Hôm nay,  

Saigon Trên Quê Hương Thứ Ba

03/05/200400:00:00(Xem: 145265)
Người viết: VÕ THỊ THU VÂN
Bài số: 528-1066-vb7010504

Tác giả Võ Thị Thu Vân, 63 tuổi, rời Việt Nam ngày 30-4-1975. Là một chuyên viên thẩm mỹ, sau 28 năm định cư tại Đan Mạch, vừa chuyển sang sống tại Nam California, nhận thêm một “quê hương thứ ba” là Hoa Kỳ. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà ghi lại những cảm nhận của người mới lần đầu tới sống ở Little Saigon, đúng vào mùa kỷ niệm 29 năm ngày 30 tháng Tư.
*

Tôi đến sinh sống tại thành phố Westminster thuộc miền Nam Cali vào tháng 9 năm 2003, sau 28 năm định cư tại Đan Mạch, một quốc gia nhỏ và hiền hòa ở vùng Bắc Âu.
Tại thành phố Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch, có khu phố xung quanh một công viên nhỏ, mỗi lần đi ngang đó tôi cứ đứng lại nhìn và nhớ hình ảnh phố xá trước Tòa Đô Chánh Sàigòn trước 1975. Nơi đây, có một rạp hát bóng giống như rạp Rex và những quán cà phê nhỏ hai bên đường và một quán ăn tựa như quán Thanh Vị khi xưa.
Người Việt Nam ở Đan Mạch khoảng 20.000 người, môt số lớn sống xung quanh thủ đô Copenhagen, cũng có quán ăn, nhà hàng Việt Nam và mỗi dịp Giáng Sinh hay Tết cũng quy tụ được 300 – 400 người.
Đứa con trai lớn của tôi sau khi học xong trung học ở Đan Mạch, tôi gởi sang Boston tiếp tục học từ năm 1989, sau đó lập gia đình và nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Nó cứ thúc hối hai vợ chồng chúng tôi sang sum hợp cùng hai vợ chồng của nó và hai đứa cháu nội xinh xắn. Sau một thời gian lưởng lự suy nghĩ, tôi quyết định rời bỏ quê hương thứ hai để đến quê hương thứ ba là Hoa Kỳ, tuy biết rằng sang đây sẽ không được nhàn hạ.
Đến Cali, việc làm đầu tiên của tôi là học lại lý thuyết lẫn thực hành để thi lấy bằng lái xe tuy rằng tôi đã lái xe gần 40 năm nay. Trong lúc chờ đợi, tôi di chuyển bằng xe buýt. Hệ thống xe buýt ở Nam Cali tương đối thuận tiện tuy mất thì giờ nhưng vẩn có thể đi lui tới được và giá lại rẻ, tôi mua giấy senior một ngày chỉ mất có 50 xu. Đi trên những chuyến xe chạy trên đường Bolsa, tôi có cảm tưởng mình đang ở ngồi trên những xe buýt vàng chạy đường Trương Minh Giảng - Cổng xe lửa số 6 ngày xưa. Hầu hết hành khách là người Việt Nam, họ vui vẻ, nói chuyện lớn tiếng, thân mật và tận tình chỉ dẫn khi tôi có dịp hỏi đường đi.
Tôi tưởng mình đang ở một nơi nào đó trên quê hương khi nhìn những bà cụ mang dép, mặc áo bà ba, tay xách giỏ đi chợ, đầu đội nón lá che nắng. Đến trạm Phước Lộc Thọ, bà con xuống gần hết và tản mát đến các cửa hàng xung quanh đó. Những hình ảnh quê hương nầy gần 30 năm nay tôi mới tìm thấy lại.
Sau khi lấy bằng lái xe, tôi kiếm một chiếc xe để mua. Tôi may mắn mua lại xe của một người bạn thân nên tránh được trường hợp có thể lầm lở trong buổi ban đầu.
Sàigòn nhỏ nhiều khi lại tiện lợi hơn Sàigòn lớn bên mình. Thật vậy, muốn tìm thức ăn Việt Nam nào cũng có và giá cả lại rẻ. Đủ cả ba miền, đủ luôn cả những món ăn ngon của từng tỉnh lỵ từ Nam Kỳ Lục Tỉnh cho đến các tỉnh miền Trung, Hà Nội ba mươi sáu phố phường và luôn cả những hàng quán vang bóng một thời như bò 7 món Ánh Hồng, Pagolac, Phở Tàu Bay Lý Thái Tổ, bánh mì Ba Lẹ, tiệm bánh Đông Hưng Viên … Vì là Sàigòn nhỏ nên hàng quán tập trung gần nhau không phải di chuyển xa như ở Sàigòn lớn.
Tôi thèm thức ăn Việt Nam từ lâu nên đã lần lượt đi một vòng Saigon nhỏ để thưởng thức các món ăn như cơm tấm Thuận Kiều, bún bò Huế Thuận An, phở Thanh, cơm Như Ý, bánh cuốn Tây Hồ, bánh xèo nhà hàng Vân, nem nướng Brodard, hủ tiếu Mỷ Tho, chè Cali mua hai tặng một, kể cả cơm chay Vạn Hạnh. Sau mấy tuần đi ăn dạo, tôi hết thèm nhưng lên thêm mấy cân nữa. Đó là chưa kể heo quay, vịt quay và vô số các món nhậu khác như ở Chợ Cũ ngày xưa. Phần ăn nào cũng rất nhiều, ăn hoài không hết mà ăn không hết thì tự nhiên đem về. Ở Đan Mạch hay ở Âu Châu nói chung vấn đề “to go“ không thông dụng lắm, nếu kêu đem về thì bồi bàn nhìn mình ngạc nhiên và mình cảm thấy không giống ai hết.
Siêu thị Việt Nam bán đầy đủ rau và trái cây tươi hơn cả siêu thị Mỹ, cá tôm còn bơi lội trong hồ. Dưa hấu 5 cân 99 xu, cam Cali 10 cân 99 xu, xà lách 5 cây 99 xu, bưởi trắng 10 trái 99 xu, chuối 5 cân 99 xu, mua trên 20 đô la được tặng thêm quà.
Hình như người Mỹ và Việt Nam ở đây đều bị ám ảnh bịnh tật do thức ăn mang lại nhứt là các bịnh cao mỡ, cao máu và tim. Nói ăn nhiều thì bịnh nhưng tôi thấy hàng quán Việt Nam luôn luôn có đông người ăn uống.
Điều đặc biệt nữa là người Việt ở đây tập thể dục rất nhiều, bạn bè cùng tuổi với tôi đều tham dự các lớp thể dục và rủ tôi cùng đi. Ở những khu chung cư hay trong các công viên, tôi thấy mỗi buổi sáng nhiều vị cao niên cùng nhau đi bộ hay tập dượt với nhau, nhiều nhóm lại tập múa gậy. Các võ đường như Thái Cực Đạo, Thiếu Lâm, Vovinam, Hiệp Khí Đạo thấy nhan nhản trong các khu buôn bán. Ngày Tết diễn hành vừa qua cũng có sự tham dự của võ đường Thái Cực Đạo từ thành phố Huntington Beach.
Tại Nam Cali môn luyện chưởng tức là coi phim kiếm hiệp là thú giải trí phổ biến. Phim chưởng rất nhiều và cho mướn rất rẻ, 30 đô la 100 cuốn. Chiều thứ sáu đi qua tiệm mướn phim thì thấy đông người xách từng bao nylon đến đổi phim. Tôi xưa nay nghe nói mà chưa coi phim chưởng bao giờ nên cũng tò mò đến mướn. Tôi miệt mài xem hết bộ nầy đến bộ khác từ Thần Điêu Đại Hiệp, Tây Du Ký, Cô Gái Đồ Long, Khổng Minh Gia Cát Lượng rồi đến Thiên Long Bát Bộ, bộ nào cũng mấy chục cuốn, xem mệt nghỉ.
Chung cư nơi tôi cư ngụ dành riêng cho các vị cao niên, cứ chiều chiều nhà ai cũng mở máy luyện chưởng, nếu không thì cũng vọng cổ, y như không khí của một xóm nhỏ miệt Vườn Chuối nay ngã ba Ông Tạ ngày trước. Lúc đầu tôi thấy lạ, sau rồi cũng quen đi.
*
Đồng bào tỵ nạn đến Cali từ năm 1975 cho biết vùng Saigon nhỏ hồi đó là vùng ruộng dâu, hai bên đường Bolsa là lau sậy. Ruộng dâu vẩn còn để vết tích lại, nhứt là khu gần đường Hazard và Harbor. Sàigòn nhỏ ngày nay là một vùng thương mãi sầm uất của người Việt Nam tỵ nạn, không những chỉ thương mãi mà còn là thủ đô văn hóa và chánh trị. Khi tôi đến, ranh giới của Saigon nhỏ được dựng bảng tới đường Euclid về phiá Đông, nghe nói trong tương lai sẽ lên đến đường Chapman về phiá Bắc. Tôi tiếp xúc với một số người Mễ, họ nói rằng người Việt “lấn“ họ đi lần lần. Xin ngả nón kính phục những đồng bào thuộc thế hệ thứ nhất đã vất vả làm nên Little Saigon ngày hôm nay.
Đứng trên lề đường Bolsa quan sát, tôi thấy cứ 10 chiếc xe chạy ngang thì hết 9 chiếc là của người Việt Nam. Vào cuối tuần, người Việt Nam đổ xô về đây đi chợ, ăn uống, xem hàng… các bãi đậu xe không đủ chỗ nhứt là ở khu Phước Lộc Thọ. Người Đại Hàn cũng có khu chợ Đại Hàn ở Garden Grove không xa Little Saigon lắm nhưng nơi đây sinh hoạt không phồn thịnh. Có lẽ ít khu phố nào ở quận Cam mà đông đảo người qua lại như Little Saigon vào cuối tuần. Tôi có quen một vài người Mỹ, họ cho biết ít khi nào họ lái xe ngang đường Bolsa, không phải họ kỳ thị nhưng vì họ ngại người Viẽt Nam lái xe ẩu, nhứt là giới trẻ. Vào cuối tuần tìm ra một chỗ đậu xe không phải là chuyện dễ. Từ đó, sanh ra cái nạn dành chỗ chớ không phải người đến trước thì vào trước. Có lần, trong khu chợ ABC một lần, tôi ngừng xe và để đèn hiệu chờ một chiếc xe ra để vào, chờ chừng 10 phút khi xe đó ra thì có một chàng trẻ tuổi nào đó vừa đến và lái xe vào đậu một cách và tỉnh bơ, không cần biết tôi đã đợi từ lâu.


Về chuyện lưu thông thì cảnh sát ở đây hiện diện khắp nơi và họ phạt rất gắt. Tôi thường thấy xe cảnh sát đậu núp trong các đường nhỏ dọc theo đường Bolsa và theo dõi sát lưu lượng xe cộ. Tôi đã thấy một chàng thanh niên Việt Nam lái xe từ bãi đậu xe trong khu chợ ABC ra đường Bolsa và quăng tàn thuốc xuống đường. Lập tức không biết từ đâu, một xe cảnh sát hụ còi theo sát xe nầy và bắt phạt. Đó là phạm luật làm mất vệ sinh công cộng, cảnh sát sẽ gởi đi tòa, ngoài tiền phạt, tòa sẽ bắt đi lượm rác ở các công viên một ngày và muốn ghi danh đi lượm rác phải đóng thêm 60 đô la. Một hình phạt rất nặng chỉ vì quăng một tàn thuốc. Lái xe vượt đèn đỏ còn nặng hơn, nhứt là lái mà nồng độ rượu cao hơn luật định nghĩa là chỉ cần hai ba lon bia là đủ bị phạt, mà bị phạt thì sẽ bị treo bằng lái xe, phạt tiền và bị phạt từ 5 đến 10 ngày đi lao động ngoài xa lộ.
Đi hết con đường Bolsa là đi hết cuộc đời. Ở đây cái gì cần cho cuộc đời cũng có một cách đầy đủ. Quần áo Tây Tàu, thức ăn thôi khỏi nói, siêu thị đầy thực phẩm, bịnh thì có bác sĩ đủ loại , đặc biệt có rất nhiều đông y sĩ hành nghề kể cả Thầy Ba Cầu Bông chữa trị bá bịnh như nhức đầu, đau lưng, cụp xương sống, đau nhứt tay chân, liệt dương, vọp bẻ... Mua nhà mua cửa thì có vô số cơ quan địa ốc lo cho, thắc mắc tình duyên hay tương lai kể cả hướng nhà hay hướng tiệm thì để cho các thầy phong thủy, các vị chiêm tinh gia và các nhà tướng số lo liệu hết, họ chuyển bại thành thắng, biết họa biết phước, làm bùa trấn an nhà cửa, trói cột tình duyên. “Đời là cánh rừng rậm bao la, hỏi ai"” Đó là một câu quảng cáo của họ. Muốn đi du lịch hay gởi tiền về Việt Nam giúp bà con thì có thiếu gì cửa hàng, bảo đảm gởi rất lẹ, tôi chưa gởi nên không biết ra sao. Cưới hỏi thì khỏi sợ, họ lo từ A đến Z. Bận rộn không có thì giờ hay sợ nấu ăn hôi nhà cửa thì có “food to go“, vừa rẻ vừa ngon. Ngân hàng nằm gần góc đường Bolsa và Magnolia, kế đó là Midway City chuyên môn mua xe, bán xe và sửa xe. Đặc biệt mua bán tại các cửa hàng của người Việt Nam rất sòng phẵng, nghiã là không có để giá, chỉ trả bằng tiền mặt và không hoá đơn, chỉ trừ những siêu thị lớn mới chấp nhận trả bằng thẻ ngân hàng hay thẻ tín dụng. Tôi có hỏi tại sao hàng bán không để giá thì được biết nếu để giá thì tiệm kế bên sẽ để giá thấp hơn, rất là cạnh tranh. Nhưng ngoài giá cả còn vấn đề tiếp đón và phục vụ khách hàng cũng không kém phần quan trọng, điều nầy hình như một số tiệm của người Việt Nam còn thiếu xót. Đi đến đường Beach có lẻ cũng đã mỏi chân và phía bên kia đường, thưa quý vị, là nhà quàn và nghĩa trang!
*
Nói đến Nam Cali mà không nói đến các tiệm làm móng tay, người ta thường gọi tiệm Neo, là một điều rất thiếu xót. Đi đâu cũng thấy tiệm neo, neo trước mặt, neo sau lưng, neo bên mặt, neo bên trái, nhiếu khi hai ba cái neo cùng một chỗ. Giá cả cạnh tranh xuống một cách thảm khốc, do đó, muốn kiếm tiền, học neo xong phải đi xuyên bang nghĩa là đi các tiểu bang ít cạnh tranh hơn.
Dù sao, nghề neo đã giải quyết công ăn chuyện làm cho vô số phụ nữ Việt Nam, học chỉ mất 3 - 4 tháng thi lấy bằng và hành nghề, khéo tay hằng tuần kiếm được ít nhứt 300-400 đô la, chưa có nghề nào học ngắn hạn mà có được lợi tức như vậy.
Bên cạnh các tiệm neo phải nói đến các thẩm mỹ viện. Ở Cali không có người xấu mà chỉ có người đẹp nhiều và đẹp vừa vừa mà thôi. Phần đông mũi thường cao và gần như đồng dạng. Ở đây tôi không dám nói đến các bộ ngực, đố ai biết là thực hay giả. Các bà cao niên thì căng da mặt, hút mở bụng, sửa mắt, sửa cằøm, tóm lại cái gì cũng có thể làm được nếu có tiền. Nghe nói ở Mỹ hàng năm có 7 triệu người sửa sắc đẹp, chắc người Việt Nam chiếm một tỷ số không nhỏ.
Năm 1989 khi sang Boston dự lễ thành hôn của đứa con trai lớn do bên đàng gái đãi, tôi rất ngạc nhiên thấy tiệc mời từ 6 giờ 30 chiều nhưng đến 8 giờ 30 tối tức là trễ hai tiếng đồng hồ mới khai mạc vì khách Việt Nam đến trễ làm người Mỹ chờ đợi dài cỗ.
Hôm Tân Niên vừa qua, tôi đi dự tiệc, thiệp mời ghi rõ 10 giờ sáng tụ họp, 11 giờ trưa nhập tiệc. Tôi đến trễ lúc 10 giờ 30 lòng rất áy náy nhưng đến nơi chẳng thấy ai, chỉ có hai ba vị trong ban tổ chức đang lo treo biểu ngữ. Tôi chờ đến gần 1 giờ trưa tiệc mới bắt đầu, lúc đó vẩn còn có một số vị hảo hớn quần áo chỉnh tề bước vào phòng ăn. Tôi rất thán phục những vị nầy vì họ nắm vững tình hình địa phương, còn tôi chân ướt chân ráo chờ cả gần 3 tiếng đồng hồ.
Một lần tôi ăn cơm ở nhà hàng Seafood Paracel, kế bên có một đám cưới. Chúng tôi đến lúc 6 giờ 30 chiều đã thấy cô dâu chú rễ và hai họ dàn hàng chào khách. Tôi dùng cơm xong lúc 8 giờ 30 tối mới thấy MC mời hai họ ra trình diện quan khách, nghĩa là tiệc vừa bắt đầu. Làm MC đám cưới nhứt định phải là người có tài cổ động tinh thần quan khách và có đức tính kiên nhẩn nữa.
Sàigòn nhỏ dù thịnh vượng nhưng hẳn nhiên vẫn đủ cảnh giầu nghèo khác biệt. Người qua trước có công việc làm, mua nhà mua cửa, những người đi sau đặc biệt theo diện HO khi ra đi đã lớn tuổi, một số lớn khó lòng thích hợp với cuộc sống mới thì sống vất vả hơn. Họ phải share phòng và sống bằng tiền an sinh xã hội. Tôi thấy có người vô gia cư ngủ trên đường Bolsa gần siêu thị Bolsa. Có những cụ già sáng sáng đẩy xe đi tìm những vỏ bia trong các thùng rác để đi bán kí lô sinh sống. Tôi hỏi một cụ tại sao phải làm như vậy, ông cụ cho biết còn hai năm nữa mới lãnh tiền già, vì vậy cụ phải kiếm cách sinh sống. Tôi cũng thấy có một số người đi xin, họ để nón ngồi tại chỗ, ai cho thì cho không làm phiền ai, trái với bên Sàigòn, người ăn xin vào các tiệm ăn và chạy theo khách đi phố xung quanh chợ Bến Thành. Ngay cả người Mỹ cũng đi xin, một ông Mỹ ngồi xin ở tiệm cơm chay Vạn Hạnh, xem ông thật hiền lành và ông nầy rất hiểu người Việt Nam, người ăn chay thường rộng lòng bác ái. Tôi cũng thấy một ông Mỹ khác ngồi xin trước tiệm chè Cali ở khu chợ ABC và một ông Mỹ nữa ngồi xin ở trước tiệm chè Hiển Khánh bên đường Westminster với tấm bảng nhỏ viết mấy chữ: vô gia cư và đói.
Trong khi đó, nhiều người Việt Nam có nhà cho mướn, đi xe Mercedes hay Lexus, và mướn nhân công Việt Nam làm cho họ. Tôi có gặp vài người đi làm công trong các nhà hàng Việt Nam, họ cho biết làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, làm đến “oải “ luôn để lảnh 50 đô la và không được chia tiền tip.
Khu chợ Phước Lộc là trung tâm hẹn hò của người cao niên Việt Nam, họ đến đây uống cà phê và bàn chuyện thế sự cho qua ngày. Khu nầy rất đông người đến, phiá trước người ta trồng nhiều hoa nhứt là hoa hướng dương lớn và đẹp nhưng là hoa bằng nylon.
Tôi thường theo dõi và tham gia sinh hoạt của những đoàn thể tranh đấu cho tự do dân chủ tại Việt Nam, lý do đơn giản, tôi là người đi tìm tự do và may mắn còn được sống trong sự tự do.
Đến Sàigòn nhỏ, tôi được dịp tham dự các sinh hoạt của cộng đồng. Tôi đi nghe những buổi họp tố cáo CSVN dâng lãnh thổ và lãnh hải cho Trung Cộng, hội thảo về Lằn Ranh Quốc Cộng, lễ tưởng niệm các nạn nhân do CSVN sát hại Tết Mậu Thân 1968.
Khi còn ở Đan Mạch, tôi đã theo dõi công cuộc tranh đấu chống Trần Trường treo hình Hồ Chí Minh và hân hoan khi đọc tin Cờ Vàng của VNCH được 4 tiểu bang và 60 thành phố, quận hạt công nhận là biểu tượng của người Việt tỵ nạn.
Vào dịp kỷ niệm 30 tháng Tư năm nay, tôi được thấy những lá cờ vàng rực rỡ treo ngay ngắn trên đường phố Little Saigon. Không có những hy sinh vất vả và cao quý của những Việt tỵ nạn, chắc chắn không có Little Saigon, và không chừng bây giờ cờ đỏ đã treo trên đường phố Bolsa rồi chớ đâu có ủ rủ trên các tòa lảnh sự và sứ quán của CSVN như ngày hôm nay.
Chỉ bấy nhiêu đó thôi, chỉ nhìn thấy Cờ Vàng trên phố Bolsa là tôi ấm lòng và mến yêu Sàigòn nhỏ như tôi đã một lần yêu Sàigòn lớn ngày xưa.

Vỏ Thị Thu Vân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến