Hôm nay,  

Ông Tám Và Cuộc Chiến Chống Khủng Bố

10/12/200100:00:00(Xem: 280003)
Bài tham dự số: 02-415-vb51206

Tác giả Hải Triều tên thật là Lai Thế Lãng, đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ dặc biệt. Lần này, bài mới nhất của ông là một truyện ngắn nhiều tính thời sự với nhân vật “ông Tám”, thể hiện những quan tâm của một gia đình Việt Nam tại Mỹ với trận chiến chống khủng bố.

Ông Tám là người thích theo dõi tin tức thời sự. Ngày nào cũng vậy, dù bận đến đâu ông cũng để thì giờ mở internet để xem tin tức. Ông thích thú theo dõi những tin tức sốt dẻo ở khắp nơi, nhất là những tin tức liên quan đến bọn khủng bố và cuộc chiến chống khủng bố.

Hôm đó sau khi đi làm về, ông Tám đến ngồi trước màn hình của chiếc computer và chăm chú làm cái công việc thường lệ của ông. Bỗng ông dừng lại trước một bản tin, đọc xong ông hứng chí nói lớn:

- Như vậy mới phải, không thể thấy tiền là tối mắt lại.

- Cái gì mà tiền bạc, mà tối mắt lại vậy ông" Bà Tám hỏi.

- Ông thị trưởng New York trả lại 5 triệu Mỹ kim của hoàng thái tử Ả Rập tặng cho New York vì lời lẽ của ông ta có tính cách xúc phạm Hoa Kỳ và như ngầm bào chữa cho hành động giết hàng ngàn mạng người của bọn khủng bố.

Sau vụ tấn công của bọn khủng bố vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Ngũ Giác đài, có nhiều người nói rằng sự việc đó xảy ra là do chính sách đối ngoại của Mỹ. Họ muốn ám chỉ rằng Hoa Kỳ đã theo đuổi một chính sách sai lầm ở Trung Đông cũng như việc áp đặt biện pháp cấm vận đối với Irak khiến cho nhiều người thù ghét Hoa Kỳ.

Ông Tám không đồng ý với luận cứ này. Theo ông, đành rằng Hoa Kỳ cần có thái độ công bằng và tích cực hơn trong việc giải quyết cuộc tranh chấp giữa Do Thái và Palestine nhưng không thể nói vì cuộc tranh chấp này bọn khủng bố mới tấn công vào nước Mỹ. Ông Tám nói ông dám chắc dù không có vấn đề Trung Đông thì bọn khủng bố cũng vẫn tấn công Hoa Kỳ. Ông thấy rất rõ bọn khủng bố chỉ dùng chiêu bài Palestine để lôi kéo thế giới Hồi Giáo đứng về phía chúng. Chúng chỉ lợi dụng danh nghĩa tranh đấu cho người Palestine để thực hiện mưu đồ riêng chứ chúng có thương xót gì dân tộc này. Mục tiêu của chúng là gây xáo trộn, làm suy yếu Hoa Kỳ rồi dùng lực lượng Hồi Giáo quá khích mở cuộc thánh chiến tiêu diệt tiềm năng của cường quốc hùng mạnh nhất hầu thực hiện tham vọng thống trị thế giới theo lối suy nghĩ quá khích và cuồng tín của chúng.

Còn việc cấm vận Irak, ông Tám cho rằng về một khía cạnh nào đó, cuộc cấm vận có vẻ vô nhân đạo. Nhưng theo ông thì để cho Saddam Hussein tự tung tự tác mới đúng là vô nhân đạo. Cho đến giờ phút này thì ai cũng biết rõ Saddam chủ trương phát triển vũ khí hóa học và vi trùng để phục vụ cho tham vọng của ông ta. Thời gian vừa qua, anthrax chỉ mới gây tác hại cho một số rất ít trong dân chúng mà đã gây rúng động tại Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trên thế giới. Thử hỏi nếu không bị kiềm chế, không bị kiểm soát chặt chẽ, Irak sẽ cho chế tạo và tung ra loại vũ khí này đi khắp nơi thì thế giới sẽ đi về đâu" Nhân lọai sẽ phải gánh chịu thảm họa khủng khiếp như thế nào"
*
Khi Hoa Kỳ mở cuộc chiến chống khủng bo,á nhiều người lo ngại Hoa Kỳ sẽ phải đương đầu với một cuộc chiến tranh rộng lớn và đầy nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến thế chiến thứ ba. Một người đơn sơ như bà Tám cũng lo sợ hậu quả của chiến tranh. Có lần bà Tám than thở với ông Tám:

- Mình đã quá khổ sở vì chiến tranh ở nước mình nay sang Mỹ cũng lại chiến tranh . . . người ta không thể tránh được chiến tranh hay sao hở ông"

- Cuộc chiến tranh chống khủng bố này là bắt buộc, không thể tránh.

- Tôi thấy đụng đến quân khủng bố nguy hiểm quá, giống như đổ thêm dầu vào lửa. Chúng nó lại là bọn liều chết, tôi sợ tụi nó sẽ nổi khùng lên làm bậy bạ thì thật tai hại.

- Dù gì thì cũng phải đánh, không có cách nào hơn- ông Tám khẳng định.

Cuộc tấn công của Hoa Kỳ đánh vào bọn khủng bố bin Laden và chế độ Taliban đỡ đầu cho chúng đã gây ra dư luận xôn xao. Khuynh hướng thứ nhất mà bà Tám là đại diện, lo sợ bọn khủng bố sẽ quậy phá như lời đe dọa của chúng. Bà Tám chỉ muốn an thân nên nghĩ rằng mở chiến tranh là chọc giận bọn khủng bố, là dồn chúng vào ngõ bí khiến chúng phải liều lĩnh hơn. Bà sợ nếu chúng thực hiện được những lời đe dọa của chúng thì sẽ không có ai và không còn nơi nào trên nước Mỹ được coi là an toàn.
Ông Tám thuộc khuynh hướng thứ hai chủ trương phải cứng rắn với bọn khủng bố vì nhân nhượng với bọn này là đầu hàng, là khuyến khích chúng gây thêm tôi ác. Ông Tám cho rằng không tiêu diệt chúng thì chúng sẽ tiêu diệt mình, chúng chẳng buông tha cho ai. Những nạn nhân của ngày 9-11 có làm gì mà cũng bị chúng giết hại hay là bà Kathy Nguyễn, một người Việt Nam có ân oán gì với chúng mà cũng chết vì vi trùng anthrax do chúng tung ra. Vả lại, theo ông Tám việc bọn khủng bố tấn công vào hai cơ sở quân sự và tài chánh đầu não của Hoa Kỳ là một hành động khiêu khích trắng trợn không thể dung tha. Nếu Hoa Kỳ không có biện pháp giáng trả thì còn mặt mũi nào trên trường quốc tế. Do đó theo ông, quyết định đánh vào sào huyệt của bin Laden và chế độ Taliban ở A Phú Hãn là hợp tình , hợp lý và không thể làm khác được.

Từ khi cuộc chiến bùng nổ, ông Tám chú tâm theo dõi từng diễn tiến của chiến trận, không bỏ sót một tin tức nào. Ông vui buồn theo sự thăng trầm của chiến sự tại A Phú Hãn . Ông tươi cười hay trầm mặc tùy vào tin tức nhận được có lợi hay bất lợi cho cuộc chiến chống khủng bố.

Những trận oanh kích mở màn của không quân Hoa Kỳ làm cho ông Tám lên tinh thần. Ông hào hứng kể cho bà Tám những tin tức về các đợt tấn công vào mục tiêu rất chính xác của không quân. Ông thấy phấn khởi khi được biết chỉ trong mấy ngày đầu, không quân Mỹ đã hoàn toàn làm chủ không phận A Phú Hãn mà không có thiệt hại gì. Ông Tám bằng lòng với thành quả của các cuộc không kích.

Nhưng rồi cũng có những tin tức làm cho ông Tám phải chau mày. Đó là tin tức về những quả bom đi sai mục tiêu, những trái hỏa tiễn đi lạc vào khu dân cư, gây tử thương cho thường dân. Ông Tám biết tổn thất trong chiến tranh kể cả đối với dân chúng là điều không thể tránh nhưng trong cuộc chiến này việc gây thiệt hại cho thường dân là một đìêu vô cùng bất lợi. Những cái loa của bọn tôn sùng bin Laden sẽ lợi dụng việc này để la toáng lên rằng Hoa Kỳ chủ trương giết hại Hồi giáo. Chúng sẽ lấy cớ đó để lại kêu gào thánh chiến, lôi kéo thêm quân tình nguyện Hồi giáo vào lãnh thổ A Phú Hãn, gây thêm khó khăn cho Mỹ.

Cũng như nhiều người khác, ông Tám bắt đầu thấy nôn nóng khi chiến trận ngày càng trở nên trì trệ. Sau cả tháng trời liên tục dội bom, chế độ Taliban vẫn trơ trơ ra đó, bin Laden vẫn khoác lác trên màn ảnh TV chiếu lại những cuốn video đã được thâu sẵn và viên đại sứ của Taliban tại thủ đô Pakistan vẫn nói tại các buổi họp báo những lời lẽ cố ý chọc quê Hoa Kỳ. Ông Tám trở nên ưu tư hơn khi các giới chức cao cấp Hoa Kỳ kêu gọi dân chúng kiên nhẫn, nhất là khi các giới chức quân sự nhận định rằng đánh bằng không quân chưa đủ, có thể phải đổ quân vào A Phú Hãn. Đem quân vào A Phú Hãn ư" Ông Tám nghĩ đến thất bại của Mỹ ở chiến trường Việt Nam và kinh nghiệm đau thương của Nga ngay tại lãnh thổ A Phú Hãn này. Địa thế hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt của A Phú Hãn là những trở ngại lớn cho quân ngoại nhập. Ông Tám sợ Mỹ có thể phải ngưng chiến khi chưa đạt được mục đích tiêu diệt bin Laden và chế độ Taliban.

Thấy ông Tám quá quan tâm đến tình hình ở A Phú Hãn và không được vui khi thấy những bất lợi dường như đang ngả về phía Mỹ, bà Tám an ủi ông:

- Thắng hay bại cũng tuốt ở đâu chứ có phải ở ngay trên đất Mỹ này đâu mà ông phải lo"

- Sao lại không lo" Mỹ mà thua trong trận chiến này là là thua hết, là mất tất cả - ông Tám trả lời.

- Mất gì mà mất tất cả" Đâu ông thử nói cho tôi nghe xem nào - bà Tám thắc mắc.
-


Ông Tám giải thích cho bà Tám những mất mát mà ông vừa nói đến. Theo ông nếu Mỹ thất bại trong trận chiến này thì các nước Hồi giáo đang ủng hộ Mỹ có thể sẽ trở cờ quay lại ủng hộ bọn khủng bố. Rồi các nước Tây phương, đồng minh của Mỹ sẽ mất tín nhiệm ở Mỹ khiến cho liên minh chống khủng bố trở lên lỏng lẻo và đi đến tan rã. Các nước thù ghét Mỹ hay vốn không ưa Mỹ sẽ thừa nước đục thả câu, gây thêm khó khăn cho Mỹ. Bọn khủng bố sẽ thừa thắng xông lên, gia tăng các hoạt động khủng bố tấn công vào dân chúng Mỹ. Kinh tế Mỹ sẽ tụt dốc thê thảm và người dân Mỹ trong đó có gia đình ông sẽ lâm vào cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Ông Tám còn nói cho bà Tám biết việc thắng bại của Mỹ còn có ảnh hưởng trực tiếp đến đồng bào của mình ở bên quê nhà nữa kìa.

- Thắng hay bại của Mỹ sao lại có liên quan đến Việt Nam" Bà Tám tỏ vẻ không hiểu.
- Chuyện đó rõ ràng quá mà. Bà không thấy Mỹ chỉ mới bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố là Hà Nội đã ra tay đàn áp rồi hay sao"

Ông Tám giải thích thêm cho bà Tám rằng thừa lúc Hoa Kỳ tập trung mọi nỗ lực vào cuộc chiến chống khủng bố, Hà Nội liền chụp thời cơ ra lệnh đem linh mục Nguyễn Văn Lý ra xử vội vã với bản án 15 năm tù và 5 năm qủan chế. Nếu vào lúc bình thường liệu Hà Nội có dám làm như vậy không" Ông Tám còn kể cho bà Tám nghe rằng dự luật Nhân quyền cho Việt Nam đã được thông qua tại Hạ viện với tỷ lệ cao chưa từng có cũng đã bị nằm bẹp tại Thượng viện vì Hoa Kỳ còn phải lo chuyện chống khủng bố. Dự luật này khi thành luật sẽ là phương cách hữu hiệu ngăn chặn đàn áp và tạo điều kiện xây dựng một thể chế dân chủ, tự do cho Việt Nam. Hoa Kỳ chỉ mới bận tay trong cuộc chiến chống khủng bố mà đã tai hại như vậy. Nếu Hoa Kỳ thất bại trong trận chiến này thử hỏi Hà Nội sẽ tác oai tác quái đến mức nào và công cuộc đòi hỏi dân chủ của nhân dân Việt Nam sẽ trở nên cam go đến chừng nào.

- À ra thế. Tôi hiểu rồi ông ạ. Tiếc rằng mình chẳng làm được gì.

- Có chứ. Việc treo cờ, việc đóng góp tiền bạc giúp đỡ nạn nhân khủng bố 9-11 chính là góp phần vào việc chống khủng bố đấy.

- Sao lạ vậy ông"

- Hai việc này nói lên tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau trong hoàn cảnh khó khăn. Khi đánh vào nước Mỹ, bọn khủng bố chỉ mong làm cho nước Mỹ chia rẽ, người Mỹ chống chọi lẫn nhau. Nay thấy dân chúng đoàn kết chặt chẽ thì chúng phải gườm. Mặt khác chính quyền và quân đội được khích lệ sẽ hăng say hơn, cương quyết hơn trong việc đánh dẹp bọn khủng bố.

- Hai việc này thì mình đã làm rồi. Còn có gì mình có thể làm được nữa không ông"
- Giúp đỡ cơ quan an ninh.

- Bằng cách nào"

- Có nhiều cách như báo cho cơ quan an ninh mỗi khi thấy có người khả nghi, hành động khả nghi hay sự việc khả nghi và cung cấp những dữ kiện mà mình biết giúp cho cơ quan an ninh dễ dàng điều tra, phanh ra manh mối khủng bố. Việc này cần phải làm nghiêm chỉnh và không nên sợ sệt vì sợ sệt là tiếp tay với khủng bố và gây hại cho chính mình, gia đình mình.

- Còn gì mình có thể làm được nữa không"

- Hậu thuẫn chính quyền trong cuộc chiến chống khủng bố.

- Việc này có vẻ khó.

- Tôi vẫn thường làm.

- Ông đã làm à" Ông làm gì để hậu thuẫn chính quyền vậy"

- Tôi luôn luôn vote "Yes" trong các cuộc thăm dò trên internet khi có các câu hỏi được đặt ra như: Có tán thành việc tấn công A Phú Hãn" Có tán thành đường lối của Tổng thống Bush trong việc đương đầu với khủng bố" Có tán thành việc lập tòa án đặc biệt để xét xử tội phạm liên quan đến khủng bố" v.v.

- Có việc đó nữa à" Lần sau có thăm dò nào liên quan đến việc ủng hộ chính quyền ông nhớ gọi cho tôi vote với nghe ông.

*
Hôm quân đội của Liên Minh Miền Bắc chống Taliban chiếm được Mazar-e-Sharif, ông Tám vô cùng mừng rỡ nói với bà Tám:

-Cuộc chiến đã bắt đầu chuyển hướng có lợi cho Mỹ rồi.

-Nhưng mà mới chiếm được có một tỉnh thì đã ăn thua gì" Bà Tám hỏi lại.

-Ăn thua chứ. Bà không thấy trước đây mình chỉ bị mất . . .

Ông Tám bỏ lửng câu nói. Ông không muốn nhắc đến câu chuyện đau thương đã xẩy ra trên quê hương 26 năm về trước. Ông chỉ muốn nói cứ điểm quân sự mà quân của Liên Minh Miền Bắc vừa chiếm được có tầm mức vô cùng quan trọng, là chiếc chìa khóa của chiến thắng sau này.

Nhờ theo dõi tin tức hàng ngày, ông Tám biết rất rõ lợi điểm về mặt chiến thuật của cứ điểm này. Từ cứ điểm này, Mỹ có thể lập cầu không vận nối với Uzbekistan - lãnh thổ mà Sư đoàn 10 Miền núi của Mỹ hiện đang có mặt- cách đó không bao xa. Quân của Liên Minh Miền Bắc từ nay có thể nhận được tiếp liệu quân sự của Mỹ dễ dàng từ Uzbekistan hoặc là nếu tình hình đòi hỏi, Mỹ có thể đổ quân vào A Phú Hãn qua ngả này. Nhưng ông Tám cũng nói với bà Tám rằng thuận lợi về mặt tâm lý còn to lớn hơn nhiều. Chiến thắng tại Mazar-e-Sharif trước hết làm cho quân sĩ và dân chúng Hoa Kỳ phấn khởi vì thấy cuộc chiến có tiến triển sau một thời gian trì trệ, chậm chạp. Nó cũng là chất keo gắn bó các nước trong liên minh chống khủng bố thêm chặt chẽ, đoàn kết hơn. Chiến thắng này cũng nâng cao khí thế quân sĩ trong lực lượng chống Taliban và đồng thời làm sa sút tinh thần quân sĩ trong hàng ngũ Taliban. Theo ông Tám thì đó là những yếu tố sẽ đưa cuộc chiến chống khủng bố đến thắng lợi.

Thế rồi tình hình chiến cuộc đã biến chuyển mau chóng đúng như nhận định của ông Tám. Chỉ vài ngày sau, với sự yểm trợ liên tục và hữu hiệu của Không quân Hoa Kỳ, quân đội của Liên Minh Miền Bắc đã chiếm được thủ đô Kabul và nhiều tỉnh khác từ trong tay Taliban không chút khó khăn. Chế độ Taliban thất kinh hồn vía, bỏ của chạy lấy người đến nỗi 8 nhân viên cứu trợ quốc tế- những con tin rất có giá trị đối với họ trong thời điểm đó- cũng không kịp đem theo. Với đà chiến thắng và với sự phối hợp chặt chẽ: trên trời oanh kích, dưới đất bao vây rồi tấn công, Liên Minh Miền Bắc lại chiếm được Kunduz, một cứ điểm quan trọng khác của Taliban, và nhiều địa phương khác nữa. Hiện nay Không lực Hoa Kỳ và lực lượng chống Taliban đang chĩa mũi dùi vào Kandahar, sào huyệt cuối cùng và cũng là bản doanh của chế độ Taliban. Cứ theo đà này thì việc thất thủ thành trì cuối cùng của Taliban chỉ còn là vấn đề thời gian.
Những chiến thắng quân sự liên tục tại các mặt trận đã làm chế độ Taliban sụp đổ mau chóng, bin Laden và các đầu sỏ của al-Qaeda phải thất điên bát đảo, chốn chui trốn nhủi như chuột . Đáng tội nghiệp nhất là những kẻ tôn sùng bin Laden, những con người nhẹ dạ chỉ vì nghe theo lời phỉnh gạt, hưởng ứng lời kêu gọi của bin Laden đi dự "thanh chiến" để giờ đây phải bỏ xác tại xứ người. Trước những thành quả của cuộc chiến chống khủng bố, ông Tám trở nên vui tươi, hớn hở, cái trạng thái mà ông đã có trước đây, trong những ngày đầu khi Hoa Kỳ mở cuộc tấn công vào sào huyệt của bọn khủng bố.

- Nhưng mà chưa rõ tung tích của bin Laden. Biết đâu hắn ta trốn thoát" Bà Tám băn khoăn.
- Cho dù hắn ta có trốn thoát thì từ nay cũng chỉ trốn chui trốn nhủi, không dám xuất đầu lộ diện. Còn tổ chức khủng bố al- Qaeda của hắn thì cũng đã sứt càng gãy gọng, chẳng còn làm ăn được gì nữa.

Ông Tám nói chắc với bà Tám như vậy vì các trại huấn luyện của bọn khủng bố đã hoàn toàn bị hủy diệt và A Phú Hãn cũng sẽ vĩnh viễn không còn là sào huyệt an toàn của chúng nữa. Tổ chức al-Qaeda đã hoàn toàn rệu rã: về mặt nhân sự thì lớp bị giết, bị bắt tại mặt trận, lớp bị cơ quan tình báo của các nước bắt giữ, bọn còn tại đào thì cũng nơm nớp lo sợ chẳng biết sẽ sa lưới lúc nào; về mặt tài chánh thì nguồn cung cấp tiền bạc cho các hoạt động khủng bố đã bị các ngân hàng trên thế giới phong tỏa. Mọi người, mọi nơi đều đã cảnh giác hơn.Theo ông tám thì bọn al-Qaeda dù có ba đầu sáu tay cũng đành chịu, không thể tung hoành như trước được . Hoa Kỳ kể như đã hoàn thành một giai đoạn quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tuy nhiên như Tổng thống Bush đã nói Mỹ sẽ đánh bất cứ nước nào dung túng bọn khủng bố và ông cũng nói rằng rằng A Phú Hãn không phải là chế độ duy nhất có liên hệ đến khủng bố. Điều đó cho thấy cuộc chiến chống khủng bố không dừng lại sau A Phú Hãn và nếu như có một cuộc chiến chống khủng bố khác được phát động tại một nơi nào đó trên thế giới thì chẳng phải là điều đáng ngạc nhiên. Đến lúc đó, ông Tám sẽ lại chú tâm theo dõi tin tức chiến sự, ông cũng sẽ lại chia sẻ với bà Tám những nhận định của mình. Và chúng ta sẽ lại được nghe những lời đối thoại của hai ông bà trong các câu chuyện liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố mới.

Hải Triều

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,068,573
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến