Hôm nay,  

Cái Thời Mài Lủng Quần Xa Xưa Ấy

24/03/202000:00:00(Xem: 9041)

Đặng Hà Nội tên thật là Đặng Thống Nhất đã từng dậy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Thú tiêu khiển của tác giả là viết truyện, hội họa và du lịch trong khi về hưu. 

***


Thời gian cứ chầm chậm đi qua mà muốn níu lại lấy không được. Bây giờ mới ngồi nhớ tới những kỷ niệm xa xưa, hồi tưởng lại ngày còn đi học tung tăng cắp sách đến trường,  nhớ được chuyện nào hay chuyện ấy vì sẽ không bao lâu đầu óc sẽ lú lẫn và những kỷ niệm ngày ngồi mài lũng quần sẽ khép lại rồi chìm dần vào quên lãng. 


Cuộc đời đi học của tôi bắt đầu từ cậu bé ngây thơ trong trắng như cuốn vở chưa có chữ nào mang theo vào lớp mẫu giáo rồi trở thành chàng học sinh áo trắng quần xanh hớn hở đến trường trung học Nguyễn Trãi Saigon rồi thành anh chàng sinh viên đeo kính trắng chân ướt chân ráo vào trường Đại Học Sư Phạm. Rồi bỗng chốc trở thành nhà giáo gõ đầu trẻ nơi đất Mỹ xa lạ. Có bao nhiêu là truyện ̣muốn viết, muốn chia xẻ cùng với mọi người. Một điều chúng ta khác với loài súc vật là chúng ta ai cũng có chuyện truyền lại cho nhau hầu như để bắc nhịp cầu, phá vỡ bức tường chia rẽ, ngồi gần với nhau hầu tạo nên sự thông cảm giữa người với người.


Khi gia đình tôi may mắn được di cư vào Saigon từ Hà Nội vào năm 1954 bằng máy bay thì tôi đã lên năm nên tôi được vào học lớp năm hay là lớp 1 theo hệ thống giáo dục bây giờ tại trường tiểu học Đa Kao gần nhà. Học sinh trường phần nhiều cũng là dân di cư từ ngoài Bắc vào nên tôi không bị bỡ ngỡ mấy.


Nhìn lại mới thấy lớp đông lắm, có đến năm sáu chục học sinh. Nhớ nhất là ông giáo già gầy guộc thầy Ngư dạy lớp Tư. Thầy có móng tay dài nhọn hoắt sẵn sàng bấm tai học sinh nào không thuộc bài và tôi không tránh khỏi hình phạt này dù rằng ông là bạn của ba tôi hay đến nhà chơi mạt chược với các ông bạn của ba tôi.


Thế rồi thời gian trôi qua nhanh tôi học xong lớp nhất  mà không bị "đúp". Tôi còn nhớ cô giáo An dạy năm cuối cùng tiểu học rất hiền hậu và chăm chỉ luyện thi cho chúng tôi vào lớp đệ thất. 


Lúc đó Saigon không có nhiều trường trung học công lập mà có các giáo sư tốt nghiệp trường Đại Học Sư Phạm và được bổ nhiệm bởi Bộ Giáo Dục. Còn trường trung học tư thục thì quá nhiều mà phần đông có giáo sư dạy giờ và không đủ tiêu chuẩn của Bộ Giáo Dục. Ba tôi chọn cho tôi thi vào lớp đệ thất của trường trung ḥoc công lập Nguyễn Trãi không xa nhà lắm và nhất là miễn phí cho gia đình đông con của ông.


Cuộc thi đầu tiên quan trọng trong đời học trò của tôi đã đến. Sáng sớm ba tôi đích thân đưa tôi vào trường thi. Tôi không nhớ là làm bài thi như thế nào nhưng tôi chót lọt đậu kỳ thi này dù hạng không cao lắm. 


Trường Nguyễn Trãi vần với chữ 'nhãi con" vì chắc là không sáng giá bằng các trường lớn như Chu Văn An hay Petrus Ký. Trường này có tiếng ở Hà Nội được thành lập năm 1923 có tên là École Normal Superieure sau đó đổi tên là Đỗ Hữu Vị. Sau năm 1945 trường được thay tên là Nguyễn Trãi (1380-1442), một anh hùng dân tộc trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và tác giả của Bình Ngô Đại Cáo. Khi trường di cư vào Saigon năm 1954 và thành phố không đủ trường ốc nên trường phải học nhờ trường tiểu học Trương Minh Ký và sau đó được chuyển sang trường tiểu học Lê Văn Duyệt cũng là trường học nhờ. Học sinh tiểu học đi học vào ban sáng còn chúng tôi học ban chiều. Nhưng dù vậy chúng tôi hằng ngày cắp sách đến trường thu thập kiến thức mà không màng chi hết.


Trường nằm trên đường Phan Đình Phùng có ba hay bốn dãy nhà. Có sân chơi lớn, cầu tiêu và một hồ bơi. Nhưng chắc không đủ ngân sách bảo trì nên hồ bơi cạn nước không dùng đến và cầu tiêu thì tôi thường phải nhịn vì tiêu chuẩn vệ sinh còn thiếu.


Thế rồi dưới cái nắng gay gắt ban trưa của Saigon, tôi hằng ngày mặc đồng phục đàng hoàng, quần xanh với huy hiệu trường Nguyễn Trãi trên áo trắng tinh đi học lớp Đệ Thất B2 ban Anh văn. Tôi chọn học môn Anh Văn hơn  vì tiếng này phổ biến hơn Pháp văn lúc bấy giờ. Sau giờ học tôi phải đi học thêm môn này tại trường Khải Minh gần chợ Tân Định. Lúc đó đâu biết rằng ngôn ngữ thịnh hành này theo đuổi tôi cho đến ngày hôm nay. 


Nhờ học thêm và tôi có khiếu về môn này nên tôi rất là thích thú đàm thoại bằng tiếng Anh với thầy Tuân, giáo sư mới du học từ Mỹ về. và tôi thường

hỏi thầy về đời sống trên đất Cờ Hoa. Sau đó khi tôi học ở Văn khoa thì thầy cũng là giáo sư của tôi tại đây. Năm lớp Đệ Tam chúng tôi phải học thêm sinh ngữ hai và chúng tôi có thầy Hồng dạy tiếng Tây rất là lý thú. Còn cô Kim Phụng dạy Anh Văn khả ái học trò nam rất ngưỡng mộ nhưng cũng bị tụi quỉ trong lớp chọc phá đem con rắn nhỏ để trong ngăn bàn của cô!


Lớp Việt Văn tại Nguyễn Trãi có thầy Tô Đình Hiền nói nhiều nhưng dạy tận tâm, thầy Cao Thanh Tùng rất điển trai cao ráo thu hút học sinh khi dạy về Truyện Kiều và thầy cũng là người điều khiển chương trình “Đố Vui Để Học” trên truyền hình mà tụi tui ham mê vì được mở mang kiến thức trong tinh thần tranh đua giữa các trường tại Saigon.


 Thầy Hòe với dáng dấp của ông đồ xưa dạy Hán Văn thường khảo chúng tôi viết chữ Tàu trên bảng. Ai mà nhớ được cái chữ ngoằn nghèo như gà bới này nên chúng tôi thường hay viết trước chữ vào tay khi lên bảng chỉ việc copy! Không biết thầy có dây dưa rễ má với anh rể của tôi như thế nào mà thầy là cháu của anh rể tôi! 


Tôi còn nhớ thầy Hối cho đề bài luận tả cảnh buổi sáng và tôi viết một bài khá linh động nên được hạng cao cộng với lời khen của thầy. Thế là từ đó tôi có một động lực thúc đẩy viết văn cho đến bây giờ. Vâng, chỉ một lời khích lệ của ông thầy và đã ảnh hưởng đến một đời của học sinh. Cảm tạ thầy đã mớm cho em cái hứng thú này!

 

Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ và buồn cười với thầy Cửu, giáo sư dạy môn địa lý. Đó là lúc thầy trả bài thi đệ nhất lục cá nguyệt. Khác với lệ bên Mỹ là giáo sư không được thông báo điểm của học sinh công khai trong lớp nhưng tại Việt nam thì chuyện này rất thông thường và người có điểm cao nhất có vinh dự chép điểm của cả lớp vào sổ điểm. Thầy đứng giữa lớp cầm xấp bài thi và dõng dạc tuyên bố: “ Nhất mười sáu điểm!” Nghe thấy tên mừng quá tôi vừa ngạc nhiên lật đật đứng dậy. Nhưng thầy ngoắc tay cho tôi ngồi xuống và nói: “ Người đứng hạng nhất được mười sáu điểm, không phải là em”. Tôi tẽn tò mặt đỏ như gấc. Tụi bạn có dịp cười nắc nẻ no nê! Tôi có tình cờ gặp lại thầy khoảng mười năm sau đó và thầy đang bị bệnh  ung thư nặng chắc thầy không còn nữa.


Vì ham thích vẽ vời nên tôi thích môn hội họa của thầy Thịnh Del. Thầy đã dạy cho chúng tôi những căn bản của hội họa như phép vẽ phối cảnh với đường chân trời và điểm tụ và cho thí dụ như khi nhìn vào đường rầy xe lửa càng gần thì thấy rộng và càng xa thì thấy nhỏ đi. Cho đến bây giờ tôi vẫn áp dụng phép này cho tranh của tôi. Thầy rất thương học trò, đứa nào không nộp bài thầy cho zero ghi vào sổ điểm bằng bút chì và sẽ được điểm chính thức bằng bút nguyên tử khi nộp bài kỳ sau.


Thầy Hạnh dạy môn toán rất nghiêm khắc làm học sinh nghe răm rắp. Khi thầy quay lưng viết bài toán trên bảng thầy nói: “ Này, tôi có cặp mắt sau gáy tôi nhìn các em đấy nhé!” Ghê quá! Cộng thêm cái kính cận của ông vậy ông có sáu mắt lận! Tôi nghĩ thầm. Nhà thầy ở Tân Định gần rạp ciné Moderne bên cạnh nhà của bạn chị tôi nên tôi nghe nói ở nhà ông hãy còn nghịch phá không có nghiêm nghị như ở trường đâu!


Sau những giờ học vất vả trong cái nóng ban chiều của Saigon thì thầy Chung Quân dạy nhạc đến như là mang một luồng gió mát thổi vào lớp. Thầy đã dạy cho chúng tôi bao nhiêu bài hát đặc sắc của âm nhạc Việt nam. Bài “Làng tôi” của thầy được chúng tôi học thuộc lòng và được coi như là bài “quốc ca” của trường trung học Nguyễn Trãi không bao giờ thiếu trong các kỳ họp mặt hay đại hội.


Nguyễn Trãi là trường cho nam học sinh nên chúng tôi được xếp vào hạng ba "nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò". Để tỏ ra oai hùng nên học trò hậu duệ Nguyễn  Trãi lâu lâu có chiến tranh nhỏ với trường trung học kỹ thuật đệ nhất cấp Nguyễn Trường Tộ không xa trường. Học trò trường này có lợi thế là có học cụ là kềm búa nên học trò trường nhà lãnh đủ vài phang! Lớp tôi  trong lứa tuổi dậy cũng không vừa, có đứa mang theo hình con heo 36 kiểu kín đáo truyền tay nhau trong giờ học. May mà thầy Trừu dạy vật lý không để ý. Thầy mà lục ngăn bàn thì chắc thằng này tới số! 


Tuy nhiên tôi vẫn là anh chàng e dè nhút nhát coi như là loài hoa nở muộn. Cho đến khi vào trung học tôi mới biết đạp xe đạp đi học. Anh tôi tập cho tôi riết mà tôi không lái được cho đến khi một hôm như có phép lạ tôi đạp được một mình mà không có ai phụ giúp. 


Khi vào trung học thì học sinh không phải viết bút mực với lọ mực không đổ nữa mà chúng dùng b́út nguyên tử.  Tôi là loại thư sinh hạng sang viết bằng bút mực pilot nhập cảng từ bên Nhật mà ba tôi hay cho tiền tôi mua tại nhà sách Khai Trí. Nhưng lúc đó tôi hiền như cục đất làm mấy thằng bạn hay mượn xỏ cái bút viết ngon lành này và nhiều khi lờ không chịu trả. Mấy chục năm sau gặp lại chúng hãy còn nhớ chuyện này cười khanh khách. Ai chưa trả lại bút pi lốt cho tao, trả ngay đấy nhé!


Khi Tết sắp đến là chúng tôi sửa soạn mở tiệc liên hoan ca hát ăn uống và mời thầy cô và nhân viên nhà trường đến tham dự. Để giúp vui tôi lên hát hay hét bài “ Diana” của Paul Anka rất thịnh hành hồi đó.


Tôi gia nhập vào ban bích báo tức là một tờ báo lớn làm bằng giấy bìa cứng treo trên tường với bài viết, bài thơ và trang trí hoa hoè hoa sói có chủ đề Xuân đều viết vẽ bằng tay của chúng tôi. Tôi còn nhớ bích báo này mà Đắc Phúc làm trưởng ban báo chí có tên là “Đất Mẹ”. Tôi đã dịch một bài thơ về Tổng thống John F. Kennedy sau khi ông bị ám sát năm 1963 trên tờ bích báo này.


Khi mới vào trường Nguyễn Trãi thì nhà tôi nằm ngay sau Bưu Điện Saigon vì ba tôi làm tại đây có chức lớn nên có nhà của sở. Tuy ngay thành phố nhưng  nhà có chuồng nuôi gà và chim bồ câu, có cây dừa, cây tầm ruột và thích nhất nhà có hai phòng tắm và hai bồn tắm anh em tôi tha hồ vùng vẫy. Ra trước cửa Bưu Điện thì có bao nhiêu hàng quà và kiosk Hương Lan bán bánh mì, bánh ngọt. Đến đêm Giáng Sinh thì khu nhà tôi như chảy hội vì gần Vương Cung Thánh Đường. Dù không phải là Công Giáo nhưng chúng tôi cũng gia nhập theo làn sóng người đi ăn mừng Chúa sinh ra đời.


Sau đó sở lại phái ba tôi dọn nhà đến góc đường Đinh Tiên Hoàng và Phan Đình Phùng. Nhà cũng rộng rãi có cây cổ thụ to lớn và hàng chục cây hoa xứ thơm ngát trong vườn. Thích nhất là tôi đi xe đạp đến trường chỉ mất năm phút trước khi chuông trường reo. 


Sau Cách Mạng 1-11-1963 chính phủ Ngô Đình Điệm bị lật đổ thì tình hình chính trị của Nam Việt Nam quá rối ren và bất ổn vì các tướng lãnh tranh giành chức tước quyền lực trong khi Việt Cộng lấy nhân dịp này lại càng quấy nhiễu đất miền Nam. Gọi là cách mạng cũng đúng vì ngay cả học đường cũng bị xáo trộn với bao nhiêu là cuộc xuống đường, bãi khóa của trường đại học và trung học tại Saigon và làm cho nhiều học trò không còn vâng lời kính trọng thầy cô như trước. Tội nghiệp cho cô Cúc dạy vạn vật có tiếng là nghiêm khắc và hà tiện cho điểm bị học sinh ném đá trong sân trường và cô phải lấy nón đỡ đá. Cách mạng là vậy sao? Nghe nói về sau tụi học sinh này đến nhà cô xin lỗi.


Cái dịch bãi khóa dần dà rồi cũng tới trường Nguyễn Trãi. Tôi còn nhớ ngày đó sau buổi ra chơi chúng tôi đang học môn toán với thầy Quán. bỗng nhiên nghe tiếng la lớn: “Bãi khóa, bãi khoá!” của mấy anh lớp trên. Thầy Quán hiền hậu nhìn chúng tôi như van lơn và tiếp tục dạy nhưng chúng tôi chạy ùa ra sân một cách hỗn độn. Lúc đó còn bé đâu biết tí gì về chính trị chính em nên thấy được nghỉ học thích quá nên bắt chước làm theo mấy ông đầu têu.


Chúng tôi đi dẫy dài lên trung tâm Saigon chống chính sách trung lập của Tổng Thống Pháp De Gaule. Trước khi đi mấy ông nhô lớp lớn còn trèo lên tường tính mang theo cái bảng tên trường bằng sắt dựng trước cửa trường nhưng bảng có hai cái cột bằng sắt kiên cố làm cho hậu duệ cụ Nguyễn Trãi không thể nào dứt ra được nên đành bỏ kế hoạch này!  


Chúng tôi vừa đi bộ vừa hô những khẩu hiệu như con vẹt mà người khởi xướng là người lạ lớn tuổi không phải dân Nguyễn Trãi. Chúng tôi bị giật dây như những thằng người gỗ lúc nào không biết!


Thế rồi Saigon sau đó có bao nhiêu là biến cố thay đổi chính quyền. Đời sống học sinh cũng bị xáo trộn nhưng việc học tại trường vẫn tiếp tục. Cuối năm đệ Tứ tôi thi đậu kỳ Trung Học Đệ Nhất Cấp và lên lớp Đệ Tam.


Trường Nguyễn Trãi không còn học nhờ tai trường Tiểu Học Lê Văn Duyệt và dọn sang trường mới toanh bên Kho Năm Khánh Hội. Nhà tôi cũng dọn về xóm nhỏ gần Cầu Kiệu vì ba tôi về hưu. Lúc đầu nghe đến Kho Năm là ai cũng lo sợ tình hình an ninh của khu vực này.

 

Chúng tôi hớn hở đi học trường mới dù rằng phải đi xa hơn, qua cầu bắc ngang sông Saigon và phải lái xe cẩn thận vì xe vận tải lớn của nhân sự và quân sự Việt nam và Hoa kỳ đi nườm nượp và chúng thả khói xe đen ngòm . Một điều ngạc nhiên và không mấy thích thú vào ngày khai trường khi thấy phòng vệ sinh bị mất mát bao nhiêu như vòi rửa tay hay bồn rửa mặt. Nghe nói dân anh chị Kho Năm đã tháo gỡ trước ngày khánh thành trường. 


Qua năm Đệ Tam mà chúng tôi gọi là năm hưởng nhàn tuy vậy tôi vẫn tà tà theo đuổi việc học. Cho tới năm Đệ Nhị thì tình hình chính trị trở nên nóng bỏng và tàn khốc ảnh hưởng cho toàn dân. Đó là cuộc tổng tấn công vào dịp Tết Mậu Thân 1968 của Việt Cộng.


Tuy khu tôi ở Cầu Kiệu không bị ảnh hưởng nhiều nhưng khu Khánh Hội bị tổn thất nặng nên trường biến thành trung tâm tị nạn và trường học phải đóng cửa ba bốn tháng. Hình như cho đến tháng năm trường mới mở cửa lại và chúng tôi phải học gấp rút cho kỳ thi vượt vũ môn Tú Tài 1. Nếu ai không vượt được có thể ca bài ”Rớt tú tài anh đi trung sĩ”. Và tôi bị loại ngay khỏi vòng đầu vì môn Toán không phải là môn ruột của tôi. May mắn cho tôi được miễn dịch vì tôi là con trai út còn lại trong gia đình vì có hai anh là bác sĩ quân y. Tôi phải đổi sang ban A là ban vạn vật và vượt qua hai cửa ải Tú Tài với hạng bình thứ. 


Khi lên đại học tôi ghi danh học bên Văn khoa ban Anh văn lớp dự bị và sau đó như mèo mù vớ được cá rán trót lọt trúng tuyển vào Đại học Sư Phạm để thành giáo sư Anh văn. Tôi nhận ra đây mới là đất dụng võ của mình. Trước khi nhập học tôi phải ký hợp đồng với Bộ Giáo Dục làm cho chính phủ 10 năm và được lãnh tiền lương tháng 3.000$ trong khi đi học. Thích quá vừa đi học vừa được trợ cấp! Như trở lại kỳ đi học trường trung hoc với lớp nhỏ lèo tèo mấy chục mạng,  không như bên Văn khoa hằng trăm sinh viên ngồi chật ních giảng đường. Thêm vào đó ban giảng huấn của Đại Học Sư Phạm có uy tín và hùng hậu đã giới thiệu và sửa soạn cho tôi chức nghiệp khiêm nhường mà tôi hằng mong đợi.


 Nhưng oái ăm thay! Học đến năm thứ ba chỉ còn hai tháng là ra trường gia đình tôi lặng lẽ đau xót rời Saigon không một lời từ giã với người thân và bạn bè bốn ngày trước khi Saigon không còn là Saigon vào mùa xuân năm ấy. Với gia tài là quần áo, giấy tờ, hình ảnh nằm trong hai túi xách tay cùng bốn đô la đổi tại phi trường tôi mừng mừng tủi tủi rời Saigon bằng máy bay  vận tải C-130 của Quân Lực Hoa Kỳ mà không biết tương lai sẽ đi về đâu!


Tôi được định cư tại tiểu bang Utah với sự bảo trợ của ông bạn Mỹ quen tại Saigon và tiếp tục theo ngành sư phạm và chẳng bao là thầy giáo song ngữ và ESL tại Minneapolis, Minnesota trong khi các bạn cùng lớp phần đông đổi sang ngành khác. 


Ngay ngày đầu tiên đi dạy tại trung học công lập Southwest tôi mới nhận thấy sự khác biệt của hai hệ thống giáo dục của Mỹ và Việt nam. Chắc chắn thấy ngay là trường Mỹ có đầy đủ phòng ốc, thư viện, phòng thí nghiệm, phòng thể dục, sân vận động... và phòng cầu tiêu sạch sẽ. Học sinh được giảng dậy với giáo sư có bằng cấp và chứng chỉ đàng hoàng và họ cố gắng khuyến khích học sinh bầy tỏ quan điểm cá nhân, giúp học sinh có óc sáng tạo và tự lập. Trong khi tại Việt nam trường ốc và cơ sở không đầy đủ. Như tôi cho năm lên đại học mới thấy và được dùng ống nghiệm, trường nhiều khi không có đủ sách giáo khoa nên “thầy đọc, trò chép” là chuyện thường. Học sinh học nặng về từ chương, điển hình là học thuộc lòng nên óc sáng tạo chưa mở mang đầy đủ.


Phụ huynh Việt nam khi mới sang Mỹ cảm thấy được trọng đãi khi thấy con mình đi học miễn phí tại các trường trung tiểu học, có dịch vụ chuyên chở và ăn trưa cũng không mất lệ phí. Còn gì bằng khi nuôi con tại đất Mỹ với hệ thống giáo dục trường công lập miễn phí và tân tiến!


Ngoài việc chăm sóc con cái, dân Việt nam phần đông lúc đầu ai cũng quay cuồng vật lộn với đời sống mới, học hành, công việc, ngôn ngữ, phong thổ bao nhiêu việc phải đối phó. Rồi thời gian trôi qua khi đời sống khá ổn định thì lúc đó người ta tìm lại bạn cũ, thầy cô xưa để nối lại dây liên lạc, chia xẻ vui buồn với nhau làm cho cuộc sống tha hương có phần ý nghĩa hơn. 


Lớp niên khoá 1961-68 của tôi đã có những buổi họp mặt tại Quận Cam vài lần tại tư gia hay tại nhà hàng do Tâm hay Tâm Xì Dầu đứng lên khởi xướng và tổ chức. Tại vì tôi ở̉  Minnesota xa xôi nên thỉnh thoảng mới tham dự. Kể cũng vui gặp lại hàn huyên và vui cười với nhau. Tôi gặp lại Ứng, thằng bạn mà tôi hay chở nó đến trường bằng xe velo solex cà tèng hồi năm đệ nhị nay tôi phải gọi nó bằng chú vì nó là chú của bà xã tôi! Sướng không cơ chứ!


Sau bao nhiêu năm trường Nguyễn Trãi mới có Đại Hội Thế Giới Nguyễn Trãi Saigon Kỳ 1 tại Houston, TX năm 2012 với sự khuyến khích nhiệt tình của cô Kim Phụng. Chúng tôi có những giờ phút ấm cúng thân ái gặp lại các bạn và thầy cô và ban tổ chức nhiệt tình đón tiếp chúng tôi. Tôi thích nhất là buổi tiền đại hội khi lớp chúng tôi niên khóa 61-68 gặp nhau tại trung tâm Việt Ngữ của anh chị Ý mà anh là bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng vùng Houston . Buổi họp mặt rất có ý nghĩa đầy tình người và chương trình văn nghệ bỏ túi linh động.


Rồi hai năm sau Đại Hội Thế Giới Kỳ 2 được tổ chức tưng bừng tại Quận Cam với số người tham dự đông đảo hơn. Chương trình rất đặc sắc như màn đọc văn tế và trình diễn thời trang áo dài của mấy nàng cựu nữ sinh Nguyễn Trãi. Khi tôi đi học trường toàn là dân đực rựa sau mới nhận thêm nữ sinh. Đêm đại hội xảy ra một điều là khi tụi tôi đến tìm bàn ngồi thì không thấy bàn mình đâu và ngồi chỗ bàn trống thì bị đuổi đi. Có một dân Nguyễn Trãi phàn nàn:” Mình sang Mỹ lưu vong mà bây giờ cũng bị long đong!” Nhưng sau đó họ cũng xếp cho chúng tôi ngồi mé sân khấu cạnh cái loa lớn nhạc xập xình điếc tai và nhìn đời bằng nửa con mắt! 


Năm 2016 Đại hội được tổ chức tại San Jose, CA như được coi là thủ phủ của dân tị nạn Việt Nam. Chắc vì bận bịu chuyện gì đó nên chúng tôi không tham dự được. Nghe nói chương trình văn nghệ hay lắm vì  ngoài các ca sĩ cây nhà lá vườn còn có nhiều ca sĩ chuyên nghiệp đến giúp vui. 


Hai năm sau năm 2018 Đại Hội vượt biên giới được tổ chức tại Ottawa, thủ đô của Gia Nã Đại. Chúng tôi ghi tên ngay vì Ottawa không xa Minnesota mấy và cũng là dịp đi ngắm cảnh mùa thu rực rỡ bên đó. Đại Hội này không đông đảo người tham dự chắc vì quá xa xôi. Tuy vậy chúng tôi rất cảm kích với sự thân tình của ban tổ chức. Anh Cấn, người tổ chức đại hội đích thân đưa chúng tôi vào chỗ ngồi. Chương trình văn nghệ cũng hay lắm với sự điều khiển của anh Phi. Chúng tôi thích nhất là màn phỏng vấn các cựu giáo sư trường nhà.


Tới lượt cô Phương Mai được hỏi về cảm tưởng về nghề giáo của cô tại Việt nam sau 1975 và tôi nhớ mang máng chuyện khi cô được hiệu trưởng phái cho cô làm thêm nhiệm vụ đại diện giáo sư và cô có dịp đi họp cùng với đại diện học sinh. Anh chàng này học lớp với cô lúc đầu nó không nói gì nhưng về sau cô phát biểu gì có thể không đúng chính sách nhà nước nên cô bị ông nhô này phê bình kiểm thảo. Cô rất ngạc nhiên và sợ quá đành từ chức việc làm thêm này. Thiệt đúng là chuyện trò lên mặt thầy cô chỉ xẩy ra trong thiên đường Cộng sản. 


Tôi chắc mọi người trong lớp tôi đã bước sang một giai đoạn mới của tuổi xế chiều. Có người sống ẩn dật ít khi muốn giao tiếp với bạn cũ vì nhiều lý do nhưng cũng có người vẫn còn tinh thần trẻ trung muốn tìm lại giây phút tình cũ trường xưa gặp nhau cho vui cuộc đời. Bây giờ chúng ta không bị gò  với bó với thời gian và công việc nghề nghiệp nên có dịp gặp nhau là một điều đáng quí!


Trường Nguyễn Trãi bên Khánh Hội bây giờ hãy còn đó được mở rộng và thay đổi rất nhiều không còn đơn sơ như hồi xưa. Vật đổi sao dời làm cho tôi như một người xa lạ đến một vùng đất mới khi có dịp về thăm trường cũ, 


Chính nhờ các buổi họp tao ngộ bạn bè và thầy cô như các Đại Hội Nguyễn Trãi đông đảo hay các buổi họp mặt bỏ túi của các lớp mới làm cho tôi xúc động khi gặp lại ánh mắt, nụ cười thân quen và các bài hát thuộc lòng nghêu ngao của thầy Chung Quân làm cho lòng người bồi hồi ấm lại nơi xứ người.


 Nhờ kỹ thuật mới của truyền thông nên cựu học sinh Nguyễn Trãi Saigon lập ra một trang mạng được coi như là một sân chơi để học sinh và giáo sư kết nối, thông tin và chia xẻ hình ảnh, bài nhạc, tranh vẽ, văn nghệ văn gừng làm tình bạn, tình thầy trò xiết chặt hơn.


“Một ngày học Nguyễn Trãi mãi mãi là anh em

Một ngày dạy Nguyễn Trãi mãi mãi là thầy cô”


Đây là một khẩu hiệu đáng nhớ và hầu như dân Nguyễn Trãi ai cũng biết. Lúc đầu ngày nào tôi cũng phải ghé qua sân nhà trong lúc rảnh rỗi, có khi tôi cũng gửi bài viết, hình ảnh du lịch hay các bức tranh vẽ của mình. Nhưng về sau tôi không còn cảm hứng nhiều khi vào sân chơi nữa vì nhiều khi trang nhà có những bài thiên nặng về chính trị không phù hợp bản tính nhã nhặn hòa đồng của dân Nguyễn Trãi.  


Tuổi hạc của tôi đã ập đến cùng với lúc làm đơn xin về hưu giã từ nghề giáo. May mắn tôi còn nhớ nhiều chuyện dĩ vãng nhưng chuyện hiện tại nếu có hỏi tôi hôm qua đi đứng ăn uống ra sao thì tôi chắc sẽ trả lời sai nhiều. Thôi gõ được chữ nào hay chữ ấy với cặp mắt kèm nhèm chúi vào máy vi tính này và ghi vài câu chuyện học hành lăng nhăng, chép vài câu chuyện vụn vặt về trường cũ,  tưởng nhớ công lao của thầy cô xuất từ đáy lòng của một chứng nhân trong hai thế kỷ tại hai quốc gia. 


Mong rằng thời gian có đi qua nhưng tinh thần dân tộc dung hòa của vị anh hùng và văn nhân Nguyễn Trãi vẫn còn mãi mãi tồn tại cho những ai đã từng ngồi mài lũng quần hay đứng giảng dậy trên bục gỗ dưới mái trường xưa.


 

Ý kiến bạn đọc
26/03/202006:16:55
Khách
Bình Ngô Đại Cáo do Nguyễn Trãi soạn thảo , tuyên cáo về việc giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến với nhà Minh, khẳng định sự độc lập của nước Đại Việt. Đây được coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam, sau bài Nam quốc sơn hà.

Và các sách sử từ trước đến nay đều viết rằng Lê Lợi xuất thân từ nông dân- "anh hùng áo vải đất Lam Sơn ". Ấy thế mà tên tiến sĩ Đỗ văn Khang- giảng viên Đại Học Khoa Học Xã Hội- được đào tạo dưới chế độ của bọn khỉ Trường Sơn , hang Pắc Bó , năm 2013, lại lếu láo viết rằng " Bình Ngô Đại Cáo " là do Lê Lợi sáng tác, còn Nguyễn Trãi chỉ là người thảo văn, bởi ông là " thư ký bậc cao " !
26/03/202005:56:49
Khách
Sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị Mỹ âm mưu với các tướng tá phản loạn và cộng sản nằm vùng lật đổ, miền Nam rơi vào tình trạng vô cùng hỗn loạn. Chỉ trong hai năm mà thay đổi chính phủ đến 6 lần, chức vụ tổng tham mưu trưởng thay đổi đến 5 lần , có đến 62 đảng phái ra đời- Có những đảng cũ tái sinh rồi chia ra làm bốn, làm năm. Có đảng được thành lập từ những chính trị gia vừa trở về sau khi lưu vong bên Miên, bên Pháp. Có đảng chỉ loe hoe ông đảng trưởng và vài ba đảng viên.

Những cuộc xuống đường biểu tình diễn ra liên miên- trong đó có cả sinh viên, học sinh .

Tổng thống Richard M. Nixon viết rằng: “Lỗi lầm tệ hại nhất của chúng ta là đã xúi dục lật đổ tổng thống Diệm năm 1963…”- Tổng thống Johnson đã gọi điện thoại cho thượng nghị sĩ Eugene McCarthay và than phiền : Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau và xử dụng một bọn ác ôn côn đồ( goddam bunch of thugs) đáng nguyễn rủa để hạ sát ông Diệm. Bây giờ chúng ta không có sự ổn định chính trị [ở Miền Nam Việt Nam] từ lúc đó.” (Cựu thủ tướng) Trần Văn Hương : Những tướng lãnh hàng đầu đã quyết định giết anh em ông Diệm sợ hãi đến chết được. Họ biết rất rõ họ là những kẻ chẳng có tài cán, đức độ hay hậu thuẫn chính trị gì, dù một chút cũng không có, nếu để Tổng Thống và ông Nhu sống, hai ông sẽ trở lại cầm quyền một cách ngoạn mục mà họ không có cách gì ngăn cản được ". Tướng Nguyễn chánh Thi- từng tham dự vào cuộc âm mưu lật đổ ông Diệm trong cuộc binh biến năm 1960- viết: " Những tướng lãnh làm đảo chánh 1/11/1963 hầu hết là manh động theo lệnh ngoại bang, không có lý tưởng cách mạng. Cho nên lũ đầy tớ giết chủ đi rồi, thì loạng quạng không biết làm gì, chỉ chờ quan thầy ra lệnh tiếp, mà quan thầy thì mù tịt tình hình, lệnh lạc đưa ra đầu Ngô mình Sở, không mạch lạc gì cả, đất nước hiện nay bị coi là vô chủ”. Nguyễn Văn Ngân- Phụ tá đặc biệt của TT Nguyễn Văn Thiệu: " Việc giết Tổng Thống Diệm là một tội phạm lịch sử " v...v...

Trong thời gian đó, tôi đã chẳng ngu dại gì để cho đám tướng lãnh và các đảng phái xôi thịt cùng đám cộng sản đội lốt tu hành khích động xuống đường biểu tình, biểu tọt để mà lãnh dùi cui, hít lựu đạn cay, và có thể bị túm gáy ném vào bót cho muỗi mòng hút máu.
26/03/202001:43:47
Khách
"Tuổi hạc của tôi đã ập đến cùng với lúc làm đơn xin về hưu giã từ nghề giáo. May mắn tôi còn nhớ nhiều chuyện dĩ vãng "- Tác giả viết.

Nhiều chi tiết về học đường thủơ trước đã được tác giả thuật lại trong bài, và bằng lời văn giản dị và rõ ràng.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ hạn hẹp của phần ý kiến, xin nêu lên vài điểm như sau:

Tác giả viết khen ngợi học đường ở Mỹ "Phụ huynh Việt nam khi mới sang Mỹ cảm thấy được trọng đãi khi thấy con mình đi học miễn phí tại các trường trung tiểu học...", tuy nhiên, chẳng thấy tác giả khen ngợi rằng : Trước năm 75, tuy miền Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến tranh xâm lược của cộng sản, thế nhưng chính phủ vẫn cố gắng dành 7 phẩn trăm của ngân sách quốc gia cho ngành giáo dục, và điều này đã giúp cho học sinh và sinh viên các trường công lập được đi học miễn phí- so sánh với hiện nay, dưới chế độ của Đảng Cướp Sạch Việt Nam ĐCSVN, chỉ có học sinh tiểu học và sinh viên sư phạm ở các trường công lập là không phải trả học phí mà thôi.

Một điểm son nữa cũng cần đề cập đến là Việt Nam Cộng Hòa có chế độ tự trị đại học, trong khi Cộng sản thì không cho phép điếu này.

Ở Miền Nam trước kia, thí sinh thi vào các trường đựơc đánh giá theo khả năng, chớ không như dưới chế độ cộng sản, chúng xét cả đến lý lịch gia đình, khuynh hướng chính trị của thí sinh.
24/03/202020:52:28
Khách
Trích: “Nhưng về sau tôi không còn cảm hứng nhiều khi vào sân chơi nữa vì nhiều khi trang nhà có những bài thiên nặng về chính trị không phù hợp bản tính nhã nhặn hòa đồng của dân Nguyễn Trãi”.
Tôi thấy có rất nhiều người tuyên bố không nói chuyện chính trị. Chính trong trang mạng của trường tôi năm xưa cũng cãi nhau vì chuyện không bàn chính trị mà chỉ cho nói chuyện tiếu lâm hay... ăn chơi thôi. Một số người muốn yên ổn, sợ CS, nhất là ưa về VN nên hoàn toàn tránh nói chính trị chỉ thích nói chính…em thôi.
“Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”.
Chúng ta may mắn qua được đây, có đầy đủ tự do, cơm áo. Nếu không gióng tiếng giúp người trong nước đứng lên, thì cũng nên gật đầu đồng tình, không nên tránh xa vì không cảm hứng. Nguyễn Trãi năm xưa nếu tránh chính trị, không giúp Lê Lợi thì ngày nay chúng ta không còn hai chữ Việt Nam.
24/03/202020:39:07
Khách
Cám ơn tác giả viết bài này nhắc lại thời xưa, và cháu là con của cố giáo sư Tô Đình Hiền dạy môn Việt văn ở đây biết thêm về bố cháu. Bài viết giúp cháu hiểu thêm về thời cuộc Việt nam vào những năm đó, vì thời gian đó cháu còn quá nhỏ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,801,356
Ngày 6 tháng 1, 2021, cả nước Mỹ sững sờ theo dõi một cảnh tượng không thể ngờ: một đám đông mang vũ khí tràn chiếm và đập phá Điện Capitol -- trụ sở của ngành lập pháp Hoa Kỳ, đòi treo cổ Phó Tổng Thống Mike Pence và “trừng trị” các Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ trong khi họ đang làm một nhiệm vụ quan trọng theo hiến pháp là xác nhận kết quả bầu cử Tổng Thống. Hầu hết người dân Hoa Kỳ lo lắng, buồn phiền, tức giận, xấu hổ. Trong khi đó, rất nhiều người Mỹ gốc Việt tị nạn Cộng Sản phải đối mặt với nỗi đau nhân đôi, bởi vì nhiều lá cờ vàng ba sọc đỏ đã xuất hiện trong đám bạo loạn.
Cô bé tẻo teo mà giết cả triệu người trong một năm; nạn nhân và thân nhân của họ không hề nhìn thấy hình dạng cô thế nào; cô là một hung thủ vô hình vô ảnh, biến hóa lợi hại còn hơn triệu lần sợi lông của Tôn hành giả. Mỗi nạn nhân của cô kéo theo nỗi đau khổ của cả chục thân nhân, bằng hữu.
Niềm mơ ước và mong chờ nhất của tất cả người dân đã trở thành sự thật, Hoa Kỳ đã có những loại thuốc chủng ngừa Covid-19 của Pfizer và Moderna. Cả hai loại vaccine này đều chích 2 mũi. Vaccine Pfizer cần nơi có nhiệt độ rất lạnh, -94 độ F, còn vaccine của Moderna có thể giữ trong tủ lạnh. Qua sự giải thích của những vị Bác Sĩ trong Youtube, tôi hiểu rằng, vaccine là một vật thể, được đưa vào cơ thể chúng ta, để kích thích hệ miễn dịch, dạy cho hệ miễn dịch của chúng ta khoẻ hơn.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ.. Sau đây, là bài viết mới.
Hôm nay trời trong, nắng đẹp, không âm u như mọi hôm. Mùa Thu mát mẻ dịu dàng. Một số lá vàng còn sót trên cành từ từ rơi theo từng cơn gió nhẹ. Đám cúc nhiều màu: vàng, tím trước sân đang nở rộ. Vài con sóc nhanh nhẹn chạy qua lại rồi leo lên cây, con trước con sau như đùa nhau. Sân sau họ hàng nhà nai, ba con lớn hai con nhỏ thong thả, nhơn nhơ ăn cỏ non. Hai con nai nhỏ này thật mau lớn. Tháng trước chúng còn lẽo đẽo theo gần mẹ, nay đi cách khoảng xa xa. Chúng rất dạn, chẳng hề sợ hãi khi thấy bóng người.
Rời xa quê nhà đã rất lâu nhưng tôi vẫn nhớ những củ khoai ngày cũ mà mình ưa thích! Mỗi lần đi vào tiệm thực phẩm hay để ý tìm nhưng tuyệt nhiên không thấy! Cách đây khoảng hơn năm, rất tình cờ tôi nhìn thấy những củ khoai lang tím nằm bên cạnh những loại khoai khác trong một tiệm bán thực phẩm gần nhà! Ôi, xa xôi ngộ cố tri! Vui gì đâu! Mua ngay một mớ mang về, mặc dù họ bán không rẻ, $3.99/1 pound, trong khi các loại khoai khác chỉ $1.49 hoặc $1.99/1pound! Bán mắc như thế nhưng không phải lúc nào chúng cũng hiện diện trên quầy hàng! Hên thì tuần nào cũng có, không hên thì 2, 3 tuần mới có một lần!
Tác giả là cây viết quen thuộc của chương trình VVNM, được nhận giải “Danh dự” và giải chung kết “Vinh danh tác phẩm”. Ông về hưu và đang định cư tại Orange County.
Tuổi mới lớn và mối tình đầu với nhiều say đắm, hai đứa lén lút trong mỗi lần hẹn hò vì gia đình em khe khắt, ngăn cấm cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối này, loay hoay thế nào thì em có thai trước ngày cưới, Mẹ em giận dữ biết bao nhiêu, nhưng cũng ép lòng cho tổ chức đám cưới, chính xác là bên nhà em đình đám để khỏi tai tiếng với họ hàng, đàng trai không có ai đến vì mặc cảm, tôi nghèo đến độ phải mượn bạn bộ đồ vest cho tươm tất để làm chú rể, không có rước dâu hay quà cáp linh đình, tôi biết em không vui nhưng vì yêu tôi , em chấp nhận mọi thiệt thòi trong ngày thành hôn trọng đại của một thời con gái. Tôi cảm kích tình yêu của em và thấy như mình có tội, cái tội quá nghèo không xứng tầm với em.
Đôi dòng về tác giả: -Tên thật: Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966 - Là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam -Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993 -Định cư tại Canada từ 1994 đến nay.
Nhớ lại lúc mới qua Mỹ, đám cưới kỷ niệm đúng ngày Noel để tiện con cháu về nhà nghỉ lễ, và bà con từ xa đến. Lúc đó gia đình chỉ khoảng 20 người vì còn nhiều em chưa lập gia đình. Các cô các chú lấy chồng lấy vợ tăng dần thêm nhiều cháu, hiện tại đại gia đình đã vượt hơn bốn mươi người, điều may mắn con cái ở gần ngôi nhà của ba mẹ chỉ khoảng 10 phút, 15 phút hay xa lắm chỉ mất 30 phút lái xe. Ba mẹ chồng tôi luôn nhớ người đã khuất, hạnh phúc của ông bà mong có ngôi nhà Từ Đường thờ cúng từ vế Cố Ngoại Nội trở xuống, ngoài ra còn thêm cậu, cô, dì...v...v... Nhập gia tùy tục… Ngoài những buổi kỵ giỗ, con cái họp lại vào dịp lễ Thanksgiving, Noel, Newyear countdown và Tết Việt Nam .
Nhạc sĩ Cung Tiến