Hôm nay,  

Con Đặt Đâu Cha Mẹ Ngồi Đó

18/06/200500:00:00(Xem: 167324)
Người viết: NGUYỄN DUY AN
Bài số 769-1348-194-vb5061605

Tác giả Nguyễn Duy-An là cư dân Virginia, hiện là Vice President, phụ trách Infor- mation Technology của NATIONAL GEOGRAPHIC. Lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ, ông gửi một tự truyện và một truyện tình, đều bắt đầu từ Bình Giả, một địa danh quen thuộc của Việt Nam thời chiến. Chưa đầy 3 tuần sau khi bài lên Việt Báo online, đã có hơn 3,600 người đọc “truyện tình cờ”, hơn 3,000 người đọc tự truyện của chàng trai Bình Giả. Cả hai bài hiện dẫn đầu trong số 10 bài có nhiều người đọc nhất. Sau đây là bài viết thứ tư của ông, một truyện về quan hệ cha mẹ con cái tại Hoa Kỳ.

Một buổi chiều Chúa Nhật, vợ chồng tôi chở các con đi tham dự buổi đấu bóng rổ chung kết giữa các trường Công Giáo ở Hoa Thịnh Đốn và vùng phụ cận về; vừa bước chân vô cửa đã nghe tiếng chuông điện thoại reo inh ỏi. Vợ tôi nhấc điện thoại, nói chuyện trong giây lát rồi quay sang bảo tôi:
- Anh Dũng muốn nói chuyện với anh. Bà cụ Thanh đang hấp hối ở bệnh viện George Washington.
Tôi vội vàng đến cầm điện thoại:
- Hello anh Dũng. Cụ bị sao vậy anh"
- Bà cụ nhà tôi bị mệt vài tuần nay, đã nhập viện được mấy hôm rồi. Sợ không qua khỏi. Anh chị sắp xếp lên một tý được không" Bà cụ muốn gặp vợ chồng anh. Các em tôi cũng tề tựu đây cả.
- Vâng. Chúng em lên ngay.
Vừa lái xe từ nhà lên Washington, DC tôi vừa tưởng nhớ lại kỷ niệm quen biết bà cụ Thanh từ mấy tháng nay...
*
Tôi đến phi trường Chicago – Illinois vào một buổi tối mùa đông. Ngoài trời gió thổi vù vù, và tuyết vẫn tiếp tục rơi... Hôm đó chuyến máy bay của tôi đến trễ hơn một tiếng đồng hồ vì bão tuyết. Tôi biết mình đã lỡ chuyến bay chuyển tiếp để trở về Washington D.C. nên chạy vội vàng tìm văn phòng lo thủ tục đổi vé. Khi biết tôi là người Việt Nam vì mang họ Nguyễn, cô nhân viên của hãng Delta đã nhờ tôi làm thông dịch viên để nói chuyện với một bà cụ khoảng 80 tuổi đang ngồi ủ rũ bên quầy bán vé. Bà cụ Thanh cũng bị lỡ chuyến bay về Maryland, nhưng vì không nói được tiếng Anh nên cụ không biết phải làm sao, cứ ngồi lim dim, lặng lẽ đọc kinh lần chuỗi...
Lo xong thủ tục giấy tờ cho hai người, tôi quay sang:
- Để con dẫn cụ đi nhận phòng ngủ rồi kiếm gì ăn tối. Sáng mai mới có máy bay cụ ạ.
- Cám ơn cậu. Cậu gì nhỉ"
- Dạ con tên Huy. Cụ để con xách hành lý cho. Con dẫn cụ lên phòng cụ trước, rồi con tìm phòng con sau. Sắp xếp xong con sẽ qua dẫn cụ đi ăn tối.
- Cậu cho tôi ở chung với được không" Tôi không biết tiếng Mỹ, làm sao ở một mình trong nhà trọ được.
Tôi dở khóc dở cười trước đề nghị của bà cụ; nhưng đã nhận lời vì nghĩ tới mẹ tôi. Cụ Thanh làm tôi nhớ mẹ thật nhiều với những lần đưa mẹ đi đây, đi đó thăm anh em bà con lúc mẹ tôi qua Mỹ du lịch... Tôi dẫn bà cụ về phòng trọ. Cũng may trong phòng có sẵn hai chiếc giường đôi. Tôi gọi điện thoại về nhà báo tin cho vợ con biết hôm sau mới về được vì bị bão tuyết. Sau khi nói chuyện với vợ con xong, tôi quay sang hỏi cụ Thanh:
- Cụ có mang theo số điện thoại của các anh chị không" Con giúp cụ gọi điện thoại về báo tin máy bay bị trễ tới mai, kẻo các anh chị ấy lại lo lắng.
Cụ Thanh mở "ruột tượng", lần mãi mới lấy ra một xấp tiền và mấy tờ giấy cuộn tròn trao cho tôi:
- Cậu Huy coi rồi giúp dùm tôi nhé. Tôi có biết số nào ra số nào đâu.
Tôi mở xấp giấy ra xem, có cả một tờ giấy ghi sẵn bằng tiếng Anh phòng khi gặp trở ngại thì trao cho nhân viên ở phi trường để xin giúp đỡ... Tìm ra tờ giấy đánh máy số điện thoại của nhiều người, tôi hỏi cụ:
- Con nên gọi cho ai bây giờ"
- Nhờ cậu gọi về Texas cho con Lành dùm tôi. Vợ chồng nó thương tôi nhất, chỉ tội nghèo. Đi đâu tôi cũng nói chuyện với nó, rồi nó nói lại với mấy đứa khác, nhất là với vợ chồng thằng Dũng ở Thủ Đô vì hôm nay tôi về trên đó.
- Nếu thế con gọi thẳng về Maryland cho anh chị Dũng luôn cũng được.
- Tuỳ cậu.
Tôi để lại lời nhắn trong máy cho anh chị Dũng, và hẹn hôm sau sẽ gọi lại cho biết chuyến bay và giờ giấc bà cụ về tới phi trường BWI (Baltimore Washington Internation Airport) để họ ra đón. Phần tôi sẽ bay về phi trường National Airport nên không đi chung chuyến bay với cụ được. Sau khi tắm rửa, tôi mời cụ đi ăn, nhưng cụ từ chối vì trong xắc tay đã có sẵn vài nắm cơm vắt với muối mè và giò lụa. Thay vì ra ngoài kiếm gì ăn, tôi đã nhận lời ngồi lại ăn cơm nắm, muối mè và giò lụa với bà cụ Thanh...
Tối hôm đó, tôi đã thức trắng đêm nghe bà cụ tâm sự.
*
“Tôi mới qua Mỹ được gần 2 năm nay thôi cậu Huy à... nhưng tôi cứ phải đi lung tung nhiều chỗ vì con cháu mỗi đứa một nơi, và chúng nó cứ đẩy qua đẩy lại làm tôi chóng cả mặt. Tôi buồn lắm, chỉ muốn về Việt Nam, nhưng không biết phải làm sao. Hơn 70 tuổi đầu tôi mới học được điều này là con cháu sang Mỹ khác xưa nhiều lắm. Trước đây ở Việt Nam, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, còn bây giờ qua Mỹ thì... ngược lại: Con đặt đâu cha mẹ ngồi đó! Cậu nghĩ tôi nói có đúng không"”
Tôi đang nằm mơ mơ màng màng nhớ mẹ, chưa kịp lên tiếng trả lời, bà cụ Thanh lại tiếp tục:
“Vợ chồng tôi có 5 người con; cứ đứa trai rồi đứa gái cách nhau 3 tuổi. Nhờ trời thương, gia đình làm ăn cũng khấm khá nên đứa lớn được ông nhà tôi gởi đi du học bên Mỹ từ năm 70, rồi lấy vợ và ở lại luôn bên này. Năm 75, vợ chồng đứa con gái kế đưa thêm được thằng út nhà tôi đi, bây giờ đang ở bên Ca-li. Thằng thứ ba đi lính ngoài Trung, lấy cô vợ người Huế, rồi làm mai cho ông anh vợ lấy con em gái kế nó. Hai thằng đi cải tạo về rồi cũng sang Mỹ theo diện H.O. và định cư ở Texas. Vợ chồng tôi có giấy tờ bảo lãnh từ lâu, nhưng ông nhà tôi nhất định không đi; và tôi cũng chẳng ham muốn gì chuyện đi Mỹ, chỉ mong thỉnh thoảng chúng nó đưa các cháu về thăm là mãn nguyện lắm rồi. Nhưng hơn 4 năm trước, Chúa đã gọi ông nhà tôi về với ông bà. Chúng nó cứ thúc ép mãi, nhưng tôi cũng không đi. Ngày giỗ mãn tang ông nhà tôi, vợ chồng thằng lớn về thăm quê hương, và tìm đủ lý lẽ thuyết phục tôi đi Mỹ vì “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” nên tôi đành “nhắm mắt đưa chân”.
Ngày đặt chân đến Mỹ phải nói là ngày hạnh phúc nhất trong đời tôi, cậu Huy ạ. Con cháu dâu rể tề tựu đông đủ hết, cả cô bồ của thằng út Đức cũng bay sang mừng ngày đoàn tụ của gia đình tôi. Nếu như chúng nó chỉ khóc chứ đừng nói gì như lúc gặp nhau ở phi trường thì chắc tôi còn vui nhiều nữa. Đằng này, vừa gặp tôi, thằng Đức đã xì lồ xì lào có một câu ‘hi mom’ rồi lo quấn quýt với con bồ người Mỹ của nó. Tôi thấy chướng mắt quá, chỉ muốn chửi cho nó một trận, nhưng con Hoa đã phân trần cho em: ‘Con xin mẹ đừng giận cậu út... Nó sang Mỹ từ nhỏ, chúng con lại bận rộn công ăn việc làm nên không có thì giờ dạy cho em nó hiểu phong tục tập quán của mình. Mẹ thấy đó, từ cách đi đứng, nói năng, cử chỉ của em Đức đều đúng y chang là một thanh niên người Mỹ, chỉ khác có màu da. Mẹ đừng buồn.’
Cậu Huy nghĩ coi làm sao mà tôi không buồn cho được. Tôi thương thằng Đức nhất nhà vì nó là út đã đành, nhưng vì nó phải xa tôi từ lúc mới 6 tuổi đầu. Hơn 20 năm trời mới gặp mẹ mà có cứ lo xà nẹo với con bồ Mỹ trước mặt tôi và các anh chị nó... và nhất là các cháu nhỏ. Coi chướng mắt hết sức! Tôi thất vọng quá cậu Huy à. Nhưng đó chỉ là bước đầu... Suốt một tuần liền chúng nó lôi tôi đi chụp hình khắp thủ đô, rồi mạnh đứa nào bay về chỗ đứa đó, giam tôi một mình trong căn nhà rộng thênh thang của thằng Dũng. Vợ chồng nó đi làm suốt ngày. Hai đứa con cũng đi học và ở luôn trong trường, mà nếu bọn nhỏ có ở nhà cũng chẳng nên cơm cháo gì vì chúng nó chỉ nói toàn tiếng Mỹ! Tôi ngồi một mình suốt ngày nhìn ra đường, lúc nào cũng "vắng như chùa bà đanh" nên tôi cứ nghĩ mình đang bị tù cậu Huy ạ. Riết rồi tôi chịu không thấu nên ngã bệnh. Vợ chồng thằng Dũng đưa tôi đi khám bác sĩ, lấy thuốc uống... Rồi không biết vợ chồng nó bàn nhau sao đó, tự động mua vé máy bay đẩy tôi sang Ca-li ở với vợ chồng con Hoa.
Lúc ở bên nhà, tôi cũng nghe nói Ca-li có nhiều người Việt, có khu chợ Việt Nam rất sầm uất, không khác chi Sàigòn nên tôi cũng mừng trong bụng. Thêm vào đó, tôi cũng muốn được ở gần thằng út để hướng dẫn nó được tý nào hay tý đó. Gần 30 tuổi đầu rồi mà cứ lang thang, không chịu cưới vợ gì cả... Nhưng vợ chồng con Hoa lại ở đâu miệt phía bắc, nghe nói phải lái xe cả ngày mới tới vùng Quận Cam nên tôi lại buồn hơn vì vợ chồng thằng Dũng đi làm công sở, khoảng 6 giờ chiều đã về nhà. Đàng này vợ chồng con Hoa mở cái tiệm gì đó, tối nào cũng nửa đêm mới về. Con cái thì mạnh đứa nào đứa đó lo, đi học về là chui ngay vào phòng riêng. Tôi muốn vào nói chuyện với các cháu thì tụi nó không cho, lại còn nói tiếng Mỹ với nhau tỏ vẻ nhạo báng bà ngoại cổ hủ, lỗi thời, không tôn trọng "xi xi" gì đó (privacy).


Tôi tủi thân chỉ biết ngồi khóc một mình. Tôi sang đó cả tuần cũng không gặp được thằng út. Mãi sau này tôi mới biết là nó thuê "pạc-măng" (apartment) ở riêng với con bồ Mỹ chứ chẳng cưới xin gì hết. Chúa Nhật cũng không thấy đi lễ đi lạy gì cả. Tôi khổ tâm lắm, bắt con Hoa gọi nó về, chửi cho một trận. Nhưng tôi nói gì mặc tôi, nó cứ ngồi trợn mắt ngó lên trần nhà chứ có hiểu tôi nói gì đâu!
Quá thật vọng với mấy đứa con và các cháu ở Ca-li, tôi nói với cái Lành mua vé máy bay cho tôi về Texas ở với chúng nó và vợ chồng thằng Hiền. Cậu biết đó, chúng nó mới sang sau này theo diện H.O. nên còn nghèo lắm; được cái là hai anh em lấy hai chị em nên chúng nó hòa thuận thương yêu nhau. Hai gia đình chung nhau mua một cái nhà khá lớn vì cả hai đều đông con.
Thằng Hiền và thằng Khanh đi làm cho một hãng cuốn chả giò vì không có nghề nghiệp chuyên môn. Hai con vợ nhận hàng về nhà may tối ngày sáng đêm. Nhà đông người, lại chất đầy vải vóc, kim chỉ... Thôi thì bụi bậm, rác rưởi không thua gì mấy khu vực lao động bên Sàigòn. Tôi bảo chúng nó là thằng Dũng và con Hoa đều giàu có, sao không kêu anh chị giúp vốn cho mà làm ăn buôn bán cho đỡ vất vả... Tôi nói mặc tôi, chúng nó không đứa nào trả lời trả vốn gì hết.
Tôi chờ tới hôm thằng Dũng và con Hoa gọi điện thoại hỏi thăm mới la cho một trận là tại sao không giúp đỡ các em. Cả hai đứa đều nại đủ lý do phải chi tiêu khoản này khoản nọ, không có khả năng để cưu mang cho ai. Con Hoa lại còn kể công đã nuôi thằng Đức bao nhiêu năm từ ngày thằng út mới đi học lớp một! Tôi mở hết hầu bao, có vài ngàn bạc để dành từ Việt Nam, tôi giao hết cho con Lành, nói nó dùng làm vốn mở tiệm gì đó buôn bán cho đỡ cực hơn làm nghề may khoán. Lúc đó tôi mới biết là số tiền vài ngàn bạc ở Mỹ này chẳng làm được gì hết!
Ở chung với vợ chồng con Lành và thằng Hiền được mấy tháng thì bệnh suyễn của tôi tái phát. Bác sĩ bắt tôi phải đi ở chỗ thoáng mát, tránh bụi bậm ô nhiễm... Thằng Dũng đã không biết thương em thì chớ, lại chửi chúng nó là không biết lo cho mẹ, tự động mua vé máy bay bắt con Lành đưa tôi trở về.
Tôi ở nhà vợ chồng đứa con trai trưởng mà cứ nghĩ như mình bị đưa đi tù vậy đó, cậu Huy à. Nó giam tôi từ mùa thu cho tới mùa Xuân, cứ ngồi trong cửa sổ nhìn lá vàng rồi lá rụng, tuyết xuống phủ đầy sân rồi tuyết tan... Tôi cứ thui thủi một mình lần chuỗi suốt ngày, ngoại trừ Chúa Nhật nó chở tôi đi lễ ở nhà thờ Mỹ gần nhà. Tới mùa hè, vợ chồng nó bàn nhau đi "cu" đi "cụ" gì đó (cruise) 3 tuần trên biển, nên gọi cho con Hoa nói sẽ gởi tôi về bên đó vài tháng. Tôi quá thất vọng với con cháu bên Mỹ nên cũng chẳng thèm nói năng gì, mặc kệ chúng nó. Tôi lại lạch cạch khăn gói về Ca-li. Mới ở được vài tháng chúng nó lại "tống" cổ tôi về Houston vì "không có thì giờ để hầu mẹ"!
Tôi chỉ muốn chết đi cho xong, nhưng mình là người Công Giáo đâu dám nghĩ chuyện làm bậy. Không biết vợ chồng hai đứa "nghèo" bàn nhau làm sao mà tôi mới về ở được vài tuần, chúng nó nói sẽ đi mướn một một chỗ riêng cho tôi ở để bệnh suyễn của tôi không phát lại vì bụi bậm trong nhà nó. Tôi thương các con, các cháu còn nghèo nên đòi về lại "nhà tù" của thằng Dũng chịu khổ một mình hơn là gây thêm gánh nặng cho mấy đứa nhà nghèo. Cực chẳng đã, chúng nó đã phải mua vé máy bay cho tôi trở về với thằng Dũng giữa mùa đông như thế này. Cũng may mà gặp được cậu...”
Bà cụ Thanh bật khóc nức nở. Tôi không biết phải làm gì nên cứ để cụ khóc một lúc cho nguôi ngoai... Và chợt nhớ tới khu "nhà già" của các cụ cao niên ở gần nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nên nhỏ nhẹ nói với cụ:
- Để mai về bên đó con liên lạc với anh Dũng xem có thể sắp xếp gởi cụ tới ở chung với các cụ trong Hội Cao Niên bên giáo xứ chúng con cho vui. Vừa có bạn bè người Việt, vừa có các bạn trẻ tới chở đi lễ nhà thờ Việt Nam...
- Được thế thì còn gì bằng. Mà ở đó có gần nhà cậu Huy không"
- Cũng gần cụ ạ. Và cũng không xa chỗ anh Dũng lắm đâu, tuy là 2 tiểu bang khác nhau nhưng chỉ cách con sông Potomac...
- Thế cậu Huy giúp dùm tôi nhé. Tôi chẳng trông mong gì nơi vợ chồng thằng Dũng cả.
- Vâng. Đàng nào con cũng đã ghi số điện thoại anh Dũng đây rồi, cuối tuần con sẽ nói chuyện và nếu tiện con sẽ chở vợ con sang thăm cụ cho vui; và thỉnh thoảng chúng con xin phép đón cụ sang bên này đi lễ Việt Nam cho biết.
- Giêsu Lạy Chúa tôi. Được thế thì có chết tôi cũng mãn nguyện. Tôi đi nhà thờ Mỹ cứ như vịt nghe sấm chứ có hiểu gì đâu. Tôi nói vợ chồng nó chở đi nhà thờ Việt Nam nhưng chúng nó bảo giờ giấc không thuận tiện nên chưa bao giờ đưa tôi đi cả cậu ơi!
- Cũng gần sáng rồi, cụ nghỉ một lát cho đỡ mệt rồi còn sửa soạn ra phi trường.
- Cậu nghỉ đi, tôi già cả rồi có cần gì ngủ nghỉ. Tôi làm khổ cậu thức suốt đêm. Xin Chúa Mẹ thay tôi báo đáp công ơn cho cậu.
Sau khi trở về Virginia, tôi đã liên lạc với vợ chồng anh Dũng. Anh chị ấy đã mời chúng tôi qua chơi ngay cuối tuần đó để cám ơn tôi giúp đỡ bà cụ hôm bị lỡ máy bay ở phi trường Chicago. Tôi nói sơ qua về việc gởi cụ vào "nhà già" bên Virginia cho có bạn, có bè... nhưng anh đã kịch liệt phản đối vì sợ các em trách là "vợ chồng anh đẩy mẹ vô viện dưỡng lão"! Tôi giải thích mãi là mình chỉ muốn sắp xếp làm sao cho cụ vui lúc tuổi già, nhưng anh chị ấy cũng không nghe theo. Cuối cùng tôi chỉ xin phép đón cụ sang nhà tôi chơi với mấy đứa nhỏ vài lần vào dịp cuối tuần, và chở cụ đi nhà thờ Việt Nam. Ôi thôi, cụ mừng như đứa trẻ mới lớn, lần đầu được mẹ cho đi chợ sắm quần áo mới và sách vở đi học lớp vỡ lòng! Lần nào tôi chở về lại nhà anh Dũng cụ cũng rươm rướm nước mắt, nhưng chúng tôi cũng không biết phải làm sao hơn được. Vợ chồng tôi bàn nhau, nếu mùa hè này mẹ tôi qua Mỹ du lịch lần nữa, chúng tôi sẽ xin phép anh Dũng để cho hai bà đi chơi với nhau một thời gian cho cụ đỡ buồn... Nhưng mùa hè chưa tới!
*
Vợ chồng tôi vừa bước vào khu vực ICU (Intensive Care Unit, khu chăm sóc đặc biệt) ở nhà thương George Washington đã gặp vợ chồng anh Dũng và mấy người nữa đang ngồi nơi hành lang phòng chờ đợi (waiting room). Anh Dũng chạy tới bắt tay tôi: “Cha tuyên uý đang làm các phép cho bà cụ nhà tôi. Chắc cũng sắp xong rồi. Tôi sẽ dẫn anh vào ngay cho cụ gởi gắm ít lời. Cụ nhắc anh mãi. Họ chỉ cho vào mỗi lần 2 người thôi. Bác sĩ nói chắc bà cụ nhà tôi không qua khỏi đêm nay. Cụ đang nuối anh đó, anh Huy à. Tôi là con mà không lo được cho cụ như vợ chồng anh.” Nói rồi anh Dũng giới thiệu vợ chồng tôi với gia đình các em của anh. Chúng tôi ngồi chờ mấy phút thì cha tuyên uý đi ra. Ngài nói vài lời an ủi gia đình rồi lại vội vàng đi xức dầu cho một bệnh nhân ở lầu dưới. Anh Dũng kéo tôi đi vào gặp bà cụ... Đôi mắt cụ sáng hẳn lên khi nhìn thấy tôi và anh Dũng bước tới bên giường. Cụ thều thào:
- Dũng con. Mẹ chỉ còn một ước muốn cuối cùng, và mẹ muốn con hứa với mẹ truớc mặt cậu Huy là con sẽ...
- Vâng, con sẽ nghe lời mẹ. Con xin mẹ tha thứ cho chúng con đã làm mẹ buồn lòng.
- Mẹ không buồn giận các con. Hai năm nay mẹ đã đi đông, về tây theo sự sắp xếp của các con... Các con đặt đâu mẹ ngồi đó! Nhưng sau khi Chúa cất mẹ về, mẹ xin con một điều... con cho mẹ được về nằm bên cạnh mộ cha con bên Việt Nam... Cậu Huy, tôi mang ơn vợ chồng cậu nhiều lắm... đã cho tôi được hưởng sự ấm cúng của một gia đình bên Mỹ. Xin Chúa Mẹ trả công cho... gia... đình...
Tôi đang thầm thì kêu Tên Cực Trọng: "Giêsu, Maria, Giuse... Xin Ba Đấng gìn giữ và đón tiếp linh hồn Anna" thì nghe anh Dũng òa lên khóc nức nở. Tôi nhìn qua thấy bà cụ Thanh miệng vẫn như mỉm cười nhưng hơi thở đã tắt!
Nguyễn Duy-An

*
Bạn đọc thân mến:
Ai trong chúng ta cũng có mẹ, có cha. Sau khi đọc những tâm tình trên đây, nếu bạn là người may mắn vì cha mẹ còn sống, hãy dành một ít phút tự vấn lương tâm, xét lại thái độ, cử chỉ hay lời nói của mình đối với cha mẹ. Hãy làm một việc gì “nho nhỏ” cho cha mẹ vui lòng. Nếu cha mẹ không còn, hãy đọc một bài kinh cầu nguyện cho các cụ được về hưởng nhan thánh Chúa trên trời.
Con ra đời có mẹ cha
Là trời cao biển lớn bao la
Từng ngày qua giữa tuổi ngọc ngà

Con là nụ hoa bé nhỏ trong nhà
Nhờ công cha, nhờ nghĩa mẹ
Con khôn lớn trong muôn lời ca.

Xin ơn trên đổ xuống chan hòa
Giúp mẹ cha ngày tháng an hòa
Bao nhọc nhằn sinh trái đơm hoa
Xin cho con ở giữa gia đình
Sống làm sao đền đáp ân tình
Ơn biển trời ghi khắc trong tim.

Nuôi con bằng sữa tình thương
Và dạy con bằng tiếng thương yêu
Là nụ hoa bé nhỏ dại khờ
Con nhờ mẹ cha mới trở nên người
Bàn tay cha, giòng sữa mẹ
Xin ghi nhớ không bao giờ quên.

(Trích Bài Hát "Cầu Cho Cha Mẹ" của Phanxicô Nguyễn Đình Diễn)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến