Hôm nay,  

Tôi Và Nước Mỹ Xa Vời

01/10/200700:00:00(Xem: 135883)

Bài số 2110-1973-678vb2011007

*

Bài viết sau đây được gửi tới từ trong nước Việt Nam. Tác giả là một giáo viên dân Kinh 5, Rạch Giá, Kiên Giang, tự mô tả mình, nguyên văn như sau:

“Thày giáo trường làng, cuộc sống hiện nay y chang câu thơ xưa của Cao Bá Quát:

Một thày một cô một chó cái

Học trò dăm đứa nửa người nửa ngơm nửa đười uơi!

Kính chúc nhà giáo Kinh 5 an vui và... góp thêm bài mới.

*

Tôi đã chịu bất hạnh rất sớm, cha tôi không qua được cơn bạo bệnh nên qua đời khi tôi chưa đầy thôi nôi. Không có được kỷ niệm gì về cha mình, tôi chỉ biết qua lời kể của những người thân và tình cờ đôi dịp được gặp một số người đã từng quen biết ông, qua đó tôi hình dung lại tính cách của cha: -Hiền lành, biết ứng xử, nhiều bạn bè, thương yêu tận tuỵ với gia đình, có lúc làm tài công tàu khách nên biết sửa máy móc cũng khá, đàn giỏi và hát cũng hay.. .

Vì sinh kế trong cảnh mẹ goá con côi nên năm tôi được ba tuổi, má đưa tôi về gởi ở nhà ngoại, một xóm nhỏ sống bằng nghề làm nón lá bên bờ sông Hậu, một gạch nối quan trọng trong cuộc đời tôi.

Trước khi tôi về ở với ngoại thì ở đó đã có hai chị con của người anh của má tôi, đang cùng sống do cha mẹ ly dị -đối với bà ngoại tôi, các chị là cháu nội- hai chị người thì hơn tôi tám tuổi, và người hơn tôi sáu tuổi. Lúc ấy nhà ngoại còn cậu Út nữa nhưng ít khi về nhà, vì cậu làm công nhân ở nhà in Văn Khiêm ở Long xuyên. Cậu Út rất thương tôi, mỗi khi cậu về hai cậu cháu đùa giỡn với nhau suốt buổi không biết chán. Cậu hay xếp cái mền xám lại thành con chuột chù khổng lồ làm tôi vừa sợ vừa tức cười. Tôi được mọi người xung quanh thương yêu nhiều, dường như muốn phần nào bù đắp lại sự bất hạnh của tôi.

Nhờ cậu, lần đầu tiên trong đời tôi được đến Long Xuyên vào rạp xem phim với các chị, nhưng nửa chừng thấy chán phèo cứ đòi về, các chị phải dỗ dành, rồi tôi lại ngủ thiếp đi, lúc ấy tôi đâu có biết nghệ thuật là gì" Sau nầy mỗi lần đi ngang qua rạp, tôi đều ngước nhìn nó một cái để nhớ lại kỷ niệm của mình với điện ảnh, đó là rạp Thanh Liêm.

Có lẽ do cậu tôi làm ở nhà in, nên hai bên vách của căn nhà sàn của ngoại tôi dán đầy tranh ảnh, mỗi khi cậu về thì có thêm hình ảnh mới và các bạn của cậu rủ nhau đến xem, mọi người chỉ chỏ hình ảnh và trao đổi câu chuyện có vẻ rất tâm đắc, tôi cố lắng nghe để mong được sự đồng cảm nhưng không tài nào hiểu nổi. Sau nầy nghĩ lại tôi thấy dường như đó là những tấm áp-phích quảng cáo phim.

Những năm về sống bên ngoại đã để lại trong tôi những kỷ niệm không bao giờ phai mờ, sau nầy khi má tôi đi bước nữa thì tôi mới được về Kinh Năm sống cùng với má và cha dượng luôn.

Năm đó ở nhà ngoại, không biết ai đưa về một tập truyện tranh màu sắc rất lạ, hình vẽ bên trong làm tôi rất sợ khi nhìn vào, vì người gì mà mắt trong veo và xanh ngắt, môi thì đỏ, có người râu và tóc quyện lấy nhau (râu quai nón), tôi còn sợ hơn nữa là vì liên tưởng đến chuyên ma quỉ mắt xanh, miệng đỏ, lưỡi dài, mũi nhọn, mà các chị đã kể cho nghe trước đó.. Sợ nhất là hình vẽ mấy người ngồi quanh ngọn đèn phía sau có mấy bóng đen to tướng, tôi tưởng tượng là ma. Vì tôi chưa đựơc đi học nên các chị đọc và cố giải thích, để tôi hiểu đó là câu chuyện về gia đình của một vị tổng thống của nước Mỹ, vì họ là người gốc châu Âu nên khác người châu Á của mình, phải đợi các chị giải thích Tổng thống như là Vua thì tôi mới biết đôi chút, và phải rất lâu sau khi quyển truyện đã nhầu nát tôi mới quen, hết sợ và lần dở hết các trang thấy những cảnh rất lạ, với đoàn xe mui tròn to do ngựa kéo chạy trên đồng cỏ xanh rì, người nữ thì đội chiếc nón có mái che ra trước trán, người nam thì đội nón rộng vành, cuối cùng là hình vẽ một người râu quai nón, ăn mặc tươm tất đầu đội nón nỉ vuông chóp, tay xách cặp, dáng dong dỏng cao. Khi hồi tưởng chấp vá những hình ảnh, tôi nhớ so sánh với những gì tôi đọc và hiểu sau nầy có lẽ quyển truyện tranh đó nói về gia đình Lincoln, nơi sinh ra một vị Tổng thống tài năng của nước Mỹ.

Như vậy trước khi biết đọc, biết viết và hiểu lịch sử nước nhà, tôi đã biết ở nơi nào đó, có một xứ sở người ta gọi là nước Mỹ và hình ảnh một nhân vật lịch sử quan trọng của nước họ. Qua đó tôi thấy rằng các chương trình thông tin quảng bá của nước Mỹ ra thế giới rất hiệu quả, ngay cả ở Việt Nam khi gọi quốc hiệu nước Mỹ có tính cách nghiêm túc hơn là Hoa Kỳ (cờ hoa) có lẽ danh từ nầy cũng có nguồn gốc xuất phát từ đại chúng, vì nếu được đặt bởi các nhà thức giả, có thể nó sẽ là Tinh Kỳ (cờ sao) vì nhìn qua lá quốc kỳ Mỹ ta chỉ thấy toàn sao chớ có bông hoa nào đâu (")

Trường hợp cái tên nước Mỹ cũng phải qua quá trình tìm hiểu mới rõ, do trước đây nước ta còn chịu nhiều ảnh hưởng của Hán học, địa danh hay tên nước gốc tiếng Latin (tượng âm) trước khi sử dụng trong tiếng Việt hiện đại đều lấy từ chữ Hán (vốn tượng hình) nên rất xa với nguyên gốc như: Angleterre = Anh-cát-lợi (rút gọn là Anh). Australia = Úc-đại-lợi (Úc), Italia = Ý-đại-lợi (Ý), Yougolavia = Nam-tư-lạp-phu (Nam- tư), Suisse = Thuỵ-sĩ&... nếu tôi nhớ không lầm có tài liệu các cụ còn gọi nước Đức là Nhật-nhĩ-man (Germanie hay là Allemagne) nếu theo cách gọi rút gọn của ta dành cho các nước Anh, Úc, Ý thì tên nước Đức sẽ là Nhật (ha ha) có lẽ do "đụng hàng" vì có nước Nhật thứ thiệt ở Đông Á nên các cụ ta mới chuyển qua là Đức (Deutch) theo một cách gọi khác. Rồi Gia-nã-đại (Canada), Á-căn- đình (Argentina), Tân-gia ba (Singapor), Nga la Tư (Russia) chỉ hiểu là tên chứ không thể dịch nghĩa đen như: Thổ-nhĩ-kỳ (Turquie) là nước lá cờ có hình "lỗ tai đất"!.

Theo đó có người cho rằng người Việt chúng ta lấy chữ mỹ làm tên gọi cho nước Mỹ xuất phát từ chữ A-mỹ-lị-gia lấy của tiếng Hán và chính nó đã đọc trại ra từ chữ America. Cũng như những trường hợp trên, ta rút lại còn một chữ Mỹ cho gọn và thấy cũng hay vì theo từ Hán-Việt, chữ mỹ còn có nghĩa là tốt đẹp, mà hàng hoá, thuốc men, máy móc ... của Mỹ cũng tốt thật!

Từ sau năm 1975 có một điều mà tôi chưa rõ, là tên hai nước Argentina và Mexico sách vở trong nhà trường hay báo chí ở nước ta đều gọi là Ác-hen-ti-na và Mê-hi-cô, chữ gen thành hen, chữ xi thành hi tôi thấy mình gọi nghe ngòng ngọng, có lẽ cách gọi nầy chịu ảnh hưởng nền văn hoá Tây Ban Nha. Tình cờ lạc lối đến đây tôi không dám lạm bàn thêm vì thấy mình lộn sân sang học thuật mà lĩnh vực nầy không khéo thì dễ bị sụp hố lắm, sau khi viết xong đoạn nầy tôi cũng cố chờ phối kiểm tìm tài liệu để đối chứng với mức độ hiểu của mình cho chắc ăn nhưng chưa tìm được, nếu có gì chưa đúng kính mong mọi ngưới rộng lòng lượng thứ.

Người Mỹ đầu tiên mà tôi nhìn thấy, thú thực là bây giờ tôi không còn nhớ rõ mặt mũi ra sao, vì hồi đó tôi còn nhỏ lắm, theo má về thăm ngoại trên đoạn đường từ Lộ Tẻ đến Long Xuyên, qua khung cửa xe tôi được thấy Công binh Mỹ đang làm đường với những máy móc chuyên dụng hết sức tối tân, giữa trưa nắng chang chang, có người cầm lon nước uống ngon lành, có người cởi trần mặt đỏ gay. Khi bọn nhỏ chúng tôi trong xóm tụ tập lại chơi, chúng tôi khoe với nhau đã từng gặp người Mỹ chỗ nầy hay chỗ khác, thậm chí có đứa còn khoe đã từng gặp chú Mỹ bự chần dần, ra cầu ngoài bờ sông "ị" vì họ da trắng nên cái thứ họ "ị" ra cũng trắng nốt.

Chỉ có trời mới biết nó nói dóc hay nói thật và bọn trẻ nông thôn quê mùa như chúng tôi, rất hiếm khi có dịp được đi đâu đó nên ít khi thấy được người nước ngoài.

Từ những năm 1968 trở đi thì hình ảnh người Mỹ không còn gợi tính hiếu kỳ của bọn trẻ chúng tôi nữa, vì họ có mặt thường xuyên hơn trong xe chạy trên đường, tàu chiến dưới sông, có lúc họ còn ném lên bờ cho chúng tôi mấy hộp thịt hay hộp trái cây, họ có mặt cả trong các cuộc hành quân của quân đội VNCH.

Tôi may mắn hơn các bạn trong xóm một chút, là biết đọc biết viết khá sớm, mỗi lần về thăm ngoại tôi ôm về rất nhiều sách báo của cậu Út tha hồ mà đọc (lúc nầy cậu đã đi quân dịch và hoàn tất khoá học ở quân trường Quang Trung) các báo Thế giới Tự do, Chiến sĩ Cộng hoà và nhất là Hương quê, tôi đã được đọc số đầu tiên của báo nầy khổ to giấy trắng, trong đó tôi thích bài nói về săn heo rừng ở U-minh và bài sưu tầm ca dao về tình yêu đôi lứa, tôi còn nhớ mấy câu như:

- "Rừng hoang sóc nhảy tưng bừng, hoa chưa nở nhuỵ bướm đừng có lao xao" hay "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng, thuyền quyên nỡ phụ anh hùng sao em."&

Sau nầy báo Hương quê thu khổ gọn hơn và in bằng giấy thường, tôi rất thích mỗi số một truyện ngắn với nhiều bài của hai tác giả Sơn Nam và Bình nguyên Lộc, rất gần gũi với tập quán của người dân như bài Cúng Kỳ Yên (cúng đình thần làng) theo lệ lễ vật là con heo làm thịt sạch sẽ, nhưng không được thiếu bộ lòng, lần ấy do sơ suất cái bao tử bị chó tha, vì bị đuổi gấp nên nó đã nuốt vội, phải giết chó lấy bao tử heo ra, nếu không thì phải thường một con heo khác.

Qua báo Chiến sĩ Cộng hoà, tôi tuy còn rất nhỏ nhưng cũng biết thế nào là thăng trầm của thế sự.

Số báo đầu năm 1963, tôi còn thấy hình T.T. Ngô Đình Diệm có lời chúc Tết đồng bào và chiến sĩ, nhưng cuối năm thì có cuộc cách mạng mà danh sách bằng hình của Hội đồng Quân nhân Cách mạng do tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch với bức ảnh to đứng đầu, ông Thiệu đứng gần áp chót, còn đang ở cấp tá.

Hầu hết sự hiểu biết của tôi về nước Mỹ và các nước khác trên thế giới lúc nầy chỉ dựa vào báo Thế giới Tự do, cơ quan thông tin Hoa Kỳ ấn hành. Năm sáu lăm cậu tôi tử trận ở cấp bậc Trung sĩ hay Thượng sĩ gì đó, cậu mất đi trong lúc vẫn còn độc thân, một tổn thất lớn đối với tôi về nhiều mặt. Không còn nguồn sách báo của cậu, tôi tìm nguồn khác nhưng không được dồi dào như trước và có thêm tạp chí Tiền phong (của quân đội, hình như biên tập do ông đại tá Cao Tiêu), tạp chí Trẻ, tôi còn nhớ những bài hay như là Thương Thuyền Nguyên tử Savanah, hoặc chuyện của nữ sĩ Quỳnh Dao (lúc ấy mới có vài tác phẩm, bà đang ở tuổi hai mươi chín và đã một lần ly dị).

Ngoại đã cho tôi chọn một số di sản nho nhỏ của cậu Út để làm kỷ niệm, tôi không lấy gì chỉ lấy sách, trong đó có bộ sách cậu đã học ở quân trường Quang Trung như: -Cơ bản thao diễn, Tài liệu quân kỷ, Công binh, Truyền tin, Địa hình học, và tôi quan tâm nhất là quyển Vũ khí tác xạ vì lần đầu tôi biết một danh từ lạ đó là chiến tranh Hoá-Vi-Xạ (hoá học-vi trùng- phóng xạ), tôi đã đọc nghấu nghiến tất cả cái gì hiểu được thì hiểu chưa hiểu thì để đó. Rất tiếc là sau năm bảy lăm qua nhiều cuộc "tàn sát" sách, tôi sợ và đốt đi hết chỉ lén chừa lại hai quyển để giữ kỷ niệm của cậu là: Từ điển quân sự Mỹ-Pháp-Việt (của bộ tổng tham mưu VNCH), Cổ kim Binh pháp Yếu tố (của Phan quí Bình) và một số sách khác mà tôi rất quí như bộ Việt nam Sử lược của Trần trọng Kim,&

Cầu nối của tôi với nước Mỹ còn là văn học nữa, nhiều tác phẩm đã gây trong tôi nhiều ấn tượng: -Jack London với Kẻ Vô Thần, nhân vật trong tác phẩm luôn hy sinh vì người khác nhưng không có định hướng cho mình, O.Henry với Món quà Giáng sinh (có nơi dịch Món quà của các Đạo sĩ) hay Chiếc lá cuối cùng, Trống vắng,&tôi thích những tác phẩm của O.Henry vì nó thấm đượm tình người, nhẹ nhàng và cốt truyện luôn có hậu, tương phản với Hemingway mạnh mẽ và cứng cỏi,&Thời học sinh tôi rất thích những bài Text trong bộ English for today, có lẽ nó được chọn lọc và trích ra từ những bài văn bài báo hay, nên đọc qua thấy khá thú vị, do là sinh ngữ phụ chỉ học đến cuốn hai nhưng tôi đã tìm đọc bản dịch đến cuốn sáu và thích nhất bài khá vui tựa là Tâm hồn Odypus (có lẽ lấy tên theo thần thoại Hy lạp) Một thằng bé ganh tỵ tình cảm của bố với mẹ, sau khi có em bé nó mới tìm dược sự đồng cảm với bố.

Bản tính tôi không mấy quan tâm về chính trị, nhưng tôi rất hâm mộ ông Washington, sau khi giành được độc lập, dân Mỹ sẵn sàng trao cho ông chiếc ngai vàng, nhưng không, ông đã chọn cho nước Mỹ chế độ Cộng hòa. Khởi thuỷ, ông đã đặt móng cho nền dân chủ của nước Mỹ hiên đại và không ngừng phát triển, là hình mẫu cho cho nền dân chủ của thế giới tham khảo, nhưng rất tiếc hình mẫu nầy không phải ở đâu cũng thành công mỹ mãn, khi mà trên thế giới còn quá nhiều cách biệt, có nước quốc quyền đi đôi hoặc bị chi phối bởi thần quyền, giáo quyền và nhiều yếu tố riêng và khu vực nữa và đặc biệt là nơi nào ý thức và dân trí chưa cao, thì tính chất và hình thức dân chủ dễ bị lợi dụng như một trò chơi chính trị, nhất là những nơi người dân chưa tin tưởng và tuân thủ hệ thống pháp luật, kể cả các quốc gia non trẻ có thời gian lập quốc tương đương với nước Mỹ.

Không biết sao viết đến đây tôi nhớ lại chuyện cũ, năm xưa trên báo Chiến sĩ Cộng hoà có bài viết với cái tựa là lạ: "Cóp-phi, Ty, O, Miêu" tác giả nầy kể chuyện được đi Mỹ, có người bà con mách lẻo:

-Ở Mỹ người ta thường xuyên uống sữa, nên khoẻ mạnh và béo tốt, chú mầy còm nhom khi qua bển cố gắng uống cho thiệt nhiều nghen!

Vậy là sau khi lên máy bay, cô tiếp viên hàng không đến hỏi:

- Coffee, tea or milk!

Nhìn bộ ngực đong đưa, anh ta cứ lắp bắp:

-Milk, milk!

...và để rồi chừng 15 phút sau, anh bị Tào Tháo rượt chạy có cờ.

Khi viết bài dí dỏm nầy có lẽ tác giả còn khá trẻ, bây giờ nếu còn sống chắc ống ấy cũng già lụ khụ lắm rồi.

Qua quá trình phát triển, nước Mỹ đã sản sinh nhiều nhân tài, kể cả thiên tài góp phần rất lớn cho tiến bộ của nước Mỹ và thế giới trong các lĩnh vực khoa học (hãy nhìn vào danh sách các nhà khoa học đoạt các giải thưởng quốc tế) không chỉ có thế, theo tôi nghĩ sự tiến bộ của nước Mỹ còn chính là sự tạo được ý thức cộng đồng xã hội thượng tôn pháp luật.

Ngày xưa ban đầu tôi chỉ biết người Mỹ da trắng cao to mũi lõ, mắt xanh tóc nâu hay vàng, đôi khi gặp da đen tóc xoăn, lớn lên đọc sách được biết nước họ còn có dân da đỏ, không những thế bây giờ còn có cả da vàng mũi tẹt nữa, chắc chắn như thế, vì ở đó nhạc mẫu cùng một số anh em và họ hàng bên nhà vợ của tôi đang sinh sống. Mới đây tôi còn nghe nói bên ấy ngưòi ta đang truy tìm có thưởng người "da xanh", cầu trời cho tôi đừng phải gặp họ vì tôi đã thấy các hoạ sĩ vẽ cảnh họ làm việc ở Hoả ngục lâu rồi, mấy năm trước có lẽ do "xổng chuồng" nên lên trần gian cấu kết cùng với thần chết, họ đã cướp đi mạng sống của mấy ngàn người ở toà nhà Thương mại Thế giới, thật thương cảm và khủng khiếp.

Nước Mỹ! Từ nhỏ đến lớn vẫn chỉ là hình ảnh xa vời, mà tôi - một người tầm thường sống ở dải đất cuối cùng của nước Việt- thỉnh thoảng mơ về nó một chút thôi cho vui cuộc đời.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,012,124
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến