Hôm nay,  

Một Lần Trở Lại

01/12/200500:00:00(Xem: 252616)
Người viết: Bồ Tùng Ma

Bài số 885-1485-212-vb6120205

*

Bồ Tùng Ma là một tác giả Viết Về Nước Mỹ kỳ cựu và rất được bạn đọc quí trọng. Ông tên thật là Nguyễn Tân, 60 tuổi, cựu sĩ quan, định cư tại thành phố Glendale, hiện làm việc tại một dịch vụ di trú ở Los Angeles. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

*

Gần như tôi không còn ham thích một điều gì cả. Về mặt vật chất, tôi cảm thấy thoải mái khi ở trong một căn nhà hai phòng cùng với vợ con, có một chiếc xe hơi không hư hỏng bất thường, có những bữa ăn với thịt, cá, rau và cơm không độn khoai sắn. Về những mặt khác, tôi có được một người vợ biết thương chồng và ba đứa con ngoan; chúng tôi được sống trong một chế độ tự do cởi mở. Như thế tôi còn ao ước gì hơn nữa" Nhưng chính cái không-ao-ước này làm cho cuộc sống của tôi đôi lúc nhàm chán và tôi chợt nhận ra rằng tôi vẫn còn ao ước. Ước gì tôi thèm ăn như khi còn ở trong trại tù cải tạo, ước gì tôi có được những ước muốn như khi còn ở quê nhà: có hộ khẩu thường trú, sở hữu một chiếc xe gắn máy chạy được vài chục cây số không hư hỏng, có được một tô bún vào mỗi buổi sáng v.v... Khi nhận ra như thế, tôi thấy mình nhớ quê hương một cách mãnh liệt. Tôi gọi điện thoại nói chuyện này với một người bạn đang ở Nam California. Anh ta nói:

-Thì về Việt Nam một chuyến đi.

-Tôi sợ...

-Họ có làm gì mình đâu mà sợ. Họ ăn nhậu, chơi bời, tham ô còn tệ hơn mình trước đây nữa. Trước đây họ nói mình là tay sai bán nước, nhưng mình có làm mất tấc đất nào đâu, trong khi họ đã "thay trời đổi đất" làm "Thần Đèn" di chuyển ải Nam Quan về phía bên kia biên giới. Như thế họ lấy lý do gì mà chê mình" Còn giành ăn thì mình cũng không đủ sức giành với họ…

-Vẫn biết vậy, nhưng sao vẫn thấy ngại. Cũng như mình tin không có ma, mà khi đến nghĩa địa cũng thấy rờn rợn. Lại nữa, biết đâu họ gài để bắt mình đi tù, thí dụ cho ai đó bỏ tài liệu phản động vào phòng mình.

- Anh là cái gì mà họ phải làm vậy"

-Mình không là gì cả, họ mới dễ hại mình. Ông này ông nọ mới được dư luận, được quốc tế can thiệp, còn mình thì ai can thiệp. Anh thấy không, sau ngày 30 tháng 4, tổng thống, bộ trưởng đâu có đi tù, chỉ có tụi mình đi tù.

-Nhưng họ hại anh thì lợi gì cho họ.

-Biết đâu chỉ vì thù, biết đâu có anh nào đó từng bị mảnh đạn 81 ly găm vào mắt. Anh không nhớ trước đây tôi rất thích sử dụng súng cối sao"

-Nếu anh sợ thế thì nên thăm Việt Nam ...hàm thụ đi. Mua một DVD quay cảnh du lịch Việt Nam về xem.

-Xem rồi. Càng xem càng nhớ.

-Nếu vậy thì xuống đây đi. Ở đây chẳng khác gì Việt Nam.

-Nhưng dưới đó có gì giống Việt Nam, nói nghe coi!

-Nghe này. Ở khu Phước Lộc Thọ mấy ông ngồi uống cà phê giống y như ở Sài Gòn. Ở đây có nhiều tiệm ăn bán toàn đồ ăn miền trung. Nhà tôi ở một khu hẻo lánh, có vườn, có ao, có cả một cánh đồng sũng nước, trông chẳng khác gì một khu ngoại ô nào đó ở Việt Nam.

-Dưới đó có muỗi không" Tôi thèm được muỗi cắn.

Anh bạn cười:

-Có thể có vài con sau khi trời mưa.

Thế là tôi đáp máy bay xuống Nam Cali. Trên đường từ sân bay về nhà, bạn tôi chở tôi đến một tiệm ăn chuyên bán các loại đồ ăn Qủang Nam. Chúng tôi kêu mỗi người một tô mì Quảng. Bạn tôi vừa ăn vừa hỏi:

-Ngon không"

-Ngon nhưng mà không giống mì Quảng lắm. Mì Quảng sao lại có sứa khô" Tô mì Quảng gì mà lớn quá. Có lớn lắm cũng chỉ nên bằng nửa tô này, như vậy mới không thấy ớn. Tiệm ăn lại thơm tho, sạch sẽ quá, không có mùi chua chua, hôi hôi như bên Việt Nam. Lại nữa, phải chi có mấy con ruồi bay rà rà xuống tô mì để mình lấy bánh tráng quạt một cái cho...sướng tay.

-Anh vẫn còn tánh ưa tếu.

Ăn xong, chúng tôi lên xe về nhà anh bạn. Vừa đi tôi vừa "thuyết trình" về mì Quảng:

-Mì Quảng không có tính cách quốc tế như phở. Có thể nói mì Quảng với bún bò Huế là đôi tình nhân, mì Quảng là anh học trò xứ Quảng và bún bò Huế là cô gái Huế. Bún bò Huế mềm mại, "nước non", ướt át; còn mì Quảng thì không mềm mại, lại ít nước. Mì Quảng chẳng khác nào lòng người xứ Quảng, tuy trông khô khan nhưng đậm đà, lại muôn hình muôn vẻ: sợi mì Quảng có thể trắng hay vàng, rau có thể là búp chuối, giá, cải, xà-lách, cải bắp... Nước dùng thường là nước thịt heo, nhưng có thể là nước thịt bò, thịt gà. Trong trại tù cải tạo, không ai có thể làm phở, bún bò, nhưng có thể "chế tạo" ra mì Quảng. Rất dễ dàng. Lấy "thực phẩm chiến lược chống Mỹ" (tức củ mì mà dân Quảng Nam gọi là sắn) mài ra thành bột rồi pha chút nghệ nếu muốn; trải bột ra trên lá chuối rồi vấn tròn lá chuối có trải bột lại đem luộc chín. Khi chín rồi, lấy bột chín ra cắc thành sợi mì. Rau, nếu sang, thì cải bắp, bắp chuối; nếu "trung lưu" thì rau muống; còn hèn kém thì rau tàu bay. Nước dùng có thể là nước ruốt pha chút dầu đậu phụng hay nước thịt nhái, thịt chuộc hay thịt bất cứ con gì mà khi đi đưa lưng lên trời...

-"Con gì mà khi đi đưa lưng lên trời" là con gì"

-Tức không phải con người

-À, tôi hiểu rồi. Nhưng đến rồi.

Sau khi xuống xe và chào hỏi mọi người trong gia đình anh bạn, tôi bước ngay ra vườn sau. Đúng là phong cảnh chẳng khác gì phong cảnh một vùng quê Việt Nam. Khu vườn trồng đủ loại cây trái và rau vùng nhiệt đới như ổi, xoài, mướp, bí, rau thơm… Kế vườn là một con lạch. Bên kia lạch có một con đường tráng nhựa. Xa xa một cánh đồng ngập nước, không biết trồng gì mà có những cọng cây giống như cọng rạ trồi lên, trông chẳng khác gì ruộng lúa vừa mới gặt xong sau một cơn mưa lớn. Bấy giờ vào khoảng 6 giờ chiều. Mặt trời sắp khuất dần sau hàng cây trước nhà, trải những tia nắng cuối cùng vàng chói trên những cây ổi, cây xoài, các luống rau... Một lát sau những tia nắng biến hẳn, cả không gian chìm đắm trong màu trắng đục. Nhưng trong khoảnh khắc mặt trăng nhô lên khỏi hàng cây ở cuối cánh đồng, to như một cái nong, làm cảnh vật trở nên lạ lùng, huyền ảo. Bỗng nhiên tôi thấy buồn bã trong lòng như vừa tiễn đưa một người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng. Một chiếc xe chạy ngang qua trên con đường nhựa với tiếng bóp còi chát chúa, làm tôi giậc mình và tôi chợt nhận ra... Phải rồi, tôi đã đến một nơi giống như nơi này cách đây hơn 30 năm. Đó là một nơi trên quốc lộ 4. Hồi ấy, sau một trận đánh ác liệt gần Bến Lức, suýt bị địch bắt, tôi mất liên lạc với đơn vị, phải chạy vào nhà dân lấy một bộ thường phục thay cho bộ quân phục và đi về hướng quốc lộ 4. Lúc bấy giờ cảnh vật cũng như thế này vào buổi chiều tà. Tôi đứng núp trong bụi rồi ra đón các xe hàng để về Sài Gòn nhưng không có xe nào chịu dừng lại. Cuối cùng, lúc trời tối hẳn, có một chiếc xe nhà binh chạy đến. Tôi đưa tay lên vẫy xin đi nhờ, rất ít hy vọng xe dừng lại. Nhưng nó đã dừng ngay lại. Tôi leo lên ngồi cạnh tài xế, một hạ sĩ. Đến Chợ Lớn tôi rối rít cám ơn và xin xuống xe. Anh tài xế cười, một nụ cười buồn bã:

-Tôi cám ơn ông mới phải.

Vừa nói anh vừa ra dấu bảo tôi ra phía sau xe. Tôi nhón chân nhìn vào trong xe. Có ít nhất mười tử thi với những quân phục dính đầy máu đang nằm chồng chất lên nhau.

-Nếu không có ông ngồi cùng, chắc tôi run tay lái, không về được đến đây. Gặp ông tôi mừng quá-Anh tài xế nói.

-Anh không sợ tôi là...

-Chẳng lẽ ông lại cướp mấy tử thi này. Còn tôi, chỉ là một hạ sĩ.

Anh vừa nói vừa mời tôi một điếu quân tiếp vụ. Dù không biết huốt thuốc nhưng hôm ấy tôi cũng đã làm hết một điếu.

Tiếng mời cơm của vợ chồng người bạn làm tôi ngưng ý nghĩ lại.

Tối hôm đó chúng tôi bắc ghế ra ngồi ở vườn sau nói chuyện. Lúc bấy giờ mặt trăng đã lên cao, cả không gian sáng hẳn lên vì ánh trăng vằng vặc về phía cánh đồng đẫm nước. Trong lòng con lạch, trăng vỡ ra thành muôn ngàn mảnh. Tôi nói:

-Tôi ít khi được thấy cảnh trăng vỡ như thế này. Tôi muốn nói cảnh này chỉ có ở thôn quê, mà phần lớn thôn quê đối với chúng ta không phải là nơi bình an để ngồi nhìn ánh trăng lan trên mặt nước và tưởng tượng nó vỡ ra. Tuổi trẻ của chúng ta bị chiến tranh và tù tội cướp mất. Tôi đi lính năm 22 và đi tù năm 25, lứa tuổi để học hỏi và làm nên sự nghiệp.

-Hôm nay anh thỏa mãn rồi, phải không" Anh đã nhìn thấy quê hương Việt Nam ngay trên xứ Mỹ.

-Nhưng âm thanh ở đây không phải là âm thanh ở Việt Nam, không có tiếng rao bán quà vặt, không có tiếng chưởi nhau. Mùi vị cũng không phải mùi vị Việt Nam, ở đây thơm tho quá.

-Nếu thế, tôi nghĩ anh nên về Việt Nam một chuyến.

-Anh nói phải.

Thế là một tháng sau, vào dịp Tết, tôi nói với thằng con 6 tuổi là tôi muốn cùng nó về thăm Việt Nam. Nó hỏi:

- Why don't we go to Disney Land"

-Con phải nói tiếng Việt với ba! Disney Land làm sao bằng Việt Nam. Chỉ kể sơ ở Đà Nẵng thôi, nào là Ngũ Hành Sơn, nào là phố cổ Hội An, nào là núi Bà Nà v.v… Biết bao nhiêu cái hấp dẫn mình sẽ thăm. Hơn nữa, Việt Nam là quê hương mình, nơi có mồ mả ông bà tổ tiên, nơi ba được sinh ra, nơi còn bà con…

-O K, con đi.

Hai cha con đến sân bay Tân Sơn Nhất vào buổi trưa. Chỉ mới ra khỏi máy bay, thằng con đã kêu lên:

- Why so hot!

-Lại tiếng Mỹ nữa. Về Đà Nẵng sẽ bớt nóng.

Tôi vừa lấy giấy tờ ra trình hải quan vừa nhìn thằng con. Mặt nó đỏ như say rượu, nước mắt chảy đầy mặt.

Quả đúng như người ta nói, mấy anh công an và hải quan rất lịch sự, mặt mũi anh nào cũng sáng sủa dễ coi, chớ không "răng đen mã tấu" như 20 năm trước đây.

Mấy người cháu đã thuê xe sẵn, đón chúng tôi về khách sạn.

Chỉ cần ngồi trong xe nhìn ra cũng thấy Việt Nam đã mở cửa. Vài anh Tây ba-lô ăn mặt dơ dáy đang dạo phố. Gặp mấy anh này trên một con phố nào đó ở Mỹ, chắc chắn ta tưởng là homeless, nhưng ở đây họ rất có giá vì được nhiều cô nhìn với đôi mắt ái mộ. Hình như bất cứ người nước ngoài nào ở Việt Nam cũng có giá cả, kể cả mấy anh Đài Loan hay Nam Hàn mắt híp, nhìn dân bản xứ một cách "mục hạ vô nhân".

Để tranh thủ thời gian, tôi nhờ người cháu gái trông coi thằng bé rồi một mình tha thẩn dạo chơi phố Lê Lợi. Ngang qua một ngã ba, hai thằng bé chạy theo tôi nói nhỏ:

-Chú này! Có mấy em hay lắm, chỉ mới 17, 18, chú "đi" không"

Tôi cười nói:

-Chú đang mệt.

Trước năm 1975, tôi từng đi ngang đây nhiều lần và cũng từng được hỏi như vậy. Các cậu bé ngày ấy bây giờ cũng trên 40 rồi, có lẽ đang ngồi đâu đó điều động bọn đàn em này.

Đang đi tôi nghe có tiếng gọi:

- Dad! Ba!

Tôi quay lui. Đứa cháu đang chở thằng con tôi bằng xe gắn máy, cả hai nhìn tôi cười toe toét. Tôi nói:

-Chú đã bảo đừng chở nó như vậy, nguy hiểm. Cứ thuê taxi đi, chú trả tiền.

-Không …à đi Honda …à thì về Việt Nam làm gì, ba.

-Nói tiếng Việt như thế tốt lắm. Nhưng đừng đi Honda nữa.

Ngày hôm sau chúng tôi đáp máy bay về Đà Nẵng. Đà Nẵng hôm nay khác hẳn thời kỳ bao cấp. Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố nhậu, có ông Bí thư Thành ủy tỉ tỉ phu, rất "chịu chơi", từng tuyên bố rằng người nghèo nên dời nhà vào trong xóm heo hút ở, dành mặt tiền cho người giàu. Chắc chắn ông ấy không bao giờ muốn " Ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặt" như lời cụ Hồ; vì nếu thế, ông ta phải chia của. Hai bên đường Nguyễn Văn Linh, các quán nhậu mọc lên như nấm. Tôi cùng vài người bạn tạt vào một quán bia. Bây giờ chỉ mới 3 giờ chiều mà đã tan sở("), hàng trăm người, trong đó có cả học sinh nam nữ, ngồi nhậu, la lối om sòm. Hình như họ bàn công việc làm ăn và … ôn bài thi ở đây, trước những cốc bia và những đĩa đồ nhậu, bên cạnh những cô tiếp thị luôn nở nụ cười cầu tài, luôn tay mở bia dù không được yêu cầu và ngay cả khi bị khách từ chối. Có tiếng ồn ào. Tôi nhìn vào một góc quán. Ba quân cảnh hay kiểm soát quân đội gì đó, đeo băng đỏ đang vây quanh bốn anh lính ngồi nhậu, hai anh lính mặt đỏ gay đứng lên sừng sộ. Một đám đông bu quanh họ, trong đó có mấy em bé đánh giày áo quần lem luốc, một anh cụt cả hai chân đang ngồi trên chiếc xe lăn, hai tay cầm hai xấp vé số. Chợt nhìn thấy chúng tôi, anh bán vé số lăn xe tới chìa xấp vé số ra, hai ba em bé đánh giày chạy tới sờ chân tôi, năn nỉ gần như bắt buộc tôi cởi giày ra cho chúng đánh, tôi phải dúi vào tay chúng mỗi đứa mấy ngàn chúng mới chịu buông tha. Anh bán vé số thấy vậy, cứ chìa xấp vé số ra mãi trước mặt chúng tôi. Tôi hỏi:

-Sao bị...cả hai chân như vậy"

-Trước đây em là lính địa phương quân.

Tôi kín đáo dúi vào tay anh ta 50,000 đồng. Nhưng hành động của tôi vẫn không qua khỏi những cặp mắt bán vé số khác, họ chạy đến chìa vé số ra. Tôi lắc đầu quầy quậy một hồi lâu họ mới chịu bỏ đi. Tôi hỏi một anh bạn:

-Sao không thấy ăn xin"

-Ở thành phố này, nếu có ăn mày đến xin tiền anh, anh chỉ việc gọi công an, công an sẽ đưa ngay cho anh 200,000 đồng và bắt người ăn mày đi. Sáng kiến hay đó chớ"

Tôi cười, ngâm:

Rằng hay thì thật là hay

Nghe ra ngậm đắng, nuốt cay thế nào!

Sáng hôm sau tôi cùng thằng con và mấy người em về quê thăm mộ ông bà, tổ tiên. Từ lâu chính quyền đã khuyến khích nhân dân xây dựng lại nhà thờ tộc họ, mới đây lại cho phép xây dựng lại ngôi đình làng đã bị đập phá thời tiêu thổ kháng chiến. Chánh quyền yêu cầu đặc tên nơi này là nhà văn hóa nhưng dân làng phản đối, đình làng thì cứ gọi là đình làng theo truyền thống, không việc gì phải gọi là nhà văn hóa. Chúng tôi đến nhà thờ thắp hương, đến viếng mồ mả và cuối cùng đến đình làng. Năm sáu ông già mặt thường phục, đầu đội nón cối, ngực đeo đầy huy chương đang ngồi ngất ngưởng trên bộ ghế gỗ. Bên cạnh bộ ghế là cái bàn, trên có ba bốn chai bia, ba bốn cái ly và mấy dĩa đồ nhắm. Mấy ông đang bàn cãi hay bắt lỗi chuyện gì đó. Có ông bỏ cả một chân lên ghế, tay đập bàn, mắt trợn.

-Đây là mấy ông lão thành cách mạng ở địa phương vừa dự tiệc Tất Niên ở xã về- Người em trai tôi nói

Nhìn mấy ông, tôi bỗng nhớ đến mấy ông chánh, ông hương, ông lý...trong các tiểu thuyết của Trần Tiêu, Ngô Tất Tố... Có thể các vị lão thành cách mạng này đã từng đập phá đình làng trước đây.

Thằng con trai tôi chỉ mấy ông già đó hỏi:

-Mấy ông đó là Việt Cộng phải không ba"

-Giỏi! Mới có mấy ngày mà con nói tiếng Việt khá lắm. Nhưng sao con nói mấy ông đó là Việt Cộng.

-Vì mấy ông ấy đội nón...cối

-Còn mấy ông ở sân bay không phải là Việt Cộng sao"

-Không phải.

-Con đừng nói "Việt Cộng" nữa nghe, Việt Nam đó, mấy ông đó có thể là bà con, họ hàng với mình đó. Đây là nơi ba sinh ra, mấy ông ấy cũng được sinh ra ở đây. Trước đây tất cả bà con, anh em thường ở chung trong một làng, rất thân nhau. Ba ở đâu, đi đâu cũng nhớ nơi đây cả. Con cũng từ đây được sinh ra vì ba sinh ra con. Con phải luôn luôn nhớ nơi đây.

-Không, con nhớ Los Angeles. Sao lâu về vậy ba"

-Chỉ ở đây mới có 3 ngày mà đòi về.

-Con thấy lâu quá. Con nhớ Los Angeles, nhớ bạn con- Nó vừa nói vừa khóc

-Thôi, nín đi. Chúng ta đi ăn bánh bèo, ngon lắm.

-Không, con ...à...thích ăn hamburger, hot dog. Con nhớ …tiệm Hamburger King ở gần nhà mình, có ông homeless nằm trước cửa. Khi nào về Mỹ con sẽ cho ông ta một đô.

-Thôi vào đây uống nước rồi tính sau.

Chúng tôi ghé vào một quán nước bên một gốc cây lớn.

Một toán nữ sinh trong những bộ áo dài trắng đi ngang qua, nói cười tíu tít. Vài anh quân nhân dáng điệu hiên ngang đi ngược chiều với toán nữ sinh, trêu ghẹo vài câu gì đó. Cách đây hơn 30 năm tôi cũng đã quen bà xã tôi bằng một cách mở đầu như vậy.

Việt Nam ngày nay đã đổi mới, nghĩa là ngoài những cái mới không giống ai, đã trở lại những cái cũ miền Nam đã trải qua trước 1975, trong đó có nhiều cái vì hoàn cảnh chiến tranh hay vì thời gian hồi đó không cho phép, miền Nam chưa bỏ đi hay chưa thực hiện được.

Vừa uống nước vừa nhìn ra một nghĩa trang liệt sĩ gần ngôi đình, tôi bỗng nhớ đến chiếc xe nhà binh chở đầy tử thi trên quốc lộ 4, đến trại cải tạo, đến những người bỏ xác trên biển đông, đến ải Nam Quan, đến thằng con trai mất gốc của tôi, đến biết bao nhiêu nỗi thống khổ của dân tộc. Tôi nghĩ rằng dân tộc ta đã trả giá quá đắt cho một thành quả cách mạng như thế.

BỒ TÙNG MA


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến