Hôm nay,  

30 Năm Người Việt Hải Ngoại

29/04/200500:00:00(Xem: 187948)

Người viết: HẢI TRIỀU
Bài số 738-1317-85-vb5-042805

Hải Triều Lại Thế Lãng cư trú và làm việc tại tiểu bang Vermont, là tác giả liên tục viết về nước Mỹ từ hơn bốn năm qua và đạt số lượng bài viết nhiều nhất. Sau đây là bài viết đặc biệt của ông nhân dịp kỷ niệm ba mươi năm Tháng Tư 1975-2005.
*

Ngày 30-4-75 tướng Dương Văn Minh, vị Tổng thống vừa trở lại cầm quyền lần thứ hai được 2 ngày, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện để tránh đổ máu. Theo lệnh của vị Tổng tư lệnh, quân đội buộc phải buông súng. Cuộc chiến quả thực đã chấm dứt, không còn cảnh đổ máu vì súng đạn nhưng cảnh chết chóc không chấm dứt mà còn có phần bi thảm hơn.
Nhiều người khí khái đã tuẫn tử vì không chịu đầu hàng, nhiều người tự kết liễu đời mình vì quá tuyệt vọng, bao nhiêu người đã bỏ xác ở các vùng kinh tế mới, bao nhiêu người đã mất mạng tại các trại lao động khổ sai, bao nhiêu cái chết tức tưởi của những người bỏ nước ra đi trên những chiếc thuyền chẳng may bị lọt vào tay bọn hải tặc, bao nhiêu hình hài đã chết dần chết mòn do đói khát vì bị lạc nhiều ngày trong rừng sâu hay giữa đại dương v.v. đã nói cho thế giới biết rằng người Việt Nam không chấp nhận sống dưới chế độ độc tài Cộng sản. Họ sẵn sàng đánh đổi sinh mạng để lấy hai chữ Tự Do và lòng ham muốn được sống tự do đã đưa người Việt đi tứ tán khắp nơi trên thế giới.
30 năm đã trôi qua kể từ khi miền Nam rơi vào tay Cộng sản. 30 năm là một chặng đường dài với không biết bao nhiêu biến cố đã xẩy đến cho những người bỏ nước ra đi. Trong bài này, với những dữ kiện thâu thập được rải rác trên báo chí và trong các websites trên internet, người viết xin lược qua trong mỗi chặng thời gian một vài sự kiện để có dịp nhìn lại những bước thăng trầm của người Việt trên bước đường tha hương. Tiếp đó xin nói qua về sự hình thành của các cộng đồng người Việt tại các quốc gia trên thế giới. Sau cùng là một vài suy nghĩ về công cuộc tranh đấu của người Việt hải ngoại để đòi tự do, dân chủ và nhân quyền cho quê hương Việt Nam.
LONG ĐONG THEO VẬN NƯỚC
1975: Sài gòn sụp đổ. Trên 130,000 người rời bỏ Việt Nam. Phân nửa con số này là nhân viên quân đội, chính quyền và những người làm cho các cơ sở của Mỹ được quân đội Mỹ trực tiếp di tản. Số còn lại gồm đủ thành phần ra đi trên các chuyến phi cơ hoặc tàu thuyền. Hầu hết được đưa tới đảo Guam và sau đó được định cư ở Hoa Ky.
Vào tháng 5-1975 do sự thúc giục của chính phủ Hoa Kỳ, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (CUTN/LHQ) kêu gọi các nước nhận người tỵ nạn. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, có khoảng 25 nước đã đồng ý nhận định cư người tỵ nạn Đông Dương trong đó có người tỵ nạn Việt Nam.
1976: Chỉ một năm sau ngày Cộng sản cai trị miền Nam đã có 5,242 người bỏ nước ra đi. Những người ra đi đã tới các quốc gia trong khu vực như Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Hồng Kông, Phi Luật Tân. 1977: Số người chạy trốn chế độ Cộng sản tăng gấp ba lần so với năm trước với khoảng 15,690 người cho dù thời gian này những người bỏ nước ra đi không được coi là người tỵ nạn.
Mặt khác, cũng trong năm này bà Khúc Minh Thơ đã đứng ra thành lập Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Tại Việt Nam để liên lạc với chính giới Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo cũng như các tổ chức nhân đạo để tranh đấu đưa tù nhân ra khỏi các trại cải tạo của Cộng sản. 1978: Số người rời bỏ quê hương tăng mạnh hơn. Chỉ tính riêng trong tháng 9 đã có đến 8,558 người, sang tháng 10 có 12,540 người và đến tháng 11 là 21,550 người.
Vì số thuyền nhân gia tăng nhanh như vậy, khoảng cuối năm này Mã Lai bắt đầu ngăn cản tàu thuyền không cho vào bờ biển của họ. Có khoảng 5,000 thuyền nhân đã vào được đến bờ bị họ đẩy ra biển trở lại và khoảng 51,400 người đi trên 386 chiếc ghe đã bị hải quân Mã Lai ngăn cản không cho ghé vào bờ biển của nước này.
Ngày 13-8-1978 một chiếc ghe đánh cá chở 40 người vượt biên bị gió bão cuốn trôi trên biển Nam Hải. Trong lúc gặp nạn chiếc ghe này đã được thuyền trưởng Roddy MacDougall của chiếc Avon Forest của Anh quốc ra lệnh cho thủy thủ tiếp cứu và đưa người tỵ nạn đến Đài Loan. Sau đó những người thoát nạn đã được định cư ở Canada.
Tính đến cuối năm này đã có 62,000 thuyền nhân ở trong các trại ở Nam và Đông Nam Á với trên 46,000 người ở Mã Lai; 4,800 ở Hồng Kông và 3,600 ở Thái Lan.
Ngày 14-11-1978 CUTN/ LHQ chính thức coi những thuyền nhân trốn chạy khỏi Việt Nam đương nhiên có tư cách là người tỵ nạn được sự bảo vệ của CUTN/LHQ.
1979: Ngày 27-5-1979 chiếc Challenger thuộc ngành Hàng Hải Thương Thuyền Hoa Kỳ đã vớt 394 người trên một con tàu nhỏ. Qua ngày 18-6-1979 tàu lại nhận 345 người đã đến được dàn khoan Wedoco II và được lệnh nhận 342 người đã tắp vào dàn khoan Wedrill, ngày hôm sau tàu nhận thêm 18 người khác từ một chiếc tàu của Đức chuyển sang.
Đến ngày 26-6-1979 tàu cứu vớt 344 người khác. Ngoài những số người kể trên, theo nhật ký hải hành của thuyền trưởng Jay K. Elder thì ông và thủy thủ đoàn của chiếc Challenger còn cứu vớt nhiều lần khác nữa nâng tổng số người được cứu vớt trên biển Đông lên tới con số 2,700 người để đưa họ đến trại tỵ nạn của CUTN/LHQ được đặt tại Paulau Tengah trên lãnh thổ Mã Lai.
Tính đến giữa năm 1979 đã có trên 700,000 người bỏ nước ra đi. Trong số này 500,000 đã được đi định cư còn 200,000 chờ ở các trại tỵ nạn gồm 75,000 người ở Mã Lai; 49,000 người ở Hồng Kông; 43,000 người ở Nam Dương; 9,500 ở Thái lan và 5,000 người ở Phi Luật Tân.
Vào tháng 6-1979 một hội nghị của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á đưa ra tuyên bố rằng họ không còn khả năng tiếp nhận người tỵ nạn và quyết định không nhận thêm người mới tới.
Ngày 30-6-1979 Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kurt Waldheim đưa ra lời mời 71 quốc gia tham dự một hội nghị quốc tế về tỵ nạn được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ vào các ngày 20 và 21-7-1979. Kết quả của hội nghị này là: Có 20 quốc gia chấp nhận gia tăng nhận người tỵ nạn vào định cư; xúc tiến Chương Trình Ra Đi Trong Tật Tự mà Việt Nam đã ký với Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ vào ngày 30-5-1979; Việt Nam hứa sẽ ngăn chặn việc ra đi bất hợp pháp.
Sau Hội nghị này hai trung tâm được xây dựng tại Galang, Nam Dương và Bataan ở Phi Luật Tân để tiến hành thủ thục tỵ nạn. Cũng do kết quả từ hội nghị này, hải quân Mã Lai không còn kéo ghe của thuyền nhân ra biển nữa mà cho phép vào bờ để làm thủ tục tỵ nạn.
Tháng 8/1979 CUTN/LHQ lập chương trình “DISERO” theo đó một số quốc gia chấp nhận cho định cư những thuyền nhân được cứu vớt bởi những chiếc tàu của các nước không có chính sách định cư người tỵ nạn. Nhờ vậy người tỵ nạn được cứu vớt nhiều hơn vì những chiếc tàu sau khi cứu vớt người tỵ nạn chỉ cần đưa họ đến hải cảng gần nhất rồi trở lại công việc của mình mà không sợ ảnh hưởng đến chuyến hải trình hay những rắc rối gì khác. 1980: Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua luật “Refugee Act of 1980”.
Cũng trong năm này VN chấp nhận chương trình ODP cho phép những người có thân nhân ở nước ngoài được ra đi hợp pháp vì lý do đoàn tụ gia đình hay nhân đạo. 1981:Theo số liệu của CUTN/LHQ tính đến năm 1981 có 349 trong số 452 chiếc thuyền đi trên vịnh Thái Lan đã bị hải tặc tấn công. Những người đi trên những chiếc thuyền này có 881 người được ghi nhận là chết hay mất tích, 578 phụ nữ bị hãm hiếp và 228 phụ nữ bị bắt đi. Tuy nhiên đây chỉ là một con số nhỏ những vụ việc ghi nhận được, còn vô số những vụ việc bọn hải tặc Thái Lan đã gây ra những tội ác tày trời đối thuyền nhân trên đường vượt biên mà CUTN/LHQ không nắm vững. Hành động của bọn này man rợ không kém gì hành động của bọn Pol Pot đối với nhân dân Cambodia mà cả thế giới đều lên án.
Ngày 30-7-1981 Hoa Kỳ công bố chính sách di dân và tỵ nạn. Bản công bố nói rằng “Chúng ta sẽ tiếp tục truyền thống của Hoa Kỳ coi đất nước này như là một vùng đất đón nhận những người đến từ các nước khác. Chúng ta cũng sẽ cùng với những quốc gia khác tiếp tục chia sẻ trách nhiệm trong việc đón nhận và định cư những người trốn chạy khỏi sự áp bức”. Chính sách này tất nhiên có ảnh hưởng đến số phận của những người tỵ nạn Việt Nam.
1982: Ngày 10-6-1982 một chiếc thuyền nhỏ chở 20 thuyền nhân sau khi bị hải tặc cướp bóc đã được chiếc tàu USS Sterett cứu vớt. 1983: Ngày 27-4-1983 một chiếc thuyền chở 31 người gồm đàn ông, đàn bà và trẻ con đã bị hải tặc tấn công trên vịnh Thái Lan. Bọn hải tặc sau khi cướp bóc đã hãm hiếp 3 phụ nữ, giết chết 12 người xô xác xuống biển. Số còn lại hầu hết bị chết đuối vì chiếc thuyền bị chìm sau khi bọn hải tặc rút đi.
Ngày 20-7-1983 chiếc USS Sterett lại cứu vớt 127 người khởi hành từ Vũng Tàu một tuần lễ trước đó. Qua ngày hôm sau 21-7-1983 chiếc tàu này lại cứu thêm 92 thuyền nhân khác. Đây là lần thứ ba chiếc USS Sterett cứu vớt người tỵ nạn. Chiếc tàu này đã nhận được ba bằng khen về những nỗ lực nhân đạo mà thủy thủ trên tàu thực hiện. 1984: Tháng 11-1984 lần đầu tiên ngoại trưởng Hoa Kỳ Schultz đề cập với CSVN về vấn đề con lai và những người được gọi là tù cải tạo. Cũng năm này Tổng thống Reagan tuyên bố nước Mỹ sẵn sàng đón nhận các cựu tù nhân chính trị và gia đình của họ. 1985: Tháng 11 năm 1985 một chiếc tàu nhỏ bé chở 96 người vượt biên sắp gặp nạn trên biển đã được một chiếc tàu của Nam Hàn cứu vớt. Vị thuyền trưởng, ông Jeon Je Yong vì lòng nhân đạo đã bất tuân lệnh của cấp trên để ra tay cứu vớt và đem 96 người này đến trại tỵ nạn Pusan ở Nam Hàn. Vì việc làm này ông đã bị cách chức thuyền trưởng và bị sa thải. Năm 2004 ông đến thăm Hoa Kỳ đã được những người từng được ông cứu vớt trước kia và nhiều người trong cộng đồng Việt Nam tiếp đón nồng nhiệt.


Cũng từ năm này CSVN bắt đầu thả một số tù chính trị.
1986: Tính đến năm này đã có 110,000 người đến Canada gồm diện tỵ nạn và diện di dân.
1987: Trại Galang đóng cửa sau khi đã giải quyết cho hơn 55,000 người tỵ nạn.
Chương trình ODP sau khi bị đình hoãn một thời gian vì những tranh chấp nổi lên giữa nhà cầm quyền CSVN và các quốc gia có liên quan đến chương trình này cuối cùng đã được thực hiện trở lại trong năm này.
Cũng năm này quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật “Amerisian Homecoming Act of 1987” cho phép trẻ Việt lai Mỹ và thân nhân trực hệ đựợc vào Hoa Kỳ. Chương trình con lai đã giúp đưa khoảng 100,000 con lai tới đất Mỹ.
1988: Ngày 18-6-1988 là hạn chót cho những người đến Hồng Kông được hưởng qui chế tỵ nạn. Sau ngày này tất cả thuyền nhân đến đây phải qua thanh lọc. Mặc dầu hạn chót là ngày tháng trên, vẫn còn 34,000 người đến Hồng Kông trong năm này.
Tháng 7-1988 Hà Nội chính thức mở các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về vấn đề tù nhân cải tạo.
Ngày 8-12-1988 bà Khúc Minh Thơ Chủ tịch Hội Gia đình Tù nhân Chính Trị tại Việt Nam được Tổng thống Reagan tiếp tại tòa Bạch Ốc đã khẩn khoản nói với Tổng thống Reagan “Xin Tổng thống và nước Mỹ đừng bỏ rơi những tù nhân Việt Nam Cộng Hòa” và Tổng thống Reagan đã nói với bà “Những người anh hùng Việt Nam sẽ không bao giờ bị bỏ quên”.
1989: Mã Lai lại trở lại chính sách đẩy thuyền nhân ra biển và lấy ngày 14-3-1989 là thời hạn chót cho thuyền nhân được có điều kiện để đi định cư.
Ngày 23-3-1989 cộng đồng thế giới quyết định rằng những người rời Việt Nam không còn đương nhiên được coi là người tỵ nạn nữa. Họ sẽ phải trải qua thủ tục thanh lọc và những người không đủ điều kiện để trở thành người tỵ nạn sẽ phải trở về Việt Nam. Đã có khoảng 112,000 người phải trở về Việt Nam sau khi không được xác định tư cách tỵ nạn. Chính sách thanh lọc đã gây ra nhiều thảm cảnh cho thuyền nhân Việt Nam. Có người khi biết bị rớt thanh lọc đã tuyệt vọng, dùng dao đâm vào tim để tự sát. Có người sau khi bị bác hồ sơ thanh lọc đã gieo mình xuống biển tự tử , để lại thư tuyệt mạng yêu cầu bãi bỏ thanh lọc. Có người dùng dao tự mổ bụng ngay trước ủy ban thanh lọc để phản đối chính sách này. Chính sách thanh lọc đã gieo nỗi kinh hoàng trong lòng người tỵ nạn. Nó như là một áng mây mù che lấp tương lai, như một sát thủ giết mất niềm hy vọng của người tỵ nạn. Ngày nay nhớ lại thời kỳ thanh lọc có lẽ nhiều thuyền nhân vẫn còn kinh hãi.
Ngày 12-6-1989 lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ đã công bố bản nghị quyết đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải thả ngay những người gọi là cải tạo để Hoa Kỳ nhận họ cùng với gia đình đến định cư tại Hoa Kỳ.
Ngày 30-7-1989, ông Robert L. Funseth của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách vấn đề tù nhân chính trị Việt Nam đến Hà Nội ký kết với VN bản thỏa hiệp cho phép tất cả tù nhân chính trị được rời khỏi trại cải tạo và đi định cư ở Hoa Kỳ.
Cây bút lịch sử đã được dùng để ký kết với Hà Nội đã được ông Robert L. Funseth trao tặng cho bà Khúc Minh Thơ, chủ tịch Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Tại Việt Nam, người đã tranh đấu không biết mệt mỏi để đòi trả tự do cho những người đang ở trong các trại tù cải tạo.
Thỏa hiệp này đã cứu những tù nhân cải tạo ra khỏi các nhà tù Cộng sản và đã đưa khoảng 165,000 cựu tù nhân sang định cư tại Hoa Kỳ.
1990: Đầu năm 1990 những người cựu tù nhân chính trị đầu tiên cùng với gia đình được đi định cư tại Mỹ theo chương trình HO đã đặt chân trên đất Hoa Kỳ.
Vào giữa năm 1990 Hồng Kông đã cho hồi hương 94,700 thuyền nhân về Việt Nam. 1991: Mặc dầu chính sách cho hồi hương đã được thi hành, nhiều thuyền nhân vẫn đổ xô đến Hồng Kông gây nên nạn ứ đọng thuyền nhân tại lãnh thổ này.
Cũng năm này trại Pulau Bidong ở Mã Lai đóng cửa. Đã có khoảng 250,000 người tỵ nạn Việt nam đến trại này từ ngày thành lập vào năm 1975. Phần đông những người đến trại này được đưa đi định cư. Số còn lại phải trở về Việt Nam.
1992: Do chính sách thanh lọc và hồi hương được áp dụng tại các trại tỵ nạn cùng với những chương trình ra đi trong trật tự cho phép nhiều người được ra đi hợp pháp, số người bỏ nước ra đi đã giảm hẳn. Trong năm 1992 chỉ có 41 người đến trại tỵ nạn.
1993: Do Thái nhận thêm 340 người tỵ nạn vào định cư tại quốc gia này sau khi đã nhận 66 người vào năm 1977.
1994: Trại Bataan đóng cửa sau khi đã giải quyết cho hơn 340,000 người tỵ nạn.
Tháng 2-1994 Washington bỏ cấm vận đối với Việt Nam, bước đầu để tiến tới quan hệ ngoại giao sau 19 năm ngoại giao giữa hai nước bị gián đoạn.
1995: Ngày 22-3-1995 tại một hội nghị nhóm họp ở Kuala Lumpur gồm 31 quốc gia tham dự, VN đồng ý nhận mỗi tháng 3,600 người hồi hương. Các đại biểu của hội nghị cũng quyết định đến cuối năm 1995 tất cả thuyền nhân phải được hồi hương. Riêng Hồng Kông được kéo dài qua đến năm 1996 vì Hồng Kông có đến hơn phân nửa trong số 45,000 thuyền nhân còn kẹt tại các trại ở Đông Nam Á.
Mặt khác, sau khi bãi bỏ cấm vận, tháng 7-1995 Mỹ chính thức phục hồi ngoại giao với Việt Nam để lôi kéo Việt Nam vào với cộng đồng thế giới. 1996: Có hơn 106,000 người hồi hương tự nguyện. Cũng từ năm này các trại ở Nam Dương, Mã Lai, Hồng Kông và Phi Luật Tân bắt đầu áp dụng chích sách cưỡng bách hồi hương.
Ngày 14-2-1996 Phi Luật Tân đã cho ngưng chích sách cưỡng bách sau khi có sự can thiệp của Hội Đồng Giám Mục Phi với tổng thống Fidel Ramos. Do sự can thiệp này, số người tỵ nạn còn ở Phi được phép ở lại sinh sống tại Phi.
Tháng 5-1996 VN và Hoa Kỳ đạt thỏa thuận trên nguyên tắc cho phép những người đang sống ở các trại tỵ nạn Đông Nam Á nếu đồng ý tự nguyện hồi hương sẽ được tái phỏng vấn ở Việt Nam để được đi định cư tại Hoa Kỳ. Có nhiều người đã hưởng ứng trở về VN và đã được xét cho đi định cư tại Hoa Kỳ.
Ngày25-6-1996 CUTN/ LHQ và chính phủ Mã Lai chính thức đóng cửa trại Sungai Besi. 1997: ngày 10-4-1997 Hoa Kỳ và Việt Nam trao đổi đại sứ. Ông Douglas Peterson được thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn làm đại sứ tại Việt Nam. Phía Việt Nam thì Lê Văn Bằng là đại sứ đầu tiên tại Mỹ.
Trong năm này trại Palawan đóng cửa. Tháng 12/1996 Sikhiu là trại tỵ nạn cuối cùng ở Thái Lan đóng cửa.
Tính cho đến tháng 5/1997 đã có 214,555 người đến Hồng Kông. Trong số này có hơn 140,000 người được đưa đi định cư ở các nước Tây Phương. Hầu hết số còn lại phải hồi hương. 1998: CSVN và CUTN/LHQ ký kết thỏa hiệp theo đó những người tự nguyện hồi hương sẽ được giúp đỡ tài chánh và không bị trừng phạt. Khoảng 110,000 đã về nước theo chương trình này. Trong số này có hơn 95,000 người tình nguyện và hơn 13,000 người bị cưỡng bách hồi hương.
Tháng 7-1998 ở Phi có khoảng 2,600 người tình nguyện trở về còn 2,500 người ở lại. Trong số này 1589 người bị từ chối tình trạng tỵ nạn được phép ở lại Phi do sự can thiệp của Hội Đồng Giám Mục Phi. 1999: Tính đến năm này có khoảng 1,5 triệu người đã rời Việt Nam trong đó 900,000 đã được đi định cư tại Hoa Kỳ; 500,000 định cư ở Canada, Úc và Pháp và khoảng 100,000 đi định cư tại các nước khác.
Tháng 7-1999 Liên Hiệp Âu Châu chấm dứt chương trình giúp đỡ dài hạn cho những người đã trở về Việt Nam trước đây. Chương trình này bao gồm việc huấn nghệ, học bổng, trợ cấp y tế và xã hội.
2000: Tháng 3/2000 Hồng Kông đồng ý cấp tình trạng hợp pháp cho 1908 thuyền nhân sống trong trại Pillar Point và cho hạn đến ngày 31-5-2000 họ phải hội nhập vào xã hội. Nửa đêm 31-5-2000 trại Pillar Point là trại tỵ nạn cuối cùng ở Hồng Kông đóng cửa. Đã có khoảng 200,000 người tỵ nạn đến Hồng Kông trong số này có hơn 143,000 người được cho đi định cư, phần lớn là ở Hoa Kỳ. Sau 25 năm can dự vào việc giải quyết tình trạng của thuyền nhân Việt nam, Hồng Kông đã chi tiêu hết 8,71 tỉ tiền Hồng Kông (1,11 tỉ Mỹ Kim).
2001: Ngày 5-8-2001 vị tổng thống cuối cùng của miền Nam Việt Nam, ông Dương Văn Minh qua đời. Ông trở thành Tổng thống không theo hiến pháp ngày 28-4-1975 đến ngày 30-4-1975 ông tuyên bố đầu hàng Cộng sản. Năm 1983 ông sang Pháp, sau đó sang Hoa Kỳ và chết tại nhà thương Pasadena, California, hưởng thọ 86 tuổi.
Ngày 29-9-2001 cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu qua đời tại Boston, Massachsetts, hưởng thọ 78 tuổi. Ông từ chức ngày 21-4-1975 sang Đài loan, sau đó ông qua Anh quốc sống tại một thành phố gần Luân Đôn và cuối cùng thì đến định cư tại Hoa Kỳ.
2002: Cuối năm này có 995 người tỵ nạn và 437 di dân đã nộp đơn xin nhận Hồng Kông làm quê hương.
2003: Ngày 1-7-2003 có 53 người Việt trên một chiếc thuyền đánh cá khởi hành từ Sóc Trăng đến cách bờ biển Úc Đại Lợi 3km thì bị ngăn cấm không cho lên đất liền và được chuyển đến đảo Christmas nằm trong Ấn Độ Dương để được cứu xét tình trạng.
2004: Ngày 14/5/2004 có 6 người trong số 53 người bị giữ trên đảo Christmas được cho đi định cư tại Úc. Ông Nguyễn Văn Hòa, một Việt kiều từ Úc về Việt Nam hướng dẫn chuyến vượt biên đã bị tòa án Úc tuyên án 5 năm tù vì tội đưa người nhập cư bất hợp pháp. Nữ chánh án Mary Ann Yeats tuyên bố bà rất thông cảm cho việc làm của ông nhưng theo luất pháp của Úc bà phải tuyên một án phạt ở mức thấp nhất.
Tại Phi Luật Tân như đã biết ở trên, còn gần 2.000 người sinh sống tại đó sau khi vấn đề tỵ nạn được xếp lại. Nhưng vào tháng 4/2004 do sự vận động của một số người thiện chí, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết sẽ tái cứu xét hồ sơ của những người này để cho họ định cư tại Hoa Kỳ.

Số mai: Cộng đồng người Việt thế giới
HẢI TRIỀU LẠI THẾ LÃNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,014,850
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến