Hôm nay,  

Lễ Thanksgiving, Nhớ Ơn Mổ Mắt

15/11/200600:00:00(Xem: 164310)

LỄ THANKSGIVING, NHỚ ƠN MỔ MẮT

Bài số 1127-1736-449-vb3141106
*
Tác giả Nguyễn Đình Thảng, 73 tuổi, cư dân  Garden Grove, hiện đang làm việc tại một nhà thuốc tây trong vùng. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông nhân mùa lễ tạ ơn kể lại chuyện ông đã được  hai bác sĩ nhãn khoa người Mỹ “cứu qua cơn mù loà”...
*
 Mùa Lễ Tạ Ơn năm nay lại sắp đến. Tôi muốn nhân cơ hội này viết một bài để bày tỏ lòng tri ân sâu xa của tôi đối  với Chính Phủ và Nhân dân Hoa Kỳ nói chung và đặc biệt đối với hai vị Bác sĩ người Mỹ nói riêng đã cứu tôi qua cơn mù lòa. Đây là chuyện thật 100%, tôi không thêm bớt, không vẽ vời, toàn là việc thật, người thật.

Sự việc xảy đến với tôi vào năm 1966 tại Đà Nẵng. Lúc bấy giờ tôi mới 33 tuổi và đang làm việc tại Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín Chi Nhánh Đà Nẵng với chức vụ Kiểm Soát Viên (tương đương như Phó Giám Đốc).

Buổi sáng hôm ấy, như mọi ngày, trước khi bắt đầu làm việc tôi đem cuốn Sổ Qũy ra kiểm soát lại xem tổng số thu chi bằng tiền mặt của ngày hôm trước có đúng với các giấy tờ thu chi trong Qũy  không. Vừa mở cuốn Sổ Qũy ra, bỗng nhiên tôi thấy rất nhiều chấm đen trên trang giấy trắng như thể ai rải mè đen lên trang giấy vậy. Tôi nhìn lên bức tường trắng cũng thấy đầy chấm đen trên ấy. Tôi biết ngay thế là mắt phải của tôi đã có vấn đề.

(Xin phép được nói thêm để qúy vị được rõ về tình trạng của hai mắt tôi lúc bấy giờ. Hồi năm 1943, tôi học lớp Nhì ở một Trường Tiểu Học ở thôn quê. Trong lúc nô đùa với bạn bè trong lớp, tôi bị ngã té, mặt bị đập mạnh vào một góc bàn, mắt trái tôi bị tổn thương, thị lực bị kém đi và gần 10 năm sau khi về thành, bác sĩ nhãn khoa khám mới cho biết là mắt trái đã bị bong võng mạc (decollement de la rétine/retina detachment) và không thể chữa được nữa. Tất cả chỉ còn trông nhờ vào mắt phải mà nay mắt phải lại bị bệnh tiếp, tôi rất buồn và lo ngại cho thân phận của tôi vô cùng: rồi đây cuộc sống của tôi sẽ ra sao khi cả 2 mắt đều bị mù lòa")

Chờ vài hôm không thấy thuyên giảm, nhìn đâu cũng thấy đầy chấm đen trước mắt tôi bèn xin phép Ban Tổng Giám Đốc Ngân Hàng để được vào Saigon chữa trị.

Đầu tiên tôi đến một Bác sĩ nhãn khoa rất nổi tiếng ở Saigon và cũng vưà là Giáo Sư về Nhản Khoa ở Trường Đại Học Y Khoa Saigon lúc bấy giơ. Sau khi khám, ông cho biết mắt phải tôi cũng bị bong võng mạc và những chấm đen tôi thấy đó là do sự xuất huyết trong võng mạc. Sau vài lần đến khám không thấy có kết quả gì tôi bèn vào Bệnh Viện Gral do người Pháp điều hành để chữa trị. Trong thời gian một tuần lễ nằm trong Bệnh viện này, tôi được các nhân viên bệnh viện cho biết các Bác sĩ Pháp ở đây không còn những giáo sư Đại Học danh tiếng như thời trước nửa mà phần lớn là những bác sĩ trẻ bên Pháp mới ra trường bị đi quân dịch nên được chuyễn qua đây làm việc. Ông bác sĩ Pháp ở đây sau khi khám bảo tôi là theo ý ông, tôi nên đi Nhật để chữa bằng tia laser chứ ở đây không có đủ điều kiện để chữa trị. Lòng đầy thất vọng tôi xin xuất viện. Đi chữa đâu bây giờ" Làm sao có đủ tiền để xuất ngoại sang Nhật chữa trị đây" Bao nhiêu câu hỏi dồn dập tới trong đầu tôi trên đường đi taxi từ Bệnh viện Gral  về nhà. Một ý nghĩ bỗng thoáng qua trong trí tôi: Ta đã đi khám bác sĩ Việt Nam rồi, không được. Ta đã đi khám bác sĩ Pháp rồi, cũng không có kết quả gì. Hay là ta vào đại một bệnh viện quân y của Mỹ ở đây xem sao" Tiếng Anh mình không vững lắm làm sao nói cho người Mỹ hiểu hết những gì mình muốn trình bày được" May quá lúc bấy giờ tôi có người anh ruột đang dạy môn Anh văn tại Trung Tâm Cao Đẳng Kỹ Thuật Phú Thọ. Ông đã từng đi tu nghiệp ở Mỹ hồi năm 1953 trong 2 năm. Vậy vấn đề Anh văn đối với tôi không còn là một trở ngại nữa.

Sáng hôm sau hai anh em mặc quần áo chỉnh tề, thắt cà vạt gọi taxi đi đến một Bệnh viện tản thương của Mỹ (Evacuation Hospital) ở đầu đường Trần Hưng Đạo gần chỗ Bồn Binh chợ Bến Thành. Đây là một building nhỏ có hai tầng lầu trước mặt có hàng rào dây kẽm gai và một bót canh có người lính Mỹ cầm súng đứng gác. Hai anh em tiến lại gần người lính gác Mỹ. Anh ta lịch sự hỏi chúng tôi: Hai ông đến đây có việc gì" Anh tôi liền trả lời: Thưa Ông, chúng tôi muốn xin gặp Ông Giám Đốc của Bệnh Viện này để xin chữa mắt cho em tôi đang ở trong tình trạng nguy kịch. Người lính gác trả lời: Đây chỉ là một trạm tản thương của lính Mỹ bị thương ngoài mặt trận. Họ được tạm đưa về đây để được cứu cấp trước khi đưa ra Hạm đội số 7 hoặc đưa lên căn cứ Long Bình để chữa trị. Tuy nhiên nếu các ông muốn gặp ông Giám Đốc thì xin hãy chờ vài phút để tôi gọi điện thoại hỏi ý kiến ông ta. Nếu ông ta đồng ý, tôi sẽ gọi người ra dẫn các ông vào gặp ông ấy. Vài phút sau có người lính bên trong đi ra đưa chúng tôi vào gặp ông Giám Đốc. Ông ta là một người Mỹ trẻ, trạc 40 tuổi, vui vẻ, nói năng hoạt bát. Ông bắt tay chúng tôi và hỏi chúng tôi cần ông giúp đỡ việc gì. Anh tôi trình bày hết đầu đuôi bệnh mắt của tôi, cách chữa trị không đạt kết quả cuả các bác sĩ và bệnh viện Việt Nam và Pháp ở Saigon và rất mong ông ra tay tế độ. Ông trả lời OK, OK rối rít làm tôi mừng khấp khởi. Ông bảo tôi theo ông qua phòng khám mắt để giới thiệu với bác sĩ nhãn khoa bên ấy. Xong ông về lại phòng làm việc của ông còn tôi ngồi lại đó để chờ tới phiên khám. Tôi hơi thất vọng vì người bác sĩ nhãn khoa này lại là một bà người Việt Nam. Nhưng lỡ rồi để xem bà ta giúp được gì.

Đến phiên khám tôi, bà hỏi:

- Ông vào đây để làm gì"

- Thưa bà, tôi trả lời, tôi vào đây để xin được chữa mắt.

- Ông không thấy nhục khi bước chân vào đây à"

- Thưa bà, tôi thành thật không hiểu câu hỏi của bà. Tôi bị bệnh, ở ngoài  không nơi nào chữa được mới xin vào đây với hy vọng được nơi đây cứu giúp. Vậy tại sao việc tôi vào đây là một việc nhục nhã cho tôi. Xin nhờ Bà giải thích dùm.

- Ông không thấy nhục à" Chính các ông là những người đã ban hành luật lệ cấm các bác sĩ ngoại quốc hành nghề ở Việt Nam rồi tới khi các ông bị bệnh chính các ông lại đi tìm những bác sĩ và bệnh viện ngoại quốc để điều trị còn dân thường thì sống chết mặc bay như vậy không nhục còn gì nửa"

- Thưa Bà, tôi đáp, xin bà đừng vội hiểu lầm tôi. Chắc bà thấy tôi ăn mặc đàng hoàng nên nghĩ rằng tôi là công chức cao cấp  như Tổng trưởng hay Bộ trưởng trong Chính phủ. Thưa bà, tôi chỉ là một tư chức làm việc trong ngành Ngân hàng mà thôi. Vì vậy tôi không phải là tác giả của những đạo luật mà bà chỉ trích và thù hận đó mà chính tôi cũng như bà, chúng ta là nạn nhân của những đạo luật đó. Xin bà hiểu cho.

- Nếu ông không phải là công chức cao cấp, bà nói tiếp, làm sao ông có thể vào đây được.

- Việc này, thưa bà, xin bà cứ hỏi ông Giám Đốc ở đây thì rõ.

- Vậy hiện tại ông đóng thuế cho ai" Bà hỏi tiếp.

- Thưa bà, tôi đóng thuế cho Chính Phủ Việt Nam.

- Vậy khi ông đau ốm, tại sao ông không níu Chính Phủ Việt Nam mà lại tới làm phiền người Mỹ ở đây" Họ có nợ nần gì ông đâu mà ông đến đây níu kéo họ.

- Thưa bà, như tôi đã trình bày với bà, trước khi bước chân vào đây tôi đã đi khám hết các bác sĩ và bệnh viện nhãn khoa ơ ngoài rồi, vì vậy tôi mong bà mở rộng lòng nhân ái giúp tôi qua được cơn ngặt nghèo này tôi xin hết lòng tri ân sự cứu giúp của bà.

(Dưới thời Đệ Nhứt Cọng Hòa, Bộ Y Tế, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho các bác sĩ Việt Nam có ban hành Nghị Định không cho các bác sĩ ngoại quốc kể cả những bác sĩ Việt Nam mang quốc tịch ngoại quốc (nếu không chịu từ bỏ quốc tịch ngoại quốc) không được hành nghề bác sĩ ở Việt Nam. Do đó bà bác sĩ Việt Nam nói trên đây có quốc tịch Pháp không mở phòng mạch tư được nên phải vào làm cho bệnh viện Mỹ. Vì vậy bà ta rất hận Bộ Y Tế)  

Ba ta bật đèn lên rọi vào mắt tôi độ vài phút và bảo: Trường hợp mắt của ông nặng lắm rồi. Ở đây chỉ là trạm tản thương thôi nên không đủ dụng cụ để chữa cho ông. Tôi sẽ đề nghị với ông Giám Đốc đưa ông lên căn cứ Mỹ ở Long Bình để chữa trị. Hy vọng trên ấy có đủ dụng cụ và tiện nghi hơn dưới này. Bà nói xong, tôi đi theo bà trở lại phòng ông Giám Đốc. Đến  gặp ông Giám Đốc bà cũng nói lại với ông ta tất cả những điều mà bà đã hằn học nói với tôi ban nãy. Sau khi bà ra khỏi phòng rồi , tôi mới giải thích với ông Giám Đốc là những điều bà vừa nói với ông ta là không đúng vì tôi cũng như bà là nạn nhân của các đạo luật nói trên chứ tôi không phải là tác giả của những đạo luật đó. Ông Giám đốc bảo: Tôi hiểu, tôi hiểu, anh không có lỗi gì cả. Don't worry. Tôi sẽ có cách giúp anh. Được rồi ngày mai anh lại đây đúng 8 giờ, sẽ có xe đưa anh lên căn cứ Long Bình. Tôi sẽ điện thoại cho Bác sĩ Mohr trên ấy chữa cho anh. Vậy ngày mai anh hãy đến đây đúng giờ nhé. Hai anh em chào ông ta và ra về.

Ngày hôm sau, đúng 8 giờ tôi có mặt tại Văn Phòng ông Giám đốc. Anh tôi vì bận đi dạy không đi theo được. Ông trao cho tôi một giấy "Pass" để lên xe đi Long Bình. Xe chạy khoảng hơn nữa tiếng thì đến Căn cứ Mỹ ở Long Bình. Xe vào trong căn cứ và dừng lại. Tôi bước xuống xe và đi bộ theo sự hướng dẫn của người tài xế đến Phòng khám mắt. Tôi trình tờ giấy "Pass" cho hai nhân viên ngồi trong phòng. Họ mang tờ giấy này vào trong phòng khám trình cho bác sĩ và bảo tôi ngồi đợi.

Chừng 10 phút sau một ông bác sĩ trong phòng khám bước ra đi thẳng đến bắt tay tôi và tự giới thiệu: Tôi là Đại uý Bác sĩ nhãn khoa Mohr đây. Rồi Ông bảo người quân nhân trực ở đó lo chỗ ăn và chỗ nằm cho tôi và hẹn sẽ khám tôi vào lúc 9 giờ tối hôm đó.

Tôi được đưa đến một căn trại gần đấy và nằm nghỉ ở đó chờ đến tối để được khám mắt. Trong căn trại này có hai dãy giường mỗi  bên có 20 giường để thương binh Mỹ nằm điều trị. Các thương binh gồm đủ sắc tộc, đủ màu da, trắng có, đen có và cả vàng nửa. Họ sống với nhau rất hòa hợp, vui vẻ. Thấy tôi vào với vẻ bỡ ngỡ, liền có bốn năm anh thương binh Mỹ lại bắt tay và trò chuyện thân mật với tôi. Họ bảo tôi nếu cần những vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng, dép, v.v..thì cứ tự nhiên lại cuối phòng đó lấy mà dùng. Tôi trả lời cảm ơn họ vì tôi có mang theo đầy đủ cả. Đến bữa ăn, họ rủ tôi cùng đi với họ xuống phòng ăn. Chung quanh tôi toàn là người Mỹ hết nhưng tôi không cảm thấy lạc loài chút nào vì họ cư xử với tôi một cách quá tử tế và chân thật, không phân biệt màu da hay chủng tộc.

  Đúng 9 giờ tối như đã hẹn, đích thân B.S. Mohr xuống tận căn trại của tôi để đưa tôi lên phòng khám. Ông xin lỗi giờ này mới khám cho tôi được vì ban ngày thương bệnh binh Mỹ quá đông và mắt tôi cần phải khám lâu mới định bệnh được.

Đến phòng khám, Ông bảo tôi ngồi vào máy để đo thị lực, xong rồi Ông bảo tôi nằm trên giường khám và nhỏ một vài giọt thuốc vào mắt phải của tôi. Trong khi chờ đợi con ngươi nở lớn ra Ông hỏi sơ lược về tình trạng bệnh mắt của tôi như đau mắt từ hồi nào, chạy chữa ra sao, đã dùng những thuốc gì rồi. Ông bắt đầu mang đèn rọi vào trên trán và chiếu thẳng vào mắt phải của tôi. Ông bảo tôi nhìn lên, nhìn xuống, nhìn qua bên trái, nhìn qua bên phải, cứ như vậy lặp đi lặp lại nhiều lần. Thỉnh thoảng Ông dừng khám và vẻ lại trên giấy những chỗ hư hỏng mà Ông vừa nhìn thấy trong đáy mắt của tôi.

Trời mùa hè ở Long Bình khí hậu rất oi bức mà trong phòng khám vì không có máy lạnh nên không khí càng oi bức hơn ở ngoài trời nhiều. Mồ hôi chảy nhễ nhại từ trên trán Ông xuống hai má rồi đến cằm rồi cuối cùng nhỏ từng giọt xuống sàn nhà khiến tôi vô cùng xúc động. Tôi thầm nghĩ giờ này đáng lẻ Ông ta đã được nghỉ ngơi xem Tivi hay đọc sách báo sau một ngày khám rất bận rộn và mệt nhọc.

Tôi đang nghĩ vẩn vơ thì đồng hồ trên tường đánh 12 tiếng. Ông dừng khám và bảo tôi: Chúng ta tạm dừng ở đây và tối mai tôi sẽ khám anh tiếp. Bây giờ tôi sẽ đưa anh về lại phòng.

Sau 3 giờ bị rọi đèn liên tiếp vào mắt tôi không còn thấy gì nửa hết. Tôi chập choạng bước xuống giường khám, hai tay quờ quạng tìm lối đi. Ngoài trời tối om như mực. Ông liền bảo tôi hãy đứng yên đấy đợi Ông dọn dẹp các dụng cụ xong sẽ đích thân đưa tôi về phòng. Xong xuôi đâu đấy Ông lại nắm chặt tay tôi và từ từ dẫn tôi đi. Về đến chỗ tôi nằm, trước khi từ giã Ông còn ân cần hỏi tôi có lo lắng gì không, nếu có Ông sẽ gọi y tá đem đến cho tôi  một viên thuốc an thần. Tôi cám ơn và Ông chào "Goodnight".

Đêm hôm sau cũng đúng 9 giờ Ông lại đến chỗ tôi nằm và đưa tôi lên lại phòng khám. Ông cũng mang đèn rọi lên chiếu thẳng vào mắt tôi khám tới khám lui, thỉnh thoảng Ông ngưng lại rồi vẽ trên giấy những gì Ông vừa khám thấy và cứ như vậy đến 12 giờ đêm. Ông lại đích thân đưa tôi về lại chỗ nằm và bắt tay tôi hẹn gặp lại tối mai.

Tới đêm thứ 3, cũng đúng 9 giờ tối, Ông lại đích thân xuống chỗ tôi nằm và đưa tôi lên phòng khám.                          

Lần này Ông cũng khám y như hai đêm trước, nhưng theo như tôi đoán Ông muốn xem tình trạng con mắt tôi có gì biến chuyển so với hai đêm trước. Sau khi khám khoảng một tiếng đồng hồ, Ông ngừng khám và trình bày cho tôi nghe về tình trạng của mắt tôi. Ông cho tôi xem những sơ đồ do ông vẽ trong hai đêm trước và chỉ cho tôi xem những vùng trong đáy mắt bị bong võng mạc. Ông bảo phương cách duy nhứt để chữa trị cho tôi là phải mổ phía đàng sau mắt để chận không cho võng mạc bong tiếp nữa. Nhưng, theo Ông nói, ở đây chỉ là bệnh viện dã chiến để cứu cấp thương binh Mỹ ở ngoài chiến trường đưa về nên không có đủ các dụng cụ cần thiết để mổ những trường hợp đặc biệt như của tôi. Sáng mai, Ông nói tiếp, tôi sẽ gọi điện thoại về Manila ở Phi Luật Tân xin cho gửi cấp tốc sang đây một bộ đồ mổ mắt để tôi có thể mổ giúp cho anh. Anh cứ yên tâm nằm lại đây chờ độ bảy hôm thì bộ đồ mổ sẽ đến. Nói xong, Ông đưa tôi về phòng như hai đêm trước.

Trước khi chia tay, tôi không biết dùng lời lẻ gì để tỏ lòng biết ơn sâu xa của tôi về sự tận tâm và lòng nhiệt thành của Ông đối với tôi. Tôi chỉ nói được mấy tiếng: Thanks, thanks a lot! Ông mĩm cười bảo: Có chi đâu, đây chỉ là việc nhỏ thôi mà! Hẹn gặp lại anh tuần sau.

  Một tuần sau, vào một buổi trưa B.S. Mohr đến tìm gặp tôi ở căn trại tôi đang nằm ở đó. Ông bảo tôi với nét mặt rất hớn hở: Tôi vừa nhận được bộ đồ mổ ở Manila gửi qua. Tôi sẽ mổ anh vào ngày mai  lúc 9 giờ sáng. Vậy từ 12 giờ đêm nay đến sáng mai anh không được ăn uống gì hết nhé. OK.

Sáng hôm sau tôi ngồi chờ trong lòng rất lo âu. Lo âu là vì hiện tôi chỉ còn có con mắt phải thôi. Bây giờ nếu mổ mắt này rủi ro không may bị mù thì còn gì là đời tôi nửa. Tôi nhớ lại câu ông Bác Sĩ Pháp ở Bệnh Viện Gral đã nói với tôi: "Con mắt của anh nếu  không mổ chắc chắn sẽ bị mù nhưng nếu mổ biết đâu sẽ bị mù liền, làm sao biết trước được. Việc mổ hay không tùy anh định đoạt." Tôi quá sức lo âu nhưng cuối cùng đành phó mặc cho định mệnh.

Tôi chờ… Đúng 9 giờ,  chưa thấy B.S. Mohr đến… 9:30 cũng chưa thấy B.S. đến. Gần 10 giờ tôi thấy B.S. Mohr xuất hiện ở đàng xa và đang tiến về căn trại của tôi. Mấy phút sau B.S. đến với vẻ mặt đăm chiêu. Ông bắt tay tôi và câu đầu tiên là Ông xin lỗi đã đến không đúng hẹn. Ông bảo tôi ngồi xuống và từ từ Ông giải bày lý do tại sao giờ này Ông mới đến được. Ông nói:

- Sáng nay, tôi vừa được tin là ở Bệnh Viện Dã Chiến Qui Nhơn mới có một Ông Bác Sĩ nhãn khoa vừa ở Boston qua tên là Thiếu Tá Bác Sĩ Galas. Tôi có gọi điện thoại cho ông ấy trình bày về trường hợp của anh. Ông ta bảo trường hợp của anh Ông ta dã mổ bên Mỹ khoảng 80 lần rồi. Thú thật trường hợp của anh tôi chỉ mới mổ khoảng 20 lần thôi. Ông ta đã mổ nhiều lần hơn tôi do đó Ông ta ắt phải có nhiều kinh nghiệm hơn tôi. Vì trường hợp của anh quá đặc biệt (chỉ còn một mắt thôi) nên tôi có đề nghị với Ông ta phụ trách dùm trường hợp của anh và Ông ta đã nhận lời. Vậy tôi sẽ cho xe đưa anh về Saigon ngay bây giờ đồng thời anh hãy mang tay bộ đồ mổ này ra Qui Nhơn cho Thiếu Tá B.S. Galas để Ông ta mổ cho anh. Đây là giấy "Pass" và đây là hồ sơ bệnh lý của anh để anh ra trình với Bệnh Viện Dã Chiến  Qui Nhơn. Chúc anh thượng lộ bình an và gặp nhiều may mắn. Bye bye!!                   

 Tôi về đến Saigon liền mua vé máy bay Air VietNam để đi Qui Nhơn. Cũng may lúc ấy tôi có anh bạn thân làm Tổng Giám Đốc Air Việt Nam giúp đỡ nên tôi lấy được vé máy bay đi liền ngày hôm sau, chớ lúc bấy giờ vì tình hình chiến sự khẩn trương, phải chờ cả tháng mới lấy được vé đi miền Trung.

Ngày hôm sau tôi bay ra Qui Nhơn và đến trình diện ở Bệnh Viện Dã Chiến của Quân Đội Hoa Kỳ tại thành phố này. Tôi đến tiếp xúc với quân nhân trực ngoài cổng Bệnh Viện. Sau khi xem giấy tờ họ đưa tôi vào gặp Thiếu Tá Bác Sĩ Galas. Sau khi chào hỏi vài câu xã giao, B.S. Galas bảo một quân nhân trực ở đấy lo vấn đề ẩm thực và tìm chỗ cho tôi  nằm nghỉ và hẹn sẽ khám tôi vào buổi tối. Tối hôm ấy, B.S. Galas đích thân đến chỗ tôi nằm và dẫn tôi lên phòng khám.

Đại khái B.S. Galas  cũng dùng những dụng cụ y như B.S. Mohr  đã dùng để khám tôi. Sau hai đêm khám liên tiếp, Ông kết luận:

- Bệnh mắt của anh rất trầm trọng. Từ nay anh phải nằm yên không được di chuyễn. Khi nào cần khám tôi sẽ cho y tá đưa anh lên đây bằng giường đẩy. Phương pháp duy nhất để chữa cho anh là phải giải phẫu chớ không thể chữa bằng tia Laser  như một ông Bác Sĩ nọ đã đề nghị. Bệnh viện này là bệnh viện dã chiến không đủ tiện nghi để giải phẫu trường hợp của anh. Tôi có một ông bạn cũng là B.S. nhãn khoa tên là Frederick hiện đang làm việc tại một bệnh viện ở Manila. Bệnh viện này rất đầy đủ tiện nghi. Trưa nay, tôi đã điện thoại cho Ông ấy và Ông ta đã bằng lòng giúp anh. Vậy anh nằm chờ đây khoảng hai hôm có máy bay di tản thương binh Mỹ qua Manila tôi sẽ cho anh đi theo qua bên ấy giải phẫu cho bảo đảm. Tôi cố gắng bằng mọi cách để giúp anh đạt được kết quả tốt nhất. Vậy anh hãy kiên nhẫn chờ vài hôm nữa nhé.

Tôi về phòng chờ đợi trong sự lo âu.

Một ngày lặng lẽ trôi qua. Đến ngày thứ hai vào khoảng giữa trưa B.S. Galas xuống phòng gặp tôi và bảo: Rất tiếc hai hôm nay không có máy bay tản thương đi Manila và trường hợp của anh không thể chờ lâu hơn nữa được nên tôi quyết định phải giải phẩu anh ngay sáng mai. Rồi Ông hỏi tiếp: Anh theo đạo gì" Tôi trở lời: Thưa Bác sĩ tôi theo đạo Phật. Ông nói: Vậy tối nay anh hãy cầu nguyện Đức Phật giúp tôi ngày mai mổ cho anh được thành công mỹ mãn nhé. Tôi trả lời: Xin vâng và xin vô cùng cám ơn Bác Sĩ.

 Sáng hôm sau đúng 8 giơ, y tá đẩy xe vào phòng bảo tôi lên nằm để họ đưa tới phòng mổ. Đến phòng mổ tôi thấy Bác Sĩ Galas đã đứng chờ sẵn cùng với một Bác Sĩ Phụ Tá tên là Johnson cũng là Bác Sĩ nhãn khoa và vài ba người y tá. Bác Sĩ chích thuốc mê cho tôi và một phút sau tôi không còn biết cảm giác gì nữa hết. Khi tôi tỉnh dậy thì tôi đã được giải phẫu xong và đã được đưa về phòng. Vì bác sĩ bịt hết hai mắt tôi lại nên khi lơ mơ tỉnh lại tôi không biết lúc ấy là trưa hay chiều. Tôi bằng đập mạnh vào thành giường. Một người y tá trực chạy lại và hỏi tôi muốn gì" Trong lúc nửa tỉnh nửa mê tôi hỏi người y tá: Tại sao người ta bịt hết mắt tôi vậy" Tại sao dây nhợ gì trên tay tôi tùm lum vậy" Người y tá ôn tồn đáp: Xin ông nằm yên đừng chuyển động quá mạnh. Các bác sĩ vừa mổ mắt cho ông vào lúc 9 giờ sáng nay và bây giờ là 8 giờ tối. Những dây nhợ trên tay ông là những dây truyền nước biển. Ông nhớ đừng cựa quậy mạnh nhé. Tôi vâng lời  người y tá nằm yên lơ mơ ngủ chờ sáng. Sáng hôm sau, tôi nghe có tiếng chân người tiến lại về phía đầu giường tôi nằm. Rồi người đó vỗ vai tôi và nói bằng tiếng Anh: Anh Nguyễn , anh có khỏe không" Tôi là Bác Sĩ Galas vừa mổ mắt cho anh ngày hôm qua nay lại thăm anh đây. Để tôi xem tình trạng mắt anh hôm nay ra sao nhé. Vừa nói ông vừa lôt bâng trên mắt tôi ra. Anh Nguyễn , Bác Sĩ Galas hỏi, anh nhìn thấy tôi không" Tôi đáp: Thưa Bác Sĩ, dạ có ạ. B.S. Galas hỏi tiếp: Anh thấy tôi đưa mấy ngón tay" Dạ thưa B.S. 2 ngón ạ. B.S. hỏi tiếp: Lần này anh thấy mấy ngón" Thưa B.S. 3 ngón ạ. B.S. vui mừng bảo: Quá tốt! quá tốt! Thế là cuộc giải phẫu của tôi thành công 100%. B.S. nói tiếp: Vậy anh đừng lo âu nữa. Cơn nguy kịch của anh đã qua rồi. Tôi xin chia xẻ sự vui mừng này với anh. Mỗi buổi sáng tôi sẽ bảo y tá đưa anh lên phòng khám để tôi khám và điểm thuốc cho anh. OK. Xin hết lòng cám ơn Bác Sĩ, tôi đáp. B.S. Galas ngày nào cũng khám và cho thuốc tôi đến hơn một tháng mới cho tôi xuất viện vì Bác Sĩ e ngại nếu tôi về sớm có biến chứng gì không ra lại Qui Nhơn kịp. Trước ngày xuất viện, B.S. Galas có dặn dò tôi nên tránh những hoạt động hay những môn thể dục thể thao gây nhiều rung động (vibrations) có thể làm hại võng mạc và cũng vì lý do đó Ông cho tôi về lại Saigon bằng máy bay bán phản lực C130 của Quân Đội Hoa Kỳ ít rung hơn là những máy bay dùng cánh quạt.

Sau khi về Saigon, tôi trở lại Ngân Hàng làm việc như xưa, sau đó tôi lập gia đình và có được 4 con (3 gái và 1 trai). Sau ngày 30/4/1975, cả gia đình tôi bị kẹt lại ở Saigon. Đến năm 1986, chúng tôi nạp đơn xin xuất cảnh sang Hoa Kỳ theo diện ODP qua sự bảo lãnh của bà chị nhà tôi. Một lần nữa, tôi lại mang ơn Chính Phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã mở rộng vòng tay đón nhận cả gia đình chúng tôi vào định cư tại đất nước này, nhờ đó mà các con tôi nay đều đã tốt nghiệp Đại Học hết tại đây.      

Gần đây tôi có dịp đi khám lại võng mạc ở Bệnh viện chuyên khoa về võng mạc ở Tustin. Vị Bác Sĩ ở đây sau khi khám đã vô cùng thán phục B.S. Galas vì theo ông, B.S.Galas cách đây hơn 40 năm với những kỹ thuật và tiện nghi đơn sơ lúc bấy giờ mà Ông đã giải phẫu thành công tốt đẹp như vậy thật là quá tuyệt vời và thành thật mà nói, vị Bác Sĩ này nói tiếp, tôi nghĩ ông cũng là một người thật vô cùng may mắn. 

Điều mơ ước sâu xa nhất của tôi hiện tại là làm sao được gặp lại các vị Bác sĩ ân nhân người Mỹ ngày trước ở Việt Nam đã đem hết lương tâm nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao cả để giúp tôi thoát được cơn hoạn nạn. Tôi có thể nói là tất cả những gì tôi có được hiện nay như danh giá, sự nghiệp, hạnh phúc gia đình, tương lai sáng lạng của các con, vv… mọi thứ đều bắt nguồn từ những trái tim đầy lòng nhân ái và những khối óc tinh thông cuả tất cả những người Mỹ tôi đã đề cập trong bài này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,012,124
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Năm 2016, bà nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm với bài “Bốn Ngọn Đèn Cầy”. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2019, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài gần đây nhất của tác giả là “Chuyện về Những Bà Mẹ”. Sau đây là bài viết thứ 8.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới đây kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Sau đây, thêm một bài viết về trại tù cải tạo ở biên giới Việt-Hoa. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới đây kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Sau đây, thêm một bài viết về trại tù cải tạo ở biên giới Việt-Hoa. Bài đăng 2 kỳ.
Với bút hiệu Trần Như Nguyện, tác giả hiện là phóng viên truyền thông cho một số báo Việt và Đài Truyền hình tại Hoa Kỳ. Định cư Mỹ 27 năm, nhưng đến 2017 lần đầu tiên tham gia Việt Báo và đã đoạt giải Đặc Biệt VVNM 2018 với tác phẩm " Mẹ Lúa, cơn bão Harvey ". Sau một năm vắng bóng, nay cô xuất hiện lại với bài viết thứ tư dự thi.
Mừng nước Mỹ tuyên bố Độc Lập từ 1776, mời đọc bài viết mới của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín. Bà cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tu. Bài viết cho thấy tác giả bắt đầu thêm một chặng đường mới với cách nhìn, cách viết chín chắn sâu sắc hơn.
Mừng nước Mỹ tuyên bố Độc Lập từ 1776, mời đọc bài viết mới của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín. Bà cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tu. Bài viết cho thấy tác giả bắt đầu thêm một chặng đường mới với cách nhìn, cách viết chín chắn sâu sắc hơn. Bài đăng 2 kỳ, bắt đầu bằng “Chuyện Con Bé Tuổi Mùi”. Mong bà tiếp tục.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm trước khi ông còn ở Việt Nam và đã nhận giải đặc biệt 2005. Hiện tác giả đã an cư tại Hoa Kỳ và đây là bài thứ hai ông viết từ quê mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến