Hôm nay,  

Người Mẹ Tị Nạn

15/05/201600:00:00(Xem: 11842)
Tác giả: Năng Khiếu
Bài số: 3819-17-30319-vb8051516

Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu, đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2015. Bài viết mới của bà được viết đúng vào Ngày Lễ Mẹ, 8 tháng Năm, 2016.

* * *

blank
Đám cưới dì chú Thanh năm 1955, bố tôi cao nhất, tôi bé nhất.

Giấc ngủ mơ màng vì thói quen dậy trễ vào mỗi sáng Chúa nhật, nhưng tiếng hát vang vọng từ CD mở quá lớn ngoài phòng khách, làm tôi bừng tỉnh: “Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày. Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai. Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại, cầu mong con mình có một ngày mai.”

Nghe bài hát chợt nhớ tới người mẹ đang sống chung, tôi xin kể cho các bạn nghe về một người đã chạy lánh Cộng sản suốt một đời, đó là mẹ tôi năm nay ngoài tám mươi tuổi, tóc mẹ bạc phơ, nhưng dáng người còn nhanh nhẹn, nhất là tiếng nói còn sang sảng. “Nếu không bị bệnh suyễn kinh niên thì còn khỏe hơn”. Cụ vẫn nói vậy.

Cậu em tôi làm giấy tờ bảo lãnh mẹ và cô em gái. Đến cuối năm 1990 sở di trú kêu bổ túc hồ sơ phỏng vấn. Nhưng mẹ tôi chần chừ chưa muốn đi, vì mẹ bảo: “Con giàu thì mừng, con khó thì thương”, phần bị luật lệ sang tên nhà cho các con khó khăn, rườm rà, vì “thủ tục đầu tiên”. Mãi đến năm 1992 mẹ tôi quyết định đi thì cô em đã lập gia đình, phải làm lại hồ sơ bảo lãnh, chờ đi sau. Nên chi, còn một mình mẹ tôi đi Mỹ, dù mẹ không biết một chữ tiếng Anh, thật là can đảm. Đến phi trường Los Angeles, mẹ đứng đợi hơn một tiếng đồng hồ không thấy ai đón, cụ bắt đầu run, vì những người cùng chuyến bay họ được thân nhân đón gần hết, cụ nhìn xung quanh toàn người xa lạ, khác ngôn ngữ, muốn hỏi thăm mà không biết nói gì, cạnh cụ chỉ là xe hành lý vô tri giác. Bỗng cụ thấy một bé gái chừng ba bốn tuổi, khuôn mặt thật dễ thương, đang ngơ ngác như tìm ai, cụ liền đến ôm nó vào lòng, nhưng một thiếu phụ sang trọng, trạc ngoài 30 chạy lại bế thốc đứa bé đi, có lẽ bà cụ mới ở Việt Nam qua không biết luật lệ bên Mỹ, cụ tủi thân muốn khóc.

Sau lưng cụ đứng không xa là một chàng thanh niên khoảng 24-25 tuổi, dáng người cao lớn, ăn mặc lịch sự, cũng đang dáo dác tìm người thân, chợt thiếu phụ khi nãy gọi lớn:

- Tèo, em có thấy anh Quang và cô Bảy không?

Cậu thanh niên lo lắng nói:

- Không chị ạ! Sao hai người đi gửi xe lâu quá, chắc lạc… Hay là đang tìm mình.

Nghe thấy tên Tèo, bà cụ giật thót người. Tèo là tên cúng cơm của thằng con út, cách nay hơn mười năm cụ đã gạt nước mắt, đứt ruột lo cho con đi vượt biên, lúc nó mới mười hai tuổi đầu. Cũng vì nhớ thương nó mà đường xa ngàn dặm cụ liều bước ra đi. Bây giờ không thấy nó đến đón, cụ đang tủi thân, hay là… chợt cụ nghĩ đến câu hay mắng yêu lúc nó còn nhỏ, cụ liền cất tiếng gọi trống không:

- Tèo! Tèo đâu!...“cha tổ bố nó” sao nó không đến đón tôi.

Cậu thanh niên quay phắt lại, nhìn sững bà cụ một lúc rồi ôm chầm lấy cụ. Hai mẹ con không nói thành tiếng, chỉ có những giọt nước mắt thay lời.

Người thiếu phụ sang trọng ban nãy đã giằng đứa bé từ tay cụ, bây giờ cũng từ từ dắt con đến bên cụ xúc động gọi mẹ và trao đứa bé, rồi nói: “Con xin lỗi mẹ, đây là cháu nội của bà. Nhà con đang đến kìa.”

Theo tay chỉ, cậu con trai lớn và cô con gái của cụ cũng vừa đến, cậu không thay đổi mấy, cậu đã gửi hình vợ con về, nhưng mắt cụ kèm nhèm không nhận ra. Còn thằng Thanh có tên cúng cơm là Tèo lúc đi vượt biên còn là thằng bé loắt choắt, nên thay đổi nhiều, cụ nhận không ra. Thanh cười toe toét nói:

- Sao ngày xưa mẹ cao lớn mà bây giờ mẹ thấp quá, nãy giờ con cứ tìm bà cụ mặc chiếc áo bà ba, đầu búi tó củ hành nên chẳng nhận ra mẹ, vì mẹ mặc áo vét, đầu bới cao, mắt đeo kiếng, đẹp và khác quá, mẹ tha lỗi cho con. Nhẹ ôm thằng Thanh, cụ cười:

- Ngày xưa con còn bé, ngửa cổ nhìn thấy mẹ cao. Bây giờ con cao lớn, con nhìn xuống thấy mẹ thấp hơn là phải rồi.

Thế rồi người con trai lớn đón cụ về nhà, ở thành phố Westminster, có bà sui đang ở chung. Hai bà lại khắc khẩu, mà các cụ già hay bị cái tật lớn hơn cái tuổi, đó là tật nói nhiều, “mau nói thì hay lỗi, nói thật thì mất lòng”, nên mẹ tôi bị shock. Được vài tháng thì các em tôi thu xếp cho mẹ qua ở với cô em gái và Út Tèo tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington quanh năm mưa gió lạnh lẽo, được mệnh danh là “Even green State” nên mẹ tôi không quen, đau ốm hoài. Hai năm sau khi gia đình tôi sang định cư theo diện HO, và rước cụ về Cali ở luôn với chúng tôi, cụ khỏe hẳn ra.

Lưng mẹ tôi lúc còn trẻ hơi khom, về già khòm hơn nhiều, nhưng mẹ vẫn hãnh diện: “Cái dáng lom khom là dáng lắm con”,và người xưa quan niệm: “những người thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.” Chẳng thế mà mẹ tôi đã có được tám mặt con, bốn gái và bốn trai, qua Mỹ một nửa, còn một nửa ở quê nhà, vì thế lúc nào mẹ cũng vọng về cố hương yêu dấu, mà lòng thương nhớ khôn nguôi.

Những nỗi nhọc nhằn vất vả đã làm răng mẹ tôi rụng gần hết, còn vài cái răng cửa khổng khểnh để cười cho đỡ trống trải. Thế nhưng mấy năm trước cụ đi nha sĩ để làm răng hàm, chả biết ông Bác Sĩ bàn thế nào mà mẹ đồng ý nhổ hết những răng còn lại để làm hai hàm răng giả, làm mẹ tôi đau phát sốt mấy ngày, nhưng bây giờ mỗi lần mẹ cười nhe hàm răng đều và trắng như hạt bầu trông rất ư đẹp lão.

Mẹ tôi hiền lành thật thà, từ ngày tôi có trí khôn, chưa thấy mẹ đôi chối với ai, ngay cả những người hàng xóm ưa lẻo mép. Bố tôi mới là người khó nết nhất, vậy mà mẹ chẳng làm phật lòng bố bao giờ, nhưng bù lại bố tôi là người cha hết mực thương yêu vợ con, lúc còn sinh tiền người luôn lo tròn bổn phận, việc nước cũng như việc nhà. Bố tôi mất vào mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại Quảng Trị, khi ấy mẹ mới ngoài 40 tuổi, tôi lớn nhất, em Út ba tuổi, tám đứa con đang tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, thật là một gánh nặng cho mẹ.

Sau khi bố mất, mẹ tôi đã gượng đứng dậy trước nỗi đau bất ngờ, của người góa phụ thời chinh chiến. Để đưa chúng tôi về sống với bà ngoại ở xứ đạo Nghĩa Hòa gần Ngã Ba Ông Tạ. Nhờ ngoại có sạp bán quần áo may sẵn trong chợ nhỏ gần nhà, mẹ tôi theo bà ngoại tảo tần buôn bán, nên mẹ con cũng đắp đỗi qua ngày.

Sau 30 tháng 4/75 mẹ và chúng tôi cùng chung số phận của những người miền nam, chịu cảnh đời thay trắng đổi đen. Một miền Nam trù phú, văn minh, bỗng chốc trở thành tiêu điều tan tác. Lại bị ngăn sông cấm chợ, tạo ra cảnh gạo Châu củi Quế. Nên mẹ tôi phải lăn lộn ngoài chợ trời, mua đi bán lại với sạp quần áo cũ.

“Người khôn của khó”. Mẹ tôi lại sang một cửa hàng gần chợ Tân Bình để bán đồ sành sứ, có những bộ tách trà cổ của Nhật nhẹ và đẹp, những chiếc ly, bình cắm hoa bằng pha-lê trong suốt, mẹ mua lại của những người cần tiền đem đồ qúy hiếm ở nhà ra bán. Cũng có những chén đĩa mới, hàng China nặng hơn, mà men không đẹp bằng của Nhật, nhưng vì hàng lậu ồ ạt đổ vào biên giới Hoa Việt tràn lan, giá rất rẻ nên được các bà nội trợ ưa chuộng đua nhau mua sắm, nhờ vậy mẹ tôi “trúng mánh”, lo được cho bày con.

Mỗi sáng mẹ đi bộ gần hai cây số, vừa đi vừa lần hạt, mẹ phó thác mọi sự cho Chúa. Đến chợ mẹ lại vất vả tất bật từ sáng cho đến nhá nhem tối mới về đến nhà. Tôi phải nghỉ học để đi làm, và phụ mẹ chăm sóc nuôi nấng các em. Bao nhiêu lo lắng đè trên đôi vai gầy của mẹ. Đêm đêm mẹ hay ngồi khóc một mình, tôi luôn an ủi và tâm sự với mẹ, cầm đôi tay khẳng khiu, nhìn tấm thân gầy còm, và vẻ mặt buồn não nuột, mà thấy thương mẹ vô cùng.

Hẳn là mẹ yêu bố lắm, vì cứ nhắc đến Người hoài. Mẹ thường kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm xa xưa, nào là đám cưới mẹ mặc áo tứ thân, quần nái đen. Rước dâu phải đi bộ, rồi qua sông bằng đò, hết một ngày mới đến nơi, chúng tôi nghe đến thuộc lòng. Mẹ bùi ngùi kể, trước bố tôi học trong chủng viện, nhưng vì thiếu sức khỏe nên phải xuất ra và làm nghề dạy học. Tuy mang tiếng là “Thầy đồ dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” nhưng được cái bố cao ráo trắng trẻo, nhiều chữ nghĩa lại yêu nghề. Vào những năm cuối thập niên 1940, bố tôi nhờ người cất một ngôi nhà ở làng Nghĩa Dục, rồi mở lớp dạy chữ quốc ngữ. Một mình bố mà dạy nhiều lớp một lúc, bé có, lớn có, cả những ông già đang học xin phép ra sau hè kéo điếu thuốc lào. Châm ngôn của lớp: “Quốc ngữ là chữ nước ta, con cái nhà đều phải học”. Lúc bấy giờ ở trong làng, việc truyền bá quốc ngữ đang thịnh hành để xóa nạn mù chữ, mọi người trong làng đổ xô đi học, nên lớp học của bố tôi rất đông, nhưng học trò trả lương bằng thóc hoặc gạo chứ không trả bằng tiền.


Thời Việt Minh mới cướp được chính quyền, phong trào bình dân học vụ được phát động, mọi người đều phải biết đọc, biết viết. Trên các đường cái dẫn đến chợ búa trong vùng, người ta lập những trạm có gác. Họ dựng một cái bảng lớn bên đường, rồi đặt chắn ngang một cây tre dài, bất kỳ ai đi qua đều phải đọc thuộc 24 chữ cái, hoặc đánh vần đúng thì được đi. Ai không biết chữ thì phải trở lại hoặc lội xuống ruộng mà đi.

Mẹ tôi cười méo mó kể, trong làng có một bà mụ tên là Trùm Vân, chuyên làm nghề đỡ đẻ tại nhà rất mát tay (vì thời đó quê mẹ chưa có nhà bảo sanh). Một hôm bà trùm đi qua trạm “khảo chữ” bà không biết đọc, cán bộ chận bà không cho đi, bà liền thoát y rồi vắt quần lên vai, miệng la lớn: “Xê ra cho bà đi!”… Rồi bà ngang nhiên đi qua trước sự sửng sốt của các cán bộ Việt Minh.

Sau chuyện “bà trùm cởi quần đi qua trạm khảo chữ” Mẹ tôi thở dài, kể thêm là bố cũng chẳng yên thân với nghề gõ đầu trẻ. Năm 1949, Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm, đúng khi mẹ mới nằm cữ mới dậy, còn yếu, không chạy được, bố tôi phải đứng trước nhà nói chuyện với Pháp. Khi Pháp rút, Việt Minh nghi ngờ bố là gián điệp, cứ bắt lên bắt xuống tra khảo đủ điều, oan khiên không biết kêu vào đâu.

Mẹ kể, lúc bấy giờ mẹ tôi có một cái đầu rồng (máy may). Mẹ mở tiệm may, và mướn một bác phó may làm phụ. Vì nhà ở ngay ngã ba đầu làng, mẹ tôi bán thêm tạp hóa và vài món thuốc tây cần thiết như thuốc cảm, đau bụng… (lúc ấy rất hiếm) nên tiệm của mẹ đông khách, chắc mẹ tôi có duyên bán hàng, nên cuộc sống cũng dư dật, có của ăn của để. Nhưng mẹ tôi chép miệng tiếc rẻ, vừa xây nhà xong ở chưa được bao lâu. Thì Hiệp Định Geneve ký ngày 20 tháng 7 năm 1954, chia đôi đất nước, vĩ tuyến 17 là đường ranh giới, miền Bắc Cộng sản cai trị, miền Nam là vùng tự do.

Biết không thể sống nổi với cộng sản, dân làng lần lượt bỏ trốn lên tỉnh. Bố tôi cùng các thanh niên ban đêm trốn đi Nam Định trước. Còn mẹ và dì Út tôi, tờ mờ sáng đầu đội tay xách, nách bế em tôi nên phải mướn người gánh phụ, một bên để tay nải quần áo, còn một bên để tôi ngồi lọt thỏm trong chiếc thúng đan cho cân bằng đôi quang gánh, họ đi nhanh trên con đường dẫn ra bến xe đò. Đến trước, họ gửi gói quần áo và tôi cho một người lạ trên chuyến xe ra Nam Định, mẹ đến sau rối rít tìm tôi, nếu chậm chút xíu nữa là tới giờ xe khởi hành sẽ chở tôi đi mất. Tối hôm ấy gia đình tôi ngủ nhờ nhà người quen, để ngày hôm sau lại đi xe ra Hà Nội ở vài ngày, rồi bố tôi đến đón cả nhà đi Hải Phòng, để lên “tàu há mồm” ra tàu lớn di cư, cập bến Đà Nẵng. Tôi còn quá nhỏ không hiểu nỗi mất mát đau buồn của gia đình tôi cũng như bao gia đình khác phải đành bỏ lại quê hương mồ mả, nhà cửa ruộng vườn để chạy vào Nam lánh nạn CS. Đó là tần thứ nhất, mẹ là một trong số hơn một triệu người Bắc di cư vào Nam để tỵ nạn Cộng Sản.

Cũng may mẹ tôi cùng gia đình đi thoát, và được sống trong không khí tự do cho đến tháng Tư năm 1975, lịch sử tái diễn, Cộng Sản lại tràn vào cưỡng chiếm miền Nam. Nhân dịp này nhiều người dân từ miền Bắc đã chạy vào Nam để tìm thân nhân và thay đổi cuộc sống. Điều làm tôi nhớ nhất là gặp được một nhân chứng sống sót của nạn cải cách ruộng đất.

Khoảng đầu năm 1976, mẹ tôi có người bác ruột, tên ông là Tổng Loan ở ngoài Bắc trốn mãi mới vào tới Sàigòn. Ông đến thăm và kể với mẹ tôi, năm 1954 vợ con ông di cư vào Nam được, còn ông kẹt lại bị Việt Cộng bắt đem ra đấu tố, vì trước kia ông là Lý Trưởng, nhà lại giàu có từ đời ông cha.

Ông Tổng Loan kể là chúng bắt ông quì giữa sân đình, trói quặt hai tay, đầu gục xuống. Chung quanh ông là đám đông ngồi vây kín, thỉnh thoảng lại giơ nắm đấm và hét to “Đả đảo địa chủ”, ông sợ hãi đến vãi đái và run lên cầm cập. Sau cùng chúng cho một đối tượng bần cố nông, ngồi lên hàng danh dự, đập bàn hạch tội, và cho những người làm công cho ông khi trước ra kể tội ông, hòng kết án tử hình. Nhưng nhờ vào thời ông đối xử tốt với bà con trong làng, được bà con thương nên chúng không có cớ giết ông, chỉ đánh đập rồi tịch thu hết tài sản và bắt ông đày đọa lên rừng sâu, cho đến năm 1975 cũng chưa được thả.

Vì ông đã quá già, râu tóc, lông mi lông mày bạc trắng, ông liều mạng trốn trại, quyết chí vào Nam để tìm vợ con. Vậy mà đi đến cầu Hiền Lương, nơi từng là ranh giới) phân chia nam bắc, ông cũng bị bắt lại ba lần, nhờ quá già nên được chúng thả ra. Sau khi thoát được vô miền Nam, ông tìm gặp đuợc gia đình như ng bà vợ ông ngày ấy bị bệnh lẫn (Alzheimer) không còn nhận ra ông.

Tại Sàigòn, nhờ mẹ tần tảo buôn bán, gia đình tôi có một căn nhà mặt tiền. Đây là nơi gia đình vừa ở vừa mở cửa hàng buôn bán. Thật ra thì nhà của mẹ tôi cũng chẳng to lớn gì, nhưng nó nằm bên cạnh nhà bảo sanh tư của một bác sĩ đã di tản từ 1975 bỏ lại. Thế là phường đội trưng dụng để làm trụ sở công an. Ý đồ họ là muốn chiếm luôn căn nhà của mẹ tôi bên cạnh để mở trụ sở rộng thêm. Vì vậy, ngày nào cũng có hai cán bộ trên phường tới nhà ốp mẹ tôi phải đưa gia đình đi kinh tế mới. Họ bảo mẹ buôn bán là bóc lột, là ăn bám, không đúng đường lối của chính sách. Họ chỉ có việc ăn, rồi đi đến những căn nhà ở vào tầm mắt của phường, thúc giục người ta đi để chiếm nhà cửa. Cuối cùng mẹ phải cắt một nửa hộ khẩu lên mạn Phương Lâm, mua căn nhà nhỏ và sào đất cho các em tôi tạm sống. Phần Mẹ thì cương quyết ở lại Sàigòn để tiếp tục tảo tần buôn bán để tiếp tế nuôi các em. vì đâu có đứa nào quen làm ruộng rẫy gì, mà còn mất cả học hành. Nhưng nhờ vậy, cán bộ phường không còn lý do đến thăm sức khỏe mẹ tôi nữa.

Bẵng đi một thời gian, thấy tình thế yên ổn, mẹ tôi lại chạy tiền lo hộ khẩu đem các em trở lại Sàigòn. Rồi vào đầu thập niên 1980, mẹ tôi gom góp, thu xếp cho các em tôi vượt biên, tìm sự sống trong cái chết, vì nhận thấy quê hương mình, không còn là nơi an toàn để sống. Đó là lý do mà ngày nay mẹ tôi có mặt tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ này, và cũng là lần tỵ nạn cuối cùng của đời mẹ.

*

Ngôi nhà chúng tôi đang ở gần nhà thờ Westminster, nằm trên đường Olive cách trung tâm Little Saigon khoảng mươi phút lái xe. Đây là nơi có số người Mỹ gốc Việt đông đảo nhất nên mẹ tôi nói người mình qua đây một nửa nước rồi, đông lắm con ạ! Mẹ đi lễ ở nhà thờ không còn chỗ mà ngồi, đi chợ thì gặp toàn là người Việt, tha hồ mà nói chuyện.

Cũng nhờ có mẹ ở với chúng tôi, coi sóc nhà cửa và các cháu để tôi yên tâm đi làm. Bên hông nhà quay ra đường có mảnh vườn nhỏ, khoảng 30 thước vuông, chung quanh rào bằng những miếng gỗ mộc mạc, vậy mà mẹ tôi trồng đủ các loại rau. Giữa vườn là luống rau muống, rau dền, mé vườn có dậu muồng tơi cạnh luống rau đay, rau cải cúc, rau thơm đủ thứ. Sau nhà là giàn su su sai trái hơn giàn mướp, giàn bầu có quả dài cả thước, leo lên hàng rào là khổ qua.

Vào mùa đông lạnh lẽo, mẹ tôi trồng xu hào củ to mà tròn trồi trên mặt đất, bên cạnh những bắp cải chắc nịch, một luống rau sà-lách giống Việt Nam, ăn dòn mà ngọt, rau cải xanh cũng hạp với trời mưa lạnh, nên tàu lá lớn và xanh rờn trông rất ngon. Ai đi qua cũng phải đứng lại nhìn vườn rau đủ loại. Mỗi lần có con cháu đến thăm, mẹ tôi cắt cho mấy bịch rau để làm quà đem về. Tôi cứ đùa, vườn rau của mẹ nằm ngay mặt tiền nên không bị ế. Rau ăn không hết, bán rẻ cũng đủ tiền nước, nhất là rau đay, rau mồng tơi, cụ cứ hái ngọn bán dần, riết rồi nhiều mối quá ai muốn mua phải gọi phone hẹn trước.

Nhớ mỗi chiều chúng tôi đi làm về, gia đình quây quần bên mâm cơm được mẹ nấu sẵn, mẹ tôi tỉ mỉ kho cá rất kỹ vì nhà tôi ít ăn thịt, món thịt kho với trứng cho các cháu không ăn cá. Ngày nào cũng thay đổi món canh, rau tươi sẵn ngoài vườn. Cả nhà vừa ăn vừa khen ngon là cụ thích. Bây giờ chỉ còn là kỷ niệm.

Trong chúng ta ai cũng có mẹ, dù hoàn cảnh có khác nhau, nhưng người mẹ nào cũng để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng ta. Mẹ tôi không lanh lợi sắc xảo, tôi chỉ thấy nơi mẹ một lòng đạo đức, một đức tin mạnh mẽ, và luôn phó thác con cái trong tay Chúa. Thật tội nghiệp mẹ tôi phải sống cảnh già tha phương nơi đất khách, mà lòng còn vương vấn, thương nhớ những đứa con còn lại, nơi quê nhà xa vời vợi. Mẹ tôi thường thở dài than: “Không biết bao giờ quê hương mới thoát ách Cộng Sản”.

Năng Khiếu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,975,681
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến