Hôm nay,  

Một Chuyến Ra Đi

10/10/200200:00:00(Xem: 193377)
Người viết: Nguyễn VĂN THƠ

Bài tham dự số: 3008-656-vb31008

Tác giả Nguyễn Văn Thơ cho biết ông sanh ngày 25/10/1949, hiện cư trú tại Doraville, GA. Công việc hiện tại: Worker hãng AHP Duluth, Georgia. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông kể lại chuyến vượt biên của ông năm 90, sau khi Cao Uỷ Tị Nạn đã quyết định đóng cửa trại tị nạn không nhận thuyền nhân mới. Sau đây là câu chuyện chuyến tầu vượt biên liều lĩnh của những người được tác giả gọi là “điếc không sợ súng.

*

Chuyến đi của tôi là chuyến cuối cùng tại cửa biển Qui Nhơn. Rất nhiều người ra đi trước đây tại bờ biển khu một hay khu hai này đều trót lọt. Có lẽ tại vì nhờ có Ông phù trợ, vì ở tại khu hai có một lăng Ông (Cá Voi), dân đánh cá ở đây lập nên lăng này đã lâu, thờ cúng rất sùng bái và thường xuyên nên được Ông phù hộ. Người ta nói thế, tôi cũng tin tưởng cho nên tôi đã đươc tới bến bờ.

Ngày 14/3/89 Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đã quyết định đóng cửa các trại tỵ nạn rồi, mà năm 90 chúng tôi còn dám ra đi thì đúng là điếc không sợ súng. Với tôi, ngày vượt biên là ngày... say rượu. Say rượu quá nên đâm liều, gặp dịp là quá giang đại thôi, chớ trước đó tôi và người bạn cũng đều xác định không thể đi được vì sợ cá nuốt quá.

Chiếc ghe chở chúng tôi ra đi trong một đêm tối trời, đã khuya, không có ai chú ý gì cả. Khi đi ra khỏi vùng kiểm soát của cửa biển Qui Nhơn cũng rất êm thắm. Chắc có lẽ công an biên phòng không ngờ ngày giờ ấy lại còn có kẻ tìm đường ra đi.

Chiếc ghe có tí xíu, ra khơi giống như chiếc lá giữa dòng. Trời yên và mát, thuyền cứ lướt sóng băng băng, nhắm hướng đông thẳng tiến. Ba anh em tài công là con của dân đánh cá chuyên nghiệp nên rất thành thạo. Tôi đêm đó vì hơi men còn chếnh choáng nên ngủ luôn không biết trời trăng gì cả.

Sáng hôm sau, mặt trời lên rõ, mọi người xôn xao rồi tôi mới thức dậy. Cảm giác đầu tiên của tôi là thấy biển rộng bao la quá, nhìn quanh chỉ thấy toàn màu nước xanh biếc, xa xa là muôn ngàn đợt sóng nhấp nhô, đường chân trời thì tít mù xa. Suốt ngày dài quanh tôi luôn luôn lúc nào cũng là trời mây nước.

Đến chiều, mặt trời lặn sau tận chân trời xa, màu nước loang loáng ánh vàng của mặt trời đã dịu, cũng như phản chiếu từ những đám mây cao tạo cho trời mây nước thành một cảnh sắc rất đẹp. Xa nhà mới chưa được một ngày nên tôi chưa thấy gì buồn nhớ, tâm hồn vẫn còn thưởng thức bóng hoàng hôn chung quanh thật tuyệt diệu. Bỗng trước mắt tôi xuất hiện từng đàn cá chuồn từ biển vụt lên bay là là trên mặt nước một khoảng dài. Từng đám hàng trăm con cứ bay về từng một hướng nào đó nhất định một khoảng cách rồi lại rơi xuống biển, rồi đám khác lại bay là là mặt nước, cách xa xa một chút, hay chung quanh chiếc thuyền làm thành âm thanh nghe rào rào vui tai. Đến lúc trời tối mịt chúng vẫn còn bay lẻ tẻ.

Nhìn mãi cũng chán, chúng tôi ăn uống đại khái rồi nằm xuống sàn để ngủ. Giấc ngủ trong đêm thứ hai trên biển không nhiều mộng mị nhưng cũng không êm thắm, cứ chập chờn như những đợt sóng nhỏ xô vào mạn thuyền, cũng bay bỗng lãng đãng như những đàn cá chuồn xa tắp chiều hôm.

Ngày thứ hai đến cũng chưa thấy gì lạ, chân trời vẫn xa xăm, sóng nước êm, con tàu vẫn lướt nhanh từ sáng tới chiềú. Trong ngày, chúng tôi gặp nhiều tàu lớn đi qua, có lẽ là tàu buôn của các nước. Chúng tôi đã nhiều lần vẫy tay, phất cờ trắng làm hiệu, nhưng chẳng có chiếc tàu nào chịu ngừng cả. Tất cả vẫn hửng hờ lướt qua, như hàng trăm ngày lần trước đây đối với những người ra đi trước kia. Tôi nghĩ tất cả đã lạnh lùng hờ hững để biểu lộ sự mỏi mệt, chán ngán vì quá nhiều cưu mang đến những người khốn khổ này rồi. Tôi lại liên tưởng tới sự làm ngơ của một chiến hạm của hải quân Mỹ đối với một chiếc thuyền tỵ nạn năm nào, kết quả là những người cùng hội cùng thuyền không chịu nổi đói khát, để cho con dã thú trong người hoành hành xẻ thịt lẫn nhau. Ý tưởng này làm tôi thấy khủng khiếp, và đêm hôm ấy tôi nằm mơ thấy sư tử gầm gừ với từng cơn phẫn nộ.

Ngày thứ ba. Chiều xuống, từng đàn cá chuồn vẫn bay, hoàng hôn trên sóng nước vẫn đẹp, nhưng tôi không còn thưởng thức giống như chiều hôm qua. Rồi những cơn gió nam thổi đến, ban đầu còn dịu mát nhưng đến nữa đêm về sáng thì thành gió lớn, người ta gọi là "nam cồ". Gió thổi mạnh bên hông thuyền vừa nhỏ thấp của chúng tôi. Sóng lớn quá tạt lên chỗ tôi nằm ướt lạnh vì tôi mặc chiếc áo mỏng, tôi lấy tấm vải bạt che đỡ và không thể nào ngủ được. Cầm cự cho đến trời sáng, tôi thầm nghĩ đây chỉ là gió nam cô mà đã như thế này, rủi mà mưa bão ập đến thì sao. Nhưng rất may cho chúng tôi là không có mưa bão xảy ra trong tháng này.

Trời dần dần sáng rõ, tôi ngồi dậy nói với tài công cho máy ngừng để nghỉ vì sợ máy nóng và một phần nữa gió nhiều thuyền chạy không được nhanh. Tài công tắt máy và chiếc thuyền trôi trên sóng nước. Bỗng tôi thấy từ hướng đông đằng xa, một chiếc tàu lớn chạy đến. Tôi đánh thức mọi người dậy, đàn bà và trẻ em nằm la liệt trên sàn ghe, thanh niên thì vẫy tay và phất sào ngắn có cột áo trắng. Nhưng chiếc tàu như không trông thấy, vẫn cứ chạy qua luôn. Chúng tôi chán nản đành ngồi xuống sàn để nghỉ và nhìn theo chiếc tàu. Bỗng tôi thấy chuyến tàu chuyển về hướng nam cua một vòng rộng xa tít. Một lúc sau chúng tôi phát hiện nó trở lại từ hướng đông đằng xa, từ nơi mà chúng tôi thấy nó xuất hiện lúc ban đầu. Sau này nói chuyện với viên hoa tiêu, tôi được biết lúc thấy thuyền chúng tôi, anh ta đánh thức thuyền trưởng dậy để xin lệnh, và viên thuyền trưởng đã ra lệnh cho chiếc tàu quay lại.

Chiếc tàu từ từ đến, to dần, lúc còn cách chúng tôi khoảng 50 mét thì ngừng hẳn lại. Mọi người trên tàu lớn đều ra bao lơn tàu đứng nhìn về chúng tôi rất lâu mà không nói gì, cũng không tỏ dấu hiệu gì sẽ cứu giúp gì cả. Tôi nghĩ chắc có lẽ họ chờ đợi mình phải nói lời cầu cứu thì họ mới giúp, chứ mình cứ im lặng họ không biết mình đi đâu, làm gì, muốn gì. Nghĩ như thế tôi bèn thật nhanh ôn lại vốn liếng chữ nghĩa của mình đã lâu quá không dùng. Tôi bèn la to một câu ngắn gọn vì không biết gì hơn để nói.

- Giúp tôi với (help me please!)

Tôi lập lại câu này đến lần thứ ba thì thấy họ quăng dây xuống. Mấy anh em tài công lập tức bơi đến lấy hai đầu dây quay về thuyền cột thật chặt vào hai đầu và đuôi thuyền xong thì họ kéo chiếc thuyền chúng tôi đến cặp sát bên hông tàu lớn. Rồi từ trên tàu ấy, một người thò đầu xuống nói vài câu, tôi hiểu đại khái rằng họ cho lên tàu một người nào biết tiếng Anh mà thôi, và họ thòng thang dây xuống. Mọi người biểu tôi lên tàu, tôi ái ngại một phần vì tiếng Anh ít ỏi và một phần vì leo lên thang dây một khoảng cách cao quá ước chừng leo lên một nhà lầu năm tầng vì tàu lớn quá. Sau này tôi được biết chiếc tàu chiều dài đo được 280m và chiều ngang 80m. Tôi tặc lưỡi và bắt đầu leo lên, tôi phải nghỉ vài ba lần vì hơi mệt. Lúc tôi bước xuống sàn tàu lớn vừa đứng vững thì chính viên thuyền trưởng đến hỏi tôi ngay:

- Các người tìm thứ gì" (What are you looking for")

Tôi lại cũng trả lời ngắn gọn:

- Chúng tôi muốn tìm tự do.

Bao nhiêu đó đủ rồi. Sau khi ba bốn người đi ra xa tôi một chút để bàn bạc, thuyền trưởng ra lệnh cho hạ những cầu thang lớn bậc tam cấp xuống, các thủy thủ xuống dìu từng người bước lên tàu. Thuyền trưởng bảo tôi nói với tất cả mọi người quay mặt ra bao lơn để họ lục xét có vũ khí gì không.

Tôi thật sự vui mừng không thể nói hết trong giây phút ấy. Sau đó là tắm rửa, ăn uống, hút thuốc, ổn định chỗ nằm. Tối đến thì những anh thủy thủ người Phi rất dễ thương đem đến phòng chúng tôi nào là bia, rượu, bánh ngọt, nước ngọt, thuốc lá và đàn guitar. Họ và những người trẻ tuổi trong bọn chúng tôi ăn uống la hét đàn ca đến nửa đêm mới dứt vì theo họ, đây là dịp hy hữu, ít khi nào có được.

Tiếp theo là những ngày lo lắng ít nhất cũng cho riêng tôi. Những người khác thì hình như rất vô tư không lo nghĩ gì mấy, muốn ra sao thì ra. Ngày nào thuyền trưởng cũng gặp tôi vài lần, nói chuyện sơ sơ. Chiếc tàu cứ chạy, khi đi qua những nước Đông Nam Á lần lượt từ Phi, rồi Mã Lai, Singapore, Nam Dương. Thuyền trưởng đều xin cho tàu ghé lại để bỏ bọn của nợ này xuống, nhưng không một nơi nào nhận cả. Ngày nào thuyền trưởng cũng nói với tôi có chữ "No news" thuyền trưởng có liên lạc được với Cao Ủy Tỵ Nạn gần vịnh Ấn Độ cũng không giải quyết gì được.

Rồi tàu lại cứ ra đi, theo lộ trình sẽ đi vòng Đại Tây Dương, ghé vài ba nước ở Âu Châu rồi đến Hoa Kỳ. Nhưng thuyền trưởng có nói với tôi, không chắc gì các nước ghé qua sẽ nhận, nhất là khi đến Hoa Kỳ sẽ bị tống xuất về Việt Nam vì nhập cảnh bất hợp pháp. Mọi thủ tục đều phải qua phủ Cao Ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc giải quyết. Chúng tôi đã lên tàu lớn thời gian được mười ngày và chúng tôi rất là thất vọng, không biết rồi chúng tôi sẽ về đâu.

Có một lần thuyền trưởng và các vị sĩ quan trên tàu nói chuyện với nhau, tôi tình cờ đứng gần đó có nghe lõm bõm. Không biết bực mình ra làm sao mà vị thuyền trưởng khả kính ấy lại dùng chữ Okies để ám chỉ chúng tôi. Trước kia tôi có dịp đọc truyện Chùm Nho Phẫn Nộ (The Grapes of wrath) của John Steinbeck nên biết được chữ Okies để chỉ những người bỏ xứ, những người tha phương cầu thực, đi đâu cũng bị coi khinh và bạc đãi. Thế là đêm đó tôi nằm gác tay lên trán suy nghĩ vẫn vơ, không biết chúng tôi bây giờ và sau này có giống như hình ảnh của những người Okies kia hay không. Đó là hình ảnh của những người ra đi vì miếng ăn mấy thập niên về trước. Tôi thực sự nghĩ có lẽ chúng tôi khác với họ. Hành trình của chúng tôi gian khổ hơn họ nhiều, biết bao nhiêu người đã chết trên rừng sâu hay xuống biển đông, biết bao nhiêu người đã bị bọn hải tặc Thái hãm hiếp, giết chết. Chúng tôi vẫn cứ lao vào chỗ chết, đó là vì một nhu cầu khác bức thiết hơn là vì miếng cơm manh áo nhiều lắm.

Một buổi sáng đẹp trời, thuyền trưởng và một phụ tá đến tìm gặp tôi có đem theo một bản đồ. Ông ta nói rằng có tin vui cho chúng tôi. Nhân viên truyền tin của tàu có liên lạc đươc với hội Hồng thập tự của Pháp chi nhánh đặt tại đảo Réunion, họ đã chấp nhận chúng tôi vì họ có ngân khoản. Vừa nói, viên thuyền trưởng vừa chỉ vào một điểm nhỏ trên bản đồ. Tôi thấy hòn đảo nhỏ nằm gần Mã đảo (Madagasca) tôi vẫn còn mơ hồ lắm về vị trí này, nhưng chúng tôi thật sự vui mừng vì ít nhất đã có một bến bờ nào đó để chúng tôi sẽ đặt những bước phiêu lưu của mình xuống rồi sao đó có ra sao sẽ hay. Chúng tôi cám ơn thuyền trưởng và vị phụ tá.

Con tàu chuyển hướng, trực chỉ đảo Réunion. Trong tâm trí tôi bỗng hiện ra những bài học sử ký hồi còn học tiểu học và trung học. Tôi bỗng nhớ ra rằng chính tại đảo này, thực dân Pháp đã đày an trí hai vị Hoàng đế của ta là vua Thành Thái và Duy Tân cho đến cuối đời. Tôi thông báo cho mọi người biết và ai nấy cũng vui mừng vì ít nhất mình cũng có được một sự liên hệ nào đó ở tại nơi xa lạ kia.

Mất bảy ngày đêm tàu mới đến ngoài khơi của đảo Réunion.

Vì cảng nhỏ, sóng lớn, tàu không vào được nên hội Hồng thập tự đã mướn tàu nhỏ và mấy chiếc ca nô ra để đón chúng tôi vào. Nếu tôi là người lên chiếc tàu này đầu tiên thì bây giờ họ bảo tôi phải xuống sau cùng, tôi không hiểu ý nghĩa gì. Khi tôi bước xuống tàu nhỏ thì bị ngay một toán 4 ký giả và phóng viên của đảo phỏng vấn. Họ hỏi nhiều chuyện nhưng vì không chuẩn bị trước nên tôi chỉ trả lời cầm chừng.

Con tàu cũng vào tới bờ, nhân viên hội Hồng thập tự đưa chúng tôi lên xe bus đi đến một khách sạn sang trọng nhất của đảo.

Đầu tiên họ đưa chúng tôi đến hội trường của khách sạn trước, vì họ mở cuộc họp báo ở đó. Có rất nhiều người Pháp đón tiếp chúng tôi, nhưng tôi thấy có khoảng vài chục người Việt Nam cũng có mặt ở đó. Đầu tiên vị đại diện của Việt Kiều ở đảo cám ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ và dành nhiều tình cảm với các đồng hương, ông ta chúc mừng chúng tôi và nói sơ tình hình của đảo. Phải có người thông dịch cho chúng tôi hiểu vì ông ta mặc dù là chủ tịch hội Việt Kiều ở đó nhưng là người Việt lai Ấn Độ và không nói được tiếng Việt nhiều.

Sau đó chủ tịch hội HTT chào mừng chúng tôi và vị đại diện trao ngay cho tôi tất cả 22 chiếc vé máy bay để ngày mai sẽ bay đến Paris và gặp phủ Cao ủy tỵ nạn ở đó. Chúng tôi đã được cảnh sát làm thủ tục quá cảnh (Sauf-conduit) để vào nước Pháp. Sau đó lên nhà hàng của khách sạn.

Trong lúc ăn uống chuyện trò với những người Việt ở đó, phần nhiều các vị đã lớn tuổi, tôi được biết họ là thân nhân của những gia đình đã làm việc hoặc đi lính cho Pháp trước kia và đã qua Pháp sau hiệp định Geneve 1954. Hầu hết cơ nghiệp đã thành đạt. Họ nói chuyện thân mật với chúng tôi, con chúng tôi như con cháu anh em, họ rơm rớm nước mắt nghe chúng tôi kể hoàn cảnh của mỗi người và những khó khăn ở quê nhà, họ an ủi khi biết tôi ra đi có một mình. Các vị đã biểu lộ những tình cảm dạt dào nồng hậu nhất vì tôi đã đọc được những cái nhìn ưu ái trên đôi mắt của họ. Tôi cảm thấy thật nhiều an ủi phan lẫn với ít nhiều tủi thân. Tôi thật sự cảm động khi biết có những người lái xe nhiều tiếng đồng hồ về đây để gặp chúng tôi, nói chuyện với chúng tôi. Tất cả đều có cảm giác chung là bồi hồi thương cảm vì trong đầu óc họ những người ra đi như chúng tôi mang ít nhiều hiểm nguy, nhìn trên gương mặt có những dấu ẩn hiện hãi hùng của biết bao số phận không may mà cả thế giới đã thu thập được qua tin tức truyền thông trước đây.

Sáng ngày sau khi tiếp đài truyền hình địa phương đến thăm và phỏng vấn xong, chúng tôi được bác Dung đón lại chơi tại nhà hàng Le VietNam của bác. Các con của bác chỉ cười với chúng tôi mà không nói tiếng Việt, chúng tôi thấy hơi lạ một chút là khi bác Dung nói với các anh chị ấy vài câu bằng tiếng Việt, các anh chị ấy hiểu nhưng trả lời bằng tiếng Tây, chắc sợ nói ra ngọng ngịu bị chúng tôi cười chăng. Rồi đến thăm vài cơ sở của vài người khác nữa, đâu đâu cũng chào hỏi ân cần, câu chuyện đậm đà thân mật, tình tự quê hương thật dạt dào. Buổi chia tay chiều tối hôm ấy thật cảm động. Bác Dung và vài bác nữa khóc ròng, bác nói: "Các con về Pháp kết quả thế nào báo cho bác biết với" Tôi nói: "Xin kính chào bác, chúng con đi xin bác giữ gìn sức khỏe, chúng con không bao giờ quên tình cảm ưu ái mà quý bác đã dành cho chúng con ngày hôm nay".

Phải mất 14 giờ bay chúng tôi mới đến Paris vào buổi sáng. Xe chở thẳng từ phi trường đến trại chuyển tiếp Creteil ở ngoại ô. Ở đây họ tiếp xúc với chúng tôi bình thường, có hàng trăm người Việt ở đây trước rồi. Ngày hôm sau gặp Cao ủy LHQ. Họ nói vì chúng tôi không vào các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á nên có thể xin đến một nước khác nữa. Thế là hội thiện nguyện Secours Catholique làm hồ sơ cho chúng tôi gởi đến toà đại sứ Mỹ tại Paris.

Tôi viết thư cho người bà con ở Cali nhờ làm giấy chứng nhận thân nhân (Affiavit of Relationship) gởi qua cho hội. Trong khi chờ đợi, chúng tôi đi chơi lòng vòng. Có các anh em trong tổng hội sinh viên Việt Nam đến chơi và đưa chúng tôi lên thăm kinh thành ánh sáng.

Hồi còn đi học, tôi có học qua bộ sách giáo khoa Pháp Cours de Langue et de la Civilisation Francaise, tôi chỉ biết nước Pháp qua sách vở. Nay thực tế đến Paris, tôi thực sự choáng ngộp và thích thú. Từ Notre Dame de Paris cổ kính đến tháp Eiffel cao ngất. Từ khải hoàn môn sừng sững đến công viên Lục Xâm Bảo thơ mộng, qua centre de George Pompidou tân kỳ, đôi lúc đứng trên cầu nhìn xuống dòng nước sông Seine lừng lững trôi, tôi như quên hết mọi sự, trước mặt, xung quanh tôi là những biểu hiện thành công của khoa học kỹ thuật và những kỷ xảo của con người, làm thành những nét cổ kính và tân kỳ hài hòa rất tráng lệ nhưng không kém phần nên thơ. Cho nên tôi thầm thán phục và đồng ý với hai câu thơ của Thanh Tâm Tuyền "…có một chút Paris, để anh được làm thi sĩ". Paris trải dài trước mắt tôi với nhiều hè phố chen chúc người đi lúc chiều xuống, với quán ăn, tiệm cà phê, quán phở ở quận 13, đủ cả nào phở Hòa, phở xe lửa, phở Tàu Bay, mà cả dân Tây đầm chính cống cũng vào ăn cầm đũa, muỗng húp xùm xụp rất thành thạo.

Nhìn cảnh nhộn nhịp ở đây lại nhớ đến cảnh Saigon ngày nào, cũng nhà thờ Đức Bà, cũng công viên với hàng cây cao vút, cũng nhiều công trình rất Tây như vậy.

Lưu lại trại chuyển tiếp ở Paris được ba tháng, tất cả thủ tục, giấy tờ đã xong. Trong khi chờ đợi, cả nhóm chúng tôi phân tán đi cùng với các người khác đến khắp 50 trại tỵ nạn trên nước Pháp để học chữ và kiếm việc làm.

Tôi và cha con người bạn cùng đi đến tỉnh Dijon ở miền Nam. Nơi sản xuất ra vài loại rượu chát và mù tạt danh tiếng của Pháp. Ban ngày cắp sách đi học tiếng tây bằng xe bus, chiều về ăn cơm, tối đến vài ba anh mua rượu chát rẻ cùng uống, hoặc xem TV chiến sự vùng vịnh, chủ nhật hay ngày lễ đi chơi ngoạn cảnh. Cứ như vậy cả năm trời rồi mà cũng chẳng có việc làm, đi xin việc mấy lần bị từ chối vì lớn tuổi, không nghề nghiệp. Chỉ còn cách là đi xin trợ cấp, trong khi thư Việt Nam gởi qua hỏi chừng nào bảo lãnh và có tiền không gởi về chút ít.

Đúng dịp cuối năm, trại tỵ nạn gọi lên văn phòng bảo thời gian 2 lần 6 tháng đã hết, họ đòi phòng, đáng lẽ phải đi sau sáu tháng đầu, ở đây họ đã gia hạn cho lần thứ hai rồi. Nhiều người hù rằng nếu họ đòi phòng rồi, thì tôi chỉ có nước ra nhà ga thôi chớ ở chung với người bạn họ sẽ làm khó dễ cho người bạn. Vốn tính hay lo, năm hết tết đến, tôi càng thấy buồn hơn.

Sáng mồng một Tết, các bạn cùng trại tới phòng tôi chơi, họ thấy trên bàn tôi để hai chai rượu, trên tường dán dài xuống hai câu đối viết mực Tây giấy đỏ đàng hoàng:

Xuân khứ xuân lai, vũ trụ vần xoay đời hưng phấn

Lão lai dài tận, phương trời lận đận mỏi mòn ta

Bạn bè chúc Tết xong, uống cạn hai chai rượu, họ đi lấy đem lại vài ba chai nữa uống tiếp. Trong cơn men say có người phê bình hai câu đối của tôi không chỉnh vì Hán Việt lộn xộn. Tôi cũng bất cần vì tôi đâu có Hán rộng, tôi chỉ nói lên tâm sự của tôi lúc này mà thôi.

Rất may mắn cho tôi, đúng vào thời điểm đó có thư Fax của hội Secours Catholique báo lên Paris gấp để lấy vé máy bay đi Mỹ, cả cha con người bạn cũng được đi luôn, hắn về Texas, còn tôi về Cali.

Đến Mỹ tôi được người bà con lo liệu đầy đủ, lên phi trường đón về, chở đi khám sức khỏe, làm thẻ xô xô, lên hội lãnh tiền, chở lên sở xã hội xin trợ cấp và medical, đi tìm trường học ESL, kiếm nơi cho tôi share phòng nữa. Công việc của người bảo trợ thật là nhiều chuyện vất vả. Tôi đã chịu ơn nhiều lắm.

Ngày ngày tôi đi học ESL, khi nào người bà con bận việc không đưa đón được, tôi phải cuốc bộ mỗi lượt mất cả tiếng đồng hồ, tôi nghĩ đi cho khỏe không sao. Được vài tháng người bà con tìm cho tôi chiếc xe cũ để thế chân, lại phải chở lên DMV thi luật, về tập rồi thi lái, thế rồi cũng xong.

Ngày ngày tôi lái xe đi đến trung tâm của sở xã hội chỉ định để học và nơi đây sẽ tìm việc làm cho mình. Những người trẻ chỉ vài tháng là có việc làm đi mất, còn tôi với mấy người bạn cứ học hoài mà chẳng có việc gì làm cả.

Qua bốn tháng hết hạn định ở đây, tôi tìm trung tâm ESL khác học tiếp, tôi nghĩ có lẽ ở Cali nhiều người ít việc nên khó tìm việc làm. Cứ đi học hoài như vậy gần cả năm trời rồi tôi cũng có được việc làm. Một vị cựu đại tá QLVNCH làm việc ở trung tâm ESL của sở xã hội chỉ định, thương tình xin giúp cho tôi một công việc assembly với mức lương tối thiểu.

Ngày ngày đi làm, tối về đọc báo chí xem tin tức. Tôi lên hội nhờ làm giấy tờ xin cho vợ con qua theo diện tỵ nạn. Thằng bạn học tình cờ gặp nói với tôi, cứ lo đi làm đi, còn chuyện bảo lãnh cứ gởi giấy tờ, rồi quên đi chớ tao đây tám năm rồi mà nó không giải quyết, lâu quá vợ tao lấy chồng khác mất rồi. Tôi nghe xong cũng buồn buồn. Lại thêm một thằng bạn khác bảo: lo đi làm đi rồi về thăm một chuyến chớ tao đây bảy năm rồi mà nó không cho qua cho nên tao có bà khác rồi. Nghe càng buồn hơn.

Có lần đến chơi nhà một người bạn khác nữa qua đã lâu (ở Cali cứ đi lòng vòng một hồi thì gặp nhiều bạn quen). Nhân cuối tuần người bạn làm việc khoản đãi, vợ con gia đình bạn bè sum họp đông đủ rất vui vẻ. Nhìn ngôi nhà khang trang của anh ta mua đã lâu, bày biện trang nhã, tôi chợt chạnh lòng nghĩ đến phận mình, sao mà con đường tiến tới hạnh phúc bản thân và gia đình còn quá xa tầm tay.

Có lần nhận được thư nhà, mừng quá mở ra đọc, ngoài tin tức gia đình và thăm hỏi bình thường, tôi đọc được bài thơ bà xã chép lại của một tác giả nào đó đã lâu lắm:

Sao anh không về thăm Qui Nhơn anh nhỉ

Gành ráng chiều lên Hàn Mặc Tử ngâm thơ

Nhạc trùng dương buông lên tiếng tơ sầu vạn kỷ

Để em buồn em mãi thương nhớ vu vơ

Anh hãy về đi nghe sóng xô đầm Thị Nại

Hồn Chiêm nương còn rên rỉ với tháp Chàm

Em nhớ anh sao không thấy anh trở lại

Để u buồn người em gái xứ Qui Nhơn

Anh hãy về đây nghe suối Tiên thổn thức

Em kể anh nghe sự tích chiếc nón Gò Găng

Trên bãi bể mắt nhung em sầu ngơ ngác

Anh nhớ chăng ngày chung mộng Qui thành

Có chậm hiểu gì lắm tôi cũng biết bà xã ngụ ý gì. Hai tâm hồn tuy xa cách mà chung một nhịp đập. Quý vị H.O đi nguyên cả gia đình sướng quá, chẳng nhớ nhung ai cả, chớ còn tôi thì ngổn ngang trăm mối, đêm đêm trằn trọc.


Tôi cứ sống trong tình trạng vật vờ như vậy, nữa năm nữa thì có tin đại cát.

Một hôm tôi đang làm việc thì manager gọi lên văn phòng nhận điện thoại. Tôi được hội thông báo ba tuần nữa đi đón gia đình tại phi trường John Wayne. Lại một lần nữa tôi mừng quá sức tưởng tượng, nhiều người không tin và bảo tôi nói xạo chớ tài gì mà nhanh dữ vậy. Tôi đã bảo mà, khi nào tôi vô cùng tuyệt vọng thì có chuyện may như có bề trên giúp đỡ.

Số là trước khi đi, tôi đã gởi hồ sơ xin theo diện H.O rồi. Họ đã lên danh sách cho tôi H.O 6.

Tôi lo sốt vó đi hợp đồng thuê apartment 2 phòng để đón gia đình. Rồi ngày đó đã đến, tôi ôm chầm các con tôi tại phi trường mà tưởng như trong giấc mơ. Trên đường về, vợ con thấy cảnh lạ ở Mỹ quốc tranh đua nhau hỏi tôi, tôi không trả lời kịp vì quá nhiều câu hỏi, rồi chúng tự trả lời lẫn nhau những câu nói quá hồn nhiên và thơ ngây, tôi tưởng chừng như nghe được bên tai hai tiếng chim kêu ríu rít sau vườn nhà quê hương tôi mỗi buổi sớm thanh nhàn.

Vậy là chúng tôi đã đoàn tụ. Các con tôi đi học, bà xã may ở nhà, tôi đi làm lai rai. Sở xã hội cấp medical và tiền nhà mỗi tháng. Số tiền dành dụm được mua vật dụng và xe cộ. Nhưng giấc mơ tìm một căn nhà của tôi ở Cali vẫn còn quá xa vời vì giá nhà quá cao. Thu nhập gia đình không trả nổi tiền nhà hàng tháng. Tôi được voi rồi vẫn cứ muốn đòi tiên.

Ba năm sau, may nhờ anh Long, một người bạn tốt bụng định cư ở Atlanta rủ tôi về đây. Tôi hỏi kỹ tình trạng công ăn việc làm và nhà cửa bên này thấy có lý quá. Tôi bàn bạc với gia đình, tất cả đồng ý. Như vậy là một lần nữa tôi bỏ hết lại sau lưng, mua vé máy bay lên đường đi Georgia.

Bạn bè lâu ngày gặp nhau mừng rỡ quá. Anh bạn chỉ dẫn tôi mọi việc. Tôi và vợ tôi cùng hai con lớn có việc làm ngay trong tháng đó, hai đứa nhóc đi học. Sáu tháng sau tôi và người bạn cùng đi kiếm nhà, anh ta và tôi cùng kiếm được nhà vừa ý cách xa nhau mười phút lái xe.

Nghe tin tôi mua nhà, các bạn bè bên Cali không tin, chửi tôi là đồ ba xạo, đâu có mau dữ vậy. Tôi thật sự tìm được hạnh phúc trong căn nhà của mình. Kính lạy các đấng bề trên đã cứu vớt và giúp đỡ gia đình chúng con đến mọi sự an lành.

Văn Thơ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,009,966
Nhạc sĩ Cung Tiến