mảnh vỡ trái tim chị. Huyên bật ngọn đèn nhỏ, mở lá thư. Những dòng chữ nghiêng nghiêng trải dài, màu mực xanh đã úa. “Anh viết lá thư này vào một đêm mưa, tại một ngôi chùa rất xa thành phố.” Giọng chị da diết:

- Sau hơn tám năm biệt tăm, anh đã trở về, và lập gia đình với một người đàn bà. Bà ấy đã có một đời chồng và đứa con riêng. Hiện anh ấy vẫn đang ở Huế.

Huyên lặng câm nhìn chị. Đôi mắt chị sâu hun hút. Đêm càng sâu hơn. Huế cuối ngõ hoàng thành, hiu hắt ngọn đèn khuya, con đường nằm đó bao nhiêu năm duỗi chân tìm giòng sông êm ả.

*

Cô Quỳnh vui vẻ báo tin có người em trai vừa đi cải tạo về. Cô đưa cho Huyên mấy bài thơ rất lạ của người em. Có lần cô nói nhỏ vào tai Huyên:

- Cậu bạo lắm, ở tù mà làm cả mấy chục bài thơ như ri, rồi làm cách chi mà dấu được suốt chín năm trường. Khi được trả về, cậu dấu trong gối, may lại, rồi đem về.

Huyên đọc nhiều bài thơ trên những trang giấy đủ loại, đủ cỡ. Thơ giàu chất thơ, nói chung, bài nào tứ thơ cũng mang mang ray rứt.

Cô Quỳnh nói:

- Người ta cho cậu về vì lý do sức khoẻ, cậu hơi thất thường, Huyên à.

Cô ngỏ ý muốn giới thiệu anh ấy cho chị Tâm Hoa. Huyên tán thành ngay.

- Phải đó cô, anh và chị xứng hợp quá, cả hai đã ngoài bốn mươi.

Chiều hôm ấy, cô Quỳnh đến sớm hơn giờ hẹn. Trong lúc Huyên đang loay hoay với mấy cái hoa hồng mới cắt từ vườn sau, cô bước vào tự nhiên nhoẻn miệng cười, bó thược dược rực rỡ trên tay. Bình hoa tươi đặt ngay giữa chiếc bàn tròn kê bên cửa sổ làm rạng rỡ cả góc nhà. Huyên thoăn thoắt từ nhà trên xuống nhà bếp, rồi từ nhà bếp lên nhà trên.

- Em tìm chọn một băng nhạc Pháp cô hỉ"

- Ừ, phải đó, Huyên điệu lắm nghe.

Trả lời Huyên, nhưng mắt và tay cô vẫn bận rộn luôn với bình hoa. Khi dĩa bánh vừa sắp xong thì khách đến. Anh bước vào cổng rất tự nhiên. Huyên chú ý nhìn kỹ người khách mới. Một người đàn ông đứng tuổi, áo quần xuyềnh xoàng, nhưng dáng người chững chạc pha chút nghệ sĩ, và có vẻ bất cần đời.

- Dạ xin chào anh, xin mời anh vào.

- Chào cô.

Cô Quỳnh giới thiệu:

- Đây là cậu Tập, em trai mình. Còn đây là Huyên, đồng nghiệp cũng là bạn thân của chị và Tâm Hoa. Tập ngồi chơi, Tâm Hoa đến chừ.

- Anh Tập ngồi, Huyên làm nước mời anh nghe.

- Cảm ơn cô.

Huyên vừa pha trà, vừa nói chưa hết câu chuyện thì chị Tâm Hoa đến. Huyên reo:

- Đây rồi, nhân vật chính. Xin giới thiệu với anh, đây là chị Tâm Hoa và đây, anh Tập.

- Chào cô.

Chị gật đầu luống cuống, nói mấy tiếng lí nhí rất nhỏ "dạ chào anh". Hôm nay chị mặc chiếc áo màu thiên thanh, một chút làm dáng kín đáo trên đôi má phơn phớt và đôi môi bóng trông chị trẻ ra nhiều. Huyên khẽ nhíu mày, nói với chị bằng đôi mắt "nhớ tự nhiên nghe chi". Rồi Huyên vui vẻ nói cười, tiếp ngay:

- Anh Tập à, cô Quỳnh, chị Tâm Hoa và Huyên thân nhau như ba chị em. Chị Tâm Hoa được nhiều người rất thương mến, chị là người khuôn mẫu, có nhiều tài, rất hiền và rất... hay mắc cỡ.

Huyên nói cười, nghịch ngợm kéo dài mấy chữ cuối, rồi nhìn thẳng vào đôi mắt chị. Nhìn nét mặt nhu mì, rụt rè của chị, Huyên thương quá, cứ muốn chuyển hết vào chị cái vui vẻ hồn nhiên của mình cho chị. Vẫn không dấu được vẻ lúng túng, chị cúi đầu, xúc động lộ rõ ở hai bàn tay chị run run.

- Dạ rất hân hạnh được gặp anh. Thật rất mừng cho chị Quỳnh có người em đi cải tạo về mà sức khoẻ vẫn tốt, đời sống ổn định như anh.

- Vâng, hân hạnh được gặp cô và cô Huyên. Thật ra, cũng chưa có gì ổn định, tôi đang sống với gia đình chị Quỳnh. Thời gian vẫn còn trống trải, tôi chưa thật sự thích nghi với cuộc sống.

Huyên đứng dậy, đến bên dàn stereo, vặn lớn volume chút xíu. Bản độc tấu piano "Salut d'amour"' gờn gợn, rồi vút lên thong thả, réo rắt. Dòng nhạc êm đềm lan toả khiến cả gian phòng trở nên ấm áp lãng mạn. Chị có vẻ giao động, nét mặt đầy cảm xúc. Huyên đem thêm một dĩa bánh mời khách, rồi nghiêm giọng nói rất nhỏ bên tai chỉ đủ cho chị nghe.

- Tự nhiên nghe, nhớ đừng để "cháy giáo án"'!

Chị bật cười thành tiếng với lối chơi chữ quen thuộc của Huyên, hai gò má chị ửng hồng. Anh Tập nãy giờ không rời theo dõi từng động tác của Huyên, và biết hai người sẽ ra khỏi phòng khách. Anh tỏ vẻ lính quýnh như muốn nói một điều gì khi thấy Huyên vừa quay lưng. Cô Quỳnh và Huyên biến nhanh ra khỏi cửa, níu nhánh ổi hái mấy trái, rồi đi vòng theo lối rẽ vào vườn sau.

Một tuần sau, vào buổi chiều khi nắng vừa tắt, bất chợt Huyên thấy có người đàn ông đang đứng trước cổng. Cổng khoá, nhưng người đàn ông cứ đứng đó mà không gọi mở. Ồ, anh Tập! Huyên nhận ra, liền lau vội đôi tay đang ướt và bước nhanh ra mở cổng.

- Chào anh Tập.

Người đàn ông vẫn ngồi trên xe đạp nhìn Huyên. Rồi ông đưa Huyên một cái bì nhỏ.

- Gởi em.

Huyên cười, vui vẻ nhận phong bì.

- Dạ. Huyên sẽ đưa cho chị.

Người đàn ông im lặng nhìn Huyên, không nói gì thêm. Huyên vội vã xin phép vào lo nấu bữa ăn tối cho các con kẻo trễ. Ông vẫn ngồi yên như thế, nhìn theo, cho đến khi bóng Huyên khuất sau cánh cửa màu lam. Rồi nhẹ nhàng, ông để chiếc xe đạp tựa vào bờ rào, trở lại trước cánh cổng đã khóa. Hai bàn tay ông bấu vào mấy ô lưới sắt trên cánh cổng B40. Ông đứng đó, áp mình vào cánh cổng. Hoàng hôn ngấm dần, chìm hẳn vào màn đêm.

Buổi tối đã khuya, khi ngồi vào bàn chuẩn bị bài dạy cho ngày mai, Huyên mới chợt nhớ đến cái phong bì. "Gởi Huyên". Nhìn cái tên mình trên bì thư, Huyên thoáng giật mình. Bì thư không dán, Huyên mở. Một mảnh giấy màu hồng ghi mấy câu thơ:

Đôi Mắt

Tìm người xưa cũ trong mắt em

Người xưa hay bóng dáng riêng mình

Ta nghe lòng gợn niềm xao động

Hoài vọng nghìn thu bỗng hiện hình.

Tặng Huyên.

T. N. Tập

Huyên gác cây bút đỏ trên bài luận văn. Trước mắt Huyên, chiếc bình hoa bé tí ngời lên dưới ngọn đèn bàn. Mấy đóa hoa violette xinh xinh tựa trên những chiếc lá tròn tròn xanh thắm tỏa một mùi hương dịu dàng. Huyên thương loài hoa nhỏ có mùi thơm, sắc tím gợi cảm. Huyên lại cầm mảnh giấy, lại đọc mấy câu thơ. Đêm vắng. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ đang thả từng giọt thời gian vào giữa hư vô. Trên chiếc giường bên cạnh, đứa con gái ba tuổi đang ngủ ngon. Đôi mắt khép, nét mặt ngây thơ, bờ mi đen nổi bật trên nước da trắng ngần, con bé đẹp như cái bông bưởi. Mảnh giấy hồng được xếp ngay ngắn, bỏ lại vào bì thư, cất vào hộc.

Đã hơn mười hai giờ khuya mà xấp bài chấm vẫn chưa vơi. Huyên mỉm cười, với tay tắt ngọn đèn nhỏ, nhẹ nhàng nằm xuống bên con, xoay người, ôm sát con bé, trườn mình thấp xuống, làm sao cho hơi thở của nó thoảng vào hai cánh mũi của Huyên. Hơi thở đều và mùi thơm kỳ diệu măng sữa của con gái là niềm hạnh phúc tuyệt vời dìu Huyên vào giấc ngủ bình an.

. . .

- Cô à! Em phải làm sao" - Huyên khẩn khoản hỏi cô Quỳnh.

- Mình đã nghi điều này, nhưng không ngờ nó thành sự thật.

- Em có lỗi với chị Tâm Hoa, em phải làm sao hở cô"

- Huyên có lỗi gì đâu. Sao Huyên lại nghĩ thế. Cậu cũng biết Huyên đã có gia đình có con!

Một buổi chiều khác, ông lại đến. Chiếc xe đạp và người đàn ông ngồi đó. Huyên không mở cửa, cũng không xuất hiện. Sáng hôm sau, trên cột trụ trước cổng Huyên thấy có một vật gì là lạ. Một mảnh giấy dằn dưới viên đá. Bài thơ. Huyên đọc bài thơ rồi xếp lại, bỏ vào cái bì lần trước. Cũng chỗ ấy, một lần nữa, cái hoa hồng đỏ hàm tiếu nằm yên lặng lẽ, miếng giấy và viên đá. Anh Tập gởi Huyên. Những buổi chiều như thế. Huyên chuyển tất cả cho cô Quỳnh.

*

Huế cuối năm 1998, mưa lâm thâm, trời lạnh thấm thịt da.

 Sau gần chín năm xa quê hương, lần đầu tiên Huyên về thăm mẹ. Mới đó mà cảnh vật đã đổi thay quá nhiều. Bên kia đường, ngay ven hồ, chen chúc mấy cái quán nhậu liêu xiêu, mấy cây mít già cằn đứng im lìm mỏi mệt. Xa xa, trong mờ mờ hơi sương, chiếc cầu xi măng cũ kỹ bắc qua đảo Bồng Lai như ẩn như hiện. Hồ Tịnh Tâm trong mắt Huyên bây giờ nhỏ như chiếc ao. Tháng mười hai không lá không hoa, sen biệt vô âm tín. Trên mặt hồ lưa thưa mấy đám lục bình xen lẩn giữa những về rau muống còn sót lại cuối mùa.

Tất cả có mặt đúng giờ như đã hẹn và lên đường ngay. Huyên tháp tùng với nhóm anh Huy và các em học sinh cũ đi công tác từ thiện.

Khoảng gần mười giờ sáng thì mọi người đến nơi đầy đủ. Đây là trại tâm thần. Một trung tâm với các dãy nhà cũ mục, hoang tàn vừa như một ngôi cổ miếu, vừa như một trại tù. Nhóm người mới đến được hướng dẫn đi vào và tiến về cuối sân. Ngăn với phần trong của trại là một bức tường loang lổ, lối vào là một cái cổng đen khóa kỹ. Khi chiếc xe xích lô vừa đậu sát, đụng vào cánh cổng, từ trong xa, một tốp người vừa chạy ra vừa la ó. Cả đám vui mừng tranh nhau ùa đến nhận quà. Anh Huy, Huề và các em thanh niên nhanh tay phát từng gói quà cho từng người. Nào bánh mì, bánh chưng, nào bánh ú, nào xôi, nước ngọt. Họ ăn uống tại chỗ.

Nhóm thiện nguyện được hướng dẫn đi ngược về phía trái trung tâm, thẳng đến cuối sân bên kia. Cánh cửa mở. Cả nhóm đi vào. Người đàn ông nói xong đôi điều với đám người đang ngồi giữa sàn xi măng, liền giới thiệu:

- Đây là các chị em lớp Phục Hồi Nhân Phẩm.

Tiếng lao xao nổi lên rồi chìm nhanh. Họ nhìn Huyên tò mò. Huyên cũng nhìn họ, cố tìm trên từng nét mặt của họ có điều gì khác chăng. Cái điều nghiệt ngã ấy như một mẫu số chung, bộc lộ qua ánh mắt thảng thốt, dáng vẻ rã rời. Từng đôi tay run run, mừng rỡ, đón lấy món quà, rồi chắp lại cảm ơn.

Qua khu vực khác, vào phòng số hai.

- Chào anh Tập.

Ông giám thị lên tiếng. Người đàn ông đang nằm bỗng rời chiếc giường ván gỗ ngồi bật dậy. Nghe cái tên quen bất ngờ đúng lúc vừa đến ngay ngưỡng cửa, Huyên nhìn thật nhanh người đàn ông, rồi bước giật lùi, đứng khuất ngay sau anh Huy. Chưa tin hẳn vào trí nhớ mình, Huyên nhìn lách qua vai anh Huy để thấy rõ người đàn ông hơn. Một ông già ngây ngây cười cười, hướng thẳng đến nhóm người có vẻ như tỏ một lời chào, nhưng ánh mắt thì dừng đâu đó giữa khoảng không. Trời ơi, anh Tập" Anh Tập bị tâm thần" Huyên bàng hoàng nhân ra người đàn ông. Một ý tưởng bỗng dưng bật ra trong trí, đột ngột xoáy vào vùng cảm xúc. Huyện lạnh buốt người.

Anh Huy bước đến gần người đàn ông hơn, lên tiếng:

- Anh Tập có khoẻ không"

Ông gật. Anh Huy giới thiệu với cả nhóm:

- Đây là anh Tập. Anh bị bệnh nặng lâu năm, nay đã khá nhiều.

Anh Huy, vui vẻ cao giọng tiếp.

- Anh Tập là người có biệt tài làm thơ rất hay và vẽ rất giỏi.

Nhìn những bức vẽ chân dung treo rãi rác hai bên vách, Huyên xót xa, bối rối và bỗng muốn mình biến mất, chạy thoát ngay ra khỏi nơi này. Nhưng không còn kịp, anh Huy tiếp: 

- Hôm nay đến thăm anh, trong nhóm có một người khách ở xa về. Anh Tập có tài làm thơ, anh ngâm thơ hay, vậy anh có thể ngâm cho chúng tôi nghe một bài thơ được không"

Vẫn đứng khuất phía sau, Huyên theo dõi. Ông nhìn quanh, đôi mắt ngây dại, không trả lời. Huyên bất ngờ xen vào:

- Nghe anh Tập làm thơ hay lắm, có bài thơ nào thích, anh vui lòng đọc cho chúng tôi nghe một bài thì quý lắm.

Người đàn ông hướng cái nhìn về phía khung cửa nơi vừa phát ra giọng nói, ông cười cười, rồi tự nhiên trầm giọng đọc mấy câu thơ.

- Hay quá! Hay quá! - Mọi người vỗ tay.

Huyên mạnh dạn hỏi tiếp, nhưng vẫn tránh phải đối diện với ông.

- Anh Tập à! Có bao giờ anh làm thơ về đôi mắt một người nào không"

Lần nữa, nghe giọng nói ấm áp, âm sắc mềm mại, gợi cảm, ông cúi đầu chúm chím cười. Rồi ngẩng lên, bỗng đôi mắt chùng xuống, hướng về bức vẽ, ông đọc bài thơ: "Tìm người xưa cũ trong mắt em. Người xưa hay bóng dáng riêng minh.. ." Mấy câu thơ cũ bất giác được nhắc lại, từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, Huyên xúc động đến lặng người. Rồi không thể cầm lòng, Huyên bước đến trước mặt ông, nói:

- Anh Tập giỏi lắm, vậy anh còn nhớ bài thơ ấy anh làm cho ai không"

Đôi mắt ông già bất ngờ chạm phải khuôn mặt dịu dàng, tươi tắn, tia nhìn ngập ngừng, rồi dừng lại trên vẻ mặt đằm thắm, kiên nhẫn ấy. Ông lại cười chúm chím rồi xoay qua, lướt một vòng trên mấy bức vẽ. Bỗng ông quay lại chỉ vào Huyên, nói như  tiếng reo:

- Huyên! Huyên phải không"!

Tiếng reo hốt hoảng rồi tắt ngay. Huyên run người, hai bàn tay áp lên má lên môi để giữ bình tĩnh. Nuốt hết ray rứt vào lòng, Huyên nhìn người tâm thần, nói thật chậm, rõ ràng:

- Đúng rồi anh Tập. Tôi là Huyên, là bạn của anh và chị Tâm Hoa. Anh nhớ ra rồi, đã gần hai mươi năm anh vẫn còn nhớ, anh giỏi lắm.

Tiếng lao xao rối lên ngập cả gian phòng, nhiều câu hỏi dồn dập không được trả lời. Căn phòng trở lại yên lặng. Không biết phải làm gì hơn, Huyên lấy ra nắm tiền còn lại, trao cho anh. Nhìn vào đôi mắt người đàn ông, Huyên nói:

- Anh Tập à! Anh đã khoẻ nhiều rồi, xin mừng anh. Xin tặng anh thêm chút quà nầy, anh gắng tĩnh dưỡng. Còn tôi, tôi ở xa lắm, một ngày mai nữa thôi là tôi lại phải đi. Anh Tập hiểu rồi phải không"

Huyên vừa nói vừa cầm lấy bàn tay ông trong cả hai bàn tay mình. Đôi mắt người đàn ông dại đi. Ông cười mếu máo. Huyên thở dài, lòng như vò xé.

- Chúc anh chóng lành bệnh. Tôi phải đi, anh Tập à. Thôi chào anh nghe.

Huyên nghiêng mình nói thật gần bên anh, rồi từ giã. Đến ngưỡng cửa, Huyên quay lại nhìn người tâm thần một lần nữa, rồi dứt khoát bước nhanh như chạy cùng với nhóm người ra khỏi phòng. Bỗng, một tiếng thét bất ngờ, giật bắn:

- Huyên!

Mọi người quay đầu lại, ông đứng đó, thẳng đơ như Từ Hải, mắt sững sờ trân trân nhìn vào bức tranh thiếu phụ treo trên vách. Người giám thị ra dấu cho tất cả đi ra, đã hết giờ thăm, ông đóng cửa. Huyên loạng quoạng tiếp tục bước theo mọi người đi về hướng cổng.

. . .

Ngày cuối cùng còn ở lại Huế, Huyên hẹn với chị. Chị vẫn thanh tao, dịu dàng đến mong manh. Hai chị em ngồi xuống. Chị im lặng, giữ tay Huyên trong tay chị, bàn tay chị vẫn gầy lạnh như năm xưa.

- Chị Tâm Hoa. Hôm qua em theo nhóm thiện nguyện anh Huy đi thăm trại tâm thần An Hoà, không ngờ em gặp lại anh Tập.

Chị thản nhiên hỏi:

- Huyên thấy anh ra sao"

- Anh khoẻ, có lúc tỉnh táo, có lúc không.

- Ừ, từ khi bệnh trở nặng họ đưa anh vào trại tâm thần. Chị Quỳnh ở Mỹ gởi tiền về nhờ mình thăm nuôi anh hằng tháng, đến nay đã bảy năm rồi, anh vẫn lúc tỉnh lúc không.

Chị cười. Nụ cười hiền hậu thoáng chút hạnh phúc trên nét mặt đã quá khắc khổ. Huyên thương chị quá. Rồi chị em chia tay. Huyên trở về Mỹ.

Những năm sau, Huyên nghe chị vẫn thăm nuôi anh đều đặn, cho đến lúc biến cố xảy ra.

Năm 2002, chị bị tai biến mạch máu não. Vết nứt lớn, máu chảy lan ra quá nhiều gây tổn hại phần não thuộc trung khu bên phải. Chị không nói được. Nửa thân bên trái không cử động được. Tay và chân trái chị hoàn toàn mất cảm giác. Phải mổ. Không nhiều hy vọng.

Một điều kỳ lạ là anh Tập đã tỉnh táo và trở về với cuộc sống bình thường từ biến cố cuối đời chị.

Hai tuần sau cùng anh thường trực bên giường bệnh người bạn thân thiết nhất của đời anh. Tối hôm ấy, trong căn phòng yên tĩnh, anh ngồi lặng lẽ đăm đăm nhìn vào đôi mắt nhắm nghiền của chị. Ai cũng biết thời gian đã cạn kiệt, nên mỗi người lần lượt rút lui, dành cho anh chị khoảnh khắc thiêng liêng cuối đời. Lâu lâu, anh dùng ngón tay dịu dàng hứng giọt nước mắt rỉ ra từ hai cái hố sâu thăm thẳm ấy. Bàn tay trái im lìm nằm trong xâu chuỗi bồ đề. Bàn tay phải chị ấm áp chuyện trò trong bàn tay anh. Chị biết. Thỉnh thoảng chị mỉm cười, rất yếu. Nụ cười nhạt nhoà hiếm hoi ấy nghiêng hẳn về phía trái tim, nơi chị đã ôm ấp niềm hy vọng, nỗi chờ mong suốt một đời, bây giờ chỉ còn thoi thóp trong vài sát na. Anh cúi xuống thật gần, thì thầm bên tai chị lâu lắm. Một dòng nước mắt chảy ra, trong, rồi đục. Anh cúi sát hơn để nghe, hơi thở chị ngắt từng quãng, từng quãng. Môi chị khép. Chị đi.

Mộ chị nằm trong khuôn viên chùa Vạn Phước, một ngôi chùa nhỏ xinh xắn nằm sâu phía trong, trên con đường lên dốc đến chùa Từ Đàm. Cũng từ đó anh Tập ở lại chùa Vạn Phước, chuyên tâm đọc sách, nghiên cứu.

*

Cầm món quà bất ngờ trên tay, Huyên bàng hoàng. Một tập thơ đạo gởi đến từ nửa vòng trái đất có cái tên hư huyễn làm thắt trái tim Huyên. "Tâm Hoa". Bìa trước của tập thơ là một bức tranh thiền. Trong bức tranh, xa xa, thấp thoáng đôi nhạn đang chao nghiêng giữa lưng trời sương ảo. Bên trong tập thơ, ngay trang thứ nhất, bốn câu thơ được viết theo lối thi hoạ độc đáo, đẹp đẽ và nghiêm cung đến lặng người.

"Con nay thắp nén hương lòng

Dâng ba ngôi báu vô cùng thiết tha

Chắp tay kính lạy Phật Đà

Từ lời trần thế Tâm Hoa cúng duờng"

Tận đáy trang, mấy chữ viết tay nắn nót của tác giả: "Tặng Huyên. Anh Tập. Huế 2005".

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,992,345
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến