Hôm nay,  

Tạ Ơn Chắp Cánh

23/09/202200:00:00(Xem: 2900)

DSC_0847
Tác giả Phương Hoa lãnh giải chung kết từ nhà thơ Du Tử Lê, bên cạnh là chủ khảo Trương Ngọc Bảo Xuân
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014.  Giải Trùng Quang 2018 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
 
*
 
 
Hồi mới đến Mỹ, nghe nhiều người Việt đi làm nghề may, tôi tưởng bở nghĩ mình từng tốt nghiệp từ nhà may nổi tiếng Thiết Lập Sàigon, từng mở lớp dạy cắt may Âu Việt Phục Nam Nữ, mỗi khoá cũng trên vài chục học viên; từng sử dụng các loại máy may, máy vắt sổ thêu ren các thứ, chắc sẽ kiếm được khá tiền, nên xăng xái đến shop may xin việc. Bà chủ shop người Tàu Việt thấy dân mới qua ngơ ngáo nên ăn hiếp, bắt tôi mượn tiền mua chở tới hai cái máy may công nghiệp xịn hiệu JUKI của Nhật, một cái để may, cái kia 5 kim để vắt sổ và các loại zíc zắc.

Mỗi tuần bà chủ giao tôi 200 chiếc áo đầm kiểu thời trang, đầm dạ hội, đầm cưới... Thấy tôi thứ gì cũng biết, bà bắt tôi “chơi nguyên con” bao hết các khâu từ A tới Z, chứ không cho may dây chuyền từng phần như những thợ khác.  Tôi ngồi may liên tục 12 tiếng một ngày, nguyên tuần ngồi may đến quên cả ăn, đến nín cả... thở, đến chứng táo bón nó đeo bám theo nhiều năm sau đó. Thế nhưng khi tôi hoàn thành tất cả bà ta chỉ trả $1 cho mỗi cái áo đầm kiểu, mà giá trị bán ngoài shop ít nhất cũng phải trên trăm đồng.

Vậy mà cầm $200 sau một tuần lễ làm việc ngắt ngư tôi cũng hớn hở vui mừng.  Cái khổ này nhằm nhò gì, ăn thua gì, làm sao sánh được với cái khổ nơi vùng kinh tế mới nước độc rừng thiêng chúng tôi đã từng trải qua trước đó. Cái quý giá nhất chúng tôi được hưởng bây giờ là bầu không khí tự do, muốn ăn muốn ngủ muốn đi đâu ở đâu, nói gì vung vít gì cũng không hề bị ai theo dõi dòm ngó.

Những tháng ngày sau 30 tháng Tư 1975, mấy người phu xích lô nghèo khổ ở gần nhà trước đó mẹ tôi thường giúp đỡ, cho mượn gạo mượn tiền, bấy giờ đứng lên làm phường làm tổ. Họ vênh mặt nhìn chúng tôi, mắng nhiếc là “đồ ngụy quân.”  Mỗi ngày đều có người đến nhà hù dọa, rằng nếu tình nguyện đi kinh tế mới sẽ tự chọn được nơi sống vừa ý, bằng không đến khi họ bắt buộc trục xuất thì sẽ đưa lên tận vùng núi cao xa khó sống.  Họ theo khủng bố tinh thần một thời gian dài, hết kêu đi họp ban đêm lại đi nhóm ban ngày, ngồi ngáp lên ngáp xuống mà nghe họ lãi nhãi về những chính sách “khoan hồng độ lượng” này kia, đến nỗi cuối cùng chúng tôi chịu hết nổi, phải bán ngôi nhà ở thành phố đất thật rộng, vườn sau thênh thang với những cây dừa cây ổi mát mẻ trái sai oằn, cho một người của bọn họ với cái giá rẻ mạc. Lớp thì bán đổ bán tháo lớp thì cho - vì khi ấy phương tiện đâu mà chở đi - tài sản trong nhà rồi dọn lên rừng, mua lại một cái chòi tranh vách đất thấp lè tè để ở, và mua một khoanh rừng để phát rẫy trồng sắn trồng khoai.

Ở trên rừng, ban đêm chúng tôi nhốt ba đứa con thơ trong mái nhà tranh lụp xụp cửa cài bằng tấm phên tre đó, hai vợ chồng đi tát nước tưới lúa. Nghĩ lại mà giật mình, nếu rủi khi ấy tụi nhỏ thức giấc không thấy cha mẹ, chúng đẩy cửa đi ra ngoài tìm kiếm thì sẽ gặp rắn rết thú hoang, rất nguy hiểm. Vốn từng là dân thành phố da trắng tóc dài, tôi nào biết tát nước gầu dây là gì.  Tát nước gầu dây múc nước từ dưới lòng suối kéo lên tưới trên rẫy bậc cao rất khó, phải làm đúng kỹ thuật đàng hoàng mới thành công được. Hai bên đầu dây phải đồng loạt vung gầu lên cao, rồi cúi gập người xuống thật thấp, đồng thời thả gầu xuống suối múc đầy nước, xong kéo lên thật nhanh và đổ ập vào rẫy hoa màu.  Phải làm liên tục, đều tay, và nhẹ nhàng thì nước mới nhanh đầy. Nếu một trong hai đầu gàu kéo và thả dây không đều, thì sẽ bị giật ngã. Nhiều lần tôi bị “đầu bên kia” lôi té nhào xuống suối. Chàng xã phải tập luyện cho tôi mất một thời gian tôi mới biết cách tát gầu dây. Nhiều khi tiết trời nắng nóng, suối cạn, chỉ tát một lúc là khô hết nước, chúng tôi phải chui vào lùm cây ngồi ngủ gà ngủ gật đợi nước lên chui ra tát tiếp, đến gần sáng mới về nhà.

Làm rẫy quá vất vả, nên nghe lời người ta xúi, chúng tôi đổ hết tiền vào mua mấy đám ruộng thật tốt làm ba vụ/năm để trồng lúa, dù cách đó hơi xa.  Thấy những người xung quanh đem xe Honda đổi ngang cho cán bộ lấy chiếc xe đạp đòn dông để thồ củi thồ rau - vì không tiền và cũng không thể mua xăng - chúng tôi cũng làm theo vì bỏ lâu không chạy sợ bị sét hư xe.

Một ngày, họ phát loa kêu gọi người dân ai có sổ gửi tiền tiết kiệm ngân hàng thì đem nộp để họ “giúp mở mật mã nhà băng” lấy tiền ra trả lại cho mình. Chúng tôi tưởng thật nên mừng rỡ, lật đật đem nộp hai sổ tiết kiệm gửi định kỳ của Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín. Thời đó, vì sợ tình hình chiến sự lộn xộn nên nhiều đồng bào, trong đó có tôi, đem tiền gửi nhà băng cho chắc ăn, vừa có tiền lời vừa khỏi sợ bị mất. Trong những ngày chiến sự căng thẳng ông xã có lệnh cắm trại luôn trong đơn vị, tôi ở nhà vác cái bụng bầu đi chen lấn rút tiền, bị người ta xô đẩy tơi bời mệt lả, mà đến chừng vô tới bên trong thì không rút được đồng nào, vì kỳ hạn chưa tới.  Người ở đây toàn là dân thành phố tới, nên ai cũng vui mừng và tràn đầy hy vọng khi đem sổ tiết kiệm tới nộp. Nhưng nộp sổ cho thôn trưởng xong là từ đó im re luôn, không hề nghe nhắc tới nữa. Rồi mấy đám ruộng tốt chúng tôi mua bằng cả gia tài và tiền bán nhà, sau khi làm được vài mùa thì bị sát nhập vào họp tác xã luôn. Thế là chúng tôi trở thành “người vô sản” đúng nghĩa.

Sống nơi khỉ ho cò gáy, vất vả đến thế mà đâu đã yên thân.  Thời kỳ mới “giải phóng,” những kẻ chiến thắng miền Bắc mang theo cách “đối nhân xử thế” thời 1945 vào xài cho dân miền Nam. Cơm gạo không đủ cho con ăn, nấu nồi cơm phải ghé độn một phần gạo hai phần sắn khoai khô xắt lát, thức ăn “cao lương mỹ vị” là xác mắm loại ngày trước người ta dùng cho heo ăn, đổ nước vào kho chấm rau rừng luộc. Thế mà người ta còn đem tới nhà một cái hũ và kêu mình mỗi lần nấu cơm thì bốc ra từ trong nồi một nắm gạo bỏ vào hũ để cuối tháng họ tới lấy đi ...nuôi quân! (Tôi thường nghe mẹ tôi kể lại là thời 1945 họ cũng làm y như thế.)

