Hôm nay,  

Hẹn Gặp Năm Tới, Năm Tới Nữa

09/09/200600:00:00(Xem: 32204)

Bài số 1094-1703-416-vb7090906

Tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2001, với bài viết "32 Năm Người Mỹ và Tôi". Cho tới nay, bà vẫn liên tục góp nhiều bài viết giá trị cho giải thưởng. Hiện bà cư trú tại Boat City, Marina del Rey, California; Công việc: giám khảo của Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles, California. Sau đây là bài viết mới nhất của bà.

*

“…Thừa thắng xông lên, cánh phụ nữ và mấy cô “bé viết văn Việt” còn bắt cóc tác giả Nguyễn Duy An chụp hình chung. Nhìn tấm hình anh An một mình ngồi thu lu  giữa các cô thiệt y chang  “hoa lạc giữa rừng gươm”. Vui quá là vui!”

Chúa nhựt tuần rồi chị em tui đi tiệc phát giải Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo tổ chức tại quận Cam.

Khi được lời nhắn " chúa nhựt ba bà nhớ ghé qua Việt Báo rồi tối qua nhà hàng luôn nghe" là chị em tui bắt đầu hỏi nhau:

- Ê. Tính bận áo nào"

Tui trả lời lững lờ:

- Ai biết. Chaaa, lúc nầy sao lên cân quá trời, cái bụng chì bì vầy làm sao lọt vô cái áo dài màu xanh. Mầy có cái nào rộng rộng cho tao mượn coi.

Em tui nói:

- Xời. Bà bự hơn tui, áo của bà còn bận hổng vừa, cái lưng như tấm thớt me vậy làm sao bà nong vô áo tui cho vừa" hay là may đại cái khác đi"

Tui nói:

- Thôi mầy. May cái áo bận được một hai lần rồi cũng hết vừa. Thôi để tao tháo "ben" ra, cũng nới ra được cở hai ba phân. 

Thế đó, năm nào cũng vậy, sáu năm qua rồi, lẹ như tên bắn.

Nhớ lần đầu tiên tui biết về cuộc thi viết nầy là lúc đang ngồi trong hãng, trước cái máy computor đang tính sổ hàng vải thì em tui hỏi:

- Ê, bà viết bài dự thi hông" báo nầy đang ra giải thưởng nè. Giải ba chục ngàn  đó bà.

- Xạo mầy. Viết văn gì mà thưởng lớn dữ vậy"

- Trời ơi để tui in ra cho bà coi nè. Thể lệ nè. Viết đi.

Tui cầm tờ thể lệ lên coi......

- Thôi. Tao làm biếng bỏ dấu lắm mầy.

- Viết đi, tui bỏ dấu dùm cho rồi gởi đi luôn. Để tui in ra vài bài cho bà đọc nè. Có ngừơi viết hay lắm mà cũng có người kể chuyện làng nhàng hệt chuyện bọn mình. Bà viết được mờ. Viết đi. Tui mới gởi một bài đi rồi.- Xời, vậy sao" Nhỏ nầy bí mật dữ ta, viết văn nầy nọ mà dấu từ nào tới giờ vậy"

- Thôi đừng có hỏi lôi thôi, một xấp nè, cỡ 10 bài rồi đó, đem về đọc đi rồi viết.

Đó là điểm bắt đầu cho tất cả những bài tui đã viết và gởi vô Việt Báo dự thi.

Tui đọc bài của cụ Nguyễn Gia Mai vui và cảm động lắm. Cụ 89 tuổi mà còn hoạt động vui vẻ quá. Rồi tui đọc một bài về gia đình ngừơi nầy vợ đi làm chồng ở nhà làm nội trợ, một cuộc đổi đời "đau đớn", rồi chuyện cậu học trò lớp Anh văn  Nguyễn Văn Luận đón ông Phó Tổng Thống Huê Kỳ Nixon thăm Hà Nội năm 1953, được ông tặng tấm post card Nữ Thần Tự Do… Ở lại miền Bắc sau  khi đất nước chia đôi, vì cái bà thần tự do này mà ông phải ra tù vào khám, mãi gần nửa thế kỷ sau mới tới được với bà… Câu chuyện  làm cho tui hiểu ra. À, đây là nơi cho mình tự do muốn viết gì cứ viết, viết thiệt tình. À, đây là chỗ cho mình viết chuyện để sau nầy hy vọng cho con cháu mình đọc để biết ông bà cha mẹ chúng đã qua Mỹ bằng cách nào sống ra sao... A, tui có đề tài rồi. Thiếu gì chuyện để viết. Ngay tại chỗ mình làm việc nè, bao nhiêu là chuyện.

Thế là bài "Một Ngày Làm Việc Tại State Board" thành hình. Ngày đó tui gõ xong, in ra đưa cho hai đứa em, đang làm chung, ba đứa ba cái bàn viết quây theo hình chữ U, cho tụi nó "duyệt" trước.

Tụi nó vừa đọc vừa cười hì hì hì.

Rồi xúi "gởi đi gởi di"

Thế là bài đầu tiên gởi tới Việt Báo dự thi Viết Về Nước Mỹ.

*

Kỳ nầy là lần thứ sáu rồi đó. Sáu năm, cả ngàn bài viết, thú thiệt, bài nào tui cũng đọc nhưng không thể kể hết. Thôi thì nhớ đâu viết đó  nha.

Ờ, nhớ tên ông Phạm Hồng Ân hớ. Tại vì bài của ông cảm động, chạm mối thương tâm của tui nên nhớ lâu, đó là bài "Ba Tôi" có đoạn kể ngày ba ông chở ông ra phi trường đi du học bên Mỹ. Ông viêt "Ba tôi lầm lũi đèo tôi trên chiếc xe đạp với cái valy nhẹ tênh bám chặt trên tay..." làm tui ứa nước mắt, nhớ ba tui...

Bao nhiêu bài người ta viết cho mình đọc đã đời. Mỗi bài một chuyện, mỗi chuyện là một khía cạnh của đời sống. Thì ra biết bao nhiêu ngừơi cũng cùng hoàn cảnh như mình, càng đọc càng thắm thía. Ông Nguyễn Tá Hân viết bài "Nửa Đêm Gọi Má Ơi" nói về bà mẹ "đứng đái" như đàn ông. Làm việc cực nhọc như đàn ông, bà đã quên mình là đàn bà!

Có những bà mẹ, bầy con đứa bên nầy đứa bên kia cầm súng bắn nhau gì đó, nhắc lại cả một cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt, cuộc chiến đã đẩy chúng ta qua tận bên đây, nửa quả địa cầu.

Tui nhớ bài "Tàn Tật Không Phải Là Tàn Đời" của Nguyễn Hà, tự truyện của  cô bé bẩm sinh  mờ mắt, khi ở quê nhà bị trường chê, bạn chọc ba… trăm cay nghìn đắng để  tốt nghiệp Á khoa ở  đại học Fullerton. Ba em là người đã thúc đẩy em ráng học bù lổ, tiếc thay ông đã mất trước khi được thở không khí tự do...

Tui như nghe tiếng rao chè của đứa con gái lai: "Ai ăn chè xôi nước, chuối chưng nước  dừa hôn... " tác giả Helen Le đã kể chuyện ngừơi rồi kể chuyện mình, mấy cha con sống chen chúc trong chung cư, vậy mà cô bây giờ đã là một dược sĩ hay một bác sĩ gì đó, và cô bé lai ấy cũng đã được sống trong thế giới tự do, cuộc đời sáng lạng hơn xưa.

Tôi cũng nhớ bài văn của ông Tân Ngố về những ngừơi làm Bên Bờ Freeway, lương chót bẹt là 30 đô một giờ, dễ thương và có lòng.

Và còn bài nào nữa"

Người thầy có nhiều học trò nhứt quận Cam là ai" chắc nhiều vị sống ở quận Cam và vùng phụ cận biết tên thầy mờ, qua "Một Ngày Dạy Traffice", giờ nghỉ trưa, thầy trò rủ nhau đi xơi phở gà. Ngon chưa!. Và thân tình biết bao.

Còn những tấm gương sáng, những bộ óc phi thường, những di dân những thuyền nhân, những "Phốp" (Fresh Off The Boat) từ thuyền mới lên bờ, đã trở thành những  khoa học gia,  bác sĩ, luật gia, những nhà chính trị, đều có mặt trong sáu cuốn sách Viết Về Nước Mỹ nầy.

Năm 2001, hai tuần sau ngày nước Mỹ bị bọn khủng bố tấn công, Việt Báo đã có buổi phát giải Chung Kết lần thứ nhứt, cùng làm lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập tờ Việt Báo. Nỗi vui mừng hãnh diện được lãnh giải không làm mờ đi hình ảnh kinh hoàng về ngày 11 tháng 9.

Làm sao mà quên được ngày 11, tháng 9 hai chiếc máy bay xắn vô hai toà nhà chọc trời, làm sụp đổ hai toà nhà Mậu Dịch của thế giới cũng đã được viết lên bằng tất cả sự xúc động chân thành của những người cầm viết tài tử, họ tuôn xuống trên giấy trắng mực đen, viết bằng cả tấm lòng đau xót cho thân nhân những nạn nhân của cuộc khủng bố tàn nhẫn đó, cho một Tiểu Hợp Chủng Quốc đang bị nạn tai.

Những lá thơ Viết Từ Chiến Trường Iraq, và trên sa mạc nắng cháy, những ngừơi quân nhân Mỹ gốc Việt nầy, dù làm bổn phận công dân Mỹ, nhưng không quên gốc Việt, đã hãnh diện dựng lên lá cờ vàng ba sọc đỏ của miền Nam Cộng Hoà, làm vinh dự luôn cho tất cả chúng ta, những người đã phải rời xa quê hương xứ sở sống tạm nơi đây.

Trở lại đời sống hằng ngày, có tác giả đã kể về sự đau đớn của ngừơi mang bịnh thận, đọc cười ra nước mắt, thấy rõ cái đau của “Chồng Tôi Bị Sạn Thận.”  

Có những "bà mẹ độc thân," "một mình nuôi con." Đời sống vợ chồng lở dở nhưng mất đầu chồng được đầu con, họ nuôi nấng dạy dỗ con cái nên người, vừa làm mẹ vừa làm cha, đáng được gắn huy chương.

Nếu không có Viết Về Nước Mỹ, làm sao tui biết được có ngừơi mẹ như bà Trần Lệ Chi, đã gạt nước mắt gởi đám con thơ tứ tán, để rồi 16 Năm Đi Tìm Con, gặp lại đủ đám con, chứng tỏ ông Trời có mắt.

Những ngừơi chia sẻ với ta Cách Mở Một Nhà Hàng, chỉ hai vợ chồng đứng ra chịu đựng. Người trong bếp kiêm đủ thứ việc người bên ngoài cũng đủ thứ kiêm, xây dựng nên vài cái nhà hàng vừa kiếm sống cho mình vừa giúp đỡ bà con họ hàng  nữa.

Rồi có người dạy cách mở Trừơng Dạy Làm Nail, và những ngừơi thợ làm nail, với lời lẽ vui tươi dí dỏm, trên đường đi làm, có khi xe kẹt nuối đưôi nhau, là lúc cô có những ý để kể cho chúng ta nghe Vui Buồn Nghề Nail..

"Phai mí nịt phai mí nịt" (năm phút, năm phút), lời mở đầu của cô thợ làm nail mời chào khách, nếu không viết ra làm sao ta biết những ngừơi thợ lao động tay chân vất vả nầy chạy toàn là xe "mẹc xi đì""

Những ngừơi suốt ngày ôm chân khách Mỹ đen để nuôi đàn con cho học hành đàng hoàng, tương lai là những bác sĩ kỹ sư, đâu thiếu"

Những tấm gương cần cù đó, không viết ra thì ai mà biết"

Chưa hết đâu. Cái tượng đài tử sĩ Mỹ ở thời chiến Việt Nam ở New Jersey như Giọt Nước Mắt đó, do ai vẽ lên" Người Việt chớ ai. Kiến trúc sư Việt. Tinh thần văn hoá Việt. Tác giả bài viết, Nguyễn Văn Hưởng cũng từng làm cho tui cảm động thấm thía với bài Hoa Ve Chai. Đi lượm ve chai để dồn tiền giúp bà con bên nhà. Ve Chai nở hoa vì lòng nhân hậu. Đẹp chưa"

Còn nữa, còn bài Cây Chuối Sứ của Lê Như Đức.  Trời đất ơi, chúng ta đem quê hương thứ nhứt  trồng vô lòng quê hương thứ hai, và chia sẻ nhau cho nó nẩy mầm và lan tràn, thành một tiểu quốc trong lòng Hợp Chủng Quốc nầy.

Và bên những kết quả thành công cũng có những phiền muộn những thất thoát và đau khổ. Những Người Vợ Li Dị, gần hết cuộc đời của những ngừơi đàn bà Việt Nam, vì lễ giáo, vì thương con, muốn con có cha có mẹ, cho nên phải đành sống trong những cuộc sống đồng sàng dị mộng, không ít.

Bên những sự thành công những điều hạnh phúc cũng có những sự thất bại những mất mát đớn đau, cái chết của một chàng trai con lai, đã làm tui xốn xang trong lòng. Cái chết của người thanh niên đồng tình luyến ái, ai nói không buồn không đau"

Những ngừơi làm vườn trồng hoa cho tươi nhà của ngừơi, mình cũng vui lây, lòng phơi phới!

Những đôi bàn tay bưng từ thùng phở, những người chạy xe cho mau giữ  những cái bánh Pizza còn nóng để khách không chê, là những mẩu đời chịu đựng.

Có ngừơi phải vác trên vai những tấm trải giường nặng hơn sức nặng của cơ thể mình, để may, để vắt sổ, kiếm từ đồng phụ chồng nuôi con.

Những ngừơi bồi bếp, lao công... bất cứ việc làm nào cũng sẵn sàng chịu đựng mà vượt qua, vượt qua.

Và rồi cũng có mấy ông mấy bà gần hết đời, ly dị nhau, trở về Việt nam rinh cô thiếu nữ tuổi còn "măng sữa" hay anh chàng kép nhí về Mỹ để rồi một thời gian sau bị đá đít, cũng được đem ra nói cho người để ý và... coi chừng!

*

 Cái năm đầu tiên, cuối năm 2000, tiệc làm tại thư viện cựu Tổng Thống Nixon vì có sự liên hệ ngẩu nhỉên của ông và người được lảnh giải Viết Về Nước Mỹ chính thức, ông Nguyễn Văn Luận, tên hiệu là tự do (không viết hoa)

Trong số các vị giám khảo có nhà văn nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, từ từ bước lên sân khấu, đứng trứơc bục, ngó qua ngó lại, mĩm cười, tay móc túi rút ra tờ giấy nhỏ xếp làm tư ra và từ tốn, mạch lạc rõ từ lời, nói về... thiệt tình tui cũng hổng nhớ rõ, vì lòng dạ tui đang tưng bừng nở hoa, không ngờ mình có dịp gặp gỡ những ngừơi mà hồi còn ở Việt nam dễ gì được gặp. Nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh đây, nhà văn Nhã Ca của Mưa Trên Cây Sầu Đông, nhắc tui nhớ cả một thời Trung Học, và duyên dáng thướt tha trong chiếc áo dài là nữ xướng ngôn viên đài truyền hình số 9, cô Leyna Nguyễn cầm micro giới thiệu chương trình. Đặc biệt trong dịp nầy, xướng ngôn viên Phạm Long cũng đã đọc bài Nữ Thần Tự Do của tác giả Nguyễn Văn Luận.

Có ai còn nhớ chuyện của Cao Huynh, "Cái Điếu cầy Của Cha Tôi" từng làm  cả đám an ninh Mỹ AFT và DEA ở Los Angeles phải báo động.

Và dĩ nhiên tui không quên bài bình văn đầy xúc động của nhà bình luận Vi Anh, giám khảo Viết Về Nước Mỹ năm thứ nhất, khi ông gọi "mỗi truyện là một bài thơ sống."

*

Mới đó mà đã 6 năm.

Năm nào mà cô ca sĩ Lê Uyên lên ca bản "Chiều Trên Phá Tam Giang""

Tui nghe bản nhạc nầy nhiều lần, người khác ca, chỉ lần nầy cô Lê Uyên thực sự đã hớp hồn tui. Cô ca xuất thần, ca hết mình, ca với cả tấm lòng. Nghe cô, tui thấy rõ hình ảnh người lính chiến trên phà qua phá Tam Giang, nhìn nước chảy mà nhớ tha thiết tới ngừơi con gái ở Sài Gòn. Bản nhạc lời ca làm nhớ lại cả một khoảng đời thanh xuân ở quê nhà! Nhớ luôn cái chiến tranh tàn khốc!

Nhà thơ Du Tử Lê lên sân khấu. Tui nhớ ông đã nói, ngày xưa ở Miền Nam Việt Nam, một cuốn sách in ra, giỏi đâu một ngàn cuốn, có được ngàn người đọc là thấy may mắn rồi.  Ngày nay, sách báo Việt ngữ ở hải ngoại tưởng là thê thảm hơn. Vậy mà giải thưởng Viết Về Nước Mỹ có cả ngàn người viết bài tham dự.  Sách Viết Về Nước Mỹ in đi in lại. Hàng ngày, biết bao ngàn ngừơi đã đọc trên nhật báo Việt Báo, rồi còn vô Việt Báo Online đọc Viết Về Nứớc Mỹ. Sao lạ vậy" Vì ở đây, người viết về nước Mỹ cũng chính là người đọc, người đọc cũng chính là người viết. "Và với công trình này, Trần Dạ Từ là người đầu tiên đã phá vỡ được bức tường ngăn cách giữa viết và người đọc…" Tôi nhớ nhà thơ Du Tử Lê nói rõ vậy. Ông nói hay, nói đúng. Nghe ông giải thích tôi hiểu ra. Vỗ tay quá trời. Hèn gì…

*

Hơn  1,700 bài viết  đã phổ biến. 6 cuốn sách đã ra mắt.

Viết Về Nước Mỹ vẫn đang tiếp tục năm thứ bẩy.

Hèn gì mỗi năm mỗi phải nới "ben" áo dài.

Vù một cái, đã thấy Họp Mặt năm thứ sáu.

Nhìn tấm hình  lớn các tác giả Viết Về Nước Mỹ chụp chung với anh chị em Việt Báo, chị em tôi thích quá. Mấy năm trước không thấy có màn chụp hình vui vẻ này. Tôi biết, sở dĩ có màn này là do chuyện tác giả Nguyễn Duy An, người lãnh giải chung kết năm thứ sáu, kể khi phát biểu vào giờ chót.

Nguyễn Duy An là người Á Châu đầu tiên trở thành cấp lãnh đạo của National Geographic, hiệp hội văn hoá khoa học bất vụ lợi lớn nhất thế giới.  Hàng năm, hiệp hội này được nhờ huy động toàn lực để chụp tấm hình lớn có Tổng Thống Hoa Kỳ đứng chung  với các nhà lãnh đạo  hành pháp, tư pháp, lập pháp. Hình cả trăm mặt người, mặt nào cũng là mặt lãnh đạo, phải đầy đủ, rõ ràng, đẹp đẽ. Đâu phải dễ ăn. Là Senior Vice President đặc trách information technology của National Geographic,  anh An lãnh phần tổng chỉ huy vụ chụp hình này. Và anh kể, có lần ngay tại hiện trường, một anh Mỹ (cắc cớ hay cắc ké) chỉ ngay mặt vị tổng chỉ huy mà la to là anh kia cút đi chỗ khác.  Vậy đó, làm gì đi nữa vẫn  da vàng mũi tẹt. Tốt nhất  xin hãy là chính mình, giữ lấy nguồn gốc và bản sắc văn hoá Việt Nam của mình.

Anh An nói xong, tôi và đám đông nhào tới xin chữ ký thì nghe từ phía các phó nhòm có tiếng la "Chụp hình chung. Chụp hình chung."

Vậy là nhờ anh An gợi ý mà có  màn vui này.

Thừa thắng xông lên, cánh phụ nữ và mấy cô “bé viết văn Việt” còn bắt cóc tác giả Nguyễn Duy An chụp hình chung. Nhìn tấm hình anh An một mình ngồi thu lu  giữa các cô thiệt y chang  “hoa lạc giữa rừng gươm”. Vui quá là vui.

Họp mặt năm thứ sáu cũng khác các năm cũ. Trước buổi lễ chính ở nhà hàng, còn có thêm tiệc trà mời riêng các tác giả Viết Về Nước Mỹ tại trụ sở Việt Báo.  Tất cả rôm rả bàn chuyện in  sách bìa cứng, dịch các bài viết sang tiếng Anh. Nhiều anh chị hứa giúp và nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa, trưởng ban tuyển chọn chung kết, đã cười cười hăm sẽ đòi nợ từng người.

Ước gì bộ sách Viết Về Nước Mỹ của chúng ta một ngày nào đó sẽ được dịch ra nhiều thứ tiếng để những cuộc đời những tấm gương sống tiêu biểu cho thế hệ di dân Việt Nam đầu tiên nầy tung cánh ra khắp thế giới.

Ta cần phải cho cả thế giới biết: dù sống trên xứ người, phải hội nhập với đời sống ở đây, cũng không quên lề thói của dân tộc ta. Những lời mẹ dạy con, lời chị dạy em, lời em gọi người anh đi hoang hãy trở về gia đình... nói lên tình cảm gia đình khắng khít bao nhiêu" Của vợ thương chồng, của chồng lo cho vợ, của hàng xóm láng giềng, bao nhiêu điều mà phải gần hết cuộc đời tui mới hiểu.

Như những người bạn thân ngồi với nhau kể chuyện đời.

Những gì tốt của ta ta nên giữ, những gì hay của ngừơi ta nên theo.

Cho tới nay, mỗi ngày, vô Việt Báo Online đọc bài mới Viết Về Nước Mỹ, tôi vẫn  thấy "Lạ thay, những người chưa gặp, chưa quen mà sao thấy thân thiết. Không thân, sao mang chuyện nhà ra kể cho nhau nghe" Toàn những chuyện đã bao năm nuốt xuốt, nuốt xuống. Hàng ngày đọc những bài Viết Về Nước Mỹ, tôi có cảm giác ấy. Thấy thương người, thương mình. Thương tới muốn khóc, muốn kể, muốn viết." Đó là cảm giác đã ghi từ năm đầu tiên. Sáu năm, bẩy năm, nhiều năm, chắc cũng vẫn thấy vậy.

Mới đây, tôi vừa đọc bài "Hồi Ký Viết Muộn về buổi họp mặt 27-8-06" của tác giả Phạm Đình Ninh.  Trong bài có trích email của chị Lê Tường Vi  viết cho anh, rằng Viết Về Nước Mỹ giống như cây cầu nối giữa các thế hệ.

Thiệt đúng quá đi. Mong cây cầu nối sẽ nối mãi, nối mãi.

Mong các thế hệ kế tiếp sẽ phân tách và hiểu rõ ý chí của bộ sách Viết Về Nước Mỹ để đời nầy.

Mong ngọn lửa chung đã được đốt lên, ta chuyền tay nhau mà gìn giữ, cho sáng rực hoài hoài, mãi mãi...

Hẹn gặp năm tới, năm tới, năm tới nữa…

Trương Ngọc Bảo Xuân

Ngày 08 Tháng 09 Năm 2006

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,025,019
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến