Tác giả Nguyễn Mộng Giang sinh trưởng tại Việt Nam, nay định cư ở Hoa Kỳ. Bà lần đầu tham gia chương trình VVNM với bài “Đời bỗng quạnh hiu“. Tác giả cho biết sở thích của bà là làm thơ, viết văn, phổ nhạc. Bà đã có được vài tuyển tập truyện ngắn. Đây là bài mới nhất bà góp cho Viết Về Nước Mỹ tự sự về cuộc đời nhiều trái ngang của cha mẹ mình nhưng cuối bài là một kết thúc có hậu.
*
Tôi là một đứa con gái được sinh ra đời dưới một vì sao… xẹt. Thật tình mà nói, bây giờ nhìn lại, tôi không biết mình là ngôi sao tốt hay xấu nên tôi gọi nó là “sao xẹt” cho rồi. Tôi “xẹt” vào bụng mẹ lúc nào thì không biết, chỉ biết hơn chín tháng sau tôi xẹt ra ngoài giữa cơn hỗn loạn binh đao của đất nước. Quê hương tôi đó! Hình cong như chữ S với hơn 4000 năm Văn Hiến đang giẫy giụa hấp hối để bước sang một trang sử mới. Một trang sử đã chia cách mẹ cha tôi mỗi người một phương. Một trang sử đã biến đổi và cuốn hút mẹ cha vào cơn lốc xoáy cuộc đời nói riêng, mà giờ phút đó không ai có thể làm chủ cuộc đời mình được. Một trang sử hãi hùng nói chung đã làm quê hương tôi sụp đổ, đồng bào tôi nước mất nhà tan, kẻ sống còn phải lưu linh lưu địa khắp năm châu. Người kẹt lại chịu tù đày khổ ải bởi sự “khoan hồng độ lượng” của cách mạng như lời “nhà nước” ta hằng tuyên bố thời bấy giờ.
“Con sao xẹt” giờ đây đã lớn khôn với một cái tên đầy ý nghĩa mà cha mẹ đã cố ý đặt cho tôi: “Trịnh Ngọc Văn Hiến”. Ngọc để hoài niệm Sài Gòn, hòn Ngọc Viễn Đông không bao giờ quên trong lòng mẹ. Văn Hiến để nhắc nhở và dạy dỗ con cái trong khuôn khổ giáo dục cổ truyền Đông Phương. Không bao giờ quên công lao khổ nhọc, tốn hao xương máu của Ông Cha từ ngàn xưa, trải bao triều đại dựng nước rồi giữ nước mới có được một nền văn hóa hơn bốn ngàn năm Văn Hiến đua chen cùng thế giới như bây giờ. Chỉ tiếc là khi ngôi sao tôi bắt đầu biết xẹt lung tung, đủ trí khôn để “phán xét” chuyện đời thì mẹ đã vĩnh viễn rời xa tôi mà chưa hề một lần được trùng phùng với cha.
Ôi! Khổ đau nào bằng sinh ly tử biệt? Thương tâm nào bằng mẫu tử phân hai? Giờ phút cuối cùng trước khi “sao rụng” (mẹ tôi mới là vì sao xấu). Mẹ đã nắm chặt tay tôi chỉ nói một câu: “Đừng quên mình là người Việt Nam con nhé!”. Lúc đó tôi như một vì sao lạc, xẹt lung tung, kêu gào thảm thiết vẫn không làm sao níu kéo được sự sống cho mẹ. Người yêu ôm tôi trong tay vỗ về (lúc đó chưa trở thành chồng tôi sau này). Ông bà ngoại nắm chặt hai tay tôi khuyên tôi “calm down” và hãy đọc kinh cho mẹ. Nhưng lòng tôi lúc đó đau còn hơn dao cắt, cái cảm giác mất mẹ vĩnh viễn khiến tôi như điên như dại. Tôi gào khóc giẫy giụa như một con điên, miệng lảm nhảm kêu gào cái gì cũng không nhớ rõ. Trong thâm tâm tôi lúc đó chỉ muốn mẹ sống lại, chỉ khao khát ước mình được trở về thời còn nhỏ, để được mẹ ôm trong tay, được nghe mẹ kể chuyện về cha, về chuyện tình của hai người, về đất nước Việt Nam thân yêu. Về những giai đoạn khổ ải sau này khi mẹ quyết định giao tôi cho ông bà ngoại bồng đi để ở lại với bà nội chờ cha….
Mẹ lấy chồng năm 19 tuổi, cái tuổi vừa mới chập chững bước vào ngưỡng cửa đại học năm đầu tiên của cuộc đời sinh viên. Cha là một Sĩ Quan Biệt Động Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, xuất thân từ trường Võ Bị Thủ Đức. Chuyện tình của Cha Mẹ kể đến bao giờ cho hết đây? Tôi nghe mẹ kể đến thuộc lòng và ngưỡng mộ vô cùng cái tình yêu của mẹ dành cho cha, phải yêu cha lắm mẹ mới có thể hy sinh cả một thời xuân sắc cho tình yêu. Một lòng chờ cha mặc dù ai cũng nói nhiều phần là cha đã chết rồi, và dạy dỗ nuôi tôi khôn lớn thành một thiếu nữ Việt Nam chính hiệu con nai thấm nhuần giáo lý Khổng Mạnh. Hiểu thấu câu “Tam Tòng Tứ Đức” để trưởng thành với đầy đủ “Công Dung Ngôn Hạnh” như ý mẹ mong muốn. Tôi luôn luôn ghi nhớ trong đầu mình là người Việt Nam và sống với 3 đức tính mà mẹ đã dạy cho tôi: Thành thật, bao dung và không tham lam. Lòng thành thật đã khiến tôi được sư tin tưởng của mọi người, sự bao dung đã làm cho thân tâm tôi được an lạc. Và không tham lam đã cho tôi nhận được rất nhiều sự ân sủng từ “trên Trời rơi xuống”. Nói theo thuyết nhà Phật là gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Và ngày hôm nay, giữa xứ Mỹ với một nền kinh tế đang te tua như vậy (2011) mà tôi vẫn có được một mái gia đình êm ấm, vẹn toàn. Một người chồng “toàn năng” và những đứa con được di truyền 3 đức tính mà mẹ đã dạy cho tôi há chẳng phải là một phần thưởng Trời ban hay sao? Mặc dù các con tôi vẫn còn rất nhỏ, ngoài ba đức tính được di truyền ra, tôi còn nhìn ra được sự thương yêu, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau của chúng và lòng hiếu đạo mà tôi đã và đang nhận được bỡi sự gieo trồng là lòng thương yêu với mẹ ngày xưa. Mình yêu thương mẹ như thế nào thì mai sau con mình cũng sẽ thương yêu mình như vậy.
Trở lại chuyện tình của cha mẹ, tôi không bao giờ tưởng tượng được là có ngày tôi sẽ gặp lại cha. Có lẽ mẹ linh thiêng đã run rủi để cha con tôi tìm được nhau. Chính vì sự trùng phùng ly kỳ như phim bộ Hàn Quốc, đẫm nước mắt như truyện Quỳnh Dao của Tàu đã cuốn hút tôi vào sự mơ mơ, hồ hồ tưởng chừng như chiêm bao. Nếu cha đã mất trí nhớ bao nhiêu năm dài thì tôi giờ đây cũng như người câm, không nói được một tiếng nào khi nhận lại người cha mà từ lúc ra đời đến giờ tôi chưa từng biết mặt. Để rồi âm thầm lặng lẽ đổ không biết bao nhiêu là nước mắt khóc thương cho số phận hẩm hiu, bạc phước của mẹ. Trách ai đây? Trách ông trời đẩy đưa tạo cảnh trớ trêu hay trách câu: “Đời cha ăn mặn thì đời con khát nước?” Phải bắt đầu làm sao đây hở trời khi tôi quyết định viết lại câu truyện “thần thoại” của mẹ cha? Với số vốn liếng Việt Ngữ học hỏi được từ người mẹ đáng thương và kinh nghiệm đọc trong sách báo, liệu tôi có thể diễn tả hết được những gian nan cuộc đời mà hai đấng sanh thành ra tôi đã gánh chịu không? Tôi có thể viết bằng tiếng Anh, nhưng tôi không muốn. Tôi muốn viết bằng tất cả tiếng lòng tôi, bằng tiếng mẹ đẻ thân yêu mà những ngày còn sống mẹ đã từng hát ru tôi ngủ mỗi tối, sau khi đã giảng dạy cho tôi học và viết xong một bài tiếng Việt. Mẹ ơi! Con nhớ hoài câu hát ru của mẹ (mẹ tôi có giọng hát ngọt ngào lôi cuốn như ca sĩ Thái Thanh): “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời… à à ơi! Tiếng ru muôn đời…”. Mặc dù khi gặp lại mẹ tôi đã 8 tuổi, nhưng tình mẹ con là sợi dây thiêng liêng, là những giao cảm máu mủ không thể diễn tả được nên tôi thân thiết ngay khi gặp mẹ lần đầu. Từ đó tôi quấn mẹ không rời. Mỗi tối mẹ dạy tôi học tiếng Việt và ngủ với tôi cho nên tiếng ru của mẹ không thể nào phai nhạt trong tôi. Tôi sẽ thuật lại câu chuyện về cha mẹ bằng “tiếng nước tôi từ khi mới ra đời” để mẹ ở trên Trời có đọc được sẽ mỉm cười sung sướng khi nhìn thấy tôi đã không làm uổng công mẹ từng kiên nhẫn uốn nắn dạy dỗ, khuyến khích an ủi khi tôi chảy nước mắt vì học tiếng Việt khó quá! Nhưng tôi đã vượt qua được tất cả những trở ngại khó khăn đó nhờ lòng kiên nhẫn và sự hy sinh của mẹ, để ngày hôm nay tôi mới có thể bắt đầu viết….
Hai mươi sáu tuổi tôi tốt nghiệp đại học San Jose State với mảnh bằng Nurse Practioner, nói nôm na là y tá cao cấp. Thay vì y tá học 4 năm, tôi học thêm 2 năm nữa để có được mảnh bằng trên, có nghĩa là khi vắng mặt bác sĩ, tôi có thể thay thế để chẩn bệnh và kê toa cho thuốc. Tôi tìm ngay được job ở bệnh viện Alexan Brother cũ, bây giờ là Regional Medical Center of San Jose. Hai năm sau tôi kết hôn với bác sĩ chuyên khoa về tim Lê Đức Hải cũng là người yêu đầu đời của tôi, chồng tôi làm việc tại bệnh viện San Jose. Sau hơn mười ngày đi hưởng tuần trăng mật ở Âu Châu về, tôi đi làm trở lại thì chứng kiến ngay được một ca bệnh lạ lùng. Một người đàn ông Việt nam bị một tai nạn về đầu, đã giải phẫu nhưng “không chịu” tỉnh lại. Vì thế bịnh nhân phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) để được theo dõi thường xuyên, và tôi là người y tá có nhiệm vụ chăm sóc ông nhiều nhất. Tôi làm ca ngày, từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, ca đêm đã có người khác thay tôi. Bệnh nhân nằm phòng ICU được một tuần thì các bác sĩ đồng ý chuyển bệnh nhân xuống phòng TCU, vì xét thấy ngoài vấn đề ông đình công không chịu thức dậy ra chẳng có vấn đề gì về vết thương và sức khoẻ cả. Cho nên khi tôi vừa bước vào phòng bệnh để thay ca cho cô y tá ban đêm về thì nhận được ngay cú điện thoại của Bác sĩ báo là chuẩn bị dời phòng cho bệnh nhân. Tôi “yes” và máy móc làm tròn trách nhiệm như bao lâu nay đã làm chứ chẳng chú ý gì nhiều đến bệnh nhân. Trong khi chờ đợi người có nhiệm vụ đến chuyển bệnh nhân đi, tôi vừa lay hoay làm cho xong những thủ tục giấy tờ giao ca hằng ngày vừa đưa mắt liếc sơ qua nét mặt bệnh nhân. Tôi chợt phát hiện bệnh nhân đã mở mắt từ hồi nào và đang nhìn tôi đăm đăm. Tuy ngạc nhiên nhưng tôi cũng nắm lấy tay ông hỏi han trước khi báo cho bác sĩ biết:
- Bác tỉnh lại rồi phải không?
Người đàn ông không trả lời, bàn tay chợt nắm chặt lấy tay tôi không buông. Tôi giật tay ra định nhấc điện thoại báo cáo tình hình với bác sĩ mà gỡ không ra, hoảng quá tôi la toáng lên. Mọi người làm việc phía ngoài chạy túa cả vào, bấy giờ người đàn ông mới thều thào nhưng vẫn không chịu buông tay tôi ra:
- Bội Ngọc! Châu Bội Ngọc phải không?
Mọi người làm cách gì cũng không làm sao gỡ bàn tay bịnh nhân để kéo tôi ra được, cuối cùng phải chích cho ông ta một mũi thuốc an thần thì bàn tay tôi mới từ từ nới lỏng ra được. Bệnh nhân được đẩy đi kiểm tra lung tung và tiếp tục ở lại phòng ICU do tôi chăm sóc. Phần tôi tuy có hốt hoảng vì hành động lạ lùng của bệnh nhân nhưng cũng không để tâm lắm! Chỉ hơi thắc mắc, hình như bệnh nhân gọi tên một người nào đó trùng tên với mẹ tôi thì phải. Ngày hôm đó, bệnh nhân ngủ li bì, bà Lệ Thu tên người vợ của ông ta hằng ngày vẫn đến bệnh viện để thăm nom, chăm sóc cho chồng. Khi nghe tôi thuật lại diễn biến ban sáng của bệnh nhân, đã ngồi cả ngày bên giường bệnh thủ thỉ thì thầm những gì với ông ta mà tôi chỉ nghe được câu mất câu còn khi đi ra đi vào chăm sóc cho ông ta mà thôi! Thỉnh thoảng lại bắt gặp bà cầm tay ông áp vào má, rớm lệ thì thầm: “… Dù gì thì em cũng vẫn yêu anh trọn đời trọn kiếp…”. Nghe những lời thốt ra từ cửa miệng một người đàn bà với độ tuổi trên dưới ngũ tuần như vậy, sao tôi không thấy “nổi da gà” một chút nào hết, mà chỉ nhớ nhiều đến mẹ rồi nghĩ đây cũng là một người đàn bà thuộc loại suốt một đời “sống chết cho tình yêu” như mẹ của tôi đây.