Kinh khủng hơn, tay thôn trưởng thường tập họp người dân lại, “dạy dỗ” phải làm thế này thế kia, mới đúng là người yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Tôi bị bịnh tim lớn giấy bác sĩ ghi rành rành, mà mỗi lần họp ông ta kêu đích danh nói mỉa nói mai, tôi là người “lớn tim to gan lớn mật” nên tránh né công tác! Mỗi nhân khẩu trong gia đình bắt buộc phải đi công tác mỗi đợt một tháng, lên tận vùng núi cao chặt cây rừng, dọn bom mìn để cho họ trồng trọt, và mỗi lần đi như vậy người ta phải tự mang lương thực theo ăn.

Lần đó tới lượt nhà tôi đi công tác. Tôi run sợ chuẩn bị lương khô cho anh mang theo, và dặn dò phải thật cẩn thận khi chặt cây cuốc đất vì sợ trúng bom mìn. Không ngờ vài tuần sau là tai nạn xảy ra cho nhóm công tác. Một người trong bọn họ đào bới thế nào mà một trái bom bi nổ tung gần nơi nghỉ ngơi ăn uống, làm chết hai người và bị thương bốn người khác. Nhà tôi rất may mắn, anh vừa đi khỏi chỗ đó vài phút trước nên thoát nạn.  Khi trở lại, anh nhìn cái võng của mình bị nhiều mảnh đạn ghim vào rách te tua mà hú hồn. Không xe cứu thương, không y tá cấp cứu, mọi người trong làng tự cứu lấy nhau, dùng võng khiên người chết và người bị thương chạy bộ từ trên núi xuống tới bệnh viện cũng mất nửa ngày. Nhà tôi hoảng quá bỏ trốn luôn không trở lại nữa. Về sau cả gia đình bỏ chạy về quê ở cùng với mẹ tôi, cho tới ngày ông xã tôi vượt biên.

Bây giờ mỗi lần nhớ lại những chuyện đó, tôi càng thấy thương và biết ơn ông xã vô cùng. Anh đã can đảm liều mình hy sinh, không ngại hiểm nguy với chuyến hải hành dữ nhiều lành ít, để cho gia đình được như hôm nay. 17 con người chất trên chiếc ghe câu nhỏ xíu, nước mém thành ghe. Trong cơn mưa biển gió to, con tầu nghiêng qua nước tràn vào, nghiêng lại nước ào vô, có thể chìm bất cứ lúc nào.  Mọi người xúm nhau tát nước và cầu nguyện theo cách đạo của mình.  Như được Hồng Ân dẫn dắt, tự dưng có hai chú cá voi vô cùng to lớn từ đâu hiện lên, bơi dọc hai bên mạn thuyền, nâng đỡ cho thuyền khỏi bị đắm. Hai “Ông” đã tận tâm đưa thuyền đi suốt một đêm mưa gió. Sáng ra biển êm sóng lặng thì hai Ông mới lặn đi.  Toàn ghe đội ơn và cảm kích cúi đầu vái theo cho đến khi hai Ông mất hút. Mọi người đã thoát khỏi chôn thân giữa biển là nhờ hai “Ông Cá Thần” đó.

Trong khi anh đang thập tử nhất sinh trên biển, thì tôi ở nhà bị công an phường đòi lên đòi xuống. Những nhà có thân nhân vượt biên đều được công an “mời” lên, rất “lịch sự” cho ngồi bệt dưới đất, sát cửa cầu tiêu ngập tràn mùi xú uế để viết lời khai, tường thuật lại mọi việc về người thân “mất tích” như thế nào, đi với ai...Mỗi ngày, cả tuần lễ, thấy không khai thác được tin tức gì từ cái đám xơ xác vì lo vì sợ cho chồng con vượt biên chưa biết bến bờ, nên cuối cùng họ thả về.

Trở lại chuyện shop may.  Bà chủ thật vô tâm hà hiếp ăn chận, trả công rẻ mạc. Tôi ngồi may suốt tuần cong cả lưng, mỏi cả cổ mà nhận được chẳng bao nhiêu tiền.  Có những lúc hàng vải hai mặt trái phải giống nhau, nhìn không ra nhưng sau khi may vào thì thấy rõ sự khác biệt.  Thế là tôi phải vác hết mấy trăm cái áo đầm về nhà, bắt chồng con thức cả đêm phụ tháo banh ra để hôm sau đem vào shop may lại.  

Một thời gian sau, những chị bạn lớn vợ HO qua trước cùng học trong trường Người Lớn (Adult  School) nghe tôi tâm sự, liền khuyên tôi đi học nghề làm móng (Nails). Ngày đó thi toàn tiếng Anh rất khó. Tôi đi may ở hãng về, ban đêm phải ngồi thức trắng dùng tự điển dịch từng chữ và ghi chi chít tiếng Việt dày đặc cả mấy quyển sách dạy Nails, và cố gắng “tụng” cho thuộc lòng những chữ tiếng Anh tên khoa học dài thòng của các con vi trùng và các chứng bệnh về móng.

May mắn tôi đã vượt qua được những vất vả, và đậu bằng Nails ngay lần thi đầu tiên.

Không ngờ cái nghề “nghe chẳng mấy hấp dẫn” này lại là nấc thang cho gia đình tôi gặt hái ước mơ.  Tôi vừa đi làm cho người ta, vừa lo cho ba thằng nhóc ăn học. May mắn mấy đứa con biết cha mẹ mới qua còn nghèo nên chịu khó học hành chăm chỉ, thường mang về khoe bằng khen và những xuất học bỗng làm ấm lòng cha mẹ. Khi chúng chuyển lên đại học UC học trường xa, mỗi cuối tuần tôi làm thật nhiều thức ăn, tụi nhỏ về mang lên trường chia ra từng bịch zip bỏ vào ngăn đá ăn cả tuần. Hết thì tuần tới về lấy tiếp.

Sau vài năm làm thuê để cho chủ nặng nhẹ sai bảo, và đồng nghiệp ganh tỵ giật giành, tôi có đủ kinh nghiệm và tay nghề để sang lại một cái shop nails. Từ đó kinh tế ổn định, chúng tôi có thể thong thả lo cho mấy đứa con ăn học và giúp đỡ gia đình, thân nhân, và bà con nghèo ở quê nhà. 

Khi hai thằng con lớn tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, vợ con nhà cửa đàng hoàng, thì thằng út cũng tốt nghiệp và được Google nhận. Tôi cảm thấy thong dong, chợt trong tôi bùng lên một sự khát khao được đi học lại, dù tuổi đời cũng đã trên ...năm bó. Tôi xin ông xã cho tôi vừa đi làm vừa đi học, hứa sẽ chu toàn mọi việc ở shop, miễn sao chàng chịu khó phụ giúp việc nhà để tôi có thì giờ làm bài tập.  

Xin phép được lan man trở về quá khứ một chút. Ba tôi ngày xưa là thầy giáo Pháp Văn.  Tôi là đứa con gái rượu được ba cưng vô cùng, nên mỗi lần ba hỏi lớn lên con làm gì tôi luôn trả lời lớn lên sẽ làm cô giáo dạy học như ba.  Và ba tôi vui ghê lắm. Dù đó là những câu nói của đứa con nít ba bốn tuổi, tôi lại ghi nhớ mãi trong lòng.

Bất hạnh thay, khi tôi lên năm thì ba tôi mất. Rồi chiến tranh tàn ác xảy ra đã khiến cho một đứa bé phải đối mặt với những sự khủng khiếp kinh hoàng. Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến cái chết thảm của người dượng tài hoa, chồng bà dì ruột mà tôi yêu quý. Dượng là một võ sư hiền đức. Nghe mẹ tôi kể lại, ngày trước khi từ xã khác đến làng tôi làm quen với dì Năm, dượng đã phải trải qua cuộc thi đấu cùng một võ sư trong làng, người cũng đang ngắm nghé dì. Cuộc thách đấu là bưng một vò nước đầy và nhảy qua khỏi mái nhà tranh của nhà người hàng xóm.  Dượng Năm tối hôm ấy rất oai phong trong bộ bà ba trắng, quần dài lượt thượt, hai tay bưng vò nước đầy, nhón chân lên và phóng qua khỏi nóc nhà ông Hai cạnh nhà tôi rồi đáp xuống đất an toàn, không đổ ra một giọt nước nào. Phần người thách đấu đã nhảy qua không khỏi mái nhà nên bị té lộn cuội xuống đất, vò nước bể tan tành. Chuyện này tôi đã có lần kể trong một bài viết trước đây.

Có lẽ vì dượng Năm quá giỏi võ mà sau này bị người ta giết khi chiến tranh lan tràn. Người ta nói bởi họ sợ dượng chống đối vì dượng quá giỏi.  Vào một đêm “những người bí mật” có võ trang gõ cửa nhà dì, giả bộ lịch sự mời dượng ra sân “bàn chút chuyện” và rồi bất ngờ bắn chết dượng từ phía sau lưng.  Người dân ở đó nói, nếu dượng Năm biết sẽ bị bắn, thì một mình dượng dư sức quật ngã hết nhóm người sát nhân đó và cướp súng rồi chạy đi. Tôi theo mẹ đến thăm dượng. Nhìn bà dì oằn oại khóc than, nhìn xác chết đẫm máu của dượng nằm trên sân, mẹ và tôi cùng ôm nhau khóc. Tôi rất thương dượng nên khóc suốt trên đường về, mắt mũi tèm nhem, và tôi đã bước nhầm sụp chân xuống một con mương, xém chút nữa thì bị trôi ra sông nếu không có người đi ngang qua cứu giúp.  Cái chết của dượng Năm ảnh hưởng đến tâm trí đứa bé tôi một thời gian rất dài, cho đến bây giờ lâu lâu tôi vẫn còn gặp ác mộng.

Khi chiến tranh lan rộng, bom đạn cày xới cả thôn làng, trường lớp cũng tan tành, tôi phải theo mẹ chạy loạn định cư từ nơi này qua chốn khác. Về sau, dù sự nghiệp chưa đến đâu, tôi đã bị một chàng Không Quân “dụ dỗ” nên xách gói sang nhà người ta sớm. Thế là giấc mơ làm cô giáo tan tành theo mây khói.  Bây giờ được sống trên đất Mỹ đầy cơ hội, tôi quyết chí phải “học bù!”

Nghe tôi nan nỉ ỷ ôi, “Ngày trước anh học nhiều rồi, bây giờ chịu khó nấu cơm giùm để em đi học lại,” chàng xã gật đầu ngay. Và tôi vội vã đi làm thủ tục nộp đơn vào college, vì sợ để lâu chàng đổi ý thì khổ. Sau khi hoàn tất các thủ tục ghi danh, tôi đến trường vào giữa mùa Spring để thi xếp lớp cho mùa Fall sắp tới.

Đó là một ngày không thể nào quên. Ngày đầu tiên vào trường Delta College với tư cách là một sinh viên chính thức, tôi cảm thấy hạnh phúc vô vàn.  Khuôn viên của trường quá đẹp, quá rộng lớn, hoa đào nở rợp trời, bát ngát một mầu hồng phấn lung linh trong nắng.  Tôi hạ cửa kính xe xuống, ngọn gió xuân nhè nhẹ thổi vào xe mơn man trên tóc, làm tôi thích thú hít vào phổi từng luồng không khí trong lành. Bãi đậu xe thênh thang, rải rác đó đây là những trụ máy trả tiền. Tôi chọn đậu xe trong cái ô bên trái một cây anh đào cao lớn dày đặt những bông, bên phải là cây trụ trả tiền, để khi ra về dễ kiếm. Bỏ tiền vô máy, tôi rút tấm thẻ gắn vào xe, nhìn kỹ lại một lần để ghi nhớ rồi mới vô trong.  Vai mang cặp bước đi nhún nhẩy, tôi no mắt ngắm nhìn từng cụm hoa đào trên đường đi, và bỗng chốc có cảm giác như mình là một nữ sinh viên 20 tuổi trẻ trung tràn đầy sức sống.

Thi xong tất cả các môn, tôi ra về lòng thích thú vì đã hoàn thành khá tốt. Môn toán nhờ họ cho dùng máy tính nên tôi làm tạm được, còn các môn khác đọc, nghe, viết, nói, thì chưa biết kết quả thế nào, nhưng đó cũng là bước đầu suôn sẻ. Tôi nhảy chân sáo xuống lầu trên đôi giày gót nhọn điệu đà mang trong ngày đầu vào lớp, mà không hề thấy chút đau chân.  Đẩy cánh cửa sắt nặng trình trịch, tôi thơ thới bước ra ngoài bãi đậu xe. Vừa tới gần cây hoa anh đào lớn có cái trụ trả tiền, tôi thấy một chiếc xe màu xanh đậm giống xe tôi chạy vụt thật nhanh ra khỏi bãi.

Khi tôi đến chỗ đậu xe của tôi thì ô kìa, trời đất ơi, tôi run bắn lên.  Chỗ đậu xe còn đây, cây anh đào còn đó, trụ trả tiền vẫn bên kia, nhưng chiếc xe của tôi đã biến đi đâu mất!

Vừa chạy hớt ha hớt hải, hết quay bên trái sang bên phải kiếm tìm, trong bụng tôi kêu khổ thầm. Hay là chiếc xe tôi đã bị tay trộm đánh cắp chạy ra khỏi parking mà tôi vừa thấy. Tôi chạy quanh tìm kiếm như một người quẩn trí và vấp phải cái rễ cây nên tôi ngã nhào xuống đất. Những thứ lỉnh kỉnh trong cặp văng ra tung tóe. Tôi ngồi xuống vừa lượm vừa khóc mếu máo mắt vẫn nhìn quanh. Bỗng đâu có một xe cảnh sát ngừng xịch trước mặt.  Người cảnh sát bước xuống và hỏi:

“Why are you crying?”  Tại sao bà khóc?

“My...car...car...is...is... stolen! (Xe tôi đã bị ăn cắp!) Tôi trả lời lắp bắp trong tiếng khóc.

Ông cảnh sát nói một tràng dài, nhưng tôi nào có hiểu gì đâu. Cuối cùng ông ta mở cửa xe ra dấu cho tôi bước lên, kèm theo ngón tay chỉ chỉ qua những bãi đậu xe bên kia hàng rào.  À thì ra ông muốn giúp chở tôi qua đó tìm.  Tôi bước lên phía sau xe cảnh sát, và ông chạy vòng vòng một hồi quanh các bãi đậu xe. Thình lình, tôi thấy chiếc xe màu xanh của tôi đậu ngay bên cạnh cây hoa anh đào lớn, và bên trái là một trụ tính tiền, y hệt như chỗ lúc nãy tôi ngồi khóc.  Bất ngờ mừng... hết lớn, và theo phản ứng tự nhiên, tôi đập mạnh vào sau ghế của ông cảnh sát, miệng thì la lên bằng... tiếng Việt:

“Cái xe của tôi! Cái xe của tôi kia rồi!”

Người cảnh sát chắc chắn là không biết tôi nói gì, nhưng ông cũng ngừng lại cho tôi xuống. Và khi thấy tôi chỉ trỏ vào chiếc xe, ông lắc đầu cười cái kiểu bó-tay-cho-sự-ngớ-ngẩn của tôi, rồi chạy vụt đi. Đến giờ tôi mới biết, tất cả các bãi đậu xe và các cổng vào lớp học của trường Dalta College đều giống hệt nhau, và tôi đã ba chớp ba nhoáng bước ra ...nhầm cửa.

Trên đường lái xe về nhà, tôi thấy xe ông xã chạy bên ngược chiều nên bấm còi cho ông thấy. Tôi vừa về nhà, đậu xe bước xuống thì anh cũng vừa về tới.
Thấy tôi về, bà Mỹ trắng cạnh nhà vội chạy ra định nói gì đó. Nhưng khi ông xã tôi bước ra khỏi xe thì bà bỗng phá ra cười. Bà cười thật to, cười lắc lư, cười nghiêng ngửa, rồi vừa cười vừa chỉ vào ông ấy:

“Look at him!” Nhìn anh ta kìa!

Tôi nhìn theo tay bà, và tôi cũng không thể nhịn được cười. Hai người chúng tôi cùng cười gần... lăn quay xuống đất.  Hôm nay là ngày shop đóng cửa, hình như ông ấy mới đi đâu về, quần tây áo sơ mi trắng chỉnh tề. Nhưng nhìn xuống dưới chân, thì một chân chàng mang chiếc sandal còn chân kia mang chiếc dép lông nhung trắng dùng trong phòng ngủ!

Thì ra con gái bà hàng xóm cũng học cùng trường Delta với tôi. Khi cô bé ra xe và thấy tôi đang “bị” người cảnh sát “áp tải” lên xe nên tưởng tôi bị cảnh sát bắt, vội chạy về nói với mẹ. Bà ấy sang nhà cho ông xã tôi biết, và ông ấy sợ đến hoảng hồn nên vội vã xỏ chân nhầm dép mà không hay.
 “He’s so cute!” Anh ta dễ thương gì đâu! Bà Mỹ nói khi ngưng cười.

Được cơ hội trở lại trường, tôi thật hạnh phúc không gì bằng.  Tôi mãi mê học không nghỉ một buổi nào, dù bất kể ngày nắng hay tháng mưa.  Đi làm toàn thời gian, và tôi đi học cũng toàn thời gian.  Mỗi mùa tôi lấy hai lớp ban ngày trong ngày thứ Hai shop đóng cửa. Hai lớp buổi tối trong tuần, thì 6 giờ chiều giao shop lại cho ông xã và thợ, tôi mang cặp lái xe chạy đến trường.

Trường cách chỗ tôi làm hơn hai chục phút chạy freeway.  Những lúc đông khách tôi làm ra trễ không kịp ăn, thì bưng theo một tô cơm, vừa lái xe vừa xúc ăn cho đỡ đói.  Tôi luôn hấp tấp lật đật như vậy, và có một lần làm xong người khách cuối thì đã gần đến giờ đi học.  Sợ trễ vì hôm ấy có cuộc thi giữa học kỳ nên tôi vội vã chạy đến vượt quá tốc độ.  Và tôi bị cảnh sát thổi.  Hoảng quá tôi mếu máo “tả oán” với ngài cảnh sát, nào là vì tôi đi làm ra trễ, nào là sợ mất kỳ thi giữa học kỳ phải bỏ cả semester sẽ lỡ dịp transfer lên UC... và vừa nói tôi vừa lục đưa ra tờ chương trình học có ngày giờ buổi thi, van xin cho ông thông cảm.  Không ngờ người cảnh sát tử tế đã đồng ý tha cho tôi đi mà không hề đưa giấy phạt. Thật là hú vía.

Là một sinh viên “nhỏ người lớn tuổi” trong hầu hết các lớp, nhưng tôi không hề mặc cảm tí nào. Biết mình may mắn có cơ hội bằng vàng, tôi học rất chăm chỉ nên các bạn cùng lớp dù Mỹ hay người nước khác, đều thích và chơi thân với tôi bằng những tấm chân tình quý mến. Sinh viên trẻ vốn ham chơi lười học, họ thường bầu tôi làm nhóm trưởng (Group leader) mỗi khi lớp có những dự án (Project) nào cần thực hiện, để tôi lo việc tìm kiếm những nơi đến tham khảo. Thí dụ như khi làm dự án về nước sạch trong lớp Môi Trường, tôi gọi tới thành phố xin họ cấp phép cho viếng cơ sở lọc nước thải của thành phố. Tôi đã đến phỏng vấn người giám đốc điều hành, và chụp hình các công đoạn lọc nước thải từ các ống cống chảy vào nhà máy, rồi lọc thành nước sạch để bảo vệ môi trường.  Nhờ chuyện “người thật việc thật” nên Project của nhóm chúng tôi đã đạt được điểm tối ưu làm mọi người vui lắm. Từ dưới college cho đến lên trên UC tôi cũng thường được đề cử cho những cái “job” thực tế như vậy. Chỉ tội cho nhà tôi, đi làm về là tôi chúi đầu vào máy, thức đến nửa khuya làm bài, nộp bài, quên ăn bỏ ngủ, bỏ... quên luôn chàng, nên anh phải giúp hết mọi việc trong nhà mà không hề có chút than van.
Học ngành Giáo Dục Nhi Đồng (Early Childhood Education), tôi rất yêu nghề, yêu các em bé nhút nhát, những em bị tự kỷ không biết giao tiếp hay không chịu nói năng. Trong những học kỳ đi dạy thực tập, gọi là internship, tôi áp dụng những gì mình học được, tích lũy được, để chăm sóc các em.  Tôi đã giúp những em bé tự kỷ yêu đời yêu người hơn, và cuối cùng các em chịu mở miệng nói, làm cho phụ huynh mừng lắm.  Điều này được người hướng dẫn các khóa dạy thực tập ghi vào hồ sơ mãn khóa, là tôi đã tạo ra được kỳ tích với nhiều học sinh, và bà còn đặc biệt viết thư giới thiệu để tôi xin việc làm được dễ dàng.

Người Mỹ có câu “Hard work always pays off.” Làm việc chăm chỉ sẽ gặt hái kết quả tốt. Cuối  cùng rồi ngày ấy cũng đến.  Tôi vui mừng mời các con, các cháu nội, cùng tất cả bạn bè Mỹ Việt đi Sacramento dự lễ tốt nghiệp của một Tân Cử Nhân đang bước vào hàng... sáu bó.

Ném chiếc mũ lên không trung, tôi xúc động vô vàn, cảm giác như mình đang chắp cánh bay cao...

Sau khi hoàn tất việc học, tôi bàn với ông xã bán lại Shop Nails rồi nộp đơn xin đi dạy. Dù xin làm cô giáo khi đã sắp... già, tôi vẫn thấy mình hạnh phúc vô bờ.  Trễ còn hơn không. Tôi đã làm tròn lời hứa với người cha thương yêu, và hoàn thành ước mơ của tôi, điều mơ ước tôi mang canh cánh bên lòng hơn nửa cuộc đời mới thực hiện được.

Hạnh phúc hơn nữa, trong thời gian ở đại học, tôi cũng hoàn thành được điều mơ ước thứ hai – quan trọng không kém – đó là niềm đam mê văn chương.  Tôi đã học và lấy được một số chứng chỉ về sáng tác (Diploma of Creative Writing) và hoàn thành nhiều chương trình văn học Anh Ngữ khác.  Tôi học sáng tác bằng tiếng Anh, nhưng tôi đem áp dụng khi viết văn tiếng Việt kết hợp với đạo đức và văn hóa Việt Nam.  Và kết quả thật diệu kỳ, tôi đã nhận được nhiều giải thưởng văn học Việt vô cùng giá trị.

Sau cùng, tôi vô vàn cám ơn nước Mỹ nhân từ đã chắp cánh cho tôi hoàn thành ước mơ.

Quan trọng nhất, cám ơn Việt Báo Viết Về Nước Mỹ đã cho tôi cơ hội rèn luyện ngòi bút.  Cũng nhờ chương trình VVNM của Việt Báo tiếp sức, tôi mới có động lực sáng tác nhiều thêm để có được những Tuyển tập Truyện ngắn và những Tuyển tập thơ hiện giờ được lưu trong thư viện Quốc Gia Hoa Kỳ, và một số bản thảo còn đang trên đường hoàn thiện, kể cả một quyển truyện dài bằng Anh Ngữ tựa đề “Waiting” tôi còn đang viết.

Và lời cám ơn đặc-biệt-nhất này, xin dành riêng cho chàng xã, chàng “người dưng khác họ” của tôi, người đã có công chắp cánh cho tôi bay vào thế giới học đường Mỹ khi tuổi đời tôi không còn trẻ nữa. Và sau khi tôi về nghỉ hưu thì chàng hết lòng ủng hộ cho tôi theo đuổi niềm đam mê viết lách mà không hề có chút phàn nàn.  Điều này cũng là động lực rất lớn giúp cho sự sáng tác của tôi tuôn chảy mãi không ngừng. 

Phương Hoa – tháng 7, 2022
 

Ý kiến bạn đọc
30/09/202203:15:05
Khách
Cám ơn các bạn động giả:
TlyB, Thanh Mai, Nguyen Tran, Nguyen Hưng, và Kim Dung đã đọc bài viết và để lại những lời comments ủng hộ.

Kính chúc tất cả quý bạn và quý độc giả luôn được vạn an

P. Hoa
26/09/202215:00:28
Khách
Cám ơn Phương Hoa cho đọc một bài viết quá hay! Thật là ngưỡng mộ Tác Giả. Bà giáo Phương Hoa "nhỏ người, lớn tuổi" mà giỏi lắm luôn🌷
Ptkd
26/09/202201:05:30
Khách
Một bài viết hay thuật lại những ngã rẽ cuộc đời không định trước của tác giả sau Tháng Tư Đen 75 .
25/09/202204:53:57
Khách
"Là một sinh viên “nhỏ người lớn tuổi” trong hầu hết các lớp, nhưng tôi không hề mặc cảm tí nào ". Trích.
Hãy nhìn kia nữ tổng thống Đài Loan Tsai Ing-we tuy thấp người thế nhưng không hề nao núng đương đầu với tên đế quốc đầu sỏ Tập cân Bình, bà đã làm cho thế giới nể phục.

Bài viết hay quá. Gương phấn đấu chống các nghịch cảnh xảy ra sau ngày mất nước và trong cuộc sống mới hội nhập ở Mỹ và ý chí bền vững quyết thỏa mãn ước vọng trở thành nhà giáo của tác giả thật là đáng ngợi khen.
25/09/202200:52:41
Khách
Phục chị hết sức. Vừa có trí vừa có chí là tha hồ bay xa!
24/09/202217:38:26
Khách
Hay quá cô ơi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)