Hôm nay,  

Những Đoạn Đường Cho Nhau

01/06/201300:00:00(Xem: 381504)
Tác giả: Khôi An
Bài số 3912-13-29312vb7060113

Tác giả, một kỹ sư điện tử tại công ty Intel, Bắc California, đã hai lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ: Giải danh dư 2009, với bài "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình" và Giải Vinh Danh Tác Phẩm 2010 -thường được gọi đùa là giải á hậu- với bài “Việc Làm Ơi, Mi Đi Đâu”. Viết Về Nước Mỹ 2013, Khôi An tiếp tục cho thấy thêm sức viết mạnh mẽ với 5 bài viết mới, trong đó có bài “Intel Vietnam”. Bài mới nhất của cô kể về một người bạn và tình bạn trong “đám con nít của Sài gòn thất thủ năm xưa.”
vb7_vvnm_manh
“ Manh đó, trong đêm giao thừa dương lịch 2009, dưới đèn hoa.
Chính tôi đã chụp tấm hình này."
Khi tôi bước chân vào quán Hợp thì trời vừa đổ mưa. Quán không đông nhưng tôi không ngồi bàn mà chọn ngồi ở quầy, trước TiVi. Trên màn ảnh đang chiếu một chương trình chẳng có gì hấp dẫn, nhưng tôi vẫn chăm chú xem. Như thể làm vậy tôi bớt thấy cô đơn.

-...Làm gì trả tiền vội vậy, bộ không cho ăn chè tráng miệng sao?

- Tiền đâu mà "tráng" với "xúc", còn có hai chục thôi. Muốn ăn thêm thì xin bà chủ cho rửa chén trừ nợ!

Hai giọng nữ từ bàn khách sau lưng bỗng làm tôi chú ý. Không phải vì lời lẽ, mà vì cách họ nói. Cách nói chuyện ngúng nguẩy nhưng đầy thân thương giữa hai người bạn thân. Như cách Manh và tôi thường nói, với nhau...

***

Đang mùa hè nhưng hôm đó xấu trời. Mây đen vần vũ trên cao, không khí oi bức, nặng nề hơi nước. Con bé cảm thấy buồn vì Bố Mẹ đi Sài gòn chưa về, các anh chị lớn đi chơi, ở nhà chỉ còn mấy đứa nhỏ tha thẩn ra vào. Nó rủ hai đứa em gái sang sân trường cạnh nhà bày trò chơi cò cò. Chơi chán, ba chị em dắt nhau ra biển.

Trời âm u nhưng biển Bình Tuy vẫn xanh biếc, những đợt sóng vẫn nhẹ nhàng tiếp nhau trên bãi cát trắng phau. Ba chị em mê mải rượt sóng và đuổi theo những con dã tràng cho tới khi vài hạt mưa rơi xuống. Vừa lúc đó, con bé thấy anh Bảy, cận vệ của Bố, hớt hải chạy đến. Vừa chạy vừa la, "Ba đứa! Về! Về ngay!" Con bé cuống lên, sợ ở nhà đang nổi giận vì tội dắt em ra biển khi trời chuyển bão. Nó vội vàng giục hai em cắm đầu chạy lại phía anh Bảy. Vừa gặp nhau, anh Bảy không nói một lời, chụp lấy ba đứa, kéo chúng chạy thục mạng về nhà.

Từ xa con bé thấy trước nhà có đậu một chiếc trực thăng. Lạ thật! Dù Bố nó từng bảo rằng khoảng sân trước nhà có thể đáp trực thăng khi cần, nhưng đây là lần đầu tiên nó thấy trực thăng tới nhà. Đến gần hơn con bé thấy trong nhà lố nhố đầy người. Bước vào cửa, trong đám đông nó thoáng thấy mấy anh chị lớn hình như đang khóc. Anh Bẩy lùa ba đứa vào nhà sau, bà bếp vừa lấy khăn lau mặt cho chúng nó vừa mếu máo. Chị Hai, người chăm sóc thằng em út mới hai tuổi, đang dỗ thằng bé trên tay và lấp ló nghe ngóng. Con bé nhìn quanh, chưa dám hỏi gì thì anh Bảy đã trở lại. Mặt anh thất thần, anh nói với bà bếp "Ông bà Quận trưởng bị du kích Việt Cộng chận bắn chết trên đường từ Sài gòn về!"

Bà bếp khóc òa lên làm con bé cũng khóc theo trong khi hai đứa em vẫn há hốc miệng ngơ ngác trong sự chộn rộn, hoảng hốt của người lớn.

Rồi trực thăng chở mấy anh chị lớn ra nhà thương. Rồi hai chiếc hòm gỗ về. Rồi người ta mặc cho nó áo dài bằng vải trắng toát. Rồi mọi chuyện diễn ra, mơ hồ và hỗn độn...

Thật lâu sau này con bé vẫn nằm mơ. Những giấc mơ có biển, có trực thăng, có những cơn khóc ngất, có hãi hùng thót tim, có cả ba chị em đuổi bắt nhau trong áo dài vải xô mới và khăn trắng ngang đầu.

Trong mọi giấc mơ, con bé luôn luôn chỉ là tám tuổi.

***

Con bé đó là Manh.

Tai họa thảm khốc đó đã đẩy chín anh chị em Manh -anh lớn nhất mười chín, em út mới hai tuổi- ra khỏi Bình Tuy. Bọn trẻ mồ côi dắt díu nhau vào Sài gòn, trôi giạt nhiều nơi trước khi dừng lại ở một căn nhà nhỏ xíu trong con hẻm gần trường TV. Tại ngôi trường này, sau năm 1975, Manh và tôi đã gặp nhau.

Thời chiến tranh vừa kết thúc, luật rừng rú đẩy hàng triệu gia đình miền Nam vào cảnh tan nát, bần cùng. Bỏ tù, đày đọa, cướp bóc người lớn chưa đủ, trong các trường học, chính quyền còn bắt học sinh một năm khai lý lịch ba, bốn lần, bươi móc mọi cách để trù dập, chèn ép đám trẻ con “gốc nguỵ”. Chúng tôi cùng sợ hãi, cùng bơ vơ, cùng uất ức tới khóc như đứt gan đứt ruột trước những dối trá và tàn nhẫn. Như đám cây non gặp bão, Manh, tôi, và các bạn khác, bám vào nhau, nương tựa nhau để có sức nhịn đói và nhịn nhục mà tiếp tục học hành.

Thập niên 80, dân Sài gòn khốn đốn vì chính sách ngăn sông cấm chợ. Mùa hè năm mười sáu tuổi, Manh dắt tôi về Bình Tuy, nói là mình… đi buôn. Hai đứa tìm lại nhà người quen của Manh, mua vài ký tôm khô đem về Sài gòn bán, mong kiếm chút lời. Đường xá xa xôi, Bình Tuy cũng xác xơ trong cấm đoán, cho nên lúc hai “lái buôn” ôm được gói tôm tới bến xe đò thì chuyến xe cuối trong ngày đang sửa soạn lăn bánh. Hai đứa phải chạy theo hụt hơi mới đu được lên xe. Không còn chỗ ngồi, chúng tôi lót dép ngồi xệp xuống sàn, khư khư ôm gói tôm trong lòng, tựa vai nhau thở dốc. Khác với tôi bé nhỏ, dại dột, Manh của tuổi mười sáu đã tóc dài điệu đàng, khôn ngoan, duyên dáng. Xe chạy đường dài, có lúc tôi chập chờn thiếp đi rồi choàng dậy. Nổi bật bên vách xe lấm lem dầu máy và bụi bặm, khuôn mặt Manh sáng ngời, trong trẻo như tâm hồn chúng tôi thời đó. Thấy tôi nhìn, Manh mỉm cười cho tôi an lòng. Hình ảnh ấy chẳng bao giờ tôi quên.

Manh thường nói rằng nhờ Bố Mẹ phù hộ mà Manh được nhiều người yêu mến. Tôi cũng tin điều đó, nhưng lý do tôi cảm thấy rõ ràng hơn là phong cách hòa đồng mà khác biệt của Manh, xuất phát từ cuộc đời nhiều sóng gió. Với đám bạn thuộc loại "dân chơi" Manh rất gần gũi nhưng vẫn có chút cách xa toát ra từ vẻ quyền quí kín đáo làm cho mọi người nể; trong nhóm bạn hiền lành, sự khôn ngoan nhưng khiêm nhường của Manh đem lại tin cậy. Tính khôi hài, phóng khoáng của Manh đem vui nhộn và kéo mọi người lại gần nhau. Vì thế, Manh có rất nhiều bạn và tôi chỉ là một.

Vậy đó, thời trung học khốn khó của chúng tôi, đám con nít bị đàn áp lớn lên trong những hoang tàn sau cuộc chiến. Như những giè lục bình, chúng tôi đã trôi nổi, tụ lại rồi lại tan tác trong cơn sóng dữ.

***

Sau một thời gian dài bặt tin, năm 2002, nhờ mạng Internet nối liền thế giới, đám bạn lớp tôi tìm lại được nhau. Tôi và Manh ríu rít gọi điện thoại, tựa như khoảng cách bao nhiêu năm là chưa từng có. Sau đó chúng tôi gặp mặt trong lần họp bạn. Đi về, tôi viết email kể cho những người không tham dự “…Lần gặp lại này, mọi người - cả nam lẫn nữ - đều fall in love với Manh. Manh bây giờ còn có duyên hơn hồi nhỏ, Manh nói chuyện ai cũng trố mắt nghe. Manh đi tới đâu là tiếng cười theo tới đó…”

Có lẽ lần đó tôi cũng “fell in love” với Manh. Vì sau đó chúng tôi càng thân nhau.

Sau này nghĩ lại, tôi tin ở nhân duyên. Đem so sánh tính tình, tôi và Manh có khá nhiều điểm khác nhau. Manh là người của đám đông, còn tôi thì ít bạn. Manh là dây nối mọi người nên lúc nào cũng được mời gọi, đón đưa, còn tôi thuộc loại “không có mợ thì chợ vẫn… vui”. Nhưng, do những thân thương sâu xa mà chúng tôi chưa bao giờ tìm hiểu, trong những chuyến đi quan trọng của Manh, tôi thường có mặt. Và, nhiều khi, chỉ mình tôi có mặt.

***

Manh rất kén ăn, món gì Manh cũng đụng đũa một chút rồi ngưng, như thể bị no ngang. Thỉnh thoảng vừa ăn xong Manh lại muốn nôn, làm có khi tôi cũng thấy… bớt vui. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng hệ thống tiêu hóa của Manh không được tốt vì có một thời Manh theo phong trào ăn xong móc họng nôn ra cho thân hình được mảnh mai.

Vì thế, năm 2006, khi Manh than bị đau bụng hoài, tôi không ngạc nhiên. Cách nhau mấy trăm dặm đường ở hai đầu California, tôi chỉ biết giục Manh mau đi khám bệnh. Lúc đầu Manh còn lần lữa, hy vọng tự chữa bằng cách ăn nhiều rau trái. Sau vài tuần cơn đau không giảm, Manh mới đi tìm thầy. Ở Nam California, bác sĩ rất nhiều, vì thế Manh kể cho tôi nghe bao nhiêu là ý kiến khác nhau.

“Bác sĩ A nói Manh có dấu hiệu loét bao tử …”

“Bác sĩ B nói Manh bị chứng rối loạn tiêu hóa…”

“Hôm nay, bà bác sĩ Tàu nói Manh bị irritable bowel syndrome (bệnh quặn ruột)…”

Các bác sĩ cho Manh uống đủ loại thuốc suốt gần hai tháng mà bệnh không suy xuyển. Cho tới khi nghe Manh kể người bác sĩ mới nhất đoán rằng Manh cần uống thuốc xổ sán lãi, thì tôi hết kiên nhẫn nổi. Như từ linh tính, tôi nói “Hay là Manh đi soi ruột? Thường thì đến năm mươi tuổi người ta mới cần soi ruột, nhưng Manh cứ thử xem sao…”

Ba hôm sau, điện thoại ở bàn làm việc reo dồn dập. Bên đầu kia, Manh khóc nức nở “Manh bị ung thư rồi!!!”

Những tấm phim và kết quả giảo nghiệm cho thấy Manh bị colon cancer (ung thư ruột già). Một bướu khá lớn ở khúc ruột cuối đang tiến vào thời kỳ thứ tư. Bác sĩ lập tức tiến hành xạ trị (radiation) và hóa trị (chemotherapy), trong khi hội đồng y khoa họp lại tìm cách chữa tốt nhất. Bạn bè xôn xao như nghe bom nổ bên tai, nhiều người bật khóc. Vậy mà không hiểu sao tôi vẫn bình tĩnh, tôi nói với Manh “Manh đừng lo. Chữa bệnh ung thư lúc nào cũng khó khăn nhưng mình có người quen vừa dứt bệnh, bây giờ khỏe re. Manh ráng đi, bên Mỹ này quan trọng nhất là tìm được bác sĩ giỏi. Bạn bè ai cũng thương Manh, Manh đừng sợ…”

Bây giờ nghĩ lại, nếu có một điều may mắn trong nỗi bất hạnh, thì đó là Manh đã trở bệnh trên đất Mỹ. Lúc đó Manh đến Mỹ chưa được bao lâu, chỉ đủ sức mua một bảo hiểm y tế rất giới hạn, nhưng đối với ngành y khoa Hoa Kỳ mọi bệnh nhân đều quan trọng như nhau, bất kể khả năng tài chính. Điều khó khăn trong trường hợp của Manh là bướu quá thấp, nhiều bác sĩ nghĩ rằng sau khi cắt bỏ khúc ruột có bướu Manh sẽ mất khả năng bài tiết, mọi chất thải sẽ phải theo ống đi ra một cái túi đeo bên người. Đối với một phụ nữ còn trẻ như Manh, chuyện đeo túi cũng quá khủng khiếp cho nên các bác sĩ bàn cãi rất lâu. Ba, bốn bác sĩ từ chối mổ vì thấy vụ này quá khó, vượt khỏi khả năng của họ. Cuối cùng họ cầu cứu tới những chuyên gia có tiếng trong lãnh vực bệnh ruột…

Bác sĩ Micheal Stamos, trưởng nhóm hội chẩn của bệnh viện ở University of California, Irvine, là một trong những người nổi tiếng nhất về giải phẫu ruột già của Hoa Kỳ. Bệnh nhân của ông chầu chực trong một danh sách dài dằng dặc được gởi gấm từ những bác sĩ uy tín khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó Manh đến từ một nhà thương công “tầm thường” và chỉ trông cậy vào những nhân viên của nhà thương. Tôi cũng cố giúp Manh bằng cách nhờ người quen là bác sĩ giúp cung cấp những kiến thức tổng quát cho bệnh nhân ung thư, nhưng chỉ có vậy thôi. Còn lại, từ sáu trăm dặm cách xa, tôi chỉ biết cầu nguyện. Tôi không là một con chiên ngoan đạo, cũng chẳng là Phật tử thuận thành, nhưng vì tin rằng tôi và Manh không sống ngược lời dạy của các đấng thiêng liêng cho nên trong lúc ngặt nghèo tôi cũng không ngượng lòng chạy đến nài xin. Trong giờ nghỉ trưa tôi hay đi bộ và thầm đọc kinh, cả kinh Chúa và kinh Phật, bất cứ bài nào tôi thuộc. Trưa này qua trưa khác, tôi chỉ biết trông cậy vào những lời cầu nguyện. Và trong một thánh lễ dài, tôi đã đọc cho Manh một ngàn bài kinh Kính Mừng để xin Đức Mẹ nhân từ cứu giúp.

Vậy mà Manh lọt vô danh sách của bác sĩ Stamos!

Một bệnh nhân của ông bất ngờ thay đổi ngày hẹn và Manh may mắn chụp được chỗ trống đó. Khám vừa xong, ông bảo “Phải mổ ngay!” Gia đình Manh ở phần lớn ở Việt Nam, chỉ có người chị ở xa và cô em mới sang Mỹ. Vì thế tôi chỉ nói vắn tắt với xếp ở sở “I need to be there for her” (Tôi cần ở bên cô ấy). Rồi tôi bay xuống Nam California.

Đến nơi, tôi thấy Manh gầy hẳn đi, hai vai nhỏ xíu. Mái tóc thật dày ngày trước đã mỏng đi nhiều. Tuy vậy, da Manh vẫn đẹp và trông “nàng” vẫn tươi, không giống như người mắc bệnh hiểm nghèo. Có lẽ vì Manh vô tư, dễ khóc, dễ quên, cho bệnh chỉ hoành hành trong thể xác chứ không tàn phá tinh thần và diện mạo. Đêm hôm đó chúng tôi nằm bên nhau, nhắc bao nhiêu là kỷ niệm, bắt đầu từ thời mới lớn. Quá nửa đêm, chúng tôi bảo nhau im lặng, cố ngủ để chuẩn bị cho ngày mai. Đêm mùa hè ấm áp, trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi mơ màng nghe tiếng côn trùng vọng qua cửa sổ hé mở, ran ran như tiếng chuông ngân trong buổi thánh lễ với một ngàn bài kinh hôm nào…

Mới bốn giờ sáng, tôi, Manh và cô em đã gọi nhau dậy sửa soạn qua loa rồi đi tới nhà thương. Tới nơi, Manh đi thẳng vào nói chuyện với nhân viên trực, tôi chỉ im lặng đứng kế bên lắng nghe. Điệu bộ “nàng” hăng hái, nhanh nhẹn đến nỗi bà nhân viên nhìn ba chúng tôi rồi hỏi “Trong ba cô, cô nào sắp mổ?” làm chúng tôi phá lên cười.

5:30 sáng, Manh thay xong quần áo, nằm trên giường có bánh xe. Một người Việt làm thông dịch viên thiện nguyện gọi vào hỏi Manh có cần giúp gì không. Manh lắc đầu, cảm ơn, và nói chúng tôi đã sẵn sàng.

5 giờ 40, tôi nắm tay Manh, nói nhỏ “Manh đừng lo, không sao đâu!” Hai đứa mỉm cười nhưng mắt Manh có nét sợ. Người ta đẩy Manh đi, tôi bám theo cho tới khi cánh cửa vào phòng mổ ngăn lại. Tôi xiết tay Manh rồi buông ra. Manh mất hút sau cánh cửa, tôi đứng tần ngần nhìn theo...

Hơn 10 tiếng đồng hồ chờ đợi.

4 giờ chiều, bác sĩ Stamos trở ra nói là ca mổ thành công. Khúc có bướu đã bị cắt đi, ruột đã được nối lại tốt đẹp, nhưng Manh vẫn còn nằm trong phòng hồi sinh. Tôi chờ thêm một tiếng nữa rồi đành nhắn cô em chúc Manh mau lành. Hối hả chạy ra khỏi bệnh viện, tôi cầu cho đường đừng kẹt quá để tôi khỏi trễ chuyến bay…

Một tuần sau Manh về nhà. Chỗ ruột bị cắt quá thấp nên dù bác sĩ đã cố gắng hết mức, Manh vẫn hơi gặp khó khăn trong việc bài tiết và phải tiếp tục dùng thuốc giảm đau. Manh cố dứt thuốc nhiều lần nhưng khi cần làm chuyện gì quan trọng hay đi khỏi nhà hơi lâu thì Manh lại phải uống, không biết có phải do nhu cầu tâm lý hay không. Ngoài ra, cuộc sống của Manh từ từ trở lại bình thường. Sau sáu tháng tiếp tục hóa trị liều nhẹ, Manh gọi cho tôi biết lần thử nghiệm cuối đã xác nhận trong người Manh không còn mầm ung thư.

Qua cơn nguy hiểm, chúng tôi càng thân nhau. Sống một mình, niềm vui của Manh là nói chuyện với bạn bè. Có những đêm cuối tuần chúng tôi rì rầm nói chuyện tới rất khuya, chia sẻ mọi vui buồn…

Năm năm trôi qua. Chúng tôi đã cùng nhau đi du lịch, Las Vegas, Hawaii… Năm 2010 chúng tôi đã có một buổi họp mặt bạn bè, vui như chưa từng thấy. Trong thời gian đó, sức khỏe của Manh không hoàn toàn trở lại như trước khi phát bệnh, nhưng Manh đã rất hạnh phúc.

***

Mùa Lễ Tạ Ơn 2010.
Manh kể rằng lúc này Manh ngủ không ngon, hay bị nhức một bên chân và đau lưng. Đi bác sĩ chỉnh hình thì họ bảo có lẽ Manh bị gai cột sống, các đốt xương ép lên dây thần kinh gây ra đau nhức. Họ khuyên Manh nên đi chụp quang tuyến lưng để biết gai mọc chỗ nào. Bệnh này khá nhiều người mắc phải, tuy gây đau đớn và thường đòi hỏi một cuộc giải phẫu khá nguy hiểm mới trị dứt, nhưng không phải là bệnh hiểm nghèo. Tôi nghĩ hàng năm Manh vẫn đi tái khám để theo dõi ung thư nên chắc là không có gì liên quan tới ung thư. Nhưng không hiểu sao, tôi lại lo âu. Lo hơn lần đầu tin khi nghe tin Manh bệnh.

Tháng Mười Hai, 2010
Một buổi tối, tôi nói với chồng “Manh nói lúc này hay nhức mỏi. Tự nhiên em sợ…” Rồi tôi lấy ngày phép xuống thăm Manh.

Gặp lại Manh, niềm vui bên nhau làm lo lắng nguôi đi. Năm đó, miền Nam California sũng nước với những cơn bão liên tiếp đổ về. Mưa miên man từ sáng tới chiều, rả rích ngày tiếp ngày như những cơn mưa xứ Huế. Nước cuồn cuộn chảy trên đường, nhiều nơi ngập tới nửa bánh xe. Tuy vậy, mưa gió không làm phiền chúng tôi mà chỉ góp phần cho lần gặp đó thêm đáng nhớ. Manh và tôi mang giày cao cổ, bám vào nhau dưới cây dù, chạy lúp xúp trong mưa. Gió tạt gần gãy dù chỉ làm chúng tôi phá lên cười khi ngó nhau đầu tóc tơi tả giữa khu shopping ấm áp, rộn ràng tiếng nhạc Giáng Sinh. Mưa lạnh chỉ làm tô bún bò Huế cay xè thêm hấp dẫn, và bão lốc chỉ giúp những đêm nằm nói chuyện bên nhau thêm ấm áp, thân thương.

Thường thì Manh đón Giáng Sinh ở California, nhưng bỗng nhiên năm đó Manh muốn sang thăm chị bên Texas. Vì thế, sau hai ngày bên nhau, người khách đến từ xa – tôi - lại là người đưa Manh ra phi trường.

Ngay trước khi đi, Manh bị một cơn đau bụng dữ dội. Tôi cuống cuồng gọi điện thoại xin hoãn chuyến bay và định chở Manh đi bác sĩ. Cũng may, sau hai tiếng đồng hồ vật vã và nhiều viên thuốc, Manh khỏe lại. Cuối cùng, xe chúng tôi cũng dừng lại trước khu “Departure” của phi trường. Tôi giúp Manh đem hành lý xuống rồi nói “Đi chơi vui vẻ nha!” Manh vẫy tay chào, tôi nhìn theo, mỉm cười trước dáng đi hăng hái, cong cớn của Manh cho tới khi cánh cửa đóng lại.

***

Tháng Hai, 2011.
Tôi quỳ dưới đất, giữa đồ đạc ngổn ngang. Quần áo đã xếp vào va-li, thuốc uống đã xếp vào giỏ xách, quanh tôi là chỉ còn giấy tờ, hình ảnh... Nhặt một quyển album nhỏ, tôi bùi ngùi ngắm chúng tôi cười tươi trên bãi biển Hawaii. Lượm một phong thư cũ, tôi nhận ra nét chữ của… tôi. Đó là lá thư tôi gởi cho Manh nhân ngày sinh nhật năm 2003 mà Manh còn giữ lại sau bao nhiêu lần di chuyển. Hình ảnh bỗng nhòe đi. Tôi ngước lên ngó Manh bằng ánh nhìn đau đớn, dù tôi không định thế.

Tháng trước, đêm, chúng tôi đang nói chuyện trên điện thoại. Tôi đang bàn với Manh về những cơn đau lưng lúc này trở thành thường xuyên. Bỗng nhiên Manh bật khóc và kêu đau quá. Tôi cuống quýt “Manh ơi, mình ở xa quá, không làm gì được. Manh ráng chạy ra khỏi phòng kiếm coi có ai. Sorry, Manh ơi! Sorry!”

Manh cầu cứu một người quen chở Manh vào phòng cấp cứu. Hình quang tuyến chụp từ phòng cấp cứu đã tìm ra nguyên nhân của những cơn đau lưng là do ung thư đang hoành hành ở phổi. Và bướu từ phổi đã lan những vòi bạch tuộc bám vào nhiều chỗ khác.

Sau đó, Manh nằm nhà thương gần hai tuần. Đúng vào dịp Tết nên nhiều bạn về với gia đình và đã vào thăm Manh rất đông – Manh có duyên với bạn cho tới những ngày tháng cuối. Bạn bè họp lại đã làm Manh được an ủi rất nhiều, có lúc Manh tươi vui, tưởng như khỏe lại. Trong thời gian đó tôi không có mặt. Tôi cũng thích gặp bạn nhưng biết rằng con đường Manh đi còn nhiều gian truân, và tôi muốn thay phiên đến với Manh.

Các bác sĩ trong bệnh viện hội chẩn tới mấy lần, những cuộc hội chẩn thật dài và căng thẳng. Sau đó, họ họp Manh và người thân lại rồi cho biết bệnh không còn chữa được. Họ khuyên Manh nên về nhà, chương trình Săn Sóc Cuối Cùng (Hospice Care) sẽ làm mọi cách để Manh không bị đau đớn. Đó là điều duy nhất ngành y tế Hoa Kỳ còn làm được cho Manh.

Từ khi về nhà, Manh phải uống rất nhiều thuốc, trong đó có cả morphine (á phiện loại cực mạnh) để giảm đau và thuốc an thần. Những lần nói chuyện của chúng tôi thường chấm dứt giữa chừng khi Manh thiếp đi vì thuốc. Đầu bên này điện thoại, tôi gọi Manh ơi, Manh ơi, rồi lặng lẽ rơi nước mắt. Tôi chợt nhớ rằng lần tôi đưa Manh ra phi trường trong buổi chiều mưa là chuyến đi chơi xa cuối cùng của Manh, là lần cuối tôi thấy Manh mạnh khỏe.

Manh quyến luyến không muốn rời California và bạn bè sẵn sàng giúp Manh đạt được ý nguyện ở lại. Nhưng tình trạng Manh rất ngặt nghèo, cần có người bên cạnh suốt ngày. Cuối cùng Manh cũng phải nghe lời gia đình, dọn về Texas.

Cho nên tôi lại bay xuống. Lần này để dọn nhà đưa Manh rời California, vĩnh viễn.

Hôm sau, bạn bè họp lại bên Manh. Không biết nhờ những viên thuốc giảm đau trợ sức hay vì ngọn đèn sắp tắt bùng lên, tối đó Manh rất khỏe. Tôi gặp lại Manh với “phong độ” cũ khi cả đám bạn ngồi quanh nghe Manh nói mà cười nắc nẻ. Tôi yêu cầu Manh hát, và giọng hát của Manh trong những bài nhạc tủ của Đoàn Chuẩn-Từ Linh vẫn hay, vẫn nồng nàn như những đêm họp mặt năm xưa…

Ba ngày cuối tuần sao mà ngắn ngủi. Chiều Chủ Nhật chúng tôi lại ra ăn ở quán Hợp, nơi mà chúng tôi đến mỗi lần tôi xuống với Manh. Bữa ăn khá đông vì có nhiều bạn nghe tin chạy tới chia tay. Mọi người vẫn cười để khỏi rơi nước mắt… Chị, em Manh ở Việt Nam cũng sang nên tối hôm đó tôi không có chỗ để về ngủ chung với Manh. Khi bữa ăn tàn, các bạn xúm quanh Manh nói lời từ giã. Tôi chỉ lặng im. Tôi đứng yên như người thân sau buổi tiệc, đứng ở nhà sau, nhìn nhân vật chính tiễn khách. Tôi đứng yên nhìn Manh qua lại chậm chạp trong chiếc áo đầm tím và đôi giày xẹp. Tôi cố ghi nhớ hình ảnh của Manh trong cuộc đời thường, trên nền nắng chiều vẫn rực rỡ trên con đường Brookhurst xe cộ rộn ràng.

Cuối cùng, tôi nắm tay Manh, hẹn sẽ sang thăm Manh ở Texas. Rồi tôi lên xe, ngồi một lúc thật lâu. Tôi không khóc, chỉ thấy lòng trống rỗng…

***

Sau khi sang Texas, sức khỏe của Manh suy xụp rất nhanh. Manh vẫn nhận ra tôi những khi tôi gọi nhưng không còn tỉnh táo để nói chuyện lâu, tôi chỉ thăm hỏi được vài phút rồi Manh lại chìm vào trạng thái mơ màng. Chúng tôi – đám bạn của Manh – đều thấy rõ rằng Manh lanh lẹn, hóm hỉnh của những lần tâm sự hàng giờ chỉ còn là kỷ niệm.

Tuy vậy, cũng có vài lần Manh tỉnh. Một lần, Manh khóc ròng và nói với tôi rằng Manh rất sợ đi ngủ, vì trước khi chìm vào giấc ngủ không biết mình có thức lại hay không. Tôi nói Manh đừng sợ, Bố Mẹ sẽ phù hộ cho Manh, Chúa sẽ che chở cho Manh. Lúc đó, tôi thấm thía hơn bao giờ hết rằng đức tin là niềm an ủi duy nhất, là sự nâng đỡ cuối cùng.

Nhưng tôi vẫn không tin là Manh sắp ra đi. Lần trước, Manh đã thắng được lời chẩn đoán của nhiều bác sĩ, đã giải phẫu tốt đẹp. Lần này, tôi nghĩ Manh sẽ sống được lâu hơn là các bác sĩ nói. Có bao nhiêu trường hợp bệnh nhân dùng thuốc Nam và sống được thêm cả năm, Manh của tôi cũng sẽ được vậy.

Cuối tháng Năm có hai người bạn thân trong nhóm chúng tôi từ Pháp và Virginia sang thăm Manh. Hai người ở với Manh vài ngày và đã chia sẻ với Manh thật nhiều nụ cười cùng biết bao nước mắt.

Đáng lẽ tôi sang thăm Manh tháng Sáu, nhưng tôi lại dời qua tháng Bảy. Những lần trước tôi đi rất lẹ, nhưng lần này tôi nấn ná. Dường như trong thâm tâm tôi nghĩ là tôi chưa sang thì Manh sẽ còn sống. Manh sẽ chờ tôi.

***

Thứ Sáu, ngày 1 tháng 7, 2011
Tôi tới phi trường Dallas Love Field lúc hơn mười giờ đêm. Phi trường về khuya vắng vẻ, các hàng quán đều đóng cửa. Sau một ngày dài với chỉ vài ly nước cam và mấy gói bánh trên máy bay, đầu óc tôi hơi choáng váng. Kéo vali lên thang xuống thang, thất thểu đi tìm chỗ mướn xe, tôi chợt nhớ rằng tất cả những lần truớc đây, khi kéo vali đi một mình như vậy, lòng tôi đều rộn rã vui vì tôi sắp gặp Manh. Tôi đau đớn nhận ra rằng lần này tôi cũng đang đến gặp Manh, nhưng Manh sẽ không đón tôi, sẽ không nắm tay tôi ngắm nghía, nói có mua cho tôi nhiều áo đẹp, rồi ngay sau đó lại vừa cười vừa nguýt, trách tôi chuyện này chuyện kia.

***

Thứ Bảy, ngày 2 tháng 7, 2011
Manh nằm đó, trông rất khác vì mặt bị giữ nước xưng to lên. Trong giấc ngủ ngàn đời, trông Manh không hoàn toàn thanh thản, nét môi buồn và hơi mím lại.

Tôi nhìn mãi, cố tìm những nét thân quen, nhưng ngay cả hai bàn tay Manh cũng khác. Cả người chỉ có hai bàn tay là gầy đi, đánh phấn trắng toát; những ngón xanh xao, tưạ như dài hơn xưa. Tôi đã từng nói chuyện với Manh bao lần khi Manh đang giằng co với tử thần, tôi đã biết rằng trong đoạn cuối cuộc đời Manh dựa vào hàng vốc morphine mỗi ngày, nhưng hôm nay nhìn tận mắt, lần đầu tiên tôi hiểu rằng nếu tôi muốn Manh sống lâu trong tình trạng vô vọng để tôi còn có Manh trong đời, thì tôi là người ích kỷ.

Hình ảnh xưa của Manh chỉ còn lại trong khuôn ảnh trên bàn thờ. Xinh tươi. Sắc sảo. Manh đó, trong đêm giao thừa dương lịch 2009, dưới đèn hoa. Chính tôi đã chụp tấm hình này. “Cười đi Manh”, tôi nói, khi năm mới mở ra đầy ước mơ, hứa hẹn. Thời khắc đó, Manh làm duyên với ống kính, nhắc tôi chụp đẹp để gởi cho đám bạn. Giờ nằm đây, Manh còn được gì? Môi buồn. Mắt khép. Manh ơi, đời người…


Chủ Nhật, ngày 3 tháng 7, 2011.
Manh có nhiều bạn, nhưng Texas là nơi Manh mới đến, Manh lại ra đi gần ngày Lễ Độc Lập, khoảng thời gian nhiều người bận đi xa. Trong lễ nhập quan, khi tôi còn đang trên máy bay, chỉ có một người bạn. Lễ cầu nguyện hôm thứ Bảy thì có tôi và một người nữa. Và Chủ Nhật này thì chỉ còn mình tôi.

Buổi sáng, tôi đang ngồi buồn trong khách sạn thì chị của Manh gọi “Em có biết hôm nay có xin lời cầu an cho Manh trong lễ lúc 10 giờ không”. Tôi nhảy nhỏm lên xem đồng hồ: 9 giờ 45.

Đến nhà thờ mất khoảng 20 phút và tôi chưa sửa soạn gì cả. Tôi điểm nhanh trong đầu hai chọn lưạ, một là không đến hai là đến trễ. Đây là lễ cầu an cho linh hồn Manh. Tuy bề ngoài lanh lẹ, đanh đá một cách khôi hài nhưng khi gặp chuyện nguy ngập thì Manh rất nhát. Biết đâu chừng giờ này linh hồn Manh còn đang bơ vơ, ngơ ngác giữa hai ngả đường. Tôi cần góp lời xin bình an cho Manh. Nghĩ thế, tôi hấp tấp ra xe.

Những con đường ở Arlington hẹp, khúc khuỷu, vắng vẻ. Cũng may tôi đã lạc cả tiếng đồng hồ quanh nhà thờ ngày hôm qua, hôm nay chắc đỡ hơn. Tôi cuống quýt bấm GPS rồi vưà liếc chừng màn ảnh, vừa thầm gọi “Manh, giúp cho mình đừng lạc nhé!”

Sau vài lần căng thẳng vòng qua, vòng lại, lên freeway, xuống freeway, tôi đến nơi khá nhanh. Hối hả chạy qua khoảng đất trống trong ánh nắng gay gắt, tôi vào đến nơi vừa lúc bắt đầu đọc lời xin ý lễ. Tôi đã kịp góp phần cầu nguyện khi lời xin Chúa dìu dắt linh hồn Manh được rao lên.

Lễ Chủ Nhật, người đông hơn hôm qua, nhưng tôi thấy cô đơn.

Từ trên cao, Chúa chịu nạn nhìn xuống, trầm mặc, xót thương…

Bỗng nhiên lời thánh ca thật du dương như rót vào tai tôi:

“Tựa nép bên lòng Chúa, con xin tỏ hết tâm can. Vui buồn của đời sống dương gian. Đêm ngày miệt mài những lo toan. Khi vội vàng, khi muộn màng… Tiếng cười giọt lệ những miên man.”

Có phải Manh đang an ủi, nhắn với tôi hãy yên tâm vì Manh không còn tiếc nuối cuộc đời dương thế đó không? Có phải Manh đang nói với tôi đừng khóc vì Manh đã sẵn sàng chia tay với những “miệt mài lo toan” đó không?

Lời hát nối tiếp vang lên:

“Tìm đến trong tình Chúa, tim con tìm thấy an vui. Tay Người gạt lệ đẫm trên mi, tay Người hợp lại những chia ly. Trên đường này, xa vời vời, tay Người dịu dàng dắt con đi.” (*)

Ừ nhé, Manh. Mình đã nghe rồi và yên lòng rồi. Manh đang vui, không còn chút gì đau đớn hay sợ hãi. Đi bình an há, Manh.

***

Gia đình Manh muốn thiêu ngay chiều Chủ Nhật, 3 tháng 7 nhưng đến phút chót phòng giảo nghiệm không làm xong giấy tờ trước khi nghỉ lễ Độc Lập nên nhà quàn không thể tiến hành. Văn phòng không có ai làm việc để trả lời cho tôi biết họ cần thêm bao nhiêu ngày nữa. Việc hãng, việc nhà ứ đọng vì tôi bỏ đi quá đột ngột, cho nên thứ Hai tôi đành phải trở về.

Quyến luyến trở ra trở vào mấy lần, cuối cùng tôi rời nhà quàn lúc ba giờ chiều. Trời Arlington mới hôm qua nắng như đổ lửa, hôm nay nóng và đầy hơi nước. Cô em gái của Manh đưa tôi ra rồi bịn rịn đứng mãi bên cửa xe. Có lẽ cô ta cũng đang nghĩ như tôi, Manh mất rồi sau này chúng tôi sẽ ít dịp gặp nhau. Mãi đến khi một cơn gió mạnh thổi qua với vài giọt nước rớt xuống, cô ta mới vội chạy vào. Tôi biết còn nấn ná là sẽ trễ chuyến bay nên mím môi lùi xe ra. Mưa bắt đổ xuống từng hạt lớn, quất rào rào vào kính, xe tôi lầm lũi ra khỏi bãi đậu vắng tanh cuả buổi chiều âm u.

Trước ngày đi, tôi bận tới phút chót nên dự định sẽ in bản đồ từ nhà quàn ra phi trường trước khi lái xe đi. Không ngờ nhiều chuyện bận rộn, cộng thêm nhà quàn không cho dùng internet nên tôi không có dịp coi đường. Bây giờ, chỉ còn tôi và chiếc máy GPS trong cơn mưa tầm tã. Đoạn đường Arlington – Dallas gập ghềnh, khó đi. Tôi rưng rưng nhớ đến câu “Bảo rằng cách trở đò ngang, Không sang vì chẳng đường sang đã đành...”(**) Với người ta, nhiều khi đường đi trước mắt mà lòng chẳng muốn sang. Còn với tôi và Manh, những con đường này sẽ ở đây hoài và lòng chúng tôi tha thiết muốn đi, nhưng chúng tôi mãi mãi chẳng còn gặp được nhau. Đường càng lúc càng nhạt nhòa, không rõ vì mưa đổ như trút hay vì mắt tôi mờ đi…
vvnm2009_resized
Nữ nghệ sĩ Kiều Chinh, Manh và người viết, tại họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2009.
Thay lời kết:

Hai năm cuối đời, Manh đã đi với tôi mỗi lần tôi dự lễ phát giải Viết Về Nước Mỹ. Biết tôi viết văn, Manh nói, nửa đùa nửa thật:

- Hôm nào viết về đời Manh đi. Lâm ly lắm chứ bộ!

- Ý kiến hay! Nhưng đời ai đó viết thì mới có ý có tình. Manh viết đi!

Manh ừ, nhưng lần lữa mãi bởi vì Manh không ham viết.

Khi Manh trở bệnh nặng, để làm cho Manh vui, tôi dự định thâu âm lời Manh kể chuyện rồi viết lại. Nhưng sức khỏe và sự minh mẫn của Manh tàn lụi quá nhanh, câu chuyện đã dở dang khi vừa qua đoạn đầu mà tôi chỉ kịp ghi vội vào trí nhớ. Đoạn đầu, khi cô bé ở Bình Tuy, ngày trực thăng đáp trước nhà trong chiều chớm bão.

Mới đó, đã mấy mươi năm.
Tro cốt của cô bé mồ côi vì trận chiến ngày ấy nay đã về quê.

Bọn con nít của Sài gòn thất thủ năm xưa, dù trôi dạt đến đâu, hẳn đều không quên nơi chốn cũ. “Bọn mình sẽ cùng về Bình Tuy.” Manh đã hẹn hò với tôi như vậy khi chúng tôi đứng ở bờ biển Hawaii.

Và biển Bình Tuy của Manh vẫn còn chờ đợi. Chờ chúng tôi về trầm mình trong nước xanh ấm áp rồi thong thả đi dạo trên cát trắng chứ không tất tả, lén lút như lần buôn hàng chuyến năm nào.

Nhưng hai đứa không bao giờ còn có dịp cùng nhau trở lại.

Dù sao, khi nghĩ lại tôi cũng cám ơn định mệnh cũng đã cho tôi và Manh được đi với nhau thêm những đoạn đường. Như một hẹn ước của nhân duyên, chúng tôi luôn buông tay nhau khi đã vượt qua khúc đáng sợ nhất để mỗi đứa bước tiếp phần còn lại. Trên đoạn đường cuối cùng, khi chúng tôi rời tay nhau trong tiếng thánh ca dìu dặt, chắc Manh đã quay lại mỉm cười. Vẫn nụ cười tinh nghịch mà trìu mến, cười cho tôi yên lòng, như trên sàn xe đò năm xưa, khi hai đứa học trò vụng dại dắt nhau vào đời bằng chuyến đi buôn vài ký tôm khô.

Tháng Sáu là tháng có sinh nhật Manh. Ngày giỗ của Manh cũng Tháng Sáu.

Bây giờ, điều duy nhất tôi có thể làm là viết về Manh. Đối với tôi, việc đó rất khó khăn vì kỷ niệm là những điều rất riêng. Vì thế tôi đã mất tới hai năm để chỉ ghi lại những đoạn đường mà định mệnh đã cho chúng tôi được cùng đi, bên nhau.

Khôi An

(*) Chúng Con Cần Đến Chúa – Thánh Ca – Tác giả: Phanxico
(**) Thơ Nguyễn Bính

Ý kiến bạn đọc
16/06/201505:44:14
Khách
Cám ơn Những Ngày Xưa Thân Ái, người viết bài nghe người bạn báo là có người đọc và gởi lời cho bài viết này, nên ghé vào xem. Lời chia sẻ đã 1 năm rồi, giờ này mới thấy. Người viết rất hiểu nỗi bâng khuâng của bạn khi đọc về thời chúng mình đi học ngày xưa. Vâng, đó là những ngày xưa thân ái, khó quên.
02/06/201403:14:59
Khách
Hi Khoi An, minh co le cung cung lua tuoi voi KA. Minh doc truyen nay nhieu lan. Cu doc di doc lai khong biet bao nhieu lan. Minh vo cung cam kich tinh ban chan thanh ma cac ban da gianh cho nhau. Mac du Manh van so nhung o mot khia canh cua cuoc song, Manh la mot nguoi may man va hanh phuc khi co duoc mot nguoi ban nhu Khoi An. Rat mong duoc doc them nhieu truyen ngan khac cua Khoi An.
31/05/201413:07:56
Khách
Minh co le cung lua tuoi voi Khoi An. Minh da doc truyen nay (du hoi muon mang). Minh da doc di doc lai khong biet bao nhieu lan vi minh qua cam kich moi chan tinh ma cac ban da gianh cho nhau. Cung thoi gian voi ban, trong nhung nam trung hoc o Sai gon. Minh cung mot dam ban than cung co nhieu ky niem vui buon trong thoi buoi dao dien do. Bay gio dam ban do dang o My va chang co ai muon nho va nhac ve chuyen ngay xua. Manh that la hanh phuc khi co mot nguoi ban nhu Khoi An.
21/07/201319:04:14
Khách
Cám ơn Bích Thuỷ.
Cám ơn chú Ma vẫn còn nhớ những tấm hình chú đã chụp cho KhA và Manh
02/07/201314:03:11
Khách
Tôi thấy như mình đã gặp cô Mạnh ở đâu đó ít nhất 2 lần. Mà quả vậy, khi vừa thấy tấm hình ở cuối bài, tôi nhớ ngay ra tôi đã chụp nhiều hình cô Mạnh với Khôi An trong những lần Họp Mặt VVNM..
07/06/201300:17:10
Khách
Một tình bạn khó kiếm trong thời buổi nhiễu nhương này!
Giờ đây Manh đã không còn đau đớn nữa và chắc rất vui vì KA đã viết về cô ấy!
06/06/201318:45:41
Khách
Cám ơn anh David, chú Sáu và Cali đã ghé xem.
Cali nói "Manh cũng đọc được ..." vào đúng ngày SN của Manh.
06/06/201300:31:14
Khách
Chào cháu Khôi An,
Bài viết cháu rất cảm động và hay.

Chú Sáu
04/06/201312:51:58
Khách
Tôi tin rằng một nơi nào đó trên Thiên Đàng, cô Manh cũng đọc được những dòng chữ này.
02/06/201302:03:12
Khách
Chào cháu Khôi An,
Bài viết cháu rất cảm động và hay.

Chú Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,992,345
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến