Hôm nay,  

Phi Lạc Sang Mỹ 2: Hồn Việt

20/11/200300:00:00(Xem: 175133)
Người viết: Mục sư TRẦN THÁI SƠN
Bài số 402-941-VB8161103

Tác giả là một mục sư mới từ Việt Nam sang thăm đất Mỹ, hiện ở Vancouver, tiểu bang Washington, đã góp bài viết đầu tiên là “Phi Lạc Sang Mỹ”. Bài viết thứ hai được ông gửi kèm với email: “Tôi viết bài này để nói lên sự lo lắng của tôi về về Văn Hóa Việt của người Việt Nam nơi đất Mỹ nói riêng và nơi hải ngoại nói chung.” Ước mong những lo lắng của Mục sư Sơn sẽ được các tác giả và bạn đọc Việt Về Nước Mỹ chia sẻ.
*

Bạn thân mến,
Theo như lời hứa với bạn, tôi sẽ viết tiếp về những điều mắt thấy tai nghe tại đất Mỹ nầy khi tôi đến phía Đông của Nước Mỹ. Và bây giờ tôi viết cho bạn đây.
Thật ra Đông hay Tây cũng là Nước Mỹ, vì bạn đi đâu cũng nghe tiếng Mỹ - cái thứ tiếng chẳng giống tiếng Anh mình học ở Việt nam; đi đâu cũng gặp những chiếc bánh kẹp thịt béo ngậy mà tôi đã nói với bạn lúc ở phía Tây dễ làm cho bạn bị béo phì vì đầy chất béo của bơ của "chi" - mà ta gọi là "phô-mai"; đi đâu tôi cũng thấy xe hơi và xe hơi với hình dáng giống như ở phía Tây chạy với tốc độ kinh khủng trung bình không dười 80, 90 cây số giờ, cũng thấy những ngôi nhà bằng gỗ với sân cỏ gần như một kiểu một màu giống nhau. Có khác chăng là ở phía Đông trời lạnh hơn phía Tây, một cái lạnh đến tê người, mà dân Sàigòn hay dân Miền Trung như tôi với bạn không thể chịu nổi (vì tôi chưa đi Miền Bắc, nên không biết những nơi như Sa-pa, hoặc nơi đỉnh Hoàng Liên Sơn cao nhất Việt nam có lạnh như thế không). Duy có một điều mà tôi cho rằng cái lạnh ở đây nó giống Sàigòn mình ở chỗ như một thi sĩ đã tả: "Đang mưa mà chợt nắng" (Tôi lại mơ làm thi sĩ nữa rồi), buổi sáng thức dậy trời mát mẻ đôi khi hơi nóng, đến trưa cái lạnh chợt ùa đến làm mình không kịp mặc áo ấm.
Tôi đã định không viết cho bạn, vì chẳng có gì mới lạ. Nhưng tôi chợt nhớ một việc, mà nếu tôi không kể cho bạn nghe thì là một thiếu sót - đúng hơn là một lỗi lầm với Dân Tộc mình, đó là cái HỒN VIỆT trong lòng người Việt trên đất Mỹ.
Tôi nói thế nầy cho bạn dễ hiểu. Tôi được một người quen mời đến nhà của ông ấy ăn cơm gia đình, theo nguyên văn ông ấy nói: ĂN CƠM GIA ĐÌNH. Thật ra từ hôm tôi gặp ông trên đất Mỹ, nhiều lần ông mời tôi đi ăn ở Nhà Hàng nói là để giới thiệu cho tôi những món ăn Việt nam mình trên đất Mỹ: ăn phở Việt nam (tiệm ăn để tên Việt nam, cũng có tiệm để An Nam làm tôi khó chịu vì nhớ đến thời Một Ngàn Năm Đô Hộ Giặc Tàu), ăn nem nướng cuốn rau sống chấm mắm nêm đậm đà tình dân tộc... Nhưng hôm nay ông mời ĂN CƠM GIA ĐÌNH.
Tôi nghe hai chữ "Gia đình" chợt thấy lòng nôn nao lạ, có một sự ấm áp giống như cái máy "hít" trong nhà ở Mỹ len từ từ vào tôi, cái Hồn Việt bao nhiêu ngày qua trên đất Mỹ thiếu vắng bây giờ sống lại trong tôi.
Bạn đừng cho tôi giàu tưởng tượng, lắm chuyện. Vì tôi thấy người Việt ta ăn tiệc gì cũng ở nhà. Tại lối sống thị thành bị Âu Mỹ hóa, nên dân thành thị cứ kéo nhau ra Nhà Hàng mỗi khi có tiệc. Tại sao à" Thì ra Nhà Hàng chịu tốn chút đỉnh, khỏi dọn bàn, khỏi rửa chén, khỏi lo nấu nướng, có hàng chục hàng trăm món, mặc mà chọn mà kêu. Nhưng bạn thấy đó, ăn ở Nhà Hàng khó chịu làm sao, tù túng từ quần áo phải lịch sự, đến cái lịch sự ngồi ăn, phải chào phải mời, phải chờ phải đợi, thấy cái đùi gà cánh gà quay thơm phức mà có dám gắp đâu, dùng đũa gắp không được khiến nó trợt qua trợt lại, thì có mà bị chúng cười đến tận thế, mà dùng năm chiếc đũa trời cho cầm lấy thì lại càng quê cả người.
Có lần còn đi học, tôi đọc thấy Nhà Văn Lâm Ngữ Đường đã viết về nghệ thuật ăn uống như sau: "Ăn theo cách người Tây phương không ngon, thấy cái đùi gà cứ phải dùng nĩa dùng dao, ăn theo ta cầm lên mà cắn, bưng lên mà húp nghe chùm chụp thì mới ngon làm sao", tôi đọc xong cũng tâm đắc làm sao. Mà muốn ăn theo cách của ta, thì phải ở nhà mình bạn ạ bạn tha hồ mà tự do ngồi đủ cách, có thể gác chân lên, có thể xắn tay mà ra ngũ trảo công của Hổ quyền hoặc Long thủ quyền thuộc Thiếu Lâm tự mà vồ mà chụp, chẳng ai nói gì, đôi khi còn cười vui nữa là khác, chủ nhà lại khen bạn thiệt tình và người nấu ăn hãnh diện nghĩ rằng món ăn của họ nấu quá ngon.
Cái may mắn là người dân mình ở ngoại thành, ở vùng quê, vùng xa vẫn còn giữ được cái Hồn Việt, đám tiệc chi cũng tổ chức ở nhà. Đối với người Việt mình, đi Nhà Hàng là một sự xa xỉ, bao nhiêu lần tôi đã nghe chê các món ăn ở Nhà hàng không ngon: món súp cua bong bóng cá thì họ cho là thua món cháo vịt; món gỏi sen lỗ tai heo tôm luộc thì họ cho là thua món gỏi gà giò trộn bắp chuối hột... Trong khi đó, tôi đã từng dự những tiệc cưới đãi ở nhà kéo dài đến ba ngày ba đêm ở vùng quê dân Việt.
Thật ra món ăn thì chẳng có gì ngon với thịt heo kho, heo nướng, heo xào cải, năm khi mười họa được con cá chiên dầm nước mắm, hoặc thịt bò xào bông cải, hiếm mà thấy con cua con tôm. Nhưng nó đậm tình lắm bạn à, ai đi ngang ghé lại là được mời ăn, bất kể quen lạ, bất kể ngày giờ, ăn xong nói mấy câu hể hả ra về, thế mà chủ nhà tự cho là hân hạnh. Nếu nhằm một ngày tốt theo cách nghĩ của người Việt mình, bạn phải đi ăn đôi ba đám một ngày, bạn sẽ thấy thật ra đó là một ngày xui cho bạn khi đối diện những món ăn hầu như cùng một cách nấu. Bạn nghe người Việt quê mình ca tụng món ăn bằng những câu thơ trữ tình như:
Nước mắm ngon dầm con cá bẹ,
Anh bảo em về lén mẹ
qua thăm anh.
Rồi cũng nước mắm cá chiên:
Nước mắm ngon dầm con cá đối,
Em bảo anh về, để tối tối em qua.
Rồi những món canh mộc mạc:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp,
ật đầu khen ngon
Hoặc:
Rủ nhau xuống bể mò cua,
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.
Em ơi chua ngọt đã từng,
Non xanh nước biếc
ta đừng quên nhau.
Tôi lý sự dài dòng như vậy là muốn tả niềm vui mà lạ khi nơi đất khách quê người lại nghe hai chữ "Gia Đình" thân thương.


Còn điều nầy nữa tôi phải nói với bạn, đó là hai chữ "Gia Đình". Ông bà ta dạy rằng: Gia là cái nhà; Đình là cái sân. Vậy Gia Đình là cái nhà có cái sân, nói cách khác, nhà mà có sân mới là Gia Đình. Ôi hai chữ Gia Đình mới thấy ấm áp thân thương làm sao, nó là cái Tổ Ấm. Thế mà bạn thấy những căn nhà ở Sàigòn mình có mấy khi được cái sân, có lẽ cảm được cái lạnh lùng của dân thành thị, nên Nhà thơ Tú Xương cất tiếng than:
Có đất nào như đất nầy không,
Phố phường nằm sát với bờ sông
Còn đâu cái sân của Gia Đình nữa, còn đâu cái Tổ Ấm nữa. Tất cả chỉ để kinh doanh, không phải để đoàn tụ Gia Đình.
Và tôi đã đến với bữa ăn Gia Đình ấy. Thật là một bữa ăn Gia Đình, vì chỉ có vợ chồng chủ nhà, với hai người con, một đứa cháu, với lời phân trần của chủ nhà là "hai con gái đi làm chưa về, ở Mỹ là như thế, khó mà tập hợp đủ mặt trong bữa ăn Gia Đình".
Bạn có để ý là tôi không còn dùng chữ "Bữa Cơm" Gia Đình, mà thay vào đó là "Bữa Ăn" Gia Đình không " Đúng, tôi đổi chữ Cơm ra chữ Ăn là vì trên bàn ăn không có Cơm - một món ăn không thể thiếu của người Việt, thay vào đó là những miếng thịt bò bíp-tết đúng kiểu Mỹ, vừa to lại vừa dầy kèm theo nước xốt với bánh mì và phô-mai, rồi những con tôm sú to nằm xếp hàng cong cong trên dĩa, những con cua Mỹ to hơn bàn tay Việt nam của tôi vươn ngoe vươn càng khuỳnh ra chồng lên nhau, kèm theo mỗi người một chiếc khăn ăn Tây phương trắng muốt bên cạnh chiếc nĩa, cây dao, cái muỗng, tôi tìm hoài không thấy đôi đũa Việt nam.
Tôi với vợ chồng người chủ nhà vừa ăn vừa nói cười vui vẻ, kể cho nhau nghe những câu chuyện xưa là những kỷ niệm ở Việt nam, thỉnh thoảng người con lớn chen vào hỏi vài tiếng mà anh ấy không hiểu. Một lát sau, tôi chợt khám phá ra là người con thứ nhất nói tiếng Việt đúng giọng nhưng lại thiếu từ vựng; người con thứ hai không rành tiếng Việt, giọng nói lơ lớ như người Mỹ nói tiếng Việt thường phải chen vào tiếng Mỹ, và anh ấy là người thông dịch cho chủ nhà là ông bà với đứa cháu, vì cháu của ông không biết tiếng Việt, chỉ biết tiếng Mỹ, còn vợ chồng ông thì không rành tiếng Mỹ của đứa cháu. Bữa ăn kết thúc với lời chào hai thứ tiếng của tôi tùy theo đối tượng: "Cảm ơn" tiếng Việt chánh tông với vợ chồng chủ nhà; "thank you" với hai người con; "Bái bai" với cháu bé con Việt nam nói tiếng Mỹ kèm theo cánh tay áp dụng động từ "to quơ" để cháu bé hiểu tôi từ giã ra về.
Tôi ra về với bao thắc mắc, Bữa Cơm Gia Đình theo truyền thống Việt nam mà không đầy đủ con cháu như người Việt nam; Bữa Cơm Gia Đình mà thức ăn và cách ăn như Nhà Hàng, phải mời phải đợi, phải cắt phải ghim, phải múc từng miếng, đầy kiểu cách, không còn cái ấm áp, thật thà của người Việt nam mình.
Điều làm cho tôi lo nghĩ hơn hết là ba thế hệ trong gia đình người Việt nơi đất Mỹ nầy chỉ mới mười năm: Thế hệ thứ nhất của ông cha nói tiếng Việt; thế hệ thứ hai nửa Việt nửa Mỹ, tiếng Việt đã thành một thứ tiếng lơ lớ kèm theo một vài tiếng Mỹ để diễn tả điều muốn nói mà dường như bị thiếu trong tiếng Việt hay tiếng Việt mình bị thiếu; thế hệ thứ ba thì chỉ còn là tiếng Mỹ, dù là người Việt. Tôi nghĩ đến đứa bé kia lớn lên nó còn biết gì về cái Đất Nước hình cong như chữ S, đến những làng quê với những ngôi nhà mái lá mái tranh, với bờ tre, đám ruộng... của ông cha nó không " Đứa bé kia lớn lên chắc chắn không còn nhớ đến những món ăn gọi là quốc hồn quốc túy của tổ tiên Việt nam của nó như: mắm nêm, mắm ruốc, nước mắm, cơm trắng cá kho quẹt. Rồi lại đến cái ngôn ngữ, làm sao nó biết được tiếng Việt của cha ông, ngay cả cái tên của nó cũng đã là tiếng Mỹ. Bạn biết không, cái đau buồn nhất của tôi là cha mẹ chúng dường như hãnh diện khi con của họ biết tiếng Mỹ mà quên đi tiếng Việt nam, dù họ là người Việt nam.
Tôi có đọc bộ tiểu thuyết tựa đề là TỘI LỖI của một nhà văn Mỹ da đen. Truyện nói về một người thuộc một bộ tộc ở Phi châu bị bắt đem bán làm nô lệ qua Mỹ. Nhưng ngay trong những ngày sống kiếp nô lệ, không có một chút quyền tự do nào, người da đen nô lệ đó mỗi lần sinh một đứa con, lại tập hợp Gia Đình nhỏ bé thấp hèn của mình, rồi ông kể lại gốc tích của ông, của tổ tiên ông, ở một vùng đất Phi châu mà ông không còn nhớ rõ, chỉ nhớ là có một con sông mang tên thổ ngữ của ông. Rồi đến một ngày chế độ nô lệ không còn nữa, Gia Đình của thế hệ con cháu ông bây giờ đã trở nên đông hơn, thế mà họ vẫn theo lời dạy dỗ của ông, mỗi lần có một đứa bé chào đời trong Gia Đình, họ lại quây quần bên nhau để nghe kể lại gốc tích Phi châu của họ, tất cả đều không còn biết gì về cái vùng bộ tộc xa xưa nữa, họ cũng không còn nhớ cái ngôn ngữ rắc rối của tổ tiên họ, họ chỉ nhớ quê hương họ có một dòng sông mang cái tên mà họ dù đọc không đúng cũng còn nhớ.
Bạn biết không, tôi viết những lời nầy cho bạn là vì tôi đọc được một tạp chí Việt nam trên đất Mỹ, tạp chí nầy in và phát hành ở Việt nam, trong đó có một bài tựa đề: BẢO TỒN CÁC NGÔN NGỮ ĐANG DẦN BỊ BIẾN MẤT, trong đó dẫn lời của một người nói ngôn ngữ Comanche, bà nói: "Ngôn ngữ chính là nền văn hóa của chúng ta. Nó kết hợp nền văn hóa của chúng tôi lại với nhau. Nó cho chúng tôi biết cội nguồn của mình" và bà nói tiếp phần cuối của bài viết: "Những người già chúng tôi đang cố gắng giúp hồi sinh tiếng mẹ đẻ của mình, và cố gắng bảo tồn nó. CHÚNG TÔI MUỐN BIẾT MÌNH LÀ AI".
Tôi không biết nếu tôi sống lâu ở đất Mỹ nầy, tôi và con cháu tôi có mất gốc Việt không, nhưng hiện tại tôi có cảm giác như đang đứng giữa buổi chợ chiều Ba Mươi Tết mà thiếu vắng hình ảnh của Ông Đồ Già mài mực tàu giấy đỏ của thi sĩ Vũ Đình Liên, buột miệng than: HỒN (VIỆT) Ở ĐÂU BÂY GIỜ " HỒN VIỆT ƠI, NGƯỜI Ở ĐÂU BÂY GIỜ" Thư nầy tôi không hẹn viết tiếp cho bạn, nhưng tôi rất mong bạn cho tôi biết làm sao giữ được Hồn Việt Nơi Đất Mỹ giữa Gia Đình Người Việt mình" Mong được thư của bạn.

Mục sư TRẦN THÁI SƠN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,033,749
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến