Hôm nay,  

Chuyện Giáo Xứ Tôi

28/06/200300:00:00(Xem: 189891)
Người viết: LONG NGUYỄN
Bài tham dự số 3237-835-vb40625

Tác giả tên thật là Nguyễn Thăng Long, 50 tuổi. Sinh sống tại Oregon và Vancouver, WA, làm việc cho hãng Boeing Co. từ năm 1987. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông gồm 2 tiểu truyện: Cà Phê Liếm và truyện cụ Trùm Móm. Cả hai hợp lại, thành truyện kể sinh động về một “giáo xứ”. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
*

Meta là một tín đồ Công giáo. Như mọi con chiên ngoan đạo khác, việc đầu tiên khi định cư ở một thành phố mới là dọ hỏi, tìm cho ra một giáo xứ để lễ lạy và gia nhập vào đoàn thể nào đó.
Ca đoàn là một đoàn thể lý tưởng cho trai gái mới lớn. Ai mà chẳng thích hát hỏng, dù là hát thánh ca. Huống chi chẳng ca đoàn nào bắt buộc bạn phải có giọng ca "truyền nhiễm" làm điều kiện gia nhập. Rất nhiều cuộc hôn nhân bắt đầu bằng những mối tình trong ca đoàn.
Giáo xứ Meta ở thì sinh hoạt phụng vụ rất sinh động Bé thì có thiếu nhi, ngoài việc học giáo lý còn có một giờ học Việt Ngữ do các anh chị em bên ca đoàn tình nguyện giảng dạy. Già lão thì có hội Liên Minh Thánh Tâm, hội bô lão. Vào ngày lễ Độc Lập Mỹ, thời tiết trở nên nóng bức. Tiểu bang Meta ở khí hậu mát mẻ là nơi lý tưởng cho khách nghỉ hè. Khi giáo xứ vừa mới thành lập vào năm 1978, cha xứ ở đây tổ chức đại hội hành hương tại núi đức Mẹ sầu bi ( The Grotto hay the sorrowful Mother). Buổi đại hội hành hương đầu tiên thành công mỹ mãn. Từ đó, đại hội hành hương trở thành một truyền thống của giáo xứ. Trong buổi lễ khai mạc đại hội do đức Giám Mục người Mỹ chủ tế, năm nào cũng có các bổn đạo mới chịu phép rửa tội, năm nào cũng có các em chịu phép rước lễ lần đầu, thêm sức ...
Gioan Bao ti xi ta La Văn Liêm là một nhân vật quan trọng của giáo xứ. Chẳng những là ca đoàn trưởng cầm đầu một lũ khoảng ba chục đức nhầng nhầng chúng tôi, anh còn giữ chức thủ quỹ của giáo xứ. Thứ Ba, Thứ Năm hàng tuần, chúng tôi phải đến nhà thờ một tiếng tập hát. Thú thật, bọn chúng tôi đứa nào cũng dốt, nhìn những nốt nhạc chi chít như cái rừng mà nhờ sự hướng dẫn của anh, hát cũng đâu ra đấy. Meta thích nhất là cái bài "xin Chúa thương xót chúng con". Bài này thì không phải người trong ca đoàn cũng biết vì nó được hát mỗi ngày trong thánh lễ. Chả thế mà khi tới bài này, cả nhà thờ từ em bé 10 tuổi cho đến ông lão 70, ai cũng quai mồm hát "leo", át cả giọng ca đoàn. Trong lúc hát thì phải nhìn anh Liêm vung tay múa nhịp Meta thích ở chỗ mỗi khi tới đoạn nào lên cao, anh Liêm lại giơ cánh tay lên giời, 5 ngón chụm lại y như kiểu ta cầm trái vịt lộn, rung lấy rung để như người sốt rét. Anh luôn mặc áo ngắn tay, chắc có lẽ ... hôi nách, mặc thế cho thoáng. Mỗi khi tới đoạn này, không hiểu sao Meta khoái nhìn qua ống tay áo anh để xem chùm lông nách của anh. Mùa hè anh thường cạo, nhất là dịp đại hội.
Việc ca đoàn bận thế đấy, mà ngoài việc đi làm hãng sở 8 tiếng một ngày, anh còn kiêm nhiệm thêm chức thủ quỹ. Bất đắc dĩ lắm anh mới đảm đương công việc này vì ngoài anh ra, chẳng còn ai trong giáo xứ làm được. Chuyện thế này .
Nhận thấy sau thánh lễ, các bậc phụ huynh hay nán lại ở bãi đậu xe, basement nhà thờ chờ con cái học Việt ngữ và sau đó là lễ cho thiếu nhi. Thật là khó xử. Về nhà cũng dở mà ở lại trong xe giữa trời nắng chang chang cũng dở. Không biết bánh lễ làm bằng chất gì, ăn vào chả bõ dính răng lại sinh rát ruột. Thôi thì các ông các bà ngồi đại ra bãi đậu xe, giở bánh trái ra ăn. Có vị mang theo cả dao thớt chặt cành cạnh nghe cứ như cỗ trong làng. Lạy Cha cho chúng con hàng ngày dùng đủ rồi thì xỉa răng quèn quẹt vài đường thì trẻ con ra là vừa. Tan lễ thì bãi đậu xe nhà thờ rải rác những hộp hamburger, lá chuối bọc giò chả, bánh mì v.v... Cha bực lắm, nhìn rác rưởi, lá lảu vương vãi ngoài bãi đậu xe, người chẳng biết tính sao. Anh Liêm đề nghị với cha xứ mở một quán cà phê dưới basement nhà thờ cho mọi người điểm tâm sau thánh lễ, tiền lời sung vào quỹ ca đoàn và các chi phí vặt vãnh khác. Dĩ nhiên các ca sĩ như Meta bị bắt buộc phải điểm tâm ở đấy để ủng hộ.
Quán cà phê Liêm ra đời. Cũng vì lý do đó mà các tiệm phở, nhà hàng của người Việt dưới phố chẳng mấy khi có mặt bọn ca sĩ chúng tôi. Bánh mì ở ngoài "kinh tế thị trường" có 1.25 đồng nhưng ở cà phê Liêm thì 2.00 đồng, cà phê cũng 2 đồng. Dường như đường lên thiên đàng phải chui xuống basement hay sao mà chúng tôi Chủ Nhật nào cũng phải xuống đây.
Ca đoàn chỉ non ba chục người mà cũng chia năm bẩy phe nhóm. Chẳng gì phức tạp hết nhưng đứa nào hợp với đứa nào thì xúm lại tán dóc thế thôi. Tôi thì hay ăn sáng với con Lan. Cũng không phải vì Lan có giọng ca mà anh Liêm gọi là giọng te no te niếc gì đó, được chọn làm giọng nữ chính cho ca đoàn mà Meta khoái ngồi chung với nàng. Chỉ tại nàng khoái ... bao. Mười lần nàng móc túi trả tiền tới 8 lần. Có lần tôi thắc mắc :
- Mấy bận đến nhà em, anh vẫn thấy em uống cà phê. Tại sao chẳng bao giờ em uống ở đây "
Lan kín đáo nhìn quanh mỉm cười không đáp. Người ta thường gọi là nụ cười vì nó hé mở như một đoá hoa vừa chớm, nhưng Meta gọi là khoé cười vì thích nhất là 3 cái nếp nhăn hình vi cá đuôi mắt nàng. Cái nhăn khoé mắt ở gương mặt 22 tuổi làm nàng trẻ ra. Thế mới lạ.
Một hôm cũng dưới quán cà phê Liêm dưới basement, Lan nói với tôi :
- Em nói với anh cái này nhưng anh thề "Tội chọng mất linh hồn" nhá.
-Thề cái gì "
- Đừng nói với ai chuyện này. Lan nghiêm trọng, cái "vi cá" không còn hằn lên đuôi mắt.
Meta nghéo tay :
-Tội "chọng" mất linh hồn.
Thề thốt là nghề của Meta. Ngày nào Meta cũng thề cả chục lần. "Tội chọng mất linh hồn" ăn thua gì. Có điều nếu thề trời đánh thì trong ngày gặp sấm chớp thì chịu khó né trước cho chắc ăn. Lỡ chẳng may. Meta đã né được một lần rồi.
Lan đưa mắt ngó quanh, chẳng thấy ai để ý mới yên chí thì thào :
- Hồi trước em đi rửa tay, em thấy anh Liêm làm cà phê ở nhà bếp. Anh ấy làm kỳ lắm.
Meta biết thừa là Lan đi... đái vì cái nhà bếp đó Meta biết, nó không có bồn rửa mặt. Meta ngớ mặt ra:
- Anh ấy làm làm sao"
- Anh ấy rót sữa vào ly xong, ly nào anh ấy cũng liếm một cái cho sạch sữa ở miệng ly.
Từ đấy, Meta và Lan gọi là cà phê Liếm. Thì ra không phải nàng uống nước chanh để giữ giọng "te no te niếc" gì hết. Nàng ớn cà phê liếm.
Chuyện anh Liêm liếm ly chắc cũng có người khác thấy. Người nọ rỉ tai người kia rồi cũng đến tai anh. Anh Liêm sùng lắm :
- Thế này là bọn Cộng Sản nó âm mưu bôi nhọ anh với ý đồ chia rẽ tôn giáo chứ anh có liếm ly bao giờ.
Như để chứng minh, anh vạch ống quần lên, để lộ cái ống quyển vừa đen vừa ít nạc ra, trên đó mờ mờ những vết sẹo:
- Hồi đó anh bị trúng đạn Việt Cộng sau khi đẩy lui mấy đợt tấn công biển người của chúng. Bây giờ chúng nó nhớ mặt, bày ra cái vụ liếm ly để trả thù đây mà.
Đạn Việt Cộng nó khác chứ đâu giống thế này. Meta thấy vết sẹo vì đạn rồi. Nó sâu hoắm và làm biến dạng bắp thịt chứ có đâu huyền ảo như kiểu sẹo ... ghẻ thế. Chính Meta cũng có mấy cái sẹo giống anh, nhưng là do lác đồng tiền hồi nhỏ. Ở bẩn nó thế. Bọn ca sĩ chúng tôi nhìn những cái sẹo của anh, liên tưởng đến Tiêu Sơn tráng sĩ hay các anh lính oai hùng nơi trận địa thủa nào, đem xương máu thắm tô sông núi mà nhiểu cả nước rãi vì thán phục.
Quán cà phê vẫn đông. Meta sợ mất linh hồn nên tuy lẻo mép nhưng không hề hé môi chuyện này. Với giáo dân, anh Liêm vẫn là một thanh niên đạo đức, gương mẫu đáng để cho mọi người trầm trồ khen ngợi. Không rõ lắm nhưng Meta biết các cô trong ca đoàn, tệ lắm cũng vài ba con tim đang nhớ trộm thương thầm. Cha xứ nhân một buổi giảng về sứ vụ tông đồ đã gọi đích danh anh Liêm mà tuyên dương :
- Nếu mỗi giáo xứ hải ngoại chúng ta có một con chiên như anh thì lo gì. "Nước Chúa sẽ tràn lan khắp nơi".
Ấy thế mà có ngày anh Liêm lên mặt báo. Báo Mỹ đàng hoàng, trang nhất hẳn hoi. Cả giáo xứ xôn xao. Vụ việc chỉ là tai nạn lưu thông thường thôi, có 2 nạn nhân bị thương nhẹ vì xe đụng.
Chuyện thế này. Anh Liêm đi rước gái, chẳng may gặp cảnh sát giả dạng. Anh bỏ chạy. Cảnh sát rượt theo vài block đường thì bắt được. Đáng lẽ chỉ tịch thu xe thôi, chả việc gì phải lên báo đâu, nhưng vì anh định tẩu thoát lại còn đụng phải vài xe dọc đường nên mới to chuyện.
Xôn xao vài bữa rồi cũng yên. Cái quán cà phê vắng chủ tạm đóng cửa. Meta và Lan thoát nạn "ủng hộ" được tự do ăn sáng chỗ khác. Cho đến một ngày cha xứ long trọng tuyên bố trong buổi lễ :
- Quán ăn dưới basement được mở trở lại. Kính mời tất cả các ông bà anh chị em tiếp tục ủng hộ.
Ngài có tật hay thêm vào chữ "kính" mỗi khi nói chuyện tiền nong.
Tan lễ chúng tôi lũ lượt xuống dưới. Vẫn khung cảnh cũ. Một dãy bàn kiểu bàn xếp đi picnic xiêu vẹo, ngổn ngang xì dầu, napkin bàn có bàn không, vài cái ghế xiêu vẹo và lạ nhất là vẫn anh Liêm, Gioan Bao ti xi ta La Văn Liêm nhấp nha nhốp nhổm qua cái lỗ khoét vuông vắn nhìn xuống nhà bếp. Chắc mới ở tù ra. Anh không còn giữ chức ca đoàn trưởng nữa. Ca đoàn trưởng mới là Lan, vì dù sao Lan cũng là người khá nhất về cái vụ "đồ rê mi fa". Bọn chúng tôi chẳng ai biết nhạc lý cả.
Đến bây giờ Meta còn bâng khuâng vì cái tên. Như đã nói, quán cà phê nhà thờ vẫn chẳng gì thay đổi ngoại trừ cái tên. Bên trên tấm hình Đức Mẹ hằng cứu giúp dán trên tường, một hàng chữ trang trọng: Quán Cà Phê Thánh Tâm.
*

Nói chuyện về giáo xứ tôi mà không nhắc đến cụ Trùm Đích thì quả là 1 thiếu sót. Cụ có tật hay mở đầu câu chuyện bằng: "Mục đích của tôi hôm nay rằng thì là ..." mà cũng có lẽ tên cúng cơm của cụ là Đích. Ai cũng gọi thế.
Đời vua Hùng Vương thứ một8, An Dương Vương bỏ kinh thành mà chạy thì kỳ HO thứ 18 cụ mới khăn gói qua Mỹ, chuyến cuối cùng của diện HO.
Miệt mài ở trong các trại cải tạo, đáng lẽ cụ là người đi Mỹ sớm nhất vì được về từ những đợt thả tù đầu tiên mà nghe bạn bè xúi dại, thay vì chờ vài tháng thì cũng được đi Mỹ, cụ khăn gói xuống Rạch Giá vượt biên. Léng phéng thế nào lại ôm một bó quần áo to tướng hỏi một ông công an:
- Đường nào xuống bến tàu hả đồng chí"
Thế là bị nhúp ngay, chẳng thấy mặt cái tàu bè nào cả. Bẩy cây vàng của cụ bà mất toi. Cũng lại trại cải tạo ấy, lão quản giáo ấy, cái chỗ nằm ấy chẳng mất đi đàng nào cả. Nhận được tin cụ ông lại được đi cải tạo lẫn tin đi Mỹ cùng một lúc, cụ bà ức lắm, khóc rưng rức:
-Nếu mà một trong hai ta biết nghĩ thì đâu có "hiu hắt đời nhau" đến thế .(*)
Gớm ở trong tù ông nào cũng ghẻ mà riêng cụ thì quá thể. Ghẻ kềnh càng, từ răng cho đến bẹn chẳng chỗ nào trống. Chẳng phải vì cái bệnh ghẻ mà cũng chẳng phải cụ ở bẩn mà chúng nó cho về. Cụ là người cuối cùng mà ban quản giáo thì những hai chục đồng chí nên thả cụ vừa được tiếng vừa đỡ mất công trông nom tốn người tốn của.
Qua Mỹ với cụ bà và con bé Châu, Maria Châu Trần, 20 tuổi. USCC bông soa đưa gia đình cụ về giáo xứ này. Cụ nói thế. Như các cụ khác mỗi khi phải nói tiếng Mỹ các cụ thường hay bỏ chữ S cho đỡ lôi thôi. Sponsor thì cứ gọi là bông xoa, Mỹ không hiểu thì mặc mẹ chúng nó. Dăm bữa nửa tháng cụ được bầu làm chức đại diện giáo dân. Gọi nôm na là cụ Trùm Đích. Bà Trùm thì đương nhiên là cụ Trùm bà còn cái Xuân thì ở trong ca đoàn của cái Lan. Đã nói ca đoàn không cần giọng. Giọng ca của Châu lần đầu tiên nghe đố ai nín được cười. Nó đi một bè riêng, quái lắm mà thoảng vị chua như giấm. Sửa mãi không được Lan chỉ còn cách bảo Châu:
- Em hát be bé một tí với lại đứng xa xa cái microphone một tí cho nó "ăn rơ".


Thỉnh thoảng Châu lẩn được gần cái micro thì ca đoàn chúng tôi biến thành năm bảy bè ngay, chẳng "ăn rơ" tí nào cả. Có lần cha xứ cầm bánh lễ đưa lên giời mấy lần lại phải đưa xuống, không dám: "Này là mình ta ..." chỉ vì sợ nói nửa chừng thì phì cười. Khổ thế đấy! Không lẽ bảo Châu đừng đi nhà thờ.
Bọn trẻ chúng tôi thì cứ gọi cụ Trùm là cụ trùm Móm bởi cụ không có 2 cái răng cửa. Chửa già đâu, oeo phe oeo phiếc có cả đấy mà cụ nhất định không thèm trồng 2 cái răng giả cho dễ nom. Cụ sợ nha sĩ từ hồi còn ở VN. Chúng nó nhổ nhầm cái răng "khá" nhất của cụ. Chuyện gẫy răng như thế này.
Một hôm đứng ngoài vườn, đỏng đảnh thế chó nào hay vấp phải cái gì chả biết, cụ ngã giúi mặt xuống cỏ, cái tăm cố hữu cụ ngậm mỗi ngày thụt bố nó vào trong mồm. Bà Trùm ở trong nhà vội chạy ra, túm gáy lôi một phát, cụ ông chỗi dậy được ngay. Đau bỏ mẹ mà vẫn còn nói phét:
-Ngã đâu mà ngã. "Mục đích" của tôi là tôi ... tập võ đấy chứ.
Chả là vì ngày xửa ngày xưa khi còn thụ huấn quân trường Thủ Đức, cụ học được mấy thế võ cận chiến để đánh nhau với Việt Cộng. Qua đây mỗi lần ăn no rửng mỡ, cụ đi vài đường cho tiêu cơm với lại bỏ lâu sợ quên. Cụ rát lắm. Tập võ huỳnh huỵch thế chứ mà mỗi khi con cún nhà hàng xóm chạy qua ngửi ngửi vào ống quyển thì cụ thụt vào nhà ngay, lắm khi ở tịt trong nhà cả ngày chẳng dám ra tưới vườn. Tội nghiệp! Con chó chỉ nhỉnh hơn con chuột, giá mà lỡ nhẵm phải thì bẹp ruột mà cụ vẫn sợ nó cắn.
Dựng cụ ông đứng dậy xong xuôi, mười ngón tay cụ ông cụ bà đan vào nhau nom y như người sắp ... nhảy tăng gô. Cụ trùm bà giơ tay vạch cái môi trên của cụ:
- Gẫy mẹ nó cả răng rồi. Đi vào rửa mặt.
Cụ ông cun cút đi vào nhà. Một chân có giầy một chân không. Ôi bước chân tăng gô lẻ loi.
Từ đấy bọn nhầng nhầng chúng tôi gọi là cụ trùm Móm. Duy người lớn vẫn gọi cụ là cụ trùm Đích.
Cứ vào tháng sáu mỗi năm thì giáo xứ chúng tôi nhộn nhịp hẳn lên, chuẩn bị cho đại hội hành hương. Già cả chẳng phải đi làm nên cụ Trùm có mặt ở bãi đậu xe cả ngày trông nom cho bọn trẻ chúng tôi đóng cái bục làm khán đài dâng lễ ngoài trời. Từ Cali đổ lên, từ Seattle trảy xuống, con chiên già trẻ nhớn bé đông lắm. Dễ đến cả chục ngàn người. Lại còn những đoàn thể sắc tộc Nga, Nhật, Lào, Đại Hàn mặc y phục truyền thống xanh đỏ đủ màu. Vui đáo để. Nhà thờ nào chứa cho nổi nên bàn thánh được khuân ra bãi đậu xe làm lễ ngoài trời. Giáo dân thì kẻ đứng, kẻ ngồi tràn lan khắp bãi cỏ. Chương trình năm nào cũng thế. Mở đầu là rước một vòng khuôn viên nhà thờ. Đi đầu là cụ Trùm cầm cây thánh giá, 2 bên là 2 cụ khác một người cầm cờ Mỹ, một người cầm cờ Việt, ra cái điều đây là người Việt. Theo sau là kiệu Đức Mẹ sầu bi, các cha và vị giám mục người Mỹ. Ca đoàn chúng tôi chia ra làm 2 nhóm. Một theo sau mấy em giúp lễ để ca cho tiện, còn lại thì đi cuối đoàn rước bởi đoàn rước quá dài, nếu không chia ra thế thì tiếng hát bị loãng. Sau đó là phái đoàn Nhật, Nga, Lào v.v... với quốc kỳ nước họ, mỗi nhóm độ 100 người. Trong khi đi rước thì lần hạt 50 kinh kính mừng, đọc bằng 5 thứ tiếng. Bọn VN chúng tôi thì xướng: "Kính mừng Maria ..." là tới phiên bọn Nhật đáp:" Thánh maria Đức Mẹ Chúa Trời ...", kinh Kính Mừng sau thì tới phiên bọn Lào "Thánh Maria..." Dĩ nhiên bọn nào đọc tiếng bọn ấy. Chúng tôi chỉ chực nghe 2 tiếng: "Amen" là lại "Kính mừng" tiếp. Câu Amen thì nước nào cũng nói giống nhau. Tiếng Nhật quái lắm. Để ý kinh Kính Mừng của tụi nó có chữ "Suzuki" mà Meta đoán mãi chẳng biết chữ ấy nhét vào chỗ nào của kinh Kính Mừng cho phải phép. Chịu!
Năm nay cụ Trùm Móm vẫn đi đầu một đoàn người dài ngoằng ngoặc. Meta kỳ này được cắt ở vào nhóm nửa ca đoàn đi sau chót. Ở đàng sau ngó lên, đoàn người thẳng băng như lằn kẻ. Chúng tôi vẫn quạc mồm đọc kinh Kính Mừng như thường lệ hàng năm. Thỉnh thoảng cái Lan ở nhóm dẫn đầu chạy xuống bảo hát bài gì thì hát bài nấy. Hát lộn xộn cũng được vì chẳng người đánh nhịp. Nhàn. Lại được nói chuyện thả ga, chẳng sợ cụ Trùm lườm nguýt như ở trong nhà thờ. Bỗng Meta để ý khi đoàn người đi tới cái chỗ có tượng ông thánh Giu Se thì đang thẳng băng như đường kẻ, lại uốn cong một cách bí mật. Chẳng biết tại sao. Đoàn người khệnh khạng bước từng bước chậm như rùa, thỉnh thoảng lại đứng yên một cách vô duyên cớ. Meta hết nghển cổ lại tách ra khỏi hàng nhìn vào chỗ "uốn cong" ấy mà chẳng thấy gì cả. Chẳng lẽ chạy lên chỗ tượng ông thánh Giu Se dòm một cái cho đỡ bực vì không biết vì sao đám rước lại cong cong ở chỗ ấy. Cả tiếng đồng hồ sau Meta mới biết. Ngay giữa bãi cỏ dưới chân tượng đài là một bãi ... to tướng. Chẳng ai bảo ai đều bước tránh ra. Hoá nên đoàn rước cong ở chỗ ấy. Qua khỏi tượng đài thì lại thẳng băng đâu vào đấy. Suy đi nghĩ lại cũng tại người dẫn đầu tức là cụ Trùm. Dẫn đầu thì đi đâu đoàn người cứ theo đó mà bước cho thẳng hàng, đàng này cụ Trùm chả biết mắt mũi để đâu, hay lại vểnh râu nhìn trời hiu quạnh mà cái bãi chình ình như thế, cụ cứ phom phom bước thẳng. Chắc đạp phải chứ tránh sao khỏi. Dấu giày còn rành rành đây. Nếu cụ bước choãi sang bên phải hay trái tránh nó đi thì đoàn rước đâu có vẹo vọ thế.
Lễ xong thì chỉ người có con em là còn ở lại. Ăn uống tiệc tùng thì trẻ con ngồi dưới đất, mà lễ thì trẻ con cũng phải đi lễ "ván" sau. Luật giang hồ các cụ xưa nay vẫn thế.
Có lẽ bao năm được nhà nước cải tạo nên dù là chuyện xưa rồi, cụ hẵn còn ấm ức lắm Thế này là có đứa phá hoại tôn giáo của cụ chứ ai iả bậy thế. Chắc bọn Cộng Sản chứ không ai vào đây. Dạo này bọn chúng qua đây du học nhiều lắm. Dưới basement trong quán cà phê Thánh Tâm cụ hăm sẽ đưa việc này ... lên Liên Hiệp Quốc. Cụ nói với đám người đang chờ lễ thiếu nhi ở dưới basement:
- Phải cử người rình bắt quả tang bọn chúng nó. Không phải chuyện thường đâu, cái này nằm trong mục đích phá hoại tôn giáo của chúng nó.
Anh Liêm chờ mãi chẳng thấy cụ "ó đơ" cà phê liếm với lại tô phở móng như thường lệ, ngắt lời:
- Ở đây cháu có bánh mì, có phở. Còn "mục đích, mục nhọt" thì cụ chịu khó đi bác sĩ Trương Thị Ngọc Cầm nhá. Ở đây cháu không bán thuốc trụ sinh.
Quán cà phê Thánh Tâm ngoài bánh mì kinh tế thị trường 2 đồng một ổ, cà phê Liếm cũng hai đồng thì còn thêm món phở nữa. Anh Liêm có tật bưng phở thì ngón tay cái nhúng hẳn vào tô nước lèo. Chẳng thấy nóng bỏng gì cả. Chắc lâu ngày thì quen tay. Mười ngón tay anh thì đen xì những đất bám ở kẽ móng. Riêng ngón tay cái nhúng vào tô thì sạch trắng sạch trơn như mới ở tiệm nail ra. Chả thế mà phở anh chẳng bột ngọt, chỉ loe ngoe vài mẩu xương bò mà nước lèo cứ ngọt lừ. Ngon ra phết. Chỉ có điều bổn đạo ăn phở "móng" của anh thì nhiều người than phiền là hay bị nấc cụt. Đã uống cà phê liếm thì phải ăn phở móng mới đủ bộ.
- Cho tao một ly cà phê đá với một tô phở tái. Bỏ nhiều thịt vào nhá!
Cụ lại thao thao bất tuyệt về vụ Cộng Sản đánh phá tôn giáo. Đặc biệt là giáo xứ "mình". Lúc này lễ trẻ con đã xong. Từ nhà thờ trẻ con ùa ra như ong vỡ tổ. Các ông các bà mồm mép bóng những dầu mỡ, ngậm vội cái tăm lục tục chui khỏi cái basement.
- Ấc .
Cụ Trùm Móm cũng khệnh khạng đi về phía bãi đậu xe. Đó đây những con người vừa già vừa trẻ dẫn nhau lên xe. Tiếng máy xe, tiếng trẻ con cấu chí nhau, tiếng gọi con gọi cháu ơi ới, vừa Việt vừa Mỹ loạn xà ngầu.
- Ấc .
"Quắn" này cụ Trùm "ấc" một phát hơi mạnh. Cái tăm trong mồm phun thẳng xuống cỏ. Có lẽ cụ nấc cụt sau khi ăn phở "móng" chứ chẳng phải gọi con gọi cháu đâu. Ai lại đặt tên con cháu là "ấc"" Cái vai của cụ nẩy lên sau mỗi tiếng "ấc" nom y như Mai Cồ Giắc Sân nhún vai trên sân khấu. Khác với những kẻ kém ăn học như Meta, cụ chuẩn bị cú "ấc" kỹ lắm. Độ chừng bước ba bước, cụ dừng hẳn lại, chân trái hơi co lên "ấc" một phát, khẽ khàng gật gật mấy cái như thể ... cảm ơn Chúa. Xong xuôi mới bước tiếp. Ba bước nữa lại lập lại y như cũ. Thế mới sang. Ở cạnh khóm trúc dưới chân tượng đài thánh Giu Se, một thằng bé độ 7 tuổi đang phưỡn đít để một bãi to tướng. Cái bãi cũ cụ Trùm làm be bét cả rồi. Thằng Ấc cháu nội của cụ xách quần chạy ra. Buổi rước Đức Mẹ ban sáng cộng thêm ván lễ kéo dài suốt ba, bốn tiếng khiến trẻ con đứa nào cũng cần đi cầu. Cả trăm đứa chen chúc trong cái restroom nhà thờ bé tí thì chỗ đâu mà chứa cho nên trẻ con chúng nó chui vào bụi, bạ đâu iả đó. Thằng "ấc", con của anh Trọng, anh của Châu tức là thằng cả, đứa con giai đầu lòng của cụ, vượt biên từ hồi cụ vẫn còn gãi ghẻ trong tù, đặt tên Mỹ cho cháu nội của cụ là thằng "ấc". Chả biết tiếng Mỹ spell làm sao mà cụ Trùm gọi là "Ấc". Tiếng Mỹ của cụ có lẽ chỉ thằng Ấc mới hiểu được. Thằng bé từ trong bụi cây rỏng cổ dạ một tiếng rõ to. Thì ra nói cụ bị nấc cụt vì ăn phở móng cũng đúng mà nói cụ đang gọi con gọi cháu cũng chẳng sai. Hai ông cháu một già một trẻ, một cao một thấp lon ton bước về hướng chỗ đậu xe. Cụ tóm được bọn phá hoại tôn giáo rồi nhé nhưng dại gì cụ lại vạch trần âm mưu phá hoại của bọn chúng.
Sau kỳ đại hội cụ sinh lãng tai. Chắc già cả nó the . Một bữa dưới basement, cái Lan hỏi:
- Thế nào" Chuyện Liên Hiệp Quốc tới đâu rồi"
Hỏi hai, ba lần cụ mới làm ra vẻ nghe thủng:
- Cuốc xẻng hử" Mưa gió thế này mượn cuốc xẻng làm gì"
Meta thì thào với cái Lan:
- Lão này điếc rồi em ơi.
Khiếp Ồn ào thế mà Meta rỉ tai nói nhỏ thế mà cụ vẫn nghe ra:
- Điếc cái tiên nhân nhà mày.
Tinh thế đấy! Lan kín đáo kéo tay Meta lẩn đi chỗ khác.
oOo

Thấm thoát tôi đã gần 40 tuổi. Những vui buồn họ đạo đã trở thành những kỷ niệm khó quên . Hai mươi mùa đông thoăn thoắt trôi đi cuốn theo tất cả . Bọn Việt Cộng vẫn tác yêu tác quái nơi quê hương tôi. Người của thế hệ binh lửa đã theo nhau lần lượt về thiên cổ, người thế hệ chúng tôi lớn lên, kẻ lấy vợ người lấy chồng, lũ trẻ như con gà con chíu chít vỡ vỏ chào đời và lớn lên . Người già thì ngậm ngùi dĩ vãng, bọn chúng tôi mắt cũng nhạt lửa lý tưởng, môi cũng phai hồng lãng mạn, bươn chải vì cuộc sống . Nếu đôi phút chạnh lòng, húp bát canh mùng tơi (đắt như quỷ), cắn vỡ quả cà dầm tương nơi xứ người, hồi tưởng lại một nơi xa xôi lắm, xa cả thời gian lẫn không gian, có bà mẹ quê nháo nhác gánh những đứa trạc tuổi tôi trên đường chạy giặc, những ông "quân dữ" cầm roi vụt trẻ con dẹp đường cho Chúa vác thánh giá trong ngày hội lễ phục sinh, những ánh nến chập chờn trên bờ đê của từng đôi trai gái trên đường đến nhà thờ lúc 5 giờ sáng, vụng về ngượng nghịu nắm tay nhau qua bãi tha ma: "Ma mả mà ma, ta có Đức Bà, ta chẳng sợ ma" mà nỗi sợ ma, niềm cảm xúc dậy thì chan chứa khi duyên tình ngấm ngầm trao nhau . Dĩ vãng như mật tẩm, như hoa ướp tâm hồn chúng tôi mất rồi, chẳng gì gột rửa được . Xin đừng trách chúng tôi nói với nhau bằng tiếng Mỹ hay bỏ chữ S cho bớt lôi thôi (mặc dầu chúng tôi nói chuyện với người Mỹ giọng điệu chẳng chê vào đâu được), ăn đủ các thứ mắm sực nức những mùi khó ngửi .
Sau này bọn thằng Ấc lớn lên, cũng xin đừng trách chúng nó thèm nước mắm, nói tiếng Mỹ với đồng bào không thèm bỏ chữ S, biết lúc nào "Chào mẹ chào em", lúc nào "Morning what's up". Cụ Trùm, em Lan, thầy cô dạy Việt ngữ, cha xứ, đại hội hành hương ... quyện vào tâm hồn những chú bé, theo thời gian biến thành thần thoại mà giả dụ lỡ mất đi, ta lạc loài lắm, không xứng đáng hãnh diện xưng là người Việt Nam hải ngoại.
"Ai em Việt Nam Mi tu". Việt Nam Mi không có "S" .

LONG NGUYỄN

(*) Hiu hắt đời nhau . Nhạc phẩm Lưu Bích hát trong Thuý Nga Paris .

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến