Hôm nay,  

Một Chặng Đường Đời

23/01/200600:00:00(Xem: 109928)
Người viết: NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG

Bài số 918-1518-242-vb2012306

*

Tác giả Nguyễn Viết Trường, cư dân Rosemead, CA, đã góp bài viết về nước Mỹ trong mùa bão lụt vừa qua. Ông là cựu sĩ quan phi công Không Lực VNCH (khóa 64C SVSQPH), cựu tù nhân của CSVN, tới Mỹ theo diện HO8, từng là Đại diện hội Ái Hữu Không Quân miền trung California tại Los Angeles (13 năm), cựu trưởng ban tổ chức Hội chợ Tết LA 2003, chủ nhiệm kiêm chủ bút Đặc San Phi Đoàn 116. Bài viết mới của ông lần này là một tự truyện với nhiều chất liệu sống.

*

Tôi ra khỏi trại tù Cải Tạo Vĩnh Quang (Vĩnh Phú) ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa,sau nhiều năm bị đọa đầy cả về thể chất lẫn tinh thần, lòng như trai đá sau những dằn vặt, oan trái của cuộc sống nhưng tinh thần thì thật vững vàng, sẵn sàng chờ đợi những gì sẽ xảy ra cho mình, lòng tự nhủ lòng:

Ngày tôi vào trại Cải Tạo, hành trang mang theo là hình ảnh vợ trẻ và hai con dại ngơ ngác trước bao diễn biến khôn lường của cuộc sống mới.Sau ba năm ly biệt thì được tin vợ đã lập gia đình mới, với một người đàn ông lớn tuổi đã có mấy mặt con, lúc đó lòng Tôi như tê dại, có những đêm Tôi trùm mền, với ngọn đèn dầu tự tạo, len lén lấy những lá thư của thân nhân gửi đến mang ra đọc, nghiên cứu, và tự nhận ra được mình đã thật sự mất người mình thương yêu từ đây"

Trong cùng cực của nỗi nhớ, của đớn đau, tôi đã thấy rõ được bản thân. Cũng chính vì những ngang trái của đời mình mà tôi đã phát sinh một triết lý sống: “Phải lạc quan mà sống, Phải thương mình hơn chút nữa. Khi gặp chuyện chưa thể giải quyết ngay thì hãy bỏ sang một bên, sẽ có lúc giải quyết được thôi! Luôn tâm niệm đừng nên quan trọng hóa vấn đề nào cả. Người ta làm được mình sẽ làm được...”

Cũng chính nhờ cái triết lý đó mà tôi đã giữ vững được tinh thần và thể chất trong suốt thời gian còn lại trước khi ra khỏi trại Cải Tạo!

Ngày ra trại, tôi thấy dửng dưng một cách kỳ lạ! Khi về đến SaìGòn, trời đã tối, bằng xe ôm, tôi đã chạy qua nhà cũ của mình, nhìn lên lầu, đèn vẫn còn sáng. Chẳng hiểu hai con tôi giờ đã ngủ chưa" Vợ tôi chắc còn thức" Nàng có biết chăng ngoài đường, tôi đang bàng hoàng đứng nhìn vào nhà, mà không vào được!một nỗi lạnh thấm buốt thịt da, quặn đau trái tim và làm mờ đôi mắt… nghĩ cho cùng, vào làm chi khi sẽ phải chứng kiến cảnh nát lòng…

Sau một hồi suy nghĩ, tôi nói với người lái xe ôm hãy cho tôi về nhà Cha Mẹ tôi, như vậy là thượng sách.

Người mở cửa cho tôi vào là Mẹ tôi. Bà cụ thật mừng khi thấy tôi bình an trở về nhà. Hình ảnh bà lúng túng mở khóa cửa, nói không nên lời, cho tôi hiểu ra được Mẹ tôi thương tôi lắm. Dù xa xôi cách trở, bà đã lặn lội thăm nuôi tôi, những ngày tôi còn trong lao tù cải tạo tại miền Bắc… Tôi nhẹ ôm lấy Người mà nước mắt lưng tròng, khóc cho phận mình sao quá long đong để Mẹ cứ phải quan tâm nhiều đến mình như vậy"

Mọi người trong nhà hiểu được tâm trạng của tôi, nên ai cũng khuyên tôi nên nghỉ ngơi một thời gian cho khoẻ, ăn uống tẩm bổ vào cho “lại”người, rồi muốn tính gì thì tính .

Tôi cũng cảm thấy như vậy là đúng, nên cố nén thương đau mà tự lo sức khoẻ cho mình trước đã!

Nhớ lúc còn ở trong các trại tù, chúng tôi thường có những “bữa cơm hàm thụ” trước giờ ngủ để giúp nhau quên đói. Nói là hàm thụ vì chỉ là tưởng tượng mà thôi! Cả bọn nằm yên, lắng nghe một người kể… đại khái người kể sẽ đặt mình vào vị trí của người đi chợ, mua thức ăn, làm đồ ăn, và mời mọi người cùng ăn!

Sau ít ngày ngày đêm trằn trọc khôn nguôi, tôi nhờ cô em gái thu xếp cho tôi gặp lại hai đứa con. Thoạt đầu, hai con tôi cũng ngỡ ngàng lắm, không nhận ra Tôi là ai, nhưng sau khi biết sự thật chúng mừng lắm, sung sướng hiện rõ trên nét mặt thơ ngây. Tuy lòng nát tan nhưng tôi vẫn phải vui cười gượng gạo và hẹn ngày xum họp…

Tôi gặp lại vợ (nay đã là vợ người khác) thấy nàng đang bụng mang dạ chửa sắp sanh đứa con thứ hai cho người chồng mới, nên chẳng biết nói gì hơn là thỏa thuận với nàng, sẽ bắt hai đứa con của tôi khi tôi có cuộc sống ổn định. Nàng cũng đồng ý như vậy, nên tôi cũng thấy an tâm và an ủi phần nào…

(Sau khi trao lại hai đứa con cho tôi, một thời gian sau, Nàng đã đi vượt biên bằng đường thủy, nhưng đã không được may mắn, Nàng cùng hai đứa con sau đã thọ nạn trên biển Đông, thật oan trái cuộc đời. Theo như Nàng báo mộng cho mẹ nàng và đứa con lớn của tôi, thì Nàng đã bị bọn Hải Tặc Thái Lan làm nhục, nên chống cự và sau đó chúng đã chặt Nàng ra làm nhiều khúc. Nghe con nói lại Tôi cũng bàng hoàng vô ngần. Cầu mong bên kia thế giới Nàng sẽ được an lành, hạnh phúc hơn. Di ảnh của Nàng đã được người vợ sau của tôi tự động chọn ngày tốt và đặt trên bàn thờ, để thờ, ngày giỗ là ngày Nàng ra đi vượt biên…)

Thành phố và Quận bắt tôi phải đi vùng “kinh tế mới”, nhưng tôi cứ gan lỳ không đi. Mẹ tôi phải đút lót cho Công An khu vực đều đều nên tôi mới có thể tiếp tục cư trú bất hợp pháp tại nhà Cha Mẹ.

Hầu hết những Quân Nhân Chế Độ cũ sống một cuộc sống khó khăn vất vả sau khi ở trại tù ra, người nào yếu bóng vía thì đành phải đi vùng kinh tế mới, nhưng một thời gian sau cũng phải trở về thành phố kiếm sống qua ngày. Tia sáng hy vọng cho cuộc sống tương lai của hầu hết mọi người chúng tôi, chỉ là đào thoát ra nước ngoài bằng nhiều cách khác nhau.

Riêng tôi sau một thời gian nghiên cứu tình hình Xã Hội, Tôi thấy sự hiện hữu của một người đàn bà trong cuộc sống hiện tại của tôi là bức thiết, do đó Tôi đã mạnh dạn quen biết một số phụ nữ, mong có một lá chắn cho cuộc sống của mình, trước khi tính những chuyện xa hơn. Tôi hình dung người đàn bà tôi sẽ cùng chung sống phải là người biết làm ăn, tháo vát, đã có kinh nghiệm về cuộc sống “đá vàng”, biết được khổ đau trong cuộc sống tình cảm và vật chất… vì có như vậy khi gặp nghịch cảnh mới khó bị chao đảo, và không bỏ tôi vì những lý do thường tình của cuộc sống đọa đầy này!

Trời Phật chẳng phụ lòng người, tôi đã gặp được người phụ nữ đó!

Chúng tôi gặp nhau, hợp tính hợp nết và quyết định sống chung với nhau sau vài tháng quen biết. Nàng đã ly thân với chồng hơn ba năm rồi, hai người đã có hai con với nhau, chúng hiện vẫn còn ở với Bà Nội, còn nàng sống chung với gia đình một người bạn gái gần nhà cha mẹ tôi, hàng tháng vẫn cấp dưỡng cho hai con và thường xuyên săn sóc chúng.

Được biết Nàng đã từng phụ Mẹ Chồng buôn bán giày dép trên đường Lê Thánh Tôn thời gian còn làm dâu, nên tôi hàng ngày ra các khu giày dép để tham khảo và làm quen với bạn hàng ở đó, hầu khi bước tay vào làm ăn sẽ không bị bỡ ngỡ.

Tôi thấy khu buôn bán giày dép bình dân ở đường Lê Thánh Tôn, đa số khách hàng là những con buôn đường xa hoặc những người lao động ít tiền, hoặc giới trung lưu. Khu buôn bán giày dép sản xuất từ nước ngoài, loại hàng cao cấp, thì ở đường Tạ Thu Thâu, dân có tiền, như Cán Bộ Việt Cộng, hoặc những người có thân nhân ở nước ngoài gởi tiền về cho thường mua hàng ở khu này.

Sau khi nắm chắc mọi yếu tố, tôi quyết định sẽ bán và sản xuất loại giày dép đắt tiền duới dạng giày dép ngoại quốc, và là loại cho phụ nữ, vì chỉ nữ giới mới thích thời trang, mua sắm thường xuyên là thú thời thượng mà!,

Thoạt tiên, tôi mua một đôi giày phụ nữ sản xuất tại Italy, tự tay tháo ra, sắp xếp thành từng bộ phận, nghiên cứu từng công đoạn hình thành, và sự khác biệt về mẫu mã, chất lượng, cách cấu trúc và vật liệu giữa đôi giày ngoại và nội. Sau đó tôi gặp một người thợ sản xuất giày dép nội và đề nghị hợp tác làm ăn. Người thợ này là một thanh niên có học thức, đang học đại học thì phải bỏ học để làm ăn vì hoàn cảnh gia đình, thấy tôi phác họa chương trình làm ăn khúc triết và có “lý” nên đã đồng ý liền…

Thế là chúng tôi bắt đầu thực hiện, hàng làm ra bán dưới dạng hàng cao cấp, bán có bảo đảm nên dù bán cao cách mấy người mua cũng hài lòng. Dân mua sỉ, mua hàng của chúng tôi xong họ chở ra biên giới và bán lại cho con buôn dưới dạng hàng ngoại (dĩ nhiên nhãn hiệu đã được thay đổi cho phù hợp).

Có nhiều lúc tản bộ trên đường Tạ thu Thâu thấy hàng của mình bày bán với giá trên trời dưới đất tôi cũng phải phì cười. Vợ chồng tôi có một gian hàng ở đường Lê Thánh Tôn, nhưng sau đó chúng tôi di chuyển vào trong chợ Bến Thành, và có hai gian hàng bán giày dép nằm ngay khu trung tâm của Chợ nên rất đắt khách. Hàng sỉ làm ra không kịp để tiêu thụ, ai chậm tay là không có hàng. Vợ tôi có “gien” buôn bán nên chúng tôi “phất” lên rất mau, mặt hàng bán lẻ cũng được khách hàng chiếu cố rất nhiều, đa số nghệ sĩ đương thời cũng mua giày dép ở gian hàng của vợ chồng Tôi như : Bạch Tuyết, Phượng Liên, Ngọc Huyền bên Cổ nhạc, Ngọc Bích, Cẩm Vân, bên tân nhạc, Mai Phương bên kịch nghệ, điện ảnh v.v…..

Trong thời gian này, bất cứ khi nào gặp anh em bạn tù cải tạo cũ, hay những chiến hữu Không Quân, hoặc những người kém may mắn, vợ chồng chúng tôi đều sẵn sàng giúp đỡ tận tình, thậm chí còn đưa vốn cho làm ăn. Một số người tôi thường gặp lại khi sang bên Mỹ này.

Tôi còn nhớ dạo ấy có một tối, đang ngồi xem T.V cùng gia đình, con mèo tôi nuôi đã đẻ ngay duới chân tôi. Lần đầu thấy mèo đẻ trước mặt tôi cũng ngạc nhiên lắm, cả ba con mèo con mới sanh tôi đều cắt lấy “nhau” , ngâm rượu rồi đem phơi khô, một cái cho em ruột tôi, một cái đưa cho vợ, còn một cái tôi giữ bên mình… Người xưa thường nói có được “nhau” mèo là hên lắm, mà có ba cái là chẳng bao giờ sợ nghèo. Chẳng biết điều này có đúng không nhưng phải nói từ đó về sau tiền vô như nước, mọi chuyện đều hạnh thông…

Hai cái “nhau mèo” Tôi cho em Tôi và Vợ Tôi chẳng hiểu sao về sau họ làm mất lúc nào không biết, chỉ còn tôi là còn giữ được cái “nhau” cuối cùng đến bây giờ!

Ngày gia đình tôi đi Mỹ theo diện HO, nhà cửa xe cộ và vật dụng trong nhà vợ chồng tôi đều tặng không cho một số người thân, sau khi đã chuyển một số tiền qua Mỹ cho anh tôi giữ hộ,

Gia đình sang Mỹ với một Vợ, một Chồng và bốn đứa con gái gồm hai con riêng của tôi, một con riêng của vợ tôi (một đứa cháu trai nữa của vợ tôi còn ở lại với Bố của cháu, nhưng về sau khi Bố cháu bằng lòng ký giấy cho phép xuất cảnh thì tôi cũng đã bảo lãnh cho cháu sang) và cuối cùng là một con của tôi và vợ Tôi… Nói một cách khác gia đình Tôi gồm con em, con anh, con chúng ta…tuy khá phức tạp như vậy , nhưng nhờ Hồng Phước Trời Phật cho, nên gia đình thuận hòa trên dưới, các con Tôi thương yêu nhau chân thành và trong nhà không bao giờ có tiếng bấc tiếng chì. Thật muôn vàn đội ơn Trời Phật…

Đã từng sống ở Mỹ những năm trước đây, lại học hỏi được kinh nghiệm sống của bạn bè, người thân, nên tôi ý thức được mình sẽ phải làm gì cho phù hợp với nếp sống mới.

Thời gian mới đầu, các con chúng tôi vì còn trẻ nên chúng dễ thích hợp ngay với cuộc sống hiện taị. Vợ Tôi ngoại ngữ chưa rành lại phải bó mình trong bốn bức tường cả ngày nên tủi thân khóc hoài, Nàng cứ đòi về lại Việt Nam vì ở bên này xa lạ quá …nhưng thời gian sau có công ăn việc làm rồi thì mỗi khi Tôi nhắc lại chuyện này Nàng đều lảng tránh, làm như không có chuyện đó xảy ra !

Tôi khẳng định với các con mình: Sống ở Hoa Kỳ không sợ đói, ai siêng năng cần mẫn sẽ thành công. Có hai con đường sẽ đem lại tương lai sáng sủa là học và làm thương mại,

Để làm gương cho gia đình, tôi đã xung phong đi làm và đi học. Từ nhà tôi đến chỗ làm việc đi bộ nhanh hơn đi xe, lại làm trong tiệm thuốc tây của anh lớn tôi nên rất thoải mái. Thời gian sau đã có được cái bằng Pharmacy Technician, vừa đi làm tôi lại vừa học thêm nghề thiết trí nội thất, nhưng sau có vợ chồng một người bạn rủ về để điều hành một trường tư do vợ chồng anh thành lập, dạy sau giờ học cho các học sinh từ lớp 01 đến lớp 12. Tôi đồng ý liền, vì Trường này lại gần hơn tiệm thuốc tây của ông anh. Vốn có đầu óc tổ chức nên tôi rất hài lòng về công việc điều hành ở trường này.

Chúng tôi chủ trương đem Văn Hóa Việt Nam vào Trường học, nên ngoài vấn đề Trí Dục chúng tôi còn chú tâm về cả Đức Dục nữa. Tuy học sinh gồm người Mễ, người Hoa, người Việt, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn là các em đã đi vào khuôn phép. Phụ huynh có con em học ở trường này cũng hài lòng khi thấy con em mình lễ độ, biết chào hỏi người lớn tuổi hơn mình và nhất là tiến bộ về học vấn trông thấy.

Ngoài ra chúng tôi còn mở lớp dạy Việt ngữ, lớp dạy Nhạc, lớp dạy Võ Thiếu Lâm, lớp dạy Vũ Dân Tộc, được mọi người tham gia nhiệt tình.

Trường thành lập được một đoàn vũ Dân Tộc gồm 40 em học sinh của Trường, đoàn vũ này đã có trình diễn trong những đại nhạc hội gây qũy giúp những người cùi ở Việt Nam, hay trong dịp kỷ niệm ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và các tổ chức Xã Hội khác trong Cộng Đồng…

Trong năm 2003, tôi đã hợp cùng anh em trong trường, (với tư cách là Trưởng Ban Tổ Chức), chúng tôi đã mạnh dạn làm người tiên phong đứng ra tổ chức Hội chợ Tết Los Angeles. Hội chợ thành công mỹ mãn, lôi cuốn mấy chục ngàn người xa gần đến tham dự…

Khi trường đã phát triển vững mạnh, do vấn đề sức khỏe, tôi đã phải ngưng hợp tác với những người bạn có lòng này. Lúc đó, các con tôi, năm đứa thì ba đứa đã có chồng con, cuộc sống gia đình của chúng ổn định và hạnh phúc. Tôi đã trở thành ông ngoại của bảy đứa cháu kháu khỉnh dễ thương.

Vợ và các con tôi không muốn tôi bươn trải nữa mà hãy dưỡng già cho khỏe, nên tôi quyết định nghỉ hưu. Những lúc rỗi rảnh tôi thường lại nhà các con các cháu vui vầy xum họp, cũng hay tham gia vào những sinh hoạt của binh chủng Không Quân cũ của mình, hoặc thỉnh thoảng cùng vài người bạn già rủ nhau đi ăn sáng, uống cà phê, nói chuyện đời...

Tôi cũng thường viết văn làm thơ, góp mặt trên vài tờ nhật báo, tuần báo của Cộng Đồng, làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút cho những Đặc San Phi Đoàn 116 (Phi Đoàn tôi đã từng làm việc cho đến ngày đất nước rơi vào tay bọn cộng nô) cũng cùng nhạc sĩ Lê Vũ (cựu giảng viên Quốc gia Âm nhạc Saigòn) sáng tác những bản nhạc ca ngợi Tình Yêu.

Hai năm gần đây, do yêu cầu của bạn bè, tôi đã mở lớp dạy kèm cho con cái họ, chỉ từ lớp 01 đến lớp 08 mà thôi, tại tư gia vào buổi chiều sau giờ các cháu học ở Trường học về… Thấy công việc nhàn nhã, chỉ ba tiếng mỗi ngày nên vợ và các con tôi cũng chẳng phản đối.

Sau cơn mưa trời lại sáng. Qua biết bao nhiêu bão táp cuộc đời cũng đến lúc Trời Phật cho tôi sống đời êm ả, nhàn nhã trước khi xuôi tay nhắm mắt. Nhưng vẫn canh cánh bên lòng niềm tâm sự:

Quê hương còn đó mình vẫn còn đây! Biết có ngày nào vận nước đổi thay, quê hương tự do, để mình được trở về sống hoặc chết trên mảnh đất ruột thịt. Ngày ấy, những người dân Việt sẽ gắn bó, đoàn kết một lòng xây dựng lại Quê Hương cẩm tú.

NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,972,293
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến