Hôm nay,  

Người Con Gái Đà Nẵng

17/05/200700:00:00(Xem: 128544)

Tác giả Giao Chỉ - San Jose

Bài không dự thi. VB5170507

*

Tác giả Giao Chỉ là bút hiệu của cựu đại tá VNCH Vũ Văn Lộc, từng là Giám Khảo Giải Thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm 2001. Từ 1975, sau khi Saigon xụp đổ, ông là nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động nổi tiếng trong lãnh vực dân sinh xã hội tại California. Việt Báo trân trọng cám ơn ông gửi cho bài viết mới mà ông gọi là “Một Câu Chuyện Dân Sinh, nhân ngày lễ Mẹ 2007”, như một chia sẻ với bạn đọc và các tác giả Viết Về Nước Mỹ.

*

Chiều thứ Ba tuần qua, đài PBS đã chiếu một phim tài liệu kết hợp với chuyện kể có tên là Người Con Gái Đà Nẵng.  Phim nói tiếng Mỹ.

Phim bắt đầu bằng các tài liệu liên quan đến những chuyến bay di tản trẻ em mồ côi và cả trẻ em có cha mẹ, được gửi đi Hoa Kỳ làm con nuôi vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975.

Một trong các em bé năm 75 nay đã hơn 30 tuổi, lai Mỹ, tình cờ tìm được tin tức bà mẹ và gia đình hiện ở Đà Nẵng.  Sợi dây tình nghĩa mong manh được nối lại.

Lẫn với các phim tài liệu, đạo diễn đã dựng lên một câu chuyện kể lại tâm sự bà mẹ ở Việt Nam và cô con gái lai tại Hoa Kỳ.  Cô bé hoàn toàn không biết tiếng Việt, không còn nhân dáng Việt, không biết tin tức về người cha là lính Mỹ một thời ở miền Trung.  Cô kết hôn với một sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ đã có hai con.  Bà mẹ Việt Nam ở Đà Nẵng ngày nay kết hợp lại với người chồng Việt Nam cũ, có nhiều con trai và gái.  Đó là anh chị em với cô gái lai đã được gửi đi làm con nuôi tại Hoa Kỳ.  Tất cả đều là các nhân vật thật, đóng lại cuộc đời của họ.

Cả nhà chờ đợi ngày về thăm quê của người con gái Đà Nẵng.  Từ hai đầu câu chuyện, nói tiếng Anh, có nhiều đoạn bằng Việt ngữ được phụ đề Anh ngữ, việc gặp gỡ tại Việt Nam được thực hiện.  Đó là chuyến trở về quê hương lần đầu và rất có thể là lần duy nhất.

Hình ảnh gia đình Việt Nam ở Đà Nẵng là hình ảnh rất thông thường như đa số người Việt hiện nay đã biết.  Đại gia đình nhiều anh em, bần hàn nhưng không quá nghèo đói.

Hoàn cảnh gia đình cô gái lai tại Hoa Kỳ cũng thuộc giới trung lưu, không giàu có gì.  Tuy nhiên rõ ràng là hai nếp sống khác biệt.  Cô gái lai trở về tuy đã có chuẩn bị học nói những lời thương yêu bằng Việt ngữ: "Con yêu mẹ. Con xin chào mẹ v.v...  Những rõ ràng là cô đang ở tâm trạng tò mò và không hề được hướng dẫn tâm tư cho việc đoàn tụ. Đó có thể là diễn tiến tự nhiên, hoặc là đạo diễn muốn câu chuyện cứ xẩy ra như vậy.

Sau buổi gặp gỡ cảm động tại phi trường, tiếp đến những ngày sống bên nhau tuy ngắn ngủi nhưng rất nhiều gượng gạo.  Cô gái không thích ứng được cuộc sống thiếu tiện nghi tối thiểu.  Không khí nóng nực, những buổi đi chợ quê mùi thịt cá hôi tanh, trong khi bà mẹ muốn khoe con gái ở Mỹ mới về, nên cứ la cà đây đó.  Người con gái Đà Nẵng chỉ muốn ra khỏi ngôi chợ xa lạ.

Trong câu chuyện kể lại, các anh chị nói về những ngày thơ ấu, vất vả nuôi cô em lai, rồi lo cho bà  mẹ mà cô gái đã bỏ lại.  Đã có những lời lẽ kể công và những đòi hỏi ràng buộc trách nhiệm mà cô gái lai ngày nay, đã hoàn toàn trở thành một phụ nữ Mỹ vô tư, không thể cảm nhận được.

Buổi họp mặt gia đình lần cuối trước khi chia tay đã đưa câu chuyện lúc mở đầu trùng phùng cảm động sau 30 năm xa cách, nay trở thành một bi kịch.

Các anh chị em, qua thông dịch viên, đã đặt thẳng vấn đề yêu cầu cô em lai đưa mẹ qua Mỹ để lo cho bà có cuộc sống đã từ lâu mong đợi.  Và trong hiện tại thì cô em cần cho biết là mỗi tháng giúp cho gia đình được bao nhiêu.  Xin nói cho cả nhà được rõ.

Và người con gái Đà Nẵng không thể hứa hẹn, không thể tài trợ được, nên đã gần như khóc lóc và bỏ chạy.

Rồi chuyến trở về Hoa Kỳ được tiễn đưa gượng gạo.  Hình ảnh đưa người con gái lai về Mỹ khác xa cảnh những đứa trẻ ngày xưa lên xe Bus qua Hoa Kỳ.  Đạo diễn tiếp tục cho hai đầu câu chuyện nối tiếp.  Người con gái Đà Nẵng trở về Mỹ, thất vọng với quá khứ và cũng không thể chia sẻ với chồng con.  Trong khi đó tại Việt Nam, anh em than thở vì cho là ngôn ngữ bất đồng.  Bà mẹ Đà Nẵng vẫn tiếp tục khóc.  Và câu chuyện ngưng lại ở đó.  Khán giả sẽ tự tìm ra câu trả lời.

Vâng, khán giả sẽ tìm ra ngay.  Câu chuyện đưa đến kết luận là đám bà con nghèo khổ ở Việt Nam chỉ nhìn thấy người ở Mỹ là một cái kho bạc.  Họ chỉ nã tiền.  Tất cả lời nói tình cảm thương yêu đều là đầu môi chót lưỡi.  Đó không phải là thương yêu thực.  Chuyện phim đã đưa ra một thông điệp như thế.

Đạo diễn của phim truyện "Người Con Gái Đà Nẵng" cũng đã có cùng một cảm nhận và đã dựng nên câu chuyện theo chiều hướng này để bảo vệ cho luận án.  Đó là một đề tài hấp dẫn.  Và cuốn phim đã được khen ngợi.  Nhưng vì đây là phim tài liệu nên chúng ta có thể thắc mắc.  Thực sự gia đình cô gái lai này đã có trắng trợn đòi hỏi như vậy hay không.  Cô gái có vì vậy mà chán nản cho tình nghĩa gia đình mẹ con anh em ở Việt Nam hay không"  Chúng ta không biết.

Duy có điều đáng lưu ý là phần kết luận của cuốn phim.  Phần thông điệp chính của cuốn phim có thể làm cho chúng ta bất bình và đau đớn.  Phải chăng đây là cuộc sống thực sự của các gia đình Việt Nam tan tác trong chiến tranh và đoàn tụ trong hòa bình.

Chúng ta cần có sự thảo luận.

Hơn 30 năm qua, tất cả chúng ta đều đã có kinh nghiệm của bản thân, của bà con, bè bạn về cái chuyện kẻ ở người đi .  Gửi tiền về Việt Nam cho bà con.  Đem tiền về Việt Nam làm quà.  Đó là chuyện đời thường của dân tỵ nạn. Việc bảo lãnh anh em, vợ chồng, cha mẹ, con cái, bạn bè qua Mỹ.  Tại sao lại bảo lãnh"  Tại sao lại không"  Thậm chí vấn nạn được đem cả vào văn nghệ:  "Anh đã lầm đưa em sang đây..."  Và có thực sự là những bà con, bạn bè, anh em, cha mẹ của chúng ta nghèo khổ ở Việt Nam không có tình nghĩa gì cả, chỉ biết xoay xở tìm mọi cách xin tiền"

Trên thực tế thư từ xin tiền, trực tiếp, gián tiếp, xa gần với ngàn vạn lý do:  "Cần bung ra làm ăn, cần đóng tiền học, cần mua máy khâu, cần đi mổ ruột."  Tất cả đều thường tình.  Người ở nhà cầu cứu người đi trước.  Đến lượt người ở nhà ra đi lại nhận thư xin tiền của người còn lại.  Bao nhiêu giận dữ tranh cãi đã xảy ra.  Chúng ta chẳng xa lạ gì.

Nhưng đó chỉ là bề mặt.  Tình cảm sâu xa nếu có, vẫn luôn luôn tiềm ẩn.  Đó là kinh nghiệm mà trải qua 30 năm trong ngành xã hội dân sinh chúng tôi đã ghi nhận được. 

Sau đây là các điểm căn bản đưa ra để quý vị cùng suy nghĩ:

- Cô gái Đà Nẵng nói rằng chuyện đưa bà mẹ qua Mỹ là chuyện không thể thực hiện được.  Điều đó có thể đúng, bởi vì ở thị trấn hẻo lánh nơi cô ở toàn người Mỹ trắng, đưa bà mẹ quê mùa Đà Nẵng qua đó làm gì"

Chỉ cần một cô gái Hậu Giang ở San Jose với 200 đồng US cho hồ sơ dịch vụ là đưa bà mẹ Hà Tiên qua Mỹ dễ dàng.  Dù rằng cô mới nhập tịch và còn đang học ESL.

Còn chuyện gửi tiền về giúp bà con ở Việt Nam.  Mỗi năm bây giờ người Việt gửi về ba tỷ Mỹ kim.  Đó không phải là tình mẫu tử, tình anh em ruột thịt, tình vợ chồng thì chúng ta phải gọi là cái gì"  Tại sao người ta làm được mà mình lại không làm được.

Một bà cụ cao niên ở đường Bascom đã nói với các con rằng:  "Mẹ không muốn các con thương mẹ mà để trong lòng.  Mẹ cũng không muốn các con thương mẹ rồi chỉ nói ra lời như người Mỹ.  Các con thương mẹ thì mỗi tháng đưa tao hai trăm.  Đứa nào thương nhiều hơn thì tùy ý.  Tao góp tiền dành dụm gửi cho hai đứa ở nhà."  Bà cụ nói tiếp:  "Tôi làm thế là để anh chị em nó phải đùm bọc lẫn nhau.  Tình nghĩa nói mồm,  thì ăn thua gì.  Chính phủ có nói gì thương yêu ruột thịt mà mỗi tháng còn phát cho tám trăm." Tao không cần hoa trắng hoa đỏ cho ngày của Mẹ. Cứ đưa tao tiền mặt.

Và thước đo tình nghĩa tỷ lệ thuận với việc gửi quà, gửi tiền và mở hồ sơ đoàn tụ.

Chẳng cần làm thống kê, chúng ta cũng biết giới bình dân gửi quà, gửi tiền và mở hồ sơ đoàn tụ mạnh hơn giới trí thức.  Càng học giỏi, càng tài cao, càng đắn đo.  Thiếu gì ông giáo sư nghe vợ nói gần xa đành phải im lặng giữ chữ hiếu ở trong lòng.  Để bà mẹ già chờ mong trong nhà dưỡng lão Thị Nghè.  Trong khi đó anh chồng thợ sơn, để nhẹ cô vợ lèo nhèo hai cái bạt tai, rồi đi gửi cho ông bố ở Hóc Môn dứt khoát năm trăm để ông cụ chạy giấy xuất cảnh.

Đợt di tản 75, tuy cũng có sự cố gắng nhưng nói chung hoạt động tình nghĩa hướng về quê nhà rất yếu.

Phải đến khi cánh thuyền nhân ra đi mới có sứ mạng rõ ràng.  "Con ra đi một là con nuôi má, hai là con nuôi cá."  Và biết bao phen, vượt biên bị bể năm lần bảy lượt đi tù thì lại nhờ má nuôi con.

Bao nhiêu dân di tản nghèo, một chữ bẻ đôi không có, làm thật, làm chui.  Welfare khai đúng, khai sai, chấp hết.  Mỗi tháng là một thùng đồ.  Sau này mỗi tháng đều gửi tiền chui.  Những đồng tiền đầy mồ hôi và nước mắt tủi nhục đã mở thêm đường cho các con thuyền ra biển Đông, cho các chuyến vượt biên đường bộ qua Cam Bốt.

Biết bao nhiêu tiền cho đủ để người Việt trở thành người Việt gốc Hoa, ra đi có công an địa phương dẫn đường, công an biên phòng hộ tống.

Rồi tiền gửi về nhà để dựng vợ gả chồng, làm mồ, làm mả, xây nhà, mua ruộng.

Có ông già cải tạo đã không chịu đi, còn bạo gan điện qua là bây giờ cánh của ông không cần phục quốc.  Ông nói các con gửi tiền về để ông mua tất cả.  Cộng sản nó bán lại gần hết miền Nam rồi.

Các cơ sở dịch vụ, gửi tiền mở ra khắp các thương xá Việt Nam tại Hoa Kỳ.  Hoạt động của họ là thước đo tình nghĩa của cộng đồng.  Họ càng phát đạt là tình quê hương càng rạt rào.  Người con gái Đà Nẵng không thể hiểu được cô phải có nghĩa vụ gửi tiền về Việt Nam vì cô không đọc được báo Việt ngữ và không nghe được radio Sài Gòn ở San Jose.

Nếu không thực sự nhường cơm sẻ áo thì lời lẽ thương yêu đầu môi chót lưỡi kiểu khách sáo Hoa Kỳ e rằng không có ý nghĩa.

Trong cộng đồng của chúng ta cũng có rất nhiều ông bà học rộng tài cao.  Nhưng thực sự hình như các bậc trí thức chuyên gia rất ít khi là khách hàng của các cơ sở dịch vụ Việt Nam.  Họ không thích đóng hụi chết cho cái bát hụi hạnh phúc mà mình đã hốt trọn một đời.

Chúng ta khó có thể hình dung các tiến sĩ, bác học, luật gia, nhân sĩ, chính khách của cộng đồng lại là người gửi tiền hàng tháng về cho thân quyến ở Việt Nam.

Khi chúng ta hội nhập thành công, chìm sâu vào xã hội tiền phong của nước Mỹ, có vẻ như chút tình nghĩa lẩm cẩm đã nhẹ nhàng hơn.  Và ta có quyền nghĩ rằng mình đi làm đã phải đóng thuế.  Rồi ra đã có Welfare của xã hội và EDD của Sở Thất Nghiệp lo cho anh em bà con.  Phần bà mẹ già thì đã có Nursing Home. 

Trong cái nghề nghiệp xã hội hơn 30 năm.  Chúng tôi đã gặp rất nhiều gia đình Việt Nam qua trước tiến bộ vượt bực.  Có nhà sản xuất đến 4 bác sĩ y khoa.  Hai con là khoa trưởng đại học ở Úc và Tân Tây Lan.  Hai con làm cho các y viện danh tiếng ở Chicago và Boston.  Giàu sang và danh vọng chẳng ai bì.  Mỗi năm từ Thankgiving đến Christmas, các cháu bận rộn vô cùng.  Nên Xuân này con lại không về.  Hai cụ ngồi bên nhau xem tấm ảnh màu rực rỡ của con cháu danh tiếng bốn phương trời. 

Trong khi đó, cái đám mới qua ở nhà bên cạnh.  Cứ vài tháng lại đón người đoàn tụ.  Nghề nghiệp thì đủ trăm thứ linh tinh.  Từ Assembler đến bỏ báo.  Chồng cắt cỏ, vợ may thuê.  Mà sao đám này ăn nhậu tối ngày.  Suốt bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.  Xe cộ đậu ngang dọc trên cả bãi cỏ.  Trẻ con ở đâu ra mà nhiều thế.

Bà cụ hàng xóm, mẹ của 4 ông bác sĩ chỉ muốn ôm một đứa vào lòng.  Hạnh phúc bỗng thật gần mà cũng thật xa.  Ước chi một trong các đứa con của hai cụ, học hành dở dang về làm điện tử ở San Jose để đẻ cho ông bà một đứa cháu tóc đen nói tiếng Việt như máy.  Cũng như những đứa trẻ nhà bên cạnh mà thôi.

Như vậy là, ngày của Mẹ năm nay nhà ta lại chẳng có đứa nào dẫn cháu về chơi. Sao mà cái đám Mỹ nó làm gì mà quá ồn ào như vậy.

San Jose

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,993,714
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến