Cũng như nhiều gia đình sinh trưởng và lớn lên ở miền Nam, gia đình chúng tôi không biết nhiều về Cộng Sản; chỉ biết qua báo chí, sách vở. Khi mọi điều đều "chưa mắt thấy, tai nghe", tất cả chỉ là lý thuyết. Vào những ngày cuối tháng 4/75, trong khi bạn bè của Ba Má chúng tôi đang tìm cách di tản, cũng như có thuyết phục Ba Má tôi đi cùng; Ba Má tôi đã quyết liệt từ chối vì không muốn bỏ ông bà Ngoại, các Cậu, các Dì, cùng bà con làng giềng để đi đến một nơi hoàn toàn xa lạ.
Trong tình thế lộn xộn của những ngày cuối tháng Tư, anh tôi cùng vợ và 2 cháu nhỏ đã không theo gia đình vợ di tản. Anh trở về sau khi đưa toàn thể gia đình vợ lên phi trường Tân Sơn Nhứt rời VN. Để rồi ít năm sau đó, anh chị chia tay, mỗi người mỗi ngã. Anh tôi và hai cháu về sống với gia đình, và cuối cùng thì nghe tin chị dâu đã bỏ mình trên biển đông trên đường vượt biển tìm tự do.
Gia đình Ba Má tôi có một cửa hàng buôn bán sản phẩm thủ công nghệ, nên bị Việt Cộng liệt vào hàng "tư sản". Với chính sách "đánh tư sản" vào năm 1978, Cộng Sản đã tịch thu toàn bộ hàng hóa, nhà cửa cùng đuổi cả gia đình tôi ra khỏi thành phố; cùng chung số phận với bao nhiêu gia đình khác, tất cả, hoặc là lên vùng kinh tế mới, hay là phải về quê lập nghiệp. Cả tháng trơiø vất vả ngược xuôi, tôi đi đi về về, để xin được một giấy hộ khẩu cho Ba Má tôi "hồi hương". Thủ tục phải được sự chấp thuận và chứng nhận từ tổ trưởng tổ dân phố, lên tới ấp, đến xã, rồi đến phường, đến quận và đến tỉnh. Cuối cùng tôi cũng đã xin được hộ khẩu cho Ba Má về "quê lập nghiệp". Thật ra là về sống ở căn nhà nghỉ mát của gia đình ở ấp Hải Hà, xã Long Hải, quận Long Điền, tỉnh Đồng Nai. Căn nhà nằm sát biển mà ngày xưa ông bà Ngoại đã sống ở đó để yên hưởng tuổi già. Thoát được cảnh họp hành, nghe chửi rủa của tổ dân phố mỗi đêm, Ba Má tôi dự định sẽ sống ở đó cho đến cuối cuộc đời. Phần anh em chúng tôi, vì không được phép cấp hộ khẩu ra vùng biển, tạm thời nhà nước cho mấy anh em xuống ở phần nhà bếp của căn nhà, và phần còn lại thì cho cán bộ ở. Cay đắng nào bằng khi tự nhiên những người xa lạ được vào làm chủ nhân ông! Thế là anh em tôi tìm đường vượt biên.
Sau một lần bị gạt tiền và một lần ra khơi thất bại, anh tôi cùng một số bạn bè hùn nhau lại để mua một chiếc tầu. Anh giao tầu cho một người mới quen, dùng đi đánh cá mỗi ngày để qua mặt công an. Mấy tháng ròng rã, tính toán ngược xuôi, anh vẫn không tìm được bến để xuống tàu nhỏ để ra tàu lớn, và có hội bị mất tàu. Chúng tôi phải cầu cứu đến Ba Má bằng cách mượn căn nhà của ông bà để ở, rồi tìm cách ra khơi. Không suy nghĩ hay tính toán, Ba Má tôi đồng ý cho chúng tôi dùng căn nhà để xuống tàu. Ba Má tôi không nghĩ đến hậu quả, dù đó là tất cả những gì mà ông bà còn lại của một đời vất vả gây dựng, bằng chính mồ hôi, nước mắt của mình. Tuy nhiên, lo lắng Ba Má sẽ lâm vào cảnh tù tội, chúng tôi năn nỉ xin ông bà đi cùng. Vì thương hai đứa cháu nội còn quá nhỏ; không yên lòng giao cháu cho bà và cô, Ba Má tôi đã đồng ý. Mỗi người nhận trách nhiệm cõng một đứa, lội nước xuống tàu. Hành trang võn vẹn được mang theo là hai bộ quần áo để thay đổi.
Chuyến đi thành công với 5 ngày biển lặng sóng êm, thức ăn, nước uống đầy đủ. Cả tầu đã đến Mã Lai bình yên. Sau 18 ngày ở Mã Lai, để cuối cùng bị tàu hải quân Mã Lai kéo bỏ lại ngoài khơi, cùng với số phận của hai chiếc tàu khác. Nửa đêm, hải quân Mã Lai cắt dây và cho biết sẽ bắn nếu theo họ trở vào đất liền. Không còn giải pháp nào khác, chúng tôi phải tìm hướng đến Nam Dương. Cơn bão lớn đột nhiên kéo đến. Giữa lòng đại dương, con tầu thật nhỏ nhoi; số mạng của những người trên tàu đều phó thác cho định mạng. May mắn cơn bão qua đi và chúng tôi đã gặp những người đánh cá Nam Dương thật hiền hòa, tốt bụng dẫn vào bờ. Sau 10 tháng ở trại tị nạn Nam Dương, gia đình chúng tôi đã đến định cư tại Cali với hai bàn tay trắng.
Khi chúng tôi lao đầu vào cuộc sống ở đây, vừa đi học, đi làm, thì Ba Má chúng tôi đã sống những chuỗi ngày dài đầy cô đơn và thiếu thốn. Ông bà đã đánh đổi cuộc đời thanh thản với ruộng vườn, với gió mát trăng thanh, với sóng biển rì rào, với hàng dừa xanh ngát, theo con cháu đến đây, sống cơ đơn, không bạn bè thân quyến, bất đồng ngôn ngữ. Đã có lúc Ba tôi phải đi làm gác dan ở bãi đậu xe, còn Má tôi thì hì hục trên bàn máy may kiếm từng đồng bạc để phụ giúp tiền nhà; hay gói ghém những món quà nhỏ gửi về cho chị, cho em còn đang kẹt lại ở VN.
Tôi ứa nước mắt suốt buổi lễ ra trường, nước mắt chảy không vì nỗi vui mừng mình đã tốt nghiệp, mà là nỗi nghẹn ngào khi nghĩ đến lòng hy sinh của Ba Ma ùtôi. Ông bà đã hy sinh hết cuộc đời mình cho con, cho cháu, để chúng tôi có tương lai ở nơi này. Anh tôi vừa đi học, vừa đi bỏ báo. Mỗi sáng sớm, ba bốn giờ sáng anh đã phải thức dậy, bồng con nhỏ bỏ lên xe, đến tòa báo, nhận báo và đi thẩy vào từng nhà; rong rả suốt 4 năm trời, 365 ngày 1 năm và không có 1 ngày lễ. Ngày anh tôi ra trường, anh đã may mắn được chụp hình đầy đủ với cha mẹ, và sau đó chúng tôi có một bữa tiệc linh đình do Má tôi nấu nướng.
Tôi vừa đi làm full time, vừa đi học, nên thời gian học đã phải kéo dài trong nhiều năm liên tục. Má tôi vẫn thường cằn nhằn "Má chờ ngày con ra trường sao mà lâu quá". Và rồi, tôi đã phải thật cố gắng để nước mắt đừng chảy khi đứng giữa lớp trình bày cái "project" ra trường vào một tối thứ tư, mà trưa cùng ngày hôm đó, tôi đã khóc hết nước mắt nhìn người ta đẩy quan tài của Má vào lò thiêu. Anh tôi đã bấm nút bật lò gas để "hỏa táng" thân xác Má như ước nguyện. Trước đó hai tuần, Má đã ngồi xem tôi hý hoáy với những dây điện chằng chịt và còn cằn nhằn "sao thằng Quang ra trường rồi, con không nhờ anh con giúp cho lẹ"". Bà đã bỏ chúng tôi đi rất nhanh, rất êm đềm và lặng lẽ vào đúng ngày lễ "Tạ ơn"; sau khi đã có 1 bữa ăn thịnh soạn với đầy đủ con cháu, cùng 1 người chị từ Canada qua thăm. Bữa ăn "lễ Tạ ơn" do đứa cháu nội mà Ba Má đã cõng đi vào 1 đêm tối trời của 10 năm trước đó. Lần đầu tiên cháu tình nguyện thay Bà Nội nấu nướng cho cả gia đình. Bữa ăn đầu tiên và cũng là bữa ăn cuối cùng cháu làm cho Bà Nội. Ít ra cháu cũng được tạ ơn Bà Nội đã thay cha, thay mẹ nuôi nấng cháu nên người.
Buổi sáng thứ Sáu của ngày lễ Tạ ơn, cũng như mọi buổi sáng khác, Má tôi đi một vòng công viên, trở về vui vẻ trò chuyện cùng Dì Ba từ Canada qua thăm. Khi đứng dậy đi vào phòng, bà bị xây xẩm, ngồi xuống đất, và bắt đầu than "chân không cử động được". Má được đưa vào nhà thương lúc 11:30 sáng, không hề biết đau đớn, và 6:00 chiều thì Má tôi đã ra đi vĩnh viễn. Mạch máu ở đầu bị đứt, máu tràn vào óc, nên óc đã bị hư. Bác sĩ họp và thông báo với chúng tôi về tình trạng của bà vào lúc 5:00 giờ chiều: nếu mổ để hút máu ra, Má sẽ sống, nhưng mãi mãi không bao giờ hồi tỉnh; Má sẽ sống nhờ vào 1 cái máy - hoặc là để Má ra đi bình yên. Chúng tôi đã đau lòng mà chọn giải pháp để cho Má đi một cách "bình yên" như ước nguyện của bà lúc còn sống.
Chúng tôi đã đứng lặng yên quanh giường bịnh, bất lực nhìn người thân yêu của mình nằm đó, thật gần mà hoàn toàn xa cách. Một giờ đồng hồ sau khi quyết định của gia đình, Má đã ra đi bình yên, lặng lẽ, như cuộc sống của bà. Má tôi, cũng như hàng triệu người mẹ, người đàn bà VN, cả đời chỉ biết hy sinh cho chồng, cho con; lấy hạnh phúc của chồng con, làm hạnh phúc của chính mình. Má là một cái bông, lặng lẽ đi bên cạnh ba hơn nữa thế kỷ, đã chia bùi, xẻ ngọt, giúp chồng thành công không phải vì cái kiến thức uyên thâm, mà chính là cái "công, dung, ngôn, hạnh" của một người đàn bà Việt Nam. Thế giới của Má là bốn bức tường của gia đình, niềm vui của Má là hạnh phúc, là nụ cười của chồng, của con. Má đã ẵm anh tôi suốt 5 năm trời ròng rã đến nỗi chai cả hông vì anh tôi sinh ra vốn bịnh hoạn, yếu đuối. Trong suốt cuộc hành trình tìm tự do, Má đã ngồi và thức trắng 5 ngày, 5 đêm chăm sóc ba trong khi ông lên cơn sốt nặng. Trong khi chúng tôi bận rộn với việc làm, với trường lớp, thì bà đã cố công đưa đón các cháu đến trường, rồi về để sửa soạn những bữa ăn ngon miệng. Chúng tôi vội vã về ăn những bữa cơm chiều; những bữa cơm mà Má đã canh đúng giờ về của con cháu. Bà còn biết rất rõ ý thích của từng đứa con, đứa cháu. Những món ăn Má đã bỏ rất nhiều công sức để nấu, trong khi chúng tôi đón nhận những điều đó một cách tự nhiên đến độ hờ hững, vô tình.
Có lẽ Má đã mất lòng kiên nhẫn sau khi chờ ngày tôi ra trường quá lâu" Má đi vào tháng 11, một tháng trước ngày tôi hoàn tất chương trình đại học và sáu tháng trước ngày tôi có dịp làm lễ ra trường. Nếu không có sự hy sinh của Ba Má, chúng tôi đã không có những buổi lễ ra trường. Có lẽ giờ này chúng tôi đang vất vưởng sống đời lao động nghèo khó như hàng triệu gia đình khác ở VN. Má đã không được nhìn thấy kết quả của sự hy sinh Má đã cho, khi từng đứa con, đứa cháu lần lượt tốt nghiệp ra trường. Chúng tôi đã không có cơ hội để trả ơn cho Má.
Tro cốt của Má đã được đưa về Việt Nam như lòng Má hằng mong muốn "sống và chết ở VN", điều đáng buồn là bà phải trả 20 đô khi hải quan của Việt Cộng đòi mở hũ cốt Má ra xem; những điều vô lý chỉ có thể xảy ra ở những nước Cộng sản. Má đã được yên nghỉ ỏ một ngôi chùa mà ngày xưa Má thường lui tới, và bây giờ Má cách biệt với chúng tôi cả nửa quả địa cầu.
Cái bông bên ba đã biến mất. Bây giờ ba là người lữ hành cô độc suốt chặng đường còn lại. Ba lại thay Má, tiếp tục làm công việc mà Má đã làm; Ba nấu sẵn cho chúng tôi những bữa cơm chiều, dù trước đó Ba chưa hề đặt chân vào bếp. Những món ăn Ba làm không được ngon như của Má, nhưng trong những món ăn đó, có cả một trái tim, trái tim vĩ đại của lòng thương con, thương cháu. Lòng thương con của Cha thì to lớn như núi Thái Sơn và lòng thương con của Mẹ thì bao la như biển Thái Bình. Họ cho đi vô điều kiện, họ cho đi rất nhiều và hình như không hề lấy lại được một chút gì.
Những thành quả mà chúng tôi có được ngày hôm nay là do công Cha, nghĩa Mẹ tạo thành. Tôi xin trân trọng cám ơn Ba, cảm ơn Má đã nuôi nấng, hy sinh để chúng tôi có được một đời sống ấm no, đầy đủ và tự do ở đây. Đã nhiều lần trên đường lái xe đi làm, tôi ngước mắt nhìn bầu trời bao la và cầu mong cho Má được ở một nơi nào đó, thật bình yên, thật hạnh phúc. Riêng tôi, mãi mãi không quên ơn Ba Má, và lòng luôn ngậm ngùi khi nhớ đến hai câu thơ của thiền sư Nhất Hạnh:
"Tôi biết tôi mất Mẹ,
Mất cả một bầu trời".
Thiều Túy Nga