Hôm nay,  

Hạnh Phúc Ngang Đời

09/07/202100:00:00(Xem: 7281)

 

HINH VIET VE NUOC MY
Hình tác giả cung cấp.


Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm, hiện là cư dân Dayton, Ohio. 


***


“...Ôi thôi đời ta phung phí trong cơn buồn phiền….Ô hay tại sao ta sống chốn này, quay cuồng mãi hoài có gì vui.  Có một lần mất mát, mới thương người đơn độc.  Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu.  Qua dầm dề mưa tuyết, mới vui ngày nắng về.  Có một thời khóc than mới hiểu...đời đá vàng!... Xuống tận cùng dưới đáy thấy mênh mông rộng cõi trời.  Hãy mở lòng chúng ta đón nhận biển tình yêu…Hãy cảm tạ biết ơn…” (Đời đá vàng của Nhạc Sĩ Vũ Thành An)
 
Sáng nay đang suy tư, chìm đắm trong tiếng nhạc tình ca thì vợ tôi bước ra phòng khách và bật TV xem tin tức.  Thấy trên màn hình chiếu các hình ảnh tối hôm qua; Ngày 02 Tháng 06 Năm 2021, dân chúng vui mừng tháo khẩu trang quăng vào những thùng sắt đang ngùn ngụt lửa đỏ trước các nhà hàng, thấy lạ!  Vâng, đó là ngày Ohio “mở cửa,” quyết định gỡ bỏ lệnh đeo khẩu trang bắt buộc tại các nơi công cộng khi tình hình dịch bệnh đang giảm dần nhờ chính quyền của tân Tổng Thống Biden gia tăng thúc đẩy các biện pháp chích ngừa trong dân chúng.   Nhìn mọi người reo hò sung sướng, những ánh mắt hân hoan rực sáng, những nụ cười rạng rỡ trên môi vì được tự do trở lại sau hơn cả năm dài u ám vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành tôi mới thấy thấm thía làm sao lời ca trong bài “Đời đá vàng” của Nhạc Sĩ Vũ Thành An.
 
Cả nhân loại có lẽ ít ai ngờ được rằng năm vừa qua nước Mỹ rơi vào khủng hoảng trầm trọng trên mọi lĩnh vực và đỉnh cao là dẫn đầu thế giới về tỉ lệ tử vong do dịch bệnh.  Câu hỏi được đặt ra vì sao một cường quốc có nền văn minh tột bực, y tế tiên tiến, khoa học kỹ thuật đứng vào bậc nhất trong các quốc gia giàu có tiến bộ như thế mà lại không ngăn chặn được bệnh tật?
 
Câu trả lời đầu tiên mọi người đều biết mà biết không hết là chính trị.  Đầu năm 2020 Hoa Kỳ chuẩn bị cho mùa bầu cử Tổng Thống Thứ 46, đương kim tổng thống lúc bấy giờ là Ông Donald Trump không muốn quan trọng hóa bệnh Covid-19 này vì sợ ảnh hưởng đến chiến dịch tái tranh cử của mình trong cuộc chạy đua tranh chức tổng thống cho nhiệm kỳ bốn năm sắp tới nên cho đó là một loại cảm cúm thông thường trong khi ấy đảng đối lập là Đảng Dân Chủ thì rất quan ngại, lo sợ dịch nguy hiểm này phát tác mạnh khi chưa có thuốc chữa nên lại hô hào mọi người đeo “mask,” đứng cách xa nhau “6 feet” để tránh lây lan.  Chuyện đấu khẩu giữa hai đảng với tổng thống càng ngày càng gay gắt!  Phía Cộng Hòa và Ông Trump cho rằng Đảng Dân Chủ làm to chuyện nhằm hạ uy tín tổng thống, mãi đến đầu Tháng 03, 2020 khi số người bị lây nhiễm gia tăng, số người chết hằng ngày mỗi lúc một nhiều thì lúc bấy giờ tổng thống mới bắt đầu lên tiếng thực hiện một số giải pháp cầm chừng thì xem ra đã muộn!
 
Đầu tiên khi Bác Sĩ Fauci cùng các chuyên gia y tế cảnh báo số người bệnh lên hơn cả ngàn ca nhiễm mỗi ngày trên toàn quốc thì dân chúng và ngay cả một số chính khách bên Cộng Hòa lại hoài nghi, giễu cợt cho rằng con số đó là ảo do Dân Chủ thổi phồng lên.  Đến khi số người bệnh gia tăng vùn vụt, và tỉ lệ người chết được báo cáo liên tục hằng giờ, hình ảnh các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, những bác sĩ, y tá làm việc quần quật, kiệt sức đến độ ngã lăn ra ngủ khắp hành lang hay bất cứ nơi nào có thể ngả lưng được làm mọi người bắt đầu sợ hãi.  Và lúc khẩu trang N90 không còn, máy trợ thở không đủ, cần viện trợ khẩn cấp thì Hoa Kỳ thực sự rơi vào khủng hoảng. 
 
Các biện pháp phong tỏa những thành phố, hạn chế đi lại từ các khu vực có số lượng bệnh nhân cao nhằm tránh lây lan, đeo khẩu trang bắt buộc được chính quyền đề cập, mang ra bàn thảo khiến mọi người hoảng loạn.  Những tổ chức dân quyền, những cá nhân, hội đoàn tranh đấu bảo vệ “quyền tự do cá nhân” xuống đường phản đối mạnh, tạo ra xung đột.  Chính trường Mỹ biến động trong cảnh “trống đánh xuôi,kèn thổi ngược!”  Xã hội rơi vào rối loạn khi những mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết như giấy đi cầu, nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang, nước uống, giấy vệ sinh...được dân chúng vét sạch.  Bước vào các cửa hàng lớn như Costco, Walmart, Drugmart...nhìn những giá để hàng trống trơn, đồ đạc rơi vãi tứ tung trên sàn nhà người ta thêm hoang mang sợ hãi.  Có trông thấy cảnh dân chúng chất đồ đầy trên các xe đẩy đứng nối đuôi nhau thành những hàng thật dài chờ thanh toán tiền mới thấy được mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh tới độ mà cuối cùng các cửa hàng buộc lòng phải đưa ra số lượng mua giới hạn để tránh sự thu gom để người tiêu thụ có hàng hóa tiêu dùng lúc khan hiếm trong việc bảo đảm cho sự phân phối được công bằng hơn. 
 
Ngày 17 Tháng 03, 2020 tại Ohio; nơi tôi đang ở, Thống Đốc Mike DeWine ra lệnh đóng cửa các dịch vụ dễ lây lan do tiếp xúc gần như tiệm tóc, tiệm nails, cơ sở massage, nhà hàng hoặc những trung tâm tập thể dục, cơ sở hoạt động của các hội đoàn, đoàn thể tôn giáo như nhà thờ, chùa chiền, nhà trẻ, trường học vì dịch bệnh gia tăng.  Nhiều hãng xưởng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ thương mại lớn bị phá sản sau đó.  Học sinh phải học “online” làm cho nhiều em rơi vào tình trạng tù túng, cảm giác bị cô đơn, cô độc đưa tới khủng hoảng tinh thần, trầm cảm, rối loạn tâm sinh lý... Rồi lệnh cấm hội hè, tụ tập đông đảo trên hai mươi người tới mười người, năm người và sau hết là ba người được ban hành.  Cuối cùng là yêu cầu hạn chế gặp nhau thăm viếng, cấm ra đường nếu không cần thiết làm cho ông bà dù có thương nhớ con cháu đến mấy vẫn không thể gặp mặt lần lượt được thực hiện trên toàn quốc!  
 
Trước tình thế thập phần nguy nan này, người lao động nghèo gặp nhiều khó khăn vì không có “income,” chính phủ đã phải tung ra nhiều đợt trợ cấp tiền để mọi người sinh sống, cứu vãn nền kinh tế Mỹ.  Nhưng rồi không đủ ngân sách để đóng cửa mãi, chính quyền sau cùng cũng đành phải cho một số dịch vụ tái hoạt động với các biện pháp bắt buộc như đeo khẩu trang, đứng cách xa nhau “6 feet,” hạn chế số lượng người trong tiệm để tránh lây nhiễm.  Nhà hàng thì chỉ bán “to go” chứ không cho thực khách ngồi ăn trong quán khiến cho dịch vụ giao hàng tận nhà của Doordash, Grubhub.. phát triển mạnh, tạo công ăn việc làm tạm thời cho một số người cần kiếm thêm thu nhập. 
 
Tình trạng này kéo dài cả năm hơn đưa tới vô số phố sá, thành phố ở Mỹ trở nên vắng vẻ, quạnh hiu như những thành phố ma.  Cả trăm năm qua Hoa Kỳ chưa bao giờ lâm vào cảnh này, tình thế trớ trêu, hiểm họa chết chóc luôn rình rập trên từng con phố, trong từng con người khiến nước Mỹ lao đao, dân chúng điêu đứng.  Đang khi đó dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành ngày một dữ dội hơn. Nhìn cảnh tượng ông bà cha mẹ trong viện dưỡng lão trông con cháu tới thăm qua những cửa sổ mới thấy thật là buồn hay người thân hấp hối trong bệnh viện mà gia đình chẳng được phép vào chỉ nhìn nhau qua màn hình của mấy chiếc điện thoại di động bé xíu mới đớn đau hoặc thân nhân qua đời trong cô liêu vì gia đình không được phép tiễn đưa mà nghe lắm chua cay, đoạn trường.  Vào mùa đông, tuyết giá phủ đầy, đường sá nhòe nhoẹt, thành phố trở nên xám xịt làm cuộc sống thêm ảm đạm, cõi đời bấp bênh hơn dưới thời đại dịch!
 
Đến hôm nay thì nhiều tiểu bang cũng nối gót theo Ohio tháo gỡ lệnh bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng.  Ai cảm thấy muốn đeo thì đeo không đeo cũng không sao.  Các công sở, cửa hàng cũng cùng nhau thực hiện nới lỏng phong tỏa để đưa xã hội trở lại bình thường. Tuy nhiên vẫn còn nhiều xung đột đáng buồn xảy ra về chuyện đeo khẩu trang khi mới đây tại một tiệm tạp hóa ở Georgia lại xảy ra vụ một khách hàng bắn chết cô thu ngân viên khi cô này yêu cầu anh ta mang khẩu trang và làm bị thương cô thu ngân viên kế bên dẫn tới việc bảo vệ cửa hàng phải đấu súng với anh ta để bảo vệ khách hàng khiến cả hai cùng bị thương!
 
Hiện theo thống kê của CDC thì con số người tử vong vì dịch Covid-19 ở Mỹ đã vượt quá sáu trăm ngàn người và cả thế giới là hơn ba triệu tám trăm ngàn người nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt bởi các biến thể phức tạp của loài “virus” mới.  Trong lúc Mỹ và Châu Âu bắt đầu kìm hãm được bệnh dịch thì nó lại bùng phát mạnh ở Châu Á nhất là Ấn Độ, quốc gia có hàng ngàn người chết mỗi ngày, khiến cho các chính phủ nơi đó phải vất vả đối phó và tính mạng của người dân lại bị đe dọa trầm trọng.  
 
Đứng trước tình trạng bi thương ấy nhiều chính phủ và Mỹ đang cùng với tổ chức WHO cố gắng truy tìm lại nguồn gốc của bệnh dịch này.  Từ lâu qua truyền thông báo chí, ai cũng biết Covid-19 bắt nguồn từ Wuhan; một thành phố có ngôi chợ chuyên bán động vật hoang dã, thú rừng sống, ở Trung Quốc.  Nhưng một giải thuyết vô cùng quan trọng khác đã không ít lần được nhắc đến là dịch này bị lọt ra do sự tắc trách của các chuyên viên làm việc ở một phòng thí nghiệm của Wuhan.  Bên cạnh ấy tình báo Mỹ cũng đôi lần tỏ ra nghi ngờ Trung Quốc đã dùng căn bệnh này đưa vào Mỹ như cuộc chiến tranh sinh học để phá hoại! 
 
Tuy còn nhiều vấn để vẫn phải tranh cãi và giải quyết trong tương lai nhưng giờ đây dân chúng Mỹ cảm thấy an tâm hơn khi đã được chủng ngừa đầy đủ.  Họ cần phải ra ngoài sau một thời gian dài bị cách ly để giải tỏa tâm lý bị ức chế nhất là cho con hoặc cháu họ; những đứa trẻ trong tuổi vị thành niên đang bị khủng hoảng tinh thần, nên mùa hè năm nay ngành du lịch bộc phát mạnh trở lại, các phi trường chật kín hành khách đến và đi, phòng ốc trong những khách sạn hết sạch nếu thuê mướn chậm trễ.
 
Hòa trong hoàn cảnh chung ấy gia đình tôi cũng làm một chuyến đi chơi gần là sang Gatlinburg ở tiểu bang Tennessee sát bên, quê hương của Elvis Presley; vua nhạc “Rock and Roll” lừng lẫy một thời cho khuây khỏa đôi ngày.  Tiếng là nói đi chơi gần nhưng chúng tôi cũng phải mất gần sáu giờ đồng hồ lái xe suốt quãng đường dài 343.7 miles trên I-75 S tuy nhiên vì khởi hành vào ngày thứ sáu cuối tuần nên chúng tôi mất gần mười giờ đồng hồ do nhiều đường lộ đang sửa chữa, mưa gió và nạn kẹt xe vì người đổ xô tới đó quá nhiều. 
 
Chúng tôi quyết định ăn tối trong khách sạn với các thức ăn mang theo và nghỉ ngơi sau hành trình một ngày dài mệt mỏi.  Sáng hôm sau trong lúc vợ con còn say nồng thì tôi đã lặng lẽ ra đứng ngoài hành lang trong không khí trong lành, không gian êm ả của núi rừng tôi cảm thấy khoan khoái.  Cảm giác thanh bình, dễ chịu đã phần nào xoa dịu sự căng thẳng của dịch bệnh, của cuộc sống.  Nơi đây tôi có thể sống chậm lại với thời gian, ngồi tít trên cao, nhấm nháp trà thưởng thức phong cảnh thiên nhiên hữu tình vào buổi sáng tinh mơ khi sương còn giăng mờ trên đỉnh Smoky Mountain, lóng tai lắng nghe tiếng chim hót đầu ngày, nhìn các chú vượn, chú khỉ liệng người từ cành cây này sang cành cây kia một cách thích thú. 
 
Đêm thứ hai vợ chồng con cái chúng tôi lang thang thả bộ xuống phố, ghé vào nhà hàng Bubba Gump Shrimp Co. ăn tối.  Đây là nhà hàng nổi tiếng mà nếu ai từng mê nghệ thuật Thứ Bảy, có xem qua phim Forrest Gump sản xuất vào năm 1994 do tài tử lừng danh Tom Hanks thủ vai chính, đều muốn đến vì trong nhà hàng này có trưng bày rất nhiều hình ảnh của anh, của phim được sáu giải Oscar với nhiều giải thưởng giá trị danh giá về văn hóa, lịch sử, điện ảnh, nghệ thuật thẩm mỹ khác của năm!  Chúng tôi phải ghi danh và đứng bên ngoài chờ đợi hơn bốn mươi phút mới được gọi vào.  Và sau khi ngồi vào bàn hơn ba mươi phút nữa đồ ăn mới được bưng ra.  Trong thời gian này tôi quan sát thấy nhiều bàn xung quanh rất đông người.  Có bàn trên cả mười người với đủ nam, phụ, lão, ấu.  Họ chuyện trò ồn ào làm cho không gian của nhà hàng như lay động theo những tiếng cười nắc nẻ, rộn ràng niềm vui ấy.  Tôi đọc thấy nét rạng rỡ trên gương mặt của một ông cụ già, nụ cười sung sướng hiếp cả mắt của bà cụ ngồi cạnh bên khi đứa cháu gái bé bỏng sà vào người bà.  Bà ôm nó vào lòng hôn lấy, hôn để.  Nhìn cảnh tượng ấy tôi thấy “ôi, hạnh phúc làm sao một đại gia đình đoàn tụ sau thời bệnh hoạn!”  
 
Vợ tôi sốt ruột vì đói nên bắt đầu ta thán:
  • Lâu quá!
  • Chờ một tí mẹ ơi.  Mẹ có biết tại sao tối nay đông quá không?
 
Thằng con tôi nhanh nhảu hỏi rồi không đợi má nó trả lời, nó quay qua nhìn tôi: 
  • Vì sắp tới “Father’s Day” rồi.  
 
Vợ tôi “ồ” lên như vỡ lẽ.   Thằng con trai tôi nhìn tôi cười cười:
  • Happy early Father’s Day, Dad!
  • Cám ơn con.
 
Sau khi ăn tối xong chúng tôi lại tà tà đi dạo vòng vòng cho tiêu cơm rồi mới trở về khách sạn.
 
Ngày kế tiếp, theo lịch trình tôi lái xe chở vợ con tới Pigeon River cách chỗ ở hơn tám miles để chơi “chèo thuyền (rafting)” với vé đã mua trên mạng trước đó của NOC (Nantahala Outdoor Center.)  Lâu lắm mới được giỡn cũng sông nước làm tôi bồi hồi nhớ lại thời tuổi nhỏ.  Thuở đó vào những ngày cuối tuần tôi hay về mảnh ruộng của ông ngoài tôi ở Cầu Băng Ky gần với sông Cầu Bình Lợi để câu cá bóng dừa, tát đìa bắt cá lóc hoặc ở truồng ôm bập dừa tắm sông với mấy đứa con trai, con gái của Chú Ba Tiết; nguyên là cảnh sát đặc biệt thời VNCH mới thật vui làm sao!  Giờ đôi khi ngồi nghĩ lại tôi không khỏi ngượng ngùng mắc cỡ và chẳng biết những người con gái nhỏ năm xưa đã ra sao? Hạnh phúc hay cơ cực? Họ còn hay mất?  Trong lúc tôi còn bần thần nhớ về dĩ vãng thì thằng Ben lên tiếng khi thấy vẻ mặt ngơ ngác của tôi:
  • Ba có sao không? Ba vui không?
 
Câu hỏi của thằng nhỏ lôi tôi về thực tại.  Hôm chèo thuyền ấy thật thích thú nhưng đêm về ngủ tôi rã rời, người đau nhức vì lâu lâu mới vận động cơ thể.
 
Trưa hôm sau khi nắng lên cao, chúng tôi ra khỏi khách sạn và mất mười bảy phút để đến Climb Works Smoky Mountain đi “Zipline.”  Vợ chồng con cái tôi không thể khởi hành sớm hơn vì hết chỗ bởi đăng ký trễ. Môn đu dây này nôm na giống như trò “đu dây tử thần” vậy.  Nhưng kỳ này chúng tôi chọn đu tuốt trên đỉnh núi chứ không thấp như lần trước do đó có phần mạo hiểm hơn.  Đứng từ trên cao, giữa không gian bao la, nhìn núi non hùng vĩ trong màn khói mỏng lượn lờ, rừng cây xanh ngát, bạt ngàn bên dưới, thành phố Gatlinburg bé xíu ở tuốt đàng xa mới thấy thân phận nhỏ bé của con người. Tất cả mọi môn chơi thể thao ở đây đều có rủi ro do đó người tham gia lúc nào cũng được yêu cầu ký giấy đồng ý các điều lệ và không được kiện cáo nếu chẳng may xảy ra tai nạn thương vong.  Thằng con trai tôi thì rất thích và hăng hái khám phá những điều mới mẻ do các kỹ thuật viên trẻ trung hướng dẫn.  Đa số họ là sinh viên đi làm “summertime” nên vui vẻ và phóng khoáng nhiều.
 
Trò chơi này đo lường sự gan dạ và dành cho ai thích cảm giác mạnh. Cái gì cũng lụi tàn theo năm tháng nên riêng tôi lần này tôi cảm thấy chân cẳng có phần run rẩy và tim đập nhanh hơn lần đi chơi trước lúc đứng tít trên cao do sợ sệt nên tôi biết mình bắt đầu già.  Bầu nhiệt huyết vượt biên không sợ bị bắn, không sợ sóng biển, không sợ tù đày thời trai trẻ tan dần với tuổi đời chồng chất!       
 
Mấy ngày còn lại chúng tôi mướn xe đạp chạy (biking) trong rừng tìm “gấu” tại Cades Cove, Great Smoky Mountains National Park vì gấu ở đây rất nổi tiếng do có gấu mẹ thường dẫn cả đàn con ra đường vào sáng sớm để kiếm ăn.  Người ta có nói “gặp gấu thì đứng im đừng nhúc nhích rồi từ từ lùi lại nếu nó không thấy mình còn nếu nó thấy và muôn tấn công thì đối với gấu đen mình dùng gạch đá, cành cây và la hét to làm như mình lớn hơn nó, gấu nâu tấn công thì hãy nằm úp xuống để bảo vệ dạ dày, đan chặt ngón tay che ót bảo vệ cổ và gấu trắng thì... cầu nguyện!”  Vì thế mà chính quyền địa phương và hội bảo vệ thú rừng có cắm bảng hướng dẫn du khách phải làm thế nào lỡ gặp  gấu...vô cùng hấp dẫn, khêu gợi trí tò mò của mọi người cũng như có rất nhiều bảng cảnh cáo không được chọc phá, bắn, giết gấu và đặt cả thùng ủng hộ tiền gần chỗ ra vào trong chương trình bảo vệ gấu.  Những ai vi phạm sẽ bị truy tố theo luật lệ hiện hành.  Đấy là lý do vào mùa hè, mỗi ngày có hàng ngàn người lái xe chạy chầm chậm vào đây tham quan, thăm thú thành từng đoàn dài khiến chính quyền phải ra lệnh vào mỗi thứ tư xe cộ chỉ được phép vào sau mười giờ sáng nhằm dành ưu tiên cho “cyclists” chạy trước rất nhộn nhịp trên đoạn đường hơn chín dậm này.
 
Ngày cuối cùng, chúng tôi tới Laurel Falls (Self Guiding Nature Trail) là con đường lên núi  ngoằn ngoèo để đi “hiking.”  Nơi đây có một thác nhỏ khá đẹp vì nước chảy quanh năm tạo thành một con suối rất dễ thương bên dưới thung lũng và cũng là nơi cho những người can đảm leo xuống vui đùa, nghỉ ngơi, ngâm chân trong giòng nước mát lạnh của đá núi. Cũng như hôm đi đạp xe, đông đảo người thích đi dã ngoại, thám hiểm thiên nhiên đến khám phá chỗ này.  Người đi lên, kẻ đi xuống nườm nượp.  Lắm lúc đi trong những đoạn đường hoang vu, lá cây che kín nắng hè, lắng nghe tiếng chim hót vượn kêu tôi chợt nhớ tới trại cải tạo năm xưa nơi núi rừng Đồng Phú, nhớ tới các bạn tù ốm o đói khát, cơm không đủ ăn áo không có mặt, nhớ tới giàn cùm trong Đội 11 (Đội Kỷ Luật) nơi tôi bị cùm chân với người nhạc sĩ tài ba nhưng bạc mệnh Nguyễn Trung Cang thuở nào mà không khỏi chạnh lòng xót xa. Gần bốn mươi năm qua rồi chớ ít ỏi gì nữa đâu mà sao tôi vẫn nhớ hoài đau thương ngày cũ?
 
Chiều đến, con trai tôi muốn đi Pigeon Forge để ăn tối và thăm Nhà Hàng Old Mill vì khi học lịch sử Hoa Kỳ nó có biết qua chỗ này trong thời “civil war.”  Nhà hàng này xây dựng từ năm 1830, nghĩa là nó đã được gần hai trăm năm và người ta vẫn cố gắng gìn giữ nguyên hiện trạng của nó từ trong ra đến ngoài.  Hàng ngày người ta vẫn dùng cái “cối xay” ngày xưa để xay bắp và làm món bánh bắp (corn puppies); đặc sản lâu đời của nhà hàng cho thực khách. Trong thời nội chiến trên lầu mà chúng tôi đang ngồi ăn là nơi bí mật sản xuất quân phục và giày cho Chính Phủ  Liên Bang dưới trướng của cố Tổng thống Abraham Lincoln vì John Trotter; chủ nhân của nhà hàng này đã tham gia làm thành viên của Liên Bang Miền Bắc vào năm 1861.  Nên khi ăn ở đây chúng ta sẽ được ăn các món ăn đặc sắc của Miền Nam nước Mỹ với khẩu phần thật to như sườn non nước (tender country ribs,) gà chiên, gan bò chiên, bánh bắp...và có cảm tưởng như mình là nông dân đang ở vào Thế Kỷ Thứ 19 vậy!  Nhà hàng này đã trở thành một phần quan trọng của cộng đồng địa phương và nó đã được công nhận là di tích lịch sử Hoa Kỳ vào Ngày 10 Tháng 06 Năm 1977. 
 
Đêm ấy thằng con trai tôi thỏa mãn trở về khách sạn vì mong muốn của nó đã được toại nguyện.  Mười giờ rưỡi sáng hôm sau chúng tôi trả phòng, về lại Ohio.  Bận về này thời tiết tốt nên chúng tôi mất đúng thời gian như đã qui định.  Trên đường, đôi lúc vợ con tôi ngủ vùi sau mấy ngày vui chơi mệt mỏi, để lại cho không gian sự tĩnh lặng làm tôi suy nghĩ miên man.  Rõ ràng là kỳ nghỉ này cho tôi thấy qua trận dịch vừa rồi sinh hoạt và đời sống của người dân Mỹ đã đổi khác.  Bạo loạn và bắn giết nhiều hơn, tội phạm gia tăng.  Xã hội phân hóa, nạn kỳ thị chủng tộc bài người Á Châu dâng cao.  Tôi chưa bao giờ thấy phận người mong manh, dễ vỡ như vậy trong hai mươi hai năm sống ở Mỹ.  Tuy nhiên, trong sự thay đổi nhận thức và tư duy từng ngày theo bệnh dịch ấy cuối cùng mọi người, nhất là những người cao niên, nhận ra rằng kiếp nhân sinh thật vô thường để yêu quý cuộc đời hơn.  Sống nay chết mai chỉ như một sát na!  Từ những mất mát đã qua mọi người biết trân trọng gìn giữ tình gia đình hơn, con cháu biết yêu thương cha mẹ ông bà hơn và ngược lại ông bà cảm giác được những phút giây còn gần gũi được với con cháu là vô giá.  Trong cái hạnh phúc ngang đời bất chợt nhận ra đó ai bây giờ cũng hiểu được đó là khoảng thời gian quý báu nhất mà tiền tài, danh vọng cũng không đổi được vì giá trị của tình thương thì bao la và vĩnh cửu!
 
Ohio, ngày 17 tháng 06 năm 2021
Triều Phong (TPN)

Ý kiến bạn đọc
09/07/202117:18:29
Khách
>cuối cùng các cửa hàng buộc lòng phải đưa ra số lượng mua giới hạn để tránh sự thu gom để người tiêu thụ có hàng hóa tiêu dùng lúc khan hiếm trong việc bảo đảm cho sự phân phối được công bằng hơn

Lúc tôi công tác ở Taiwan (3 tháng) thì tháng 2/2020 Covid 19 bùng phát ở China, Taiwan (7 cases), ... thì khẩu trang vẩn còn mua tự do tại đây 49 NT cho 3 medical masks (1 dollar = 30 NT, và Taiwan là 1 siêu cường về khẩu trang y tế, trên 4 triệu medical masks sản xuất tự động hóa mổi ngày). Khi tôi vể Mỹ (có mua đem vể Mỹ một số, bây giờ còn nằm trong garage) thì mới biết là khẩu trang Mỹ khan hiếm, và tăng giá khủng khiếp. Sau này Taiwan phải ra lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang, vì tụi con buôn xuất khẩu chợ đen qua China, Âu Châu, .... vô số và chính phủ không kiểm sóat được và áp dụng luật cấm tích trử và công bằng xã hội , mổi người chỉ được mua 3 medical masks mổi tuần qua sự kiểm sóat của máy tính (có database dựa và số passport, thẻ xã hội, ...) Mỹ nên học Taiwan qua việc này, tại vì ai ở Mỹ củng có số an ninh xâ hội, hay driver license
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 699,608
Khoảng mươi phút sau 12 giờ trưa, chúng tôi đến nhà BS. Lê Khôi. Vừa ra khỏi xe, và trong lúc chúng tôi đang bị choáng ngộp bởi sức nóng trên 100 độ, Thầy Minh Châu tươi cười bước ra tận cửa đón chào và mời chúng tôi vào nhà. Vừa vào bên trong, chúng tôi nhìn thấy Cô đang đứng giữa nhà, rạng rỡ chờ và xướng đúng tên của từng chúng tôi, rồi dang tay ôm choàng chúng tôi. Vài phút sau, tôi xin phép ra xe và lần lượt đem vào mấy giỏ, xách và gói. Bấy giờ Thầy Cô mới giới thiệu dâu của Thầy Cô, vợ của BS. Khôi, cùng cháu gái nội út rất xinh đẹp, thanh cảnh với làn da trắng mịn, ít vẻ á đông trên khuôn mặt. Cháu làm việc cho một công ty tại Mỹ sau khi tốt nghiệp Cử Nhân Toán Học từ Harvard và nay được công ty đài thọ gởi đi học tiếp 2 năm chương trình MA tại London School of Business, một trong những trường nổi danh hạng nhất thế giới. Chúng tôi không quên chúc mừng cháu.
Tôi đi như chạy trong hành lang của thương xá đang đóng cửa vắng tanh không một bóng người vì cơn Đại Dich Covid-19. Đây là Mall lớn và duy nhất trong thành phố Lafayette của tôi nhưng đã đóng cửa từ đầu tháng 3 do lệnh từ tiểu bang để chống lại sự lây nhiễm của Con vi rút Corona này ! Mall chưa bao giờ đóng cửa suốt gần 60 năm , cho nên đây chính là biến cố thê thảm nhưng dĩ nhiên không phải chỉ cho thành phố êm đềm của tôi , mà cho cả thế giới !
Hồi mới qua Mỹ, tôi định cư ờ một thành phố nhỏ vùng biển, mà dân chúng đa phần là người Việt, nghe nói nguyên cái làng chài ngoài Trung vượt biển qua hết đây, họ sống túm tụm với nhau , hàng xóm quen biết thân thiện từ hồi nhỏ , gần như nhà nào cũng sống bằng nghề đi biến y như bên nhà, thành phố có việc làm quanh năm cho mọi người khi xây dựng nhà máy chế biến cua ghẹ đóng hộp bán khắp nơi. Cuộc sống dân tình ở đây dĩ nhiên khấm khá gấp mấy lần bên quê nhà, vì tánh cần cù chịu khó của người quen với lao động tay chân dầm mưa dãi nắng, nên bước đầu khởi nghiệp của họ cũng dễ dàng hòa nhập trên quê hương mới, giàu thì sắm được vài chiếc ghe cào tôm, hay tàu cá ,nghèo thì theo làm “ bạn ghe” (người làm thuê cho chủ trên tàu trong mỗi chuyến ra khơi) cũng có của ăn của để, có nhà đẹp xe sang, nhưng cũng không bỏ được cái tật ham vui những lúc biển động nông nhàn, sau những chuyến ra khơi vất vả, tàu về bến nghĩ ngơi là họ lại rủ nhau đi Casino miệt mài vui thú đỏ đen, nghe đâu có n
Thằng mauricio làm tổ trưởng của nhóm này, nó chuyển đến Đào bang từ Tennessee, tuy nhiên quê quán chánh gốc lại ở tận Chicago. Cha nó đen và mẹ trắng, cái gene trắng mạnh hơn nên nhìn nó chất đen rất ít, tuy nhiên tâm hồn nó lại rặt chất đen. Nó mê đội Bravo và đội Panther như điếu đổ, nó không thích cá độ nhưng thỉnh thoảng cũng có cá cược chút chút theo cả nhóm cho vui. Nó vào hãng này cũng được năm năm rồi, nó chơi thân với Steven và cũng vui vẻ hòa đồng với cả nhóm. Steven thường chửi nó:
Trên đây là Email tôi gửi cho Supervisor báo tin ngày Thứ Sáu 10 tháng 09, năm 2021 là ngày cuối cùng của tôi làm công việc Crossing Guard. Ông Supervisor đã điện thoại đề nghị tôi làm thêm vài tuần nữa để ông có thể kiếm người thay thế vì tôi làm việc lâu năm, có nhiều kinh nghiệm và được bà con dành nhiều cảm tình đặc biệt. Tuy nhiên, tôi trả lời với ông là tôi không thể nào tiếp tục được! Dù tôi rất yêu thích công việc này và tôi cũng rất buồn khi phải giã từ công việc mà tôi đã làm nhiều năm, với bao nhiêu kỷ niệm đẹp. Hiện nay, tôi đã lớn tuổi, sức khoẻ không còn tốt và không còn nhanh nhẹn như thời gian vừa qua.
Lúc sau nầy bà Ba lên cân đều đều.Hễ bữa trước có món cá kho tiêu, chấm rau lang luộc do người bạn hái cho, non trong, ngon quá, quất vô một chén cơm đầy thì, hổng nói thừa, bữa sau leo lên cân tăng liền 3 pounds,vì vậy bà Ba chỉ ăn cơm khi nào thèm lắm.Cứ hai tuần bà mới nấu 2 lon gạo, mỗi bữa ăn, chỉ hai muỗng, thêm nhiều rau củ, để cuối năm mới có hy vọng xỏ vô được cái áo dài đi tiệc thường niên.Vậy mà, cũng tại mấy chị bạn trên facebook.Mấy bả đó nghen,“ác” lắm
Như loài cỏ dại đang thời nở hoa, Bé vẫn đang ưu tư với những ước mơ vươn lên cố chạm được đến cái tinh tuý trong lối giáo dục của Nước Mỹ để sau này Bé có thể áp dụng phần nào vào công việc nhà giáo hiện tại để giúp cho trẻ em Việt Nam. Đặc biệt là những trẻ em có hoàn cảnh bơ vơ như loài cỏ dại không tên không tuổi, nhưng biết là hoa dại có sắc và có hương vẫn gửi vào trong gió bay …
Họ là dân ở vùng Trung Mỹ. Trung Mỹ có 7 quốc gia, nhưng nhập cư vào Hoa Kỳ đông nhất là người: El Salvador, Guatemala, Honduras… Họ nói tiếng Spanish nên người mình gọi họ là “dân Xì”. Họ đi qua nước Mễ Tây Cơ (Mexico) để vào Mỹ nên gọi là “Mễ – “Mễ” hay “Xì” cũng rứa – Dù khác quốc tịch, nhưng họ nói cùng ngôn ngữ, nhân dạng giống nhau: mũi cao, da sậm. Đàn ông: cổ rụt, vai ngang, ngực gồ, chân ngắn, chiều cao trung bình như người Á Đông, nhưng trông họ vạm vỡ, mạnh khỏe hơn. Con gái “Xì” khá xinh, nhưng qua tuổi hai mươi lăm, phần đông phát triển quá khổ ở vòng số 2 và số 3 nên trông họ hơi xồ xề (có lẽ do chế độ ăn uống) nhưng nét lai Âu châu của họ làm cho: “quyến rũ - ưa nhìn”…
Khi Lisa càng lúc càng nghi chồng nàng có thể làm những chuyện đen tối sau lưng mình, Lisa nhất quyết phải tìm cho ra bằng chứng để chứng minh sự nghi ngờ của mình. Từ một mảnh giấy vụn Jerry vất vào xọt rác, nàng tìm thấy mật hiệu để vào máy vi tính của Jerry tìm đọc, xem những thư từ, hình ảnh chồng mình cất giấu từ bao năm qua. Trước đây nàng không nghĩ là mình cần phải làm những điều như vậy, nhưng đến nước này thì sự cần thiết cho một giải thích chính đáng đã khiến nàng vượt qua sự tò mò thông thường của các bà vợ theo dõi chồng mình. Sau một hồi lục soạn bao nhiêu danh mục riêng của Jerry, Lisa không tin mắt mình khi nhìn thấy một tấm hình làm tan nát tim nàng. Quả là nàng đoán không sai, người chồng mà nàng từng tin tưởng tuyệt đối nay lại có thể làm những điều tệ hại như thế này sao!
Đặc biệt sau biến cố năm 1975, dân chúng Việt Nam tỵ nạn được đồng minh và chính quyền Mỹ cho phép định cư vĩnh viễn trên đất nước dân chủ hòa bình tự do bình đẳng cuả họ, thì không chỉ phụ nữ được giaỉ phóng mà ngay cả những mớ bòng bong thời cổ, những rắc rối phiền toái thời phong kiến cũng không cánh mà bay vào dĩ vãng, chẳng ai phải tốn một viên đạn nào, chắng cơ quan xã hội, tự do dân chủ nào phải tổ chức hội họp tuyên truyền biểu tình mít tinh đòi hỏi, chống đối! Tự nó ngoan ngoãn đi vào ngăn cất của thời gian một cách nhẹ nhàng! Những ai còn cố chấp, sẽ bị chính bản thân họ dày vò, bất mãn, bất an, sầu đau, tủi phận…và bị xã hội đào thải, gia đình buông bỏ, sống một mình cô đơn ôm nuối tiếc cho một thời oanh liệt, vàng son đã qua… chờ ngày ngậm ngụi nơi chín suôí!