Đến giờ tan ca, tôi vào “thăm bệnh” lần cuối và trò chuyện chút xíu với bà Lệ Thu để ra về. Trước khi rời phòng bệnh, tôi bỗng dưng xúc động muốn đùa một câu vô thưởng vô phạt với bệnh nhân để an ủi bà Lệ thu khi bà ôm tôi mếu máo:
- Cám ơn cô đã ân cần chăm sóc cho nhà tôi và không khó chịu khi tôi “nói chuyện” với nhà tôi từ sáng đến giờ
Tôi cũng ôm lại bà vỗ về an ủi, rồi quay sang vỗ nhẹ vào bàn tay bệnh nhân nhắn nhủ:
- Bác ơi! nếu ngủ nhiều rồi thì hãy thức dậy kể chuyện về Châu Bội Ngọc cho cháu nghe nhé!
Thật là bất ngờ, bệnh nhân lại mở bật mắt ra nắm lấy tay tôi kêu lên và hỏi dồn dập:
- Bội Ngọc! Quả thật là em rồi! Anh đã gặp lại được em! Con chúng ta đâu? Nó là con trai hay con gái? Em đã sanh rồi không phải sao?
Tôi chưa kịp phản ứng gì hết thì bà Lệ Thu đã vội gỡ tay người bệnh kéo tôi ra và ôm chầm lấy chồng nói:
- Anh Tâm! Hãy bình tĩnh! Cô đây là y tá bệnh viện đang chăm sóc cho anh chứ không phải Châu Bội Ngọc… của anh (bà ngập ngừng nói đại như thế vì đã nghe tôi kể lại hồi sáng.)
Người đàn ông nhíu mày nhìn vợ lắp bắp:
- Đừng để Bội Ngọc đi, đừng để Bội Ngọc rời khỏi anh nữa!
Trong khi cô y tá trực đêm thay ca cho tôi gọi điện thoại báo cho bác sĩ biết thì tôi cứ đứng chết trân vì tò mò chứ không chịu ra về khi đã tan ca. Lập tức các bác sĩ rần rần chạy đến (sở dĩ tôi nói các bác sĩ là vì bệnh nhân này đã được “qua tay” quá nhiều bác sĩ bởi sự “không chịu thức dậy” của ông ta. Bác sĩ chuyên khoa giải phẫu về đầu, bác sĩ chuyên khoa thần kinh, bác sĩ tâm lý, bác sĩ lục phủ ngũ tạng…v v…). Các bác sĩ yêu cầu thân nhân ra ngoài để bác sĩ khám bệnh. Khoảng nửa giờ sau, các bác sĩ rời khỏi phòng chỉ trừ bác sĩ tâm lý ở lại và cho mời bà Lệ Thu cùng con “Sao xẹt” này vào. Tôi ngạc nhiên vô cùng và thắc mắc không hiểu tại sao lại có tôi dính vào đây? Tuy vậy, tôi vẫn theo bà Lệ Thu bước vào vì tò mò nhiều hơn. Điểm ghi nhận đầu tiên của tôi là khuôn mặt bệnh nhân lúc này rất là bình thường, chứng tỏ ông ta đã qua cơn xúc động khiến tôi yên tâm không sợ bị ông nắm chặt tay nữa. Vị bác sĩ tâm lý người Mỹ đang đứng cạnh giường bệnh nhân nói với chúng tôi:
- Người bệnh đang có chút xáo trộn về tâm lý, vì muốn tìm hiểu nên tôi bắt buộc phải có mặt để quan sát cuộc đối thoại giữa các người, yêu cầu “speak English-nói tiếng Anh”. Vừa rồi người bịnh cứ đòi gặp Châu Bội Ngọc, vậy ai là Châu Bội Ngọc?
Cuộc đối thoại dĩ nhiên là phải diễn ra bằng Anh ngữ rồi, nhưng tôi viết lại bằng tiếng Việt vì tôi là người Việt Nam. Nghe bác sĩ tâm lý hỏi, tôi trả lời:
- Châu Bội Ngọc là tên của mẹ tôi. Rồi nhìn bệnh nhân tôi hỏi luôn: Bác có quen với mẹ của cháu?
Người đàn ông nhìn tôi gật gù lẩm bẩm:
- Phải rồi! Đã trải qua bao nhiêu năm Bội Ngọc không thể nào còn trẻ mãi được.
Linh tính như báo cho tôi biết hình như sắp có “cái gì” đó hệ trọng lắm xảy ra, nên tôi hỏi một câu gợi ý cho bệnh nhân nói để tìm hiểu câu chuyện:
- Có lẽ cháu rất giống mẹ nên bác lầm?
Người đàn ông ngoắc tôi lại gần nói:
- Cháu lại đây! Xin lỗi cháu trong một phút hồ đồ đã làm cháu sợ. Tôi hứa sẽ không kích động nữa! Mời cháu lại đây, tôi chỉ muốn hỏi chuyện thôi!
Bà Lệ Thu dắt tôi lại gần bệnh nhân, ông đưa tay nắm lấy tay tôi. Tôi toan rụt tay lại nhưng nhìn thấy có bác sĩ và bà Lệ Thu kế một bên nên tôi an tâm đứng yên. Ông ta nắm tay tôi nhỏ nhẹ hỏi:
- Cháu nói Châu Bội Ngọc là tên của mẹ cháu? Vậy ông ngoại cháu có phải tên Châu Trọng Đại không?
Tôi gật đầu không trả lời, trong lòng đã bắt đầu hồi hộp và hoang mang cực điểm. Thấy tôi gật đầu, bệnh nhân hấp tấp nói nhanh:
- Vậy tên của cháu phải là Trịnh Ngọc Văn Hiến rồi?
Nên nhớ lúc đó tôi đã không còn mặc đồ y tá và cũng không còn đeo thẻ làm việc nên bịnh nhân không thể nào nhìn thấy tên của tôi được. Huống chi tên của tôi trên thẻ làm việc chỉ có hai chữ “Trịnh Helene”, ông ta không thể nào biết bốn chữ “Trịnh Ngọc Văn Hiến” được. Tôi vừa xúc động vừa hoang mang khi thoáng có ý nghĩ ông ta có thể là người cha ruột của tôi lắm! Nhưng tại sao tôi họ Trịnh mà tên ông ta lại là Đỗ Thành Tâm? Thấy tôi cứ đực mặt ra, ông ta lay lay tay tôi giục:
- Phải không cháu? Phải tên cháu là “Trịnh Ngọc Văn Hiến” không?
Tôi chỉ vừa kịp gật đầu thôi là ông ta đã ôm chầm lấy tôi khóc như mưa:
- Cha là cha của con đây! Cha đã tìm lại được vợ con của cha rồi! Cha đã tìm được Bội Ngọc, tìm được con gái của cha rồi! Con ơi! Con ơi!...
Trong khi ông bác sĩ tâm lý vuốt vai, vuốt lưng người bịnh luôn miệng nói: “calm down! Calm down!” thì tôi hỏi như mê sảng:
- Nhưng trong khai sanh của con tên cha là: Trịnh Nguyên Khải mà… “ông” lại là Đỗ… Đỗ… Tôi xúc động đến cà lăm không nói được trọn câu.
Nghe tôi hỏi thế, người đàn ông tự nhận là cha tôi nức nở lắc đầu nói:
- Chuyện dài dòng lắm con ơi! Phải có thì giờ cha mới kể hết cho con nghe được. Bây giờ hãy nói về mẹ con cho cha nghe, mẹ có khoẻ không?
Bấy giờ bà Lệ Thu mới ôm lấy tôi nói trong nước mắt (bà cũng bị xúc động theo):
- Đúng rồi! Nhiều phần “ông ấy” là cha ruột của con rồi. Cũng thật là bất ngờ đối với tôi về phần đời trước của cha con trước khi chúng tôi kết hôn với nhau, nhưng tôi biết rõ vì sao cha con phải thay tên đổi họ. Chúng tôi sẽ cho thử “DNA” để con tin và sẽ kể chuyện cho con nghe về sau. Bây giờ chúng tôi muốn biết về mẹ của con.
Kể từ giây phút ấy tôi như người á khẩu, buồn thương giận ghét cứ loạn cào cào cả lên. Buồn vì tủi cho mẹ giờ đây cha đã có “tình” khác rồi. Thương vì tội nghiệp mẹ suốt một đời ở vậy chờ cha cho đến chết mà chẳng được gì. Giận vì “kẻ bạc tình” sao quá vô tâm, nỡ vui duyên mới chẳng hề đi tìm mẹ trong khi mẹ lại rất nặng tình với cha. Khi cơn biến động 30 tháng 4 năm xưa xảy ra, mẹ đã ở lại chờ cha. Nhà cửa đó, địa chỉ đó, mẹ cũng ở đó và cha cũng còn sống, sao không quay về tìm mẹ? Tôi hậm hực trong bụng trách cứ lung tung, cứ tưởng bở “ổng” yêu mẹ lắm! Mỗi lần kể chuyện về cha, mẹ thường chắc ăn như bắp: “Cha con rất yêu mẹ, trừ khi cha chết, chứ nếu còn sống không khi nào cha bỏ mẹ con mình”. Đó! Bây giờ “người ta” vợ con đùm đề, có còn để mẹ trong lòng nữa đâu? (Cha có hai người con với bà Lệ Thu, một trai một gái nhỏ hơn tôi vài tuổi thường hay vào bệnh viện thăm ông). Tôi đã giận thật sự, có lẽ tôi ghen dùm cho mẹ. Tôi bỗng dưng thấy ghét bà lệ Thu và giận người đàn ông đang ngồi trên giường bệnh kia, đang mở to cặp mắt hướng về phía tôi nóng lòng chờ nghe tôi nói về mẹ. Cơn xúc động trào lên, tôi bưng mặt khóc chạy ra khỏi phòng hét lên:
- Mẹ tôi chết rồi!
Đồng nghiệp bên ngoài phòng ôm lấy tôi an ủi (họ cũng vì tò mò mà đổ xô cả về phía cửa phòng nơi cha tôi nằm để theo dõi câu chuyện), và tôi cũng vừa kịp ngã vào lòng chồng tôi đúng lúc anh đến đón tôi về sau khi nhận được cái “text message” vắn tắt của tôi là tôi không thể lái xe về ngày hôm nay được.
Những ngày sau đó, “người ấy” (cha tôi) hồi phục tinh thần và thể xác một cách nhanh chóng. Không hiểu sao tôi cứ hậm hực và giận khi nhìn thấy “họ” thật là hạnh phúc bên nhau. Mẹ ơi! Mẹ đã từng dạy con là phải có lòng bao dung, phải biết khoan hồng và độ lượng. Con nhớ hoài câu mẹ nói: “Con người ta khi lọt khỏi lòng mẹ để bắt đầu một kiếp con người, hành trang của một kiếp sống sẽ rất dài và rất nặng trên vai. Phải biết buông bỏ để cho đôi vai được nhẹ nhàng bớt và cuộc đời có ý nghĩa hơn”. Con đã rất khách quan để bao dung mọi chuyện, bây giờ là người trong cuộc sao con lại không thể rộng lòng với kẻ “bội bạc” kia được? Nhất là người đó lại là cha ruột của mình, là người đã tạo ra hình hài để con có mặt trong cõi “ta bà” này. Con có phạm tội bất hiếu khi đã “phán xét” cha như vậy không? Có bị “đánh” xuống “chín tầng điạ ngục” như lời mẹ thường thuyết giảng về đạo Phật cho con nghe khi mẹ còn sống không? Ôi bây giờ con mới thấy cái “sân” trong con người thật là đáng sợ, “tham và si” con có thể “control” được, nhưng cái sân sao nó cứ hừng hực khó chịu quá mẹ ơi! Bình tỉnh, phải bình tỉnh, phải biết bao dung, phải nghe lời mẹ dạy, phải nghĩ tới mẹ (tôi tự nhủ với lòng như thế). Bao nhiêu cái “phải” tôi đem ra tận dụng hết mỗi khi đối diện với cha để cho lòng được nhẹ nhàng, tự nhiên hơn. Chồng tôi cũng “dạy” rằng: “Khi mở một phiên toà để xét xử phạm nhân, họ đều có luật sư để biện hộ cho mình. Nói cho công bằng một chút, chúng ta chưa nghe cha kể chuyện thì chưa thể kết luận cái gì được hết. Thông cảm được hay không chờ sau này hãy nói”.
Cha tôi được xuất viện nhanh chóng sau một cuộc tổng kiểm tra của các bác sĩ tham dự cuộc giải phẩu đầu cho ông. Vì nóng lòng muốn biết mọi chuyện nên cứ đòi mở cuộc họp mặt gia đình ở nhà ông ngoại ngay chứ không chịu nghỉ ngơi chờ đợi cho cái đầu mọc tóc trở lại gì cả. Vị bác sĩ tâm lý bệnh viện, thấy chuyện gia đình chúng tôi quá ly kỳ cũng xin góp mặt để theo dõi tâm lý bịnh nhân và tìm hiểu về hiện trạng lạ lùng đã xảy ra cho cha tôi.
Nhưng tôi thật không ngờ vừa “clear” chuyện của cha xong thì lại “lòi” thêm ra chuyện của ông ngoại, có thật đời cha ăn mặn thì đời con khát nước không? Cho nên cuộc đời mẹ mới long đong bạc mệnh như vậy. Để cho có lớp lang thứ tự “kính lão thì đắc thọ”, xin mời nghe chuyện của ông ngoại trước.
Xin đừng cười khi tôi hay chêm những câu tục ngữ, ca dao hay thành ngữ học được từ trong sách vở Việt Ngữ vào bài mà không biết mình dùng có đúng chỗ không? Bởi Việt Ngữ chỉ là “second language” đối với tôi. Tuy tôi không sinh ra tại Mỹ, nhưng tôi được ông bà ngoại bồng đi khi tôi chỉ mới được gần hai tháng tuổi. Cho nên phải nói, đây là cả một sự cố gắng hết mình của tôi khi viết lại một câu chuyện bi thương, đầy nước mắt của các bậc trưởng thượng trong gia đình tôi, bằng tiếng mẹ đẻ khi tôi chưa ra đời và chưa hề chứng kiến bao giờ.
Vào khoảng thập niên 50, công tử Châu Trọng Đạo (sau này trở thành Châu Trọng Đại vì khi lên án thế vì khai sanh ở Sài Gòn họ đã đánh máy nhầm chữ Đạo ra chữ Đại). Tuy là con nhà nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng lại may mắn được sự bảo bọc của một gia đình người anh em kết nghĩa của phụ thân mình ở Nam Định, nuôi cho ăn học tới lớn và làm việc tại Hà Nội. Nhờ có cái mã đẹp trai, lại ăn chơi bay bướm, hào hoa rộng rãi với bạn bè nên được thiên hạ phong cho hai chữ “công tử” chứ thật ra chỉ là “trên răng, dưới rún, chính giữa làng nhàng” mà thôi (chữ của ông ngoại tôi) chứ nào phải giàu có gì cho cam. Ban ngày cậu làm thư ký cho một hãng buôn lớn của người Pháp, buổi tối cậu đi hát cô đầu. Lăng nhăng lích nhích thế nào mà cậu lại “tặng” cho con gái bà chủ nhà trọ Hà Nội một cái “dấu ái ân” ngày càng lớn mạnh đằng trước bụng. Hoảng quá cậu vội đánh bài tẩu mã trốn vào Sàigòn. Nhờ bạn bè giới thiệu với khả năng sinh ngữ lưu loát, cậu được hảng thuốc lá MIC nhận ngay vào làm việc. Khi cuộc sống đã ổn định, có tiền rủng rỉnh rồi, máu “công tử” lại trổi dậy trong người cậu. Đêm đêm cậu la cà khắp chốn ăn chơi và tiếp tục đem “nòng súng nhân đạo đi cứu người lầm than”. Nhưng bây giờ cậu đã biết khôn, không để cho “người lầm than” nào bị đeo ba lô ngược cả. Rồi cũng nhớ tài ăn nói và bộ mã sáng sủa, cậu lọt được vào mắt xanh và kết hôn với một tiểu thư con nhà danh giá, có cha làm “lớn lắm” trong guồng máy chính phủ thời bấy giờ. Dựa vào thế lực nhà vợ, cậu thôi không làm cho hảng thuốc lá MIC nữa. Được cha vợ cất nhắc đưa vào làm trong bộ Ngoại Giao, sự nghiệp của cậu lên như diều. Cha vợ làm lớn, cất nhắc con rể “lớn” theo cũng là lẽ đương nhiên mà thôi.
Khi hiệp định Genève chia đôi đất nước, nền Đệ Nhất Cộng Hoà được thành lập với vị Tổng Thống đầu tiên của miền Nam Việt Nam là ông Ngô Đình Diệm thì bố vợ của cậu đã lên đến tột đỉnh vinh quang, tiếng tăm lừng lẫy và cậu cũng được thơm lây. Chính vì quá ham danh vọng, quá dựa vào thế lực nhà vợ, sợ mất đi những cái mình đang có trong tay, nên nhất nhất cái gì cũng phải nghe theo lời bố vợ. Không dám làm tầm bậy tầm bạ sợ gây tai tiếng là chết với ông bố vợ, chỉ cần một tiếng nói của “người làm lớn” đó thôi là cậu lập tức trở thành “Trần Minh khố chuối” ngay. Người ta vì thương con gái người ta nên đã ban phát cho cậu những “hào quang sáng chói” của cuộc đời thì họ cũng có thể làm cho đời cậu tối hù ngay lập tức. Vã lại lúc đó cậu cũng đã leo được lên đến “Tham vụ Bộ Ngoại Giao” và xuất ngoại lung tung. Sau một chuyến đi Tây về, cậu phát hiện trong nhà có một người giúp việc mới (con sen) mà vợ cậu vừa mới mướn về thay cho chị người làm trước, vừa lười vừa khó bảo nên vợ cậu đã cho nghỉ rồi. Thoạt nhìn thấy “con bé” giúp việc cậu giật nẩy mình, chính là con bé con bà chủ nhà trọ ở Hà Nội đã bị cậu cho đeo ba lô ngược ngày trước và đánh bài tẩu mã khi nghe tin nó có bầu, thì ra nó cũng nhanh chân chạy được vào Nam trước khi lệnh di cư chấm dứt. Phần con bé khi vừa gặp mặt cậu là cứ nhìn đăm đăm nhưng không dám hỏi vì có mặt phu nhân của cậu ở đó. Cậu suy nghĩ hoài không biết phải làm sao, bèn thú thật với vợ vì biết vợ rất yêu mình, cái gì cũng có thể bỏ qua được. Vợ cậu quả là “Mẫu Nghi Thiên Hạ” yêu chồng đến thế thì thôi. Lẵng lặng tìm hiểu, nói chuyện dò hỏi nơi con bé ở. Biết được “dấu ái ân” ngày trước của chồng là một đứa con gái lớn hơn con gái bà 3 tuổi, động lòng trắc ẩn bà định bảo bọc và nuôi nấng hai mẹ con họ. Nhưng cậu không chịu, không muốn dính dáng gì tới nữa với cái dĩ vãng lem nhem ngày xưa ấy. Cậu bây giờ chỉ muốn mình được yên thân làm một người trong sạch không tai tiếng để còn ra ứng cử với tham vọng sẽ được đắc cử một cái chức gì đó trong chính phủ thời bấy giờ, hy vọng một ngày kia sẽ trở thành “ông nhớn” đầy quyên hành như bố vợ.
Sự phủi tay của cậu không được bà vợ chấp nhận, nhưng bà chưa kịp làm gì hết thì con bé người làm đã âm thầm biến mất, mà mãi đến hơn nửa thế kỷ sau bà mới biết được sự thật sau khi nghe xong câu chuyện đoàn tựu của cha con tôi. Thì ra cậu đã dùng tiền bạc và thế lực của bố vợ “đày” người ta ra khỏi Sài gòn cho khuất mắt. Cũng may là cái người thừa hành lệnh của cậu “an bài” số phận mới cho mẹ con họ, động lòng trước hoàn cảnh tội nghiệp của hai mẹ con nơi xứ lạ quê người, nên đã ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ và họ trở thành chồng vợ sau đó không lâu. Với số tiền cậu cho để bịt miệng, hai vợ chồng họ kinh doanh mở một xưởng đồ gốm ở tận đầu vùng giới tuyến Quảng Trị Đông Hà, cũng may nhờ trời thương buôn bán ngày càng phát đạt. Cái dấu ái ân rơi rớt của cậu ngày xưa đã khôn lớn thành một thiếu nữ diễm lệ với cái tên Trần Lệ Thu, sau này kết hôn với một người đàn ông không rõ lai lịch vì bị mất trí nhớ. Người đó chính là cha tôi, tên Trịnh Nguyên Khải trước khi mất trí nhớ và là Đỗ Thành Tâm bây giờ. Cha kể:
Ngày đó, xa xôi lắm đối với một người vừa tỉnh dậy “sau cơn mê”. Cha chỉ là một người lính nghèo với cấp bậc Trung Úy Biệt Động Quân. Trong một lần về phép Sài Gòn, cha lái Honda đụng phải mẹ trên đại lộ Hàm Nghi khi mẹ đi bộ băng ngang qua đường. Từ đó, chuyện tình của người con trai thời chinh chiến và cô nữ sinh con ông “bự” đã được ông tơ bà nguyệt se lại, nhưng đụng ngay phải sự phản đối quyết liệt từ phía ông ngoại bởi bức tường môn đăng hộ đối chắn ngang. Ông Ngoại chê cha là một “thằng lính quèn”, ông ngoại muốn cho mẹ đi du học và kén rể trong giới “tai to mặt bự” mà ông ngoại quen biết, ít nhất cũng phải là cử nhân, tiến sĩ đi du học về. Mẹ không chịu, phản đối quyết liệt. Ông ngoại nóng giận, bỏ đói nhốt mẹ. Bà ngoại thương con gái nên đã lén chồng thả cho mẹ đi tìm cha. Thời điểm này (thời Đệ Nhị Cộng Hoà với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu) ông ngoại đã đóng lon Chuẩn Tướng bởi sau khi ông bố vợ (tức ông cố của tôi) qua đời năm 1957 thì ông ngoại cũng từ bỏ bộ Ngoại giao tòng quân theo lệnh tổng động viên ra chiến trường cầm quân giết giặc. Cho nên lúc này quyền hành ông ngoại có thể nói là hét ra lửa, muốn “đì” cho cha chết mấy hồi. Ông ngoại tức giận nói mẹ làm bại hoại gia phong, bêu xấu ông ngoại và từ mẹ luôn không ngó ngàng gì đến nữa. Bà ngoại vì thương nhớ mẹ nên đổ bịnh nặng, ông ngoại sợ bà ngoại chết, sai lính “lôi” đầu mẹ về tính chia uyên rẻ thuý thì phát hiện mẹ đã có thai. Ông ngoại càng tức giận hơn nữa mà không dám đánh con gái, ông kịp thời nghĩ lại có lẽ tại ngày xưa ông phá hoại đời con gái người ta rồi trốn trách nhiệm nên ngày nay con gái ông phải trả quả. Thêm vào lời cầu xin của bà ngoại, ông đành phải lôi “thằng trời đánh” về giảng “moran” cho một trận rồi nuốt giận gả mẹ cho cha.
Sau khi được danh chánh ngôn thuận nên duyên chồng vợ, mẹ không ở nhà bà nội cũng không ở nhà bà ngoại mà theo chồng rày đây mai đó. Tháng Giêng năm 1975, cha đưa mẹ về Sài gòn ăn Tết, vì thấy tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng, cha khuyên mẹ ở lại nhà ông ngoại chờ sanh. Cha mẹ bàn nhau nếu sanh con trai sẽ đặt tên là Trịnh Văn Hiến, nếu là con gái chỉ cần thêm chữ Ngọc thay cho chữ Thị là được rồi. Sau đó cha trở ra đơn vị cùng bạn bè tác chiến, không ngờ đơn vị cha bị thất thủ và cha bị bắt. Xin thay mặt mẹ bổ sung những đoạn về mẹ của những ngày đất nước mới “được giải phóng” (nghe mẹ kể khi còn sống). Tin cha mất tích được báo về với gia đình, mẹ khóc ngất đòi đi tìm cha, ông bà ngoại can ngăn khuyên mẹ hãy nghĩ tới sự an toàn cho đứa con trong bụng, có tin tức gì ông ngoại sẽ cho biết ngay. Nhà bà nội nghèo, ở trong con hẻm bên cầu Bông Gia Định. Ông nội mất sớm, bà nội ở có một mình với quán cơm tấm, cà phê bình dân làm sinh kế bán cho dân lao động đi làm vào buổi sáng sớm. Nay nghe tin con trai mất tích, mẹ sợ bà nội xuống tinh thần nên dọn qua ở với bà nội. Cuối tháng Hai, sau khi mẹ sanh tôi, miền Nam càng ngày càng dầu sôi lửa bỏng, thất thủ liên miên. Chiều 20 tháng 4, ông ngoại qua nhà bà nội nói mẹ với bà nội thu xếp theo ông ngoại vào tòa đại sứ Mỹ ngay. Bà nội nói cha mất tích chứ không phải chết nên bà phải ở lại chờ cha về, mẹ cũng không chịu đi. Ông ngoại năn nỉ cách mấy cũng không được, cuối cùng mẹ đứt ruột quyết định gởi đứa con thơ còn đỏ hỏn nhờ ông bà ngoại bồng đi nuôi nấng dùm để mẹ ở lại yên tâm đi tìm cha.
Sau đó Sài Gòn thất thủ, “dinh” của ông bà ngoại bị “cách mạng” trưng dụng, mẹ có đưa sổ gia đình chứng minh mẹ là con gái ruột của chủ nhà để xin giữ lại ngôi nhà thì bị họ nạt nộ:
- Gia chủ chạy theo Mỹ Ngụy mà còn đòi nhà hả? Có một mình mà ở làm gì cái nhà to như thế này? Để yên cho nhà nước “nàm” việc.
Mẹ trở về tá túc với bà nội, hai mẹ con đùm bọc lẫn nhau. Tội nghiệp mẹ, hồi nào tới giờ là tiểu thơ khuê các có làm gì động móng tay đâu, bây giờ phải thức khuya, dạy sớm lam lũ phụ mẹ chồng buôn bán, làm tròn bổn phận dâu con. Mẹ dọ hỏi tin tức cha khắp nơi qua những người quen biết, nhưng đa số các sĩ quan của chế độ cũ đã bị gom lại bắt đi học tập theo chính sách chế độ mới hết rồi nên cũng không hỏi được nhiều. Chỉ có một vài người Hạ sĩ quan dưới quyền của cha ngày xưa cho biết, họ có nhìn thấy cha khi bị bắt chung. Lúc còn nhốt ở trong rừng chờ ngày dẫn ra Bắc vì lúc đó Sài gòn chưa thất thủ. Có một lần cha vượt ngục bị họ bắt lại được, họ đánh đập tàn nhẫn và nện báng súng vào đầu cha đến ngất đi nhưng cha vẫn không tởn, cứ có cơ hội là cha “chẩu”, họ cho cha là thành phần nguy hiểm nên giam biệt lập.
Sau khi Sài Gòn thất thủ, họ là hạ sĩ quan nên được thả về địa phương học tập 3 ngày, từ đó không biết số phận cha ra sao, nhưng họ quả quyết là cha vẫn còn sống. Hai mẹ con (mẹ và bà nội) mòn mõi chờ tin cha, tất cả những sĩ quan đi học tập giờ đã có tin về gia đình, riêng cha vẫn bặt vô âm tín. Mẹ nóng ruột, lần mò đến tận nơi cha bị bắt dò hỏi trong dân chúng, vào tận trụ sở công an, trình bày sự việc để cầu may xem họ có biết được những tù binh bị bắt khi xưa đã được đưa về đâu không? Nói tóm lại, mẹ không bỏ qua bất cứ cơ hội nào dù là hy vọng rất mỏng manh. Lúc đó, những người được gọi là “chiến thắng” nhìn vợ của những sĩ quan cũ bằng con mắt không được thiện cảm (nếu không muốn nói là căm thù). Cho nên mẹ chỉ nhận được một sự trả lời lạnh lùng khinh khỉnh thật đáng ghét:
- Không biết!
Tội nghiệp mẹ, một cánh hoa trong thời loạn. Bôn ba khắp nẻo đường đất nước tìm chồng sau ngày tàn chinh chiến, dù chỉ nhận được sự lạnh lùng từ những con người của chế độ mới, nhưng mẹ vẫn không nản lòng. Mẹ tháp tùng theo quý phu nhân quen biết có chồng là Sĩ Quan bị đưa ra Bắc, nay được giấy đi thăm nuôi chồng. Mẹ cũng phụ gồng gánh đi chung với họ, được các phu nhân khai là chị em, nên được tháp tùng vào tận nơi thăm nuôi dò hỏi. Rồi cũng có một vài vị Sĩ Quan cho biết tin tức về cha, nhưng lại là tin buồn. Họ nói là cha vượt ngục lần cuối cùng trước khi Sài Gòn bị thất thủ một tháng, đêm hôm đó họ nghe có vài tiếng súng nổ xa xa, và sáng ra khi gom tù lại một chỗ họ không còn nhìn thấy cha đâu cả (họ chỉ được di chuyển vào ban đêm mà thôi, ban ngày bị nhốt vào một chỗ canh giữ). Bây giờ cũng không thấy cha trong đoàn tù ngoài Bắc, họ đoán nhiều phần là dữ nhiều lành ít rồi khi biết cha cũng không quay về tìm mẹ.
Mẹ vẫn không bỏ cuộc, nhưng bà nội thì tuyệt vọng vì bặt tin cha nên đổ bịnh nặng qua đời. Một mình mẹ lo ma chay tang chế và trở thành một con người xốc vác, bôn ba đây đó. Thời gian này mẹ đã liên lạc được với ông bà ngoại ở nước ngoài nên tài chánh của mẹ không đến nổi eo hẹp lắm. Nhưng mẹ vẫn “nhảy” xe lửa từ Nam ra Bắc, hoặc đón xe đò từ miền Tây lên Sài Gòn để buôn đi bán lại các loại hàng hóa với niềm hy vọng duy nhất: Một ngày kia sẽ được trùng phùng với cha.
Đến khi con gái của mẹ bắt đầu đi Mẫu Giáo, vì sợ con gái không nói được tiếng Việt và muốn dạy con theo ý mình, để mai sau có gặp lại cha cũng không hổ thẹn vì đã làm tròn trách nhiệm người mẹ. Mẹ chấp nhận nộp đơn bảo lảnh của ông ngoại để ra đi đoàn tựu với con. Trước khi đi Mỹ, mẹ còn nghĩ sợ cha về không liên lạc đươc nên đã cẩn thận gởi gấm khắp nơi. Mẹ tìm đến những gia đình người bạn của cha và thân nhân họ hàng quen biết, dặn dò xin họ giúp đỡ nếu cha có tìm về được thì báo cho mẹ biết.
Hai năm sau mẹ đặt chân tới Mỹ, và tôi thân thiết với mẹ ngay như đã kể ở trên. Việc đầu tiên mẹ làm là liên hệ với các hội đoàn người Việt, đưa tên tuổi, cấp bậc, số quân của cha nhờ họ tìm dùm. Nhưng có lẽ duyên cha mẹ đã tận, nên khi tôi vừa lấy được mảnh bằng tốt nghiệp Đại Học thì mẹ qua đời vì chứng ung thư gan lúc tuổi đời chưa đến 50. Cha nghe xong ôm mặt khóc ngất, khi đã qua cơn xúc động, cha nghẹn ngào kể tiếp:
- Thật ra lần đó cha đã vượt thoát, lúc đó hình như họ đã đưa bọn cha ra đến Thừa Thiên, Huế thì phải. Khi thì đi bộ theo đường mòn Hồ Chí Minh, lúc thì bị tống lên motolova bít bùng, tiếng súng nổ trong đêm là họ bắn bừa theo hướng cha chạy mà thôi. Sáng ra, cha lột bỏ đồ nhà binh, giữ lại cái áo thun và quần đùi đi chân đất len lỏi trong rừng chịu đói chịu khát, ban đêm núp lại vì sợ phát hiện. Họ di chuyển ban đêm và núp lại ban ngày trái ngược với cha. Vài ngày sau cha ra được đến Quốc Lộ 1 nhập chung với đoàn người di tản, và cha đã khóc hu hu lên khi nhìn thấy tử thi lính mình cũng như dân chúng bừa bãi khắp nơi, cái cảm giác nước mất nhà tan khiến cha đau lòng cực điểm. Cha cứ nấc lên liên hồi giữa đám tử thi cho đến khi nghe thấy một tiếng nổ lớn kinh hồn rất gần bên, tai cha ù đi, thân cha được nhấc bổng lên và rơi xuống thật nhẹ nhàng. Có cảm giác như đi vào một thế giới khác….
“Dì” Lệ Thu từ nãy giờ yên lặng, thỉnh thoảng đưa “tissue” lên chậm nước mắt, bỗng kể chen vào:
- Chúng tôi “nhặt” được cha con trong đống tử thi bên lề quốc lộ khi chúng tôi đi ngược đường trở về nhà. Có nghĩa là chúng tôi đã di tản được khá xa, nhưng vì mẹ tôi bị trượt té gãy chân, nên sau khi ghé đỡ vào một trạm xá bên đường bó bột tạm, chúng tôi quyết định không di tản nữa. Cha tôi tìm được một cái xe ba bánh bị đứt làm đôi, không có chỗ ngồi đạp phía sau của ai đó bỏ bên lề đường, đặt mẹ tôi ngồi trên đó kéo lui trở về nhà. Thỉnh thoảng cha tôi phải dừng lại để kéo những thây người nằm giữa lộ cho gọn vào trong lề, chứ không dám kéo xe cán qua tử thi một cách bừa bãi.
Khi về gần đến nhà, cha tôi kéo một tử thi giữa lộ vào lề, bỗng nghe một tiếng rên nho nhỏ phát ra từ cửa miệng của thây ma đó. Cha tôi giật mình nhìn lại thì thấy người đó nhăn mặt có vẻ đau đớn lắm! Cha tôi sờ vào cổ của người đó bắt mạch rồi la lên (cha tôi biết khá nhiều về thuốc Bắc): “Người này còn sống”. Rồi bảo mẹ tôi ngồi xích vào một chỗ và nói tôi phụ với cha khiêng người đó lên xe ba gác đem về nhà. Đêm hôm đó tôi phụ với cha tôi lau rửa vết thương và chăm sóc cho người đó tới gần sáng mới thiếp đi được khi thấy người bệnh đã không còn nguy hiểm nữa.
Trưa hôm sau thì người đó tỉnh lại kêu nhức đầu và chẳng nói được gì nhiều vì lúc tỉnh lúc mê. Cha tôi bốc thuốc rồi giao cho tôi đem sắc. Một tuần lễ sau người bệnh phục hồi nhanh chóng, vết thương ngoài da không đáng kể nữa, nhưng vết thương trong đầu lại gặp rắc rối. Người đó chẳng biết mình là ai, tên gì? Tại sao lại bị thương nặng như vậy. Cha tôi thương hại không nỡ để một người tâm trí bất thường ra đi như vậy nên giữ lại chờ tình hình yên ổn rồi tính sau.
Người đó chính là cha con, ngoài việc không nhớ mình là ai, cha con hoàn toàn bình thường. Ăn nói đâu ra đó, rất lịch sự, ít bông đùa nhưng có lòng nhân và hay giúp đỡ người khác. Khi sức khoẻ đã tương đối được bình phục, cha con hay phụ với cha tôi đi chôn cất tử thi người chết, lúc rảnh thì chuyện trò với tôi. Vài tuần sau thì Sài Gòn thất thủ, dân chúng ai về nhà nấy, cha con vẫn không biết phải đi về đâu. Chúng tôi cũng lúng túng vô cùng không biết phải khai với chế độ mới như thế nào về thân phận của cha con, chẳng lẽ lại nói cha con là người mất trí nhớ? Ai mà tin! Lúc đó tôi đã có cảm tình nhiều với cha con, bởi sau nhiều lần trò chuyện tôi nhận xét được cha con là người có tầm cỡ văn hóa cao chứ không phải vô học thức. Nên ngỏ ý với cha tôi khai đại với nhà nước cha con là chồng của tôi, với cái tên cũng khai đại là Đỗ Thành Tâm như con đã biết. Ít lâu sau chúng tôi trở thành chồng vợ thật.
Tuy rất yêu cha con và không hề thắc mắc lai lịch quá khứ của chồng, nhưng tôi cũng không tránh khỏi phập phồng lo sợ, nếu một ngày nào đó cha con nhớ lại được phần đời trước mình đã có vợ con thì tôi phải làm sao? Cuối cùng tôi nghĩ duyên phận là do trời định, mình là kẻ đến sau thì không nên để khổ cho người đến trước, nếu quả thật chồng tôi nhớ lại được mình đã có vợ trước khi mất trí nhớ và tìm về với gia đình. Vì nghĩ thế cho nên tôi an phận sống với cái hạnh phúc mình đang có trong tay. Chúng tôi sinh sống bằng nghề lò gốm của cha tôi.
Một thời gian sau, nhà nước đánh tư sản mại bản, đòi “quản lý” xưởng đồ gốm của cha tôi. Nhận thấy cuộc sống đã bắt đầu “khó thở”, cha tôi tìm đường móc nối cho cả gia đình đi vượt biên theo đường bán chính thức của Tàu, lúc đó tôi đã có được một trai, một gái. Và chúng tôi đã được định cư tại San Diego, chỉ mới di chuyển đến San Jose khoảng 5 năm nay mà thôi!
Một thời gian sau khi đến Mỹ thì mẹ tôi mất, chúng tôi vẫn sống đùm bọc với người cha hiện tại. Tuy không phải là cha ruột của tôi, nhưng ông là người rất tốt, đã cưu mang mẹ con tôi từ khi tôi còn tấm bé, coi tôi như con ruột. Cuộc đời của mẹ tôi cũng chẳng suôn sẻ gì. Cha ruột tôi bỏ rơi khi biết mẹ mang bầu và trốn vào Nam, nghe nói sau này ông làm lớn lắm trong quân đội tên Châu Trọng Đạo (bà không biết ông đã bị đổi tên thành Châu trọng Đại). Nhưng mẹ tôi cũng chẳng tìm kiếm mà làm gì khi đã yên bề gia thất với người chồng hiện tại.
Rồi có một lần cha con trèo lên mái nhà chỗ cao nhất, (nhà tôi có lầu) để đóng đinh treo đèn Noel thì bị ngã lăn từ mái nhà xuống đất. Cha con tỉnh bơ vào nhà nghỉ ngơi chứ không chịu đi bệnh viện vì thấy mình không có bị thương gì cả, nhưng đêm hôm đó cha con bị ói mửa và hôn mê. Tôi gọi 911 để đưa cha con vào bệnh viện, và mọi việc xảy ra như chúng ta đã chứng kiến từ hơn một tháng nay. Cha con đã bị một “cú sốc” quá nặng rơi từ trên cao xuống hồi 75 nên mất trí nhớ. Rồi bây giờ cũng nhờ tai nạn rơi từ mái nhà xuống mà cha con đã nhớ lại mọi chuyện.
Ông ngoại khi nghe dì Lệ Thu kể xong, tách nước đang cầm trên tay bỗng rơi xuống đất vỡ tan tành, bà ngoại thì chụp lấy dì hỏi tới. Còn tôi nước mắt chan hoà ôm lấy cha xin lỗi vì những oán hờn vô cớ bấy lâu nay. Vị bác sĩ tâm lý trước khi ra về đã làm dấu thánh giá nói với cha tôi:
- Quả là một chuyện hy hữu không thể tin được nếu không tận mắt chứng kiến, có thể viết thành tiểu thuyết được đấy! Xin chúc mừng gia đình ông “sau cơn mưa trời lại sáng”.
Chúng tôi vỗ tay hoan nghênh vị bác sĩ đã hiểu được những câu ca dao, tục ngữ của văn hóa Việt Nam. Quả là một sự đại trùng phùng của gia đình tôi, ông ngoại gặp lại con gái, tôi tìm được cha. Có điều là sau này, ông ngoại đã cạo đầu tu tại gia để ăn năn sám hối những tội lỗi mình đã làm khi xưa. Bà ngoại thì tu lâu rồi kể từ sau khi mẹ tôi mất, bà nói để sám hối tội lỗi cho ông ngoại. Dì Lệ Thu không oán hận gì ông ngoại cả mà chỉ nói một câu hết sức là nhà Phật:
- Phận làm con không nên phán xét chuyện làm của cha mẹ khi mình chưa ra đời. Cái gì hỷ xả được thì nên hỷ xả, cuộc đời này là cõi tạm, chấp nhất nhiều quá khi xuôi tay nhắm mắt làm sao mà nhẹ nhàng ra đi cho được?
Sao dì có nhiều điểm giống mẹ tôi thế! Cả hai đều hiền lành, có tâm đạo. Và đặc biệt là cả hai đều yêu cha tôi tha thiết. Thời gian sau này tôi rất thân thiết với dì như hai mẹ con, khoảng cách tình cảm giữa chúng tôi càng ngày càng kéo lại gần nhau hơn. Và tôi đã thật sự kêu lên được hai tiếng “mẹ ơi!” khi tôi sanh đứa con đầu lòng được dì ở cạnh bên chăm sóc vuốt ve, an ủi chia sẻ cho tôi quên đi cơn đau để chuẩn bị bước vào cuộc đời làm mẹ.
Chỉ có cha là tội nghiệp! Biết nói làm sao đây? Thôi thì xin mượn câu kết của một truyện ngắn nào đó mà tôi đã đọc được trên báo để kết thúc câu chuyện về cha như sau: “Từ đó, chiều nào trong nghĩa trang Oak Hill ở San Jose cũng có một người đàn ông mặc nguyên bộ đồ đen, đội cái nón đen, đeo cặp mắt kiếng đen, quỳ phủ phục trước ngôi mộ một người đàn bà đã một đời "SỐNG CHẾT CHO TÌNH YÊU". Thủ thỉ thì thầm, kể lại chuyện một người đàn ông đã “ngủ” một giấc ngủ dài suốt hai mươi tám năm qua….”
Nguyễn Mộng Giang
Tôi đã về hưu đang ở tại San Jose, góc ocala và capitol exp, gần nhà thương nơi Bà đã từng làm việc.
Xin phép Bà cho tôi được copy bài viết này của Bà để " Để Đời" cũng như gửi cho các em tôi để chúng được học.