Hôm nay,  

Tuyệt Tự

12/11/200600:00:00(Xem: 302461)

TUYỆT TỰ

Người viết: Karen N Nguyen

Bài số 1125-1734-447-vb7111106
*
Karen N. Nguyen , sinh năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình H.O., hiện là dược sĩ, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt cho giải thưởng viết về nước Mỹ: "Chuyện Cấm Đàn Ông;" "Viết Cho Em Trai Tôi..." và đã nhận một trong 4 giải chính Viết Về Nước Mỹ 2004. Bài mới nhất của cô lần này là chuyện về giấc mơ có một đứa con và những chia sẻ rất quí giá về cách trị liệu mới đối với những cái bướu trong tử cung phụ nữ.
*

Jim nói với An: "Con gái mình, mũi với miệng nó giống y hệt em."

An nhìn tấm hình, ừ nhỉ, sao cái mũi con bé giống mình đến thế không biết. "Em thích mũi con mình giống như mũi của anh kìa, cao cao, vậy mới đẹp, mũi của em xẹp lép hà." An nói với chồng.

Cô bé trong hình cười thật tươi nhìn An và Jim, mái tóc vàng của Jim, đôi mắt to, tròng mắt xanh sẫm của Jim, khuôn mặt có hai gò má bầu bầu, cái miệng cười của An, cái mũi của An…Đứa con của hai đứa, hai vợ chồng lựa là Caucasian girl, và cái máy chụp hình ở một casino tại Las Vegas ghép hình hai vợ chồng lại mà tạo ra. An cười, nhưng trong lòng An đang rướm máu. Đứa con, chỉ một đứa con thôi, điều An ao ước đơn giản như vậy mà thật sự trở nên xa vời vô cùng, khó khăn vô cùng…

An nhớ hoài khuôn mặt ông bác sĩ phụ khoa và những lời nói của ông gần năm năm về trước. Một ngày nọ, sờ vào bụng dưới, An phát hiện có một khối u. Khối u nhỏ thôi, nhưng rõ ràng là một khối u, sờ vào cứng ngắc. An đi bác sĩ khám nghiệm, cuối cùng được biết là trong tử cung của An có mấy khối u, mấy cái, chứ không phải một cái như An nghĩ.

Fibroids, những cái bướu mọc ở tử cung người phụ nữ, là chuyện hóa ra khá thông thường. Cứ 4 người phụ nữ tuổi 35 trở lên thì có ít nhất một người có các khối u này trong người. Những cái bướu trong tử cung đại đa số là bướu lành, chúng có thể mọc ở ngay trên thành tử cung làm cho tử cung phình to ra, hoặc chúng mọc ở bên ngoài thành tử cung, gắn với thành tử cung như bong bóng bay theo như mấy cái hình vẽ trong mấy bản thông tin nói về fibroids bày trên mấy cái kệ ở trong phòng mạch ông bác sĩ. Về kích thước, những cái bướu này có thể nhỏ như hạt đậu, mà cũng có thể lớn ra, to tròn như những quả banh đường kính đến 5-6 inches. Chúng mọc riêng lẻ, hay mọc từng chùm. Nhiều khi fibroids phát triển lớn đến độ nhìn vào người phụ nữ có chúng trong người, người ta có cảm giác là người phụ nữ ấy đang có mang.

Ông bác sĩ chậm rãi nói với An là những cái bướu trong tử cung, kích thước của chúng sẽ tùy thuộc vào mức độ estrogen trong người phụ nữ. Khi có thai, lượng estrogen tăng lên, các cục fibroids cũng có khả năng lớn ra. Khi người phụ nữ dùng thuốc ngừa thai có lượng estrogen cao, fibroids cũng có thể lớn ra. Đến thời kỳ mãn kinh, lượng estrogen giảm đi, fibroids có thể nhỏ lại. Các cục bướu trong tử cung này tính khí khá thất thường, ông nói, có khi không tạo chuyện rắc rối gì cả trong một thời gian dài, có khi đột nhiên lớn vọt hẳn lên trong một thời gian ngắn.

An nghe ông bác sĩ kể về những triệu chứng cần phải lưu tâm một khi các cục fibroids bắt đầu kiếm chuyện trong cơ thể: thay đổi về kinh nguyệt như thời gian có kinh dài hơn, lượng máu thoát ra nhiều hơn, mau chóng có kinh hơn, bất thình lình bị xuất huyết ở âm hộ, đau âm ỉ, nhức nhối ở bụng và ở thắt lưng, đau khi giao hợp, đi tiểu thường xuyên hơn do sức ép lên bọng đái….nghĩ lại, An không thấy mình có triệu chứng nào cả, và An nói với ông bác sĩ như vậy, lòng An nhẹ nhõm đi chút ít, hy vọng là mấy cục fibroids trong người An vẫn còn muốn chung sống hòa bình.

Có mấy phương pháp để trị fibroids, ông bác sĩ nói với An. Uống thuốc không phải là giải pháp tối ưu, ông nói, cách thông dụng là giải phẫu để lấy chúng ra. Myomectomy là cách chỉ cắt bỏ mấy cục fibroids, nhưng vẫn giữ tử cung người phụ nữ nguyên vẹn để có khả năng sinh con về sau. Đôi khi myomectomy có thể tạo thành những vết sẹo trên tử cung và có thể dẫn đến vô sinh. Sau khi trải qua myomectomy, cơ thể người phụ nữ vân có thể sản sinh ra nhữntg cục fibroids mới, và đôi khi lại phải cần đến giải phâu để lấy chúng ra nữa. An nghe ông bác sĩ nói, trong đầu thầm suy nghĩ là hy vọng mình sẽ không cần chọn đến giải pháp này.

Cách giải phẫu thứ nhì là Hysterectomy, cắt bỏ toàn bộ tử cung, và đó là cách trừ khử mấy cục fibroids theo kiểu thanh toán tân gốc. Thường người ta dùng biện pháp này khi các cục fibroids trở chứng, gây phiền nhiễu đủ thứ cho người phụ nữ. Nếu người phụ nữ không nghĩ gì đến chuyện sinh nở nữa thì đây là cách giải quyết tốt nhất, ông bác sĩ nói với An. Cắt bỏ tử cung, nhưng vẫn giữ hai buồng trứng lại trong người, cơ thể người phụ nữ vẫn tiếp tục sản sinh estrogen, ông bác sĩ nói. Tùy cô, nếu các cục fibroids trong người cô không gây triệu chứng gì cả thì cứ để vậy, mỗi năm mỗi tái khám để xem chúng có lớn ra thêm không rồi tính tiếp.

Ngày ấy, boyfriend An còn đang đỏ mắt đi tìm trên đất Mỹ này, nói gì đến chuyện chồng con. Để vậy, An quyết định, không mổ xẻ cắt bỏ gì cả.

Thời gian trôi đi, trôi đi. Gần hai năm sau đó, An mới lại đi khám bác sĩ. Cứ mỗi lần định nhấc phone gọi lấy hẹn đi khám phụ khoa, An lại ngại ngần, sợ đến khi đi khám lại phát hiện mấy cục fibroids trong người tăng trưởng bất bình thường, sợ chúng bỗng một sớm một chiều từ bướu lành trở thành bướu ác dầu xác suất theo An biết là dưới 1 phần trăm, sợ và sợ….cuối cùng rồi cũng có một ngày An ngồi trong phòng mạch bác sĩ, tim đập bình bịch đợi chờ lời phán quyết của ông, và sau đó hân hoan rời phòng mạch vì mấy cục fibroids trong người vẫn còn ngoan ngoãn ngủ say, có tăng trưởng chút đỉnh theo kết quả ultrasound nhưng vẫn chưa làm cho bụng An to lên chút nào hết và vẫn chẳng gây rắc rối gì.

Rồi An quen Jim. Rồi một thời gian sau, Jim ngỏ lời cầu hôn An. Rồi An bận tíu tít lo chuẩn bị đám cưới, lo dọn qua nhà Jim sau đám cưới, lo đổi job, lo và lo…..Những cục fibroids trong người An có lẽ là chuyện cuối cùng trong danh sách nghĩ suy lo lắng của An. Bàn về chuyện con cái, An đã nói thẳng với Jim về chuyện những cục fibroids nằm yên trong người mình, và Jim đã nói với An: "Anh yêu em và anh muốn lập gia đình với em, điều quan trọng là chúng mình sẽ cùng nhau xây đắp một mái ấm gia đình có vợ có chồng chia xẻ buồn vui. Tuổi hai đứa mình đã lớn, nếu sau đám cưới có baby thì tốt, cố gắng hết sức mà không có baby thì thôi, anh không coi đó là việc quan trọng phải thực hiện trong cuôc sống lứa đôi đâu em…" An nghe Jim nói lúc đó mà muốn chảy nước mắt. Jim là con trai một, nếu theo phong tục Việt Nam thì cần phải có vợ, có con trai để nối dõi tông đường, lấy một bà vợ có nhiều khả năng vô sinh như An thì coi như family tree bị cắt đứt ngang mất rồi!

Gần hai năm trôi qua sau khi làm đám cưới, An vẫn không có baby. Nhiều khi nói chuyện hay gặp bạn bè quen, nhiều người hỏi dò xem chừng nào An với Jim có baby cho vui cửa vui nhà, An lắm lúc chỉ muốn nói huỵch toẹt ra là nếu mà An đẻ được là đã đẻ rồi, chứ ai lại cù cưa kéo dài để cho cảnh cha già, mẹ già, con mọn, rồi lại im, đánh trống lảng là hai vợ chồng đang "try" chừng nào có tin vui thì sẽ báo ngay thôi. Tin vui không biết kiếm đâu, chứ tin không vui thì đã có. Những cục fibroids trong người An, sau bao năm chung sống hòa bình, bây giờ đang lên tiếng và biểu tình rầm rộ, bắt đầu làm tình làm tội An!

Thoạt đầu An cứ ngỡ là sau khi lấy Jim, mình ăn theo thực đơn của Jim, ăn hamburgers, pizza, hot dogs, spaghetti, chips nhiều quá thành ra lên cân, bụng to ra, An ráng không ăn mấy món đó nhiều, ăn rau nhiều hơn, vòng số 2 nhỏ đi một chút, nhưng vẫn không trở về như kích thước mấy năm trước. Bụng An to ra hơn và sờ vào bụng nắn nắn, An phát hiện là có cục fibroids trong người cũng to ra hơn. Rồi An phát hiện đến giữa chu kỳ kinh nguyệt, An lại bị chảy máu ở cửa mình, chút xíu thôi, nhưng điều đó làm An áy náy. Buổi tối khi đi ngủ, hơn nửa năm trở lại an thấy mình thức giấc thường xuyên hơn vì nhu cầu phải đi restroom, An mấy tiếng trước khi đi ngủ uống ít nước hơn nhưng chuyện thức giấc nửa đêm đâu vẫn hoàn đấy, có khi 1 đêm thức dậy đi restroom đến 2, 3 lần, sáng ra người thiếu ngủ cứ mệt đờ. Những triệu chứng ngày nào ông bác sĩ nói cho An nghe khi mấy cục fibroids trở chứng bây giờ xuất hiện trong cuộc sống của An, làm An áy náy. Đến mức này rồi sao, An lo sợ vô cùmg. Bận lo cho cuộc sống mới với Jim, quay qua quay lại gần hai năm rồi an chưa đi khám phụ khoa trở lại, bây giờ lấy hẹn đến khám thế nào ông bác sĩ phụ khoa của An cũng chẳng hài lòng đâu.

Suy nghĩ của An thế mà đúng. Ông bác sĩ viết giấy cho An đi khám nghiệm, test ultrasound cho thấy mấy cục fibroids trong tử cung an lớn vọt hẳn lên. Ông làm thêm mấy cái test nữa để loại trừ các bệnh khác, rồi hẹn An đến phòng mạch để ông nói chuyện. An đến phòng mạch hơi sớm, lúc ngồi chờ đến phiên mình thì có dịp nhìn những bức hình chụp trên bức tường đối diện: vô số hình chụp ông bác sĩ với những đứa bé ông đỡ đẻ trong bệnh viên, vô số hình chụp ông ở các lễ Bar Mitzah của những đứa bé đó khi chúng lớn lên…ông bác sĩ phụ khoa của An khá nổi tiếng ở trong vùng, ông có hai phòng mạch ở hai city lớn trong county và là bác sĩ sản khoa- phụ khoa ở một bệnh viện lớn, chính vì vậy An cảm thấy phần nào yên tâm khi ngồi trong phòng mạch đợi đến phiên mình vào văn phòng của ông, lòng hy vọng sẽ nghe ông nói đến một giải pháp hữu hiệu và ít đau đớn để giải quyết mấy cục fibroids của An. Mấy năm qua rồi từ khi ông nói chuyện với An về cách trị fibroids, An nghĩ, không lẽ khoa học kỹ thuật dừng lại ở mấy cách giải phẫu myomectomy và hysterectomy hay sao kia chứ"

Đến lượt An vào văn phòng của ông bác sĩ. Ông ngồi ở bàn, nhìn mấy tờ giấy có kết quả thử nghiệm của An, nét mặt nghiêm trọng. Đã khuyên bà đi khám thường xuyên rồi, ông nói, vậy mà gần hai năm nay bà mới đi khám, để đến nông nổi này. Ông nhìn An, bà có biết là mấy cục fibroids trong người bà phát triển lớn ra, làm cho tử cung của bà căng ra như người phụ nữ có mang ba tháng hay không" Ông nói kích thước tử cung của An ra, rồi so sánh với kích thước bình thường. Ông nhìn An, đến mức này thì tôi khuyên bà nên chọn giải pháp làm hysterectomy đi, tuổi bà cũng đã cao, cắt bỏ tử cung đi là coi như bà không còn phải bị vướng bận gì với mấy cục fibrioids lắm chuyện này hết. Chỉ cắt bỏ tử cung thôi, còn hai buồng trứng thì giữ lại, estrogen trong người vẫn được sản xuất ra, ông nói thêm.

Ông bác sĩ nhìn vào tấm lịch để bàn, rồi nói với An là nếu quyết định chọn làm qui trình giải phẫu này thì hiện tại ông có những này ngày này trong hai tháng sắp tới còn trống, An về nhà tính toán rồi gọi cô thư ký của ông để chọn ngày mổ. Mổ chỉ có mấy tiếng thôi, bà vào ngày thứ sáu, tối thứ sáu ở lại bệnh viện để người ta theo dõi, sáng thứ Bảy xuất viện về nhà được rồi, ông nói, thời gian tịnh dưỡng để hồi phục chỉ có từ 4 đến 6 tuần thôi hà….

Thời gian hồi phục chỉ có từ 4 đến 6 tuần thôi hà. Ái chà, giọng ông bác sĩ nghe ngọt như đường phèn. Mổ bụng người ta, cắt bỏ tử cung của người ta, vậy mà làm cứ như là chuyện đơn giản như là thay miếng băng keo trên ngón tay bị dao cắt phải khi làm bếp vậy, An nghĩ thầm trong bụng. Đứa con, đứa con An không có và có thể sẽ không bao giờ có, An muốn giữ tử cung của mình lại với hy vọng nhỏ nhoi vô cùng là biết đâu chừng đến một ngày đẹp trời nào đó An sẽ thụ thai, dầu hy vọng đó ông bác sĩ có thể coi là hão huyền với lứa tuổi của An, cơ thể của An, nhưng An vẫn cứ nuôi trong lòng, bây giờ hy vọng đó cũng sẽ bị dập tắt rồi sao"

An nói với ông bác sĩ là chuyện giải phẫu quan trọng như vậy, An phải về suy nghĩ lại đã. Không phải là vấn đề sống hay chết phải điều trị ngay lập tức, An nói, để cho An bàn lại với chồng An và lo giải quyết công việc ở sở làm rồi mới tính là sẽ giải phẫu ngày nào. Tùy bà, ông bác sĩ có vẻ giận dỗi khi thấy An không sốt sắng chọn ngày giải phẫu ở bệnh viện của ông như ông đề nghị trong thời gian sớm nhất có thể. Bà muốn tìm second opinion thì cứ việc, ông nói, nhưng tôi không thích bệnh nhân mấy năm trời không lấy hẹn đến khám bệnh, rồi đùng một cái có chuyện mới đến kiếm tôi, tôi nói ra cách điều trị thì lại không tin tôi…giọng nói ngọt như đường phèn của ông bác sĩ biến đâu mất, bây giờ có pha chút bực bội, tức tối trong đó.

An chào ông bác sĩ, bứõc ra cửa. An ráng hết sức dằn lòng lại, dù thật sự An rất muốn nói với ông bác sĩ là "Hey, shylock, kiếp trước kiếp này tui đâu có nợ nần ông đồng teng cắc bạc nào đâu, sao ông nở lòng nào đòi, xẻo 1 pound thịt của tui không thương tiếc vậy kia chứ!"

Hysterectomy, An biết là qui trình giải phẫu này sẽ được insurance của An trả hầu như toàn bộ, An chỉ phải trả chưa tới 5% chi phí, nhưng An chần chừ ở đây đâu phải chỉ vì vấn đề tiền nong! Phải có giải pháp khác để đối phó với mấy cục fibroids trong người mình, An thầm nghĩ trong đầu trong lúc lái xe về nhà. An chỉ muốn về nhà, kể hết mọi chuyện cho Jim nghe. Đứa con, đứa con cố gắng mãi không thành, bây giờ lại đến một phần cơ thể của An sẽ bị cắt bỏ không thương tiếc, An không khóc sao được kia chứ. … An lái xe, nước mắt rơi xuống môi mặn chát. Chưa bao giờ An muốn có Jim ở bên cạnh đến như thế này.

Buổi tối Jim đi làm về, hỏi An xem hôm nay đến phòng mạch thì bác sĩ chẩn đoán ra sao. Hai mắt An mấy tiếng đồng hồ trước đã ráo nước mắt bây giờ lại bắt đầu ươn ướt trở lại, dù rằng An cố không muốn khóc. Jim ngồi xuống kế bên An, từ từ, chuyện đâu còn có đó, bác sĩ nói sao hả em.

An thuật lại với Jim lời khuyên của ông bác sĩ phụ khoa của An, và đến lượt Jim dãy nãy lên. Cắt bỏ cái uterus à, không được, không được, Jim nói. Em biết không, anh có một anh bạn làm cùng sở, cô vợ mỗi tháng đến khi có period thì đau bụng khủng khiếp luôn, lại chảy máu rất là nhiều nữa, thành ra sau khi hai vợ chồng có 4 đứa con thì cô vợ quyết định đi làm hysterectomy, cắt bỏ tử cung của mình đi cho khỏi khổ sở mỗi tháng đau đớn vật vã 4, 5 ngày nữa, Jim kể. Rồi sau đó, Jim nói với An, cuộc sống vợ chồng của anh bạn anh coi như đi vào ngõ cụt luôn, cứ tưởng bà vợ hết đau bụng khổ sở mỗi tháng thì sẽ vui vẻ hơn lên, hóa ra là sex life của họ coi như đi đoong luôn.

Có thể nào tại vì bà vợ phải lo cho 4 đứa con, công việc nhà gánh vác nặng trĩu đôi vai thành ra không còn thiết tha gì đến chuyện phòng the phục vụ nhu cầu của phu quân hay không, An thắc mắc với Jim. Làm gì có chuyện đó, Jim gạt băng đi, anh bạn anh đi làm về là làm công việc nhà túi bụi luôn đi, chứ đâu có ngồi trên sofa coi TV cả đêm đâu.

Hysterectomy là hạ sách, Jim bàn với An, tự nhiên a thần phù đi cắt bỏ một phần cơ thể của mình theo lời khuyên của ông bác sĩ của em là quyết định quá vội vàng. Ông bác sĩ của em bao nhiêu tuổi rồi, Jim hỏi An. Cỡ tròm trèm năm mươi mấy, sáu mươi rồi, An nói. Vậy là ông bác sĩ của em nhuyễn chuyện hysterectomy lắm rồi vì đã làm mấy chục năm nay, anh bảo đảm với em ông ấy không có theo kịp nhịp tiến bộ của thời đại đâu, Jim vừa nói vừa mở cái laptop của mình, bật điện, rồi hý hoáy đánh vào máy chữ "Uterine Fibroids" nhấn nút "search". Bingo, một loạt thông tin hiện ra nói về cách trị mấy cục bướu này.

Jim và An cùng ngồi đọc mấy thông tin trên internet. Jim vừa đọc vừa nói, anh bảo đảm với em, lão bác sĩ của em chắc là thời khóa biểu mổ xẻ ở nhà thương còn nhiều chỗ trống, thành ra lão dụ khị làm áp lực với em để em chọn làm hysterectomy đó thôi. Lão đâu có nói gì về những cách trị khác với em ngoài chuyện myomectomy và hysterectomy, đúng không nào. May là cá không cắn câu, An nghĩ thầm trong đầu. Hừm, coi mặt ông bác sĩ của mình sáng sủa, đạo mạo vậy mà hóa ra cũng chỉ coi trọng con bê vàng, chứ chẳng coi trọng gì đến bệnh nhân của mình, An nghĩ. Mình không chịu ghi tên làm hysterectomy, ông ấy tức là phải vì hụt mất một chuyến đi vacation ở Hawaii chứ chẳng chơi. An bật cười vì suy nghĩ của mình.

An ngồi nhìn vào màn hình computer với Jim, đọc đủ thứ loại thông tin về cách chữa trị fibroids. An đọc, nhưng đầu óc vẫn còn quay quay phần vì tức lão bác sĩ làm cho mình một cú emotional distress hồi chiều, phần vì lo không biết có cách nào để giải quyết mấy cục fibroids trong người mình mà không phải giải phẫu đổ mấy chục lít máu và sau đó mất cả 5, 6 tuần mới hồi phục, lết lết đi đứng trở lại được. An đau nặng lắm lắm mới nằm trên giường cả ngày, tính An năng động, thích đi chỗ này chỗ kia, ở nhà cũng đi từ trên lầu xuống tận basement hết dọn cái này thì dẹp cái kia, rồi còn đi chợ Việt Nam ăn hàng, đi chợ Mỹ mua đồ ăn cho Jim, hết nấu ăn thì ra vườn chăm mấy luống hoa, nằm bẹp dí mấy tuần chịu sao cho thấu.

Jim chỉ vào một bản tin trên computer, nói với An là Jim nghĩ cách điều trị này là thích hợp với An. An nhìn vào, cùng đọc với Jim. Uterine Fibroids Embolization, theo cách chữa trị này thì bác sĩ ở bộ môn interventional Radilogy sẽ cắt một đường nhỏ xíu ở háng chừng cỡ ¼ inch, rồi dùng máy X- Ray để theo dõi đưa một sợi dây rất là mảnh từ động mạch ở đùi vào đến động mạch của tử cung và đi đến các mạch máu tiếp tế cho mấy cục fibroids, sau đó sẽ bơm một loại hóa chất dạng hạt nhỏ li ti được làm từ polyvinyl alcohol hay gelatin sponge vào để làm tắt nghẽn phần lớn các mạch máu của các cục fibroids, không nhúc nhích cục cựa di chuyển bậy bạ trong cơ thể. Mất đa số nguồn máu dẫn đến, các cục fibroids sẽ từ từ nhỏ lại. Theo qui trình này thì chỉ cần cho bệnh nhân dùng để ngủ mê vài tiếng đồng hồ và chỉ cần gây tê ở nơi bác sĩ cắt đường căt nhỏ xíu đó mà thôi. Qui trình giải phẫu này được thực hiện trong vòng 1-2 tiếng và bệnh nhân có thể ra về trong ngày sau khi tỉnh lại trong nhà thương nếu vài tiếng sau đó tan thuốc mê, thuốc tê và có thể uống thuốc viên giảm đau mà không bị phản ứng gì bất lợi. Càng đọc, An càng thấy qui trình này hợp với mình.

Jim hỏi An nghĩ sao về cách điều trị này. An đọc trên computer: Cách điều trị này thích hợp cho phụ nữ chưa mãn kinh và không còn có ý định có con, nhưng không muốn làm hysterectomy cắt bỏ tử cung của mình, thời gian hồi phục có 2 tuần lễ trở lại nếu không có biến chứng gì, sau 2-3 tháng trở đi thì sẽ có kết quả hiển nhiên là các cục firbroids thu nhỏ lại 50% hay hơn nữa và hiếm khi chúng phát triển trở lại…perfect, almost perfect, An nghĩ thầm trong đầu. Mình chọn cách này đi anh, An nói với Jim.

An với Jim ngồi đọc danh sách những bệnh viện có cách điều trị này, và cuối cùng chọn bệnh viện của của trường y khoa tiểu bang An và Jim ở. Gởi email xin lấy hẹn, chưa tới 1 tuần sau là đã có hồi đáp từ bệnh viện, An chọn ngày lên gặp một người interventional radiologist ở đó. Anh sẽ đi lên bệnh viện với em, Jim nói khi nghe An báo ngày nào An có hẹn với bác sĩ.

Công việc của An, An có thể thu xếp để nghỉ đi khám bác sĩ mà không cần phải lấy sick leave, annual leave. Công việc của Jim phải làm thêm giờ mấy ngày khác để bù, còn nếu không thì phải lấy từ annual leave của Jim. Chuyến đi lên bệnh viện đầu tiên của An và Jim hóa ra là tập 1 của một bộ phim dài nhiều tập.

Lần đầu lên bệnh viện, Jim và An vào gặp ông bác sĩ. Ông mô tả tỉ mỉ về cách điều trị này để chữa mấy cục fibroids, cùng những điều rủi ro có thể xảy ra khi trải qua cuộc giải phẫu: xác suất bị nhiễm trùng (chưa tới 1%) bệnh nhân bị dị ứng với contrast media, một hóa chất truyền vào mạch máu bệnh nhân lúc thực hiện qui trình để bác sĩ thấy rõ những mạch máu của các cục fibroids, phụ nữ nếu trên 45 tuổi trải qua qui trình này sau đó có thể bị mãn kinh luôn.v..v..

An và Jim giữ nguyên ý định là An muốn được bác sĩ ở bệnh viện trị mấy cục fibroids bằng qui trình này sau khi nghe bác sĩ nói chuyện. Ông bác sĩ tốt nghiệp y khoa từ chính trường đại học sát ngay bệnh viện, rồi đi làm qui trình Uterine Fibroid Embolization, hơi có vẻ ngạc nhiên khi không thấy An và Jim hỏi han gì xem ông có kinh nghiệm đến đâu, đã thực hiện bao nhiêu ca giải phẫu rồi, v.v… và …v…v. Ông nói với An và Jim suy nghĩ của mình, hơi thắc mắc vì thấy An có vẻ là một bệnh nhân dễ tính nhất trên đời. Ồ, đúng rồi, mình không hỏi gì về kinh nghiệm của ông bác sĩ hết, An bật cười, rồi thú thật là mình có hai đứa em tốt nghiệp nha sĩ và dược sĩ từ 2 trường nha và dược ở đối diện bệnh viện này, thành ra An hết lòng tin tưởng bác sĩ và bệnh viện ở đây, không thắc mắc gì hết.

Để bác sĩ xem An có đáp ứng các điều kiện để trải qua Uterine Fibroid Embolization, An phải lấy hẹn để chụp hình tử cung của mình với phương pháp MRI (Magnetic Resonance Imaging). Vậy là một ngày đẹp trời nọ Jim lại nghỉ làm lái xe chở An đến bệnh viện. Gọi là trong cùng 1 tiểu bang, nhưng bệnh viện cách xa nhà Jim và An đến 50 miles, phải lái qua mấy cái vành đai highway xe cộ lúc nào cũng đông nghẹt, chỉ cần 1 xe chết máy là có thể kẹt dài dài cả mấy miles!

Y như trong phim, An thấy mình nằm dài trên bàn và bàn từ từ chạy vào trong vòng tròn của máy MRI. Chụp hình tử cung, thành ra có phân nửa thân người An nằm trong máy. An nhìn cái vòm của máy, tưởng tượng đến những người phải chụp MRI của đầu, ngực, phân nửa thân trên, nằm trên bàn và vào trong máy, nhìn cái vòm máy tưởng như muốn đè sát người mình, cảm giác ngộp thở là cái chắc! Cô nhân viên điều khiển máy nói với An là sẽ có những lúc cô sẽ yêu cầu an nín thở, nằm im tuyệt đối , đến chừng nào cô cho phép thở thì mới được thở. Tưởng nín tở chút xíu mà thôi, hóa ra là có những lúc An phải nín thở lâu ơi là lâu để rồi sau đó thấy những ngụm không khí mình hít vào ngọt ngào làm sao. Mong sao mấy tấm hình chụp MRI không bị trục trặc để mình không phải trải qua cảnh khổ ải như vầy nữa, An thầm nghĩ trong đầu lúc ra khỏi phòng chụp.

Lý thuyết thì bác sĩ phải làm Laparoscopy, làm biopsy của endometrium, phần vách phía trong của tử cung, để biết chắc chắn là bệnh nhân không bị ung thư tử cung, nhưng ông bác sĩ An gọi thầm là "shylock" đã làm rồi, An có bản sao kết quả đem đến bệnh viện, nên về nhà, Jim nói với An là mình đã đi một đoạn đường khá dài rồi đó em, em bớt lo chưa. An nhìn Jim, nói với Jim là An bớt lo lắng rồi. Có Jim bên cạnh, An thấy mình mạnh mẽ hơn lên, vững tin hơn lên nhiều vô cùng…

Kết quả MRI cho thấy kích thước, vị trí các cục fibroids trong người An, và bác sĩ kết luận là dùng phương pháp uterine fibroid embolization là thích hợp đối với An. Sau khi nhận được lời báo tin của bệnh viện, An lấy hẹn để giải phẫu. Buổi tối trước ngày giải phẫu An được bệnh viện dặn là không được uống nước.

Chín giờ sáng, An và Jim lên đến bệnh viện. Jim ngồi chờ ở phía ngoài, cô y tá khi ra kêu An vào nói với Jim là phải sau 12 giờ trưa mới xong, Jim có đi vòng vòng trong nhà thương thì cứ đi cho giãn gân cốt, chừng nào An được đưa ra khỏi phòng giải phẫu vào phòng riêng để hồi phục thì cô sẽ gọi Jim trên hệ thống intercom. Chỉ là một cuộc giải phẫu nhỏ thôi mà, An nghĩ thầm trong đầu lúc chia tay với Jim. Jim hôn nhẹ lên trán An, vài tiếng thôi rồi mọi chuyện đâu sẽ vào đó, Jim nói, rồi anh sẽ chở em về nhà, don't worry, everything will be fine, honey.

Để chuẩn bị cho cuộc giải phẫu, An phải thay bộ quần áo mặc trên người, khoác vào cái áo rộng thùng thình của bệnh viện và mang đôi vớ của bệnh viện, rồi lên nằm trên giường. Cô y tá bắt đầu tìm mạch máu trên tay An, rồi đâm kim vào, làm thành một cái line để có thể truyền thuốc vào người An. Sau đó, cô đút một cái ống cao su khá dài vào người An để dẫn nước tiểu ra một cái bịch cao su treo ở chân giường. An nằm trên giường, thấy mình bất lực, yếu ớt đến thảm hại. Không có gì phải lo lắng cả, An tự trấn tĩnh, small procedure, chuyện nhỏ nhặt thôi mà…

Rồi cũng đến lúc An được di chuyển vào phòng giải phẫu. An nhìn quanh, small surgery mà phòng đông nghẹt người, ngoài cái máy X-ray to thật to còn bao nhiêu là máy móc khác để kiểm soát áp huyết, nhịp tim của An, lượng oxygen trong máu của An, vv…và vv… thuốc mê đã được truyền vào người An, thuốc tê đã được chính vào đùi An, An nghe tiếng cô y tá kêu mình đếm từ số nào đến số nào trong đầu, An nhẩm được vài số rồi bỗng nhiên thấy người mình nhẹ hẫng đi, không còn trọng lượng gì cả. An nhìn cái trần nhà với mấy ngọn đèn sáng lóa, nhìn thấy vài bóng người mặc đồng phục xanh của bệnh viện, nón cũng xanh, đeo găng tay, đứng ở gần bên, rồi An có cảm giác mình đang bay, bay, bay…

An mở mắt, thấy mình nằm trên giường ở trong 1 phòng riêng, một cánh tay An có một sợi dây nối với một bịch nước gì đó treo lung lẳng ở trên một cái giá cao. An nhìn quanh, rồi bất chợt nhìn thấy Jim ngồi trên cái ghế ở gần đó. Em ngủ say quá, Jim nói, người ta đưa em đến đây cũng gần cả tiếng rồi đó. Mấy giờ rồi hả anh, giải phẫu chỉ có độ một tiếng rưỡi là cùng. Ái chà, chắc thuốc tê bắt đầu hết hiệu lực rồi sao mà đau quá chừng vậy nè, An nhăn nhó.

An không phải đau đớn lâu, một cô y tá bước vào hỏi An có đau không, An gật đầu và được chích cho một mũi Morphine, cô y tá nói. Cơn đau giảm đi thấy rõ, nhưng người An lại có cảm giác say say, ngật ngừ, mắt An nặng chĩu trở lại, An ngủ thêm một chút, một chút nữa….

Cơn đau ở bụng lại trở lại, đánh thức An. Kỳ này cô y tá cho An một viên thuốc giảm đau để uống. Nếu uống thuốc viên được, không ói mửa, thì chiều tối nay An có thể xuất viện, cô y tá nói. Jim hỏi An, em thấy trong người ra sao, có muốn ở lại bệnh viện qua đêm hay không" An lắc đầu quầy quậy, không, em không muốn ở đây chút nào hết, em muốn về nhà. Mình chỉ về nhà khi em hết đau thôi, Jim nói.

Ông bác sĩ phụ trách ca giải phẫu của An bước vào, hỏi han xem An thấy trong người thế nào. Ông kiểm tra vết mổ, không có dấu bầm, không chảy máu, không rò rỉ gì cả. Ông viết mấy cái toa thuốc, thuốc giảm đau uống lúc đau nhiều, thuốc giảm đau uống lúc đau ít, thuốc trị buồn nôn, rồi đưa cho Jim. Có cái pharmacy ở tầng 1 của bệnh viện, ông nói, Jim có thể đến đó để mua thuốc.

Vậy là tôi được xuất viện hôm nay phải không bác sĩ, An hỏi" Ông bác sĩ gật đầu. Chừng nào An hết chóng mặt, đi được, không còn đau ở bụng, là An có thể xuất viện, ông nói. Khi về nhà, ông bác sĩ dặn dò An, An không được cử động mạnh, nếu vết mổ chảy máu trở lại thì gọi cho bệnh viện ngay ở phone số mấy. Ông đưa cho Jim mấy tờ giấy nói về những triệu chứng phải lưu tâm, những điều cần làm và những điều cần tránh trong mấy ngày đầu. Đại đa số bệnh nhân của tôi sau 1 tuần là hồi phục lại, đi làm lại được rồi, ông nói.

Cuối cùng rồi An cũng tỉnh táo trở lại, được trút bỏ mấy sợi dây loằng ngoằng truyền nước biển vào người và trút bỏ được cái áo và đôi vớ của bệnh viện. Jim hỏi An có cần ngồi trên xe lăn hay không để Jim đưa An ra đến cửa bệnh viện, và An trả lời không. Trả lời không, nhưng đến khi bước đi ra đến hành lang An mới thấy đất trời hơi chao đảo chút chút. An bước đi theo Jim, vẫn còn thấy người nhẹ hẫng. Chắc mình còn say thuốc, An nghĩ.

Từ bệnh viện đế garage để xe chỉ có 1 block, An hùng dũng đi bộ theo Jim. Jim ngỏ ý kêu An đứng đợi ở cửa bệnh viện, Jim lấy xe rồi lái đến đón An, nhưng An từ chối, nghĩ trong đầu là mình đi được. Một block, đâu có bao xa. Vậy chứ khi đi được gần đến garage, An bắt đầu thấy cổ mình ngưa ngứa, An cố nhịn mà cuối cùng không nhịn được, An nôn thốc nôn tháo ra toàn nước là nước. Chẳng ăn uống gì từ tối hôm trước thành ra An cũng chẳng sản xuất được gì ngoài chút nước còn sót lại trong người. Miệng An đắng nghét. Bụng An cồn cào. An bỗng thèm có 1 tô phở, thèm dễ sợ là thèm. Jim nhìn An ánh mắt lo lắng thấy rõ. Em có sao không, không sao. An chỉ mong về đến nhà càng sớm càng tốt thôi, hai mí mắt An lại bắt đầu nặng trĩu và an thiếp đi trong 1 giấc ngủ chập chờn suốt trên đường về nhà.

Về đến nhà, An tự đi lên trên lầu. Dù đồng hồ mới chỉ có 8 giờ tối, nhưng đặt lưng xuống giường là An ngủ, ngủ thật say….

Trong giấc ngủ, An có cảm giác như có bàn tay ai sờ lên trán mình. An mở mắt, nhìn thấy Jim. Jim hỏi An em có đói bụng không, anh nấu chicken soup cho em ăn nghe. Miệng An vẫn còn đắng đắng, An nói với Jim là An không đói. Sao lại không đói, từ tối hôm qua đến giờ em có ăn gì đâu kia chứ, Jim nói, ráng ăn chút xíu đi em cho có sức mà hồi phục.

An nghe lời Jim, ngồi dậy, định lò dò bứõc xuống cầu thang. Jim ngăn An lại, em đi được không, hay để anh nấu soup rồi mang lên lầu cho em nha. An không cảm thấy đau đớn gì ở vết mổ, không đau ở bụng, An nói với Jim là An đi xuống cầu thang được. An bước từng bước một xuống cầu thang theo sau Jim, cứ chốc chốc Jim lại hỏi An là đi như vậy có đau hay không. Không có đau, An nói. Jim bắt đầu chọc quê An, vậy mà hồi chiều ông bác sĩ viết cái toa thuốc giảm đau cho em có mười viên thuốc, em còn kỳ kèo nói là ít quá, bác sĩ viết nhiều nhiều hơn được không để lấy 20 viên, bây giờ anh thấy là em không cần viên nào hết rồi đó!!!

Sáng ngày hôm sau, An không cảm thấy đau gì cả và An có thể đi đứng bình thường. An lái xe chở Jim ra trạm Métro ở gần nhà, rồi An ghé vào chợ safeway mua thêm ít thức ăn. Về tới nhà, bỏ thức ăn vào tủ lạnh xong là hai mắt An lại bắt đầu mở không lên, An ngủ say cả mấy tiếng đồng hồ. Có lẽ là do ảnh hưởng của mấy viên thuốc giảm đau hôm qua, An nghĩ trong lúc chìm vào giấc ngủ.

An xin cơ quan nghỉ hai tuần sau khi giải phẫu. Tuần đầu tiên, mấy ngày đầu người An còn hơi ngật ngừ và miệng còn có cảm giác đắng đắng, thèm ngủ, ăn không thấy ngon, sau đó thì An khỏe trở lại, có thể lái xe vù vù ra chợ Việt Nam để mua mấy món An thích ăn nhâm nhi cả ngày trong lúc Jim đi làm.

Bốn tháng sau ngày giải phẫu, An lấy hẹn đi chụp MRI trở lại, để xem mấy cục fibroids trong người mình có nhỏ đi không. Vài ngày sau đó An nhận được kết quả từ văn phòng của bác sĩ tại trường Đại Học: mấy cục fibroids trong người An đã thu nhỏ đi 75%, một kết quả đáng mừng.

Những triệu chứng ngày nào như chảy máu bất thường giữa chu kỳ, thức dậy nhiều lần ban đêm để đi restroom…bay biến đi mất. Bụng An nhỏ đi thấy rõ, nếu đi biển có thể mặc bikini trở lại mà không thấy áy náy gì hết.

Sau ngày giải phẫu, vào chỗ làm trở lại, An gặp nhiều chị bạn quen, sau những lúc trò chuyện mới biết nhiều người cũng có fibroids trong người như An. Chị X. mổ nạo bỏ mấy cục fibroids trong người gần chục năm trước rồi phát hiện chúng mọc trở lại và quyết định để như vậy, chị Z. làm hysterectomy cắt bỏ toàn bộ tử cung với mấy cục fibroids mấy năm trước, chị A. phát hiện có fibroids trong người, bụng khá to, nhưng không có khả năng tài chính để giải phẫu vì chị mới vào làm part-time thời gian ngắn, chưa có insurance…

Những người phụ nữ chia sẻ câu chuyện về fibroids với An, có người độc thân, có người lập gia đình, có người có con cái, có người vô sinh… .có người hỏi An xem sau khi giải phẫu thì vợ chồng An có còn ý định có baby hay không, An trả lời chắc là không. Trả lời không, nhưng trong lòng An, vẫn có một chút hy vọng nhỏ nhoi. An đọc trên internet, có những bản tin nói về những người phụ nữ sau khi trải qua cuộc giải phẫu như An vẫn thụ thai, sinh con, thậm chí có cả trường hợp sinh đôi. Bản tin nói về những người phụ nữ ở Pháp, không phải nói về những người phụ nữ Á Châu như An, nhưng vẫn nhen nhúm một chút hy vọng trong An. Chút xíu thôi, bởi hiện tại, với Jim bên cạnh, An cảm thấy mình hạnh phúc đủ đầy, hạnh phúc lắm lắm rồi.

Karen N.Nguyen

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,012,124
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.
Nhạc sĩ Cung Tiến