Hôm nay,  

Theo Diện ODP Vào Mỹ

27/09/200600:00:00(Xem: 136453)

Người viết: David Trác Phạm

Bài số 1109-1718-431-vb3260906

 

Tác giả tự sơ lược về mình: Người viết là một thầy giáo từ Việt Nam, đi dạy đã gần 30 năm, qua Mỹ theo diện ODP. Đang làm Manager tại một Trung Tâm dạy kèm sau giờ học. Ông tâm sự thêm: Tuổi đời đã hơn sáu bó, thích đọc văn chương của bạn bè hay của người khác hơn là mình. Hôm nay bỗng nhiên "cao hứng" bèn viết đại. Vì Tựa đề bài viết được đặt theo nội dung. Mong tác giả sẽ tiếp tục cao hứng. 

*

Chúng tôi đã nhận được giấy tờ bảo lãnh đoàn tụ của chị tôi gửi về rất sớm, từ năm 1979 với lời nhắn trên bức điện tín kèm theo rất ư là hấp dẫn: "Ra Hà Nội làm Passport đi Mỹ. Chúc may mắn." Lời nhắn ấy mãi đến mười hai năm sau mới thành sự thật.

Chúng tôi được phái đoàn Mỹ gọi vào Saigon phỏng vấn vào dịp trước lễ Giáng Sinh năm 1989, được chấp thuận cho qua Mỹ theo diện đoàn tụ cả gia đình năm người. Nhưng mãi đến tháng 5 năm 1991 chúng tôi mới lên phi cơ rời khỏi quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn nhưng đã không cưu mang nổi để chúng tôi, và rất nhiều người nữa, phải qua định cư tại một xứ sở khác tìm một điều quý giá nhất mà ở quê nhà chúng tôi đã không có được: đó là Tự Do.

Máy bay cất cánh rời phi trường Tân Sơn Nhất vào buổi sáng và đến Bangkok sau hai giờ bay. Vào năm ấy, chúng tôi phải ở lại đó đợi làm giấy tờ để hoàn tất thủ tục nhập cảnh Hoa Kỳ. Thời gian chờ đợi tại Thái Lan thường khoảng trên dưới một tuần lễ, nếu không có vấn đề trục trặc gì về giấy tờ hoặc về sức khỏe. Và ngay từ trên đất nước này tôi đã bắt đầu có những kinh nghiệm đầu tiên của một di dân. Đó là gặp khó khăn về ngôn ngữ, hàng rào cản cho khá nhiều người tị nạn Việt Nam chúng ta.

Những lần vào gặp phái đoàn Y Tế để khám sức khỏe hay để chụp hình phổi, khai lại hồ sơ giấy tờ, tôi đã bắt đầu thấy bối rối. Là một thầy giáo dạy Anh và Pháp gần ba mươi năm nhưng tôi vẫn cảm thấy khá lúng túng khi muốn diễn tả một ý tưởng để người đối diện hiểu. Điều đó cũng tất nhiên thôi, vì sau năm 1975, tất cả những người dạy ngoại ngữ như tôi chẳng hề được dự một khóa tu nghiệp nào, và cách dạy Anh hoặc Pháp cũng chẳng mang chút tính cách Sư Phạm nào cả! Dạy theo phương pháp dịch và phản dịch, và dạy từng từ một, thì bảo làm sao học sinh giỏi cho được" Ngay cả đến thầy cô cũng chẳng khá gì hơn! Nhưng có lẽ giữa những người tị nạn trong trại lúc đó, các nhân viên Y Tế và những người lo hồ sơ của phái đoàn Mỹ thấy tôi nói và hiểu được tiếng Anh tương đối khá nên thường gọi tôi lên để làm thông dịch viên bất đắc dĩ!

Một tuần lễ sau, tên chúng tôi được niêm yết trên danh sách chuyến bay đi Mỹ. Chiếc phi cơ khổng lồ của Northwest Airlines đã đưa tôi và gia đình đến quê hương thứ hai sau gần 20 giờ bay. Lại một lần nữa hàng rào ngôn ngữ đã làm khó không ít những người di dân Việt Nam trên chuyến bay hôm đó khi các Tiếp Viên Hàng Không đến đưa thức ăn và thức uống. "Nhưng tất cả rồi cũng qua đi" như một câu ngạn ngữ chúng ta đã được học hồi còn bé.

Chúng tôi đáp xuống phi trường Los Angeles vào khoảng 1 giờ trưa ngày 29 tháng 5 năm 1991. Chúng tôi phải ở lại trong khu vực nhập cảnh khá lâu để INS hoàn tất các giấy tờ di trú hợp pháp.

Hai giờ sau cả năm người chúng tôi ra khỏi phòng cách ly, đến khu vực lấy hành lý và ra cổng. Gia đình chị và các cháu tôi đã đứng đón từ lâu. "Welcome to USA!" chị tôi và các cháu đã chào mừng chúng tôi bằng câu nói đầu tiên này giữa cái nắng chói chang của mùa hè miền Nam Califorina.

Nghỉ ngơi vài ngày để lấy lại quân bình cho cơ thể do sự thay đổi giờ giấc giữa hai đất nước cách nhau cả nữa vòng địa cầu, do sự khác biệt về khí hậu, và cũng do cái nóng như thiêu đốt, cái nóng quá khô của California làm chúng tôi không thể nào ra mồ hôi được. Vài ngày sau chị tôi đưa cả năm "di dân mới" đến các cơ quan để làm giấy tờ An Sinh Xã Hội.

Chao ôi, lần đầu tiên tiếp xúc với cả đống giấy tờ để điền đơn, muốn chóng cả mặt! Sao mà nhiều mục quá vậy" Quả thật chị tôi đã rất kiên nhẫn khi ngồi chờ chúng tôi điền đơn. Chị nói: "Cứ tập điền đơn một mình cho quen với các thuật ngữ trong đó, vì mai mốt còn phải điền nhiều lắm."

Một điều thật hay mà tôi đã thấy và đã học được là ở Mỹ, tất cả mọi người đi đâu cũng xếp hàng theo thứ tự, ai đến trước xếp trước, không chen lấn xô đẩy lộn xộn. Lỡ có va chạm vào người khác thì luôn luôn mở miệng thốt lời xin lỗi: "I'm very sorry". Hoặc gặp người khác trong khu vực mình sinh sống thì người Mỹ luôn luôn nở nụ cười thật tươi và chào "Hello" trước! Đã bắt đầu quen với cách thức nói chuyện với người Mỹ lần đầu tiên khi vào gặp phái đoàn để được phỏng vấn, chúng tôi luôn luôn nhìn thẳng vào mắt người đối thoại, và nếu không hiểu thì chúng tôi đề nghị họ nói lại chậm hơn. Những nhân viên trong các cơ quan xã hội đầu tiên mà chúng tôi tiếp xúc để làm giấy tờ đều nói chuyện rất ư là chậm rãi. Có lẽ họ đã được huấn luyện để nói năng như thế đối với các di dân mới đến chăng" Cũng như chị tôi, họ đã rất kiên nhẫn lắng nghe và cố gắng hiểu hết các ý của mình muốn diễn tả.

Một tháng sau khi đến Hoa Kỳ, tôi đã xin làm Teacher's Aide tại trường John Adams, một trường Junior High vùng Riverside, nơi chúng tôi tạm trú với gia đình người chị. Lại một phen điền đơn, và sau đó, các nhân viên văn phòng bảo về nhà chờ thủ tục đi phỏng vấn. Tôi đã được nhận vào làm trợ giáo, và với công việc này, tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích để có thể dạy con gái tôi học và làm bài, nhất là cách làm toán chia ở xứ sở này!

Một điều bổ ích nữa là từ ngôi trường Junior High này, tôi đã thấy được sự khác biệt hoàn toàn giữa hai nền giáo dục và cách dạy của các thầy cô giáo Mỹ. Sách giáo khoa được soạn thật hay, đi từng bước một, từ dễ đến khó khiến cho các học sinh, cho dầu ở trình độ trung bình hay kém, cũng có thể hiểu và làm được bài vở. Công việc của tôi là đi lại trong lớp để khi nào có học sinh nào không hiểu bài thì giáo viên chính nhờ tôi giúp em đó. Nhưng ba tháng sau tôi xin nghĩ làm Teacher's Aide vì vẫn không thể nào quen được với cảnh các học sinh, chỉ mới khoảng lớp 7 hay lớp 8, đứng ôm hôn nhau trước cửa lớp! Tôi cũngkhông thể nào chịu nỗi cảnh học sinh vào lớp ngồi gác cả hai chân lên ghế phía trước! Tính kỷ luật và tôn trọng các thầy cô giáo không thể hiện rõ nét ở các trường bên Mỹ này như ở Việt Nam.

Không thể nào tìm được một công việc nào trên vùng đồi núi Riverside đó, chúng tôi lại một lần nữa phải dời đô xuống vùng quận Cam.

Công việc thứ hai của tôi trên đất nước tam dung này là làm Accountant kiêm thư ký văn phòng cho phòng mạch của một bà Bác Sĩ bạn học thời Trung Học ở Đà Nẵng. Hầu hết các bệnh nhân là người Mỹ nên khả năng nói và nghe tiếng Anh của tôi nhờ vậy đã tiến bộ thật nhiều, và đó cũng nhờ ba tháng đầu tiên làm Teacher's Aide tại Riverside nữa. Từ kinh nghiệm này, bây giờ mỗi lần gặp các người quen hay các sinh viên mới từ Việt Nam qua, tôi vẫn thường hay khuyên họ là nên lăn xả vào các môi trường sinh hoạt để có thể tiếp xúc, nghe và nói chuyện với người Mỹ. Đó là cách duy nhất để tiến bộ về ngôn ngữ. Đừng bao giờ sợ người Mỹ cười mình phát âm sai hay nói sai ngữ pháp, vì người Mỹ rất là hiếu khách, và họ sẵn sàng giúp đỡ chúng ta bằng cách nói thật chậm hay dùng những từ dễ hiểu để mình có thể hiểu được. Tôi nhận thấy phần đông người Việt chúng ta có tính hay mắc cỡ và cứ ngại bị người khác cười khi mình nói sai. Nhưng như một nhà giáo dục Pháp đã từng nói: "II faut étre dans le bain (le bain linguisique) pour pouvoir nager", chúng ta phải nói, và nói thật nhiều mới có thể nói giỏi được. Còn về phần nghe thì chúng ta đã có chương trình tin tức trên truyền hình hàng ngày để tập nghe cách phát âm và cũng để luyện giọng luôn thể. Khi nào nghe và đọc đã khá rồi thì chúng ta có thể theo dõi các chương trình Talk Show khó hơn. Để luyện tập viết câu cho đúng thì cách hay nhất là nên bắt đầu đọc những cuốn "Chicken Soup for the Teenage Soul" tương tự như "Tuổi Hoa " hay "Tuổi Ngọc" ở Việt Nam trước đây. Rồi dần dần chúng ta sẽ đọc những tác phẩm khó hơn. Đọc lướt qua một lần để hiểu đại ý cốt chuyện, đọc lại lần thứ nhì và gạch chân những chữ khó rồi tra từ điển, và đọc lại lần cuối để hiểu rõ ràng câu chuyện và cách viết văn.

Sau ba năm làm việc tại phòng mạch, công việc của người bạn học tốt bụng đó có vẻ chậm lại, nên tôi tự ý xin rút lui đi tìm công việc khác. Kinh tế Mỹ những năm 1992, 1993 cũng xuống dốc thê thảm như bây giờ, nên tìm được một công ăn việc làm thật khó khăn. Kỷ sư, chuyên viên thất nghiệp dài dài! Rất khó tìm được một công việc vừa ý, nên tôi đã tự nhủ lòng là mình sẽ làm bất cứ công việc gì để nuôi gia đình và hai đứa con ăn học. Công việc lần này của tôi kéo dài trong hơn 5 năm, và chẳng có liên can gì đến chữ nghĩa và học hành cả.

Tôi đã làm Machine Operator cho một hãng sản xuất các khung hình và kính chống mờ để treo trong các phòng tắm. Lúc đi xin việc, ông chủ hãng đã phỏng vấn và trước khi nhận tôi vào làm, ông ta hỏi: "Lâu nay tôi thấy ông chưa bao giờ làm việc tay chân, bây giờ liệu ông có làm nỗi không"" sau đó ông ta đưa tôi đi xem toàn cảnh của khu sản xuất. Tôi cũng thấy hơi dội trước những cỗ máy khổng lồ và những anh chàng và các cô nàng công nhân Mễ, người nào người nấy cao lớn và mập gấp đôi tôi! Nhưng như tôi đã tự nhủ từ lúc còn ở bên quê nhà là khi qua được đến đất Mỹ, tôi sẵn sàng chấp nhận làm bất cứ công việc gì miễn là có thể sinh sống và nuôi nấng gia đình vợ con. Tôi gật đầu và chấp nhận làm Machine Operator, vừa làm Supervisor các công nhân Mễ và một số các công nhân Việt Nam khác.

Tôi đã gắn liền với Zadro Products, Inc. Trong năm năm, bắt đầu như thế đấy. Làm những công việc tay chân tuy mệt nhọc thật, nhưng cũng có những niềm vui riêng của nó. Ông chủ rất quý trọng tôi, và các công nhân Mễ cũng thế. Họ dễ thương và hòa đồng nhanh chóng, và tính cách bảo bọc và thương yêu gia đình cũng rất giống người Việt Nam chúng ta. Cứ mỗi lần lãnh lương là họ gửi về hơn một nửa cho gia đình bên Mexico. Thêm một bài học và một kinh nghiệm sống nữa cho riêng tôi và cho những di dân ở Mỹ: hãy làm bất cứ một công việc gì, những công việc lương thiện, để sinh sống. Không có công việc nào gọi là hèn mọn cả. 

Để hội nhập được với nền văn hóa xứ người, chúng ta cần phải học hỏi nhiều lắm. Nhưng vấn đề hội nhập cũng là một con dao hai lưỡi. Nhan nhãn trên báo chí hằng ngày hay trên truyền hình, chúng ta thấy vấn đề thiếu niên phạm pháp, vấn đề băng đảng gia tăng trong các cộng đồng Á Châu, nhất là cộng đồng người Việt chúng ta. Một phần là do các bậc cha mẹ chỉ lo làm giàu, ít chịu quan tâm đến giáo dục và chăm sóc con cái. Họ cứ tưởng là mỗi ngày hay mỗi tuần đưa tiền cho con ăn xài thỏa thích là đã đầy đủ bổn phận với chúng rồi, còn chuyện chúng có đến trường, có đi học hay không họ chẳng hề biết đến. Các em sẵn có tiền, lao vào theo chân các bạn bè xấu, trộm cắp, xí ke ma túy, thanh toán nhau, và cuối cùng là vào tù. Đến lúc đó các bậc cha mẹ có hối hận thì cũng đã quá muộn! Nhưng cũng đã có rất nhiều em học sinh đã làm vẻ vang dân tộc, và đã nhiều lần được nêu tên ca ngợi trên báo chí hay trên truyền hình, đã có rất nhiều gương thành công của những người trẻ Việt Nam trên thương trường và cả trên chính trường nữa. Do đó tôi nhận thấy là nếu muốn bắt chước thì nên bắt chước những cái hay, cái tốt của Mỹ, còn những cái hư, cái xấu thì chúng ta nên tránh xa. Không phải cái gì Made in USA cũng đều tốt cả đâu!

Một biến cố đau thương ập xuống trên gia đình tôi, và sau đó tôi lại bị thất nghiệp lâu hơn, gần ba năm! Vừa khủng hoảng tinh thần sau cái chết của người vợ, vừa bị thất nghiệp, tôi tưởng đã gục ngã không chịu đựng nổi. Nhưng vì tôi bây giờ là trụ cột chính trong gia đình, phải nêu gương cho hai đứa con sẵn sàng đương đầu với phong ba bão táp của cuộc đời, nên tôi đã phải đứng dậy và ghi danh đi học trở lại sau hơn ba mươi năm rời xa chữ nghĩa.

Những ngày đầu tiên trở lại môi trường đại học mà tôi rất quen  thuộc trước đây ở Việt Nam, tôi vẫn thấy lạ lẫm và bỡ ngỡ, phương pháp giảng dạy của các giáo sư thật hay, thật lạ. Sách giáo khoa được soạn một cách rất khoa học, đi từng bước một để giúp các sinh viên theo dõi bài học dễ dàng. Phương tiện giúp sinh viên học tập tốt rất đầy đủ, từ máy móc, các trợ huấn cụ, các phòng Lab với thật nhiều Computer, các trung tâm luyện cho sinh viên viết đúng đã làm tôi choáng ngợp. Và cũng nhờ các giáo sư tận tâm chỉ dạy, tôi đã học xong chương trình hai năm, và đã được nhận vào làm tại Assessment Center của Golden West College gần ba năm nay.

Hai đứa con tôi thì cháu trai lớn đã tốt nghiệp Doctor of Pharmacy ở USC hai năm trước và đang làm việc tại một bệnh viện ở Torrance, còn cháu gái thì đang học năm thứ hai tại trường OCC và Golden West.

Nước Mỹ không những là một cường quốc về kinh tế tài chánh mà còn là một đất nước có một nền giáo dục tốt nhất thế giới. Hãy tận dụng nó để học và để thu nhập những kiến thức hiện đại nhất.

Viết về những gì tôi đã trải qua trong hơn mười hai năm sống trên đất Mỹ, tôi muốn chia xẻ với tất cả những người di dân như tôi về những khó khăn mà chúng ta sẽ gặp phải và những thành tựu mà chắc chắn chúng ta sẽ có được trên quê hương mới này. Đừng bao giờ quên rằng đất Mỹ là vùng đất của thật nhiều cơ hội tốt đẹp, the land of the opportunities, cho những người có ý chí.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,213,090
Nhạc sĩ Cung Tiến