Hôm nay,  

Câu Lạc Bộ 309.81

10/11/200300:00:00(Xem: 269995)
Người viết: DUY NHÂN
Bài số 390-928-VB631003

Tác giả Duy Nhân đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ. Ông là một cưu quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, sau 1975, đi tù cải tạo đền 1983. Sau đó, vượt biên đến Thái Lan, định cư tại Mỹ. Hiện cư trú tại tiểu bang Maryland, làm assembler. Bài viết mới nhất của ông lần này là nhữïng chuyện kể đầy cảm xúc về một câu lạc bộ và một cuốn sách đặc biệt gồm các hội viên là những cựu chiến sĩ VNCH mang bệnh tâm thần tại Mỹ.
+
Kính tặng chị L. H.
Không có chị, không có 309.81. Không có 309.81, không có bài viết nầy

"... Chúng tôi rất kiêu hãnh được phục vụ các anh chị. Các anh, các chị đã tin cậy tìm đến chúng tôi, tìm đến sự vấn an tâm hồn, giữ vững tinh thần, giảm bớt đau thương, phiền muộn mà chúng ta đã từng chịu đựng sau cuộc chiến kéo dài, trong trại cải tạo tù đày, nghiệt ngã của chế độ Cộng sản Việt Nam.”
Bác sĩ Đào Trọng Thể nói vậy với các bệnh nhân của ông. Từ cách nói cách nghĩ ấy, một câu lạc bộ được thành hình: Câu lạc bộ 309.81.
Đây là cái tên lạ lẫm với nhiều người. Nhóm số 309.81 là ước số quốc tế (code number) để chỉ chứng bệnh hội chứng tâm thần sau chấn thương và tress, dịch từ tiếng Mỹ post traumatic stress disorder syndromes.
Việc dùng code number thay cho tên gọi một chứng bệnh là điều tế nhị muốn tránh xúc phạm và mặc cảm đến những anh em phần nào mất khả năng tri thức, thường bị mê sảng và ác mộng.
Và rồi, những chuyện thật của câu lạc bộ 309.81 biến thành một cuốn sách.
"Các anh chị đang có trong tay tập truyện ngắn câu lạc bộ 309.81. Tập truyện nầy không có gì bí ẩn cả. Nó dày chưa tới 150 trang. Nó trong suốt như ánh sáng trắng, rõ như ban ngày. Tuy thế, nó là kết quả của một công trình lao động 9 năm, chín năm đốt đuốc soi rừng cùng các anh em. Nó là những thao thức, những trăn trở của anh em chúng ta, của thời đại chúng ta. Trong 9 năm đốt đuốc soi rừng ấy, những lúc tàn canh trong nỗi cô đơn thống thiết của kẻ lưu vong, chúng ta nghe văng vẳng tiếng:
Vó ngựa từ ngày ruổi xuống Nam
Truông mòn theo lối Hải vân San
Áo nâu phai nhạt màu cây cỏ...
(thơ Hồ Dzếnh)
Những lúc ấy, dầu có nửa khuya, chúng ta ngẩng đầu lên cao, vẫn nhìn thấy mặt trời đang chảy máu. Hiện tại, chúng ta đang sống tại Chicago, cách xa Tổ quốc hơn nửa vòng trái đất. Hằng ngày, tôi cầm bút nghĩ về Quê hương, về các anh em cựu quân nhân, về những người yêu nước lưu vong, tôi nghe nước mắt rỏ ở đầu ngọn bút ..."
Đó là lời của Đào Như trong phần giới thiệu tác phẩm của mình ở buổi ra mắt sách ngày thứ bảy tháng 9 năm 2003 tại thành phố Chicago.
Đây là buổi ra mắt sách khác lạ hơn bất cứ buổi ra mắt sách nào mà tôi được biết. Không có ban tổ chức vì chỉ một mình tác gỉa đứng ra tổ chức .Không có MC vì ngườI điều khiển chương trình cũng là tác gỉa. Có lẽ ông muốn buổi họp mặt không bị gò bó, đóng khung, trịnh trọng mà muốn nó được linh hoạt, tự nhiên, cỡ mở. NgườI tham dự hầu hết là bạn bè, người thân, còn lại là hội viên câu lạc b 309.81, chẳng có ai gọi là quan khách cả. Dĩ nhiên, cũng không có thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình, bình phẩm, khen chê. Tự nhiên tôi thấy thích cái không khí sinh hoạt ấm cúng chân tình như buổi họp mặt trong gia đình đó. Tôi theo dõi, thấy nhiều người xúc động trước giọng nói chậm, run run tha thiết của ông:
Tác phẩm chỉ có vỏn vẹn 6 truyện ngắn. Thật ra, đó là những chuyện hoàn toàn có thật từ những kinh nghiệm, những cảm xúc của ông khi tiếp cận vớI những nạn nhân của hội chứng tâm thần, cùng với nỗi niềm riêng, ông đã chuyển hóa thành tác phẩm văn chương, ông đã biến những hồ sơ bệnh án thành những truyện ngắn.
*
Câu chuyện bắt đầu từ sau cái đêm 30 tháng 4 năm 1975 khi tướng Nguyễn khoa Nam tự vận. Anh Lý Thiện Nhân là Đại Úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 52 Địa phương quân ở Bến Tre bắt tay từ giã bạn bè. Nó không phải là lời chào vĩnh biệt, cũng không phải là lời hẹn tái ngộ. Có cái gì bẽ bàng cho thân phận người lính. Anh đứng nhìn sững sờ các chú lính 'giải phóng 'đội nón tai bèo, lái xe jeep chạy tứ tung và chĩa súng AK lên trời bắn đùng đùng. Anh nói, họ chiếm cả vùng 4 không tốn một viên đạn. Anh cảm thấy mất mát qúa nhiều và vô cùng xấu hổ khi thấy mình cải trang trong bộ đồ dân sự, chân mang dép Nhật. Anh thấy thương mình vô hạn. Hành động cuối cùng mà anh đã làm là CHÔN SÚNG. Bước lên khỏi con lạch, mang lại đôi dép, đi hướng về nhà không ngoảnh mặt lại. Có chút gì chua xót trong anh.
Tới đây, tác giả không nói gì thêm nữa mà để mỗi người chúng ta, với nhận định, cảm xúc riêng của mình mà nhận chân ý nghĩa việc chôn súng của Đại úy Lý thiện Nhân. Không nói gì cả là một cách kết luận có rất nhiều ý nghĩa. Nó để cho người đọc với óc tưởng tượng phong phú của mình suy nghĩ thêm, góp phần vào việc sáng tạo.
Thật vậy, có người nói anh Nhân chôn súng có nghĩa là anh chưa đầu hàng, chưa chịu thua cuộc chiến. Có người lại nói anh vừa bước qua ngưỡng cửa của cuộc đời binh nghiệp và nhận ra rằng mình là một sinh vật may mắn được sống sót sau cuộc chiến tranh tàn bạo và phi lý như chàng Trung úy quân y trong truyện giã từ vũ khí (A farewell to arms) của Ernest Heming way.
Ernest Hemingway sinh năm 1899 tại ngoại thành Chicago là phát ngôn viên tiên phong cho thế hệ đã mất niềm tin và hy vọng. Ông được trao giải Nobel năm 1954 và mất năm 1961. Ông cho rằng mọi sự giết tróc đều không có mục đích mà kẻ chiến thắng cũng chẳng được gì, chỉ có con người là nạn nhân đáng thương của số phận tàn bạo (Man was the butt of a brutal fate). Đó không phải nhận định của một nhà văn thuần túy mà là kinh nghiệm xương máu của người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu, vì trong chiến tranh thế giới, ông tình nguyện gia nhập quân đội Mỹ, tham chiến ở các mặt trận Pháp, Ý, và bị trọng thương.
Ở đây, tôi thấy Đào Như có tư tưởng gần giống với Ernest Hemingway khi nói rằng máu đã lỗi thời rồi, vì máu không thể giải quyết được gì cả. Chỉ có nước mắt, cái tinh túy của con ngườI hơn cả máu. Do đó, ông đề nghị chúng ta hãy ngồi lại vớI nhau, vớI anh em. Chúng ta mạnh dạn xóa đi những vĩ tuyến, những giớI tuyến, những chiến tuyến, những học thuyết, những lý thuyết, những ngăn cách và bủa vây. Chúng ta quyết đập tan những lô cốt, những pháo đài đã được xây dựng trong quá khứ đau thương của lịch sử dân tộc. Đừng bao giờ trở thành "những con mèo ngủ yên trong một cuộc dọn nhà". (thơ Văn Cao).
Nếu những người Cộng sản Việt Nam có một phần quan điểm của tác gỉa, còn chút tình người thì khi đất nước đã im tiếng súng họ đã không hèn hạ trả thù, thủ tiêu bắt bớ, tù đày cả triệu ngườI miền Nam, nhất là các cựu quân nhân quân lực VNCH vì yêu nước mà ở lại vớI quê hương, với những người cùng chung huyết thống để rồi nhận lãnh những đòn thù tàn bạo như một số phận đắng cay, nghiệt ngã mà hậu quả còn để lại đến mấy chục năm sau. Đó là chứng bệnh hội chứng tâm thần. Căn bệnh nầy có triệu chứng là mê sảng trong lúc ngủ. Vừa chợp mắt là thấy ác mộng, tính tình nóng nảy bất thường, nhiều lúc lên cơn giận dữ vô cớ, nhức đầu, mệt mỏi, chán chường, mất cả lòng tin ở chính mình, ở nền tảng đạo đức, kể cả ở Phật, ở Chúa!
Trong truyện "hợp lưu", tác gỉa tả buổI sinh hoạt, buổi điều trị tập thể của các anh em hội chứng tâm thần. Anh Phúc, Đại úy viễn thám Trung đoàn 2, sư đoàn 1, là một trong những người vào Tchépone sớm nhất, đang kể lại cuộc hành quân Lam sơn 719 mà Cộng sản gọi là chiến dịch Hạ Lào, hay chiến dịch đường 9 Nam Lào. Bất thần, trong đám đông có người đứng dậy la lớn:
-Thôi, dẹp cái chuyện Lam sơn 719 đi. Nghe phát mệt. Nhức đầu quá rồi!
Người vừa nói câu đó là anh Cảnh. Trước đây, anh là Trung úy Không quân, sau tình nguyện chuyển sang Dù. Năm 76 anh trốn khỏi trại tù Trảng Bôm. Từ ba tháng nay, lúc nào anh cũng nghe tiếng la thét của Việt Cộng trong đầu: "Thằng giặc lái, hãy mau ra đầu hàng, nếu không sẽ phải đền tội..."
Anh Cảnh khi đến Mỹ xin việc ở đâu cũng không ai nhận vì bị chê dốt tiếng Mỹ, kể cả mấy ông chủ quán ăn người Việt. Thực ra, anh rất giỏi vì đã từng đi Mỹ học lái phi cơ trước 1975. Một hôm, lúc 3 giờ sáng, trời rét dưới không độ, anh lên cơn mê sảng, tung cửa chạy ra đường 'xõng cu mà đái' và còn ca hát nữa. Anh bị Police bắt bỏ vào bệnh viện tâm thần Chicago Read, được tác gỉa, tức Bác sĩ Đào Trọng Thể lãnh về.
Cùng hoàn cảnh với Trung Úy Cảnh có Trung úy Bằng, sĩ quan Hải Quân, từng du học Mỹ một năm, ở tù Việt Cộng tám năm. Anh Cảnh đến Mỹ năm 92. Lúc đó đã trên 60 tuổI, xin việc ở đâu cũng không được vì bị chê già. Anh đành làm 'nghề tự do' là đi lượm lon nhôm, gom về bán lại. Suốt ngày, anh chỉ làm bạn với cống rãnh, đống rác! Anh nói, nghề nầy cũng bị cạnh tranh gay gắt, mỗi ngày chỉ có thể kiếm được vài đồng. Một hôm đến hai giờ sáng thì anh đói, mệt lả, hoa mắt, ngã gục bên vệ đường. Police đến, lay anh dậy, anh chỉ biết ú ớ. Nó tưởng anh là kẻ homless bị điên nên cũng chở về Chicago Read. Cũng Bác sĩ Thể đến lãnh anh về, cho tham gia câu lạc b 309.81.
Một cảnh khác: Anh Đạt đang kể chuyện về tên chính ủy Việt Cộng ở khám lớn Chí hòa, bỗng nhiên dừng lại rồi đứng lên thộp cổ áo thiếu tá Nguyên, hét lớn:
-Tao không khoan nhượng nữa đâu. Quân lạc hậu của loài người. Giờ nầy mà còn cai trị đất nước bằng chuyên chính vô sản...
Rồi anh bưng mặt khóc! Anh Nguyên cũng khóc theo. Phòng họp im lặng. Nhìn anh Đạt cặp mắt thất thần, cứng đờ sau cơn choáng nặng, Bác sĩ Thể lên tiếng:
-Mong các anh em hiểu cho anh Đạt. Những gì xảy ra đó chỉ là phản ứng của cơn kích động tâm thần ngoài ý muốn chúng ta.
Sau khi anh Hào, Đại úy Cảnh sát kể lại chuyến đi lịch sử của anh em từ Tân cảng Biên Hòa ra Phú quốc trong cái hầm tàu há mồm và chuyện 'ăn cháo cứt' tại Phú Quốc, Anh Đạt nói:
-Đi học tập cải tạo như các anh theo quy chế ngụy quân, ngụy quyền ở các trại tập trung sướng hơn chúng tôi nhiều. Các anh học tập có quy chế hẳn hoi, có không khí để thở, đánh cán bộ quản giáo mà vẫn được lệnh tha, chưởi Hồ chí Minh mà vẫn được sống nhăn răng! Các anh chưa qua các cửa ngục: sở công an, đề lao Gia định, trước khi đến cõi âm ty, khám lớn Chí hòa, các anh chưa thấm nhuần Đạo lý Cộng sản!
Trung tá Nguyễn Đồng, còn mệt mỏi cũng cố gắng nói:
-Tất cả chúng ta đều là một lũ khốn nạn. Chúng ta đã óan trách cha anh chúng ta để lại cho chúng ta một quê hương rách nát. Bây giờ chúng ta để lại con em chúng ta những gì" Chúng ta đã đánh mất cả quê hương! Con em chúng ta là những đứa trẻ mất nước, mất niềm kiêu hãnh là người Việt Nam. Chúng ta chịu hoàn toàn trách nhiệm về điều đó. Làm sao chúng ta có thể cứu chữa tội lỗi ấy trước Cộng đồng Việt Nam, trước lịch sử"
Trước khi đứng lên ra về, Anh Đồng lại nói:
-Hỡi những ngườI Cộng sản! Các anh nhân danh ai, nhân danh cái gì mà các anh đưa hàng triệu người yêu nước đi vào trại tập trung cải tạo" Các anh đã ám hại, vùi dập biết bao sanh linh. Sau hơn hai mươi năm các anh giác ngộ chưa" Ai là ngụy" Ai là cách mạng" Ai là ngụy cách mạng" Cả thế giới, cả nước và chúng tôi đang chờ đợi. Các anh chưa có một lời tự thú!
Thế giới vẫn còn đây, cả nuớc vẫn còn đây. Riêng Trung tá Đồng chưa nghe được lời tự thú của Cộng sản thì đã ra đi!
Trong truyện tiễn bạn, tác gỉa tả những giờ phút cuối cùng của một thân phận con người vớI tấm lòng nhân bản và tâm hồn cao thượng hiếm có:
Và bây giờ tại bệnh viện, anh nằm im bất động, thở dưỡng khí mệt nhọc. Anh nấc lên từng hồi. Tôi nhìn anh hấp hối, nhớ lại Tổ Quốc trong cơn thập tử nhất sinh 30 tháng 4 năm 75. Biết bao nhiêu cố gắng. chiến đấu trong tuyệt vọng để giữ lại Sài gòn. Trong cuộc chiến đấu nầy, một mình anh gánh chịu, không ai có thể san sẻ với anh được. Trông anh vật vã qúa, cô đơn quá Chúng ta chiến đấu cô đơn qúa, phải không anh, nhất là sau tháng giêng 1973. Mới ngày nào, anh còn khẳng định với anh em tại câu lạc bộ: Sống là chiến đấu. Chiến đấu trong mọI địa bàn, trong mọI trạng huống và tình thế. Đôi khi đờI không yêu ta, ta cũng phải há mồm cắn vào nó, ghì chặt nó như xích của tăng cạp lấy mặt đường, cạp lấy bùn lầy, đá núi, tiến vế phía trước. Anh thường nói Tổ Quốc, Quê hương đến với anh trong từng chén cơm, giấc ngủ. Giọng đọc thơ của anh như còn sang sảng đâu đây:
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ
đất Thăng Long
Trước đây, anh đã nhìn thấy Đại tá Trần Vĩnh bị mù lòa, chết trần truồng trong nhà tù ở Hà nội như một gía trị lịch sử của một khúc ngoặt cuả Tổ Quốc hơn là số phận một con người. Nay anh nằm xuống, có ai nghĩ gì về cái chết của anh không"
Tôi quỳ xuống bên cạnh quan tài anh, cầu nguyện. Tôi thấy đấng Christ treo mình trên thánh gía, bên cạnh anh. Tôi nhớ đến câu ai nói 'Christ chết cho tội lỗi của chúng ta'. Không hiểu đấng Christ có chết cho tội ác của những người chuyên chính vô sản không" Tôi cúi nhìn lại gương mặt anh thật siêu thoát, hài hòa. Có lẽ anh đã tha thứ cho tất cả phải không anh" Anh đã tha thứ cho chiếc còng bằng sắt đã siết chặt tay anh rướm máu, anh đã tha thứ cho nhà tù, cho trại cải tạo, cho mùi hôi hám và bóng tối thê thảm ở cacho khám lớn Chí hòa và anh cũng tha thứ những năm tháng nhọc nhằn của kiếp tù đày, lưu vong nơi xứ người.
*
Đọc tiếp truyện ngắn "cũng đành", chúng ta bắt gặp ở đây cái thời đại mà mình đang sống với vô vàn những vấn đề xã hội qua những câu chuyện đời thường của anh em cựu quân nhân đang sống đời lưu vong tủi cực mà không đầu hàng số phận, vẫn cố gắng vươn lên với niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng của con em mình, cộng đồng mình.
Nhân vật chính là trung tá Định, bị depression và panic attack, thường lên cơn hốt hoảng, sợ chết đột ngột, nhiều lúc nửa đêm quát tháo ầm ĩ - “Ông là ngụy đây! Ông là ngụy đây!” Người bệnh không những lên cơn ban đêm mà cả ban ngày trong lúc đang chuyện trò với khách. Tác gỉa tả: “Anh đứng phắt dậy trong cơn kích động tâm thần mãnh liệt. Tôi không thể biết trước anh sẽ làm gì. Tôi liền đứng dậy, ôm anh thật chặt vào lòng và ghì anh ngồi xuống. Chúng tôi ôm nhau, tôi nghe tiếng nấc từ lồng ngực anh.”
Lý do khách quan khiến người cựu quân nhân chúng ta mắc bệnh tâm thần thì đã rõ còn lý do chủ quan có lẽ do chúng ta không quên được quá khứ của mình. Ta hãy nghe đây, lời Trung tá Định: những ngườI ở hội bảo trợ thường khuyên tôi nên quên cái quá khứ của mình đi mà lo xây dựng một con người mới để hội nhập xã hội mới văn minh và tiến bộ hơn. Nhưng tại sao mình phải quên quá khứ của mình" Tôi là ngườI lính yêu nước, tôi không bỏ chạy dưới áp lực của thằng Cộng sản. Không có kẻ nào có đủ quyền năng bắt chúng ta phải đánh mất bản ngã của chúng ta được. Khi đến thăm nơi ở của gia đình trung tá Định, tác gỉa viết:
“Tôi lấy hết can đảm và thận trọng đứng chàng hảng trên bãi cứt, với tay gõ nhẹ cánh cửa không có tiếng trả lời. Khi đến vùng nầy ngay từ lúc 75, ai cũng bị nhốt cả gia đình vào một phòng hôi hám, tối tăm chật chội. Vợ chồng, con cái cựa quậy trong một không gian nhỏ bé đến độ vô luân. Đồ dùng trong nhà phần lớn là do đi lượm ở bãi rác. Khi mới đến Mỹ biết bao là oan khiên vây bủa. Từ sự phản trắc của người thân thương đến sự bạc đãi của người xa lạ. Sau khi ra khỏi nhà tù nhỏ, người lính lại phải một lần nữa liều chết để vượt thoát nhà tù lớn bằng những con thuyền ọp ẹp, chịu biết bao hy sinh, mất mát mới đến được nước Mỹ thì bị gọi một cách xách mé, khinh bỉ là bọn thuyền chài (thay vì thuyền nhân).”
Tác gỉa nói, chúng ta đã trả gíá rất đắt cho hai chữ Tự Do. Anh Định tìm việc nơi nào cũng bị chê, nên cũng đành như 'cánh hoa rụng chọn gì đất sạch', làm lao công chùi nhà vệ sinh trong các hotel với mức lương tối thiểu. Ngoài ra, còn phải đi giao piazza ban đêm kiếm thêm chút đỉnh tiền tip nuôi vợ nuôi con. Vậy mà cũng bị bọn Mỹ đen bắn guc. Chị Tiêu Phương, vợ anh Định vẫn còn khôi hài, “Mấy đời mà nòng súng chĩa thẳng vào tim bắn cái đùng mà vẫn sống nhăn răng.”
Điều gì khiến Trung tá Định bệnh hoạn mà vẫn đứng vững và hội nhập được vào xã hội vô cùng khắc nghiệt, có lúc đã ngã gục dưới lằn đạn của loài hạ đẳng, nhưng cuối cùng thì định mệnh vẫn mỉm cười với anh" Đằng sau sự qủa cảm của người quân nhân, đã có Bác sĩ Đào trọng Thể. Tác gỉa kể: “Chính tôi là người kéo anh ấy ra khỏi bóng tối của trầm cảm và thúc đẩy anh ấy hội nhập vào xã hội mới, xây dựng cộng đồng và từ bỏ cảnh đứng khoanh tay bên lề cuộc đời...
Thật vậy, trong môi trường học đường lúc bấy giờ cực kỳ phức tạp, thày không ra thày, trò không ra trò. Việc học không phải chỉ là vấn đề chữ nghĩa, nó còn là sự va chạm về văn hóa và các mối tương quan xã hội khác. Đó là vấn đề mới và lớn đặt ra cho cộng đồng chúng ta. Để giải quyết, tác gỉa đã thành lập hội phụ huynh học sinh. Sau nầy ông mạnh dạn trao lại chức Giám đốc cho anh Định và anh đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Hai đứa con anh, một đứa trở thành kỹ sư computer, một đứa dược sĩ là phần thưởng rất xứng đáng dành cho anh.
*


"Chết tại Ban Mê Thuột" cho ta nhìn lại cuộc chiến tranh của đất nước đã xé toang gia đình ra từng mảnh, khiến cho bên nầy cũng như bên kia, không ai dám nhìn thẳng vào quá khứ quá đỗi đau thương. Dầu sao, tình cảm gia đình, họ tộc và tình yêu Tổ Quốc vốn thiêng liêng nên bom đạn của chiến tranh và chủ nghĩa vô thần, cũng như chuyên chính vô sản hay tư bản, đế quốc không thể nào hủy diệt được. Đó là chủ đề tác gỉa muốn nêu lên.
Thượng sĩ Trần Thống trên đường triệt thoái cùng sư đoàn 2 với các lực lượng của tướng Phạm văn Phú từ cao nguyên về các tỉnh duyên hải tháng 3 năm 75, đã bị thất lạc đứa con trai năm tuổi và đau khổ chứng kiến cái chết của vợ mình. Ông mô tả như lời tố cáo thống thiết trước lương tâm nhân loại: “Bà chết ngay dưới chân tôi, Bà chết chổng mông ngay cái vực sâu hơn hai thước. Biết làm sao bây giờ. Tôi đành chôn bà ngay tại chỗ. Tội nghiệp, bà thế chồng con một mình, Bà chết thê thảm quá. Tôi đành dựng một tấm bảng bằng tôn, đề tên, để sau nầy mình có dịp ra trở lại, bốc mộ bà.” Ông còn nói thêm, lúc ấy, liên tỉnh l 7 là một hỏa ngục kéo dài từ cao nguyên đến các tỉnh duyên hải, Cộng quân tha hồ tàn sát không một chút nhân đạo, không một mảy may tình nghĩa dân tộc. Vậy là hơn hai mươi năm lính, ông chỉ còn lại 4 đứa con, một chiếc áo thun một cái quần xà lỏn! Cuối cùng, ông chắp nối với một bà hồng nhan đa truân có con lai để đi Mỹ năm 84. Lúc đó, ông đã ngoài 70 tuổi, đêm nào ngủ cũng thấy ác mộng, chiến tranh, thịt rơi, máu đổ.
Bà Sương quê Hoiä an, có chồng vọng tộc ở Huế, sinh được hai con đặt tên là Hoa và Thăng. Chồng bà tốt nghiệp Đại học sư phạm, bị động viên, cấp bậc Trung úy, tên Vinh, bị Cộng sản giết chết, vùi thây ở hố chôn tập thể, nhà Bà bị rocket của máy bay Mỹ bắn cháy trong biến cố Mậu thân 68. Bà là nạn nhân của cả hai bên, hai chế độ, hai chủ nghĩa! Từ đó, định mệnh đã đưa số phận bà vào cơn bão tố. Bà gặp Bob trong một hộp đêm ở căn cứ Chu Lai. Năm 73, Bob về Mỹ, để lại cho Bà đứa con lai, Bà đặt tên là Louis, để nhớ cha nó. Năm 76 bà đi làm khai sanh cho nó. Mấy ông Việt Cộng ở địa phương đâu biết tiếng Mỹ nên ghi là Lui, sau đó nghe giọng đọc của Bà nên thêm dấu huyền, thành ra Lùi.
Thằng Lùi da trắng, tóc vàng, mắt xanh, giống Ba nó, thấy thương đứt ruột. Bà nói. Có người hỏi, sao lúc đó Bà không khai cháu Louis là con nuôi, hay lượm ở đâu đó, cho đỡ phiền phức. Bà nói, con tôi, tôi phải khai là con tôi chớ. Tôi mang nặng, đẻ đau. Trời cho nó cho tôi, tôi phải đùm bọc nó. Có chết tôi cũng chịu, đâu có lẽ nào mình bỏ giọt maú của mình.
Tháng 7 năm 76 Bà Sương dắt hai đứa con lớn về thăm quê nội ở Huế thì gặp lại anh chị Hoành. Anh Hoành là anh ruột người chồng trước của Bà, tập kết ra Bắc năm 54, đã đậu Tiến sĩ tại Liên xô. Anh ôm hai cháu Hoa và Thăng vào lòng, không dám khóc mà nước mắt rưng rưng. Anh không hề nhắc đến cái chết của Vinh cũng như cái chết hao mòn của cha mẹ anh ấy cũng như cái chết của đứa con trai duy nhất lên 10 bị B52 Mỹ dội bom chết ngày Giáng sinh 1972 ở phố Khâm Thiên Hà nội. Chị Hoành nói, đó là vết thương tâm lúc nào cũng xuất huyết. Nghĩ về cái chết của chú Vinh, cái chết của con chúng tôi, nhiều đêm nhà tôi không ngủ được. Anh Hoành thì nói, thâm thúy mà chua xót, cái gì của quá khứ có thể đúng mà cũng có thể sai. Nhưng nó thuộc về qúa khứ thì nên coi nó như vĩnh viễn của quá khứ. Chúng ta hãy lo xây đắp cái gì đang trước mắt chúng ta. Rồi anh đề nghị, vợ chồng tôi thấy cần giúp đỡ thím để chăm nom hai cháu Hoa và Thăng. Xin thím cho hai cháu về ở với vợ chồng tôi. Nói rồi anh dẫn hai đứa con Bà đi từng phòng trong nhà và nói với chúng:
-Bác và hai con đang trở về ngôi nhà của tổ tiên, của Ông nộ, bà nộ, của cha các con. Nơi đây Bà nộ đã hạ sanh Bác và cha của các con và cũng là nơi mười mấy năm trước mẹ các con đã sinh ra các con. Các con hãy ở lại đây dưới mái nhà nầy với hai bác .
Khi Bà Sương ngỏ ý gửi năm cây vàng cho anh chị Hoành để tiếp tay chăm sóc hai đứa con chị, thì họ không nhận mà nói:
-5 cây vàng là một vốn lớn đối với đồng lương chúng tôi. Nhưng tôi nghĩ, 'chế độ' của hai vợ chồng tôi hàng tháng đã đủ để chúng tôi đùm bọc hai cháu và giữ lấy gia phong.
Sau đó, Bà Sương về laị Hộ An mở quán cà phê và lấy chồng lần thứ ba, sinh thêm một đứa con ở tuổI 42, đặt tên là Phúc.
Định mệnh lại trêu bà lần nữa. Chồng bà vượt biên bằng tàu đụng phải đá ngầm, chết tại mũi Dinh ngoài khơi Phan Rang năm 81. Bà và thằng Lùi, thằng Phúc bị chánh quyền áp đảo đến vùng kinh tế mới Đà Nẳng 2, sát chân núi Trường sơn, gần đường mòn Hồ chí Minh. Như số phận đã an bài, ngườI ta vô tình sắp Bà ở căn nhà chung vách với cha con ông Thống. !
Tác gỉa đến thăm Ông Thống lúc ba giờ chiều ở bệnh viện: Ông nằm phẳng phiu trên giường, đã kiệt sức, nhưng còn cố nói những lời vĩnh biệt:
- Lặn lội trên khắp chiến trường suốt hai mươi năm, hôm nay ôm bụng chịu chết vì ung thư gan. May mà không do chất độc màu da cam của Mỹ. Nếu rủi mà như vậy thì làm sao lịch sử có thể soi rọi bóng tối sâu thẳm nầy. Buôn mê Thuộc là quê hương của tôi. Tôi sanh ra ở đó. Cuộc đời của tôi chôn chặt dưới màu đất đỏ ấy. Cộng sản có thể chiếm đóng quê hương tôi, tước đoạt quyền bảo vệ Tổ quốc của tôi. Nhưng Cộng sản không thể nào thủ tiêu được lòng yêu nước của tôi. Xin cho tôi được chết trên quê hương tôi, trả tôi về lại cho Tổ quốc tôi... Thưa Bác sĩ, tôi còn một ý nguyện nữa, tôi phải về để bốc mộ vợ tôi. Bà nằm ở đó 25 năm rồi. Mưa gió tội nghiệp Bà. Tôi sẽ đem Bà về nằm gần nhà, ở Ban Mê Thuộc. Sau nầy con tôi sẽ đặt tôi ở bên cạnh Bà...
Tác giả:
-Sao ông lại hỏi tôi như vậy" Đó là quyết định to lớn, liên hệ tới vợ con ông, gia đình và tổ quốc hơn là đối với tôi. Tuy nhiên, tôi cảm ơn ông đã cho tôi vinh dự vô cùng to lớn ấy. Còn chuyện chúng ta quay đầu về Tổ Quốc thì đó là một sự lựa chọn vô cùng chính đáng!
*
Đọc truyện Đào Như, cảm nhận đầu tiên của tôi và những ngườI tham dự buổi ra mắt sách là như thấy mình trong đó! Không phải là bộ đồ trây di đã cởi bỏ, cây súng được chôn hay vứt đi ở nơi nào đó hai mươi tám năm về trước, mà đó là những tâm tư, tình cảm, những suy nghĩ của mình, những trường hợp giống mình đã được thể hiện qua từng nhân vật. Những nhân vật nầy, có người đã mất đi như Trung tá Định, Trung tá Đồng, Thượng sĩ Thống, người có nguyện vọng được chết tại quê nhà, và được toại nguyện. Những người khác vẫn còn đó, đang ngồi cạnh bên nhau, cùng cảm xúc như nhau, cùng ôn lại một chặng đường lịch sử, cùng đau niềm đau dân tộc, như chị R.T đã nói, một cách đắng cay: Chúng ta thua ở Hạ Lào nhưng chúng ta có được bài thơ cửa Dương Chi, nhà thơ quân đội:
Tchépone! Tchépone !
Giận sức mình sớm tận
Đau chí lớn chưa thành
Thương ai, tình mong đợi
Ngắn ngủi mộng trường chinh
Mọi ngườI trong buổi họp mặt, ai cũng gọi Đào Như là nhà văn của chúng tôi, là Bác sĩ của chúng tôi. Tôi thì không thích gọi ông bằng danh hiệu đó, vì nghe nó chuyên nghiệp quá. Vả lại, Ông đâu có sống bằng ngòi bút của mình. Ông đâu có tưởng tượng để huyễn hoặc người khác bằng trò chơi chữ nghĩa.
Như ông phát biểu, văn ông nó trong suốt như ánh sáng trắng, rõ ràng như ban ngày. Nó là những thao thức, những trăn trở của anh em chúng ta, của thời đại chúng ta. Ông chỉ ghi lại vấn đề mà Ông quan tâm, chiêm nghiệm, những gì mà tác gỉa đã và đang sống. Về những con người mà tác gỉa gặp gỡ hàng ngày, là bạn bè, là chiến hữu, là những bệnh nhân mà tác gỉa là ngườI trực tiếp hoặc gián tiếp chữa trị cho họ, vấn an tâm hồn họ, làm giảm đi nỗi đau chiến tranh còn để lại vết hằn trong tâm hồn họ, bớt đi những phiền muộn mà họ đã chịu đựng trong và sau cuộc chiến kéo dài, nghiệt ngã, đến 50 năm.
Tác gỉa thường dùng ngôi thứ nhất, là ngườI kể chuyện. Do đó, tôi thích gọi Ông là ngườI kể chuyện. Thủ pháp văn học nầy đã giúp Ông đạt tới sự thật một cách đầy đủ nhất, tròn trịa nhất, chân tình nhất. Ông thường kết thúc truyện bằng cách nói lên cảm xúc của mình ngay lúc đó. Ta hãy cùng đọc lại hai đoạn văn kết thúc truyện của Ông:
'Buổi họp kết thúc, anh em ra về. Mình tôi ngồi lại viết truyện nầy. Ngoài trờui lạnh, đêm xuống dần... Tôi đứng dậy, tiến đến cửa sổ, nhìn xuống đường. Tôi thấy em bé da đen lạnh, chạy đến mẹ nó. Người mẹ nghèo khó, vén vội vạt áo choàng lên, em bé chui vào, Bà mẹ phủ con ấm áp. Tôi nhớ tới mẹ tôi. Bà năm nay 92 tuổi. Bà đang sống những ngày khốn khó tại quê nhà Phan Rang. Tôi nhớ mẹ tôi. Tôi yêu bà vô hạn... Tôi yêu Quê hương, Tổ quốc. Tôi yêu thôn Phủ Hà, xóm Động nhỏ bé khô cằn nằm bên đê sông Dinh, nơi chôn nhau, cắt rún. Có những đêm chiến tranh, có những ngày hoà bình, buổi sáng đầu thôn, buổi chiều cuối bãi. Giờ nầy có lẽ mẹ tôi đang thức giấc. Ngày vừa lên bên ấy, đêm đang xuống bên nầy. Bà lại bắt đầu một ngày quạnh hiu, mong ngóng con về."
Hoặc cảm xúc của tác giả sau chuyện ông Thống:
'Tôi giã từ Ông Thống, ra khỏi bệnh viện lúc 5 giờ chiều. TrờI Chicago cuối tháng 4 vẫn còn lạnh. Tôi ngừng lại, ngước cổ, kéo áo choàng cao hơn. Tôi chợt thấy hàng chữ điện tử trên nóc ngân hàng chỉ rõ hôm nay là ngày 30 tháng 4. Tim tôi se lại. Tôi cúi xuống, mở cửa bước vào trong xe. Ngồi vào, ôm tay lái, tôi nghe hai dòng nước mắt nóng ấm lăn trên má...'
Những xúc động của Ông đã làm cho người khác xúc động. Điều nầy ít thấy được ở các nhà văn. Tôi không muốn nói đây là sự thành công bởi vì còn có cái gì đó, khác hẳn, hoặc cao hơn thế nữa. Người Pháp có câu 'Le moi haissable - cái TÔI đáng ghét. Nhưng cái TÔI của Đào Như sao mà đáng kính, đáng trọng quá.
Chúng ta đã tìm thấy ở đây, trong tác phẩm của Đào Như cái thời đại mà mình đang sống với vô vàn những vấn đề xã hội qua những câu chuyện đời thường của ngườI Việt tị nạn, của anh em cựu quân nhân nơi xứ lạ. Nó cứ lẫn lộn, đan xen với nhau một cách tự nhiên trong cuộc sống: cái sâu sắc với cái tầm thường, cái vĩ đại với cái bé nhỏ, đắng cay với ngọt ngào, cái bi thảm với cái hài hước. Nhưng cuối cùng, anh em chúng ta vẫn đứng vững, hội nhập được vào dòng chính nước Mỹ và không ngừng vươn lên với niềm tin và hy vọng.

Thành ngữ Pháp có câu 'Le style c'est l'homme', văn là người. Đọc văn Đào Như ta hiểu Ông là người chân tình, giản dị và trong sáng. Ông luôn gắn bó, giúp đỡ Cộng đồng, nhất là các anh chị cựu quân nhân. Đối vớI anh em HO, lúc nào Ông cũng sẵn sàng giúp đỡ, dìu dắt anh em vượt mọi khó khăn để vươn lên cho đời sống ngày càng tươi đẹp hơn. Với cương vị là Bác sĩ, là một councelor về tâm thần, ông làm được rất nhiều điều mà không cần ai biết đến. Nếu phải dùng một từ nào đó có đầy đủ ý nghĩa để nói về Ông thì tôi sẽ dùng chữ TÂM, hay TẤM LÒNG. Tấm lòng đối với con người và tấm lòng đối với Quê hương. Một tấm lòng hết sức hiếm hoi trong thời đại ngày nay đã được nhiều người nhìn nhận.
Hôm ra mắt sách, Anh T. V. N, người không biết làm thơ cũng mượn được 4 câu thơ của ai đó để tặng cho Ông:
Trăm năm trước chúng ta chưa có
Vài năm sau biết có còn không
Cuộc đời sắc sắc không không
Chúng ta hãy sống hết lòng với nhau
Anh T.T.T, một họa sĩ, cũng làm thơ tặng Ông:
Những dữ kiện
Trăn ngàn
Nhân chứng sống
Đêm dã sử
Tàn canh
Mà tim anh
Còn bừng nóng
Trở trăn
Khôn lường
Đau, nhớ
Không nguôi...
William Faulkner, nhà văn Mỹ sinh năm 1897, tại thành phố Oxford, tiểu bang Alabama được xem là nhà văn thuộc phái tự nhiên, thường mô tả cơn ác mộng của thế giới sa đọa, độc ác, tàn bạo và lầm đường lạc lối, cũng giống như xã hội Việt Nam ta bây giờ, năm 1951 đoạt giải văn chương Nobel, mất năm 1962, có nói: Trách nhiệm của nhà văn trước tài năng của chính mình là phải viết để mọi ngườI hiểu. Với tác phẩm đầu tay, chỉ vỏn vẹn có sáu truyện ngắn, tôi thấy Đào Như đã làm được điều đó. Đọc ông, hiểu ông. Chuyện đó đã đành. Điều tôi muốn nói là, khi hiểu ông, ta càng hiểu mình hơn, hiểu cộng đồng hơn, hiểu thời đại mà mình đang sống hơn. Bởi vì, những tư duy, trăn trở và ước vọng của ông cũng chính là của mọi người chúng ta, cộng đồng chúng ta.
Hôm ra mắt sách, chị M L, một người bạn của tôi nói, những năm 90 chị đọc và thích bài thơ TA VỀ của Tô Thùy Yên. Lúc đó, chị chưa hiểu hết ý nghĩa của bài thơ:
Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề, vạt áo phai
Song bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ
Chỉ sau khi đọc truyện Hợp Lưu của tác gỉa Đào Như, chị mới vỡ lẽ, mới hiểu thế nào là sự tàn bạo của chuyên chính vô sản, thế nào là thảm trạng của học tập cải tạo, của chốn lao tù Cộng sản. Chị nói, từ thuở khai thiên lập địa, loài khỉ tiến hóa lên loài người (theo sách vở Cộng sản) cần đến cả trăm triệu năm. Nhưng thời đại ngày nay, muốn con người thoái hóa thành loài khỉ chỉ cần cho nó đi học tập cải tạo trong vòng ba hoặc mười năm thì nó thành vượn cổ sơ ngay. Hoặc từ người thoái hóa thành ròi bọ, bình đẳng, lăn lóc với vòi bọ, chui rúc với nhau bên cạnh những thùng phân hôi thúi chỉ cần có ba ngày thôi, ba ngày sống trong hầm tàu từ Tân cảng Sàigòn ra Phú Quốc. Chị nói tiếp, sau khi đọc truyện của Đào Như, chị mới hiểu được hết ý nghĩa bài thơ Ta Về mà cảm nhận sâu sắc tấc lòng nhà thơ Tô Thùy Yên và hiểu nhiều điều về một giai đoạn lịch sử nước nhà từ khi Cộng sản phương Bắc vào chiếm đoạt miền Nam 30/4/1975 và tình trạng của đồng bào, chiến sĩ ta đang sống lưu vong nơi xứ người như một thân phận đầy đắng cay và tủi nhục. Xin cám ơn nhà văn Đào Như .
Trước ngày 30/4/1975 tôi không hề làm thơ, tôi không biết làm thơ. Vậy mà trong những năm tháng tù tội khi Cộng sản về chiếm đoạt miền Nam tôi lại làm được thơ. Thực ra, đó chỉ là những xúc động của một tâm hồn nhạy cảm trong hoàn cảnh đặc biệt, đó là những nỗi đau từ trong sâu thẳm tâm hồn không chịu đựng nổi, thể hiện ra trong ký ức, chỉ trong ký ức thôi mà không phải là trên trang giấy vì giấy bút đâu được phép trong tù Cộng sản. Những bài thơ trong tù của tôi từ 28 năm qua chưa có ai đọc được vì tôi không phổ biến và tôi không muốn phổ biến. Giờ đây, cũng trong hoàn cảnh đặc biệt, tôi muốn ghi ra 4 câu mô tả chuyến đi kinh hoàng mà tôi và những anh em khác bị Cộng sản đưa ra Phú Quốc từ Tân cảng Sài gòn bằng con tàu 503 trong ba ngày 21, 22 và 23/6/1976. Ba ngày nầy làm sao tôi quên được. Điều tôi muốn là xác nhận những gì tác gỉa Đào Như ghi lại là hoàn toàn có thật và những cảm nghĩ của chị M L tuy có châm biếm, đắng cay, tàn nhẫn là hoàn toàn có cơ sở mà có lẽ chỉ những người trong cuộc mới hiểu được thôi vì những điều đó đã vượt qúa sức tưởng tượng của con người. Bốn câu thơ của tôi giờ đọc lại thấy nó quá nhẹ nhàng khi mô tả một cảnh của địa ngục trần gian:
Mưa nhỏ giọt xống linh hồn cháy lửa
Suốt đêm ngày, tắm rửa với mồ hôi
Với cao tay, quờ quạng chút hơi người
Miệng gào thét những âm thanh khiếp đảm
NgườI chiến sĩ VNCH cầm súng chiến đấu để tự vệ, để bảo vệ làng xóm, tính mạng, tài sản người dân, bảo vệ lý tưởng Tự do, Dân chủ của Quốc gia là một nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả. Vậy mà cuối cùng bị biến thành những tên lính đánh thuê trong âm mưu bán đứng miền Nam cho Cộng sản của các thế lực quốc tế.
Rồi thì ngày đen tối của đất nước ập đến, anh ngậm ngùi vứt bỏ áo linh, vứt đôi giày sô để mang dép Nhật, và vứt bỏ vũ khí hay chôn nó ở nơi nào đó, hy vọng sống đời bình thường, nhưng cũng chẳng được yên thân. Nghe lời ngon ngọt, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại, anh khăn gói lên đường đi học tập chính sách khoan hồng nhân đạo của kẻ thắng trận, cuối cùng, anh mớI biết là bị đưa vào chốn lao tù khổ sai, dã man, tàn bạo nhất lịch sử loài ngườì.
Sau mấy chục năm chiến đấu, mấy chục năm tù, anh vẫn còn sống sót, trong khi bạn bè anh, người thì ngã gục trong tù, người thì bỏ mình nơi rừng sâu, biển cả. Anh đến được bến bờ Tự Do với cái áo thun và cái quần xà lỏn cùng với cái đầu điên điên, khùng khùng, lúc tỉnh, lúc mê. Và anh lại tiếp tục chiến đấu trong sự tranh đua ác liệt đề giành chén cơm, manh áo, trong sự phản trắc của ngươì thân, sự tàn nhẫn của kẻ lạ. Cuối cùng thì anh ngã gục bởi lằn đạn của loài hạ đẳng hay bởi một căn bệnh ác tính nào đó. Cuộc đời anh được giải thoát, thân phận anh lúc đó mới khép lại.
Chỉ bằng năm chuyện ngắn đặt kế bên nhau, Đào Như đã nói lên được thân phận con người trước định mệnh. Một thân phận hẩm hiu, cay đắng, một định mệnh khắt khe, tàn nhẫn cứ theo đuổi, bám chặt con ngườI qua từng giai đoạn lịch sử đất nước, không kể là người bên này hay bên kia chiến tuyến. Dầu sao, tình cảm con ngườI đối với gia đình, gia phong, với dòng họ, tổ tiên, quê hương đất nước, là cái gì thiêng liêng mà không một âm mưu nào, thế lực nào, chiến tranh nào có thể hủy diệt được, nó trường tồn mãi mãi. Điều mà tác gỉa nêu lên được, tôi tạm gọi là sứ mệnh, còn cao hơn nhiều cái trách nhiệm của một nhà văn mà William Faukner đã đề cập tới.
Đọc một tác phẩm, hiểu được tác gỉa, cùng cái thời đại đã qua và cái thời đại mà mình đang sống là điều hạnh phúc. Tuy nhiên, khi gấp sách lại mình vẫn còn nôn nao, muốn khám phá những điều lý thú hơn, hạnh phúc hơn, vì dầu sao, những trang giấy trắng, mực đen cũng có khuôn khổ và giới hạn của nó. Trong ý nghĩ đó, tôi quyết định thế nào cũng phải tìm gặp tác gỉa Đào Như, Bác sĩ Đào Trọng Thể .

DUY NHÂN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến